Thứ Ba Tuần 5 TN

Đăng lúc: Thứ ba - 10/02/2015 01:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 5 TN: Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ

BÀI ĐỌC I (St 1, 20 – 2, 4a)
Thiên Chúa phán: “Nước hãy sản xuất những sinh vật bò sát và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời”. Vậy Thiên Chúa tạo thành những cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất theo loại chúng, và mọi chim bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy nước biển; loài chim hãy sinh cho nhiều trên mặt đất”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
Thiên Chúa lại phán: “Đất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ theo giống: gia súc, loài bò sát và dã thú dưới đất tuỳ theo loại”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; và Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa; Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó, Người nghỉ việc tạo thành. Đó là gốc tích trời đất khi được tạo thành.

TIN MỪNG (Mc 7, 1-13)
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: ‘Hãy thảo kính cha mẹ’, và ‘ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử’. Còn các ngươi thì lại bảo: ‘Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)’, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

Thánh Scôlastica, Trinh nữ (480-542?)
Những đứa con song sinh thường có điểm chung về mối quan tâm và tư tưởng với mức độ tương đương. Do đó, không lạ gì khi Scôlastica và em trai song sinh là Bênêđictô đều lập dòng. Cùng sinh năm 480 trong một gia đình giàu có, Scôlastica và Bênêđictô cùng được nuôi dưỡng cho đến khi Bênêđictô đi Rôma để tiếp tục việc học. Người ta biết ít về cuộc đời hồi nhỏ của thánh Scôlastica. Bà lập dòng nữ gần Monte Cassino ở Plombariola, cách dòng của cậu em 5 dặm.
Hai chị em song sinh thăm nhau mỗi năm một lần tại một căn nhà ở nông trại vì Scôlastica không được phép vào tu viện nam. Họ dùng những lần gặp nhau để bàn luận về các vấn đề tâm linh. Theo cuốn “Dialogues of St. Gregory the Great” (Đối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả), hai chị em dành ngày cuối cùng ở bên nhau để cầu nguyện và đàm đạo. Thánh Scôlastica cảm thấy mình sắp chết nên xin em trai Bênêđictô ở lại với mình đến hôm sau. Thánh Bênêđictô từ chối vì ngài không muốn ở ngoài nhà dòng vào ban đêm, như vậy là vi phạm Tu Luật. Thánh Scôlastica xin Chúa cho sấm sét nổi lên để không cho Bênêđictô và các tu sĩ về nhà dòng. Bênêđictô kêu lớn: “Xin Chúa tha thứ cho chị. Chị làm gì vậy?”. Thánh Scôlastica trả lời: “Chị xin cậu mà cậu từ chối. Chị xin với Chúa và Ngài đã ban cho chị”.
Sáng hôm sau hai chị em chia tay sau thời gian đàm đạo dài. Ba ngày sau, Thánh Bênêđictô đang cầu nguyện trong nhà dòng thì thấy linh hồn chị bay về trời trong hình chim bồ câu trắng. Thánh Bênêđictô thông báo tin chị mất cho các thầy, rồi sau đó an táng chị tại ngôi mộ mà Thánh Bênêđictô đã chuẩn bị cho mình.

Suy niệm 1
Lm. Giuse Đinh Tất Quý lễ THÁNH SCOLASTICA ĐỒNG TRINH
1/ Đôi hàng tiểu sử
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng kính thánh Scolastica đồng trinh. Ngài là anh em sinh đôi với thánh Benedic. Hai anh em thánh Scolastica được sinh ra trong một gia đình quí phái và giầu công với xứ sở: gia đình ông Êuprôpiô và bà Abundanti. Hai ông bà đã sinh hạ nhiều con, nhưng hai trẻ sinh đôi, một trai một gái: Bênêđictô và Scholastica làm thơm danh gia đình hơn cả. Nhưng thật không may vừa chào đời được mấy tháng, hai em đã phải mồ côi mẹ. Từ đó cả hai chỉ còn biết ngoan ngoãn sống trong tình thương ấp ủ của người cha hiền từ đạo đức. Trong cảnh “gà trống nuôi con” ông Êuprôpiô càng chăm lo nuôi dưỡng và âu yếm hai con hơn để bù đắp lại một phần nào tình mẫu tử mà hai trẻ đã phải thiệt thòi.
Lớn lên, hai anh em thánh Scolastica và Bênêđictô được Cha yêu thương cho đến trường học. Hai anh em đã hết mực yêu thương nhau, khuyên nhủ nhau học hành đến nơi đến chốn để không phụ lòng tình yêu thương của người Cha lúc nào cũng tận tình chăm sóc cho con cái mình. Ông Eurôpiô quả là một người cha mẫu mực luôn là gương sáng cho con cái noi theo. Ông lại hết lòng yêu mến Chúa Thánh Thần, hằng cầu nguyện xin Người ban ơn soi sáng tâm trí cho các con nhất là cho Bênêđictô và Scolastica.
Ơn Chúa lúc nào cũng lạ lùng và bất ngờ. Sau khi thành đạt, hai anh em Bênêđictô và Scolastica lại cùng nhau xây dựng một chí hướng. Cả hai đều muốn tận hiến mình cho Thiên Chúa để phụng sự Giáo Hội và phục vụ các linh hồn.
Sau đó Bênêđictô qua Roma tiếp tục công việc học hành của mình. Các nhà viết sử hầu như yên lặng không nói gì đến Scôlastica trong suốt thời này, nhưng người ta đoán có lẽ là trong thời gian này Scôlastica đã trở về nhà phụng dưỡng cha già cho tới khi thân phụ qua đời mới xin gia nhập cộng đồng các trinh nữ. Sau đó người ta được biết thánh nữ đã dựng nhà tại Subiacô, trong một thung lũng phì nhiêu được tắm gội bằng nước sông Liris. Tuy Scôlastica cảm thấy nơi này rất am hợp cho công việc tu thân tích đức của mình, nhưng vâng lời anh mà Scôlastica coi như một người cha thiêng liêng, thánh nữ lại rời đi nơi khác để lập thêm nhiều cộng đồng khác gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.
2/ Bài học
Thánh Scholastica và Bênêđictô đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Cuộc sống của các ngài cho chúng ta thấy càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, thì họ lại càng cảm thấy gần gũi với nhau bấy nhiêu.
Hiếm có một sự hoà hợp tốt đẹp giữa hai anh em ruột thị trong một lý tưởng dâng hiến như thế.
Hơn nữa cuộc sống cùng một lý tưởng đã đưa hai người đến một cuộc sống khác êm đềm hơn, thánh thiện hơn. Họ cảm thấy như được gần gũi và sống thân tình với Chúa nhiều hơn.
Truyền thuyết còn để lại một giai thoại thật đẹp giữa tình cảm của hai anh em sống chung một cuộc đời dâng hiến như sau:
Hai anh em, mỗi người ở một tu viện. Tuy cùng ruột thịt, nhưng hai người rất ít khi gặp nhau; mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau một lần. Scôlastica vì là phận gái lại là em nên thường phải đích thân đến gặp anh tại đồi Cassinô, trong một căn nhà nhỏ hẹp mà qua mấy thế kỷ sau người ta còn giữ lại để kính nhớ. Mỗi lần gặp gỡ, hai người thường đàm đạo với nhau rất lâu giờ và thân mật. Đề tài các câu chuyện thường không ngoài những vấn đề tu đức. Đó cũng là dịp để Scôlastica cởi mở tâm hồn để rồi được đón nhận những lời chỉ bảo khôn ngoan của anh. Thường lệ, cứ sau bữa cơm chiều khi mặt trời gần lặn là hai người mới cáo biệt nhau ra về. Nhưng lần kia, mà cũng là lần gặp gỡ cuối cùng
Theo cuốn Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng này hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scolastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Bênêedictô ở với ngài cho đến ngày hôm sau.
Thánh Bênêdictô từ chối lời yêu cầu ấy mượn lý do là ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế là chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scolastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và như một phép lạ tỏ tường: một trận mưa thật lớn đổ xuống như thác khiến Bênêđictô và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện được.
Thánh Bênêđictô kêu lên:
- Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?
Thánh Scolastica trả lời
- Em xin anh một ơn huệ và anh cứ từ chối. Em xin Chúa, và Chúa đã nhận lời.
Thế là hai anh em ở lại nhà khách suốt đêm cùng nhau trao đổi quan niệm và kinh nghiệm đời sống thiêng liêng, nhất là tìm hiểu về những ơn phúc đời sau.
Trời vừa sáng, Bênêđictô và Scôlastica từ biệt nhau vui sướng, một lần từ biệt đánh dấu cho cuộc tương phùng vĩnh cửu mai sau. Quả thế, ba ngày sau cuộc chia ly, đứng trong phòng nhìn qua cửa sổ, Bênêđictô thấy linh hồn em, xinh đẹp như chim bồ câu, nhẹ nhàng bay về thiên quốc. Rạo rực một niềm vui, Bênêđictô dâng lời tạ ơn Chúa, rồi sai người đưa xác em về mai táng trong nhà dòng. Ngài cũng chuẩn bị cho mình một chỗ nằm bên em, để dù tử thần có đến cũng không tách biệt khỏi em, như hai linh hồn vẫn nên một trong tình yêu Thiên Chúa và đồng loại.
Ôi đẹp thay cuộc sống của những người tận hiến cuộc đời mình cho Chúa!
Hạnh phúc thay những ai biết được Chúa cho được sống thân tình với Người.
Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng lễ thánh Scôlastica. Xin cho chúng con biết noi gương người để lại, là biết hết lòng mến yêu tôn thờ Chúa, và cảm nghiệm tình thương Chúa ngọt ngào. Amen.

Suy niệm 2
Việc sáng tạo được hoàn tất khi Thiên Chúa làm ra con người giống hình ảnh Ngài. Vì vậy con người là loài thụ tạo cao quý nhất vì nó mang hình ảnh của Thiên Chúa. Dĩ nhiên Thiên Chúa không có thân xác, nhưng giống Thiên Chúa là ở chỗ ngay từ đầu con người tốt lành, trong sạch hoàn toàn. Với đoạn văn sáng tạo này cho chúng ta thấy được Thiên Chúa đã trân trọng con người biết là chừng nào, và Ngài không ngừng làm cho con người mỗi ngày được tốt đẹp hơn. Đến nỗi khi con người làm hư hoại công trình của Thiên Chúa, Ngài cũng không ngần ngại cho Con Một của Ngài xuống thế làm người để chuộc lại.
Còn trong bài Tin Mừng hôm nay nói về việc những người Pharisêu và các kinh sư bắt bẻ Đức Giêsu về việc các môn đệ của Ngài không rửa tay trước khi ăn. Việc rửa tay ban đầu chỉ là việc vệ sinh, vậy mà từ từ những người lãnh đạo lại biến nó thành một luật lệ để nếu không rửa tay cũng phạm tội. Luật phải giải phóng con người, làm cho con người được tốt hơn. Nhưng ở đây luật đã làm cho con người trở thành nô lệ cho nó. Đây là một hình thức không tôn trọng con người. Vì vậy Chúa Giêsu đã cho con người trở về với chính bản chất tốt đẹp ban đầu của nó khi nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông”. Nghĩa là mời gọi họ phải trở về với ý định của Thiên Chúa, bỏ đi ý định của con người. Ý định của Thiên Chúa là tôn trọng phẩm giá con người. Còn ý định của họ là dùng con người để tôn vinh quyền lực của họ.
Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi tôi biết tôn trọng phẩm giá con người. Nghĩa là biết làm cho mình cũng như người khác luôn giữ được hình ảnh thưở ban đầu là sự tốt lành, thánh thiện.
Lạy Chúa, phẩm giá con người ngày hôm nay đã bị xúc phạm một cách thậm tệ khi người ta ngang nhiên đánh đập người khác chỉ vì “thấy ghét”. Người ta bốc lột sức lao động của người khác để mình có tiền. Người ta xem người khác như dụng cụ để thỏa mãn dụng vọng của mình. Và nhất là người ta xem mạng sống con người còn thua thú vui nhục dục của họ, nên sẵn sàng phá thai sau những cuộc vui xác thịt.
Xin cho người ta biết tôn trọng phẩm giá con người để không còn bạo hành trong gia đình, không còn tội ác phá thai và không còn tìm kiếm những niềm vui xác thịt một cách bất chính.

Suy niệm 3: TÔN KÍNH CHÚA TỪ CON TIM
“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. ” (Mc 7,6)
Suy niệm: Gần ngày Tết, các phương tiện truyền thông lại ra rả nhắc nhở dân chúng coi chừng hàng giả. Ngày nay mọi sự đều có thể là đồ dỏm, từ thứ đáng giá tiền tỷ như thiên thạch đến bó rau, củ cà rốt cũng có thể là hàng Trung Quốc giả hàng Việt. Thế nhưng, tinh vi nhất và đáng trách nhất vẫn là những thứ giả liên hệ đến bản thân con người như thói giả nhân giả nghĩa hay thứ tình yêu giả hiệu khiến bao người bị lừa đau đớn. Thậm chí với Chúa, cũng có người dâng cho Ngài những thứ giả mà cứ làm như là thật. Đức Giê-su đã trách những người Pha-ri-sêu và các kinh sư thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, nhưng trái tim lại xa cách Ngài, chăm chăm tuân giữ các truyền thống xưa, còn điều răn yêu thương cốt lõi Chúa dạy thì lại bỏ quên không giữ.
Mời Bạn: Đức giáo hoàng Grê-gô-ri-ô Cả nhắc nhở: “Bạn nên cẩn thận tối đa kể cả khi làm điều thiện. Bởi vì có thể trong khi thực thi điều thiện, bạn đang tìm kiếm lợi lộc hay ân huệ từ người khác: hoặc bạn ước muốn được người khác ca ngợi, và muốn có những hiệu quả bên ngoài, chứ không phải phần thưởng bên trong” (Bài giảng TM 12). Bạn thấy cần cẩn thận như vậy không?
Sống Lời Chúa: Tôi chu toàn các qui định về tham gia phụng vụ, đồng thời cũng cố gắng sống tình mến với Chúa và với người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa trách chúng con khi chúng con chỉ thờ phượng Chúa trên môi miệng, còn trái tim lại xa Chúa. Xin cho chúng con gặp gỡ Chúa thật sự trong các nghi lễ nhờ tâm tình yêu mến, và đồng thời cũng gặp gỡ Chúa nơi anh chị em chung quanh bằng đời sống bác ái. Amen.

Suy niệm 4
“Thế là các ông lấy truyền thống các ông
đã truyền lại cho nhau mà
huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
(Mc 7,13)
Có hai điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay
1/ Về thói giả hình.
Ngày xưa, Chúa đã phê phán: “Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6).
Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày nay người ta cũng có thể làm giả được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả. Gần đây chúng ta còn được nghe rất nhiều những thứ giả khác: Bằng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả… Những thứ ấy còn đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa, nến, nhang, đèn giả. Mức độ “giả” rất tinh vi nên nhiều khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cả những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây, Chúa Giêsu mới chỉ nói đến “Giả hình”. Ngày nay, còn một thứ giả tệ hơn. Đó là “Giả nhân giả nghĩa”.”Giả hình” mà còn đáng trách thì “giả nhân giả nghĩa” còn đáng trách hơn chừng nào.
Sách cổ học tinh hoa có chép một câu chuyện xảy ra tại Hàn Châu. Có một người bán trái cây đã tìm ra được một bí quyết giữ cho cam lâu ngày mà vỏ cam vẫn luôn đỏ hồng. Ông bán với giá rất đắt, thế mà thiên hạ vẫn tranh nhau mua. Có người mua được một trái đem về bóc ra mới vỡ lẽ ra bên trong chỉ là một trái cam thối. Người đó bèn đem trả lại cho người bán và mắng nhiếc thậm tệ.
Người bán cam cũng chẳng có vừa. Ông ta cười nói:
- Tôi làm nghề này đã lâu, tôi bán và người ta mua, không ai than phiền, chỉ có ông mới kêu ca. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng riêng gì tôi, ông thật chẳng chịu nghĩ cho đến nơi đến chốn. Này thử xem có người đeo hộ phú, hùng dũng như một quan võ, kỳ thực không biết người đó có giỏi được như Tôn Tần, Ngô Khởi không? Có người đội mũ cao, đóng đai dài, trông giống như một quan văn, nhưng liệu họ có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương mà không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn cao lương mỹ vị, oai vệ hách dịch vô cùng. Đó bề ngoài chẳng như vàng như ngọc, còn bề trong chẳng như hỏng nát là gì? Tại sao ông không chịu đi xét những hạng người ấy, mà lại đi xét quả cam của tôi.
Chúa Giêsu cũng đã nghiêm trách những thành phần lãnh đạo thời đại của Ngài. Ngài so sánh họ với mồ mả tô vôi, bên ngoài thì sơn phết bóng bẩy, nhưng bên trong chỉ là những xác chết hôi thối.
Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật (Ga 4,23). (Epphata)
2/ Còn về vấn đề truyền thống của tiền nhân thì Chúa muốn ta phải hiểu thế nào?
Xin đan cử một thí dụ:
Một nhà quí phái kia mở một bữa tiệc để thết đãi khách. Trong số những thực khách được mời tham dự bữa tiệc này có một bác nông dân. Sở dĩ bác nông dân này được mời vì bác là người giàu có trong vùng, lại có lòng tốt. Chính bác đã tặng cho nông dân ở trong vùng một số tiền lớn để xây cất một nhà thương.
Hôm ấy, trên bàn ăn người ta dọn ra món đầu tiên là cua nướng. Ngoài dĩa cua nướng dọn cho mỗi người, người ta còn để ở bên cạnh một ly nước nóng và một lát chanh tươi.
Vì là một nông dân, tính tình chất phác, không lễ nghi khách sáo, đàng khác có lẽ bác nông dân kia cũng đã đói, vì thế sau khi khai mạc bữa tiệc, bác đã cắm đầu cắm cổ ăn một hơi hết món cua nướng.
Ăn cua xong, thấy bên cạnh đó có một ly nước nóng và một lát chanh tươi, tưởng là để cho khách uống, nên bác nông dân vắt chanh vào nước rồi uống một hơi hết sức tự nhiên. Thực ra đây là những thứ để rửa tay, sau khi ăn món cua nướng.
Thấy bác nông dân ăn uống như thế, mọi người chung quanh đều trố mắt nhìn nhau rồi tủm tỉm cười với một sự khinh bỉ. Nhưng riêng với ông chủ nhà, khi thấy bác nông dân kia đã uống như thế, thì ông đã xử sự một cách hết sức khôn khéo. Ông cũng vắt chanh vào ly nước của ông và đưa lên uống, để bác nông dân không bị mất mặt trước những thực khách được mời hôm đó.
Thế là mọi người trong bàn tiệc hôm đó, không ai bảo ai, tất cả đều vắt chanh vào ly nước của mình, rồi bưng lên uống.
Một tập tục đã được bỏ qua. Như vậy, tập tục chỉ có giá trị tương đối. Tất cả những nghi thức bên ngoài chỉ có giá trị đích thực khi chúng hướng về Thiên Chúa, thể hiện được xã hội tính và tinh thần tôn trọng con người. Không vì những mục đích đó thì mọi nghi thức, tập tục, cung cách, chỉ là những sinh hoạt giả dối trống rỗng.

Suy niệm 5
Quyết định tự do của Thiên Chúa là cội nguồn sự hiện hữu của mỗi người chúng ta như là con người, chứ không phải là do ngẫu nhiên. Một quyết định đưa chúng ta vào một chân trời sáng lạn giải thoát chúng ta khỏi sự mỏng giòn của chúng ta. Thật vậy, chúng ta là thành phần của cái đa vũ trụ này: một mảnh bé nhỏ, nhưng với một lời mời gọi vượt lên chính mình mang dấu ấn của Suối Nguồn từ đó ta xuất phát ra.
Một vị Thiên Chúa gọi bằng tên mỗi người, đấng mở cuộc đối thoại. Và đối diện với con người đang thắc mắc về vũ trụ với khát vọng muốn biết không bao giờ được thỏa mãn…Là hình ảnh của một Thiên Chúa- ngỏ lời vì là Thiên Chúa-Tình Yêu.
Mỗi lần mà chiều kích liên hệ bị tổn hại hoặc đổ vỡ, con người kinh nghiệm nơi chính mình như một thương tích không thể chữa lành, một chia ly nội tâm. Giống như được rút ra một phần của chính mình. Và người ta không có thểsống như thế, phân ly tự bên trong.
Biết bao nhiêu bạo lực nơi chúng ta và nơi xã hội, biết bao cuộc sống đang bị tắt và hủy hoại trên chính mình là hậu quả của âm mưu làm hại đến ‘hình ảnh’ của Thiên Chúa-ngỏ lời.
Và tôi tự hỏi làm thế nào tôi chấp nhận và điều khiển cái hữu thể ‘hình ảnh’ của tôi? Trong cuộc đời tôi có những con người bị loại trừ do những tư lợi của tôi, như thế tôi đẩy họ cũng như chính mình vào một tiến trình của sự chết?
Lạy Chúa, Chúa mời gọi con sống phong phú, nghĩa là thông hiệp sự sống. Xin giúp con gọi tên của người anh em, như Ngài đã gọi tên con và như thế Ngài làm cho con sống. Xin giúp con để cho tha nhân khoảng trống và quyền tự là chính mình một cách trọn vẹn.
Qua những câu đầu của chương 7 tin mừng theo thánh Mátcô, ta có thể rút ra hai điều này:
1/ Giới răn của Thiên Chúa và truyền thống của con người phải luôn khác biệt nhau: giới răn của Thiên Chúa có giá trị trường tồn và phổ quát, như thế bất khả đổi thay; truyền thống của con người thì chóng qua, nên có thể và cần phải được thay đổi. Do đó người kitô hữu, và đúng hơn bất cứ ai lương thiện và khôn ngoan, phải tự đổi mới liên tục và sẵn sàng cho những canh tân và tiến bộ.
2/ Đức Giêsu từ chối sự phân biệt của người do thái giữa sạch và nhơ, giữa lãnh vực tôn giáo tách biệt, nơi đó Thiên Chúa hiện diện và một lãnh vực tầm thường hằng ngày, nơi đó không có Thiên Chúa. Không được tẩy luyện ta khỏi cuộc sống hàng ngày bằng cách tìm Thiên Chúa nơi khác, bên ngoài cuộc sống mọi ngày, nhưng ngược lại ta cần phải thanh luyện mình khỏi tội lỗi ở ngay bên trong ta. Đức Giêsu tố giác sự phân biệt được cho là bảo đảm và không thể bàn cải: người do thái là thuộc giới thanh sạch còn những kẻ khác thì thuộc giới nhơ bẩn.
Vấn nạn nhơ sạch đã có ảnh hưởng quan trọng ngay trong những thời đầu của Giáo hội, nhất là việc tham dự cùng một bàn ăn giữa người do thái và dân ngoại (x. Gal 2,11-17). Nhắc lại lời nói của Phêrô trong một thị kiến tại Gioppê: ‘Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì người chớ gọi là ô uế’ (Cv 10,15).
Nhắc lại giới răn thứ tư, Đức Giêsu chứng minh chấp nhận sức mạnh bó buộc của lề luật Thiên Chúa, nhưng khước từ những truyền thống nghẹt thở và xoàng xỉnh đối nghịch lại với những giới răn của Chúa hơn là giúp hiểu và tuân giữ những điều đó tốt hơn.
Đức Giêsu chọn một dịp hoàn toàn tầm thường để chúng minh cho thấy rằng huấn thị của loài người có thể dẫn con người đến việc vi phạm giới răn của Chúa. Bổn phận tôn kính cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ già yếu và thiếu thốn đã được giới răn của Thiên Chúa xác định. Nhưng giữ lời thề cũng là một bổn phận linh thánh. Sự lạm dụng gây thiệt hại cho cha mẹ với lời thề korban rất thường xuyên xảy ra vào thời Đức Giêsu.
Đức Giêsu đặt giới luật yêu thương lên cao hơn cả lễ toàn thiêu và các hy lễ (x. 12,33) và không cho phép vi phạm bổn phận đối với cha mẹ ngay cả khi vi phạm lời thề. Thiên Chúa không muốn được yêu thương và tôn kính bằng cách đi ngược lại tình yêu thương tha nhân. Thiên Chúa là tình yêu và chỉ muốn là tình yêu, tình yêu tha nhân nhờ đó chính mình được yêu thương.
Đây là nguyên tắc căn bản nền tảng cho toàn bộ cách ứng xử của ta: tình yêu Thiên Chúa và tha nhân đan xen vào nhau không thể tách rời (x. 12,30-31).
Ta đọc trong thư thứ nhất của thánh Gioan: ‘Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình’ (1 Ga 4,21). Trong tình yêu mọi hình thức nệ luật đều bị vượt qua.
Điều đôi lúc kéo ta xa Thiên Chúa và tha nhân những con người tốt là những truyền thống tôn giáo tách khỏi tình yêu thương, là cội nguồn và động lực duy nhất.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã kêu gọi chúng con làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con dám sống theo tinh thần phúc âm và sống hiếu thảo với Cha trên trời. Xin đừng để sự kiêu căng và giả tạo dẫn chúng con xa rời tình yêu Chúa. Xin giúp chúng con biết tìm kiếm ý Chúa và thực thi với trọn niềm tin yêu.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa cũng dạy chúng con phải thảo kính cha mẹ. Vì tình yêu của cha mẹ như trời bể mênh mông, như núi non cao vời, đòi hỏi chúng con phải sống đền ơn đáp nghĩa với công ơn sinh thành của mẹ cha. Xin giúp chúng con luôn khắc ghi ân tình mẹ cha như câu ca dao đã dạy: “Núi cao bể rộng mênh mông – Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”. Xin giúp chúng con đừng như những đứa con bất hiếu theo kiểu: “Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quyện nhau đi”, nhưng luôn biết thảo ngoan, vâng lời, kính yêu mẹ cha.
Lạy Chúa Giê-su kính yêu, Chúa đã sống kiếp người như chúng con. Xin giúp chúng con biết noi gương Chúa. Càng lớn càng khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và người đời. Amen.

Suy Niệm 6: Tìm cái cốt yếu
Nhiều tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của Ðạo. Chẳng hạn người Ấn giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Ðấng Mêsia đến; ngay cả Gioan Tẩy giả cũng coi việc dìm người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến. Người Do thái còn đi xa hơn đến mức đưa nghi thức tẩy rửa ấy vào từng chi tiết đời sống thường ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa chén đĩa, bình lọ...
Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Ðối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: "Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm". Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Ðiều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào Ðền thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế nhưng trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 7: Sống đạo?
Vậy người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:
“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lai xa Ta.” (Mc. 7, 5-6)
“Dân này tôn kính Ta bằng môi, bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta… Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của các ông”. Chúa Giêsu phản đối chính những tập tục và truyền thống của người Do thái, bởi vì những tập tục và truyền thống ấy đi tới chỗ che khuất đi tính đơn sơ mà Chúa đòi hỏi nơi con người.
Trong Kitô giáo phải chăng lời ăn tiếng nói và cách sống đạo của ta không làm mất đi vẻ đơn sơ trong sáng sao?
Đúng là chúng ta thường nói nhiều mà thực ra lại không sống thực điều răn của Chúa.
Chúa dạy ta trước tiên phải yêu mến Chúa Cha, yêu thương anh em và mọi người. Giáo hội tiên vàn là môi truờng thuận lợi nhất để Chúa dạy và ta thực hành điều răn này.
Nhân dịp này Chúa Giêsu cũng tra vấn ta về cách ta thực hành những việc đạo đức, đọc kinh, xem lễ… về tất cả những việc ta làm cốt để cho yên lương tâm. Có những ngày có lẽ Chúa muốn nói với ta rằng: “Hãy ngưng lại đi thôi, lòng ngươi xa Ta rồi.”
Tôi sẽ trả lời Chúa rằng nếu tôi không làm những việc đạo đức ấy, tôi sẽ còn xa cách Chúa hơn. Đừng bắt người khác làm điều gì khi chính mình lại không sống sâu xa điều ấy. Đó mới chính là điều quan trọng.
Hãy hiểu rằng Chúa Giêsu không đòi hỏi tôi phải giữ đạo theo kiểu duy tâm, không việc làm, không cử chỉ.Tôi cần phải có những biểu tượng, những nghi thức. Nhưng tôi không được nấp sau những nghi thức này để mà không thực hành lòng yêu mến anh em, không lắng nghe Lời Chúa.
Những thực hành đạo đức này có thể là phương thế giúp ta lượng giá mình xem đã tìm kiếm Chúa thế nào, đã trung tín với Tình yêu của Người đến đâu.
Lạy Chúa, xin ban cho con Thần Khí Chúa, để Phúc âm Chúa nâng dậy đời con.
SUY NIỆM: 
1. Nghi thức rửa tay
Các môn đệ đã không rửa tay trước khi dùng bữa, nhưng người ta lại đi chất vấn vị Thầy của họ, là Đức Giê-su :
Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? (c. 5)
Như thế, các môn đệ làm điều không đúng dưới mắt của những người tuân giữ và bảo vệ Truyền Thống, nhưng người nghe lời than trách, lại là vị Thầy. Điều này có nghĩa là lời giảng của Thầy, cung cách hành xử của Thầy và chính bản thân của Thầy có vấn đề !
Đối với người Do Thái, rửa tay trước bữa ăn không phải là vấn đề vệ sinh, nhưng là một nghi thức thanh tẩy. Bởi vì, lương thực là ân huệ Thiên Chúa ban, nên phải chuẩn bị mình để đón nhận. Hiểu như thế, nghi thức thanh tẩy này thật là có ý nghĩa trên bình diện thiêng liêng và cũng là một nghi thức tôn giáo nên bảo tồn. Và thật ra, chính chúng ta cũng làm như thế : trước bữa ăn, chúng ta làm dấu Thánh Giá, đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành ; khởi đầu Thánh Lễ, chúng ta xin Chúa thanh tẩy để trở nên xứng đáng lãnh nhận Lời và Mình của Đức Ki-tô như là lương thực ; và theo Phụng Vụ Thánh Lễ, linh mục phải rửa tay trước khi cử hành nghi thức truyền phép, đồng thời đọc thầm : « Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm xin Ngài thanh tẩy » (x. Tv 51, 4).
Như thế, những người Pha-ri-sêu và Luật Sĩ thật có lí, khi lưu ý Đức Giê-su rằng, các môn đệ của Ngài đã không rửa tay trước bữa ăn. Cũng tương tự như các nhà chuyên môn về phụng vụ của chúng ta, hay những người yêu thích phụng vụ vẫn thường lưu ý hay phê phán người này người kia đã làm sai hoặc không làm một qui định chữ đỏ nào đó trong Sách Lễ Roma. Tuy nhiên, Đức Giê-su lại bênh vực các môn đệ của mình. Vậy, đâu là vấn đề của những người Pha-ri-sêu và Luật sĩ ? Và phải chăng, vấn đề của họ cũng có thể là vấn đề của chúng ta ?
Nghi thức thanh tẩy dù có ý nghĩa và quan trọng, nhưng cũng chỉ là một cách diễn tả của con tim, là một lời mời gọi hướng tới một thái độ nội tâm. Thật vậy, giữ nghi thức và giữ thật đúng qui định nói lên điều gì hay sẽ đem lại hoa trái nào, khi mà trong lòng trống rỗng, hay có những tâm tình hay cảm nghĩ bất xứng hay không phù hợp ? Như Đức Giê-su đã nói trong Bài Giảng Trên Núi : « Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình » (Mt 5, 23-24). Sai lầm là ở chỗ, người ta bị xét đoán là thanh sạch hay nhơ uế tùy theo việc giữ hay không giữ nghi thức rửa tay hay những nghi thức khác ; như thế, nghi thức trở thành tiêu chuẩn xét đoán về tương quan giữa con người và Thiên Chúa, và do đó, giữa con người với nhau, bởi vì người ta sẽ cư xử đặc biệt với những « người nhơ uế », những « người tội lỗi ». Đối với Đức Giê-su, điều làm cho người ta trở nên thanh sạch hay nhơ uế không phải là điều ở bên ngoài, nhưng là điều trong nội tâm.
Đức Giê-su đã trích lời ngôn sứ này trong Kinh Thánh : « Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân » (c. 6-7). Và trong các Mối Phúc, Đức Giê-su nói : « Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa » (5, 8). Xin Chúa làm cho con tim của chúng ta luôn biết lắng nghe Lời của Người ; vì đó là con đường duy nhất làm cho con tim của chúng ta trở nên gần gũi với Thiên Chúa, làm cho các việc làm, các thực hành đạo đức của chúng ta trở nên đáng yêu dưới mắt Chúa. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất lực trong nỗ lực điều khiển con tim, trong việc làm chủ những diễn biến nội tâm, và nhất là những diễn biến ở những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn. Chỉ có Thiên Chúa, ngang qua Lời và Mình của Đức Giê-su, mới có thể làm cho con tim của chúng ta nên thanh sạch, mới có thể tái tạo và làm cho con tim của chúng ta nên mới. Xác tín này làm cho chúng ta bình an và khiêm tốn. 
2. Truyền thống và Lời Chúa
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su nói hai lần về cùng một điều, đó là tương quan giữa truyền thống và Lời Chúa :
- Lần thứ nhất về chuyện rửa tay trước khi dùng bữa : “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm » (c. 8)
- Lần thứ hai, nghiêm trọng hơn, vì liên quan đến luật thảo kính cha mẹ của Mười Điều Răn : « Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa » (c. 13). Và Đức Giê-su còn nói thêm : “Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !” (Mc 7, 13)
Truyền thống là một giá trị qui chiếu quan trọng, hơn nữa là một ơn huệ, bởi vì đó là một cách sống giới răn của Chúa, sống Lời Chúa của một cộng đoàn trong một thời gian và nơi chốn đặc thù. Nhưng với thời gian, các việc thực hành tốt đẹp này chỉ còn vẻ bề ngoài, không xuất phát từ, hay không diễn tả, tâm tình của con tim, và có khi trở thành quan trọng hơn cả Lời Thiên Chúa, nghĩa là trở thành ngẫu tượng.
Chúng ta cũng có rất nhiều truyền thống ở mọi cấp độ: Giáo Hội, Dòng tu, tu hội, dân tộc, cộng đoàn, nhóm… Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận định lại toàn bộ dưới ánh sáng của Lời Chúa. 
3. Giới răn « thờ cha kính mẹ »
Tại sao, giới răn “thờ cha kính mẹ” mang tầm mức Lời Chúa, vượt trên mọi lề luật, thói quen, tập quán phát xuất từ Truyền Thống? Bởi vì, năng động sống « uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu », thuộc về nhân tính, vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, đạo hiếu từ ngàn xưa của Dân Tộc Việt Nam đã phát xuất và chất chứa Lời Thiên Chúa. Ngoài ra, giới răn này không chỉ có nền tảng nhân bản, nhưng còn có nền tảng thiêng liêng nữa. Bởi vì:
- “Thờ cha kính mẹ” là con đường dẫn con người đến việc tin nhận Thiên Chúa. Thực vậy, tổ tiên ông bà và cha mẹ sinh ra chúng ta, nhưng các vị không phải là nguồn sự sống; hơn nữa, sự sống rất nhiệm mầu và chỉ có thể đến từ Thiên Chúa mà thôi, như chúng ta vẫn nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nhất là trong việc giáo dục đức tin ngày nay, giáo dục lòng biết ơn là con đường tốt nhất dẫn người trẻ đến kinh nghiệm tin nhận Thiên Chúa: biết ơn, biết ơn đối với cha mẹ, đối với cuộc đời, đối với Giáo Hội, và đối với chính Thiên Chúa, cội nguồn và điểm tới của mọi sự.
- “Thờ cha kính mẹ” là con đường dẫn đến hiểu biết khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, một khuôn mặt rất dễ bị bóp méo bởi những hệ thống tư tưởng, khuynh hướng tuyệt đối hóa những điểm tùy phụ và bởi chính luật lệ. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu thương xót và chỉ là tình yêu thương xót mà thôi; và khuôn mặt này được phản ánh tốt nhất nơi cha mẹ. Đức Giê-su cũng đã khởi đi từ tình yêu của cha mẹ, để giúp chúng ta hiểu đúng về Thiên Chúa: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? (Mt 7, 11)
- Và cuối cùng, một thái độ “thờ cha kính mẹ” sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới làm thỏa mãn niềm hi vọng gia đình tái đoàn tụ mãi mãi bên nhau trong tình yêu thương mà thôi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận