Đức Mẹ Lộ Đức

Đăng lúc: Thứ tư - 11/02/2015 02:09 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc tế Bệnh nhân.

BÀI ĐỌC I (St 2, 4b-9. 15-17 (Hr 5-9. 15-17))
Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất. Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗi mũi và con người trở thành một vật sống.
Thiên Chúa lập một vườn tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành dữ.

Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn. Và Thiên Chúa truyền lệnh cho con người như sau: “Ngươi được ăn mọi thứ trái cây trong vườn, nhưng chớ ăn trái cây biết lành dữ, vì ngày nào ngươi ăn nó, ngươi sẽ phải chết”.

TIN MỪNG (Mc 7, 14-23)
Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.


Bài Đọc Lễ Đức Mẹ Lộ Đức
BÀI ĐỌC I (Is 66, 10-14c)
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

TIN MỪNG (đọc bài Tin Mừng theo ngày)

Đức Mẹ Lộ Đức

Ngày 8-12-1854, Thánh GH Piô IX công bố Tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông huấn “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Bất Khả Ngộ). Hơn ba năm sau, ngày 11-2-1858, một phụ nữ trẻ đã hiện ra với Bernadette Soubirous. Trong lần hiện ra ngày 25-3-1858, phụ nữ này đã xác định: “Tôi là Đấng Vô Nhiễm”.
Bernadette là đứa trẻ ốm yếu, có cha mẹ nghèo, nhưng việc sống đức tin của họ luôn sốt sắng. Trong khi bị thẩm vấn, Bernadette đã nói những gì em thấy. Đó là “cái gì đó màu trắng có dáng một cô gái”. Bernadette đã dùng từ “aquero” – đặc ngữ địa phương nghĩa là “điều này”. Đó là “một phụ nữ khá trẻ có chuỗi Mân Côi trên tay”. Chiếc áo trắng có vòng xanh bao quanh, đầu đội khăn trùm trắng. Mỗi bàn chân có một bông hồng vàng. Bernadette cũng ấn tượng với sự thật là phụ nữ này không dùng cách nói bình dân với đại từ “tu” (Pháp ngữ, ngôi thứ hai số ít), mà dùng cách nói trang trọng với đại từ “vous” (Pháp ngữ, ngôi thứ hai số nhiều, nhưng với ý nói số ít).
Trinh nữ khiêm nhường hiện ra với một cô gái khiêm nhường và đối xử đàng hoàng. Qua cô gái khiêm nhường đó, Mẹ Maria đã tái sinh và tiếp tục tái sinh đức tin của hằng triệu người khác. Người ta từ khắp nơi bắt đầu tuôn đến Lộ Đức. Năm 1862, Giáo hội xác nhận tính đích thực của việc hiện ra này và ban phép tôn kính Đức Mẹ Lộ Đức cấp giáo phận. Lễ Đức Mẹ Lộ Đức được mừng kính trên toàn cầu từ năm 1907.
 
LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
 
(11/2/1858)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vào ngày 8 tháng Mười Hai 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Hiến Chế Ineffabilis Deus. Khoảng hơn ba năm sau, vào ngày 11 tháng Hai 1858, một trinh nữ đã hiện ra với Bernadette Soubirous, mở đầu cho một chuỗi thị khải. Trong lần hiện ra ngày 24 tháng Ba, trinh nữ này tự xưng là: "Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội."
 
Bernadette là một thiếu nữ yếu ớt, con của hai ông bà người nghèo và không có tham vọng. Việc sống đạo của họ cũng không có gì đáng nói. Bernadette chỉ biết đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và kinh Tin Kính. Cô còn biết đọc kinh cầu Linh Ảnh (ảnh tượng Đức Mẹ làm phép lạ): "Ôi Đức Maria được thụ thai mà không mắc tội."
 
Trong những lần phỏng vấn, Bernadette cho biết những gì cô được nhìn thấy. Cô cho biết "cái gì đó mầu trắng trong hình dạng một thiếu nữ." Cô dùng chữ "Aquero," tiếng địa phương có nghĩa "cái này." Đó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng. Bernadette cũng ngạc nhiên ở sự kiện là trinh nữ này không gọi cô với danh xưng bình dân "tu", nhưng với ngôn từ rất lịch thiệp "vous". Người trinh nữ khiêm tốn ấy hiện ra với một cô gái bình dân và đã đối xử với cô như một người có phẩm giá.
 
Qua một cô gái bình dân, Đức Maria đã làm hồi sinh và tiếp tục làm sống dậy đức tin của hàng triệu người. Dân chúng bắt đầu đổ về Lộ Đức từ khắp nơi trong nước Pháp cũng như toàn thế giới. Vào năm 1862, giới thẩm quyền Giáo Hội công nhận tính cách xác thực của những lần hiện ra và cho phép sùng kính Đức Mẹ Lộ Đức. Năm 1907, lễ Đức Mẹ Lộ Đức được cử mừng khắp hoàn vũ.
 
Suy niệm 1: Thị khải
Khoảng hơn ba năm sau, vào ngày 11 tháng Hai 1858, một trinh nữ đã hiện ra với Bernadette Soubirous, mở đầu cho một chuỗi thị khải.
 
Thị khải vốn là một đặc ân. Đã là một đặc ân thì thường được hiểu là không nhiều, thế nhưng Bernadette Soubirous lại nhận được cả một chuỗi thị khải, nghĩa là khá nhiều. Thật là một diễm phúc cho Bernadette.
 
Tuy nhiên cũng thật xứng đáng, vì Bernadette Soubirous đã gánh chịu rất nhiều đắng cay và khổ đau, trong suốt quá trình được thị khải. Đúng như câu nói: càng cao danh dự càng nhiều gian nan.
 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sẵn lòng đón nhận con đường thập giá để qua đó hưởng được quang vinh
 
Suy niệm 2: Đọc kinh
Bernadette chỉ biết đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Tin Kính. Cô còn biết đọc kinh cầu Linh Anh.
 
Đọc kinh là một việc đạo đức rất có giá trị theo truyền thống xưa nay, và dồng thời lại rất vừa tầm với mọi hạng người, không phân biệt tuổi tác, kể cả những người chẳng những ít học vấn mà còn vô học nữa.
 
Số lượng kinh được đọc không quan trọng bằng cách đọc là miệng đọc mà tâm suy, lòng quy hướng về Đấng tôn thờ để sống hết mình cho Người. Chính đó là mẫu gương mà Bernadette để lại, và như thế thật là xứng đáng để nhận được đặc ân thị khải. 
 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng phương cách đọc kinh để xây dựng nếp sống đạo đức mỗi ngày một vươn cao.  
 
Suy niệm 3: Chuỗi tràng hạt
Đó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng.
 
Chuỗi tràng hạt là một kinh nguyện Thánh Mẫu tuy cổ kính, nhưng có giá trị vượt thời gian và không gian, vì nếu con đường ngắn nhất để đến với Đức Giêsu là Đức Maria, thì con đường ngắn nhất để đến với Đức Maria là chuỗi tràng hạThánh
 
Thật vậy chuỗi tràng hạt nắm giữ một địa vị rất quan trọng đối với Giáo Hội và dĩ nhiên với hết mọi người, ngay cả đối với chính Đức Maria, vì không những Mẹ hiện ra nhiều lần với chuỗi tràng hạt trên tay mà còn lần hạt với nhân vật được thị khải nữa.
 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng lần chuỗi tràng hạt theo như lời Mẹ dạy lúc Mẹ hiện ra ở Phatima vào ngày 13 tháng 10 năm 1917.
 
Suy niệm 4: Chuỗi tràng hạt
Đó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng.
 
Chuỗi tràng hạt gồm có 150 kinh Kính Mừng được xen kẻ với việc suy ngắm 15 Mầu Nhiệm Vui Thương Mừng. Và sau này chuỗi tràng hạt được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm vào 5 Mầu Nhiệm Sáng nữa.
 
Lần chuỗi tràng hạt giúp chúng ta học cách ngắm nhìn và yêu mến Đức Giêsu với đôi mắt và quả tim của Đức Maria, để rồi sống như Đức Maria đã sống. Lần chuỗi tràng hạt không những giúp chúng ta gia tăng lòng sùng kính Mẹ mà còn được hưởng nhờ nhiều ơn ích qua bàn tay từ ái của Mẹ nữa.
 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tận dụng việc lần chuỗi tràng hạt để mỗi ngày được gia tăng lòng yêu mến Chúa và Đức Maria Mẹ Chúa hơn.
 
Suy niệm 5: Lịch thiệp
Bernadette cũng ngạc nhiên ở sự kiện là trinh nữ này không gọi cô với danh xưng bình dân "tu", nhưng với ngôn từ rất lịch thiệp "vous". Người trinh nữ khiêm tốn ấy hiện ra với một cô gái bình dân và đã đối xử với cô như một người có phẩm giá.
 
Lịch thiệp là nét đặc trưng của một người có lòng đạo đức cao độ, đến mức nhận ra nơi tha nhân không chỉ là hình ảnh mà thật sự là chính Thiên Chúa, vì thế đâu có thể xử đối cách khác được, ngoài việc tôn kính.
 
Sứ thần từ trời xuống cũng mở lời kính chào Đức Maria vốn là một phàm nhân để rồi sẵn lòng chờ đợi câu trả lời tự do của Mẹ chứ không cưỡng bước. Đức Giêsu là Thầy là Chúa nhưng vẫn kính trọng các tông đồ như là bạn hữu.
 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra thân phận chúng con chẳng qua chỉ là bụi tro, để đừng bao giờ vênh vang lên mặt coi khinh người khác. 
 
Suy niệm 6: Đức tin
Qua một cô gái bình dân, Đức Maria đã làm hồi sinh và tiếp tục làm sống dậy đức tin của hàng triệu người. Dân chúng bắt đầu đổ về Lộ Đức từ khắp nơi trong nước Pháp cũng như toàn thế giới.
 
Lộ Đức đã trở nên trung tâm hành hương và chữa lành, nhưng nhất là đức tin. Giới thẩm quyền của Giáo Hội công nhận 64 phép lạ chữa lành, mặc dù trên thực tế có lẽ nhiều hơn thế. Đối với những người có đức tin thì không có gì ngạc nhiên. Đó là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được tiếp tục thể hiện qua sự can thiệp của mẹ Người.
 
Nhiều người cho rằng các phép lạ lớn lao hơn thì rất bàng bạc. Nhiều người đến Lộ Đức và trở về với một đức tin được đổi mới, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong các nhu cầu của tha nhân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nghi ngờ việc hiện ra ở Lộ Đức. Để nói với họ, có lẽ tốt hơn là dùng những lời mở đầu của cuốn phim "Song of Bernadette": "Với những ai tin vào Chúa thì không cần giải thích. Với những người không tin, thì chẳng sự giải thích nào đầy đủ."
 
* Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng lòng tin cho chúng con, để chúng con không dừng lại ở phép lạ, mà qua phép lạ tìm đến với Đấng ban cho phép lạ.   


LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC 11.2
Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân


Mẹ Maria đã hiện ra nhiều nơi, nhiều lần trên thế giới để kêu gọi con người ăn năn sám hối và năng lần hạt Mân Côi. Tại Lộ Đức miền tây nam nước Pháp, Mẹ Maria đã hiện ra cả thảy 18 lần với Bernadette, một thiếu nữ nghèo hèn.
Lộ Đức nằm dưới chân dẫy núi Pyrénées, miền Tây Nam nước Pháp là một điểm hành hương nổi tiếng nhất thế giới dù rằng nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh thuộc địa phận Tarbes. Từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 16 tháng 7 năm 1858, Đức trinh nữ Maria đã hiện ra với Bernadette tất cả 18 lần. Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Người đều khuyên Bernadette hãy siêng năng lần hạt và làm việc đền tội thay cho các người tội lỗi, yếu đuối. Đức Mẹ còn yêu cầu người ta hãy xây cất cho Ngài một ngôi thánh đướng ở Lộ Đức để dâng kính Mẹ. Bernadette đã nhìn thấy Đức Mẹ nhiều lần, nhưng các trẻ em khác thì không được diễm phúc nhìn thấy Mẹ Maria. Ngày 1 tháng 3 năm 1858, một phụ nữ đang mang thai nhúng cánh tay bại liệt của bà vào dòng nước mà Bernadette đã nghe lời Mẹ đào bới, bà đã được chữa lành một cách vô cùng kỳ lạ. Tin đồn này lan truyền khắp nơi. Người ta tuôn đến Lộ Đức càng ngày càng đông.
Với những phép lạ diệu kỳ của Mẹ Maria, Bernadette đã trình với Cha sở Lộ Đức về những lần Mẹ hiện ra với em tại hang đá Lộ Đức. Cha sở lúc đó đã xin Bernadette hỏi tên Mẹ là gì. Ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ hiện ra với Bernadette và em đã hỏi Đức Mẹ, Đức trinh nữ Maria đã mạc khải:” Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội “. Cha Sở đã tin vào việc Đức Mẹ hiện ra với Bernadette tại Lộ Đức. Lộ Đức từ đó đã trở thành nơi hành hương cho toàn thể thế giới. Một ngôi thánh đường nguy nga đã được xây cất để dâng kính Mẹ Maria theo lời yêu cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm.
Tại Lộ Đức, Đức Mẹ với tấm lòng yêu thương dạt dào đã chữa lành biết bao bệnh nhân tật nguyền với biết bao loại bệnh khác nhau và ban cho nhiều người ơn ăn năn sám hối. Từ 1 tháng 3 năm 1858 có hằng hà sa số người đã tới Lộ Đức để xin Đức Mẹ chữa lành, tắm suối nơi dòng nước Bernadette đã tìm ra. Trong số 5.000 phép lạ chữa lành, Hội Thánh đã công nhận 65 vụ được khỏi bệnh là những phép lạ thật do lòng xót thương của Đức Mẹ. Đức thánh Cha Lêô XIII đã ban phép cho một vài miền được mừng kính lễ Đức Mẹ Lộ Đức và vào năm 1908, Đức Giáo Hoàng Piô X đã phổ biến lễ này trong toàn Giáo Hội.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, ngày hôm nay chúng con kính nhớ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là Thánh Mẫu của Con Một Chúa, xin nhận lời Đức Mẹ chuyển cầu mà ban ơn trợ lực giúp chúng con là những kẻ yếu hèn được thoát vòng tội lỗi ( Lời nguyện ca nhập lễ, lễ Đức Mẹ Lộ Đức ). 
 
Suy niệm 1
Bài đọc I cho chúng ta thấy mọi thứ Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp. Biểu tượng của mọi sự tốt đẹp đó chính là vườn Êđen. Nhưng những thứ tốt đẹp đó không phải dành riêng cho Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen”, nghĩa là Ngài dành cho con người. Chỉ một tường thuật ngắn gọn như vậy thôi cũng đủ thấy sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta.
Để đề phòng con người sử dụng tự do của mình một cách “không tự do”, nên Thiên Chúa đã đặt “cây biết lành biết dữ ở giữa vườn” để nhắc nhở họ rằng: Thiên Chúa luôn hiện diện ở đó, nhìn thấy họ, thấu suốt tâm can họ. Con người vẫn nhận ra Thiên Chúa hiện diện giữa họ, nhưng họ đã có cái nhìn sại lạc về Thiên Chúa. Họ cho rằng Thiên Chúa không yêu thương họ nên mới cấm họ ăn trái cây giữa vườn.
Bài Tin mừng một lần nữa cho chúng ta thấy mọi thứ Thiên Chúa ban cho đều tốt đẹp, những thứ xấu xa là do chính con người tao ra, ở bên trong con người. Điều này được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mọi tư tưởng sai lạc, mọi tội lỗi đều phát xuất từ bên trong con người. Tuy nhiên những sai lạc, những tội lỗi này cũng có thể do tác động bên ngoài, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở con người.
Muốn tránh được những thứ ô uế từ bên trong, con người phải thường xuyên thanh tẩy mình bằng những giây phút hồi tâm, bằng những lần xưng tội.
Lạy Chúa, sau mỗi sự việc, mỗi biến cố, mỗi ngày sống, xin cho con có thời gian nhìn lại tất cả mọi sự để con nhận thấy được đâu là những điều tốt, đâu là những điều xấu để con có ý thức phản tỉnh. Nếu không có những giờ phút quý giá con, tâm hồn của con sẽ chai lì với những điều xấu, lâu dần sẽ phát sinh ra điều xấu từ chính tâm hồn con. Một khi đã nhận ra những điều sai lỗi, xin cho con biết đến với Chúa qua bí tích Giải tội để được Chúa thanh tẩy tâm hồn con cho nên trong sạch.

Suy niệm 2: THAY ĐỔI TỪ BÊN TRONG
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)
Suy niệm: Chiến tranh, khủng bố, giết người, cướp của, ly dị, phá thai,… không phải là chuyện “bên lề” hay bên ngoài đối với con người, nhưng chúng là hậu quả của lòng ham muốn của cải, quyền lực và nhục dục từ trong con người. Lòng độc dữ của con người là nguyên nhân phát sinh mọi thứ tội ác và nỗi khổ của con người. Nói cách khác, thay vì làm khởi sắc linh hồn là hình ảnh của Thiên Chúa, con người bóp méo bôi nhọ hình ảnh cao quý đó bằng các ý hướng xấu xa bên trong mình. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt bên trong, Đấng thích tâm hồn đơn thành hơn của lễ, Ngài đòi buộc mọi người nhìn tận sâu thẳm tâm hồn để nhận diện chính mình để Ngài biến đổi con người chúng ta từ bên trong. Ngài thay đổi cuộc đời của Phê-rô bằng cái nhìn thấu suốt, khiến Phê-rô hối hận và trở lại với Chúa; làm biến đổi Gia-kêu tận bên trong khiến Gia-kêu dám từ bỏ cuộc sống tội lỗi để trở nên người lành thánh. Nếu mọi điều xấu xa xuất phát từ lòng người, thì con người cũng cần được Thiên Chúa biến đổi từ bên trong.
Mời Bạn: Nhiều người muốn làm đẹp mình bằng những mỹ phẩm thay vì tập thể dục. Cũng vậy, nhiều người chú ý đến cái đẹp bên ngoài hơn nét đẹp tâm hồn. Một tâm hồn sáng đẹp sẽ làm vui lòng Chúa và làm thế giới tốt đẹp hơn.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành vài phút trầm lắng trước sự hiện diện của Chúa để cầu nguyện và xét mình.
Cầu nguyện: Xin Chúa chữa lành tâm hồn con, để con có một tâm hồn thánh thiện với những ước muốn ngay lành.

Suy niệm 3
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người
 lại có thể làm cho con người ra ô uế được;
nhưng chính cái từ con người xuất ra,
là cái làm cho con người ra ô uế.”
(Mc 7,15)
Nói đến cái bên ngoài và cái bên trong thì quả thực có rất nhiều vấn đề để nói.
1/ Đúng như là Chúa nói: không phải cái từ bên ngoài có thể làm cho người ta ra ô uế, mà chính là những cái phát xuất từ bên trong, từ lòng của con người như tham lam, tà dâm, giết người, trộm cắp, độc ác, xảo trá, ganh tị…Chính những cái đó mới làm cho con người ra xấu xa ô uế.
Người Tây Phương thường nói: “Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn như vậy.”
Một buổi chiều kia, sau trận mưa đầu mùa, cảnh vật tươi mát hẳn lên, thiên nhiên càng thêm hữu tình, hai nhà sư Tandan và Êkinô cùng xuống núi, thong dong tản bộ dọc theo con đường dẫn vào một ngôi đền ở làng quê.
Tới một khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh đẹp trong bộ áo Kimônô sặc sỡ và chiếc khăn quàng bằng lụa óng ả. Cô gái đứng bên vệ đường dáng vẻ băn khoăn vì không thể băng qua khúc đường lầy lội với một trang phục như thế. Nhà sư Tandan liền bảo:
- Đi lối này cô bé!
Rồi không để cô gái kịp xoay xở, Tandan nhanh tay bồng cô gái lên, bế cô gái qua vũng lầy và đặt cô xuống phía bên kia. Cô gái cúi đầu tỏ dấu cám ơn, còn nhà sư thì mỉm cười đáp lễ rồi tiếp tục cuộc đi dạo.
Thế nhưng, kể từ lúc ấy thì Êkinô đổi hẳn thái độ. Anh không thèm nói một lời nào với người bạn nữa. Mãi cho đến khi hai người dừng chân trước một ngôi đền, thì lúc ấy Êkinô mới hậm hực nói với Tandan:
- Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là phụ nữ trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại dám làm như thế?
Tandan mỉm cười và thản nhiên đáp:
- Tôi đã bỏ nàng ở chỗ vũng lội rồi. Còn anh, sao anh vẫn mang nàng tới tận nơi đây?
Đúng là những cái bên ngoài không làm cho người ta ra ô uế, mà chính là cái phát xuất từ bên trong.
Khổng Tử ngày xưa có dạy các đệ tử của mình một câu, một câu rất vắn gọn nhưng rất xúc tích. Câu ấy như thế này: “Tư vô tà”. Cổ nhân ngày xưa cũng thường hay nói đến chữ tâm. Nếu con người có được cái tâm trong sáng thì cuộc sống ắt sẽ tốt đẹp. Còn những kẻ tâm tàthì dù cái mã bên ngoài có tốt đẹp đến đâu đi nữa thì sớm muộn gì rồi cũng bị lộ tẩy.
2/ Ngược lại, nhiều khi chúng ta thấy những cái bên ngoài xem ra chẳng ra gì nhưng bên trong lại là một kho vàng vô giá.
Trong mẩu chuyện ngắn với tựa đề Đồng vọng ngược chiều được đăng trong tuyển tập bốn mươi chuyện rất ngắn do hội Nhà văn xuất bản, tác giả Lã Thế Khanh đã kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa hai người mù: một bà lão ăn xin và một bé gái cũng ăn xin.
Bên một đống rác lớn, bà lão van vỉ xin khách qua đường giúp đỡ nhưng không có một hồi âm nào ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Bà lão vẫn tiếp tục van vỉ điệp khúc cũ, nhưng càng về sau càng thống thiết, những câu nói rời rạc như rãi chảy ra từ khuôn miệng dúm dó, xệch xạc của bà.
Trong khi đó, tại một gốc cây sếu già, một bé gái ăn xin mù lòa đang thiu thiu ngủ. Nó gối đầu trên một cái túi khâu bằng nhiều loại vải cũ, một cái bát sắt hoen rỉ thủng đáy nằm lăn lóc bên cạnh. Từ sáng sớm đến giờ chưa có gì trong bụng, nên cô bé đói rũ người. Nó hy vọng giấc ngủ sẽ xua tan cái đói. Nhưng cô bé bỗng giật thót người: có một bàn chân nào đó dẫm lên người nó. Đang lúc đói mệt, cô bé gầm lên:
- Mù à, người ta nằm đó mà dẫm lên?
Bà lão ăn xin lại van vỉ:
- Bà mù, bà mù thật cháu à. Thôi bà đã trót, cho bà xin.
Lặng đi một lát, cô bé đưa hai tay sờ mặt mình, từ hai hốc mắt của nó những giọt nước mắt mặn chát chảy ra, nó ngập ngừng:
- Cháu… Cháu xin lỗi bà, cháu không biết bà như thế.
Bà lão ngúc ngoắc đầu như thể chấp nhận, rồi tiếp tục đi về phía có đông người. Ngẫm nghĩ điều gì đó, cô bé lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, và nói một cách lễ phép:
- Bà ơi! Cháu biếu bà này!
Một làn gió thổi mạnh. Những chiếc lá từ trên cây rụng xuống rơi vào nón, làm bà lão tưởng là cô gái lừa dối mình, còn cô gái thì chờ mãi mà vẫn không thấy bà lão nhận tiền.
Nếu xét về cái vẻ bên ngoài thì hai nhân vật trong câu chuyện này chẳng có gì đáng nói. Hay nếu có phải nói trắng ra thì bên ngoài…rất bẩn, rất dơ. Thế nhưng, bên trong như thế nào thì tôi tưởng mọi người chúng ta đều thấy. Không thấy được bằng con mắt thịt nhưng thấy được bằng cái tâm của con người.

Suy niệm 4
Đức Giêsu thường nói bằng ẩn ngữ, như chính ngài đã nói trong tin mừng Gioan: ‘Ngài luôn nói với họ bằng dụ ngôn’. Ta gặp thấy nhiều ẩn ngữ trong tin mừng; ví dụ khi Đức Giêsu bảo: Hãy phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày ta sẽ xây dựng lại’ là một ẩn ngữ; cũng như những lời khác: ‘Còn một ít nữa các ngươi sẽ chẳng thấy Ta, rồi một ít nữa các ngươi sẽ lại thấy Ta’. Trong đoạn tin mừng hôm nay ta cũng gặp một ẩn ngữ: ‘Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người, lại có thể làm cho con người ra ô uế được;nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế’. Một ẩn ngữ không dễ hiểu; do đó ngay từ đầu Đức Giêsu đã nói: ‘Tất cả hãy nghe và hãy hiểu những điều Ta nói’.
Những lời này có thể hiểu theo nghĩa thể lý, vì trong luật Môsê có rất nhiều tập tục ô uế, gồm cả những thức ăn (những điều vào trong con người). Và khi một người nào ăn uống mà không rửa tay cũng mắc phải ô uế. Đó là trường hợp trong bài tin mừng, việc tranh luận xoay quanh việc các Tông đồ ngồi vào bàn ăn mà không rửa tay. Nhưng có những ô uế khác, do ‘những điều xuất ra từ con người, ví dụ chảy máu v..v…Theo luật Môsê nhiều điều này làm ô nhiễm con người. Người phụ nữ trong tin mừng đau khổ vì bệnh xuất huyết, tự giấu mình đi vì bà không có quyền chạm đến người khác, vì sợ làm cho người khác ra ô uế. Người bị chạm vào, trước khi tham dự việc phụng tự cần phải chờ đợi một thời gian đểtự thanh tẩy mình.
Ẩn ngữ của Đức Giêsu có thể được hiểu theo nghĩa là ngài quan tâm đến những điều xuất phát từ con người hơn là những điều họ ăn và uống vào. Rõ ràng Đức Giêsu không nhắm điều này: ngài phân biệt cái bên ngoài và cái bên trong theo nghĩa thể lý và luân lý hoặc thiêng liêng. Ngài muốn nói rằng những điều vật chất ít quan trọng do sự thanh sạch tôn giáo.
Thật là một cuộc cách mạng. Chúng ta quá quen nên chúng ta không quan tâm, nhưng là một cuộc cách mạng, một sự giải thánh. Đức Giêsu cho ta ví dụ của điều gọi là tục hóa, như ta gọi ngày nay, bằng một lời mà tôi không thích mấy, vì hình như những điều đó chẳng có liên quan gì đến Thiên Chúa. Nhưng trong tư tưởng của Đức Giêsu tất cả điều đó đều có liên quan đến Thiên Chúa và cần phải được thánh hóa, nhưng không xem chúng là thánh, nghĩa là không cho một tầm quan trọng tôn giáo quá đáng một đồ vật bên ngoài, như thức ăn, như việc rửa tay. Cần phân biệt việc giữ vệ sinh với việc thanh tẩy tôn giáo, một sự phân biệt mà đối với những người xưa không hiển nhiên. Có mối liên hệ giữa việc tẩy rửa  thân xác và sự tôn kính cần phải có đối với Thiên Chúa, nhưng cần phải đặt nó ở mức độ phù hợp và không xem nó như quan trọng đến độ quên lãng những khía cạnh khác, quan trọng hơn và không dễ tuân giữ. Thanh tẩy tâm lòng thì khó hơn tẩy rửa tay chân…
Đức Giêsu mở đầu cuộc cách mạng tôn giáo mà ngài muốn thực hiện, khi tuyên bố rằng sự thanh sạch tôn giáo không hệ tại bên ngoài nhưng bên trong, nên cần thanh tẩy con tim, theo nghĩa kinh thánh. Ta biết rằng Kinh Thánh hiểu trái tim không chỉ là những tình cảm nhưng toàn bộ nội tâm con người: ý hướng, ao ước, lý trí và ý muốn. Đức Giêsu nói: ‘Từ lòng người phát xuất tà dâm, trộm cắp, ngoại tình, tham lam, độc ác…tất cả những điều xấu xa ấy, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.
Hãy tạ ơn Chúa vì đã ban ánh sáng cho các môn đệ và đã đem con người sự tự do khỏi sự đàn áp của những thực hành tôn giáo vô ích, bằng cách ban cho họ Thần Khí của Ngài. ‘Xin hãy gởi Thần Khí đến và tất cả đều được sáng tạo’. Những lời này diễn tả việc sáng tạo đầu tiên, cũng được áp dụng cho cuộc tạo dựng mới, tạo dựng con người mới theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Suy niệm 5: ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC TẠI VIỆT NAM
Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn, địa danh Lộ Đức không xa lạ gì với mọi người ngày nay. Lộ Đức là một thị trấn bên Pháp Quốc, được nổi tiếng nhờ sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria với chị Berthnades, một thiếu nữ miền quê nghèo nàn, ít học, vào năm 1858.
Qua hơn 150 năm nay, địa danh Lộ Đức đã là nơi của nhiều người tìm đến. Nhờ sự cầu bàu của Đức Mẹ, mà có biết bao nhiêu người đã khỏi bệnh phần xác và phần tâm linh.
Vâng, nhưng trong giới hạn bàì viết nầy, tác giả không có ý đề cập nhiều đến Địa danh nổi tiếng của Lộ Đức, mà là nhân ngày Kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức (11/02/1858 – 11/02/ 2015). Xin được giới thiệu về : “ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC” tại Việt Nam.
Đây là điều hoàn toàn sự thật, không mang tính quảng cáo, hay truyền bá rẻ tiền, mà la một cảm nghiệm vinh danh Thiên Chúa qua Đức Trinh Nữ Maria.
Như đã biết Lộ Đức là nơi linh thiêng, nơi có chứng tích của Mẹ Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa muốn biểu lộ tình thương cho kẻ tin qua sự cầu bàu của Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria. Nơi mà, có thể nói ơn thiêng liêng đã biểu lộ một cách rõ rệt, không thể phủ nhận bởi khoa học. Đến độ Giáo Hội chọn ngày Kính Đức Mẹ Lộ Đức để làm ngày ”Quốc tế cầu cho bệnh nhân”.
Theo đó, chúng ta thấy Linh Địa Lộ Đức thật là quý hóa, nhiệm mầu, tràn đầy ân sủng từ Thiên Chúa. Vậy, chúng ta có muốn ước ao đến nơi đó không ? Mặc nhiên, là có rồi. Nhưng, địa hình cách trở, đường xá xa xôi, nên chúng ta không thể hành hương về nơi đó được. Tác giả, cũng như quý vị chưa hề được mục kích sở thị Lộ Đức một lần. Vì vậy, lòng ao ước chính đáng của chúng ta đã được Đức Mẹ thấu hiểu, nên, ngày nay, có nhiều giáo xứ thành lập nơi kính viếng Đức Mẹ Lộ Đức hao hao giống nơi nguyên bản Lộ Đức. Để chúng ta có thể được kính viếng Đức Mẹ nơi chính tại quê hương, giáo xứ chúng ta. Và một trong những nơi mà có Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức tại Việt Nam mà linh thiêng nhất, tuy còn khiêm tốn, đó là Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Gíup, Dòng Chúa Cứu Thế- Kỳ Đồng-Sài Gòn –Việt Nam.
Nơi đây, Đức Trinh Maria Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, người Nữ Thánh Thể, vẫn chờ đợi chúng ta với tình Mẹ hiền và con thảo. Mẹ sẽ chuẩn nhận mọi ước muốn chính đáng của chúng ta để chuyển cầu lên Thiên Chúa, hầu xoa dịu mọi đau thương của con cái Mẹ. Mẹ là Mẹ của mọi người chúng ta, vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của những người con đau khổ.
Nhân ngày, Kính Đức Mẹ Lộ Đức, đồng thời ngày Quốc Tế cầu cho bệnh nhân, mong mọi người có lòng kính mến Đức Mẹ, mà chưa được dịp kính viếng Đức Mẹ bên Lộ Đức nguyên bản được, thì xin hãy chạy đến với Đức Mẹ tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, quý vị sẽ được toại lòng, mãn nguyện. Nếu quý vị thành tâm, thì nơi đây sẽ trở nên địa chỉ Lộ Đức Việt Nam, cũng nổi danh không kém Lộ Đức bên Pháp.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là những kẻ có lòng trông cậy Đức Mẹ. Amen (nhất là các bệnh nhân).

Suy niệm 6
Đạo Do Thái có nhiều luật lệ chi li về việc làm sạch, nằm trong 613 khoản luật buộc, đó là rửa sạch chén đĩa, đồ dùng, rửa tay trước khi ăn… Đây là luật buộc, và là những nghi thức tôn giáo của người Do Thái. Họ rất coi trọng những điều luật này, ai không tuân giữ sẽ bị coi là tội lỗi.
Luật sạch và ô uế của các luật sĩ và biệt phái Do Thái dễ làm cho người ta bị rơi vào đời sống giả hình, vụ hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu lên án gắt gao thói vụ luật đó. Chẳng những nó không thể thanh tẩy tâm hồn mà còn làm cho con người ra cứng cỏi và ảo tưởng mình đã là công chính chỉ dựa vào hình thức bề ngoài.
Chúa Giêsu khẳng định: “Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế” (Mc 7,15b). Các luật sĩ, biệt phái đề cao việc thanh sạch phần xác hơn cả sự thanh sạch tâm hồn. Họ cho rằng tay bẩn, chén dĩa bẩn làm cho con người ra ô uế, trong khi lại coi nhẹ cõi lòng, nơi chất chứa biết bao sự xấu xa, tội lỗi.
Trái lại, Chúa Giêsu muốn hướng người Do Thái đến sự thanh sạch bên trong tâm hồn hơn “luật sạch sẽ bên ngoài” của họ: “Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng” (Mc 7,21-22).
Như vậy, con người nên tốt lành, thánh thiện hoặc xấu xa, tội lỗi đều bắt nguồn từ cõi lòng của con người, từ thái độ sống của con người có ý thức và tự do hay không, từ lòng yêu mến Chúa đích thực và yêu thương tha nhân cách chân thành hay giả dối, hình thức bề ngoài.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người tự vấn: Tôi có một đời sống công chính, thánh thiện, bác ái, yêu thương hay không? Tôi sống đạo theo hình thức bên ngoài hay sống đạo với một tâm hồn chân thành? Tôi có tâm hồn trong sạch hay còn nhiều vấn vương tội lỗi?
Áp dụng vào cuộc sống: Trong năm ‘Tân Phúc Âm Hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến’, mỗi người chúng ta hãy đem ánh sáng Tin Mừng “thanh tẩy”đời sống của chúng ta. Bằng cách:
1/ Bản thân: sống chân thành, khiêm tốn nhìn nhận những khuyết điểm để sửa chữa, và sống tinh thần yêu thương và phục vụ giúp đỡ anh chị em trong cộng đoàn.
2/ Tránh những lời nói, hành động tiêu cực, thiếu tôn trọng những người xung quanh dễ gây nên sự hiểu lầm, đổ vỡ sự hiệp nhất trong cộng đoàn.
3/ Mọi người hiệp thông với nhau tham dự thánh lễ, rước lễ, đọc và suy niệm Lời Chúa, và cầu nguyện trong gia đình.
4/ Cộng tác với nhau trong mọi sinh hoạt của giáo xứ.
Nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, 11/02/2015, chúng ta hiệp lời cầu nguyện cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và dâng lên Đức Mẹ Lộ Đức lời nguyện sau đây:
Lạy Mẹ Maria, là Tòa Đấng Khôn Ngoan, xin Mẹ chuyển cầu cho tất cả các bệnh nhân và cho những người đang chăm sóc họ. Xin Mẹ giúp chúng con, qua việc phục vụ các anh chị em đang đau khổ và qua chính kinh nghiệm đau khổ, biết đón nhận và vun trồng sự khôn ngoan đích thật của tâm hồn! (ĐTC Phanxicô, 11/02/2015).
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là nguồn mạch sự sống trường sinh. Ai tin vào Chúa thì sẽ được sống muôn đời. Xin tuôn chảy nguồn sức sống thần linh của Chúa trên cuộc đời chúng con. Xin chữa lành hồn xác chúng con trong tình yêu của Chúa. Xin Chúa thương ngự xuống tâm hồn chúng con để ban bình an và chữa lành hồn xác chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con biết rẳng: mỗi lần chúng con phạm tội, là một lần chúng con lìa xa sự sống đời đời trong Chúa. Mỗi lần chúng con để những quyến luyến tội lỗi lưu lại trong tâm trí chúng con, là một lần ơn thánh hóa của Chúa đang mất dần nơi chúng con. Tội lỗi phá huỷ sự sống trần gian của chúng con. Tội lỗi cũng phá huỷ sự sống đời đời nơi chúng con. Xin Chúa thương gìn giữ chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin ban cho chúng con sức mạnh để lướt thắng những cám dỗ tội lỗi, và can đảm đứng dậy sau những lần vấp ngã.
Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời. Xin Chúa phán một Lời để tâm hồn chúng con được chữa lành khỏi những tật nguyền tội lỗi. Amen.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận