Thứ Bảy Tuần 4 TN

Đăng lúc: Thứ bảy - 07/02/2015 02:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 4 TN

BÀI ĐỌC I (Dt 13, 15-17, 20-21)

Anh em thân mến, nhờ Đức Giêsu mà trong mọi lúc, chúng ta luôn luôn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ ngợi khen, tức là hoa quả của miệng lưỡi ta tuyên xưng danh Người. Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng về những của lễ như thế. Anh em hãy vâng lời và tùng phục các vị lãnh đạo anh em, vì chính các ngài canh giữ linh hồn anh em, như những người sẽ phải trả lẽ, để các ngài hân hoan thi hành việc đó, chớ không phàn nàn, vì điều đó không có lợi gì cho anh em. Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Đấng nhờ máu giao ước vĩnh cửu, trở nên vị Mục tử cao cả, tức là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xin Người làm cho anh em trong các việc thiện, xứng đáng thi hành thánh ý Người, khi Người thực hiện trong anh em điều Người hài lòng, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng được vinh quang đến muôn đời. Amen.

TIN MỪNG (Mc 6, 30-34)
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.


Suy niệm 1
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy Chúa Giêsu rất quan tâm đến những người khác.
a/ Trước hết, Chúa Giêsu quan tâm đến các môn đệ của Ngài.
b/ Thứ đến là Chúa Giêsu quan tâm đến đám đông.
“Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34).
1/ Trước hết, Chúa Giêsu quan tâm đến các môn đệ của Ngài. Có thể nói: Môn đệ là ưu tiên số một đối với Chúa. Chính vì thế mà sau những ngày làm việc mệt nhọc, Chúa đã bảo các môn đệ hãy tìm một chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để có giờ trở lại với chính lòng mình, để kiểm điểm lại xem mình có đi đúng đường hay không.
Trong một buổi diễn thuyết về vấn đề thư giãn trong cuộc sống, người dẫn chương trình giơ cao một ly nước lên và hỏi khán giả:
- Quý vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?
- Điều đó còn tuỳ thuộc vào chuyện anh cầm nó trong bao lâu chứ? – Một khán giả nói.
- Đúng vậy – Người dẫn chương trình trả lời – Nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quý vị sẽ phải gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn.
Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta gục ngã. “Điều quý vị phải làm là đặt ly nước xuống nghỉ một lát, rồi lại tiếp tục cầm nó lên”.
Thỉnh thoảng, chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống xuống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Mỗi ngày, chúng ta đều cần phải có giây phút nghỉ ngơi, không bận tâm đến bất kỳ một gánh nặng nào!
2/ Thứ đến là Chúa Giêsu quan tâm đến đám đông.
Chúng ta thử hỏi, thương dân Chúa làm gì? Có nhiều việc nhưng việc trước tiên Ngài làm không phải là chữa bệnh, mà là “dạy dỗ họ nhiều điều”(Mc 6,34). Chúa thương những người đau khổ, nhưng Chúa càng thương hơn những người chưa biết Tin Mừng. Nói cho người ta một lời đem lại sức sống còn có ích hơn là chữa cho người ta khỏi các bệnh tật về phần xác. Chúng ta hãy bắt chước Chúa để cũng biết làm như vậy.
Cha Badinger Germain người Pháp kể lại rằng: “Một buổi sáng nọ, tôi có hẹn với một thiếu nữ trong một quán cà phê vào lúc 6 giờ sáng. Cô ta thất vọng về cuộc đời. Tôi gắng hết sức để thuyết phục khuyên bảo cô, nhưng vô ích. Sau đó, đến 7 giờ 30 phút, cô phải đến sở làm. Đến 9 giờ cô điện thoại lại cho tôi. Giọng của cô thật vui tươi.
Ngạc nhiên, tôi hỏi lý do thì cô giải thích rằng:
- Chính người bán vé xe điện ngầm đã làm cô thay đổi. Và cô nói thêm: “Thực ra, lúc đầu con chỉ có ý gặp cha để than van chứ chẳng muốn nghe cha khuyên giải điều gì. Sau khi rời quán cà phê đi đến trạm xe điện ngầm, con đã gặp bà bán vé xe điện thật dễ thương. Bà đã cười thật tươi và nói:
- Chà, cô mặc áo đẹp quá. Màu thật là hợp với màu tóc của cô.
Ngạc nhiên, con hỏi lại:
- Tại sao bà lại khen tôi như thế?
Bà ta giải thích:
- Cô coi, trong nghề của tôi, không có gì nhàm chán bằng cả ngày chỉ có một động tác đổi những vé xe điện ngầm này để lấy tiền. Vì thế, để tạo cho cuộc đời và công việc nhàm chán này một ý nghĩa, tôi cố gắng nhìn xem trong đám những khách hàng của tôi có điều gì để khuyến khích họ không, nhất là khi tôi thấy họ có vẻ buồn bực hoặc cáu kỉnh. Thí dụ, đối với ông nọ tôi nói: “Chà ông hai có cà vạt đẹp quá”. Ông ta bèn chỉnh lại cà vạt rồi mỉm cười.
Vừa rồi khi thấy cô bước đến, đôi mắt đỏ hoe, tôi nghĩ: “Cô chắc có điều gì đau khổ đây, mình phải nói một câu gì đó dễ thương với cô. Cô thấy không, làm như thế là đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa. Nếu tôi không làm như thế, thì trong nghề của tôi thực không có gì là thích thú.”
Đúng là người phụ nữ bán vé xe điện ngầm này đã biết quan tâm đến người khác và sự quan tâm ấy đã đem đến một niềm vui thanh thản cho chị.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con một tâm hồn
theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh
Một tâm hồn biết quan tâm đến những người nghèo khó,
hơn là chỉ biết nghĩ đến mình
Một tâm hồn luôn biết hướng về tha nhân,
quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.
Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,
và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa,
Để rồi đem nguồn sống đó chia sẻ cho mọi người,
để tất cả được hưởng niềm vui của Chúa. Amen.

Suy niệm 2: VỀ LẠI BÊN CHÚA

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. (Mc 6,30)
Suy niệm: Cơ thể con người cần theo một nhịp điệu cố định: lao động miệt mài rồi nghỉ ngơi, thư giãn. Mải mê làm việc mà không nghỉ ngơi sẽ sớm bị kiệt sức: đã có những người Nhật gục chết trên bàn giấy vì làm việc quá độ. Trái lại, chỉ biết thư giãn, rong chơi mà không làm việc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đời mình trở nên vô nghĩa. Trong đời sống thiêng liêng, người môn đệ Chúa Ki-tô cũng có một nhịp điệu nền tảng: ở với Chúa và được sai đi, rồi về lại bên Chúa và nghỉ ngơi. Nhịp điệu ấy được chính Thầy Giêsu truyền lại cho các môn đệ khi các ông qui tụ quanh Ngài để tường trình chuyến thực tập truyền giáo thành công. Đó cũng là một nhịp điệu theo vòng tròn đồng tâm, vì trung tâm và động lực của mọi sinh hoạt đời sống Ki-tô hữu là Đức Ki-tô.
Mời Bạn: Dầu bạn là ai, đang ở trong bậc sống nào, về lại bên Chúa là nhịp điệu cần thiết để duyệt xét lại đời sống, quy chiếu mọi hoạt động đời mình về Chúa, cả những thành công và thất bại, để có định hướng mới tốt hơn và hiệu quả hơn trong việc phụng thờ Chúa. Về lại bên Chúa cũng là lúc bạn được Chúa cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng tâm hồn bằng ân sủng của Ngài.
Sống Lời Chúa: Cuối một ngày, cuối một tháng, ngày cuối năm là cơ hội thuận tiện tôi dành ít thời gian nhìn lại, lượng giá hoạt động của mình và rút kinh nghiệm cho thời gian sắp đến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tìm về lại bên Chúa những lúc vui hay buồn, thành công hay thất bại, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh giúp con bước tiếp hành trình sứ mạng.

Suy niệm 3
Trong quyển sách Thần Học Nhập Môn, Cha Giuse Phan Tấn Thành O.P diễn tả tầm quan trọng của lời Chúa qua Kinh Thánh. Bởi vì Thánh Kinh là nền tảng của Thần học nhưng Thánh Kinh không nói đến từ ngữ Thần học. Cũng vậy, Thánh Kinh không diễn tả về thiên đàng nhưng Thánh Kinh dẫn chúng ta đến Thiên đàng. Cũng thế, mục đích của tôn giáo là đưa con người đến gặp Thiên Chúa hay Thượng đế chứ không phải là để gặp gỡ nhau. Chủ chiên đưa đoàn chiên đến suối nguồn ơn cứu độ là Đức Giêsu Kitô chứ không phải đưa đoàn chiên đến gặp gỡ chính mình. Để hiện thực ý tưởng trên, chúng ta có nhiều cách nhưng cụ thể hóa chúng qua những việc sau:
Trước hết chúng ta luôn ý thức, Đức Giêsu Kitô là trung gian tuyệt vời để dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa Cha. Vì vậy, việc thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa phải qua trung gian Đức Kitô như tác giả bài đọc một diễn tả: ‘Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh’ (Dt 13,15). Việc thờ phượng cần biểu lộ qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ của cộng đoàn cũng như cá nhân.
Ngoài ra, chủ chăn giúp con người có cơ hội đến với Thiên Chúa qua việc bác ái: ‘Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế’ (Dt 13,16). Để mọi người có thể đến gần Thiên Chúa, các tín hữu biết vâng lời chủ chiên dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần: ‘Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa’ (Dt 13,17).
Tiếp đến chúng ta phải thi hành thánh ý Thiên Chúa qua lời của Ngài, qua các Tiên tri và giáo huấn của Giáo Hội. Tại sao phải thi hành thánh ý Ngài? Bởi vì, đây là con đường dẫn đưa chúng ta đến với hạnh phúc thật. Đức Kitô là người thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha trong mọi sự, kể cả cái chết để đưa chúng ta đến cuộc sống muôn đời: ‘Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu’ (Dt 13,21).
Lạy Chúa, để thi hành thánh ý Chúa Cha một cách trọn vẹn, chúng ta cần có những giây phút hồi tâm suy nghĩ trong sự tĩnh lặng như Chúa Giêsu mời gọi các Tông đồ qua bài Tin Mừng hôm nay. Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa Giêsu là đi trên con sự thật, con đường tình yêu, con đường bao dung và thánh thiện để sau này chúng con gặp được Đấng Thánh trên Thiên đàng. Amen.

Suy niệm 4
Luôn là niềm vui lớn lao khi nghĩ rằng Đức Giêsu đã ban chính mẹ của Ngài làm mẹ chúng ta: điều này mang lại cho ta biết bao êm dịu và can đảm trong đời sống thiêng liêng. Hôm nay chúng ta kết thúc thư gởi Do Thái và chúng ta có một giáo huấn tối hậu thật quan trọng, mà ta có thể lãnh nhận giống như phát xuất chính từ nơi Mẹ Maria vậy.
‘Nhờ Đức Giêsu, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa’. Tâm hồn chúng ta cần phải luôn ở trong thái độ ngợi khen và cảm tạ, và do đó ta phải ý thức những ân huệ cao cả mà Thiên Chúa thông ban cho ta nhờ Đức Giêsu.
Một khi xác tín điều đó, lòng biết ơn sẽ thúc đẩy ta hân hoan dâng lên Thiên Chúa những hy lễ như tác giả thư do thái dạy. ‘Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế’. Đó là hy lễ của lòng bác ái huynh đệ, trong sự mở lòng ra để làm điều lành, giúp đỡ, xẻ chia với người khác những gì mình đang có. Như thế chúng ta tiếp tục lễ dâng của Đức Kitô trong chính thực tại đời sống của mình, chính Ngài đang tiếp tục lễ dâng của Ngài trong chúng ta.
‘Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Đôi lúc thật khó mà vâng lời, nhưng con đường của bác ái đích thực và của sự hiệp nhất chính là đây. Thái độ nội tại bên trong sự vâng phục là thần phục Thiên Chúa, qua những vị lãnh đạo mà Ngài đã tuyển chọn. Nếu chúng ta sống như thế, Thiên Chúa bình an sẽ làm cho ta nên hoàn hảo nhờ Đức Giêsu, Chúa chúng ta, bằng cách thực hiện nơi ta thánh ý của Ngài. Cũng như Ngài đã thực hiện nơi chính mình thánh ý Chúa Cha, chúng ta cũng có thể thực hiện ý Chúa Cha nhờ Ngài trong khi tìm kiếm sự bình an, niềm vui và bác ái.
Đức Maria là người hướng dẫn chúng ta, vì mẹ đã luôn luôn dâng lên Thiên Chúa hy lễ ngợi khen, mà với lòng mẫu tử mẹ yêu hết mọi người, mẹ luôn là người nữ tỳ khiêm hạ của Chúa, hoàn toàn tuân phục ý Chúa.
Đức Giêsu muốn làm sự thay đổi với các môn đệ trở về sau cuộc truyền giáo lần đầu. Họ đang muốn kể cho Ngài nghe biết mọi việc họ đã làm và mọi điều họ đã dạy. Bởi vì người tông đồ phải truyền dạy trung thành lời được trao phó và với cung cách sống của mình phải làm chứng cho chân lý mình truyền dạy. Các môn đệ đã mỏi mệt cần nghỉ ngơi. Đức Giêsu bảo họ: ‘Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’.
Họ cần phải học nhiều điều khác nữa. Trước tiên người tông đồ không phải là người thợ được trả lương, làm việc theo giờ giấc quy định, với ngày nghỉ được trả lương và được thưởng vì những giờ làm thêm ngoài giờ. Không, người tông đồ là người tự nguyện, một người hoàn toàn được nhận lãnh. Dân chúng đến; chờ đợi một lời nói: ‘Nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa’. Họ cần học để có cái nhìn truyền giáo. Chúa Giêsu nhìn dân chúng vây quanh ngài: ‘Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt’. Tinh thần truyền giáo xuất phát từ cái nhìn. Một cái nhìn không dừng lại ở vẻ bề ngoài. Một cái nhìn thấy trước những nhu cầu ẩn giấu bên trong. Không chỉ là những nhu cầu vật chất, khao khát tình yêu, những khắc khoải sâu thẳm nhưng còn là nhu cầu về Thiên Chúa và ơn cứu độ.
Có nhiều cách thức nhìn đám đông. Những doanh nhân nhìn họ như những người tiêu thụ; các chính trị gia nhìn họ như những ủng hộ viên hoặc như một phiếu bầu cử; các thương gia nhìn họ như khách hàng; các vận động viên nhìn họ như những người hâm mộ; giới truyền thông xem họ như những độc giả, khán giả, thính giả …
Những cái nhìn hời hợt giản lược người khác vì lợi ích cho riêng mình.
Người tông đồ nhìn ‘con người trong chính thực thể của họ, có một lịch sự cuộc đời riêng…nhất là có một lịch sử tâm linh…Con người trong sự tràn đầy chân lý về hiện hữu của mình…chính là con đường của Giáo Hội (G.P II, Redemptoris Hominis,14).
Còn biết bao nhiêu người ngày hôm nay như dàn chiên không có người chăn! Cho họ bánh ăn, tương đối dễ dàng; nhưng cho họ Thiên Chúa, là đặc ân của người biết mình được Thiên Chúa yêu và yêu mến mọi người khác trong Đức Giêsu. Nghĩa là cũng giống như Đức Giêsu, có cái nhìn của Thiên Chúa.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là tình yêu. Chúa luôn chạnh lòng thương xót những mảnh đời bất hạnh của tha nhân. Chúa yêu thương và yêu thương họ đến cùng. Xin cho chúng con biết siêng năng kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, để được đón nhận sức sống của Chúa, và xin cho chúng con biết sống yêu thương theo khuôn mẫu của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Từng trang tin mừng là một bức họa chân dung yêu thương của Chúa. Chúa yêu thương nên hóa thân làm người. Chúa yêu thương nên chia sẻ cuộc đời trong thân phận nghèo khó. Chúa luôn đến với người nghèo. Chúa luôn xoa dịu những ai đang đau bệnh thể xác cũng như tinh thần. Chúa giải thoát những ai đang bị giam cầm bởi đam mê tội lỗi. Chúa là một vì Thiên Chúa nhưng mang trái tim con người. Chúa luôn có mặt trong từng nhịp thở của chúng con. Chúng con xin cám ơn Chúa đã cho chúng con biết thế nào là yêu thương. Một tình yêu không so đo tính toán. Một tình yêu cho đi đến cùng mà không mong đền đáp. Xin dạy chúng con biết sống cuộc đời yêu thương như Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tin rằng Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con. Chúng con xin phó dâng cuộc đời cho lòng thương xót Chúa. Amen.
 
SUY NIỆM 5: Dung mạo Chúa Giêsu
Manio Flajano, văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia, qua đời năm 1972, đã để lại những trang nhật ký thật cảm động: năm 1942, đứa con gái 8 tuổi của ông bị bệnh sưng màng óc và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đến năm 1992. Nhìn đứa con mà lòng đau xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa. Trong một trang nhật ký, ông viết: "Một người đàn ông nọ dẫn đến cho Chúa Giêsu đứa con gái bệnh tật và nói với Ngài: "Con không muốn chữa lành nó, nhưng chỉ xin Chúa yêu thương nó mà thôi". Chúa Giêsu cúi xuống hôn đứa bé mà nói: "Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều mà có thể cho được". Nói xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một đám đông tiếp tục bàn tán về các phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô tả các phép lạ".
Những dòng trên đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Thật thế, Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, Tin Mừng cũng không phải là một Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là một con người bằng xương bằng thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu thương. Ðọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không làm phép lạ như một phù thủy múa may cây đũa thần của mình, Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để làm lóe mắt thiên hạ. Phép lạ là dấu chỉ của ơn cứu độ, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ hóa thân làm người và sống thiết thân với con người.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói: "Chúa Giêsu thấh đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương". Ðây là tất cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.
Chiêm ngắm một Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" đã nói: Chỉ trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Con người bởi đâu mà đến? sẽ đi về đâu? chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài, chúng ta còn phải biết sống thế nào cho phải đạo làm người. Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên Thập giá, chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.
Tin mừng của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không ngừng được mời gọi để sống kết hiệp với Ngài, để đón nhận sức sống của Ngài và sống theo lý tưởng của Ngài. Ước gì chúng ta luôn được củng cố trong niềm xác tín rằng Ngài đang hiện diện và đồng hành với chúng ta trong từng phút từng giây cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 6: Hãy nghỉ ngơi đôi chút
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi việc các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông chẳng có thì giờ ăn uống nữa. (Mc. 6, 30-31)
Tuần làm việc đã kết thúc. Thế là ngày thứ bảy. Mặc dầu một số lớn các công nhân phải trực ca ở sở, sinh hoạt phố xá vẫn thay đổi nhịp độ kể từ năm giờ chiều thứ sáu đến tám giờ sáng thứ hai. Người ta muốn lấy hơi thở, dù rằng cứ thứ bảy và chủ nhật nào ai nấy lại thường không phải hết cả hơi, vì những công chuyện như: đi chợ mua thực phẩm, đi tiệm sắm đồ, công việc nội trợ, chơi thể thao, thăm viếng gia đình, bạn bè, họp mặt liên hoan…
Nhưng tất cả những hoạt động đầy ắp những ngày cuối tuần này thật ra có giúp ích gì cho việc nghỉ ngơi không? Phải chăng những hoạt động ấy chỉ là tiếp nối cuộc chạy đua với thời gian làm việc trong tuần? Những hoạt động này có tăng thêm sinh khí cho con người, trí tuệ và đời sống thiêng liêng của ta không? Chúng ta có thực sự đạt được việc dành cho mình những giây phút để trở về với lòng mình, mặt đối mặt với Thiên Chúa, hoặc để thưởng thức một công trình âm nhạc hay văn chương, nhờ đó ta tiến gần tới sự thật, sống có bề sâu, sống thánh thiện và mang vẻ đẹp của một con người luôn đổi mới và biết xây dựng mình? Chúng ta có biết bố trí thời giờ dành để tập thể dục giúp cho thân thể được khỏe mạnh để làm việc không?
Những việc kể lại trong Phúc âm hôm nay chứng tỏ rằng Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Người, sau khi đi truyền giáo về, cần nghỉ “ngày thứ bảy cuối tuần”, cần được nghỉ ngơi. Dầu rằng quanh các ông, dân chúng vẫn tấp nập, kẻ lui người tới, hỏi han thì Chúa vẫn dưa các ông lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và có thì giờ ăn uống.
Làm việc và nghỉ ngơi thay phiên nhau vẫn là luật căn bản của con người, ai coi thường người ấy làm việc kém năng xuất, nếu không sẽ ốm đau và suy giảm tinh thần. Quá mệt mỏi, lúc nào cũng tù túng trong cùng một bầu khí, hoặc thường xuyên bận bịu với cũng một công việc, con người phải sống trong cái vòng lẩn quẩn hoặc tệ hơn, ta đánh mất ý thức về việc làm của mình.
Vậy thì “Anh em hãy nghỉ ngơi đôi chút”.
 
Từ khóa:

dân chúng

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận