Thứ Ba Tuần 3 TN

Đăng lúc: Thứ ba - 27/01/2015 01:37 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 3 TN: Th. An-giê-la Mê-ri-si, trinh nữ

BÀI ĐỌC I (Dt 10, 1-10)
Anh em thân mến, Lề luật là bóng dáng của những việc tốt lành tương lai, chớ không phải chính hình ảnh chân chính của sự thật. Lề luật ấy với những hy tế được hiến dâng liên tiếp hằng năm không bao giờ có thể làm cho những kẻ đến tham dự được hoàn hảo. Chẳng vậy, người ta sẽ chấm dứt việc tế lễ, vì lẽ những người làm việc phượng tự này đã được tẩy sạch một lần rồi, nên không còn ý thức mình có tội nữa. Ngược lại, các lễ tế hằng năm nhắc nhở người ta nhớ đến tội lỗi. Bởi chưng máu bò dê không thể xoá bỏ tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”. Đoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Như thế, đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

TIN MỪNG (Mc 3, 31-35)
Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài, sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Thánh Angela Merici, Trinh nữ (1470?-1540)
Angela nổi bật về việc thành lập hội giáo dục đầu tiên cho các phụ nữ trong Giáo hội mà ngày nay gọi là “Tu Hội Đời” (Secular Institute) của các nữ tu. Hồi trẻ, Angela nhập Dòng Ba Phanxicô (Third Order of Francis) và sống khổ hạnh, không có gì, thậm chí giường cũng không có, như Thánh Phanxicô vậy. Bà sợ hãi khi thấy trẻ em nghèo bị bỏ rơi, cha mẹ chúng không thể hoặc không dạy dỗ chúng những điều về đạo. Thái độ thu hút và ngoại hình dễ nhìn của Angela đã bổ sung phẩm chất lãnh đạo của bà. Nhiều người cùng bà giáo dục các bé gái ở vùng lân cận.
Bà được mời gọi sống với một gia đình ở Brescia, tại đó bà đã thấy thị kiến để có ngày bà thành lập tu hội. Công việc của bà tiếp tục và được biết đến nhiều. Bà trở thành trưởng nhóm của những người cùng lý tưởng. Bà hăng hái dùng cơ hội đến Thánh Địa. Khi đến đảo Crete, bà bị mù. Bạn bè của bà muốn trở về nhưng bà xin mọi người tiếp tục đi hành hương, và bà đã sốt sáng kính viếng Mộ Thánh như thể còn sáng mắt vậy. Trên đường về, khi cầu nguyện trước Thánh Giá, bà sáng mắt trở lại ngay tại nơi mà bà đã bị mù.
Lúc 57 tuổi, bà tổ chức một nhóm 12 cô gái giúp dạy giáo lý. Bốn năm sau, nhóm này tăng lên 28 người. Bà làm họ thành Đội Quân Thánh Ursula (Company of St. Ursula), bảo trợ các trường đại học thời Trung cổ và được coi là vị lãnh đạo phụ nữ, với mục đích tái Kitô hóa đời sống gia đình qua việc giáo dục Kitô giáo vững chắc đối với các người vợ và người mẹ tương lai. Các thành viên tiếp tục sống tại gia, không tu phục và không lời khấn, qua Nội quy ban đầu buộc giữ ba nhân đức: thanh tịnh, thanh bần và thanh tuân. Ý tưởng về hội giáo dục phụ nữ còn mới lạ và cần thời gian để phát triển. Cộng đoàn hiện hữu như Tu hội giữa đời đến vài năm sau khi Thánh Angela qua đời.
Suy niệm 1
“Ai nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi.” (c. 35)
Người ta chỉ làm theo ý muốn của ai đó, khi người ta công nhận quyền của người ấy, khi người ta kính sợ, nể phục, tin tưởng vào người ấy, hoặc khi đó là người mà người ta yêu mến; nhưng cũng có khi người ta thực hiện ý muốn của người khác là do sợ hãi, bị lừa, bị ép… Cũng thế, sự vâng nghe, thi hành ý muốn của Thiên Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện chỉ diễn ra khi người ta yêu mến, tin tưởng và tín thác vào Người.
Thánh ý Chúa được tỏ lộ trong mặc khải Kinh thánh, qua các giới răn của Người, cách đặc biệt giới răn yêu thương trong Tin mừng qua lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô; thánh ý Chúa còn được tỏ lộ qua tiếng nói của lương tâm nhắc nhở làm lành lánh dữ; qua những giáo huấn của Hội Thánh; qua những biến cố cuộc đời. Người Ki-tô hữu yêu mến và sống niềm tin vào Thiên Chúa sẽ giữ đạo, giữ luật Chúa một cách hết sức nhẹ nhàng tự nhiên như một người con hiếu thảo thực hành ý muốn của Cha mình trong ý hướng muốn làm đẹp lòng Cha vì tin tưởng, biết Cha luôn muốn điều tốt lành cho mình, như Đức Giê-su Ki-tô: “Lương thực ta dùng là thi hành ý muốn của Cha ta.” (x. Ga 4, 34) Vì vậy mà Ngài là “Con rất yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng” (x. Mt 3,17; Mc 1, 11). Nếu không yêu mến và tin kính Chúa, Người Ki-tô hữu sẽ dễ dàng rơi vào tình tràng giữ đạo hình thức, nệ luật, né luật hoặc giữ luật vì sợ hãi (sợ tội, sợ Chúa phạt, sợ dư luận cộng đồng…)
Trình thuật Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su một cách tế nhị và khéo léo đã tôn vinh Đức Maria Mẹ người. Vì hơn ai hết, Mẹ đã vâng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (x. Lc 1, 38) Và qua tiếng xin vâng của Mẹ, chương trình cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện qua việc nhập thể của Ngôi Hai con Chúa – Người là trưởng tử của một đàn em đông đúc; Người đã làm người cho chúng ta được nhờ Người được làm con Chúa. Vì vậy, Chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, làm người nhà của Chúa khi chúng ta thi hành ý muốn của Người.
Thiên Chúa là cha yêu thương, Người đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh của Người để chúng ta được hiệp thông trong sự sống tình yêu của Người hầu được hạnh phúc. Khi sống yêu thương là chúng ta thi hành ý muốn của Thiên Chúa; khi chấp nhận mọi nghịch cảnh, mọi thử thách và hy sinh để xây dựng và làm cho cuộc sống tốt đẹp là chúng ta đang làm theo thánh ý của Người. Ai không muốn làm người nhà của Thiên Chúa; Ai lại không muốn làm người thân thuộc của Người. Chúng ta phải biết sống tâm tình cảm tạ, tri ân và mau mắn làm theo ý Chúa để đáp trả hồng ân lớn lao Chúa ban tặng cho chúng ta và mời gọi chúng ta lãnh nhận là được làm con Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời Chúa dành cho những ai thực hiện ý muốn của Người. Đồng thời mỗi người chúng ta cũng có trách nhiệm và bổn phận giúp cho tha nhân cũng được trở nên người nhà của Thiên Chúa qua việc nhận biết và thi hành thánh ý của Người.
Lạy Chúa Giêsu xin dạy chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và tìm kiếm thánh ý của Người trong cuộc sống!
Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương Đức Maria biết gẫm suy, thấm nhuần tinh thần của Chúa, để trong cuộc sống chúng con nhạy bén nhận ra thánh ý Người và sẵn sàng thi hành ý Chúa trong niềm tin yêu và phó thác.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết noi gương Mẹ luôn thưa tiếng xin vâng trong cuộc sống dẫu cuộc đời có nhiều nghịch cảnh với biết bao nỗi gian truân, đắng cay, khổ đau. Xin giúp chúng con luôn sống yêu thương để “Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Amen./.
Suy niệm 2
Bài đọc 1 trích thư Do Thái hôm nay nói cho chúng ta biết các hy tế cũ không có hiệu quả. Chỉ có một hy lễ hoàn hảo là việc Chúa Giêsu Kitô dâng chính mình Ngài trên thập giá làm hy lễ dâng lên Chúa. Chỉ có Mình và Máu Chúa Kitô mới có thể giúp chúng ta sạch mọi tội lỗi. Đồng thời đoạn thư này cũng nhắc nhở chúng ta rằng đời sống thánh thiện cũng là một hy lễ tốt đẹp dâng lên Thiên Chúa. Và để có đời sống thánh thiện hoàn hảo đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải tìm và thực thi ý Chúa.
Bài tin mừng cho chúng ta thấy rõ điều đó khi Chúa Giêsu nói: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” và Người trả lời: “Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta“. Khi nói câu này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta phải luôn biết tìm và thực thi ý Chúa, đồng thời cũng muốn đề cao Mẹ Maria, gương mẫu của người đã luôn biết vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Việc giữ luật, làm theo những quy định khi chúng ta giữ đạo là chuyện tương đối đơn giản. Tuy nhiên muốn trở thành một Kitô hữu tốt, muốn sống đẹp lòng Chúa đòi hỏi ở chúng ta một sự cố gắng. Cố gắng tìm ra ý Chúa, cố gắng chu toàn thánh ý của Ngài, và cố gắng chấp nhận những thánh giá mà Ngài gởi đến cho chúng ta trong đời sống.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chấp nhận Thánh Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Suy niệm 3: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài
Cả hai bài đọc hôm nay soi sáng cho nhau. Đức Giêsu nói: ‘Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi’. Và thư gởi tín hữu Do thái: ‘Khi vào trần gian,Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng tạo cho con một thân thể…Bấy giờ con mới thưa: này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’. Và còn tiếp: ‘Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế’.
Thánh ý Thiên Chúa là kho tàng vô cùng quý giá đối với ta, nhưng là một kho tàng mà ta không tiếp nhận một cách tự nhiên. Tại sao? Vì chúng ta không có một quan niệm chính xác. Thật thế, người ta thường xem như thánh ý Chúa là những thử thách, những đau khổ: Đó là ý Chúa! Và rồi cam chịu. Là bước đầu nhưng lại không đúng với tất cả sự thật. Thánh ý Chúa nơi Đức Giêsu là sự phục sinh, chứ không phải là cái chết!
Cái chết chỉ là một cánh cửa, vô cùng đau khổ, nhưng là một bước đi qua để biến đổi bản tính con người, nên ta không được phép dừng lại đó. Thánh ý Chúa là sự biến đổi, là công trình tuyệt đẹp, là niềm vui. Như thế trong những hoàn cảnh khó khăn ta cần sống không chỉ cách cam chịu, nhưng còn với lòng tín thác, kết hiệp, hy vọng: Thiên Chúa luôn muốn thực hiện điều tích cực, mang lại niềm vui cho ta. Ý muốn của Ngài là chiến thắng trên tất cả những gì là tiêu cực
Suy tư: Các bài đọc giúp tôi hiểu rõ hơn Thánh Lễ và sự Hiệp lễ. Thánh lễ là ‘giao ước mới’ mà Đức Giêsu thay thế giao ước cũ bằng chính máu của Ngài, theo thánh ý Thiên Chúa; Việc rước lễ làm cho ta nên hy lễ hoàn toàn kết hiệp với ý Chúa: đó là hai cách hiệp thông với nhau. Việc hiệp lễ bí tích có ý nghĩa nhằm đến việc hiệp thông đời sống. Thánh lễ là thiết yếu, nhưng nhằm đến việc hiệp thông cụ thể trong đời sống. Cầu xin Chúa cho ta đi vào trong mầu nhiệm này và giúp ta thực hiện ý Chúa bằng tình yêu, để trở nên thực sự là anh chị em và là mẹ, nghĩa là sống kết hiệp với Ngài bằng đức tin, trong đời sống mới theo Thánh Thần.
Suy niệm 4: AI LÀ THÂN NHÂN CỦA CHÚA?
Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi.”(Mc 3,34-35)
Suy niệm: Động cơ thúc đẩy Mẹ và anh em đến tìm Ngài là: có dư luận dân chúng cho rằng Ngài bị ‘điên’ (c. 21b), nên họ tìm đến để lôi kéo Ngài từ bỏ sứ vụ rao giảng Lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, chẳng những không từ bỏ, Chúa Giê-su còn tận dụng cơ hội này để loan báo một sự thật khác trong Nước Thiên Chúa, dù ‘nói thật mất lòng’, một sự thật ‘khó nghe’, ‘chướng tai gai mắt’, ngay cả cho thân nhân của Ngài. Ngài muốn nhấn mạnh mối liên hệ đích thực với Ngài không hệ tại ở huyết thống, mà là ở việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Đó chính là tiêu chí xác định mối tương quan giữa Chúa Giê-su với chúng ta: tôi đích thực là thân nhân của Chúa Giê-su hay tôi đang từ chối, hoặc chỉ liên hệ với Ngài bề ngoài thôi?
Mời Bạn: Là một Ki-tô hữu, mối tương quan hiện nay giữa bạn và (gia đình bạn) với Chúa Giê-su là gì? Bạn đang từ chối hay đón nhận Ngài? Bạn chỉ liên hệ với Ngài bề ngoài hữu danh vô thực… hay liên hệ đích thực bằng việc thực hành, sống Lời Chúa, làm theo ý muốn của Chúa…?
Chia sẻ: Từ chối Đức Kitô, tức là đồng ý rằng Ngài bị ‘điên’; ngược lại, đón nhận Đức Kitô, tức là chấp nhận bạn bị ‘điên’ vì Ngài. Mời bạn lựa chọn!
Sống Lời Chúa: Trong Năm Tân Phúc hoá này, quyết tâm đọc, suy niệm và thực hành đoạn Lời Chúa này bằng việc quyết định gắn bó với Đức Ki-tô mỗi ngày, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô” (T. Giêrônimô).
Cầu nguyện: Hát “Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài…”.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Qua bàn tiệc Thánh Thể Chúa quy tụ chúng con thành một gia đình của Chúa. Chúa muốn gia đình Chúa luôn hiệp nhất yêu thương nhau. Chúa đã từng nói “hãy để của lễ trên bàn thờ mà về làm hoà với anh em”. Xin cho chúng con luôn nhìn nhận nhau là anh em con một Cha trên trời. Xin loại trừ nơi chúng con tính đố kỵ ghen tương để sống thân ái và hoà hợp với nhau.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Năm xưa nhờ lời rao giảng của Chúa đã liên kết biết bao người thành một gia đình đức tin. Chúa luôn đề cao gia đình đức tin bởi ai cũng hằng lắng nghe và thực hành ý Chúa. Xin cho chúng con được trở nên gia đình của Chúa. Xin liên kết chúng con trong tình nghĩa anh em một nhà để cùng nhau xây dựng một thế giới hiệp nhất yêu thương, để người người biết nhìn nhận nhau là anh em, để tình con người mãi chan hoà tình thân ái yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ở lại trong tình yêu của Chúa để chúng con cũng biết liên kết với nhau trong mối giây hiệp nhất yêu thương. Amen.
Suy Niệm 5: Ai là Mẹ Ta
Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu:
- Từ khi ra làm quan đến giờ, ngươi đã được điều gì và mất điều gì?
Khổng Liệt trả lời:
- Từ khi làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: không có giờ học tập vì thế trình độ vẫn thấp, lương bổng không đủ giúp người thân, công việc bề bộn nên không có giờ thăm viếng bạn bè.
Nghe thế, Khổng Tử rất buồn lòng.
Một ngày nọ, Khổng Tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp:
- Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm; lương bổng tuy ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc tuy nhiều, những cũng bớt chút thời giờ thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân thiết.
Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của người quân tử.
Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy". Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta".
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống theo thánh ý Chúa, để chúng ta được nối kết trong tình nghĩa với Chúa, với Mẹ và với tất cả mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Ôi thân nhân!
Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc. 3, 31-35)
Mấy bữa trước đây, trong một trích đoạn Phúc âm, thánh Maccô đã cho ta biết thái độ của đám bà con thân thích của Chúa Giêsu: họ muốn cách ly Người, bởi cho rằng Người đã mất trí, ngộ đạo và họ bị phiền hà vì danh tiếng này. Vậy mà hình như họ đã thay đổi ý kiến, bởi lẽ hôm nay họ muốn xin được gặp Người, nhắc nhở cho Người quyền lợi gia dình, tình thân thương và lòng kính nể mà thông thường họ có quyền được hưởng. Giữ liên hệ tốt đẹp với bà con họ hàng chẳng phải là điều tự nhiên sao?
Chúa Giêsu có vẻ như không chia sẻ ý kiến này.
Một sự rạn nứt của tình bà con
Khi đọc bản văn này, ta rất mau mắn vin ngay vào những lời cuối cùng: “Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Chúng ta lấy làm vui sướng vì được kết nạp vào gia đình này. Nhưng chúng ta cũng vội làm mất đi ý nghĩa khác mà những lời đó gợi nên, tức là sự rạn nứt trong mối quan hệ tự nhiên của gia đình.
Nếu ta đem liên hệ thái độ này của Chúa Giêsu với lời Người phán trước đây: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”, ta càng ngạc nhiên. Chúa Giêsu chống lại gia đình và những mối liên hệ gia đình chăng? Phải chăng Người muốn ta hiểu biết điều căn bản gì?
Thực ra tin mừng của Chúa không có ý xếp những liên hệ gia đình vàò hàng cuối cùng, mà muốn dạy ta kính nể mọi người cũng như ta vẫn thường kính nể anh chị em cha mẹ ta vậy.
Xét cho cùng, con người từ rất lâu đã quen với những tập tục là phải dành những ưu đãi cho gia đình ruột thịt của mình, phải yêu mến và có trách nhiệm hơn đối với những người cùng chung máu mủ, thì Tin mừng của Chúa hôm nay là một điều mới mẻ: tin mừng đó đòi hỏi ta đối xử với mọi người như nhau và hỏi ta tại sao điều ta làm được cho cha mẹ ta, mà lại không làm cho “tha nhân” được.
 
Suy Niệm 7
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra năng động thiêng liêng Lời Chúa trong bài Tin Mừng: từ tương quan thân thuộc với Đức Giê-su do máu huyết: “Mẹ và anh em Đức Giê-su (c. 31) trở thành tương quan thân thuộc do việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (c. 35).
Nhưng tương quan ruột thịt không bị loại bỏ, nhưng được củng cố, sinh hoa kết quả và đạt tới sự viên mãn trong kế hoạch thông truyền chính Sự Sống của Thiên Chúa ; như trường hợp của hai cha con Abraham và Isaac. Tương quan thân thuộc dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm nên “Gia Đình Mới” mà Đức Giê-su rao giảng, xây dựng và trao ban chính sự sống của mình để nuôi dưỡng và làm cho hoàn tất, được mở ra cho tất cả mọi người.
Dấu chỉ cho việc mở rộng đến vô hạn là chữ “chị” được Đức Giê-su thêm vào, khi nói về Gia Đình mới: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh emchị em tôi, là mẹ tôi.”[1]
1. Mẹ của Người
Đức Giêsu đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”. Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giê-su đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân; và Đức Giê-su không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình:
Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?
Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giê-su khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giê-su đi vào con đường Thập Giá (x. Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27).
Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời này của Đức Giê-su, suy đi nghĩ lại trong lòng và đã hiểu, nên Mẹ đã đi theo Đức Giê-su cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình Mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su “cách duy nhất” đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giê-su, trong đó có chúng ta.
2. “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
Đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”, Đức Giê-su đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một “Gia Đình Mới”, gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc “lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21). Thực vậy, khi đó Người rảo mắt nhìn những người đang vây quanh lắng nghe Lời Thiên Chúa, nói ra từ miệng của Người, và nói:
Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.
Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong Gia Đình Mới mà Đức Giê-su đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Đức Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Đức Giê-su hai lần.
Giáo xứ và nhất là cộng đoàn tu trì, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh Gia Đình Mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giê-su, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh rất đẹp và cụ thể, nói lên Gia Đình Mới của Đức Giê-su. Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27).
Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành “người thân” đích thực của Đức Giê-su.
3. Tái sinh trong Gia Đình Mới bằng Lời Chúa
Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng có đầy những khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.
Để trở thành người con trong một gia đình, chúng ta phải sinh ra. Cũng vậy, để trở thành thành viên trong gia đình mới của Đức Giê-su, chúng ta cũng phải được tái sinh. Và như chúng ta biết, sinh ra đã không dễ, tái sinh càng khó hơn. Hơn nữa, chúng ta không thể tự mình tái sinh được, cũng như chúng ta đã không tự mình sinh ra.
Nghe và sống Lời Chúa không chỉ là điều kiện, nhưng còn có nguồn sự sống làm cho chúng ta tái sinh, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình Mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Lời bài hát “Như hơi thở mong manh” (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob diễn tả rất hay ơn tái sinh bởi Lời Chúa :
Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
————-
[1] Một số bản văn Hi-lạp không có chữ “chị” trong lời của người đến báo với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy…”, giống như lời tường thuật của thánh Mát-thêu và thánh Luca (x. Mc 3, 32; Mt 12, 47 và Lc 8, 20).
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận