Giáo Xứ Gia An Chầu Lượt

Đăng lúc: Thứ hai - 05/12/2016 02:03 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
MỪNG NGÀY CHẦU LƯỢT CỦA GIÁO XỨ GIA AN 
 
Sáng Chúa nhật II Mùa vọng, Giáo xứ Gia an chầu Thánh Thể, theo phiên của mình. Cùng chia sẻ trong ngày Chầu Thánh Thể, còn có Giáo Xứ Võ xu, Giáo xứ Vũ Hòa. Cha Hạt trưởng chủ sự và kết thúc giờ chầu Thánh Thể, trong tâm tình mến yêu, và hân hoan chia vui cùng cộng đoàn.

hình ảnh

Tâm tình sám hối:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và truyền cho Giáo Hội cử hành luôn mãi, để qua dấu chỉ hữu hình bánh và rượu, Chúa hiện diện giữa chúng con một cách gần gũi và đưa dẫn chúng con đi vào sự hiểu biết về tình yêu của Chúa, vì chúng con thuộc về Chúa. Chúa chính là nguồn hạnh phúc đích thực của chúng con. Nơi Chúa, chúng con tìm thấy con đường đưa chúng con đến hạnh phúc viên mãn, vì Chúa là đối tượng và cùng đích của cuộc sống chúng con. Đến với Chúa, chúng con có đủ sức tiến bước trên con đường hạnh phúc, bình an  và bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa đã dọn sẵn để nuôi dưỡng và bổ sức cho chúng con. Nhờ có Chúa, chúng con biết hăng say thực thi ý Ngài trong mùa Vọng này.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây tất cả chúng con được diễm phúc có giờ chầu Thánh Thể này. Chúng con được gần Chúa trong những giây phút êm đềm, ấm áp, hạnh phúc đó chính là chúng con được chiêm ngắm Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng mỗi chúng con chưa thật sự xứng đáng với Thánh Thể của Chúa. Chúng con hiệp lòng sấp mình xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm mà chúng con đã phạm và uốn nắn lòng trí, đổi mới tâm hồn để chúng con biết phục vụ nhau và trao cho nhau những nụ cười trong tình yêu thương để đón Chúa đến. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta  hãy thành tâm sám hối.

*  Suy niệm Lời Chúa:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng con vừa nghe bài Tin Mừng của Thánh Matthêu nhắc đến ông Gioan Tẩy giả đi rao giảng. vị tiền hô của Đức Giê-su, ông có sứ mạng đến trước để dọn đường cho Đức Giê-su đến. “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và bạt mọi núi đồi…”. Phải thay lòng đổi dạ, biến đổi sa mạc tâm hồn thành miền đất thấm đẩm thiên ân, hủy bỏ những quanh co uốn khúc của sự gian tà.
            Vậy hiện tại chúng con đã làm được gì ? Phải chăng con đang lo lắng đủ mọi thứ cho ngày mai, quá bận tâm về cơm ăn, áo mặc ? Phải chăng con muốn có địa vị, nhiều tiền, con muốn có những gì cần thiết trong cuộc sống của con cũng như của những người thân yêu của con. Phải chăng con muốn có sự an toàn của người phú hộ: “ hãy nghỉ yên vì ngươi có nhiều của” (Lc.12, 13-21) ?
          Nhưng trong cuộc sống thường ngày, chúng con có lấp bằng những hố sâu ngăn cách, có bạt những núi đồi kiêu kỳ làm ngăn trở mình sống yêu thương như Thiên Chúa chưa ?. Mỗi người được mời gọi để nhìn lại chính mình, để thấy mình chưa sống như Thiên Chúa muốn, để thấy mình chưa yêu thương như Thiên Chúa mời gọi, để trở lại với Thiên Chúa là Đấng làm tất cả vì yêu thương.
         Mùa vọng đã về, mùa của khát mong đợi chờ, mùa ân tình yêu thương cứu rỗi. Toàn thể vũ trụ đang cùng chung một niềm khao khát, một niềm tin yêu cứu độ. Chúng ta cần phải cương quyết để lãnh nhận các ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta cần nhận ra thân phận nghèo hèn, trống rổng, bất lực của mình. Tự bản thân ta không thể làm gì được dù ta đã cất công ra sức chống chọi, vùng vẫy,… Nên chúng ta tha thiết khẩn nguyện: “ Trời cao hãy đổ sương xuống. Và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội.”. Đây chính là thái độ khiêm tốn, cúi đầu ăn năn vì những tháng ngày qua chúng con đã sống không đúng với người con của Chúa. Chúng con sống ít kỉ, ghen ghét nhau, hận thù, gian dối, .. Chúng con đã đóng kín lòng mình trước tình yêu, ơn tha thứ bao la của Chúa. Chúng con không cho Ngài làm chủ bản thân con để dẫn đưa cuộc đời con đi trong đồng cỏ xanh, nguồn suối mát.
       Gioan tiền hô mời gọi dân chúng sám hối để trở về, nhưng ông tự thú ông không phải là đấng Messia, mà chỉ là người phu quét đường, còn Đức Giêsu mới chính là con đường để chúng ta bước tới. Ông chỉ là tiếng kêu giữa sa mạc vọng lại lời, còn Đức Giêsu mới chính là ‘Lời’, là ngôi Lời đã trở thành xác phàm. Vì thế Gioan tóm kết sứ mạng của mình trong câu châm ngôn: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Có Đấng đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cúi xuống xách dép cho Ngài’. Sự khiêm tốn mà Gioan nêu gương chính là chìa khóa căn bản để chúng ta bày tỏ tâm thức sám hối, trở về với Chúa và với nhau. Khiêm tốn nhận ra những giới hạn và bất toàn nơi mình, chúng ta mới có thể quét sạch rác rưởi trong tâm hồn, dọn đường cho Chúa đến. Thánh Gioan đã nêu gương mẫu cho chúng ta về thái độ khiêm tốn căn bản này.
        Mong đợi Chúa không phải trong thái độ thụ động, khoanh tay đứng nhìn. Mà ngược lại, người tín hữu phải tích cực chung xây cuộc đời. Hãy bước vào miền Sa mạc, nơi linh thiêng và là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả đã chọn sa mạc để rao giảng và làm phép rửa. Những người đến cùng Gioan đủ mọi thành phần: dân thành Giê-ru-sa-lem, dân miền ven sông Gio-đan. Thậm chí ngay cả những người chống đối Chúa, như nhóm Sa-đốc và Pha-ri-siêu. Gioan loan báo Nước trời đã gấn đến, mọi người hãy sám hối tội lỗi để thoát khỏi chốn lầm than.    
   Con đường mà Gioan nói tới đây chính là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, ta thường sửa sang nhà cửa, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với chúng ta. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên ta cần phải dọn tâm hồn xứng đáng như: con đường cho Chúa đi qua, căn nhà cho Chúa ngự tới.
            Chúng con ước mong Ngài dẫn lối và chiếm lấy trọn vẹn cuộc đời con, để con bước ra khỏi cái “ tôi” của mình để biết hoán cải, biết sám hối, biết tha thứ, biết trở về với Chúa là hạnh phúc đích thực, là lẻ sống của đời con. Để chúng con biết đem Lời Chúa chia sẻ với anh chị em của chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết làm đúng với khả năng, bổn phận và trách nhiệm của mình là: Người cha đảm đang và gương mẫu ; Người mẹ diệu hiền và đức hạnh; Người Legio hy sinh và phục vụ, … có như thế chúng con trở thành những hạt giống tốt, những ngọn nến sáng trong đêm tối.
 
*   Suy niệm về  Bí tích Thánh Thể:
 
           Chúa Giêsu phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh nầy sẽ được sống đời đời". Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu hoá mình nên như cơm bánh, chịu nghiền tán, chịu tiêu hao đi cho nhân loại được sống còn.
           Chúa Giêsu hoá mình nên cơm bánh cho nhân loại khi Ngài gieo mình xuống thế, sống kiếp người thấp hèn để đồng hành với chúng ta. Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho nhân loại khi Ngài chịu đau thương mất mát, chịu tiêu hao, chịu nghiền tán... cho chúng ta được hạnh phúc. Ngài hạ mình xuống làm người phàm để cho chúng ta được tôn lên làm con Thiên Chúa; Ngài cam chịu vô vàn sỉ nhục cho chúng ta được vinh quang; Ngài phải mang đầy thương tích cho chúng ta được chữa lành; Ngài phải chết đi trong đau thương cho chúng ta được sống lại trong vinh hiển;
        Việc cử hành thánh lễ là hiện tái hóa hy tế thập giá năm xưa của Chúa Kitô trên thập giá. Máu Thánh Chúa được tiếp tục đổ ra cho nhiều người được tha tội, được ơn cứư độ. Hy tế thập giá của Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn tiếp tục tái diễn để giao hòa thế gian với Thiên Chúa. Nhìn vào thế giới hôm nay, người ta thấy tội lỗi mỗi ngày một gia tăng, sự dữ ngày càng ngập tràn. Tại sao Thiên Chúa không trút cơn thịnh nộ xuống trên địa cầu? Thưa, bởi vì hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, Con Chiên Thiên Chúa tế lễ trên bàn thờ, xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha.
            Thế nhưng, hôm nay nhiều người vẫn xem nhẹ thánh lễ. Họ đi lễ nhưng thiếu tấm lòng đón nhận ơn cứu độ, ơn tha thứ của Chúa. Đi lễ cho qua lần chiếu lượt. Đi lễ vì luật buộc. Vì người khác đi mình cũng được. Có mấy ai ý thức giá trị của hiến tế thập giá. Có mấy ai hiểu được hy tế thập giá cần phải được cử hành mỗi ngày để xin ơn tha tội và để Con Thiên Chúa lại tiếp tục đổ máu mình ra để giao hòa với Chúa Cha. Nên khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
                     Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ. Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao? Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?
         Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa nghèo nàn này, nó thuộc về Chúa. Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá Chúa gởi tới. Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, và xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền dâng lên trước tôn nhan Chúa.
          Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa làm tất cả vì yêu. Con người được mời gọi để trở nên giống Thiên Chúa, được mời gọi để chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa. Chính khi con người nên giống Thiên Chúa, thì con người được hạnh phúc. Con người được mời gọi để sống yêu thương như Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Chính khi con người sống yêu thương, thì con người được hạnh phúc. Cho thì hạnh phúc hơn là nhận. Con người hạnh phúc khi phục vụ và giúp người khác triển nở.
          Phải chăng tôi lo lắng mọi sự và không biết rằng Thiên Chúa yêu tôi, Ngài sẽ cho tôi những thứ tôi thật sự cần (Mt.6, 25-34)? Nhưng Chúa vẫn hằng yêu thương ta Ngài luôn sẵn sàng đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Vậy mà có lúc nào chúng ta nhớ đến Chúa không ? Có ưu tiên mọi thứ cho Chúa chưa ? Cho nên trong cõi lòng ta phải có sự lắng nghe như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Tâm hồn Mẹ bình an nên Mẹ nghe rõ tiếng Chúa và Mẹ đã mau mắn đáp lời “Xin vâng” theo ý của Thiên Chúa.
Chúng ta có hạnh phúc khi con người sống yêu thương, biết cho đi và phục vụ người khác. Dọn đường Chúa đến với ta không gì khác hơn là dọn đường cho anh chị em chung quanh có thể đến được với nhau. Xoá bỏ đi những ngăn cách do chúng ta dựng lên giữa mình với tha nhân mà chúng ta giáp mặt hằng ngày. Chỉ khi nào giữa chúng ta và mọi người chung quanh không còn phân li ngăn cách, ấy mới là lúc đường sá đã dọn xong và Chúa mới có thể đến được với mình. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con đây biết hoán cải, biết lấp bằng những hố sâu ngăn cách,  bạt những núi đồi kiêu ngạo, canh tân đời sống trở về với Chúa, tham dự thánh lễ, vào các hội đoàn mỗi ngày một nhiều hơn, thiết thực hơn.

Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Nhưng “đường lòng” của chúng con có đủ thứ cỏ dại, khúc khuỷu và gồ ghề. kiêu căng, ích kỷ, gian dối, lọc lừa, tự ái,…Bổn phận của chúng ta là dọn sạch và làm đẹp “đường lòng” của chính mình, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Nhưng chúng ta cũng có trách nhiệm “thông báo” cho bạn bè biết để bạn cũng dọn “đường lòng”.

Sống theo Chúa quả thật là khó khăn nhưng nếu chúng ta biết để Chúa hướng dẫn, làm chủ cuộc sống mình thì mọi sự sẽ trở nên dễ dàng, êm ái. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan, sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người Amen.

Anna Tôn Thị Ngọc Linh
 
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận