Đại Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Hạt Bắc Tuy

Đăng lúc: Thứ ba - 07/06/2016 01:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
ĐẠI HỘI CBMCG HẠT BẮC TUY

 
Ngày 5.6.2016, Đại Hội CBMCG Hạt Bắc Tuy, Gp Phan Thiết được tổ chức tại Gx Long Hương.
Để chuẩn bị cho ngày Đại Hội hôm nay, Cha Đặc trách BMCG hạt và Ban Trị Sự Hội BMCG đã nỗ lực không ít cho việc hình thành một chương trình: kính nhờ sự giúp đỡ của quí cha xứ, mời gọi các Ban Trị Sự Giáo xứ cộng tác và vận động chị em sốt sắng tham dự, và cả vấn đề kinh phí.

xem hinh
 
Bắt đầu từ 7h sáng, các thành viên của Hội CBMG Hạt Bắc từ các Giáo xứ: Gx Long Hương, Gx Phan Rí, Gx Long Hà, Gx Hòa Thuận, Gx Lương Sơn, Gx Suối Nhum, Gx Sông Lũy, đã tề tựu tại Thánh Đường Gx Long Hương để tham dự ngày Đại Hội CBMG của Hạt. Thật là vui mừng vì số các bà các chị tham dự Đại Hội lần này trên 600 người.
 
         
08g00, mở đầu cho ngày sinh hoạt Đại Hội, đôi cha con MC duyên dáng của Gx Long Hương là anh Phê-rô Trần Hùng và con gái là Têrêsa Trần Bảo Mỹ Duyên, đã khuấy động bầu không khí với những vũ điệu, những bài hát sinh hoạt vui vẻ.
         
Hơn 15 phút vui nhộn chào mừng nhau trong tình hiệp nhất, yêu thương, đại diện Ban Trị Sự BMCG Hạt và các Giáo xứ, long trọng Rước cờ Hội cùng chào Quý Cha, Quý Khách tham dự Đại Hội
-         Cha Pet Nguyễn Xuân Anh, Tổng Đại Diện, Hạt Trưởng Hạt Bắc Tuy
-         Cha Pet Phan Ngọc Cẩm, Đặc Trách Hội CBMCG Hạt Bắc Tuy
-         Quý HĐMV Gx Long Hương
-         Quý BĐH Gia Trưởng Hạt Bắc Tuy
 
Sau lời chào mừng Quý Cha, Quý Khách, lời chúc sức khỏe của Bà Maria Trần Thị Cúc, Hội Trưởng CBMCG Hạt Bắc Tuy, Cha Tổng Đại Diện đã ban huấn từ khai mạc.
Mở đầu Huấn từ, cha thay mặt Đức Cha Giuse gửi đến Cha Đặc Trách, Ban Trị Sự cùng tất cả Hội Viên BMCG trong ngày Đại Hội  hôm nay, lời chào thân thương quí mến và lời chúc bình an, thánh thiện, yêu thương, hiệp nhất, thành công nhờ Lòng Chúa Thương Xót và nhờ lòng xót thương của mỗi người”.
Cha vui mừng về việc tổ chức Đại Hội, cho thấy ‘cái nhìn quí trọng của Giáo Hội đối với Phụ Nữ; và không chỉ là Đại Hội, mà phải là dịp thuận tiện, để các bà các chị múc lấy nguồn ân sủng thiêng liêng, đặc biệt là nguồn ân sủng của Lòng Thương Xót, để biến gia đình mình nên tổ ấm yêu thương, nên thiên đường hạnh phúc’.

Sau lời Tuyên Bố khai mạc của Cha Tổng Đại Diện, Cha Pet Phan Ngọc Cẩm, Đặc Trách Hội CBMCG Hạt Bắc Tuy đã thuyết trình đề tài “Bà Mẹ Công Giáo Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót”.

Bài thuyết trình rất sâu lắng về nỗi lòng của Thiên Chúa yêu thương con người: một tình yêu cho đi cách nhưng không, quí giá, với ơn Cứu chuộc bằng Giá Máu Chúa Giê-su Ki-tô, con Thiên Chúa, Dung Mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha, của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Và với tâm tình thương mến đoàn chiên sẵn có của Cha Thuyết Trình, bài thuyết trình của Cha còn rất sống động, rất cụ thể, cùng với những hướng dẫn chi tiết về việc các bà các chị phải mặc lấy lòng thương xót của Chúa, mà xây dựng gia đình ngay trong mọi hoàn cảnh của gia đình, dẫu có khi là bi đát.
Bài thuyết trình có lúc thấm đẫm nước mắt của những người làm vợ, làm mẹ, nhưng nhờ lòng thương xót, mỗi bà mỗi chị đã thắp lên trong lòng mình một ngọn lửa hy vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Ngọn lửa ấy mang tên: Lòng Thương Xót.
 
Sau khi nghe thuyết trình sốt sắng và tâm tình, các bà các chị giải lao và chuẩn bị cho Thánh Lễ.
Thật đẹp mắt và trang trọng cảnh đoàn rước đồng phục trắng tinh tiến vào Thánh Đường. Cha T Đ D,  Hạt Trưởng chủ tế. Cùng đồng tế là tất cả các cha chánh và phó xứ trong Hạt.

Trong bài giảng lễ, cha chủ tế chia sẻ Lời Chúa CN 10 TN C, về việc Thiên Chúa là Đấng Xót Thương, và Chúa Giê-su, mạc khải Lòng Thương Xót ấy, bằng chính Lòng Thương Xót của một con Thiên Chúa làm người. Ngài thấu hiểu nỗi buồn, niềm đau và tất cả những thương tích cuộc đời của con người, cách riêng, nỗi đau của  người làm mẹ, làm vợ, của thân phận phụ nữ trong xã hội.
Với ánh nhìn “chạnh lòng thương” của Chúa Giê-su, và việc dung Lời Quyền Năng và Thương Xót của Ngài cho con trai bà góa sống lại, Cha chủ tế mời gọi các bà các chị ‘trước tiên hãy xin cho chính mình sống lại phần linh hồn’, và sau đó, khẩn thiết xin cho “chồng con sống lại về phần linh hồn’, ‘sống trong ơn nghĩa Chúa’, đó chính là chìa khóa hạnh phuc. Bởi vì, khi cả gia đình cùng sống trong ơn nghĩa Chúa, thì sẽ không còn những đau khổ, thất vọng, buồn chán, mà người nầy phải gánh chịu vì cách sống của người kia.
 
Trước khi nhận lãnh ơn toàn xá cuối lễ, Cha Đặc Trách Hội CBMCG Hạt Bắc Tuy đã có lời cảm ơn đến Cha Tổng Đại Diện  - Hạt Trưởng, Quý Cha, Quý Khách, cùng hơn 600 các bà mẹ đã tề tự về Gx Long Hương với ngày Đại Hội hôm nay.
         
Bữa cơm thân mật, hiệp nhất, yêu thương, cùng với những tiết mục văn nghệ như những niềm vui chia nhau từ các giáo xứ, đã kết thúc ngày Đại Hội với nhiều hồng ân Chúa, và nhiều lưu luyến.
 
BTT Long Hương
 
 
BÀI GIẢNG
 
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Các bà các chị thân mến,
Lời Chúa hôm nay là quà tặng cho Đại Hội chúng ta, quà tặng ấy mang tên:
“Nỗi đau của Mẹ được chữa lành”.
 
Mở đầu phần Lời Chúa ở bài đọc 1, chúng ta được nghe câu chuyện rằng: Tiên Tri Elia, ở trọ nhà một bà kia. Bất ngờ, con trai bà chủ chết.  Bà chủ đau đớn lắm và trách Elia mang họa tới cho nhà mình: "Thưa người của Thiên Chúa, giữa tôi với ông có liên can gì? Ông đến nhà tôi để khơi lại những tội của tôi và giết chết con tôi sao?”. Ông Elia nhận lấy đứa trẻ đã chết, khẩn cầu Thiên Chúa, và nằm ấp lên đứa bé 3 lần. Đứa bé sống lại. Ông giao cho bà chủ. Bà ta thưa cùng Êlia rằng: "Bây giờ nhờ việc này, tôi biết rõ ông là người của Thiên Chúa, và lời của Chúa nơi miệng ông là lời chân thật". 
Thế là “nỗi đau của mẹ được chữa lành”, vì con mình đã sống lại.
Trong bài Tin Mừng, kể lại câu chuyện ‘người ta đang đi đám tang con trai của bà góa thành Naim’. Nghĩa là, có bà kia đã chết chồng, may còn một con trai, vậy mà, nay con trai bà cũng đã chết. Còn đau đớn nào hơn. Người Mẹ khóc lóc vì con bỏ mình ra đi trước, để mình vò võ cô đơn. Bà khóc thảm thiết. Bao nhiêu người chứng kiến đám tang và thương tiếc người thanh niên ngắn số. Được mấy ai thấu hiểu nỗi đau của người Mẹ.
Chúa Giê-su thấu suốt nỗi lòng Mẹ. Ngài chạnh lòng thương. Ngài bảo chị ấy đừng khóc nữa. Ngài đưa tay chạm vào quan tài. Và bảo “Hỡi thanh niên. Hãy chỗi dậy”.
Thế là “nỗi đau của mẹ được chữa lành” vì chàng thanh niên là “đứa con côi” đã sống lại, thỏa lòng yêu thương của “mẹ góa”.
 
Các bà, các chị thân mến,
Các bà, các chị, những người làm mẹ, làm vợ có vô vàn nỗi đau, thiên hình vạn trạng, không nỗi đau nào giống nỗi đau nào, không nỗi đau của ai giống của ai. Chỉ tóm lại là “đàn bà có quá nhiều đau khổ”.
Vâng, từ thưở nào xa xưa, quan niệm trọng nam khinh nữ đã hình thành trong nhân loại một nếp nghĩ không mấy tốt đẹp về người phụ nữ, và cách con người ta đối xử với người phụ nữ cũng quá sức bất công. Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều:
 “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Lời thơ là lời than thống thiết về nỗi đau khổ to lớn của kiếp người đàn bà, vừa là lời kết án tội ác của chế độ phong kiến bất công chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ.
 
Chuyện phụ nữ bị đàn áp, xem nhẹ, đã xưa như quả đất, chuyện người ta đã lên án bao đời, tại sao cho đến bây giờ, cho đến hôm nay, năm 2016 rồi, mà vẫn còn lặp đi lặp lại trong nhà mình, trong xứ mình… thật là vô lý.
Thỉnh thoảng cả làng lại được nghe những thông tin không vui nơi các gia đình, cũng thì chuyện cãi cọ nhau, đánh đập nhau, nghi ngờ nhau, mắng nhiếc nhau, làm nhục nhau, kết án nhau…. mà người bị nạn hầu hết là người vợ. Thật là thương tâm.
Biết là thương tâm, nhưng ai hiểu cho ai được chuyện riêng kín kẻ của mỗi nhà, mỗi người. Ai có thể thò tay vào chuyện của người khác nếu không có sự đồng thuận của cả vợ cùng chồng. Nếu các bà ra mặt bênh vực chị em mình trước mặt chồng người, thì hãy coi chừng chị em mình lại bị thêm một trận đòn nhừ tử nữa, vì “mày làm xấu mặt tao trước mặt mọi người”. Nếu có ông nào bênh vực người phụ nữ này, thì hãy coi chừng càng rách việc thêm: “à thì ra mày có tình ý với nó, nên mày mới xử với tao làm vậy, tao cho tụi bay chết có đôi”. Nếu đưa chuyện này ra ở phường ở xã, thì khác nào quảng cáo một sự tồi tệ của đời sống gia đình công giáo, và là nguyên nhân dẫn đến sự chia lìa đỗ vỡ theo luật đời mà luật đạo không cho phép.
Trước những tình cảnh bi đát trong đời, đã có một số bà, một số chị sống mà như chết thật. Trái tim còn nhịp đập, mà tình yêu thì nguội ngắc, nguội ngơ, lạnh lùng băng giá…., dẫn tới việc chu toàn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ một cách sơ sài, qua loa chiếu lệ, tới đâu hay tới đó.
Có nhiều người đã buông xuôi tuyệt vọng, như đã chết niềm tin tưởng nơi chồng, chết tình yêu, chết nỗ lực hy sinh dâng hiến, chết niềm vui, chết hy vọng, chết thời gian như tù ngục, chết tương lai, chết cả đời người phụ nữ. Thậm chí đã có nhiều bà, nhiều chị xé rào vụng trộm để tìm một sự giải thoát cho mình, tìm sự nâng đỡ, an ủi chóng vánh.
 
Một bà mẹ công giáo, không thể buông xuôi, thất vọng mà chấp nhận cái chết như thế được. Cũng không thể chấp nhận sự vụng trộm ngoài hôn nhân được.
 Ngược lại, phải tìm đến với lòng thương xót Chúa, mà nài nỉ, khẩn cầu, mà khóc lóc van xin với lòng tin tưởng chắc chắn rằng Chúa sẽ nghe lời Chúa sẽ nhậm lời, Chúa sẽ ra tay cứu chữa.
Trước tiên các bà các chị hãy xin cho mình được sống lại, sống lại đức tin, sống lại việc tuân giữ lề luật Chúa, sống lại ‘tình thương dành cho chồng cho con, tình thương quí giá mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim người phụ nữ. Xin cho mình sống lại niềm vui dâng hiến, sống lại ơn chịu đựng, sống lại đức khiêm nhường, hiền lành nên giống Chúa bằng lòng vác thập giá theo chân Chúa.
Vâng, trước tiên, các chị các bà phải là người đang sống, sống tha thiết với tình yêu Chúa và tình yêu cho chồng cho con.
Để làm gì ? thưa là: mình phải sống mới có thể cứu rỗi những người trong gia đình mình đang chết. Nhất là người chồng mình đang chết: Chết tình người. Chết lòng thương. Chết lương tâm. Chết nhân cách . Chết lý trí. Chết phép lịch sự . Chết ý nghĩa vợ chồng. Chết lòng cảm thông. Chết lòng bao dung quảng đại. Chết những cử chỉ âu yếm, niềm nở. Chết những câu nói đàng hoàng dễ thương, dễ nghe.
 
Một điều cần nhớ là  “Nỗi đau lớn nhất của các bà các chị, đó là chồng mình đang chết, con mình đang chết phần linh hồn, chết niềm tin, chết lòng yêu mến Chúa.
Thiết tưởng, cái chết tâm linh đó, mới là cái chết làm cho các bà các chị đau khổ nhiều nhất.
Chúa chạnh thương 2 người đàn bà kia thương khóc con mình chết phần xác. Và Chúa đã chạm tay vào chiếc quan tài mà người thời bấy giờ cho là nhơ uế kia, và phán một lời cho người chết sống lại.
Hãy tin tưởng vào Chúa Giê-su, dung mạo lòng thươg xót của Chúa Cha, có quyền phép làm cho kẻ chết phần linh hồn được sống lại, nhờ lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta, nhờ ơn mạc khải của Chúa Thánh Thần, và việc tội nhân đến với Chúa Giê-su nơi tòa giải tội.
Chân phước Hồng Y Phan-xi-cô Xavie Nguyễn Văn Thuận có nói: “Không có vị thánh nào mà chẳng có một quá khứ. Chẳng có tội nhân nào mà không có một tương lai”.
Ngay như Thánh Phao-lô trong bài đọc 2 đã thú nhận:  “Anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia khi theo đạo Do-thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội thánh của Thiên Chúa thái quá”. “Nhưng Đấng kêu gọi tôi, đã thương mạc khải Con Người trong tôi, để tôi rao giảng Ngài trong các dân ngoại”.
Vì thế, các bà các chị hãy là người đang sống trong ân nghĩa Chúa, và ra sức mà cầu nguyện với lòng tin tưởng tuyệt đối nơi Lòng Chúa Xót thương, cho con mình, cho chồng mình sống lại thật về phần linh hồn.
Vì nếu chồng con các bà các chị sống lại phần linh hồn, sống lại đời sống tâm linh, sống lại với đức tin, sống lại với lòng yêu mến Chúa, sống lại việc đi lễ, xưng tội, rước lễ, làm các việc đạo đức, biết giữ lề luật Chúa và Giáo Hội, thì hẳn nhiên, là sẽ không còn những cái chết đáng tiếc khác nữa, không còn xảy ra những chuyện vũ phu, tàn bạo đau khổ kia nữa. và như thế là “Nỗi đau của Mẹ được chữa lành”.
 
Hãy kết hiệp nỗi đau của mình với Chúa Giê-su, như Mẹ Maria đã từng kết hiệp. Hãy tin tưởng, và kiên tâm cầu nguyện như thánh nữ Monica. Hãy phó thác như bà mẹ thành Naim trong Tin mừng…
Chúa giàu lòng xót thương đang nhìn mỗi bà mỗi chị ở đây với cái nhìn thấu suốt từng nỗi đau đời làm vợ, làm Mẹ. vì thế, hãy tin tưởng vào Chúa Giê-su đang luôn luôn để mắt. thấu hiểu nỗi lòng của các bà các chị, và nhờ Chúa Giê-su:
“Nỗi đau của người làm vợ, người làm mẹ, sẽ được Chúa Giê-su chữa cho lành”.
 
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chạnh lòng thương bà góa thành Naim, vì con trai bà đã chết, và làm cho con trai bà góa sống lại;
Chúng con tin tưởng Chúa đang chạnh lòng thương mỗi bà mỗi chị của chúng con đây, đang đau khổ vì “sự chết phần tâm linh nơi chồng con” của chúng con, xin Chúa cho gia đình chúng con hết thảy được sống lại phần linh hồn, sống lại đời sống ơn nghĩa với Chúa, sống lại lòng kính mến Chúa và yêu thương nhau. A men.
 
 
 
 
Từ khóa:

tổ chức

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận