Thánh Gioan Bosco

Đăng lúc: Thứ bảy - 31/01/2015 01:26 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 
THÁNH GIOAN BOSCO
HIỂN TU
(1815 - 1888)


A. Đôi dòng tiểu sử
Thánh Gioan Boscô là một vị thánh nổi tiếng trong Giáo Hội vì những đóng góp to lớn của Ngài cũng như của Hội dòng do Ngài thiết lập trên khắp thế giới. Tên đầy đủ của Ngài là Giovanni Melchiorre Bosco. Ngài chào đời ngày 16 tháng 8 năm 1815 tại làng Becchi, thuộc tỉnh Piémont miền Bắc nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo. Cha Ngài là Phanxicô Bosco. Khi ông qua đời, Boscô mới lên hai tuổi. Như vậy Boscô đã phải mồ côi cha từ lúc hai tuổi. Mẹ Ngài là bà Magarita, một người đàn bà rất đạo đức, yêu lao động và rất ham thích việc cầu nguyện. Tuy phải làm lụng vất vả mới kiếm đủ tiền để nuôi con, nhưng không bao giờ bà sao lãng việc giáo dục con cái. Chính bà đã truyền thụ cho Bosco nhiều đức tính cao quý cũng như một trí tuệ thông minh sắc sảo, và một lòng đạo đức có chiều sâu. Chính nhờ đó mà sau này Don Boscô sớm có được một đời sống tốt lành thánh thiện trong công việc tông đồ.
Boscô đã không được may mắn hưởng những ngày thơ ấu êm đềm như các trẻ nhỏ cùng trạc tuổi. Bosco rất ham học hỏi, nhưng vì không có đủ tiền đi học nên cậu phải đến nhờ cha sở dạy cho. Nhưng rủi thay chỉ ít lâu sau cha sở lại qua đời.
Từ đó, để có tiền đi học, Boscô đã phải làm nhiều việc khác nhau như: chăn bò, làm công việc đồng áng, bồi bàn cà phê, may quần áo, may giầy.v.v.. Mãi đến năm 11 tuổi, Don Boscô mới chính thức được bước chân đến trường. Và năm 16 tuổi Boscô đã vào được bậc trung học.
Từ nhỏ, Don Boscô đã có ý nguyện muốn dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì. Chính vì vậy, mà vào năm 1835, Ngài đã xin vào Đại chủng viện Torino. Ý nguyện của Ngài được chấp nhận và sáu năm sau Ngài được thụ phong linh mục. Và vào ngày 5 tháng 6 năm 1841 lúc đó ngài đã được 26 tuổi. Sau khi chịu chức, Ngài khởi đầu mục vụ tông đồ bằng cách đi thăm các trại giáo hóa dành cho các thanh thiếu niên phạm pháp tại Giáo phận Torino.
Cuối năm 1841, Ngài nhận nuôi dưỡng Bartôlômêô Garelli, một trẻ em vô gia cư. Dần dà, Ngài nhận nuôi thêm nhiều trẻ em vô gia cư hoặc mồ côi khác. Ban đầu, Ngài quy tụ các em để tổ chức vui chơi, tham dự Thánh Lễ và học giáo lý. Sau khi có nơi ăn chốn ở cố định ở Valdocco, Thành Torinô, Ngài đã cho xây nhà nội trú, mở các lớp dạy học và mở các xưởng dạy nghề cho các em. Số lượng trẻ em ngày càng đông, khiến công việc của Ngài ngày càng vất vả, nên có một lúc Ngài đã từng bị sưng phổi nặng nhưng rất may là cơn bệnh cũng đã qua.
Năm 1859, Gioan Bosco cùng với các đồng chí của mình chính thức thành lập Hội dòng của Thánh Phanxicô Đệ Salê (tiếng Latin: Societas Sancti Francisci Salesii), với hàm ý noi gương Đức ái Tông đồ, sự Hiền lành và lòng kiên nhẫn của thánh nhân. Ngày 25 tháng 3 năm 1855, Micae Rua trở thành tu sĩ đầu tiên với lời tuyên khấn dòng trọng thể. Năm 1860, Giuse Rossi trở thành sư huynh đầu tiên được đón nhận vào Dòng. Sau đó, ngày 14 tháng 6 năm 1862, 22 tu sĩ Salêdiêng khác đã thực hiện lời tuyên khấn.
Gioan Bosco cũng đã thành lập Dòng Con Đức Mẹ phù hộ (còn được gọi là Dòng Nữ Salêdiêng Don Bosco) vào ngày 5 tháng 8 năm 1872. Năm 1876, Ngài thành lập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng. Ba Nhóm này và nhiều Nhóm khác được thành lập sau này liên kết với nhau thành một Gia đình, một tổ chức xã hội Công giáo thống nhất. Vào năm 1872, Ngài tiếp tục lập thêm hai hội dòng khác: Hội Đức Mẹ hằng Cứu giúp để bảo trợ ơn gọi linh mục; Hội Dòng nữ Salésienne nhằm giáo dục các em cô nhi. Các tổ chức này đã có tầm ảnh hưởng khắp nơi ngay khi Ngài còn tại thế.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, Gioan Bosco kiệt sức, lâm bệnh và qua đời ngày 31 tháng 1 năm 1888 tại Torino, hưởng thọ 73 tuổi. Để tưởng thưởng cho những công lao to lớn quí báu của Ngài với giáo hội và xã hội, Giáo Hội đã phong Ngài lên bậc chân phước ngày 2/6/1929 và ngày 1/4/1934 Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong ngài lên bậc hiển thánh với biệt hiệu: CHA và THẦY của thanh thiếu niên.
Ngài qua đi nhưng hình ảnh của người cha hiền còn sống mãi trong lòng nhân thế. Lòng nhiệt thành và từ tâm của Ngài đối với bầy trẻ côi cút phải là bài học sáng ngời soi dẫn tâm hồn con người trong muôn thế hệ.
B. Những bài học từ cuộc sống
Cuộc đời của Thánh Gioan Bosco để lại cho mọi người rất nhiều bài học quí giá
1. Bài học đầu tiên đó là việc quan tâm đến việc giáo dục các trẻ em mồ côi và những trẻ "bụi đời". Đây là lời khuyên cho những ai làm công tác giáo dục:
"Hãy coi những trẻ em dưới quyền ta như con cái. Hãy đặt mình xuống phục vụ chúng, như Đức Giêsu đã đến không phải để chỉ huy, nhưng để phục vụ; hãy sợ cái gì có vẻ muốn điều khiển, và hãy điều khiển chỉ vì muốn phục vụ đắc lực hơn mà thôi. Đức Giêsu đã xử như thế với các tông đồ. Người chịu đựng sự dốt nát, tính cứng cỏi và cả đến lòng kém tin của họ. Người tiếp đón tội nhân cách tử tế và thân mật đến nỗi lắm kẻ ngạc nhiên, lắm kẻ khó chịu, nhưng lại khiến nhiều người hy vọng được ơn tha thứ. Chính vì vậy, Người đã bảo ta học cùng Người mà ở hiền lành và khiêm nhượng trong lòng . Lòng ta đừng rối lên, đừng khinh bỉ nhìn ai và đừng nói lời nguyền rủa bao giờ. Hãy có lòng nhân từ đối với hiện tại, hy vọng đối với tương lai: như vậy, các con sẽ thực sự là những người cha của tuổi trẻ và thực sự chu toàn được phận sự giáo dục”.
2. Bài học 2 là lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể.
Thánh Don Bosco có lòng yêu mến phép Thánh Thể nồng nàn. Hằng ngày ngài dành nhiều thời giờ để viếng Chúa, cả khi tuổi đã già, sức đã yếu ngài vẫn giữ nguyên thói quen ấy. Chân ngài bị đau nên ngài phải cố gắng lắm mới quỳ được. Ngài rất sốt sắng cầu nguyện. Mặt ngài lúc bấy giờ sáng láng như một thiên thần. Mỗi lần đi qua nhà thờ, ngài đều giở mũ ra chào. Ngài khuyên các linh mục nên đọc kinh thần tụng trước Thánh Thể. Ngài luôn cổ vũ các thanh thiếu niên mến mộ Mình Thánh Chúa. Ngài nói:
- Nếu bạn muốn Chúa ban cho bạn nhiều ân sủng, hãy năng đến viếng Thánh Thể.
Nếu muốn ma quỉ xa lánh, bạn hãy siêng viếng Chúa.
Nếu muốn chiến thắng ma quỷ, hãy trú ngụ dưới chân Chúa Giêsu.
Không yêu mến việc viếng Chúa, ấy là dấu chỉ sẽ thua ma quỷ.
Bạn thân mến, siêng năng viếng Thánh Thể là một phương thế hữu hiệu để chiến thắng ma quỷ.
Hãy cố gắng siêng năng viếng Chúa Thánh Thể và ma quỷ không thể chiến thắng bạn được.
3. Bài học cuối cùng là lòng sùng kính Đức Mẹ.
Năm 1862, Chúa cho Don Bosco thấy một thị kiến. Ngài trông thấy chiếc thuyền của Thánh Phêrô bị nhiều tàu bè của địch đe dọa trên biển cả. Khi trận chiến đến hồi ác liệt  Ngài thấy có hai trụ cột hiện ra. Một trụ thứ nhất có hình phép Thánh Thể và dòng chữ "Salus Credentium" (sự cứu rỗi các kẻ tin). Còn trụ kia thì có hình Đức Mẹ Maria và dòng chữ "Auxilium Christianorum" (Đấng phù hộ người công giáo). Ánh sáng tỏa ra từ hai trụ cột ấy làm cho binh lính Đức Giáo Hoàng thêm sức mạnh, niềm tin và làm cho quân thù phải kiếp sợ. Tàu thuyền quân địch chạy nhốn nháo, hỗn độn, bị chìm hoặc phải chạy đi nơi khác.
Có hai thứ tình yêu- yêu Chúa trong phép Thánh Thể và yêu mến Đức Bà- là bảo chứng của mọi vị thánh. Đó là những Đấng phù hộ chính của Giáo Hội công giáo, là ánh sáng trong đại dương cuộc đời, là ngọn đèn soi chiếu con đường đi của người tín hữu, và làm mù mắt những kẻ chống đối Giáo hội.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý

BÀI ĐỌC I (Dt 11, 1-2. 8-19)
Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt. Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac, và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập. Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì. Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: “Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi”. Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

TIN MỪNG (Mc 4, 35-40 (Hl 35-41))
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”


Thánh Gioan Bosco, Linh mục (1815-1888)

Gioan Bosco sinh ngày 16-8-1815 tại Berchi (Asti, Torino, Ý). Lý thuyết giáo dục của thánh Gioan Bosco được dùng nhiều trong các trường học ngày nay. Đó là một hệ thống bảo vệ, phản đối hình phạt thể lý và đặt học sinh trong môi trường tránh dịp tội. Ngài khuyên thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài kết hợp việc đào tạo giáo lý và hướng dẫn, tìm cách kết hợp đời sống tâm linh với công việc, học và chơi.
Hồi nhỏ, được khuyến khích làm linh mục nên ngài có thể làm việc với các em trai. Ngài thụ phong linh mục năm 1841. Việc phục vụ người trẻ bắt đầu khi ngài gặp một đứa trẻ mồ côi và hướng dẫn cậu bé chuẩn bị rước lễ lần đầu. Rồi ngài tụ họp các bạn trẻ lại và dạy giáo lý.
Sau khi làm tuyên úy ở một nhà tế bần (hospice) dành cho các em gái lao động, ngài mở Nhà nguyện Thánh Phanxicô Salê cho các em trai. Vài nhà tài trợ giàu có và uy thế đã góp tiền để ngài có thể mở xưởng cho các em trai đóng giày và may. Năm 1856, Khánh Lễ Viện đã có tới 150 em trai và có nhà in để xuất bản các sách giáo lý và tôn giáo. Mối quan tâm của ngài về việc hướng nghiệp và xuất bản khiến ngài trở thành thánh bảo trợ giới trẻ học việc và các nhà xuất bản Công giáo. Danh tiếng giảng dạy của ngài lan nhanh. Năm 1850, ngài đã đào tạo được những người hỗ trợ ngài giảm bớt những khó khăn trong việc đào tạo các linh mục trẻ. Năm 1854, ngài và các cộng sự cùng tụ họp lại dưới sự bảo trợ của Thánh Phanxicô Salê.
Nhờ ĐGH Piô IX khuyến khích, Thánh Gioan tụ họp 17 anh em và lập Dòng Salêdiêng năm 1859. Hoạt động của dòng tập trung vào việc giáo dục và truyền giáo. Sau đó, ngài lập Dòng nữ Salêdiêng để giúp đỡ các cô gái. Ngài qua đời lúc 4 giờ 45 ngày 31-1-1888 tại Valdocco (Torino, Ý), và được an táng chiều ngày 6-2-1888 tại Valsalice (Ý quốc). Nhân dịp phong chân phước, mộ ngài được khai quật ngày 16-5-1929. Lạ thay, xác ngài không có gì lạ thường và vẫn nguyên vẹn.
ĐGH Piô XI tôn phong chân phước cho ngài ngày 2-6-1929 tại Vatican – lúc Chân phước Philip Rrinaldi là Bề trên cả). Ngày 9-6-1929, Thánh quan Don Bosco được rước về Valdocco. Cũng chính ĐGH Piô XI tôn phong hiển thánh cho ngài ngày 1-4-1934 tại Vatican, đúng ngày đại lễ Phục Sinh và kết thúc Năm Thánh Cứu Độ.

Suy niệm 1
Tác giả thư Do Thái hôm nay cho chúng ta biết những hiệu quả do đức tin mang lại. Nhờ tin mà Abraham trở thành cha của một dân tộc. Ông còn được gọi là cha của những kẻ tin. Nhờ lòng tin mạnh mẽ vào Chúa nên ông sẵn sàng làm những điều người đời cho la điên dại. Nhưng cũng chính nhờ đức tin, ông đã được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng.
Bài tin mừng mô tả cho chúng ta nỗi sợ hãi của các môn đệ khi đối diện với sóng gió bão táp. Các ông sợ hãi mặc dù có Chúa Giêsu đang ở với các ông. Các ông sợ vì thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu. Các ông đã chứng kiến bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm nhưng lại thiếu niềm tin vào quyền năng của Ngài. Vì thế, sau khi dẹp yên sóng biển, Ngài đã quở trách các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?
Abraham được gọi là cha của những kẻ tin vì ông đã sẵn sàng làm theo bất cứ những gì Thiên Chúa dạy cho dù ông không hiểu hết ý nghĩa của những việc đó.
Chúng ta những Kitô hữu, những người tin vào Chúa, nhưng đôi khi chúng ta không dám phó thác hoàn toàn cuộc đời của chúng ta cho Chúa. Khi làm việc gì chúng ta thường hay tính hơn thua, được gì, nhưng rất ít khi hoặc không bao giờ chúng ta phó thác cho Chúa. Chúng ta chưa dám mạo hiểm vì Chúa. Có lẽ chúng ta như những môn đệ trên thuyền hôm ấy, biết Chúa có quyền năng nhưng khi gặp khó khăn thử thách thì lại nghi ngờ quyền năng Chúa.
Chúng ta học theo gương Abraham là phó thác trọn cuộc đời cho Chúa. Tin rằng Ngài sẽ quan phòng và chăm sóc cho chúng ta.
Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Đấng quyền năng tuyệt đối. Chỉ có Chúa mới có thể đem lại hạnh phúc cho chúng con. Chỉ có Chúa là Đấng luôn gìn giữ che trở chúng con. Xin cho chúng con luôn xác tín vào điều đó. Amen.

Suy niệm 2: Người này là ai?
Là câu hỏi xuyên suốt phần thứ nhất Tin mừng theo thánh Mátcô. Câu đáp chưa có; mỗi giai đoạn cung cấp thêm một yếu tố, mỗi biến cố và mỗi phép lạ mời ta nhìn sâu hơn khuôn mặt của Chúa. Câu hỏi của các môn đệ cũng là thắc mắc của ta, vì họ nhận ra nơi Đức Giêsu một quyền năng không phải thuộc con người. Họ khiếp sợ vì giông bão, họ biết rằng chiếc thuyền của họ đang quay cuồng vì sức mạnh của sóng gió, họ không thể điều khiển được nữa, chắc chắn sẽ bị chìm. Đức Giêsu đang ngủ, hình như bất lực trước những gì đang xảy ra. Các ông xin Ngài can thiệp, Chúa Giêsu thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển im lặng. Các ông thật bối rối: Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? Đức Giêsu đang biểu lộ khuôn mặt của Ngài, là Chúa và chứng tỏ quyền năng của Ngài vượt trên khả năng của con người.
Các môn đệ có nhớ điều này khi các ông thấy Ngài chết trên thập giá không? Thập giá không phải là một việc tình cờ trong sứ vụ của Đức Giêsu, mà Ngài không thể chế ngự được. Phép lạ hôm nay mời ta đọc lại cuộc thương khó của Đức Kitô, như một biến cố ghi sẵn trong quyền năng Ba Ngôi và là biến cố ân sủng, nguồn mạch sự sống của ta trong gian lao cuộc đời. Đức Giêsu trên thập giá hình như bất lực trước bạo lực của con người; tất cả hình như thất bại. Ngài chẳng đáp lại những lời thách thức ‘nào xuống khỏi thập giá đi’. Những biến cố trong thiên nhiên hình như cũng tô đậm thêm sự thất bại này. Chính trong giây phút ấy, ta mới hiểu rằng Đức Giêsu đang bày tỏ vinh quang cao độ của Ngài. Ngài có thể xuống khỏi thập giá nhưng đã không làm; Ngài có thể ra lệnh cho mọi biến cố ngưng lại nhưng đã để cho mọi sự hoàn tất. Sự Phục sinh tỏ rõ vinh quang mà Ngài có trong quyền năng của Thập giá. Như thế ta mới hiểu Đức Giêsu phục sinh (chỗi dậy) chính là chủ của cuộc đời chúng ta.

Suy niệm 3: NGÀI LÀ CHÚA CỦA ĐỜI TA
Các môn đệ hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?” (Mc 4,41)
Suy niệm: Đài CNS Mỹ đã thực hiện cuộc phỏng vấn ca sĩ Bono của ban nhạc lừng danh U2 với tựa đề “Đức Giê-su là ai?” Trong bài phỏng vấn của đài này cũng như nhiều đài khác, Bono bày tỏ niềm tin vào Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng phục sinh từ cõi chết, những lời hứa của Ngài sẽ thành sự thật. Người ca sĩ nổi tiếng về việc từ thiện ấy cũng cho biết vợ chồng anh và con cái thường cầu nguyện, đọc Kinh Thánh để học biết ý Thiên Chúa. Trước Bono, bao con người cũng đã phải đối diện với câu hỏi sinh tử này, các môn đệ trên thuyền trong bài Tin Mừng hôm nay chẳng hạn. Là những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, vậy mà các ông cũng kinh sợ sóng gió khủng khiếp của hồ Galilê. Thế nhưng, chỉ cần một tiếng ra lệnh của ông thầy Giê-su kia, là sóng gió thinh lặng. Ngài là ai mà quyền phép như vậy?
Mời Bạn: Ca sĩ nhạc rock Bono tin rằng Ngài là Đấng Mê-si-a, nghĩa là Đấng Cứu Thế, một Đấng Cứu Thế chịu đau khổ để bày tỏ lòng yêu thương nhân loại. Là Thiên Chúa quyền năng, Ngài không cần phải chịu đau khổ, chịu chết cũng cứu được nhân loại. Thế nhưng, Ngài đã làm người, và muốn liên đới với con người trong mọi sự, trừ tội lỗi.
Sống Lời Chúa: Tôi dâng một lời cầu nguyện ngắn cảm tạ Thiên Chúa, rồi cố gắng đáp trả bằng cách sống đạo siêng năng, nhiệt thành, tích cực hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã hạ mình xuống làm người như chúng con. Xin cho chúng con luôn ghi khắc lòng yêu thương bao la ấy, rồi thể hiện lòng biết ơn qua một niềm tin tuyệt đối vào Chúa, một niềm cậy trông vững vàng, và một lòng mến sắt son.

Suy niệm 4: QUYỀN NĂNG TRÊN BÃO TỐ
Thế giới ngày nay đang trong tình trạng có những thái cực hầu như đối nghịch: văn minh phát triển về kinh tế, xã hội … nhưng cũng “tuột dốc” về phần luân lý, đạo đức. Các chiến tranh tôn giáo, bạo lực vẫn ngăm đe cuộc sống huynh đệ, tình liên đới giữa người với người. các mạng lưới truyền thông như: facebook, twitter kéo con người xích lại gần nhau, nhưng những lợi nhuận về kinh tế, tham nhũng đã khiến con người đối xử có trái tim băng giá với anh em đồng loại. Giữa những bão tố ấy, người Ki-tô hữu như chới với về niềm tin : Thiên Chúa ở đâu? Phải chăng Ngài cũng đang ngủ như trình thuật hôm nay của Thánh Mác-cô?
Quang cảnh này xảy ra trên biển hồ. Với sáng kiến táo bạo của Đức Giê-su, Ngài mời gọi các môn đệ hãy bước vào cuộc phiêu lưu của đời ngôn sứ “Chúng ta sang bờ bên kia kia đi’ (35). Trời đã sẩm tối, thế mà Chúa lại muốn các ông lên thuyền. Theo quan điểm người Do Thái xưa, đây là thời gian thuận tiện cho ma quỷ quấy phá. Biển cả là nơi cư ngụ của chúng và bão tố cũng thể hiện oai quyền của chúng. Bờ bên kia, mạn đông miền Galile là vùng đất dân ngoại sinh sống. Đây là một thử thách cam go đối với các môn đệ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Bỏ lại đám đông là những người từng theo họ, bỏ lại những an toàn trong cuộc sống, những tiện nghi… để lao mình vào cuộc phiêu lưu mờ mịt. Bỏ lại là không dính bén, không thương tiếc, không an vị … mà dấn thân lên đường vì Tin Mừng.
” Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền và thuyền đầy nước” (37). Thánh sử tường thuật về thử thách đã xảy ra. Quyền lực sự dữ như muốn nhấn chìm con thuyền bé nhỏ và nuốt trôi những con người mỏng manh trên đấy. Chúng ta có thể tưởng tượng một hình ảnh sống động đang diễn ra trước mắt. Các môn đệ chạy ngược chạy xuôi, người thì loay hoay lèo lái để giữ vững con thuyền, kẻ thì lo tạt nước ra ngoài. Sự hoảng loạn, la hét í ới xảy ra… Còn Chúa Giê-su, đầu tựa vào đàng lái vẫn ngủ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi thấy mình hầu như bất lực trước sức mạnh của biển cả, sóng gió, các môn đệ mới sực nhớ ra trên thuyền còn có thày mình. Các ông thi nhau đánh thức Ngài : “Thày ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thày chẳng lo gì sao?” (38). Một lời kêu cầu nhưng trách móc nhiều hơn. Thày đang ở giữa mà họ vẫn cho là mình sắp chết. Thày đang hiện diện mà họ lại cho là mình chẳng được quan tâm, che chở. Các ông chưa tin rằng : chỉ cần có Thày với uy quyền của Con Thiên Chúa… sẽ dẹp tan sự dữ, xua trừ ma quỷ, như Thày đã từng thực hiện qua các phép lạ ư?
Trước sự cứng lòng tin của những người đã từng theo mình trên mọi nẻo đường, từng chứng kiến bao phép lạ, Chúa Giêsu đã thức dậy. Việc trước tiên Ngài ngăm đe biển cả và gió “Im đi ! Câm đi !”. Đây là một lời truyền, một mệnh lệnh đầy uy quyền khiến sự dữ phải tuân lệnh và lùi xa, trả lại sự bình yên hiền hòa cho biển cả. Sau đó, Ngài mới trách cứ các ông : “Anh em vẫn chưa có lòng tin?” (40). Có lẽ các ông chỉ mới công nhận Chúa Giêsu như một thày pháp cao tay dùng ảo thuật để phá tan sóng gió, nên các ông đã không kêu cầu Chúa khi đánh thức Ngài dậy. Hơn nữa, “các ông còn hoảng sợ và nói : Người này là ai mà gió và biển phải vâng lời?” (41). Câu hỏi này chỉ để lại một sự nghi vấn trong lòng các ông, chứ không là hành vi biểu lộ niềm tin.
Biến cố biển động hôm nay như một hình bóng về cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô. Ngài ngủ trong lòng đất 03 ngày rồi chỗi dậy trong uy quyền vinh quang và chiến thắng sự dữ cùng sự chết. Thánh sử Mác-cô như muốn nói : qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa biểu lộ quyền năng tối thượng của Ngài và mời gọi con người hãy xác định lại vị trí niềm tin của mình.
Đọc xong bài tin Mừng, có lẽ chúng ta còn trách cứ các môn đệ mạnh mẽ hơn cả Mác-cô: Ở với Thày như thế mà không nhận ra uy quyền của vị Thiên Chúa? Nhìn lại ơn gọi Ki-tô hữu, chúng ta thấy mình đang ở vị trí nào trong sứ vụ ngôn sứ của mình? Giữa một thế giới mà ánh sáng và bóng tối đan xen lẫn lộn, con người như mất định hướng cho cuộc đời và họ tự giải quyết cho vận mệnh của mình. Thiên Chúa muốn chúng ta : hãy thắp lên một ngọn nến, hãy bước ra khỏi sự an toàn của bản thân, của cộng đoàn, của Giáo Hội … để lao vào thế giới trở thành men làm dậy bột, thành muối ướp mặn, thành ánh sáng chiếu soi nơi lạnh lẽo tăm tối. Có thể chúng ta sẽ chùn bước, ngại khó lo khổ, sợ thất bại… Vì thế, chúng ta cần có Chúa trong cuộc đời, cần có tương quan liên vị hàng ngày, từng giờ từng phút với Ngài, để Ngài cùng ta song hành trên bước đường truyền giáo, để tim Ngài thổn thức trong ta, tư tưởng Ngài chiếu sáng trong ta, bàn tay ta nối dài bàn tay Ngài… hầu trả lại sự tươi mới, trật tự an hòa cho thế giới này như trong thời ban đầu khi tạo dựng vũ trụ Thiên Chúa đã mong muốn như vậy. Amen./.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con cám ơn Chúa vẫn hiện diện trong cuộc sống chúng con. Quyền năng Chúa vẫn hiển trị trong cuộc đời chúng con. Từng phút giây trong cuộc sống đều được bàn tay quan phòng của Chúa nâng đỡ, ủi an. Từng hơi thở của chúng con đều là quà tặng đến từ Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra tình yêu thương khôn lường của Chúa để dâng lời tạ ơn Chúa mỗi sớm chiều.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Cuộc sống quanh chúng con có biết bao điều kỳ diệu. Một bông hoa đang hé nụ sớm mai. Một em bé mới chào đời trong niềm vui của cha mẹ. Một mầm sống đang vươn lên của các loài cây… Tất cả đều tiến triển trong tình thương quan phòng của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết cùng với vạn vật dâng lời ca khen quyền năng Chúa. Xin giúp chúng con biết đón nhận ân ban của Chúa trong sự khiêm tốn thẳm sâu. Xin dạy chúng con biết chạy đến với Chúa khi gặp những gian nan thử thách, biết bám vào Chúa để đi qua những giông bão trong cuộc đời.
Lạy Chúa, Chúa luôn nâng đỡ những ai kêu cầu Chúa. Chúng con xin phó dâng cuộc sống trong tình thương quan phòng của Chúa. Amen./.

Suy Niệm 5: Sóng gió cuộc đời
Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ, như được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ có ý nghĩa địa lý: di chuyển từ nơi này sang nơi nọ, cũng như sóng gió nổi lên không chỉ mang ý nghĩa về khí tượng thuần tuý; nhưng các biến cố đó còn mang ý nghĩa thần học nữa. Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ miền đất Israel để đi sang phía dân ngoại, điều đó mang ý nghĩa truyền giáo; sóng gió nổi lên tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ.
Tuy nhiên, như trình thuật Tin Mừng cho thấy, lúc đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong cái chết đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi đó các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được người mà họ coi như kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức dậy, nghĩa là Ngài đã phục sinh, và sự Phục Sinh của Ngài loan báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của ma quỷ và sự dữ cũng như của bất cứ thế lực nào chống đối Giáo Hội.
Ðời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Ðiều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.
Ước gì chúng ta luôn có được xác tín của thánh Phaolô Tông đồ: Thiên Chúa không để chúng ta bị thử thách quá sức chịu đựng, Ngài sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Một thế giới thù địch và đầy biến động
Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng đi theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. (Mc. 4, 35-37)
Tôi mượn lời một bài ca của John Littleton làm đầu đề cho bài suy niệm này, bởi vì hai phẩm tính trên đây giải thích khá rõ kinh nghiệm các môn đệ Chúa đã sống ở trên Biển Hồ, buổi chiều hôm đó.
Một thế giới thù địch
Câu chuyện Chúa dẹp yên sóng gió có thể được nhìn ở hai bình diện: biểu tượng và mô tả. Về mặt biểu tượng thì biển động là hình ảnh tượng trưng cho những thế lực chống đối Thiên Chúa. Đó là hình ảnh nói lên mối thù địch giữa dòng dõi những kẻ bất phục tùng Thiên Chúa và chính Thiên Chúa. Do đó trên bình diện này, việc Đức Kitô dùng quyền năng dẹp yên sóng gió là dấu chỉ không những Người làm chủ các mãnh lực thiên nhiên và vũ trụ, mà nhất là Người có quyền năng trừ quỷ, bá chủ các thế lực bất phục tùng và sức mạnh của tội lỗi.
Thế nên các Tông đồ cũng giống như các người Pharisiêu thường đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: Vậy người này là ai mà có quyền tha tội, chữa lành bệnh? Vậy người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?
Còn chúng ta, chúng ta có tin tưởng vào Đức Kitô này không? Người là Đấng Cứu chuộc có khả năng trấn áp và cứu chuộc chúng ta khỏi mọi thế lực địch thù, ta có tin tưởng vào Người không?
Một thế giới đầy biến động
Về mặt mô tả, câu chuyện này cũng tra vấn cuộc đời của ta. Cuộc hành trình vượt biển này mô tả khá rõ cuộc sống đời thường của ta.
Sau một ngày vất vả với đám đông, Chúa Giêsu cảm thấy mệt mỏi và muốn tìm được nghỉ ngơi yên tĩnh và thân tình: “Người ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”.
Chính lúc đó, một trận cuồng phong nổi lên, và sóng ập vào thuyền. Phải chăng là một trận cuồng phong quá lớn? Có lẽ không, vì Chúa Giêsu dầu sao vẫn ngủ được, nhưng cơn biển động này làm cho các người vượt biển phải bất an.
Mỗi ngày, ta xao xuyến lo âu vì thế giới biến đọng: những vụ đình công, những cảnh cướp đọat, những tai nạn, nếp sống cuồng lọan, những cuộc biểu tình… Chúng ta như đang ở trong thuyền, có Chúa Giêsu ở đó, nhưng Người đang ngủ.
Phải chăng chúng ta không nghe lời Chúa phán với Mác-ta khi cô quá lo lắng cho bữa ăn tối: “Mác-ta còn lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá!” Chỉ có một chuyện cần thiết, đó là Thầy đang ở đây… mặc dầu Thầy đang ngủ…
Gần Đức Giêsu, con người không có quyền sợ hãi, mất lòng tin tưởng.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận