Chuyện kể sau một tuần, về Thánh Lễ Đặt Viên Đá Nhà Mục Vụ Giáo xứ Đakai

Đăng lúc: Thứ năm - 02/11/2017 02:17 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

KHI CƠN MƯA KHÔNG THÀNH BÃO

 

Chuyện kể sau một tuần, về Thánh Lễ Đặt Viên Đá Nhà Mục Vụ Giáo xứ Đakai

 

hình ảnh


Cơn bão số 11 vừa chấm dứt, mọi người chưa kịp mừng, cơn áp thấp cuối mùa lại hình thành ở biển đông, và nỗi lo cũng thành hình trong lòng mọi người con giáo xứ Đakai đang chuẩn tất bật chuẩn bị thánh lễ Đặt viên đá đầu tiên nhà Mục Vụ Giáo Lý vào ngày 23 tháng 10. Mưa tầm tã trên diện rộng suốt mấy ngày cuối tuần từ 20, 21, 22 tháng 10, gây nên những lũ lụt khắp miền từ Lagi miền biển cho đến vùng núi Đức linh, trùm qua vùng Phương lâm và Đakai, giáp dãy núi phía nam của cao nguyên Di linh. Nhờ Chúa che chở qua lời bầu cử của Mẹ Maria Mân côi Quan thầy, buổi sáng đầu tuần hôm 23/10, không như dự báo thời tiết, bầu trời đã quang tạnh, làm cho sự mát mẻ trong lành của vùng đồng ruộng triền núi Đakai nép bên dòng song La-ngà càng thêm chút thơ mộng mà sảng khoái. Chưa đến 8 giờ sáng, dòng người từ khắp phương xa đã tụ về với địa chỉ trong vùng núi xa nhất của Giáo phận Phan thiết. Đặc biệt, một trong những “vị khách” đến sớm nhất lại chính là Đức Giám Mục Tô ma Nguyên văn Trâm, Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan thiết, cùng với Cha Tồng đại Diện giáo phận, vượt qua chẳng đường 140 cây số từ Tòa Giám Mục Phan thiết.

 

Đúng 9 giờ, trong tiếng chuông hòa với tiếng kèn của nhạc đoàn giáo xứ Bình lâm và tiếng hát ca đoàn, đoàn lễ nghi rước Đức Giám Mục cùng quý cha đồng tế tiến vào thánh đường dâng thánh lễ Mẹ Mân côi và cầu nguyện cho công trình của giáo xứ.

 

Tiết trời mát mẻ giúp bầu khí phung vụ thêm sốt sắng, ấm cúng và thân thiện.  Cộng đoàn hiệp thông với Giám chủ tế hôm ấy gồm  quý Cha Hạt trưởng trong giáo phận, quý Cha trong và ngoài Giáo hạt Đức tánh, cùng nhiều đoàn tín hữu từ nhiều xa gần đến chia sẻ với giáo dân Đakai. (Trong đó rất nhiều anh chị em từ các giáo xứ vùng Phương lâm, cùng với sự hiện diện của  Cha  Hạt trưởng Fanxico Xavier, dù bận rộn với ngày kỷ niệm 20 năm thụ phong linh mục của mình, đã đem đến nhiều cảm xúc cho Cha Quản xứ Phêrô Đặng Hữu Châu).

 

Trong bài giáo huấn, Đức Cha Tô-ma nhắc nhủ giáo xứ cần  xây dựng cộng đòan yêu thương, trước khi xây dựng công trình vật chất.  Ngài cũng nhắn nhủ đến tinh thần truyền giáo nơi vùng đất này. Và thật bất ngờ với cộng đoàn vì Ngài đã rõ địa danh này từ rất lâu, trước khi Đakai hình thành giáo xứ, vì  Ngài đã từng đặt dấu chân mục tử lên giáo xứ An Lâm, cận biên của Đakai, khi còn là Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân lộc. Như rút ra từ kinh nghiệm ấy, Ngài xác quyết với cộng đoàn rằng “Thiên Chúa luôn chăm sóc dân Người qua các mục tử”.

 

Bầu khí thân thiện của Thánh lễ tiếp tục được kéo dài trong bữa tiệc giáo xứ tri ân, bằng những khẩu vị thân thiện của ẩm thực cùng những tiết mục nhẹ nhàng và chuyên nghiệp do anh em nghệ sĩ nhóm nhạc “Chúa Sai Tôi Đi” từ Sài gòn về. Giáo xứ nhà quê Đakai vui mừng vì buổi lễ và bữa tiệc đã được diễn ra với tiết trời dịu mát và ráo tạnh, làm cho quý khách đường xa bớt vất vả, mà được một lần rảo chân đến tận biên xa nhất của Giáo phận. Cám ơn Chúa. Khi cơn mưa không thành bão, chúng con biết rằng “Thiên Chúa luôn chăm sóc dân Người” như lời giáo huấn của Đức Cha chủ tế đã xác quyết.

 

 

Lời Ng ….

Giáo xứ Đakai cách thành phố Phan thiết 140 Km về phía tây, hình thành từ những đàn chiên tản lạc lẫn trong các nhóm nhập kinh tế mới, từ nhiều nơi trở về vùng triền núi hoang vu nầy vào nhưng thập niên 80 , 90. Lúc bấy giờ tín hữu phải đi qua các giáo xứ vùng Phương lâm giáo phận Xuân lộc, cách 10 km để tham dự thánh lễ.

Vượt qua những khó khăn thời cuộc lúc ấy, Đức cố Giám Mục Nicolas Huỳnh văn Nghi và Quý Cha tiền nhiệm đã chăm lo cho đàn chiên tản lạc, tạo lập cho cộng đoàn thửa đất 3000 m2, và xây dựng được ngôi thánh đường xinh đẹp, nhờ công lao của quý Cha và ân nhân xa gần. Tuy nhiên chiều rông thửa đất chỉ có 30 m không đủ để xây dựng nhà mục vụ và những hang  mục khác, để có cơ sở vật chất sinh hoạt phát triển như một giáo xứ trưởng thành. (Các em thiếu nhi vẫn còn phải học giáo lý nơi các bậc tam cấp hay dưới tán cây). Dù hiện nay giáo xứ đã có 1.510 nhân danh, xen giữa trên 13 ngàn dân cư, sống trải dài trên 30 km đường…

 

….Vì thế, giáo xứ đã cố gắng qua ba lần mua thêm đất mở rộng, nay diện diên tích đất tổng cộng đã hơn 12 nghìn m2, phù hợp để xây dựng nhà mục vụ giáo lý và đoàn thể. Công trình ước mong sắp tới của giáo xứ chúng con gồm một dãy nhà Mục vụ giáo lý và nhà sinh hoạt đa năng vơi diện tích 600m2 và nhà xứ 350m2, cùng một số công trình phụ khác.

 

Giáo xứ còn một ước mơ xa hơn. Cách nhà thờ khoảng 13 cây số, ở thôn Rumô thuộc địa bàn giáo xứ, có khoảng gần 100 gia đình công giáo mới nhập cư. Nếu ý Chúa sắp xếp và được sự giúp đỡ, chúng con sẽ chuẩn bị thửa đất, tao lập giáo họ mới để phục vụ nhu cầu thờ phượng và mở rộng vùng truyền giáo cho Giáo hội, phục vụ anh chị em.

Những thao thức như thế nơi vùng đất cần nhiều mục vụ loan báo Tin mừng thật là bức thiết, thực sự vượt quá khả năng của đàn chiên nhỏ bé và kinh tế bấp bênh như chúng con. Sống nhờ nông nghiệp nhưng diện tích ruộng không nhiều, cây lâu năm trên triền núi thì thời tiết phức tạp nửa cao nguyên nửa đồng bằng, nên cây trồng khó thích nghi, thường mất mùa nhiều hơn được mùa. Có nhiều năm mất trắng đến đỗi gần 1/3 dân cư phiêu bạt đi làm thuê xứ người. Nên chúng con cần lời cầu nguyện và sự nâng đỡ nhiều từ quý Cha và ân nhân trong và ngoài Giáo phận.

 

 

BAN TRUYỀN THÔNG GX. ĐAKAI

 

 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 26 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Ban Ban - Đăng lúc: 02/11/2017 13:15
Câu này khó hiểu quá: "Cộng đoàn hiệp thông với Giám chủ tế hôm ấy gồm quý Cha Hạt trưởng trong giáo phận, quý Cha trong và ngoài Giáo hạt Đức tánh, cùng nhiều đoàn tín hữu từ nhiều xa gần đến chia sẻ với giáo dân Đakai."

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận