Thứ Năm Tuần 4 TN

Đăng lúc: Thứ năm - 05/02/2015 03:07 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN: Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo
 

BÀI ĐỌC I (Dt 12, 18-19. 21-24)

Anh em thân mến, Không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp, hoặc tiếng kèn và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Cảnh tượng thật hãi hùng, đến nỗi Môsê thốt lên: “Tôi đã kinh khiếp và run sợ”. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu, và đến cùng máu đã rảy khi giao ước lên tiếng còn mạnh thế hơn máu Abel.

TIN MỪNG (Mc 6, 7-13)

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Thánh Agata, trinh nữ, tử vì đạo

Thánh Agata sinh tại Sicilia trong một gia đình danh giá. Các chị em của người là Anê, Lucia và Cêcilia đã đổ máu ra minh chứng Chúa Kitô dưới thời bạo vương Ðêciô, năm 251.

Tương truyền rằng từ thuở bé, Agata đã hứa giữ mình đồng trinh. Nhưng quan trấn ở Sicilia là Quintianô ngỏ ý xin cưới thánh nữ. Bị từ khước, ông tức giận bắt giam thánh nữ, lấy cớ ngài là người Công Giáo. Người ta đã hành hạ, khinh khi làm nhục ngài. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Lạ thay, trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintianô nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintianô sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục. Ngài đã chết rũ tù ngày 05-12-251. Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catana khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Giáo Hội mừng kính ngài vào ngày 05/02 mỗi năm.

Suy niệm 1

Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là “để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng“.

Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào?

Về nội dung lời giảng, Thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”(Mc 6,12).

Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng những việc làm cụ thể.

Tác phong của người rao giảng: Biết sống nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.

Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.

Đức Thánh cha Phaolô VI: “Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy này là những chứng nhân”.

Đã có lần Lênin nói về thánh Phanxicô Assisi như thế này: “Để có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích “mỗi ngày một tin vui”).

Ngày kia, Thánh Phanxicô Assisi nói với một thầy dòng:

- Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo.

Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi:

- Con nghe cha nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!

Thánh Phanxicô đáp:

- Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế, chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ. (Góp nhặt)

Người rao giảng Tin Mừng phải thực sự là người cảm nghiệm được một cách sâu xa niềm vui của một cuộc sống siêu thoát. Có như vậy, họ mới có thể thanh thản sống cuộc đời làm chứng cho Tin Mừng.

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng.

Đây là một cách để dạy con biết quí trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình – Người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống tại đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười:

- Chuyến đi như thế nào hả con?

- Thật tuyệt vời bố ạ!

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

- Ô, vâng rất tuyệt!

- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này?

Đứa bé không ngần ngại:

- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có tới bốn con. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, còn họ thì có cả một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào trong vườn, còn họ thì có cả một bầu trời sao lấp lánh suốt đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân, còn họ thì nhà cửa rộng tít đến cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống, còn họ thì có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…

Đến đây người cha không nói gì cả.

- Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi. Cậu bé nói thêm.

Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì mình chưa có hay không có. Có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác, điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và cách đánh giá của mỗi người. Xin Chúa cho chúng ta đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì chúng ta không có hay sẽ có, mà bỏ quên những điều chúng ta đang có, dù chúng là những gì rất nhỏ nhoi. Có như thế chúng ta mới thấy cuộc đời có nhiều niềm vui và mới hăng say trong sứ mạng tông đồ.

Goethe nói: “Sự chiếm hữu có ý nghĩa gì đâu. Sự ưng thuận mới là tất cả”.

Giữa một thế giới

chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,

xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,

xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,

xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,

xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con cảm được

cơn đói đang giày vò bao người,

xin cho con nghe được lời mời của Chúa:

“Các con hãy cho họ ăn đi.”

Ước gì chúng con dám trao

tất cả những gì chúng con có cho Chúa,

để Chúa trao tất cả những gì Chúa có

cho chúng con và cho cả nhân loại. Amen.

Suy niệm 2: NHỮNG MÔN ĐỆ THỪA SAI

Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. (Mc 6,6-7)

Suy niệm: Chúa bận rộn, làm không hết việc. Nhất là trong Tin Mừng Mác-cô, ta thấy Người cần cù như con ong, có lúc thậm chí chẳng có giờ để ăn uống nữa! (x. Mc 3,20-21). Chúa xác nhận rằng Người đến là để thi hành sứ mạng (x. Mc 1,38). Công việc đầy ắp, Ngài muốn có người giúp một tay, và Người lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,13-19), để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng. Đối tượng phục vụ của Chúa là những đám đông dân chúng “bơ vơ như chiên không người chăn” vây bủa lấy Người, nhất là những bệnh nhân, những kẻ tội lỗi, những người bị quỉ ám… Chúa chạnh lòng thương họ. Khi Chúa chọn và sai các môn đệ đi đến với họ, Chúa cũng muốn các học trò chia sẻ tâm tình “chạnh lòng thương” của Chúa.

Mời Bạn: Thời nay, xung quanh chúng ta vẫn còn cả một đại dương những đám đông vất vưởng, lầm than khốn khổ, cả thể lý lẫn tinh thần. Chính vì chạnh lòng thương mà Cha Đa-miêng quyết định sống chết với những người cùi ở đảo Molokai; Tổng Giám mục Oscar Romero quyết định đương đầu với các thế lực bất công để bênh vực những nông dân nghèo bị ức hiếp ở El Salvador; Bác sĩ Lee Tae-suk quyết định trở thành một linh mục thừa sai đến sống và miệt mài phục vụ những người dân cùng khổ nhất ở Nam Sudan. Bạn có muốn trở thành một “môn đệ thừa sai” không? Danh hiệu này, theo Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, không phải chỉ dành cho nhóm ưu tuyển nào đâu, mà là của mọi Kitô hữu đó.

Sống Lời Chúa: Thăm một bệnh nhân hoặc người già neo đơn gần nhà bạn.

Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa xưa Chúa đã phán…”.

Suy niệm 3

Là người, ai cũng có lý tưởng và mục đích sống. Người có lý tưởng cao sang nhưng cũng có người lý tưởng rất bình dị. Mục đích người nông dân chăm sóc ruộng vườn để thu hoạch mùa màng bội thu cho dù phải dằm mưa phơi nắng. Học sinh, sinh viên luôn ước ao đạt kết quả tốt để có tương lai tươi sáng dù phải miệt mài đèn sách. Mục đích chung của con người là đi tìm hạnh phúc. Đối với người Công giáo không những tìm hạnh phúc hiện tại mà còn tìm hạnh phúc mai sau. Vậy làm thế nào để đạt được ước nguyện trên?

Muốn đạt được hạnh phúc đời này lẫn đời sau mỗi người chúng ta cần có mục đích sống và cần có một nơi để ta đi tới. Mục đích sống là đi tìm hạnh phúc và nơi ta sẽ đi tới là thành thánh Giêrusalem trên trời mà tác giả bài đọc thứ nhất mời gọi chúng ta: ‘Anh em hãy tới núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ’ (Dt 12,22).

Trước khi chúng ta đến núi Sion thành đô của Chúa chúng ta hãy đến núi Sinai qua việc sống mười điều răn (Xh 19,16-23). Núi Sinai mà tác giả Thư Do Thái diễn tả hôm nay có lẽ không được trong sáng vì mây mù, giông tố và cả tiếng thét nữa (Dt 12,18-19). Hình ảnh trên diễn tả rằng: chúng ta không quyết tâm đi theo con đường của Chúa mà chiều theo những cám dỗ vật chất làm lu mờ ngọn đèn đức tin của chúng ta.

Muốn vượt qua những thử thách trên, chúng ta tiến xa thêm một bước nữa là sống theo giới răn mới của Chúa Giêsu là mến Chúa và yêu người (Ga 13, 34). Yêu thương cụ thể qua bài Tin Mừng hôm nay là mang bình an của Chúa đến cho tha nhân qua việc mời gọi họ sám hối (Mc 6,12). Ngoài ra, chúng ta cũng chia sẻ niềm vui Tin Mừng của Chúa đến tha nhân như Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mọi người không những giữ đạo mà còn sống đạo và thực hành đạo yêu thương như Chúa Giêsu vậy!

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết trung thành và giữ vững Giao ước với Chúa qua việc sống đạo bao dung và tha thứ; yêu thương và nhân từ như Đấng Trung Gian để đem niềm vui, hạnh phúc và bình an của Chúa đến với tha nhân. Để tất cả chúng con tiến bước trên con đường yêu thương bác ái của Chúa hầu đạt tới núi Sion thành đô của Chúa trên trời.

Suy niệm 4: Chỉ thị truyền giáo

Lần đầu tiên Đức Giêsu sai các tông đồ đi truyền giáo. Ngài muốn họ có được kinh nghiệm của những ‘ngư phủ người’ dưới sự hướng dẫn của Ngài. Những gì Ngài chia sẻ cho họ không dành riêng cho họ mà thôi mà còn nhằm đến mọi người.Giáo huấn mà họ lãnh nhận không dành riêng cho một nhóm nhỏ những người ưu tuyển. Rồi đến ngày họ sẽ ra đi khắp nơi, rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật. Việc rao giảng này xuất phát từ lòng quảng đại, từ nhu cầu muốn chia sẻ những những ân ban phong nhiêu mà mình lãnh nhận. Bởi lẽ họ không phải là những nhà tuyên truyền, nhưng là những chứng nhân. Không phải là những ‘người ăn lương’, mà là những người tự nguyện: ‘Anh em đã nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không’ (Mt 10,8). Vì vậy Chúa nhấn mạnh đến sự khó nghèo: một chiếc áo, một đôi dép và cây gậy đi đường. Họ sẽ được đón tiếp không phải vì áo quần lịch sự mà vì hạnh kiểm và lời nói thuyết phục của họ. Cám dỗ lớn nhất ngày nay trong việc rao giảng là quá đặt nặng trên những phương tiện hơn là nội dung, trên cách trình bày văn hoa hơn là sự thuyết phục nội tâm. Đức Giêsu không kết án những phương tiện nhưng nhắc nhớ chúng ta rằng, lòng tin, lòng quảng đại, quên mình, tin vào nhiệm vụ tông đồ của mình là con kênh dẫn nhập vào lòng người sứ điệp của Thiên Chúa.

Suy niệm 5: SỨ VỤ ĐƯỢC TRAO BAN

Bắt đầu thời kỳ rao giảng, Đức Giêsu kêu gọi Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và được Người sai đi rao giảng. Người mong muốn chia sẻ sứ mạng rao giảng với các tông đồ và để các ông tiếp nối sứ mạng của mình. Đón nhận sứ mạng từ chính Chúa, sau thời gian ở với Chúa và được huấn luyện, các tông đồ mau mắn ra đi thi hành sứ vụ với tinh thần sống đơn sơ và chấp nhận mọi hiểm nguy.

Hành trình nào cũng có những khó khăn, gian nguy vì thế Đức Giêsu cho nhóm mười hai biết về những khó khăn mà các ông sẽ gặp phải trong khi thi hành sứ vụ. Hành trang của các ông là những gì cần thiết cho một lữ khách: một cây gậy, một áo choàng và đôi dép: “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”. Các tông đồ không sở hữu gì ngoài sứ điệp của Chúa, bằng một lối sống dung dị các tông đồ cũng không được đòi hỏi gì mà ngược lại phải rất ý thức về sứ mạng của chính mình, phải bằng lòng với những gì mình nhận được, chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, các tông đồ cũng được dạy phải bằng lòng với nơi ăn chốn ở chứ không đi hết nơi này sang nơi khác để tìm một lối sống thoải mái hơn: “Bất cứ nơi đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”. Ðó là những đòi hỏi của chính Đức Giêsu đối với những người được sai đi thi hành sứ vụ : ra đi mà không có gì bảo đảm cho cuộc sống của mình, ra đi mà không mảy may dính bén với của cải vật chất, với lòi khen tiếng chê. Được sai đi rao giảng, các tông đồ cũng dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, từ bỏ mọi thứ bảo hiểm cho sự an toàn của bản thân. Nhưng ngoài những cái các ông “không mang” thì các ông lại được ban quyền năng của Đức Kitô để rao giảng, trừ quỷ và chữa bệnh. Các môn đệ Chúa phải dám mạo hiểm nhưng là cuộc mạo hiểm kỳ thú vì có Chúa vẫn đồng hành với họ.

Chúng ta cũng được sai đi loan báo Tin mừng của Chúa cho mọi người trong thời đại của mình. Chỉ thị mà nhóm mười hai đón nhận xưa kia cũng vẫn hiệu nghiệm với chúng ta hôm nay. Nhưng trước hết, chúng ta đừng quên điều tối quan trọng là trước khi làm chứng cho Chúa, rao giảng Tin mừng nước Chúa chúng ta cần có thời gian “ở với Chúa” và được Chúa huấn luyện. Chúng ta cần phải có tương quan mật thiết với Chúa trước khi thi hành sứ vụ được trao ban. Khi liên kết với Chúa bằng chính đời sống của mình, công việc của ta được Chúa nâng đỡ và trợ giúp. Trong mỗi Thánh lễ, mỗi giờ chia sẻ Lời Chúa… chúng ta không chỉ giới hạn vào việc nghe Chúa dạy bảo qua những sứ điệp mà ta còn phải nhận ra hoạt động của Chúa nơi mỗi người chúng ta để chính Chúa là niềm vui cho những hoạt động của chúng ta. Ta có thể chia sẻ sứ vụ của Chúa bằng đời sống đơn sơ của mình như Chúa đã chỉ thị cho các tông đồ nhưng mặt khác ta cũng không rao giảng lời nói, tư tưởng của mình cho người khác mà ta phải lệ thuộc vào sứ điệp là Lời của Chúa, sẵn sàng chấp nhận mọi hệ lụy khi dấn thân vào công việc tông đồ, bác ái hay bênh vực cho công lý. Chân lý hệ trọng này cũng đã được chính các môn đệ thể hiện: loan báo không những bằng lời nói, mà còn phải cho thấy nó có giá trị thực sự bằng hành động nữa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chia sẻ sứ vụ rao giảng với Chúa, Người cũng giúp chúng ta thi hành sứ vụ đó và khi tin vào Người, dấn thân vào sứ vụ của Người chúng ta cũng được thông phần vào quyền năng của Người. Điều đó đúng ngay cả trong thời đại của chúng ta. Có những nhà giảng thuyết có thế giá xuất thân không chỉ từ giáo sĩ mà còn từ tu sĩ và giáo dân. Ngày nay, qua Giáo hội, Chúa Giêsu tha thứ cho con người nơi bí tích thống hối và chữa lành bệnh tật nhờ lời cầu nguyện của các môn đệ của Người.

Chúa cũng sai chúng ta đi vào lòng thế giới, để “rao giảng sự sám hối” (Mc.6,12). Đó là một đòi hỏi khó khăn cho chính bản thân chúng ta và cho những người chúng ta gặp gỡ vì chẳng mấy ai thích nghe. Ðó cũng là thách thức của người tông đồ là phải can đảm nói lên những điều phải nói : “Nói mà không giảm nhẹ những đòi hỏi của Tin mừng. Nói mà không lợi dụng Tin mừng để mưu cầu cá nhân. Nói mà không trích dẫn Tin mừng để khoe khoang kiến thức. Nói mà không bóp méo Tin mừng để vuốt ve quần chúng. Dù sao Tin mừng vẫn phải được loan báo”.

Hôm nay, Chúa cũng trao cho chúng ta những quyền năng như hành trang để lên đường. Ðó là quyền rao giảng Tin mừng, quyền trừ quỷ và quyền chữa bệnh. Chúng ta có thể chia sẻ Tin mừng với niềm hân hoan của người tìm được viên ngọc quí. Chúng ta có thể nói về Chúa như nói về một người bạn thân. Chúng ta có thể xua trừ quỉ bằng cách đẩy lui những thói hư tật xấu.Chúng ta có thể chữa bệnh bằng cách lau khô những giọt lệ của bao người quanh ta.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tình yêu và là con đường dẫn đến nguồn suối tình yêu. Chúa đã dành trọn cuộc đời để yêu thương và phục vụ tha nhân. Chúa đã vì yêu thương chúng con nên mang lấy thân phận con người, để cảm thông và chia sẻ với phận người chúng con. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con sống một đời với trọn ý nghĩa là trở nên hữu ích cho tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin thắp sáng lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu của Chúa, để chúng con biết đem Tin mừng tình yêu Chúa đến cho những người chúng con gặp gỡ, cho môi trường chúng con đang sống. Xin cho chúng con biết ra đi với một tình yêu đầy lòng quảng đại để có thể cảm thông với nỗi khốn cùng của anh em. Một tình yêu bao dung để đón nhận mọi người trong tha thứ khiêm cung. Một tình yêu vô vị lợi để dám quên mình phục vụ anh em. Xin cho mỗi bước chân chúng con đi luôn để lại dấu tích của yêu thương mà không mong đền đáp. Xin cho cuộc đời chúng con luôn thanh thoát để đến với nhau trong tình nghĩa chân thành.

Lạy Chúa, Chúa hằng mong muốn quy tụ mọi người thành một đoàn dân duy nhất để tôn thờ Chúa. Xin cho chúng con luôn là những sợi chỉ để liên kết mọi người nên một với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà. Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện chân thành của chúng con. Amen.

SUY NIỆM 6: 
Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại và sai các ông đi từng hai người một để “rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (c. 12). Như thế, các Tông Đồ được sai đi rao giảng, rao giảng “Tin Mừng Nước Thiên Chúa” như chính Người đã rao giảng ngay từ khởi đầu đời sống công khai:
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 14-15)
Triều Đại Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng mời gọi thực hiện hành trình sám hối. Bởi vì, để đón nhận Nước Trời đang đến, chúng ta phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta đón nhận Nước Trời, phải giữ khoảng cách với tất cả những gì không thuộc về hay không giúp hướng về Nước Trời.
1. Tin Mừng Sự Sống
Các Tông Đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng, và dấu chỉ của Tin Mừng Triều Đại Thiên Chúa đang đến là sứ vụ phục vụ cho sự sống của con người: “Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1, 34; và các bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô của những tuần vừa qua). Chính vì thế, khi được sai đi rao giảng, các Tông Đồ được chia sẻ sứ vụ phục vụ cho sự sống của Đức Giê-su:
Người ban cho các ông quyền trừ quỷ… Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. (c. 7 và 12-13)
Như thế, chúng ta có thể nói, Tin Mừng Triều Đại Thiên Chúa là Tin Mừng mang lại sự sống, là “Tin Mừng Sự Sống”. Như chính Đức Giê-su, hiện thân của Tin Mừng Nước Trời, nói về sứ vụ của Người: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Chính vì thế, Tin Mừng Nước Trời của Đức Giê-su Ki-tô mang lại “Niềm Vui”, như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đặc biệt nhấn mạnh trong Thông Điệp “Niềm Vui Tin Mừng” (Gaudium Evangelii) và Tông Huấn về Năm Đời Sống Thánh Hiến.
Về sự sống của loài người và của từng người chúng ta. Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử; nhưng sự sống của con người còn bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. Chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là Lời Thập Giá (x. 1Cr 18, 1) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.
Theo lời kể của thánh Mát-thêu, các môn đệ được mời gọi phục vụ cho sự sống, trong tâm tình nhưng không : « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy » (Mt 10, 8). Và không ở đâu sự nhưng không được thể hiện cách tuyệt đối, như ở ơn huệ sự sống. Như thế, Nước Trời gắn liền với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không. Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Nhưng Không, vì Người là Tình Yêu.
2. Lời Chúa là Thần Khí
Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết và triệt để, chi tiết và triệt để đến độ không thể thực hiện được:
Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”. (c. 8-10)
Bởi vì, nếu chúng ta làm theo y như lời dặn này của Đức Giê-su, chúng ta không thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí đi tĩnh tâm cũng không được ! Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 15, 5; 21, 3-6).
Đức Giê-su cố ý nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bỡi lẽ, Lời Chúa là thần khí (x. 2Cr 3, 17). Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện cách chính xác, nhưng mời gọi chúng ta hướng tới, nếu cần thiết, thật xa theo năng động mà lời của Ngài gợi ra. Lời dặn của Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn ban nhưng không của Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta ; và nếu có các phương tiện và tài năng, thì tất cả là ơn huệ Chúa ban cách nhưng không.
3. Sống mầu nhiệm Vượt Qua
Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể hiểu được lời này, và mọi lời nói của Đức Giê-su, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua mà thôi. Thực vậy, trong cuộc thương khó và nhất là trên thập giá, Đức Giê-su hoàn toàn không có gì, không có dép, gậy, áo, thậm chí chân cũng không đạp đất; nhưng đó lại là lúc:
§  Người hoàn toàn sống bằng sự sống của Chúa Cha, và nên một với Chúa Cha bằng tình yêu.
§  Người tự do với phương tiện, quyền lực, danh vọng, mà ma quỉ gợi ý và con người chờ đợi, để cảm thông và nên một với loài người ở mức độ thấp nhất: đau khổ trong thân xác, đau khổ vì bị bỏ rơi và chính sự chết, chết như một tử tội và ở giữa những tử tội.
§  Người bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa là ánh sáng, sự sống, hiền lành khiêm tốn, sự thiện, có sức mạnh đánh tan bóng tối, sự chết, bạo lực, sự dữ và ma quỉ, để dẫn đưa loài Người về với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần.
*  *  *
Như thế, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm này nói về mầu nhiệm Vượt Qua mà Người sẽ sống và mời gọi tất cả những ai tin, yêu và đi theo Người sống mầu nhiệm này mỗi ngày: đó là để cho Sự Sống mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa được tỏ hiện, nơi những gì nhỏ bé giới hạn yếu đuối của chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Từ khóa:

ô uế

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 
Tin Giáo phận