Thứ Sáu Tuần 4 TN

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/02/2015 02:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN: Th. Phaolô Mi-ki và các bạn tử đạo

BÀI ĐỌC I (Dt 13, 1-8)
Anh em thân mến, tình bác ái huynh đệ phải tồn tại trong anh em. Anh em đừng lãng quên việc cho khách đỗ nhà: vì khi làm như vậy, có kẻ không ngờ mình đã đón tiếp các thiên thần. Anh em hãy nhớ đến những tù nhân như chính anh em bị tù đày chung với họ, và hãy nhớ đến những kẻ đau khổ, vì chính anh em cũng đang ở trong thân xác như họ. Mọi người phải tôn trọng hôn nhân, hãy giữ phòng the cho tinh khiết, vì Thiên Chúa sẽ đoán phạt các người tà dâm và ngoại tình. Trong nếp sống, anh em đừng tham lam; hãy bằng lòng với những gì đang có, vì Chúa đã phán: “Ta sẽ không để mặc ngươi và không bỏ rơi ngươi đâu”, đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng mà thưa rằng: “Chúa là Đấng phù trợ tôi, tôi chẳng sợ người đời làm gì được tôi”. Anh em hãy nhớ đến các vị lãnh đạo anh em, là những người đã rao giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem đời họ kết thúc ra sao mà noi gương đức tin của họ. Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay, và cho đến muôn đời vẫn như thế.

TIN MỪNG (Mc 6, 14-29)
Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: “Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng”; kẻ thì bảo: “Đó là Êlia”; kẻ khác lại rằng: “Đó là một tiên tri như những tiên tri khác”. Nghe vậy, Hêrôđê nói: “Đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”. Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe. Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho”. Cô ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gioan Tẩy Giả”. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo (qua đời năm 1597)

Thành phố Nagasaki, Nhật Bản, quen với người Mỹ vì đó là thành phố bị thả trái bom nguyên tử thứ hai, có hằng trăm ngàn người tử vong. Có 26 vị tử đạo của Nhật bị đóng đinh trên một ngọn đồi, ngày nay gọi là Núi Thánh, nhìn ra thành phố Nagasaki. Trong số các vị tử đạo có các linh mục, các tu sĩ Dòng Phanxicô, các tu sĩ Dòng Tên, các giáo dân, các giáo lý viên, các bác sĩ, cả người già lẫn trẻ em vô tội. Tất cả hiệp thông trong một niềm tin yêu vì Chúa Giêsu và Giáo hội Công giáo.
Thánh Phaolô Miki, tu sĩ Dòng Tên và dân bản xứ, được biết đến nhiều nhất trong số các vị tử đạo của Nhật Bản. Khi bị treo trên thập giá, Thánh Phaolô Miki nói với những người tụ họp quanh đó về việc thi hành án tử: “Lời kết án nói những người này từ Philippine đến Nhật, nhưng tôi không từ nước khác đến. Tôi là người Nhật đích thực. Lý do duy nhất tôi bị án tử là tôi đã dạy giáo lý của Đức Kitô. Chắc chắn tôi đã dạy giáo lý của Ngài. Tôi tạ ơn Chúa vì lý do đó mà tôi phải chết. Tôi tin tôi đang nói thật trước khi tôi chết. Tôi biết quý vị tin tôi, tôi muốn nói lại rằng hãy xin Đức Kitô giúp quý vị vượt qua và được hạnh phúc. Tôi vâng lời Đức Kitô. Noi gương Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không ghét họ. Tôi cầu xin Chúa thương xót họ, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên các bạn của tôi như mưa nguồn sinh hoa kết trái”.
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật Bản hồi thập niên 1860, họ không còn thấy dấu vết gì về Kitô giáo. Nhưng sau khi lập giáo đoàn, họ thấy có hằng ngàn tín hữu sống khắp Nagasaki vẫn âm thầm giữ đức tin. Thánh Phaolô Miki và các vị tử đạo được tôn phong chân phước năm 1627, rồi được tôn phong hiển thánh năm 1862.

Suy niệm 1

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Gioan Tẩy giả bị trảm quyết.
Trong câu chuyện này chúng ta thấy có ba loại nhân vật: Gioan Tẩy Giả, tượng trưng cho lớp người công chính. Hêrôđê tượng trưng cho những con người yếu đuối và Hêrôđia, tượng trưng cho những người sống theo sự dữ.
1/ Gioan Tẩy Giả tượng trưng cho những người công chính
Vâng! Đúng như thế. Ông là hình ảnh của lớp người công chính. Người công chính là người luôn thi hành ý Chúa, bất chấp mọi khó khăn. Ông đã thi hành trách nhiệm của một vị ngôn sứ một cách can đảm, không sợ vua chúa quan quyền. Và cũng như các ngôn sứ trong Cựu ước, Gioan đã bị bắt bớ vì Lời Chúa và đã bị lên án tử. Ông là người được Chúa Giêsu khen ngợi là người cao trọng nhất trong các con cái loài người do người nữ sinh ra, nhưng ông lại chết cách nhục nhã, về tay một người phụ nữ lăng loàn. Cũng như bao người công chính khác, ông là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng Công Chính sẽ bị bắt bớ và cuối cùng bị chết nhục nhã trên Thánh Giá.
Muốn theo Chúa hôm nay tôi cũng không có con đường nào khác. Và càng chịu khổ, chịu bắt bớ thì tôi lại càng phải vui mừng vì được nên giống Chúa Kitô hơn.
Xin gửi đến anh chị em một bài thơ. Bài thơ nhỏ nhưng rất hay:
Nếu Đức Kitô là người
Và chỉ là một con người,
Tôi sẽ trung thành với Ngài
Và sẽ trung thành luôn mãi
Nhưng nếu Đức Kitô là người
Và là Chúa Trời duy nhất,
Tôi sẽ bước đi theo Ngài
Đến tận chân trời góc biển.
2/ Hêrôđê tượng trưng cho những người yếu đuối
Ông là hình ảnh của những con người yếu đuối, hướng chiều theo tội lỗi. Sở dĩ ông tống ngục ông Gioan Tẩy Giả là cũng vì nghe lời Hêrôđia xúi giục, chứ riêng ông thì ông kính sợ Gioan Tẩy Giả vì biết Gioan là người công chính thánh thiện. Máccô viết: “Ông che chở người. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại thích nghe”. Hêrôđê đúng là mẫu người yếu đuối, buông theo sự dễ dãi đến khi muốn trở lại thì đã quá trễ, không thể làm lại được nữa.
Một chú vịt trời theo đàn bay về phương Bắc. Một buổi chiều khi đáp xuống một nông trại, chú vịt trời thấy đàn vịt nhà đang ăn bắp, liền nhảy lên để được ăn. Bữa ăn ngon làm nó không muốn bay theo đàn nữa, nó tự nhủ: để mai mốt mình bay theo cũng không muộn.
Nhưng rồi ngày qua ngày nó vẫn ở với đàn vịt nhà để được nuôi ăn. Mùa thu đến, đàn vịt trời bay từ hướng Bắc xuống hướng Nam: các bạn cũ kêu nó trở về khi bay qua nông trại. Chú vịt trời ráng sức đập cánh bay lên, nhưng đôi cánh bây giờ quá yếu, nó chỉ bay được lên nóc nhà rồi lại rơi xuống đất. Đời sống dễ dãi ở đây đã làm nó không thể bay được như xưa. Nó đành đứng nhìn đàn vịt trời bay xa dần.
Từ đó mỗi mùa xuân và mùa thu, chú vịt trời đều thấy các bạn cũ bay qua hướng Bắc rồi trở về hướng Nam.
Mới đầu nó còn thèm thuồng số phận đó, nhưng dần dần ước vọng mờ tan, nó yên lòng sống dưới đất với đàn vịt nhà trong trang trại!
3/ Hêrôđia tượng trưng những người sống theo sự dữ.
Bà là mẫu người sống theo sự dữ. Đã phạm tội loạn luân, lấy em chồng của mình thì chớ, lại còn “căm thù ông Gioan và muốn giết ông”. Và như chúng ta biết, dịp may đã đến để bà đạt được mục tiêu gian ác của mình. Bà đã giết Gioan, người đã dám chỉ trích tội lỗi của bà.
Người gian ác là người không biết đến hai tiếng lương thiện. Lối sống lương thiện của người công chính như luôn tố cáo họ, nên họ căm thù và muốn tiêu diệt cho bằng được. Họ trở thành nô lệ cho sự gian ác.
Thế nhưng, thử hỏi cuộc sống như vậy có hạnh phúc không thì không ai dám trả lời là có.
Đây là cuộc đối thoại của hai đứa trẻ
Em bé A hỏi: Sao ba tao chỉ có một vợ mà ông kia lại có hai vợ?
Em bé B nói: Là tại vì ông ta thích lấy nhiều vợ.
Em bé A lại hỏi: Vậy thì ông ta không sợ Chúa phạt sao ?
Em bé B nói: “Thì Chúa phạt rồi đó, hai bà vợ ngày nào cũng chửi nhau, con cái của họ thì đi bụi, còn ông thì ngày nào cũng ra quán uống rượu đến say mèm…”
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Chúa đã bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Chúa đã phải vác Thập Giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Chúa đã bị lột áo và bị đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.
Chúa đã chịu dang tay chết trên Thập Giá,
xin cho đất được nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.
Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

Suy niệm 2: “SỰ THẬT GIẢI THOÁT ANH EM”

Vua Hê-rô-đê nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy.” (Mc 6,16)
Suy niệm: Lý do đưa đến cái chết của vị ngôn sứ chính là ông đã dũng cảm bảo vệ sự thật là giới răn của Thiên Chúa. Để bảo vệ sự thật này, Gio-an đã thẳng thắn tố giác tội ác chống lại sự thật của vua Hê-rô-đê: “Nhà vua không được phép cướp vợ của anh ngài” (Mc 6,18), và ông đã trả giá cho lời nói đó bằng chính mạng sống của mình. Nhưng dù có phải chết dưới lưỡi gươm của Hê-rô-đê, Gio-an đã chứng tỏ được sức mạnh của sự thật. Chính Hê-rô-đê mới là người run sợ trước lời nói công chính của Gio-an, lời làm ông “phân vân, nhưng lại thích nghe” (Mc 6,20). Vì thế khi biết Đức Ki-tô, Đấng là Sự Thật xuất hiện, Hê-rô-đê đã thảng thốt kêu lên: “Chính ông Gio-an đã chỗi dậy.”
Mời Bạn: Bạn và tôi được mời gọi để sống cho sự thật. Khi bưng bít sự thật, khi không dám làm chứng cho sự thật, chúng ta bị sự thật “quấy nhiễu”: chúng ta bị “cắn rứt lương tâm”. Trái lại dám chấp nhận trả giá khi sống theo sự thật, thì dù sống hay chết, lòng chúng ta sẽ luôn thanh thản, bởi vì “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga. 8,23).
Chia sẻ: Bạn có nghe nói điều này: “Bạn có thể lừa dối tất cả mọi người một ít lâu, và lừa dối một ít người mãi mãi, nhưng bạn không thể mãi mãi lừa dối tất cả mọi người”? Bạn có suy nghĩ gì về lời đó?
Sống Lời Chúa: Thực hành phương châm: “Nói sự thật trong lòng bác ái” (x. Ep 4,5) cũng là chủ đề tông huấn của đức Bê-nê-đi-tô XVI “Veritas in caritate” (Sự thật trong lòng mến).
Cầu nguyện: Con xin nguyện đi theo đường của Thầy Giê-su, để con có được sự thật và sự thật dẫn con đến sự sống.

Suy niệm 3

Chúa Giêsu bị bắt và đến gặp tổng trấn Philatô để ông quyết định số phận của Chúa Giêsu. Trong lúc chất vấn với nhau, Philatô hỏi Chúa Giêsu sự thật hay chân lý là cái gì? (Ga 18,38). Chúa đáp lại bằng sự im lặng! Theo tôi, sự thật hay chân lý chính là con người của Chúa Giêsu. Thật vậy, chính con người của Ngài là chân lý và là sự thật, bởi vì lời nói việc làm của Ngài là sự thật và nhất là làm chứng cho Sự Thật – Thiên Chúa Cha.
Hôm nay, qua bài đọc một, tác giả Thư Do Thái đã minh chứng sự thật về Chúa Giêsu: ‘Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời’ (Dt 13,8). Sau khi đã chứng minh Chúa Giêsu là vị trung gian của Giao Ước mới đem ơn cứu độ cho con người và khuyên chúng ta làm những việc sau đây:
Trước hết là bác ái huynh đệ. Tại sao phải làm như thế? Bởi vì bản chất của đạo Công giáo là mến Chúa yêu người như chính Chúa Giêsu đã nói: ‘Người ta chứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là hãy yêu thương nhau’ (Ga 13,35). Thư Do Thai khuyên chúng ta: ‘Anh em hãy giữ tình huynh đệ’ (Dt 13,1). Tiếp đến là chúng ta cần phải có tinh thần hiếu khách. Tại sao? Bởi vì khách ở đây không chỉ là khách của chúng ta nhưng là người được Chúa sai đến là các thiên thần (Tb 3,17). Ngoài ra, chúng ta phải trung thành tin tưởng vào Thiên Chúa, đừng quá tham lam bởi vì chúng ta không thể làm tôi hai chủ ‘Thiên Chúa hay tiền tài’ (Mt 6,24). Hơn nữa, chúng ta tin vào sự quan phòng của Chúa vì Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc cho chúng ta: ‘Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi’ ( Dt 13,5). Hãy tin tưởng vào Chúa như tác giả bài đọc một chia sẻ: ‘Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được’ (Dt 13,6). Hình ảnh trung thành và tin tưởng vào Chúa cụ thể qua bài Tin Mừng chính là Gioan Tẩy Giả. Ông làm chứng cho sự thật và dám nói lên sự thật dù sẵn sàng bị chém đầu.
Lạy Chúa, thắng hay thua rồi ai cũng chết. Giàu có hay nghèo khổ rồi cũng sẽ qua đi. Chỉ có tình yêu và sự thật để lại đời. Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tiền Hô để lại mẫu gương anh dũng, mẫu gương giúp cho đời đạt được hạnh phúc và bình an. Ngược lại, vua Hêrôđê và bà Hêrôđia cũng để lại sự thật cho đời là dối trá dẫn đến chết chóc và tội lỗi. Xin cho mỗi người chúng con biết theo gương Chúa và các Thánh biết tìm kiếm chân lý sự thật trong cuộc sống hầu được hưởng bình an và hạnh phúc với Chúa muôn đời.

Suy niệm 4

Bài đọc I trình bày lý tưởng kitô giáo: sống bác ái, khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục. Lý tưởng kitô giáo không chỉ dành riêng cho người sống đời tu trì. Đời sống tu trì sống tận căn những đòi hỏi ấy; tuy nhiên Đức Kitô mời gọi tất cả mọi người thực thi những điều đó.
Bác ái. ‘Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ. Anh em hãy nhớ đến những người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ; anh em hãy nhớ đến những người bị hành hạ, chẳng khác gì mình với họ chỉ là một thân thể’. Một tình bác ái biểu hiện tình thương của Thiên Chúa mà ta nhận được và thông ban, một tình yêu quảng đại, thân ái và kiên trì.
Khiết tịnh. Tác giả nói cho những người sống đời gia đình: ‘Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình’. Đức khiết tịnh của người sống đời tu trì là dấu chỉ, sự nâng đỡ và sức mạnh cho những người khác.
Đức khó nghèo. Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ’. Một tinh thần khó nghèo biểu hiện lòng tín thác của ta vào Thiên Chúa: ‘Chúng ta có thể tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì’.
Đức vâng phục. ‘Anh em hãy nhớ những người lãnh đạo…Và trong đoạn sau ta đọc thấy: ‘Anh em hãy vâng lời những nhà lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa’.
Cầu xin Chúa ban cho ta sống trọn vẹn lý tưởng đời sống kitô cùng giúp những người quanh ta sống trong niềm vui và can đảm.
Ta thấy khó chịu khi đọc trong đoạn tin mừng này bản báo cáo về một bữa tiệc khiêu vũ, kèm theo là một tội ác do một tên sát nhân máu lạnh, ‘vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô’. Một tội ác lạnh lùng làm chúng ta khó chịu. Nhưng tội ác này lại đi vào luật chơi của nước đôi.
Thật vậy sự hàm hồ nước đôi không thể đứng vững mà không tạo ra một phản ứng bạo lực trước ánh sáng của sự thật, người ta cảm thấy an tâm khi núp trong cảnh tranh tối tranh sáng.
Các nhân vật của bi kịch này là: Hêrôđê, Hêrôđiađê và Gioan. Về phần Hêrôđê, hình như ông muốn nối kết cả hai điều không thể đứng chung với nhau được. Thích nghe Gioan Tẩy Giả nhưng đồng thời lại muốn chiếm hữu Hêrôđiađê, người không thuộc về ông, không phải là vợ của ông. Con cáo già tưởng có thể hòa giải hai điều đối nghịch. Tình trạng mất cân bằng đó không thể kéo dài được. Con cáo Hêrôđê gặp con cáo Hêrôđiađê, người không ngần ngại thao túng chính con gái mình để tạo thế cân bằng có lợi cho mình.
Đàng khác ta thấy sự ngay thẳng và trong sáng của Gioan Tẩy Giả. Ngài biết mình đang gặp nguy hiểm nhưng không có lời nào khác ngoài sự thật: ‘Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài’. Không có chút hàm hồ nào; hoàn toàn trong sáng.
Người môn đệ của Đức kitô không thể sống trong sự hàm hồ nước đôi.  Cần phải chọn giữa sự thật và sự yên tâm. Chọn sự thật là chấp nhận lội ngược dòng. Sự yên tâm của nước đôi là cám dỗ của nhiều kitô hữu: giải thích các tín điều, xoay xở các giới răn thuận lợi cho mình, hạ thấp các yêu sách, thích ứng Đức Kitô với thế gian…Một ngày nào đó ta sẽ nhận ra mình không còn là kitô hữu nữa mà là nô lệ của thế gian. Đức Giêsu phán: ‘Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông’ (Ga 8,31-32).

Suy niệm 5: THÁI ĐỘ SỐNG CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy, đâu là cách sống của người kitô hữu, nhất là trong môi trường ngày nay, sự bất công, gian lận, lối sống hưởng thụ luôn là mối đe dọa và làm tha hóa cuộc sống. Hơn bao giờ hết, người kitô hữu luôn cần nhận định lại cuộc sống hằng ngày, để phản ảnh chất Tin mừng trong chính con người kitô hữu của mình.
Chúng ta nhìn lại những nhân vật trong Tin mừng. Đức Giêsu. Lúc này đã nổi danh, vì đời sống ngay thẳng công chính, với một lối sống rõ rệt là bênh vực người nghèo và kẻ áp bức. Gioan Tẩy giả là người chính trực ngày thẳng, không vị nể và không sợ trước những áp lực thế gian.
Hêrôđê là một con người tha hóa, nhu nhược. Bà Hêrôđia là một con người thời cơ lợi dụng, âm mưu và tội lỗi. Con gái bà Hêrôđia là người không có phán đoán, sống theo hưởng thụ và sẵn sàng cộng tác vào những điều bất chính.
Tất cả những cách sống của những nhân vật như: Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả, Hêrôđê, bà Hêrôđia và con gái bà, chúng ta có thể thấy rất nhiều trong môi trường ngày nay, và đôi khi cũng là chính khuân mặt của chúng ta.
Là người kitô hữu, chắc hẳn chúng ta phải sống theo gương mẫu nào? Chúng ta nói tin vào Đức Giêsu mà sống trái ngược với Đức Giêsu thì niềm tin của người kitô hữu ấy có giá trị gì? Tôn giáo của người tín đồ ấy có ích gì?
Bài đọc một Thư Do-thái hôm nay tiếp tục bổ sung cho chúng ta phải sống thế nào, để thể hiện niềm tin vào “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời”, đó là:
Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ.
Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích
Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân
Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền
Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng lời Chúa cho anh em.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã đến trần gian để làm chứng cho sự thật. Chúa biết rằng sự thật sẽ giải thoát chúng con khỏi cái chết muôn đời. Chúa cho chúng con biết sự thật của chúng con là con cái của Chúa. Chúa tạo dựng chúng con để được sống hạnh phúc đời đời bên Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận sự thật với niềm tin sắt son. Xin giúp chúng con biết sống theo chân lý vẹn toàn là sống đúng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa.
Nhưng Chúa ơi, đã bao lần chúng con đã không sống với lương tri con người. Chúng con sống quanh co, giả dối. Chúng con sống thiếu công bình, bác ái. Chúng con còn chưa dám sống với những điều mình tin. Chúng con còn sợ hy sinh, ngại gian khó khi phải sống theo lời Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con luôn can đảm sống điều mình tin, cho dù phải trả giá bằng cả mạng sống như thánh Gioan năm xưa. Xin giúp chúng con dám sống chân thật và dám làm chứng cho sự thật. Xin ban ơn can đảm để chúng con biết sống theo lương tâm soi sáng, biết tránh xa sự xấu, và biết gìn giữ vẻ đẹp của linh hồn chúng con là hình ảnh của Chúa luôn trong trắng, tinh tuyền.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng chân thật. Xin giúp chúng con luôn can đảm làm chứng cho sự thật. Xin cho chúng con lòng trung thành tuyệt đối để có thể nói như thánh Phao-lô: “không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Chúa trong Chúa Giê-su Ky-tô”. Amen.


THÁNH GIOAN VÀ ĐỨC GIÊ-SU

1. Sự Dữ hủy diệt Sự Dữ 
Nghe danh tiếng của Đức Giê-su, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hê-rô-đê cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy :
Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy ! (c. 16)
Đó là một sai lầm, nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi.
§  Vua Hê-rô-đê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một “Gioan Tẩy Giả” khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.
§  Vua Hê-rô-đê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ, là bạo lực và sức mạnh, chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo : “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi” (Tv 141, 10).
§  Đức Giê-su không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ bị giết chết cách bất công như Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có thánh Gioan.
1. Gioan, “Người đi trước mặt Chúa”
Ngoài ra, sai lầm của vua Hê-rô-đê còn làm cho chúng ta nhận ra rằng cả cuộc đời của thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, gắn bó biết bao với Đức Giê-su, với sự sinh ra, sự sống, sự chết và sự sống lại của Người. Thật vậy, thánh Gioan đã loan báo và chuẩn bị cho Đức Ki-tô ngự đến, trong cách mình được cưu mang và được sinh ra và bằng cả cuộc đời của mình, như chính ông Dacaria, cha của Gioan, đã tiên báo :
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người
,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
 (Lc 1, 76-77)
Và trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc thương khó của Gioan. Như thế, Gioan đã loan báo Đức Ki-tô cho đến chết và bằng chính cái chết của mình. Thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giê-su một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.
Ơn gọi của thánh Gioan cũng chính là ơn gọi của chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu : đó là ơn gọi, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết cũng gắn liền với Đức Giê-su Ki-tô: lúc sinh ra, phép rửa làm chúng ta trở thành Ki-tô hữu, nghĩa là môn đệ của Đức Ki-tô; trong hành trình làm người, chúng ta đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi; và khi chết, chúng ta cũng sẽ cùng chết với Đức Ki-tô để được sống lại với Ngài, như chính phép rửa đã loan báo. Vấn đề là chúng ta có nhận ra và đón nhận như một ơn huệ, một mối phúc hay không.
3. Gioan, người loan báo Đức Giê-su bằng cái chết
Như thế, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay rất mạnh mẽ, nhưng cũng thật kín đáo: thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giê-su một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết. Thật vậy, Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Thật vậy, chính vua Hê-rô-đê quyết định trảm quyết Gioan, nhưng có rất nhiều người tham gia vào quyết định này : Bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của vua, con gái bà Hê-rô-đi-a, và cả triều thần và quan khách có mặt trong bữa tiệc mừng sinh nhật. Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự…
Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải Sự Dữ triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, nhất là mặc khải vẻ bề ngoài hoàn toàn dối trá. Người tự nguyện để cho mình trở thành nạn nhân của Sự Dữ để phơi bày Sự Dữ, làm bật Sự Dữ ra khỏi chỗ ẩn nấp và lộ ra nguyên hình. Đó chính là cách Người chiến thắng Sự Dữ và chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ ngay hôm nay.
*  *  *
Tuy nhiên, khi nghe hay đọc trình thuật này, chúng ta có thể tự hỏi một cách tự phát: vậy đâu là phúc của Gioan, được loan báo khi mới sinh ra, khi mà ông đã cho đi tất cả, dâng hiến tất cả và phải chịu chết như thế?
Thánh Gioan loan báo Đức Ki-tô trong sự sinh ra, trong cuộc sống và trong cái chết, thì phúc của Gioan chính là trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Ki-tô. Và bài Tin Mừng hôm nay đã kín đáo nói cho chúng ta điều này: sau khi thánh Gioan bị giết chết, có kẻ nói về Đức Giê-su:
Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy,
nên mới có quyền năng làm phép lạ. 
(c. 14)
Phúc của thánh Gio-an chính là trở nên một với Đức Ki-tô, trong cuộc sống dẫn đến cái chết và trong niềm hi vọng sống lại nữa.
Nếu là như thế, phúc của Gioan, cũng là phúc của mọi người Ki-tô hữu chúng ta, những người sống đời sống hôn nhân, cũng như những người sống đời dâng hiến, đó là Đức Giêsu Ki-tô trở nên một với chúng ta, nơi mầu nhiệm Nhập Thể và nơi mầu nhiệm Thánh Thể hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua, để cho chúng ta có thể trở nên một với Ngài trong hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta hôm nay và mãi mãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận