Thánh lễ giỗ 100 ngày Đức Ông GB.Lê Xuân Hoa.

Đăng lúc: Thứ hai - 30/10/2017 02:13 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

LỄ GIỖ 100 NGÀY ĐỨC ÔNG GB.LÊ XUÂN HOA

                             19/7/2017-29/10/2017

 

Sáng Chúa Nhật, lúc 9 giờ 00 ngày 29 tháng 10 năm 2017, tại ngôi Thánh Đường thân thương giáo xứ Hiệp Đức đã tổ chức Thánh lễ giỗ 100 ngày (19/07/2017-29/10/2017)  của Đức Ông GB.Lê Xuân Hoa.

 

hình ảnh

 

 Hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay, với sự chủ tế của Cha FX. Đinh Tiên Đường (là nghĩa tử của Đức ông)  với  21 linh mục trong và ngoài giáo phận đồng tế. Thành phần dân Chúa gồm có: Quý sơ, bà con thân bằng quyến thuộc, linh tông huyết tộc, bà con giáo xứ Hiệp Đức cùng hiệp thông thánh lễ cầu nguyên.

Trong bài giảng lễ, cha FX đã vắn tắt một vài ý nghĩa về cuộc sống đạo đức của Đức ông lúc còn tại thế:

     Kính thưa cộng đoàn,

Hôm nay,nhân ngày Lễ giỗ 100 ngày cầu nguyện cho linh hồn Đức ông GB. Chúng ta hiệp ý với Đức ông, gia đình huyết tộc, linh tông, bạn bè và học trò của Đức ông. Tạ ơn Chúa đã ban cho Đức ông 91 năm làm con Chúa, và 58 năm làm linh mục của Chúa, với muôn vàn ân huệ hồn xác Chúa đã thương ban,đặc biệt là sự sống đời dời mà Đức ông đang sống.

     Khi Đức ông còn sống giữa chúng ta, chúng ta đã có nhiều dịp gặp gỡ, nói chuyện thân mật với Đức ông,lần nào cũng được Đức ông dạy dỗ, khuyên bảo: Hãy cầu nguyện, hãy siêng năng lần hạt Mân Côi, rồi trước khi ra về, chúng ta đã đứng lên, cùng với Đức ông, hương về bàn thờ, đọc một kinh lạy cha, một kinh kính mừng, một kinh sáng danh.

     Qua đó, chúng ta đã nhận ra Đức ông quả là một người cha hiền lành, khiêm tốn và đạo đức, một linh mục thánh thiện tuyệt vời, một người anh em thân thương của mọi người. Đồng thời gương sáng của ngài luôn chiếu sáng cuộc đời làm người, làm con Chúa của chúng ta.

     Những giáo xứ đã được diễm phúc đón nhân Đức ông làm cha chánh xứ, như Vinh Hưng, Vinh Thủy, đặc biệt là Thanh Xuân đều kính trọng và quý mến Đức ông như một người cha hiền hòa khả ái, một mục tử nhân lành, luôn yêu thương, chăm sóc, trân tụy, hy sinh cho đoàn chiên. Người già, người trẻ, người khỏe mạnh, người đau yếu, tàn tật, neo đơn đều được thương yêu, chăm sóc, không ai bị bỏ rơi. Có lẽ, chúng ta chưa bao giờ nghe ai than phiền, chê trách Đức ông về bất cứ điều gì, chỉ nghe khen ngợi Đức ông tốt lành, thánh thiện, đạo đức…

Kính thưa cộng đoàn,

     Một điều mà tất cả chúng ta đều biết. Đó là, Đức ông vừa là một linh mục công giáo với nhiều chức vị trong giáo hội như Hạt trưởng hạt Hàm Tân,đại diện Đức giám mục hạt Hàm Tân, Tổng đại diện giáo phân Phan Thiết, vừa là một thi sĩ, một nhà thơ công giáo nổi tiếng, đã để lại cho hậu thế một di sản văn học nghệ thuật đạo đời quý giá, với 26 tập thơ, trong đó có 2 tuyển thơ, nhiều dịch phẩm thánh vịnh, lịch sử dân Thánh Chúa, Nữ vương trên trời, thơ Pháp, thơ Đường, hàng ngàn bài thơ, trong đó, nhiều bài đã được phổ nhạc. Đức ông đã bắt đầu làm thơ lúc 14 tuổi. Nhiều vị chủ chăn trong Giáo hội, trong đó có cố hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận, nhiều linh mục học giả, trí thức như cố Lm. Bửu Dưỡng, cố Lm. Nguyễn Hồng Giáo…nhiều nhà trí thức,nhà thơ công giáo như nhà nghiên cứu văn học Phạm Việt Tuyền, Phạm Đình Khiêm,Võ Lông Tê, Bùi Hữu Thư, Bàng Bá Lân…đã bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ con người và lời thơ cũa Đức ông, với những nhận định khách quan như sau:” Lời thơ của Xuân Ly Băng thấm đượm tinh thần cầu nguyện.”

Là một con người giàu lòng bác ái, dạt dào tình yêu, lời thơ đã ngân lên

Những giai điệu kỳ diệu, có tác dụng đem lại hương vị cho người đọc, Như men muối của cuộc đời-

     Đặc biệt là ba vị cha chung của giáo phận Phan Thiết, cố Đức cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, cố Đức cha Phaolo Nguyễn Thanh Hoan và cố Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, đã từng sống gần gũi, thân mật với Đức ông, đều đã hết lời ca ngợi và tán thưởng con người, cuộc sống và lời thơ của Đức ông.

   Cố Đức cha Nicola đã viết: Bài ca thương khó của Đức ông Lê Xuân Hoa, bút hiệu Xuân Ly Băng, là một trong những tình sử của Thiên Chúa. Cố Đức cha Phaolo lại gọi Đức ông là nhà thơ Đạo, nhà thơ công giáo và trước mặt mọi người trong đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng, ngài đã khẳng định rằng:” Thơ Xuân Ly Băng là tình Đạo, là lời kinh, là con tim nồng cháy tình yêu đối với cuộc sống…Xuân Ly Băng thương đời, thương người già, người trẻ, yêu quê hương, yêu lịch sử dân tộc qua bao thế hệ.”

    -Riêng cố Đức Cha Giuse, cũng là một nhạc sĩ, cũng biết làm thơ, đã bày tỏ một sự kính nể cao độ đối với Đức ông, khi ngài thốt lên:”Khi đọc được những kiểu diễn tả biền ngẫu, giàu hình ảnh, giàu âm điệu và được nhân cách hóa như trong Bài Ca Thương Khó, thú thật tôi cứ ngẩn người ra cảm phục, diễn tả hay đến thế là cùng. Và một lần nọ,

Trong lời giới thiệu,ngài tấm tắc tán dương Đức ông,ngài nói:”Với tôi

Xuân Ly Băng quả là mùa xuân trên núi Ly Băng, vừa mượt mà tươi xanh, vừa nhẹ nhàng trìu mến. Mùa xuân ấy, một mùa xuân mầu nhiệm,

Rất diệu huyền và rất đỗi anh hoa”.

   Qua những tấm lòng ưu ái, qua những tình cảm chân tình, những ngôn từ tuyệt đẹp mà quý Đức Cha, những học giả, những nhà trí thức, nhà thơ đã dành cho Đức ông, chúng ta có thể cảm thấy đôi chút thắc mắc. Tại sao Đức ông là một linh mục của Chúa, đã dâng hiến đời mình cho Chúa, đã hoàn toàn thuộc về Chúa và các linh hồn, lại có thể trở thành một thi sĩ, một nhà thơ nổi tiếng? Chính cố Đức Cha Giuse cũng  đã đặt câu hỏi như thế.Tại sao một linh mục lại có thể chung phận với một thi nhân? Tại sao việc thiêng liêng và mục vụ bề bộn lại còn dành ra giờ để đong đưa với thơ phú? Tại sao tuổi đời đã trọng, lại thêm đau yếu mà vẫn giữ bền nhịp rung cảm của độ thanh xuân? Thật là một huyền nhiệm. Đúng thế, thi sĩ có nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây (Xuân Diệu). 
Người ta thường coi thi sĩ là người lôi thôi, lếch thếch, chẳng có gì là kỷ luật (Đức ông LXH.)…Làm sao dung hòa được với một linh mục thánh thiện, mẫu mực, đức độ? Chính Đức ông cũng công nhận điều đó, khi ngài thú nhân rằng:”Thành thực mà nói thì rất khó dung hòa, bởi vì hai ý niệm linh mục và thi sĩ không đi đôi với nhau. Tuy nhiên, ngài phải ưu tiên số một cho chức vụ linh mục.”

Chấp nhận thiệt thòi, hy sinh cảm hứng , nghệ thuật để chu toàn sứ vụ linh mục.

     Kính thưa quý Ông bà, và ACE,

Tuy vai trò thi sĩ,nghệ thuật chỉ là thứ yếu đối với một linh mục,

Nhưng Đức ông vẫn trở thành một nhà thơ công giáo nổi tiếng, chắc chắn có ơn Chúa, nhưng nỗ lực, cố gắng của ngài cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công này . Trước hết, ngài đã có một đời sống nội tâm sâu sắc và phong phú qua đời sống cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu như cành với cây. Tâm trí và con tim của ngài vừa ngụp lặn trong tình yêu Chúa vừa suy tư, cảm hứng nghệ thuật, nên lời thơ của ngài là lời tình Đạo, lời tình yêu, lời cầu nguyện,

Làm nên điều kỳ diệu như Cố Đức cha Giuse đã ca tụng. Đó cũng là hoa quả của một niềm tin sống động và bén nhạy: Nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi mọi tạo vật,như niềm tin của thánh PhanxicoAss,  thánh

Têrêxa HĐGS, Thánh Augustino. Đức ông đã chia sẻ:”Tôi cảm nhận sự hiện diện sâu sắc của Chúa nơi thiên nhiên, mà trong thơ thiên nhiên rất hệ trọng. Một ánh trăng, một tiếng gió lọt vào khe cửa, tiếng chim kêu, bông hoa nở v.v…Trong tất cả tôi đều khám phá thấy Chúa. Và cùng với niềm tin, Đức ông luôn thể hiện một tình yêu nồng nàn, đầy tràn sức sống. Đức ông đã tâm sự rằng:”Theo kinh nghiệm bản thân, tôi phải yêu mến Chúa thật nhiều, yêu mến Tin Mừng thật nhiều, bản thân tôi có thuộc lòng Lời Chúa nhiều đoạn, cách riêng là Tin Mừng Thánh Gioan. Say sưa yêu Chúa, yêu Lời Chúa, yêu mến Đức Mẹ, yêu những gì thuộc về Chúa. Như cái ly đầy rồi, không rót thư khác vào được. Khi mình say đắm Chúa thì cũng trở nên nhạy cảm, hễ sai sót chút gì là mình sẽ không chịu được, sẽ đẩy nó ra ngay…Phần tôi, từ nhỏ đã dâng hiến cuộc đời cho Chúa. Tôi muốn diễn tả trái tim tôi như một cái ly đã chứa đầy rượu của Thiên Chúa thì không còn chỗ để rót rượu dở vào nữa.”

Cuối cùng,như một lời nhắn nhủ của người sắp chết đối với chúng ta, Đức ông dặn dò:”Cần nhất là sống đàng hoàng, hữu xã tự nhiên hương. Đừng tham lam, đừng mê tiền, đừng xa hoa, đừng để sa lầy vào vấn đề tình cảm. Ngược lại, cần biết yêu thương mọi người. Lịch sự và khiêm nhường, nhưng thẳng thắn. Lại phải có một học thức vững vàng cho người ta nể trọng…Biết nhiều mà nói ít thì người nghe sẽ nể hơn. Đừng ba hoa. Đừng bao giờ tự phụ,nhưng hãy khiêm tốn. Đối với kẻ trên phải biết kính trọng. Đối với người dưới phải biết yêu Thương. Đối với anh em phải đề huề thân ái…

     Đó là vài nét về con người,cuộc đời và tác phẩm của Đức ông GB. Lê Xuân Hoa, người cha thân yêu đã rời xa chúng ta, nhưng vẫn rất gần với chúng ta, vì ngài vẫn sống trong tình yêu, trong con tim của chúng ta. Trong niềm thương nhớ và trong tâm tình quý mến, tri ân, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho ngài mau hưởng trọn niềm vui vĩnh cửu bên Chúa, Amen.    

 

BTT. Hiệp Đức

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận