Thứ Năm Tuần 5 TN

Đăng lúc: Thứ năm - 12/02/2015 01:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM TUẦN 5 TN

BÀI ĐỌC I (St 2, 18-25)
Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, vì sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.
Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.

Lúc ấy cả hai người, tức Ađam và vợ ông, đều khoả thân mà không hề xấu hổ.

TIN MỪNG (Mc 7, 24-30)
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.


Suy niệm 1

Bài Đọc I hôm này là một bài Giáo lý nền tảng cho Hôn nhân. Rằng Hôn nhân là do chính Thiên Chúa lập nên khi Ngài dẫn người đàn bà đến với người đàn ông. Rằng Hôn nhân là bền vững vì họ chung một thân xác, không thể tách rời. Rằng Hôn nhân là để yêu thương, phục vụ nhau, nâng đỡ nhau đi đến cuối con đường…
Tuy nhiên điều tôi để ý đến trong bài đọc I là hình ảnh 2 con người đầu tiên đều trần truồng nhưng không xấu hổ. Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ không làm điều gì sai trái, nên tâm hồn họ vẫn còn hết sức phẳng lặng. Họ nhận ra thân xác của người khác là một món quà Thiên Chúa tặng ban, vì vậy họ tôn trọng và không có ý định chiếm đoạt thân xác của nhau để làm trò vui; hơn thế nữa, họ nhận ra nơi thân xác có một giá trị thiêng thánh. Vì vậy nơi họ không có một chút thẹn thùng, xấu hổ.
Qua bài đọc này mời gọi tôi phải biết tôn trọng phẩm giá con người qua việc phải tôn trọng chính bản thân mình. Lo cho con người mình được phát triển một cách trọn vẹn, nhất là về đàng nhân đức, để nơi bản thân tôi phải tỏa rạng ánh sáng của Chúa. Tránh mọi hình thức xúc phạm đến chính bản thân mình như để cho mình làm nô lệ cho nhiều thứ như tiền bạc, danh vọng và xác thịt.
Đồng thời cũng phải biết tôn trọng phẩm giá của người khác qua việc nhìn nhận họ có một giá trị riêng của họ, giá trị đó tôi không được xúc phạm. Tôi không bắt người khác phải làm những điều tôi muốn. Tôi không muốn người khác phải lệ thuộc. Và nhất là tôi không được xâm hại đến người khác khiến họ phải đau khổ.
Lạy Chúa, phẩm giá con người được Chúa tôn trọng một cách tuyệt đối. Vậy mà bản thân con lại rất nhiều khi đã xem thường phẩm giá người khác. Một cách đơn giản nhất là con vẫn còn nói hành, nói xấu người khác. Con không hài lòng khi thấy người khác hành động không giống với những suy nghĩ của con. Xin cho con có tình yêu thương để có thể tôn trọng chính bản thân mình và tôn trọng anh chị em con.

Suy niệm 2: LÒNG TIN CỦA BÀ NGOẠI GIÁO

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những miếng bánh vụn của đám trẻ nhỏ.” (Mc 7,28)
Suy niệm: Khi Chúa Giê-su ra đi rao giảng, lắm khi Chúa đã từ chối làm phép lạ cho người Do Thái “vì họ cứng lòng tin” (x. Mt 13,58). Trong khi đó, một người đàn bà ngoại giáo đến xin Chúa chữa cho đứa con bị quỉ ám, Chúa lại thốt lên những lời thật phũ phàng: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Người đàn bà này bất chấp những lời đầy thử thách đó nhưng đã bày tỏ đức tin mạnh mẽ, nhờ đó bà không chỉ nhặt nhạnh được “những miếng bánh vụn” mà còn hưởng được trọn vẹn ân huệ do lòng tin. William Barclay nhận xét: “Người đàn bà này tượng trưng cho thế giới ngoại giáo đang sốt sắng nhặt lấy những mẩu bánh vụn của thiên đàng mà dân Do Thái từ chối và vứt bỏ đi.
Mời Bạn: Đứng trước những hoàn cảnh khó khăn, có khi thấy mình hoàn toàn bất lực, ta dễ bị cám dỗ thả tay vì nghĩ mình không xứng đáng được ơn Chúa hay Thiên Chúa bỏ rơi mình. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng và luôn trung tín, để rồi vẫn kiên trì cầu xin như người đàn bà trên đây, chắc chắn nhận được cả tấm bánh đầy đặn của lòng thương xót Chúa.
Sống Lời Chúa: Trung thành với giờ cầu nguyện hằng ngày của mình và của gia đình.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc… vì biết mình được yêu thương ngay giữa những sa mù của cuộc sống. Xin cho con đức tin cứng cáp,… để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không tàn lụi niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người.”(Thắp Sáng Niềm Tin).


Suy niệm 3
 Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi,
quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.”
(Mc 7,29)
1/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho người con gái của một phụ nữ Phenisi:
Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu là người không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài chỉ muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào trong lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành hơn. “Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết” (Mc 7,24).
Chúa sống như vậy. Còn chúng ta thì sao?
Hãy tập cho mình biết sống âm thầm như Chúa.
Newton, một nhà vật lý học và thiên văn học trứ danh, sau những thành công hiển hách của sự tìm tòi, ông đã viết:
- Không biết thế giới nghĩ về công việc của tôi như thế nào, nhưng tôi, trong tất cả các sự tìm tòi của tôi về khoa học, tôi chỉ như một đứa trẻ con chơi ngoài bãi biển. Có lẽ, đôi khi cũng đã tìm được những hạt sỏi tròn hơn, những vỏ hến đẹp hơn những cái bạn tôi tìm, nhưng biển mênh mông của chân lý, dưới con mắt tôi vẫn còn mầu nhiệm quá.
Văn sĩ Walter Scott người Anh đã nói một cách rất nhũn nhặn, sau bao nhiêu năm làm việc chuyên cần:
-Trong đời sống của tôi, cái dốt đã ngăn tôi lại và dày vò tôi. Người ta càng biết nhiều bao nhiêu thì lại càng phải khiêm nhường bấy nhiêu, người ta càng học nhiều thì lại càng tự thấy mình còn dốt.
Socrate đã nói rất có lý:
- Bậc hiểu biết cao nhất của con người là biết được rằng mình chưa biết gì cả.
Và Sénèque cũng đã viết:
- Đừng tưởng mình là khôn ngoan, mới là khôn.
Ở Hungary có câu châm ngôn rất đúng:
- Nếu anh thông minh, anh đừng khoe khoang.
Người ta thường nói: gà cục tác nhiều thì đẻ trứng ít.
Một hôm, Alcibiade khoe với Socrate là thầy dạy mình về những lãnh thổ mênh mông của ông chung quanh vùng Athènes. Socrate liền mở bản đồ ra hỏi:
- Hãy chỉ cho tôi biết Á Đông ở đâu?
Alcibiade chỉ đúng cái lục địa rộng lớn ấy.
- Đúng! bây giờ chỉ cho tôi biết Hy Lạp ở đâu?
Alcibiade vẫn chỉ đúng.
- Đâu là Péloponèse, Socrate vẫn hỏi.
Alcibiade cố gắng mãi mới tìm thấy cái chấm nhỏ trong bản đồ.
-Vịnh Attique ở đâu?
Alcibiade thấy vịnh Attique là một cái chấm nhỏ quá gần như không trông thấy, Socrate kết luận:
- Đó, bây giờ hãy cho tôi biết phần đất rộng lớn của anh chỗ nào!
Alcibiade nhận ra lãnh thổ của mình không đáng một phần nhỏ nào trong bản đồ.
Như vậy, chúng ta thấy cuộc sống của mỗi người đâu có gì đáng tự hào mà phải khoe khoang, phô trương.
2/ Người đàn bà trong câu chuyện hôm nay là tấm gương cho chúng ta về vấn đề này. Đối với Chúa quả là bà ta chẳng là gì. Chúng ta hãy xem cách bà đối thoại với Chúa, chúng ta sẽ thấy điều đó:
Trước hết, chúng ta thấy bà là một người rất khiêm tốn: chịu nhận làm “chó con”
Thứ đến, bà có một đức tin kiên trì: dù bị khước từ ngay lúc đầu bằng những lời rất nặng nề nhưng bà vẫn không nản lòng. Lòng tin của bà không hề lay chuyển.
Và cuối cùng, bà có một lòng phó thác mạnh mẽ nơi Chúa: Chúa Giêsu bảo bà “Cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi”(Mc 7,29). Dù chưa thấy hiệu quả trước mắt, nhưng vì tin Lời Chúa nên bà ra về.
Trong cuộc đối thoại thú vị này, người phụ nữ đã dành được phần thắng: con gái của bà đã được khỏi bệnh, và Chúa Giêsu cũng được lợi: vì đã giúp được một người thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Đây quả là một cuộc đối thoại thành công mà bí quyết thuộc về cả hai phía: Người đàn bà thì khiêm tốn với ý chí và đức tin mạnh mẽ, không có một chút phô trương tự mãn nào nơi người bà, còn Chúa Giêsu thì hiền hòa, linh hoạt trong cách làm việc. Kết quả quá đẹp. Đẹp cả cho Chúa và đẹp cả cho người đàn bà.
Phần chúng ta không biết cho đến bao giờ chúng ta mới học được sự khiêm nhường của người đàn bà này và không biết đến bao giờ chúng ta mới học được sự hiền hòa như Chúa Giêsu trong câu chuyện chúng ta vừa được nghe.
Thánh nữ Syncletica nói: “Bảo tàng sẽ mất giá trị khi bị phơi bày, nhân đức khi phô trương cũng tan biến như vậy; sáp tan chảy lúc để gần lửa thế nào, thì linh hồn cũng bị hư hoại vì lời ca tụng và mất hết mọi thành quả lao nhọc của mình như vậy”.
Xem ra có vẻ rất khó nhưng nếu chúng ta biết cậy dựa vào ơn của Chúa tôi tưởng chúng ta có thể làm được.
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.
Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.
Xin làm cho chúng con biết trở nên giống Chúa mỗi ngày. Amen.

Suy niệm 4
Trong bài đọc I phụng vụ thuật lại cho ta việc tạo dựng nên người nữ. Rõ ràng là người nam và người nữ khác biệt nhau và sự khác nhau này có thể tạo nên một loạt những sắc thái tình cảm. Có thể gây ra một sự kích thích cần một ai đó khác với chính mình; cũng có cám dỗ khinh miệt điều khác với mình. Có những người nam bị cám dỗ ghét phụ nữ và những người nữ lại ghét người nam: bị cám dỗ đánh giá cao những phẩm chất của mình và làm giảm thiểu giá trị của đối phương. Là một cám dỗ rất sâu xa mà Kinh Thánh phản ứng trong bài trình thuật này, có mục đích chứng tỏ rằng người nam và người nữ nhằm bổ túc cho nhau, sự khác biệt giữa họ có ý nghĩa một ơn gọi cho tình yêu hiệp nhất.
Platon, một trong những triết gia vĩ đại thời xưa, là một môn đồ của thuyết luân hồi và ông giải thích rằng mỗi linh hồn mặc lấy thân xác và trong thân xác ấy phải sống tốt để có thể trở về trời. Giờ đây, các linh hồn trước tiên sống trong một thân xác nam nhân. Nếu trong thân xác đó người ta ăn ở như người nam, họ sẽ bị kết án để chuyển sang một thân xác người nữ; nếu họ tiếp tục ăn ở ác, thì họ sẽ kết thúc trong một thân xác con vật. Vào thời của Platon có sự khinh miệt đối với người nữ.
Bài trình thuật kinh thánh ngược lại muốn nhấn mạnh đến sự bình đẳng cơ bản và sự hiệp nhất giữa người nam và người nữ. Thiên Chúa tìm một sự trợ giúp cho người nam, nhận thấy rằng người nam cần sự tương trợ. Và người nam phải chấp nhận ý tưởng rằng mình chưa đầy đủ, cần có sự trợ giúp giống như mình. Và ở điểm này trình thuật kinh thánh lại nêu việc tạo dựng các thú vật. Tại sao vậy? Chính là để xác quyết rằng người nữ không phải là một con vật. Trong nhiều nền văn  minh, người nữ được xem như một con vật thồ, nhưng bài trình thuật kinh thánh chứng tỏ rằng các con vật hoàn toàn khác biệt với con người, ở một đẳng cấp khác và con người không thể tìm thấy nơi chúng một sự giúp đỡ cần thiết: ‘Con người đặt tên cho mọi súc vật (điều này cho thấy con người làm chủ chúng),  mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng’.
Và Thiên Chúa can thiệp để ban cho con  người sự trợ giúp cần thiết: ‘Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến con người’.  Đó là cách thức để nói lên sự hiệp nhất hiện sinh giữa người nam và người nữ. Và con người nhận ra sự hiệp nhất ấy khi reo lên: đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là ‘isha’ đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông.
Người nam nhận biết rằng người nữ là sự trợ giúp mà mình luôn luôn cần, và người nữ về phần mình cũng phải nhận rằng mình được dựng nên để giúp đỡ cho người nam.
Dĩ nhiên với Đức Kitô có cái gì đó thay đổi trong quan niệm về tương quan nam nữ. Thánh Phoalô viết rằng trong Đức Kitô không còn là nam là nữ, sự bình đẳng trở nên căn bản hơn nữa: không còn là do thái hay dân ngoại, không còn tự do hay nô lệ: tất cả đều là một trong Đức Kitô Giêsu. Ta cần ý thức về sự duy nhất này trong Đức Kitô, làm tương đối hóa mọi sự khác biệt. Một nơi khác thánh Phaolô cũng nói rằng không có đàn ông  mà không có đàn bà, cũng như không có đàn bà mà khôngcó đàn ông, trong Chúa. Người nữ không hiện hữu mà không có người nam; người nam sinh ra từ người nữ, và tất cả đều xuất phát từ Thiên Chúa.
Yêu một người hoàn toàn giống mình thì một cách nào đó ta vẫn còn bị đóng khung trong chính mình, tìm hình ảnh của chính mình nơi người khác, theo kiểu Narcisse cố tìm hình ảnh của mình trên mặt nước và chết đuối, trong khi đón nhận người khác với mình là đi ra khỏi mình, là làm một bước tiến trong tình yêu, luôn là một sự ra đi khỏi chính mình.
Như thế giữa người nam và người nữ có mối tương quan khác biệt, bổ túc cần thiết để làm cho nhau lớn lên trong tình yêu; ta biết rõ rằng sự khác biệt này là cách thế Thiên Chúa thực hiện để buộc chúng ta tiến triển trong tình yêu, đi ra khỏi chính mình để đón nhận người khác.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa luôn dành cho hết thảy mọi người. Chúa không thiên vị một ai. Chúa luôn sẵn lòng ban ơn cho những ai chạy đến với Chúa. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể chúc lành cho cuộc sống chúng con luôn bình an và tràn đầy hoan lạc.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Lời Chúa hôm nay cho chúng con thấy nét đẹp của việc đối thoại giữa Chúa và một người phụ nữ. Người phụ nữ luôn khiêm tốn và nhẫn nại trong đối thoại. Còn Chúa thì luôn hiền hoà và linh hoạt trong cách làm việc. Sự đối thoại chân thành đó đã mang lại hạnh phúc vô biên vì tìm được tiếng nói chung của sự cảm thông và nâng đỡ.
Ước gì loài người chúng con cũng biết đối thoại chân thành với nhau để thế giới được an bình và hạnh phúc. Ước gì mỗi người chúng con cũng biết đối thoại với nhau để hiểu biết nhu cầu của nhau, để nâng đỡ và chia sẻ với nhau. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể liên kết chúng con nên một trong Chúa, để cùng nhau xây dựng xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, xin xót thương những ai đang nặng gánh u sầu, đang lầm than thất vọng. Xin thương đến phận người đầy những khó khăn của chúng con. Amen.

 SUY NIỆM 5
Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một người mẹ. Vậy, trước hết chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho từng người chúng ta quà tặng tuyệt vời là mẹ của chúng ta, là tất cả các phụ nữ trong cuộc đời của chúng ta, và nhất là Đức Maria. Nhận ra người này là ơn huệ Thiên Chúa ban cho người kia, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn để sống yêu thương và hiệp nhất, ngay trong những lúc khó khăn nhất, thử thách nhất.
Chúng ta được mời gọi hình dung ra nỗi khổ của người mẹ được bài Tin Mừng hôm nay kể lại: bà là người Hi-lạp, gốc Phê-ni-xi, thuộc xứ Xy-ri, có đứa con gái bị quỉ ám; nhưng chắc chắn, không chỉ có người mẹ đau khổ, nhưng là cả nhà và những người thân quen. Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: trò chơi đủ loại, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, phương tiện hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, có rất nhiều cha mẹ đau khổ vì con cái, không phải vì bị ma quỉ ám, nhưng bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống….
Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay. Chúng ta, những người con, có bao giờ chúng ta thật sự đặt mình vào những những âu lo, những nỗi khổ của cha mẹ chúng ta chưa? Chúng ta, những người trẻ đang được huấn luyện, chúng ta có bao giờ cảm thông với những trăn trở và bận tâm của những người huấn luyện và những người các trách nhiệm chưa?
*  *  *
Trở lại với người mẹ đau khổ trong bài Tin Mừng, chúng ta chắc chắn rất ngạc nhiên, khi nghe lời đáp của Đức Giê-su, khi bà mẹ xin Ngài trừ quỉ cho con gái bà:
Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con. (c. 27) 
Thái độ của Đức Giê-su làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng lòng tin mạnh mẽ và khôn ngoan của bà mẹ cũng phải làm cho chúng ta ngạc nhiên:
§  Lòng tin mạnh mẽ, vì bà kiên trì kêu xin (x. Mt 15, 21-28).
§  Lòng tin khôn ngoan, vì bà dựa vào chính Lời Chúa để diễn tả lòng ước ao của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”! (c. 28)
Trong lời nói tuyệt vời khiến Đức Giê-su phải động lòng này, chúng ta còn nhận thấy thái độ khiêm tốn không ghen tị: bà tự nhận mình là thân phận dân ngoại và không ghen tị với dân được chọn là Israel.
Khiêm tốn không ghen tị, đó chính là tâm tình sâu xa mà Chúa chờ đợi và lời Ngài muốn khơi dậy nơi bà, nơi mọi người chúng ta, khi trong lịch sử cứu độ, Chúa ưu tiên đi vào tương quan với một dân tộc, với một số người được tuyển chọn, để qua đó bày tỏ cho chúng hiểu, thế nào là tình yêu Thiên Chúa. Bởi lẽ tình yêu chỉ có thể được diễn tả và được hiểu trong tương quan một-một. Và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, nên mọi người được mời gọi “khiêm tốn không ghen tị”, mở lòng ra để đón nhận cũng một tình yêu thương xót như thế, được ban cho từng người, vốn là “những người ngoại”, như người phụ nữ có lòng tin mạnh mẽ. Kế hoạch yêu thương như thế của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Ki-tô, nơi Người, không còn phân biệt Do Thái và dân ngoại, tự do và nô lệ, người nam và người nữ… Những gì Đức Giê-su thực hiện cho người mẹ đã loan báo sự hoàn tất này, sự hoàn tất mà chính Đức Giê-su sẽ thực hiện ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua.
*  *  *
Cuối cùng, vẫn còn một điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa: lòng tin của người mẹ cứu được người con. Đức tin của người này cứu được người kia; chính vì thế chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho người còn sống, cũng như cho người đã chết. Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta. Vì Chúa là tình yêu, Ngài cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa.
Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Na-in có đứa con nhỏ chết sớm : vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con ; đó là trường hợp những người khiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa : nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh ; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường ; và ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình đến với Đức Giê-su và tin vào Ngài của một mình ông Gia-kêu : « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này ». Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu.
Có thể nói, đây chính là một tin vui, là NIỀM VUI TIN MỪNG (Evangelii Gaudium). Và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người thân yêu đã qua đời. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng, ơn cứu độ đã đến cho gia đình và Gia Quyến của chúng ta, cho cả cộng đoàn, cho cả Hội Dòng. Và ơn cứu độ chính là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Suy nim 6:
Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ,
hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản.
Đức Giêsu đã bỏ đất Israel để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại.
Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do thái.
Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ nữ
sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.
Trong Tin Mừng Máccô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại.
Rõ ràng Đức Giêsu không có ý làm phép lạ trừ quỷ này,
Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu từ chối giúp bà ta, rồi lại đổi ý.
Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giêsu
trước nỗi đau của trái tim người mẹ có đứa con bị quỷ ám.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của Ngài không bao gồm dân ngoại.
Ngài chỉ được sai đến với dân Israel,
để rồi chính môn đệ Ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.
Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ.
Bà nài xin Ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà,
nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn thương.
Hãy để con cái ăn trước,
 vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 27).
Đức Giêsu ví dân Do thái với những đứa con trong nhà,
còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với những chó con.
Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước.
Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con.
Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giêsu có thể khép lại mọi hy vọng.
Nhưng đối với bà, chính câu này lại mở ra niềm hy vọng mới.
Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn
cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ” (c. 28).
Bà khiêm tốn nhận mình là chó con,
được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống,
nên thỉnh thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn.
Như thế những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình.
Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con.
Hôm nay bà chẳng xin Ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái,
Bà chỉ xin Ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.
Đức Giêsu hẳn hết sức bất ngờ với câu trả lời này,
vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan.
Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giêsu đổi ý.
Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29).
Phép lạ này rất “lạ” vì Đức Giêsu đã đuổi quỷ từ xa,
và Ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ.
Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.
Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ?
Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giêsu?
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề ;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

suy niệm 7

Bài Đọc I hôm này là một bài Giáo lý nền tảng cho Hôn nhân. Rằng Hôn nhân là do chính Thiên Chúa lập nên khi Ngài dẫn người đàn bà đến với người đàn ông. Rằng Hôn nhân là bền vững vì họ chung một thân xác, không thể tách rời. Rằng Hôn nhân là để yêu thương, phục vụ nhau, nâng đỡ nhau đi đến cuối con đường…
 
Tuy nhiên điều tôi để ý đến trong bài đọc I  là hình ảnh 2 con người đầu tiên đều trần truồng nhưng không xấu hổ. Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ không làm điều gì sai trái, nên tâm hồn họ vẫn còn hết sức phẳng lặng. Họ nhận ra thân xác của người khác là một món quà Thiên Chúa tặng ban, vì vậy họ tôn trọng và không có ý định chiếm đoạt thân xác của nhau để làm trò vui; hơn thế nữa, họ nhận ra nơi thân xác có một giá trị thiêng thánh. Vì vậy nơi họ không có một chút thẹn thùng, xấu hổ.
 
Qua bài đọc này mời gọi tôi phải biết tôn trọng phẩm giá con người qua việc phải tôn trọng chính bản thân mình. Lo cho con người mình được phát triển một cách trọn vẹn, nhất là về đàng nhân đức, để nơi bản thân tôi phải tỏa rạng ánh sáng của Chúa. Tránh mọi hình thức xúc phạm đến chính bản thân mình như để cho mình làm nô lệ cho nhiều thứ như tiền bạc, danh vọng và xác thịt.
 
Đồng thời cũng phải biết tôn trọng phẩm giá của người khác qua việc nhìn nhận họ có một giá trị riêng của họ, giá trị đó tôi không được xúc phạm. Tôi không bắt người khác phải làm những điều tôi muốn. Tôi không muốn người khác phải lệ thuộc. Và nhất là tôi không được xâm hại đến người khác khiến họ phải đau khổ.
 
Lạy Chúa, phẩm giá con người được Chúa tôn trọng một cách tuyệt đối. Vậy mà bản thân con lại rất nhiều khi đã xem thường phẩm giá người khác. Một cách đơn giản nhất là con vẫn còn nói hành, nói xấu người khác. Con không hài lòng khi thấy người khác hành động không giống với những suy nghĩ của con. Xin cho con có tình yêu thương để có thể tôn trọng chính bản thân mình và tôn trọng anh chị em con.
 
Từ khóa:

trả lời

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận