Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, linh mục, tiến sĩ HT

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/01/2015 02:18 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 2 TN: Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, linh mục, tiến sĩ HT

Bài đọc I (Dt 9, 2-3, 11-14)
Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.
Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Đức Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.


Tin Mừng (Mc 3, 20-21)
Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”.

Thánh Phanxicô Salê, Giám mục Tiến sĩ (1567-1622)
* Thánh nhân sinh tại Xavoa năm 1567. Sau khi làm linh mục, người tận tuỵ với công việc canh tân Hội Thánh công giáo tại quê hương. Được chọn làm giám mục Geneve, người tỏ ra là một mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân. Người là vị sáng lập dòng các nữ tu thăm viếng cùng với chị Phanxica đờ Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở nên mọi sự cho mọi người qua lời nói và chữ viết, cũng như khi tranh luận thần học với anh em Tin Lành, khi giúp cho giáo dân biết sống đời sống thiêng liêng, lo lắng chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn. Thánh nhân qua đời ở Lyon ngày 28 tháng 12 năm 1622.
 
Người cha muốn Phanxicô làm luật sư để có thể thay thế vị trí thượng nghị sĩ tỉnh Savoy, Pháp quốc, vì thế Phanxicô được gởi tới để học luật. Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật, ngài trở về nhà trình bày với cha mẹ về ước muốn làm linh mục. Cha ngài không đồng ý. Sau khi ngài nỗ lực và khôn ngoan thuyết phục, cha ngài đã đồng ý.
Phanxicô thụ phong linh mục và được bầu làm Tổng đại diện GP Geneva, rồi ngài chuyên đối phó với giáo phái Calvin. Phanxicô bắt đầu cảm hóa họ, đặc biệt ở quận Chablais. Bằng việc rao giảng và phân phát những tờ rơi mà ngài viết để giải thích về giáo lý Công giáo đích thực, ngài đã thành công đáng kể.
Lúc 35 tuổi, ngài dược bổ nhiệm Giám mục GP Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, giải tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Tính cách hiền dịu của ngài là “bí quyết” để ngài chiếm được các linh hồn. Ngài thực hành châm ngôn do ngài đặt ra: “Một muỗng mật ong thu hút nhiều ruồi hơn một thùng giấm” (A spoonful of honey attracts more flies than a barrelful of vinegar) – phần nào tương tự tục ngữ Việt Nam: “Mật ngọt chết ruồi”.
Ngoài hai cuốn sách nổi tiếng của ngài (The Introduction to the Devout Life và A Treatise on the Love of God – Giới thiệu Đời sống Thành kính và Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa), ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ (pamphlets) và nhiều lá thư. Sách ngài viết thể hiện tinh thần hiền hậu của ngài và được giới thiệu với người ngoại giáo. Ngài muốn làm cho họ hiểu rằng họ cũng được gọi để nên thánh. Ngài viết trong cuốn The Introduction to the Devout Life: “Đó là một sai lầm, hoặc là một dị giáo, khi nói lòng sùng đạo không tương thích với cuộc đời của binh sĩ, thương nhân, hoàng tử, hoặc phụ nữ có chồng,… Nhiều người đã gìn giữ sự hoàn hảo nơi sa mạc nhưng đã mất nó giữa thế gian”.
Mặc dù cuộc đời ngài tương đối ngắn ngủi và bận rộn, ngài đã dành thời gian cộng tác với Thánh Jane Frances de Chantal trong việc lập Dòng nữ Đức Mẹ Thăm Viếng (Sisters of the Visitation). Các nữ tu thực hành các nhân đức theo gương Đức Maria đi thăm thánh Êlizabet: khiêm nhường, sùng mộ và bác ái lẫn nhau. Họ bận rộn với việc thể hiện lòng nhân hậu đối với người nghèo và người bệnh. Ngày nay, một số cộng đoàn lo việc điều hành trường học, một số khác sống chiêm niệm nghiêm ngặt.

Thánh Phanxicô Salêsiô
Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

1. Đôi dòng tiểu sử
Thánh Phanxicô ra đời tại biệt thự Sales danh tiếng vùng Savoie nước Pháp ngày 21/8/1567. Thân phụ Ngài là ông Phanxicô Nouvelles, một lãnh chúa và thân mẫu ngài là bà Phanxicô Sion, miền Sales. Cả hai là những tín hữu khôn ngoan, nhân đức, hết lòng chăm sóc cho con và giáo dục chúng nên người. Nhờ được sống trong bầu khí đạo đức đày tình yêu thương như thế mà cậu Phanxicô sớm tỏ ra là một thiếu niên ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành.  Phanxicô còn được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng ngay từ nhỏ nên đã sớm trở nên một đứa trẻ đạo đức, thánh thiện và bác ái.
Hơn muời tuổi, Phanxicô chịu phép Thêm sức, xưng tội lần đầu. Và vừa 14 tuổi được cha mẹ cho đi tu. Mấy năm sau ngài chịu phép cắt tóc.
Năm 1580 Phanxicô được gửi đến Paris theo học khoa tu từ và triết lý, dưới quyền giám hộ của linh mục thánh thiện Morac Deâge. Dù sống giữa đô thị lớn, ngập lụt những xa hoa trần tục, thầy Phanxicô không để mình xao xuyến, hay bị lôi cuốn. Chàng vẫn giữ tấm hồn trong sạch, trung thành với lý tưởng tận hiến. Đó là kết quả lòng tin tưởng thầm kín vào Chúa như lời ngài thường nói: “Thiên Chúa là Thầy dậy duy nhất của tôi về mọi khoa nên thánh. Và tôi hoàn toàn tín nhiệm vào Ngài”. Tại Paris ngài xin gia nhập Hiệp hội Thánh Mẫu sinh viên do các cha dòng Tên khởi xướng lập nên.
Qua sáu năm học tại Paris, Phanxicô trở về Savoie rồi sang Ý theo học tại trường Đại học Padoua. Tại đây ngài chuyên về luật khoa và thần học. Hai năm sau ngài nhận mũ tiến sĩ do Đức Giám mục thành Padoua trao tặng. Phanxicô từ giã kinh thành văn hóa, đi hành hương Rôma, Loretto, và về Savoie.
Với tấm bằng tiến sĩ Luật, Ngài Ngài nắm trong tay một tương lai sáng lạn, huy hoàng. Gia đình Ngài mong ước cho Ngài được nhận tước quận công miền Villaroget, giữ ghế luật sư tại Savoie, và sau cùng kết hôn với ái nữ của lãnh chúa trong vùng. Thế nhưng họ đã thất vọng. Cha của Ngài đã phẫn nộ vô ích trước lòng cương quyết và từ tốn của thánh nhân. Dù cuộc đời Ngài có dễ dàng thăng quan, tiến chức, có chỗ vững chắc trong xã hội, nhưng thánh nhân quyết tâm từ bỏ tất cả, để đi theo Chúa Giêsu. Thánh nhân được thụ phong linh mục năm 1595. Thánh nhân được Ðức Giám mục Granier tin tưởng, tín nhiệm đề cử làm nhà hộ giáo, giảng thuyết chính thức chống lại bè rối Calvin ở Challais. Với một tâm hồn lạc quan, vui tươi, tin tưởng và phó thác cho Chúa: "Chúa là nguồn vui của Con", thánh Phanxicô đã đưa trở lại với Giáo Hội 72 ngàn người lạc giáo. Và vào năm 1602 ngay sau khi Ðức Cha Granier từ trần Chúa yêu thương, cất nhắc Ngài, đặt Ngài làm giám mục thay thế Ðức Cha vừa qua đời. Thánh Phanxicô Salêsiô đã lập Dòng Chị Em Con Ðức Mẹ, sau này được đổi thành Dòng Thăm Viếng.
Ngài sống một đời sống hiền lành và khiêm nhường cố gắng làm việc cho tới phút cuối cùng. Ngài được Chúa gọi về trong một chuyến công tác tại Lyon. Hôm ấy nhằm ngày 27-12-1622. Theo lời ngài trối lại, người ta đưa xác ngài về dòng Thăm viếng tại Annecy. Đến ngày 19-4-1685, Đức Giáo Hoàng Alêxanđria VII phong người lên bậc hiển thánh, và tới năm 1877 dưới thời Đức Thánh Cha Piô IX, thánh Giám mục Phanxicô được tặng phong là một thánh tiến sĩ của Giáo Hội.

2. Bài học từ cuộc sống
Nhắc tới thánh Phanxicô Salêsiô, không ai là không phải cảm phục Ngài về sự hiền lành.
Ngài là một người có bẩm tính rất nóng nảy, họ hàng bà con,  bạn bè ai cũng biết thế...
Một hôm, có người đến Toà Giám Mục Annecy để thăm thánh nhân. Trong câu chuyện trao đổi hai bên, nhiều lần ông ta đã lớn tiếng cái vã, đấm bàn đấm ghế, chỉ trích phê bình và mắng nhiếc thánh nhân thậm tệ. Thế nhưng, thánh Phanxicô vẫn cứ ngồi nghe cách thinh lặng, thỉnh thoảng lại nhũn nhặn mời ông khách xơi trà, hút thuốc. Trước những câu nói nặng nề xấc láo, thánh nhân vẫn đáp lại bằng những lời lẽ hết sức dịu dàng, khiến ông khách quý bắt đầu cảm thấy hổ thẹn rồi từ từ rút lui.
Người anh của thánh nhân ngồi ở phòng sau chăm chỉ theo dõi câu chuyện giũa hai bên. Khi người khách vừa ra khỏi cổng, ông phóng ngay ra phòng thánh nhân và lạ thay... Phanxicô vẫn tươi cười bình tĩnh! Ông liền nói:
- Này chú Phanxicô, xưa nay chú tính nóng như lửa, sao độ này lại hiền từ nhịn nhục đến thế. Tôi ở phòng sau nghe ông ta nói mà sốt ruột lộn gan, muốn nhào ra đánh cho ông ta một trận vỡ mặt ra. Đồ lếu lo mất dạy!
- Anh ạ, ai cũng có máu Adong cả. Em cũng bực bội tức giận lắm chứ, nhưng em cố gắng theo gương Cha Giêsu, hiền Lành và khiêm nhượng trong lòng. Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm được một chút ít nhân đức bằng cách tự bảo: này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng mở, đừng nói gì! Rồi cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật, thì bắt được cả bầy ruồi; chứ lấy cả thùng giấm, chẳng tóm được một con.
Rồi một hôm khác có người quí phái dẫn một đàn chó và đoàn gia nhân đến trước sân nhà Đức giám mục Phanxicô Salêsiô: chó thì để sủa ồn ào, gia nhân thì để chửi bới kịch liệt. Ông ta còn lên tận cửa phòng Đức giám mục, múa tay múa chân thóa mạ Ngài như giông nổi sét vang. Thánh nhân điềm tĩnh ngồi nghe bất động chẳng nói chẳng rằng. Đối phương cho như thế là khinh dể mình, lại càng tức giận, động viên toàn lực lượng thể xác và tinh thần, chửi rủa thêm gấp bội. Thánh nhân làm bộ như tượng gỗ nói trong Thánh Kinh: có tai mà không có nghe, có miệng mà không nói, có mắt mà không trông xem... Sau cùng ông kia kiệt lực phải rút lui...
Các bạn hữu của thánh nhân liền đến hỏi tại sao Ngài có thể giữ một thái độ thản nhiên như vậy được ?
Đức giám mục tiết lộ bí quyết:
- Tôi đã minh ước với lưỡi tôi là bao lâu tâm hồn tôi còn bị xúc động, lưỡi tôi không còn sản xuất một lời nào.
 
Suy niệm 1TRỐN TRÁNH

Dân chúng ái mộ và đến với Chúa Giêsu, thì ngược lại, những người bà con thân thuộc của Ngài lại không tán thành và họ cản trở công việc của Ngài. Thậm chí họ cho rằng Ngài bị mất trí. Tại sao vậy?
Có lẽ vì họ sợ bị liên lụy? Khi rao giảng Chúa Giêsu phải vất vả hy sinh. Ngài còn bị chống đối. Ngài bị những người cầm quyền và những nhà chức trách lúc bấy giờ nghi ngờ và loại trừ. Vì lẽ đó mà những người bà con họ hàng của Ngài sợ gặp những rắc rối liên lụy đến bản thân họ.
Có lẽ vì Chúa quá yêu thương con người và những việc Ngài làm ngoài sức tưởng tượng của họ. Họ thấy bị mất nhiều hơn được. Họ thấy có hại nhiều hơn được lợi nên họ đã tránh né sự thật.
Trong đời sống đạo hay trong ơn gọi của mình, nhiều lúc tôi cũng có những suy nghĩ và thái độ giống như những người bà con và họ hàng của Chúa Giêsu. Tôi cũng tính toán hơn thua. Tôi cũng so đo hẹp hòi vì không muốn mất mát hy sinh. Tôi cũng trốn tránh hay thoái thác những công việc hay những bổn phận mà lẽ ra tôi phải làm trong cuộc sống thường ngày.
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn Chúa để mỗi ngày con chu toàn bổn phận của mình, nhất là dấn thân trong việc loan báo tin mừng cho dù phải gặp nhiều thử thách và cản trở. Amen.

Suy niệm 2: CHÚA BẬN RỘN

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, do đó Người và các môn đệ không sao ăn uống được. (Mc 3,20)
Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay chỉ gồm bốn dòng, đúng hai câu, nhưng rất hàm súc thông tin. Một đạo diễn lành nghề có thể dựng nên các cảnh phim sống động, trong đó nhân vật chính là chính Đức Giê-su với đầy những nét khắc họa sự bận rộn của Ngài: nào là rao giảng cho dân, nào là chữa lành bệnh nhân, xua đuổi thần ô uế (x. Mc 3,1-12); bận rộn với việc tuyển chọn các tông đồ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ (cc. 13-19); vẫn không hết bận rộn vì đám đông vẫn bám riết lấy Ngài khiến Ngài và các môn đệ thậm chí không có giờ để ăn uống! Có lẽ vì thế mà thân nhân Ngài cho rằng Ngài mất trí!
Mời Bạn: Điều gì đã thôi thúc Chúa Giê-su tất bật như thế nếu không phải là vì Ngài “chạnh lòng thương” như các tác giả Tin Mừng vẫn thường ghi nhận? Chúa bận rộn, không phải để tìm kiếm tiền bạc, danh vọng hay quyền lực… hay điều gì cho Ngài; Ngài bận rộn chỉ vì yêu thương và để cứu độ cách riêng những người bé mọn khốn cùng. Trong sự bận rộn ấy của Chúa Giê-su, chúng ta thấy nguyên mẫu của điều mà ngày nay chúng ta gọi là đức ái mục tử.
Mời Bạn chiêm ngắm Chúa để biết chạnh lòng trước tấm lòng của Chúa. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta quá đỗi. Làm sao ta có thể ghẻ lạnh với Ngài? Chiêm ngắm Chúa, ta sẽ học với Chúa cung cách yêu thương và phục vụ, đến mức chấp nhận bị quấy rầy, bị xáo trộn trong đời sống riêng tư, chấp nhận quên mình.
Sống Lời Chúa: Vui vẻ đón nhận hy sinh và sẵn sàng phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con luôn sẵn sàng phục vụ anh chị em con.

Suy niệm 3: Không hiểu người khác

Việc hiểu lầm người khác thường ẩn giấu bên trong một sự vu khống. Đức Giêsu, dù không muốn điều đó, nhưng thực tế vẫn bị người do thái chống đối, vì hiểu lầm. Ngay cả những người thân trong gia đình của Ngài cũng bối rối vì nghe người ta nói là Ngài mất trí. Họ muốn bảo vệ Ngài.
Những ai không chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu thì họ chỉ có một việc để làm là vu khống. Những ai quay lưng lại với sự thật thì ở trong gian dối và không hiểu rằng Đấng Messia đến là để mạc khải sự thật. Tệ hại hơn nữa, họ không hiểu rằng sự mới mẽ của kitô giáo chính là sự kiện Đức Giêsu Kitô, chính bản thân Ngài là Lời-Chân Lý, mạc khải của Chúa Cha, ánh sáng của Thánh Thần.
Số phận của Đức Giêsu cũng chính là số phận của những người theo Ngài. Chúng ta gặp những chứng từ ấy nơi cuộc đời các thánh. Những người đương thời của họ cũng thường xem họ là những người mất trí. Nhiều người đã bị hành hình, và giáo hội đã tôn vinh họ là thánh tử đạo, họ là những chứng nhân niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Người gắn bó với Đức Giêsu Kitô nên biết rằng họ sẽ uống cùng một chén với Ngài.
Sự điên rồ của Ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cor 1,22-25). Việc ở với Đức Giêsu đòi hỏi một sự thay đổi từ tư tưởng con người thành tư tưởng của Thiên Chúa. Không có sự đổi thay tận căn này của tâm trí, người ta vẫn ở bên ngoài gia đình của Ngài cho dù họ muốn điều tốt cho Ngài đi chăng nữa. Không có sự đổi thay tận căn này, người ta không yêu mến Ngài, mà chỉ yêu mình và những dự tính của riêng mình. Đó không phải là tình yêu mà là ích kỷ, muốn đồng hóa Ngài với mình, trong khi cần phải làm chiều ngược lại, đồng hóa mình với Ngài. Ngay cả trong lời cầu nguyện cũng thế, luôn có cơn cám dỗ cầu xin Thiên Chúa làm theo ý mình mà không để mình làm theo ý Thiên Chúa.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chúng con đi. Lời Chúa là lẽ sống, là con đường dẫn chúng con tới hạnh phúc miên trường. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi lời Chúa, biết sống tin mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ. Năm xưa, Chúa đã quy tụ chung quanh Chúa những người lắng nghe và thực thi lời Chúa thành một gia đình đức tin. Chúa chọn họ nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Chúa coi trọng tình thiêng liêng hơn cả tình ruột thịt. Chúa vẫn từng nói chỉ những ai biết lắng nghe Lời Chúa mới là cha, là mẹ và là anh em với Chúa. Xin cho chúng con biết giữ tình nghĩa với Chúa trong sự lắng nghe và thực hành lời Chúa. Xin giúp chúng con đừng giữ đạo hình thức nhưng giữ đạo bằng cả cuộc sống mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình.
Lạy Chúa, Chúa có Lời ban sự sống đời đời. Xin ban cho chúng con lời hằng sống để chúng con tuân giữ và thi hành suốt cuộc đời. Amen.

Suy Niệm 4: Vai trò của gia đình

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con người.
Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quý trọng gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.
Như vậy, đối với Chúa Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của loài người đều không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là con người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế". Như vậy, ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể là để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người, chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.
Từ cái nhìn trên đây của Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của gia đình và một cách cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình. Trong tuyển tập "Giới Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:
"Các bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"
Mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời, chân đạp đất". Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.
Những suy tư của Ðức Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: "Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?" Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời, là hướng về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là sống đúng ý nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và đó phải là mục đích của giáo dục gia đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà chúng ta đang theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Người đã mất trí

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của người hay tin ấy, liền bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc. 3, 20-21)
Thân nhân của Chúa Giêsu đã không được chiều chuộng cho lắm. Buổi đầu khi Người xuất thân đi rao giảng, nhứng người thân của Chúa đã phải chịu nỗi phiền hà là có liên hệ bà con với một con người kỳ quặc, tự cao. Sau này khi Chúa Giêsu đã có tiếng tăm rồi và bà con muốn tới gặp Người thì lại bị rầy la, khi Người nói: “Ai là anh chị em tôi?”
Phần chúng ta, chúng ta có hạnh phúc vì được kể vào hàng bà con thân thích mới này- chúng ta sung sướng được gọi là anh là chị của Đức Kitô. Nhưng vấn đề Phúc âm hôm nay đặt ra cho ta là hãy tìm xem liệu ta có nét nào giống với đám bà con ấy là những người đã coi Chúa Giêsu như kẻ “phá rối” cần sớm cho vào “nhà nghỉ mát” không?
Tại sao có sự phiền hà này
Ta có thể hiểu thế nào về phản ứng của những thân nhân ấy? Phản ứng này một phần lớn là Do thái độ tự phụ của Chúa Giêsu dám coi mình là “Con Người”. Với danh xưng này, Người đòi buộc người ta phải nhìn nhận mình là một nhân vật của Truyền thống có quan hệ thân cận độc nhất vô nhị với Đức Giavê Vì thế, là thân nhân của một con người tự phụ, một anh “ngộ đạo”, thì chẳng có gì là vinh quang cả! Tốt hơn là nên coi Người như một người khùng thay vì đưa ra tòa hoặc bịt miệng Người lại.
Còn chúng ta có “giam tù” Người không?
Những thân nhân của Chúa Giêsu có lập trường rõ ràng. Còn ý định của chúng ta lại tế nhị hơn. Hãy coi xem.
Chúng ta không nói rằng Chúa Giêsu đã mất trí. Nhưng chúng ta để trong ngoặc đơn những đòi hỏi gắt gao nhất của Người.Ta có can đảm như thế nào khi làm chứng Người là Thiên Chúa? Ta làm chứng gì về sự Phục sinh của Người?
Chúng ta không muốn bắt Người để tống vào ngục, nhưng chúng ta gác ra một bên những yêu sách quyết liệt nhất của Người: “… Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo … rồi hãy đến theo Tôi!” - “Phúc thay ai xây dựng hòa bình! Phúc thay ai hiền lành!”
Bôi bác Tin mừng của Đức Kitô, làm méo mó chân dung Người, đòi Phúc âm phải hợp với lý luận, đó chính là một cách thế nào đó đã giam giữ Đức Kitô vậy.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận