Thứ Ba Tuần 4 TN

Đăng lúc: Thứ ba - 03/02/2015 02:50 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 4 TN: Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo

BÀI ĐỌC I (Dt 12, 1-4)
Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đầu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

TIN MỪNG (Mc 5, 21-43)
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?'” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi!”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn.

Thánh Blasiô, giám mục tử đạo

Có nhiều câu chuyện vây quanh thánh Blasiô. Ngài là giám mục Sêbasta, miền Armênia; Ngài hiến cả xác hồn cho dân chúng… nhất là dân nghèo, Ngài đã học nghề thuốc, nhưng không bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, dường như vị y sĩ vĩ đại này muốn nói rằng: “Tôi băng bó cho họ nhưng Thiên Chúa chữa lành cho họ”. Ngài rao giảng, dạy dỗ, nhưng không có bài học nào hay hơn chính gương mẫu đời Ngài.
Năm 315, một cuộc bách hại bùng ra dưới triều đại vua Luciniô. Đức giám mục giúp đỡ các vị tử đạo. Rồi để trốn thoát các kẻ thù địch, Ngài ẩn mình ở hang núi Agêa, là nơi Ngài sống bằng rễ cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh Ngài và Ngài chữa lành cho những con bệnh tật. Mỗi ngày một đông dân chúng tuốn đến với Ngài. Nếu thấy Ngài đang cầu nguyện chúng lặng lẽ không ngăn trở và đợi cho đến khi Ngài cầu nguyện xong. Khi đó Thánh nhân quay lại với đoàn vật và chúc lành cho chúng và đoàn vật mãn nguyện trở lại sa mạc.
Agricôla, quan cai trị Cappadecia tìm thú rừng sống trong các khu rừng gần Sêbasta, để xé các Kitô hữu. Đoàn người đi săn ngạc nhiên khi thấy cả bầy sói, gấu, sư tử trong một cái hang vây quanh một người, đang cầu nguyện. Họ vội về báo tin cho Agricôla và ông này đã truyền bắt vị tu rừng này. Thấy binh sĩ của nhà vua. Blasiô bình thản nói:
- Tôi đã sẵn sàng. Đêm qua Chúa hiện ra và nói với tôi, là Ngài ưng nhận lễ hy sinh của tôi.
Trên đường Ngài đi qua, dân chúng tuốn đến, trong số ấy có cả các lương dân. Họ khóc lóc xin người chúc lành. Một người mẹ đặt đứa trẻ đang hấp hối dưới chân Blasiô và nhìn trời bà la:
- Lạy Chúa nhân từ, xin đừng bỏ qua lời cầu của tôi tớ Ngài. Xin hãy trả lại sức khỏe cho tạo vật bé bỏng của Ngài.
Blasiô cúi xuống đứa trẻ hấp hối, cầu nguyện. Trời cao đã nghe Ngài, và người mẹ hân hoan đón nhận lại đứa con tràn đầy sức sống.
Khi đức Giám mục xuất hiện, Agricôla đưa nhiều hứa hẹn lẫn lời đe dọa. Nhưng điều này đã luống công. Thánh nhân nói:
- Tôi không sợ các cực hình Ngài đe dọa vì thân xác tôi nằm trong tay Ngài, nhưng linh hồn tôi thì không.
Ngài đã bị đánh đập tàn nhẫn và bị tống ngục. Các Kitô hữu tới thăm, Ngài an ủi khích lệ và chữa lành cho họ. Ngài đã giải cứu cho một đứa trẻ gần ngộp thở vì mắc xương cá. Vì kỷ niệm này và cũng vì lời cầu nguyện sau cùng khi đưa cổ cho lý hình, thánh Blasiô được kêu cầu cách đặc biệt để xin Ngài chữa lành các bệnh nhân đau cổ họng.
Những tường thuật về các phép lạ đi kèm với cái chết của Ngài thành gia sản truyền tụng rất được các giáo phụ ưa thích. Sau mỗi cuộc tra xét với một cực hình mới lại có một phép lạ đánh dấu cuộc trở lại ngay trong phòng giam của Ngài. Phép lạ lừng danh nhất là phép lạ về ngẫu tượng. Các Kitô hữu đến săn sóc những vết thương cho Ngài, đã ném xuống hồ các thần tượng của nhà cầm quyền. Họ bị tố giác và chịu tử dạo. Blasiô cũng bị kết án dìm vào hồ này, nhưng Ngài làm dấu thánh giá và đi trên mặt nước, rồi Ngài mời các quan tòa đi theo để minh chứng uy quyền các thần linh họ thờ. Những người nhận lời bị chết chìm ngay. Vị tử đạo vừa mới cho thấy vinh quang Thiên Chúa, liền được một thiên thần mời trở lại bờ hồ để chịu cực hình, Ngài vâng lời ngay. Agricôla bối rối liền truyền chém đầu Ngài. Blasiô trước khi chết, đã nài xin Chúa tỏ lòng nhân từ với những ai nhờ lời Ngài bầu cử mà xin cứu giúp.

Suy niệm 1: Chúa Giêsu tỏ uy quyền trên sự sống và sự chết
1/ Sống, nhất là sống đời đời là một điều vô cùng quí giá, không có một giá trị nào trên trần gian này có thể mua được. Chúng ta vẫn tin rằng, đằng sau cuộc sống này là cuộc sống vĩnh cửu nhưng không biết niềm tin của chúng ta như thế nào?
Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng:
- Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng.
Bà cầu nguyện suốt ba ngày cũng vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra ngay sau bàn thờ:
- Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.
Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện. (Góp nhặt)
Có lẽ chúng ta cũng như thế. Chúng ta mới chỉ tin vào sự sống thật mai sau trên môi miệng nhưng trong thực tế có lẽ chúng ta còn coi trọng sự sống đời này hơn.
2/ Đối với Chúa, chết chỉ là một giấc ngủ, mở mắt thức dậy là một cuộc sống thật, cuộc sống vĩnh cửu.
Khi Lazarô chết, Chúa Giêsu nói: “Lazarô, bạn của Ta đang yên giấc. Thầy đi đánh thức anh ấy dậy”(Ga 11,11).
Hôm nay, khi đứng trước một đứa bé đã chết, Chúa Giêsu nói:
- Đứa bé có chết đâu. Nó ngủ đấy thôi (Mc 5,39).
Vậy có hai việc phải làm.
* Phải tin vào cuộc sống mai sau.
Nếu không tin vào cuộc sống mai sau thì làm sao con người có thể đủ can đảm sống cho cuộc sống đó.
Một vị Giám Mục nổi tiếng hiền hòa, dễ mến. Khi được hỏi bí quyết để được an tâm bước vào đời sau, Ngài đáp là:
Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để bảo tôi là đời tôi phải tới đó.
Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ tôi sau này thật nhỏ hẹp.
Thứ ba, tôi nhìn chung quanh tôi để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi.
Thứ bốn, tôi phải luôn học để biết hạnh phúc thật ở đâu, mọi nỗ lực của tôi sẽ chấm dứt như thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao! (Góp nhặt)
* Thứ đến là phải tin vào Thiên Chúa.
Cả hai phép lạ thánh Marcô kể lại, đều là kết quả của lòng tin:
- Chúa đã nói với người đàn bà bị bệnh loạn huyết: “Đức tin con đã chữa lành con”(Mc 5,34).
Băng huyết là bệnh nan y trong thời Chúa Giêsu. Người mắc bệnh này thường tuyệt vọng. Nhưng người phụ nữ trong Tin Mừng đã không giam mình trong nỗi thất vọng. Bà đã tìm đến với Chúa và hết lòng tin vào Người. Bà tin rằng, Người có thể lấp đầy những khát vọng của mình. Dù cách biểu lộ niềm tin của bà còn thô thiển nhưng lòng của bà rất chân thành. Bà đã tìm cách sờ vào áo của Chúa và chỉ cần như vậy thôi cũng đủ để Chúa Giêsu nhận ra lòng tin mãnh liệt của bà, lòng tin mà, theo Chúa, đã cứu chữa bà và đem lại cho bà sự bình an.
- Còn đối với ông trưởng hội đường, Chúa bảo: “Đừng sợ, hãy cứ tin”(Mc 5,36).
Trường hợp này là trường hợp hết sức đặc biệt. Ai cũng biết ông ta là một nhân vật quan trọng: Vừa là chủ tịch ban quản trị nhà hội, vừa là chủ tịch hội đồng trưởng lão có trách nhiệm thu xếp mọi việc trong nhà hội nhưng khi con gái ông ngã bệnh, ông đã nghĩ ngay đến Chúa Giêsu. Không những thế ông còn đến gieo mình dưới chân Chúa Giêsu, là một ông thầy giảng đạo lang thang mà trước đó có thể ông đã xem Ngài như một kẻ xa lạ, một người giảng tà giáo nguy hiểm, một người bị các nhà hội cấm kỵ, một kẻ mà bất luận một người nào coi trọng chính đạo cũng phải xa lánh.
Ở đây chúng ta thấy, ông đã đủ khôn ngoan để biết từ bỏ các thành kiến của mình vào lúc cần thiết nhất.
Lúc này và ở đây chỉ có một điều quan trọng đối với ông: con ông phải được sống và ông thấy chỉ có Chúa Giêsu mới cứu được con mình. Chính vì thế mà ông đã đến với Chúa bằng tất cả một niềm tin chân thành và quả thực Chúa đã không phụ lòng ông.
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.

Suy niệm 2: TIN LÀ SỐNG
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” đó là lời Đức Giêsu khẳng định với ông trưởng hội đường Giaia. Ở đâu có lòng tin ở đó có sự sống. Trình thuật tin mừng theo thánh Matcô hôm nay đã chứng minh cho điều đó.
Câu chuyện xảy ra vào lúc Đức Giêsu và các môn đệ đang ở Ghêrasa đó là vùng đất của dân ngoại. Khi thầy trò xuống thuyền chuẩn bị trở về Biển Hồ thì đám đông tụ lại quanh Đức Giêsu, lúc đó ông Giaia trưởng hội đường cũng đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Đức Giêsuvà nài xin Người chữa con gái ông khỏi chết.
Thấy thái độ thành khẩn và khiêm tốn của ông trưởng hội đường, Đức Giêsu liền đi với ông trở về nhà. Trên đường đi, có đám đông cùng theo và họ chen lấn xô đẩy nhau. Trong số đó có một phụ nữ bị bệnh loạn huyết suốt mười hai năm cũng đi theo và bà tự nhủ “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi là sẽ được cứu”. Nói là làm, bà can đảm len vào giữa đám đông tiến đến phía sau và sờ vào áo Người. Tức thì bệnh loạn huyết biến mất, bà cảm thấy trong người có một sự thay đổi lớn. Lúc ấy, Đức Giêsu cũng cảm nhận có một sức mạnh vừa chạm vào,Người liền quay lại như để xác nhận với đám đông về sức mạnh của lòng tin và quyền năng của Thiên Chúa.Về phần con gái ông trưởng hội đường, có người nhà đến báo không còn hy vọng cứu chữa vì cô bé đã chết. Nghe vậy, Đức Giêsu liền quay ra khích lệ: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.
Để củng cố lòng tin cho mọi người, Đức Giêsu đã thực hiện hai phép lạ cùng một lúc. Cả hai phép lạ đều diễn tả sức mạnh của lòng tin. Giữa lúc thập tử nhất sinh,giữa đau khổ và cái chết,con người như rơi vào bế tắc, chỉ có lòng tin như ánh sáng hy vọng giúp họ vượt qua tất cả và được sống. Trong hai phép lạ cùng có một sự “đụng chạm”. Người đàn bà đưa tay chạm đến áo Đức Giêsu và được khỏi bệnh, còn Đức Giêsu tiến đến cầm lấy tay đứa trẻ và em đã được cứu sống. Sự “đụng chạm” của người đàn bà biểu hiện lòng tin mãnh liệt, còn Đức Giêsu “đụng chạm” là do lòng thương cảm sâu sắc. Hai “đụng chạm” gặp nhau tạo nên một điều kỳ diệu đó là phép lạ.
Hành động của người đàn bà cho chúng ta kinh nghiệm về sự yếu đuối của thân phận con người. Sau mười hai năm dài mang trong mình chứng bệnh phụ nữ, bà đã vái tứ phương mà vẫn tiền mất tật mang, hơn nữa bà còn phải chịu nhiều thiệt thòi bởi quan niệm hẹp hòi rẻ rúng đối với phụ nữ trong xã hội Do Thái.Đặc biệt đối với người phụ nữ bị nhơ uế không được giao tiếp và đụng chạm đến người khác. Nhờ lòng tin, bà đã can đảm vượt qua những định kiến về văn hóa luật lệ để tiến tới sờ vào áo Chúa Giêsu và bà đã được khỏi bệnh. Lòng tin của bà có vẻ rụt rè kín đáo nhưng mãnh liệt.
Còn ông Giaia dù là trưởng hội đường có địa vị trong xã hội nhưng ông đã khiêm tốn cầu xin Đức Giêsu. Lòng tin đã phá tan mọi khoảng cách, đã thôi thúc dẫn dắt ông đến với lòng thương xót của Thiên Chúa và con gái ông đã được cứu chữa. Như vậy điều kiện để phép lạ xảy ra đó là lòng tin cùng với lời cầu xin khiêm tốn.
Trong đời sống thiêng liêng, có những lúc chúng ta cảm thấy như đang bước đi giữa đêm tối mịt mù, đang bị nhấn chìm bởi bao khó khăn chồng chất. Đau khổ và cái chết luôn là gánh đè nặng trên thân phận con người khiến chúng ta dễ dàng chán nản thất vọng. Đức tin chi phối mọi hành động của chúng ta. “Đức tin làm cho chúng ta thấy rằng: ngoài việc làm đẹp lòng Chúa thì tất cả chỉ là hư không; đức tin làm cho chúng ta thấy sự yếu đuối của ta trước vẻ cao cả của Thiên Chúa. Đức tin giúp ta dám làm tất cả những gì đẹp lòng Chúa mà không do dự, không hổ thẹn, không sợ hãi và không chùn bước” (Cha Charles de Foucauld). Khi đã tin tưởng tuyệt đối vào Chúa chúng ta có đủ sức mạnh thắng vượt con người yếu đuối của mình mà vươn lên đến sự hoàn thiện.
Hãy biểu lộ lòng tin và xin Chúa cho ta một cơ hội để được sống. Thiên Chúa không bao giờ lãng quên những ai kêu cầu Người, tác giả thánh vịnh 27 đã hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa khi gặp gian nguy thử thách và đã xác tín rằng:“Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn, Người che chở tôi trong lều thánh, đem giấu tôi thật kín trong nhà, đặt an toàn trên tảng đá cao…Nên dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con”.Tuy nhiên, cũng có lúc chúng ta sẽ phải chấp nhận thất bại đớn đau, nhưng điều quan trọng là không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ đánh mất niềm tin và hy vọng.
Hãy tin tưởng trao phó mọi lo toan và gánh nặng cho Chúa. Hãy hướng về phía trước để thấy đích đến của hành trình. Hãy ngước mắt lên cao để thấy mây trời lồng lộng, để thấy con người là tạo vật bé nhỏ trong vũ trụ bao la. Hãy chìm sâu trong tình thương để cảm nhận lòng bao dung độ lượng của Thiên Chúa và xác tín như thánh Phaolô: “Con người được công chính hóa không phải do các việc làm của lề luật dạy, nhưng chỉ là nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô…Vì thế tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi. Hiện giờ tôi sống trong thân xác, là tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và đã phó mình vì tôi” (Gl 2,16.20).
Lạy Chúa là nguồn tình thương, xin chữa lành mọi thương tích trong tâm hồn chúng con, xin nâng đỡ đức tin yếu kém để chúng con can đảm tuyên xưng và làm chứng cho Chúa giữa trần gian. Xin thắp lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa tin yêu để chúng con lướt thắng những yếu đuối của phận người mà vươn lên vui sống. Xin tẩy rửa tư tưởng chúng con khỏi mọi nghi ngờ dối trá để chúng con vững tin Chúa là nguồn Chân Lý đích thực vì chỉ có Chúa mới lấp lầy mọi nỗi khát khao của chúng con. Amen.

Suy niệm 3: ĐỤNG CHẠM ĐẾN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI

“Tôi mà sờ vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” (Mc 5,28)
Suy niệm: Người đàn bà bệnh hoạn ấy chỉ mong chạm đến gấu áo Chúa Giê-su, không nghĩ gì đến mối tương quan với Đấng mà bà tiếp xúc. Đối với bà, Chúa Giê-su chỉ là một ông thầy quyền năng, bà cần phải chạm vào Ngài để chữa bệnh. Thế nhưng, Chúa không muốn người ta tiếp xúc với Ngài chỉ để tìm kiếm lợi lộc, Ngài muốn họ có mối tương quan cá vị với Ngài, mối tương quan niềm tin với một Thiên-Chúa-làm-người. Đụng chạm, tiếp xúc thể lý cách ma thuật bên ngoài với Ngài thì chưa đủ, còn cần phải đón nhận Ngài, để Đấng Cứu Độ ấy lay chuyển thật sâu trong tâm hồn, biến đổi toàn diện cả cuộc đời mình. Vì thế, Đức Giêsu nói với bà: “Đức tin của con đã cứu chữa con.”
Mời Bạn: Mỗi khi tham dự thánh lễ, bạn được tiếp xúc, gặp gỡ Chúa qua Lời của Ngài. Rồi chẳng những đụng chạm, mà bạn còn được nên một với Thịt, Máu của Đấng Cứu Độ trong giây phút hiệp lễ. Bạn có mong ước gặp gỡ, tiếp xúc, trở nên một với Chúa để Ngài biến đổi đời bạn không?
Sống Lời Chúa: Hằng ngày, hằng tuần tôi sẽ chú tâm đến việc đón rước Chúa Giêsu vào tâm hồn trong lúc hiệp lễ: chuẩn bị cẩn thận trước khi rước Chúa, sốt sắng cảm tạ Chúa khi về chỗ ngồi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con từ từ qua lời cầu nguyện. Mỗi lần con thấy Chúa xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa. Xin cho gương mặt của con phản ánh Tin Mừng con loan báo cho anh chị em chúng con. Amen.

Suy niệm 4
Theo Thánh Tôma để tin vào Thiên Chúa cần có hai điều kiện: Thứ nhất là thiên hướng tin của tâm hồn, điều này không đến từ việc nghe nhưng từ quà tặng của ân sủng; trong khi điều kiện thứ hai là sự xác quyết đối với những gì phải được tin, và điều này đến từ việc nghe. Bên cạnh đó, thánh nhân cũng đề cập đến hoạt động của con người. Ngoài ra, hành vi tin đòi hỏi một quyết định kép: Nó là kết quả của ơn dự phòng của Thiên Chúa và đồng thời là sự tự ý ưng thuận của trí khôn. ‘Tin’ là hành vi của Thiên Chúa và là hành vi của con người; hai hành vi này không thể tách rời nhau. Nếu chính ân sủng của Thiên Chúa là cho đức tin ‘tồn tại’, thì hoạt động của con người là ‘chấp nhận và hợp tác’ với ân sủng là ‘tự ý tin theo Người’ (Dấu Vết Thiên Chúa, tr. 259).
Thật vậy, qua hai bài đọc ngày hôm nay giúp cho chúng ta nhận ra yếu tố quan trọng của đức tin là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người qua hành động. Trong bài Tin Mừng, đức tin của con người kết hợp với ân ban của Chúa đã chữa lành người phụ nữ bị bệnh băng huyết 12 năm (Mc 5,27-29) và đã cứu sống con gái của ông trưởng hội đường (Mc 5,41-42). Đức Giêsu nói với ông trưởng hội đường: ‘Ông đừng sợ, chỉ cần Tin thôi’ (Mc 5,36).
Nhưng làm sao để tin vào Thiên Chúa cách tuyệt đối? Tác giả bài đọc một chỉ cách cho chúng ta dễ dàng tin vào Thiên Chúa là trút bỏ gánh gặng và tội lỗi đang trói buộc mình. Giống như các vận động viên đang chạy trên đường đua, họ phải vứt bỏ những cái không cần thiết, cho dù nhỏ đến đâu. Tương tự trong cuộc chạy đua đức tin, các tín hữu cần dứt bỏ những thói quen xấu; dù một tội lỗi, cho dù nhỏ cũng sẽ ngăn cản con đường chúng ta đến với Chúa.
Các vận động viên cần chạy nhanh trên đường đua nhưng đối với các Kitô hữu chúng ta cần chạy bền và kiên định vì chính Đức Kitô là người khai mở và kiện toàn lòng tin của chúng ta. Chính Người dẫn chúng ta đến đức tin của nguồn sự sống và ơn cứu độ là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa Cha (Dt 12,2).
Lạy Chúa, chúng con biết rằng đời sống đức tin của người Kitô hữu giống như vận động viên cần phải kiên trì tập luyện và kết hợp tinh thần khỏe mạnh trong thân xác lành mạnh. Giống như hành vi đức tin cần phải kết hợp giữa ân sủng Thiên Chúa và hành động con người mới đem lại kết quả mỹ mãn như ông trưởng hội đường, người phụ nữ và những chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa.

Suy niệm 5
Đứng trước bệnh tật và sự chết, người ta không còn cảm thấy khác biệt nữa, mọi người đều bình đẳng: giàu cũng như nghèo, kẻ quyền thế cũng như  người tiện dân, do thái cũng như dân ngoại. Đó chính là cảm nghiệm của hai nhân vật trong tin mừng hôm nay. Ông Giairô, trưởng hội đường, nhìn con gái mình chết mà đành bất lực không thể làm được gì. Người đàn bà ngoại giáo, khổ cực vì bệnh loạn huyết, dù đã tiêu tốn biết bao tiền của, bệnh tình chẳng bớt chút nào. Việc suy giảm sức khỏe, cái chết của một người thân đặt chúng ta đối diện với một sự bất lực, với sự nhỏ bé và giới hạn của mình. May thay cho những người ý thức rằng mình chỉ là những tạo vật luôn cần đến Đấng tạo dựng nên mình.
Ông Giairô và người đàn bà ngoại giáo đã biết làm điều đó. Họ đến với Đức Giêsu mỗi người theo cách riêng của mình, đã làm một cử chỉ hết sức khiêm tốn. Ông trưởng hội đường quỳ sụp dưới chân Đức Giêsu; người đàn bà chỉ dám chạm vào gấu áo của Ngài. Trong cả hai trường hợp, Chúa đều cảm động trước lòng tin của họ và muốn công bố lòng tin đó. ‘Ai đã chạm đến Ta?’ Và người phụ nữ bằng lòng ẩn mình giữa đám đông, đã phải sụp dưới chân Chúa trình diện Ngài: ‘Lòng tin của con đã cứu chữa con’.
Với ông Giairô vừa biết tin con gái mình mới chết, Chúa Giêsu bảo: ‘Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy’. Chúa không chỉ đối xử tử tế với hai người đang thất vọng hoàn toàn mà ngài còn muốn làm nhiều hơn thế nữa. Ngài muốn họ tin vào Ngài là Đấng cứu độ muôn dân.
Cả hai cần phải có lòng tin. Họ tin cho dù thực tế cho thấy không còn gì để tin nữa. Bởi lẽ ngay cả các môn đệ cũng không hiểu nổi tại sao Đức Giêsu có thể bị xúc động một cách khác. Và đám đông chế giễu Chúa khi ngài nói rằng con bé ngủ.
Những giây phút đau thương và khổ sở có thể biến thành những phút giây ân sủng. Sẽ dẹp tan những tin tưởng giả tạo của ta, lòng tin quá lớn vào chính mình và những phương cách con người. Điều này nhắc cho ta nhớ thân phận thụ tạo của mình, là con cái Thiên Chúa, là những người được cứu chuộc. Điều này khơi dậy trong ta niềm tin và lòng phó thác. Giúp ta không chỉ để được Chúa chữa lành mà nhất là dẫn ta vào trong thánh ý Chúa, và đặt ta vào trong đôi tay của Cha trên trời.
Trong ý hướng đó, lời nói của Đức Kitô cho con gái ông Giairô ‘Hãy chỗi dậy’ không chỉ là lệnh truyền thực hiện một phép lạ nơi đứa bé nhưng còn là lời ngỏ cho chính chúng ta: ‘Anh em là những người sống, đã từ cõi chết trở về, Anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa và dùng chi thể anh em như khí cụ để làm điều công chính phục vụ Thiên Chúa’ (Rm 6,13).
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Mỗi lần rước Chúa là một lần chúng con được đụng chạm đến Thánh Thể Chúa. Xin cho chúng con đủ đức tin để ơn lành của Chúa được ban đến cho chúng con, như những người Do Thái năm xưa, họ mong muốn được chạm vào thân thể Chúa để được chữa lành. Xin giúp chúng con biết siêng năng chạy đến cùng Chúa nơi bí tích Thánh Thể để lãnh nhận nguồn suối tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc sống vốn là một phép lạ. Từng hơi thở của con người là một phép lạ. Từng mần sống triển nở trên trần gian là một phép lạ. Phép lạ biểu lộ tình yêu của Chúa dành cho con người chúng con. Xin Chúa hãy chúc lành cho cuộc sống chúng con. Xin Chúa ban niềm vui và bình an cho mỗi người chúng con. Xin Chúa hãy gìn giữ linh hồn và thân xác chúng con trong tình thương của Chúa. Chúng con xin phó dâng cuộc sống làm người cho Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa, vì nhờ Chúa mà chúng con nhận ra gương mặt mới của Thiên Chúa: một vì Thiên Chúa giầu lòng xót thương. Một vì Thiên Chúa yêu thương hết mọi loài. Xin dạy chúng con biết sống sao cho xứng với tình yêu cao sâu của Chúa. Xin giúp chúng con biết dùng tài trì Chúa ban để ca khen tình thương Chúa cho nhân trần.Amen.

 SUY NIỆM 6:
1. Thân phận con người
Đức Giêsu thực hiện hai phép lạ: phép lạ chữa bệnh và phép lạ làm cho sống lại. Hai phép lạ này liên quan đến hai nghịch cảnh của đời sống con người, trong đó có những người thân yêu của chúng ta và có khi, có cả chúng ta nữa.
- Người cha có đứa con gái mới 12 tuổi đã chết. Sự bất hạnh của em bé, nhưng cũng là nỗi đau của bố, của mẹ, của cả nhà. Theo thánh sử Mát-thêu, em bé đã chết rồi (x. Mt 9, 18), còn theo thánh sử Mác-cô và thánh sử Luca, lúc người bố đến kêu xin Đức Giêsu, thì em bé chưa chết, nhưng lúc Ngài đang trên đường tới nhà, cháu bé mới chết (Mc 5, 35; Lc 8, 49). Chi tiết này làm bật lên nỗi đau của người bố và của cả gia đình là một nỗi đau kéo dài.
- Người phụ nữ, có lẽ đã lớn tuổi, mang một thứ bệnh kín đáo trong người đã 12 năm. Có những thứ bệnh ai cũng biết, nhưng cũng có những thứ bệnh chỉ có một mình biết, kéo dài, nỗi đau triền miên.
Hai nghịch cảnh của hai lứa tuổi nói cho chúng ta thật nhiều về thân phận và những vấn đề muôn thủa của con người: bệnh tật và cuối cùng là cái chết, có thể xẩy ra ở bất cứ lứa tuổi nào; bệnh tật và sự chết làm bật lên sự liên đới của nhiều người; bệnh tật và sự chết tất yếu đặt ra cho con người vấn đề Thiên Chúa và buộc phải lựa chọn tin hay không tin.
Và Lời Chúa cũng mặc khải cho chúng ta biết cách Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu-Ki-tô, liên đới với đau khổ và cả sự chết thuộc về thân phận con người như thế nào.
2. Lòng tin
a. Để được chữa lành, Chúa cần lòng tin và chỉ cần lòng tin mà thôi. Lòng tin của người phụ nữ thật đơn sơ, nhưng mạnh mẽ:
Tôi chỉ cần đụng được vào áo của Người thôi, là sẽ được cứu.
Ở những nơi hành hương, người ta vẫn thể hiện lòng tin bằng cách đụng vào các bức tượng hay thánh tích. Nhưng để được chữa lành thực sự, nghĩa là trọn vẹn, chúng ta được mời gọi đi vào tương quan mãi mãi với một ngôi vị, Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa.
Và đó chính là điều mà người phụ nữ được ban tặng, vượt xa nhu cầu chữa bệnh của bà. Được khỏe là một nhu cầu quan trọng, nhưng điều này vẫn chưa giải quyết được hết những vấn đề liên quan đến “sự sống” của một con người. Đời sống con người cần sức khỏe, nhưng khỏe thôi vẫn chưa đủ. Hơn nữa, xét cho cùng, người ta đâu có khỏe được mãi, và có rất nhiều phận người, sinh ra đã tật nguyền. Hơn nữa, Đức Giêsu còn nói: “lòng tin của con đãcứu con”. “Cứu” ở đây vượt xa vô hạn phép lạ hết bệnh.
b. Cái chết của đứa con, nhưng lòng tin lại là lòng tin của người cha:
Con gái tôi mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên cháu, là nó sẽ sống.
Lòng tin của bố cứu được con mình. Điều kì diệu này được ghi lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho người sống và kẻ chết. Vì Chúa cũng yêu thương những người chúng ta thương yêu trong Chúa.
Đức Giê-su không quan tâm đến tiếng tăm của mình, nhưng quan tâm đến sức khỏe và sự sống của em bé: “Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm” (c. 40). Sau này trong cuộc Thương Khó, Ngài sẵn sàng mang vào mình cái chết đau đớn và sỉ nhục tận cùng, để hiện diện, cảm thông với mọi đau khổ và mọi cách chết của con người, để bày tỏ lòng thương xót và dẫn chúng ta vào niềm Hi Vọng. Phép lạ cứu sống em bé thật cá biệt, nhưng đem lại cho nhân loại chúng ta niềm hi vọng thật lớn: tất cả người chết sẽ sống lại, nếu được Đấng Phục Sinh “cầm lấy tay”.
3. Niềm hi vọng
Cách Đức Giêsu đến với mỗi người mỗi khác. Với người phụ nữ, bà cố để đụng được vào gấu áo của Đức Giêsu; nhưng với em bé, Ngài đến tận nơi: “Người đi vào, cầm lấy tay em bé, nó liền trỗi dậy”. Đó chính cũng là cách Chúa ban ơn cứu độ cho từng người, luôn luôn đích thân và duy nhất. Bởi lẽ người ta không thể công thức hóa ơn cứu độ, lề luật hóa lòng tốt của Thiên Chúa được.
Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của mỗi người, của cả loài người. Những gì Ngài làm, thật lạ lùng, nhưng cũng thật giới hạn. Vì người phụ nữ cũng sẽ bệnh lại và chết; em bé lớn lên và cũng qua đi. Nhưng đó là những dấu chỉ làm cho chúng ta hướng tới và đặt hi vọng nơi ơn huệ còn lạ lùng hơn: đó ơn huệ sự sống vô hạn trong Chúa và cùng nhau, mà Đức Giê-su Ki-tô chết và phục sinh hứa ban cho chúng ta.
Chính niềm hi vọng đặt nơi ngôi vị của Đức Kitô phục sinh, làm cho chúng ta bình an và can đảm đảm nhận hôm nay phận người của mình và thân phận của cả những người khác nữa, nhất là những người thân yêu của chúng ta trong gia đình và trong ơn gọi dâng hiến.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 
Tin Giáo phận