Thứ Năm Tuần 2 TN

Đăng lúc: Thứ năm - 22/01/2015 01:50 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM TUẦN 2 TN: Th. Vinh-sơn, phó tế, tử đạo

Bài đọc I (Dt 7, 25 – 8, 6)
Anh em thân mến, Chúa Giêsu có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm thượng tế đến muôn đời.

Điểm chính yếu về các điều đang đề cập đến là: chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Đấng Tối Cao trên trời, với tư cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật mà Chúa – chứ không phải người phàm – đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được đặt lên là để hiến dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có gì để hiến dâng. Vậy nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư tế, vì đã có những người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự mà họ làm chỉ là hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Môsê khi ông sắp dựng nhà tạm rằng: Chúa phán: “Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi trên núi”. Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Đấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành.

Tin Mừng (Mc 3, 7-12)
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.


Thánh Vinh sơn, Phó tế Tử đạo (qua đời năm 304)

Khi Chúa Giêsu trên đường lên Núi Sọ, Thánh sử Luca nói rằng Ngài đã hướng về thành thánh Giêrusalem. Chính lòng can đảm cứng như đá này là dấu chỉ đặc biệt của các vị tử đạo.
Hầu hết những gì chúng ta biết về vị thánh này là nhờ thi sĩ Prudentius. Vở kịch viết về ngài được thêu dệt bằng sự tưởng tượng của người sưu tập. Trong một bài giảng về Thánh Vincent, Thánh Augustinô đã nói tới vở kịch viết về việc tử đạo. Ít nhất chúng ta cũng biết chắc tên ngài, một phó tế, nơi ngài chết và an táng.
Theo tích truyện chúng ta có (và một số truyện về các vị tử đạo ban đầu, cách sùng đạo khác thường của ngài hẳn phải có nền tảng một cuộc sống rất anh dũng), Thánh Vincent được phong chức Phó tế bởi việc đặt tay của người bạn là Thánh Valerius Saragossa ở Tây Ban Nha. Các hoàng đế Rôma đã xuất bản các lệnh của ngài phản đối giới tu trì năm 303, và năm sau là lệnh phản đối người ngoại giáo. Thánh Vincent và ĐGM Valerius bị tù ở Valencia. Chịu đói khát và bị hành hạ nhưng các ngài vẫn không nao núng. Như chàng thanh niên trong lò lửa (sách Đa-ni-en, chương 3), họ vẫn vững mạnh trong đau khổ. ĐGM Valerius bị đi đày, thế là Dacian đổ cơn giận lên Vincent. Những đợt hành hạ dã man như thế chiến II bùng nổ, nhưng nỗ lực của Dacian không ăn thua. Và ngài lại tiếp tục bị hành hạ.
Cuối cùng Dacian thỏa hiệp: Vincent phải bỏ sách thánh vào lửa theo lệnh của hoàng đế. Ngài một mực từ chối. Thế là ngài bị đưa lên giàn nướng, tử tù Vincent vẫn anh dũng, những người hành hạ cũng “bó tay”. Thánh Vincent bị tống vào ngục dơ bẩn. Tại đây, ngài đã chuyển hóa được tên cai ngục. Dacian nổi giận lôi đình, bắt ngài phải chết. Các bạn đến thăm ngài, nhưng ngài đã yếu sức. Họ đặt ngài lên giường, và rồi ngài trút hơi thở cuối cùng.

Suy niệm 1NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA

Đoạn tin mừng này là bản tóm lược cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu ở Galilê. Qua đó cho tôi thấy những thái độ khác nhau của con người đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu.
- Những người biệt phái và kinh sư: Họ không tin Chúa Giêsu và tìm cách loại trừ Ngài.
- Dân chúng: Theo Chúa Giêsu vì những lợi ích vật chất như được ăn no nê, được chữa khỏi bệnh…
- Các môn đệ và bà con thân thiết của Chúa Giêsu: Chưa hiểu đúng về Ngài, còn có những vụ lợi, tham vọng.
- Ma quỉ: Nhận biết Chúa Giêsu, nhưng là hận thù, ganh ghét.
Trước những thái độ như vậy, Chúa Giêsu đã đối xử nhẹ nhàng, không tranh luận với những người chống đối khi thấy không cần thiết. Chúa Giêsu cũng không muốn khua chiêng đánh trống hay quảng cáo ồn ào. Ngài đã dùng tình thương chứ không dùng tài nghệ để đối xử với mọi người.
Những thái độ của con người đối với Chúa Giêsu trong bài Tin mừng này gợi ý cho tôi xem lại thái độ của tôi đối với Chúa Giêsu, đối với Lời Chúa dạy tôi mỗi ngày. Thái độ của Chúa Giêsu trong Lời Chúa hôm nay cũng là tấm gương cho tôi trong việc phục vụ tha nhân và thi hành bổn phận. Đó là thái độ khiêm tốn hiền hòa trong tương quan đối với tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết Chúa nhiều, để con yêu mến Chúa và trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.

Suy niệm 2: CHỈ XIN THEO CHÚA MÀ THÔI

Người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. (Mc 3,8)
Suy niệm: Nhiều danh thủ, siêu sao thế giới hết sức bất ngờ vì độ “cuồng” mà người hâm mộ Việt Nam dành cho họ khi họ đến thăm đất nước này. Từng đoàn người đông đảo chờ đợi tại sân bay tới tận nửa đêm để đón thần tượng của mình; có người còn khóc ròng vì không thể xin được chữ ký của họ. Đó chỉ là một số dấu chỉ nhẹ nhàng của hội chứng cuồng thần tượng mà nếu không tỉnh táo, có thể dẫn đến những sai lệch về nhận thức và về chính bản thân. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc đám đông lũ lượt tìm đến Chúa Giê-su. Ngài không cho họ chữ ký kỷ niệm; trái lại, Ngài chữa lành họ không chỉ tật bệnh phần xác mà còn phục hồi cho họ điều cao quý nhất đó là phẩm giá của người con cái Chúa.
Mời Bạn: Theo Chúa mà chỉ để tìm kiếm những lợi lộc vật chất sẽ dẫn đến những lệch lạc trong mối tương quan với Thiên Chúa, khiến niềm tin đích thực bị xói mòn và biến thành một thứ thờ ngẫu tượng như ngày xưa dân Ít-ra-en từ bỏ Thiên Chúa và đặt ra một thứ ngẫu tượng để thờ lạy. Khi dạy chúng ta cầu nguyện, Chúa Giê-su cũng nói chúng ta cầu xin cho các nhu cầu vật chất, nhưng trước tiên Chúa dạy chúng ta hãy xin cho “Nước Chúa trị đến”, rồi những sự khác Chúa cũng sẽ ban cho.
Sống Lời Chúa: Trong ngày lặp lại nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin cho con theo Chúa mà thôi!”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa bao điều lựa chọn, con xin chọn Chúa. Giữa bao hạnh phúc trong đời, con xin chọn tám mối phúc mà Chúa dạy. Giữa bao vinh quang trần thế, con chỉ mong được vào hưởng vương quốc của Chúa mà thôi. Amen.

Suy niệm 3

Theo Tân ước, người môn đệ là người biết Đức Giêsu Kitô là Thầy dạy mình. Là những người theo Ngài và quy hướng về Ngài để nghe kể những điều lạ lùng Ngài thực hiện. Các lời nói và việc làm của Ngài là sự sống thần linh. Ngài nói với uy quyền. Khi người ta nhận biết Ngài, nảy sinh tức khắc nơi lòng họ một hành vi đức tin: ‘Thầy là Con Thiên Chúa’.
Đức Giêsu không thích những biểu diễn ngoạn mục cũng như những tung hô của đám đông. Ngài yêu thích những con người đơn sơ nhưng đầy niềm tin; họ tin tưởng vào những lời của Ngài. Họ gắn bó với Ngài, tách bỏ quá khứ và khởi đầu một cuộc sống mới. Họ rập khuôn đời sống mình với con người của Thầy. Họ không theo một mớ những ý tưởng (một số tín điều) nhưng là theo một con người là Lời Hằng Sống và là giáo huấn muôn đời.
Ngày nay các môn đệ cần phải tiếp tục gắn bó hoàn toàn đời mình với con người Đức Giêsu Kitô. Con người thời nay đang chờ đợi; mong chờ một ai đó mang họ gắn kết với Thiên Chúa hằng sống.
‘Đức Giêsu Thượng Tế có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhớ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa: Thậy vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ’.
Đức Giêsu đã mang thân phận con người và đã cứu độ chúng ta nhờ cái chết trên thập giá và sự phục sinh, giờ đây là Người Con ngự bên hữu Chúa Cha, hằng sống để tiếp tục chuyển cầu cho chúng ta. Thánh Phanxicô Salêsiô theo mẫu gương Đức Giêsu Mục Tử Nhân lành, hiến mạng sống vì dân chúng. Được bổ nhiệm làm Giám mục Genèvre, trung tâm bút chiến của phái Calvin, ngài đơn độc trước sự lãnh đạm của dân chúng và sự thù ghét của các nhà lãnh đạo. Ngài đã chịu nhiều đau khổ nhưng bị tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy, hiến thân để rao giảng Lời Chúa cách hăng say, hiền lành. Như Đức Giêsu, Ngài tin vào khả năng của con người, cùng với trợ giúp của Thiên Chúa, có thể sống một đời sống thánh thiện; một sự thánh thiện trong mức độ của mọi người bất kể địa vị xã hội, nghề nghiệp, một sự thánh thiện được xây dựng từng ngày.
Tôi xin anh em đừng bao giờ bỏ những dự tính thánh thiện mà anh em đã làm, vì Thiên Chúa đã khơi lên trong lòng anh em, sẽ tính sổ với anh em về điều đó. Để đem những điều ấy ra thực hành, anh em hãy bám sát Đấng Cứu Độ, vì chiếc bóng của Ngài mang ích lợi cho sự sinh ra và bảo toàn những hoa quả ấy.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con cám ơn Chúa đã thương nhập thể làm người để ở cùng chúng con. Cám ơn Chúa đã chia sẻ kiếp người với chúng con. Cám ơn Chúa đã thi thố tình thương cho những mảnh đời bất hạnh. Xin cho chúng con biết tiếp tục mang tình thương Chúa đến cho mọi người.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Dấu chân của Chúa năm xưa luôn để lại dấu ấn của yêu thương. Sự hiện diện của Chúa luôn nâng đỡ những ai mang gánh nặng nề, và những ai đang cô đơn thất vọng. Chúa chẳng nề gian nan, chẳng ngại gian khó. Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Chúa không chờ người ta kêu xin. Chúa không đợi người ta van nài. Trái tim Chúa luôn chạnh lòng xót thương. Xin cho đôi chân của chúng con cũng nở hoa yêu thương trên hành trình chúng con đi. Xin loại trừ nơi chúng con thói hưởng thụ và tính ích kỷ để chúng con sống có ích cho tha nhân. Xin giúp chúng con luôn làm vinh danh Chúa qua đời sống hiến dâng phục vụ của chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng tình yêu, xin giúp chúng con biết yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen.

Suy Niệm 4: Hiểu biết Chúa Giêsu
Có một giai thoại về Trang Tử như sau: Một hôm, Trang Tử cùng đệ tử đi chơi núi, một người thợ rừng hỏi: "Tại sao cây này không dùng được?", Trang tử liền nói: "Cây này vì bất tài mà được sống lâu". Về đến nhà, nguời thợ bắt con chim không biết gáy để làm tiệc đãi khách. Hôm sau đệ tử hỏi Trang Tử:
- Hôm qua, cái cây trên núi vì bất tài mà sống, con chim hồng vì bất tài mà chết; theo Thầy, Thầy xử trí thế nào?
Trang Tử cười và nói:
- Tài và bất tài đều là quấy cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.
Ðông Phương đề cao sự khôn ngoan ở đời; Tây Phương chịu ảnh hưởng Hy Lạp cũng dạy: con người lý tưởng là con người biết nhiều. Nhưng biết không chỉ là biết sự vật, mà là biết con người, và biết con người không chỉ là một nhận thức suông, mà thiết yếu là đi vào tri giao mật thiết.
Trong Tin Mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu. Trước hết là đám đông từ các nơi tìm đến với Chúa Giêsu, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng trong nhận định của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ có ma quỷ biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết đối với ma quỷ không đồng nghĩa với tri giao, mà chỉ là thù hận.
Ðặt vào đúng văn mạch, thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa Giêsu: ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người Chúa Giêsu; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết Ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Ước gì tâm tình và xác tín của Thánh Phaolô cũng thấm nhập và hướng dẫn chúng ta từng giây phút của cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Khi người ta quá nhiệt tình
Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì xấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa.” (Mc. 3, 10-11)
Phúc âm Maccô như ta đã biết, có nhiều chi tiết rất ý vị, tỏ ra ngài có một con mắt tinh tường khi nhìn những sự việc bình thường. Hôm nay Maccô kể lại rằng Chúa Giêsu muốn để khỏi bị đám đông chen lấn, nên đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để Người ngồi ở đó mà giảng dạy và chữa bệnh cho dân. Maccô đã tả lại cảnh huyên náo của đám đông bằng những lời giản dị mà sắc bén: “Họ đổ xô đến để sờ vào Người”. Các thánh sử khác chỉ viết nôm na rằng: dân chúng đến với Người; trái lại thánh Maccô nhấn mạnh đến việc người ta chen lấn xô đẩy nhau mà đến.
Những thái độ này có thể giúp ta phân tích lối cư xử của chúng ta. Thực ra chúng ta có nhiệt tình đến với Đức Kitô không?
Hoảng hốt và vội vã
Ta hãy thử phân tách những lúc ta sống vội vã, để biết ta đang đồng hội đồng thuyền với ai, đang chạy theo thần tượng nào.
Chúng ta vội vã để kịp mua được món có lời, để kịp chuyến xe buýt, để mua được tấm vé đi coi tuồng, để làm qua loa cho xong công chuyện của ngày. Chúng ta hối hả đi xem cho được trận đá banh, hay đi nghỉ cuối tuần.
Điều khiến Chúa Giêsu lo lắng bồn chồn ngày nay, hẳn không phải là chuyện người ta hồ hởi đổ xô đến với Người như xưa. Chắc chắn là Người sẽ không sợ bị ngộp thở vì lòng nhiệt thành sốt sắng của các tín hữu.
Cõi lòng ngổn ngang
Không, điều khiến Chúa Kitô phải lo láng buồn phiền, có lẽ vì Người thấy chúng ta đến với Người mà lòng ngổn ngang trăm mối. Vì lo hưởng thụ, mà ta xốn xang chạy khắp đó đây để thỏa mãn cơn đói khát ấy, cả ngày chỉ bận rộn về cái gọi là “những nhu cầu của đời sống hiện đại”! Nói cho cùng, chúng ta đi tới chỗ giống như một cửa tiệm sưu tầm đồ cổ, mà trên quầy đã chất đống những món đồ. Và để quên đi cảm tưởng bị ngộp thở vì cảnh bộn bề ngổn ngang này, ta vội chạy đến vớí những cuộc “săn tìm” mới lạ khác.
Nếu Chúa Giêsu không muốn để người ta chen lấn, xô đẩy Người trong những điều kiện này, thiết tưởng cũng là chuyện thông thường thôi.

SUY NIỆM 6

Một loạt bất đồng của “họ” với Đức Giê-su (Mc 2, 1 – 3, 6) đã dẫn tới ý định thuần túy, nghĩa là vô cớ, loại trừ Người. Thật vậy, lúc đầu họ nhân danh lề luật để chất vấn Đức Giê-su: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (2, 7) Sau đó, tiếp tục dựa vào lề luật để dò xét, họ nêu ra nhiều thắc mắc: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (c. 16); “Sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (c. 18); “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép” (c. 24). 
Và sau cùng, như bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua kể lại, “họ làm thinh” (3, 4). Sự thinh lặng của họ diễn tả lựa chọn sự chết trong nội tâm: “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su” (c. 6).
*  *  *
Tuy nhiên, Đức Giê-su không đối đầu với họ bằng sức mạnh, nhưng lánh đi cùng với các môn đệ:
Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. (c. 7)
Điều này loan báo cách Ngài đối đầu với họ trong cuộc Thương Khó; nghĩa là, Ngài không dùng sức mạnh chống lại sức mạnh, bạo lực chống lại bạo lực, vì sức mạnh biểu hiện dưới dạng bạo lực không phù hợp với căn tính đích thật của Ngài, nhưng dùng sự hiền lành và sự tín thác nơi Thiên Chúa, là Nguồn Sự Sống mạnh hơn sự chết, như Tv 8 loan báo:
Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ,
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Nhưng chính khi Ngài lánh đi, chính khi Ngài “vượt qua” họ, Ngài trở thành điểm qui tụ muôn người:
Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người. (c. 7-8)
Và từ nơi Ngài lan tỏa năng lực chữa lành khỏi bệnh tật và thần dữ, nghĩa là năng lực phục hồi sự sống cho con người:
Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để đụng vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” (c. 10-11)
Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử; nhưng sự sống của con người bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ mới là bi đát hơn, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. Và chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là “Lời Thập Giá” (1Cr 18, 1) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.
*  *  *
Những gì thánh sử Mác-cô kể lại ở đây đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Phục Sinh rồi, nghĩa là mầu nhiệm Đức Ki-tô chiến thắng sự dữ và sự chết và Ngài chia sẻ sự sống viên mãn mạnh hơn sự dữ và sự chết của Ngài cho chúng ta ngay từ cuộc đời này. Hình ảnh Đức Giê-su ngồi trên thuyền ở Biển Hồ, diễn tả Đức Ki-tô Phục Sinh chiến thắng sự chết, được tượng trưng bằng khía cạnh hủy diệt của Biển Cả.
Như thế mầu nhiệm Vượt Qua được ghi khắc khắp nơi trong cuộc đời của Đức Giê-su, cũng như đã được ghi khắc khắp nơi trong sáng tạo: đó là ơn lương thực hướng tới Lương Thực Hằng Sống, hạt lúa mì nói lên hành trình Vượt Qua; và trong lịch sử: đó là lịch sử cứu độ được Thư Do-Thái nhắc lại (Dt 8, 6-13) nhắc lại, đó là tương quan giữa Gô-li-át với vua Đa-vít; sau đó giữa vua Sa-un và vua Đa-vít, được kể lại trong 1Sm 17-18.
Xin cho chúng ta cũng nhận ra những dấu vết của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, vì đó là niềm hi vọng, và cũng là lời hứa, hướng chúng ta đến mầu nhiệm Vượt Qua viên mãn của Đức Ki-tô.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận