Thứ năm sau lễ hiển linh.

Đăng lúc: Thứ năm - 08/01/2015 03:13 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH.

"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này".
 
LỜI CHÚA: Lc 4, 14-22a
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: "Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa". Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe". Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.
 

Suy Niệm 1: Chúa Giêsu viếng Nazaret.

Tuy chỉ diễn ra ở Hội đường Nazaret, nhưng việc Chúa Giêsu xuất hiện lần này nêu bật tư cách và sứ mệnh Mêsia của Ngài. Đồng thời tạo ra một khúc ngoặt trong lịch sự cứu rỗi, vì nó đánh dấu thời điểm mọi lời tiên báo của Cựu ước được thành tựu.
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh tai các ngươi vừa nghe”. Biết bao thế hệ Cựu ước đã nôn nao chờ đợi hai tiếng “hôm nay” ấy. Đây là giờ phút vui mừng tột độ đối với những ai thật lòng chờ đó ngày Yavê. Dĩ nhiên, thời cứu rỗi sẽ ngày càng tốt đẹp do những can thiệp  sẽ đến của Thiên Chúa, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc ở giây phút này, giây phút Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng mà tất cả Cựu ước đều hướng về.
Đây thật là một cuộc “hiển linh”, nhưng khác với ngờ tưởng của con người, vì là cuộc tỏ mình một cách êm ả, trong khung cảnh phụng vụ quen thuộc: Ngài đến hội đường ngày hưu lễ, cầu nguyện chung với mọi người, nghe đọc và nghe giải thích lời Chúa. Đấng Mêsia gặp gỡ Thiên Chúa, tìm hiểu, lắng nghe và nhận ra thánh ý Thiên Chúa nơi cơ chế phụng tự quen thuộc và nơi Kinh thánh, và rồi Ngài cũng sẽ thực hiện chương trình cứu rỗi bằng chính đời sống lao nhọc vì tha nhân, bằng chính thái độ tận tình đối với tha nhân, để “kẻ nghèo được nghe Tin mừng, người sầu khổ được chữa lành, kẻ bị giam cầm được giải thoát…”.
Chớ gì mỗi khi họp nhau nghe Lời Chúa chúng ta cũng nhận ra được thánh ý cứu độ của Ngài để rồi cùng với Chúa Kitô chúng ta thực hiện thánh ý ấy trong cuộc sống. Điều đó đòi hỏi nơi chúng ta một tấm lòng rộng mở và biết lắng nghe, một con tim quảng đại biết quên mình để dấn thân phục vụ

Suy niệm 2:

1. Đầy quyền năng Thần Khí 
Khi ấy Đức Giê-su được đầy quyền năng Thần Khí (c. 14). “Khi ấy” là khi Ngài vượt qua những đợt cám dỗ của ma quỉ, sau bốn mươi ngày ăn chay cầu nguyện trong sa mạc. Chúng ta có thể gọi là “thử thách”, thay vì “cám dỗ”, vì liên quan đến lòng tin nơi Thiên Chúa, thay vì là vấn đề luân lí hay giới tính. Thực vậy, lời sau cùng Ngài nói với ma quỉ, là lời liên quan đến lòng tin: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi” (c. 12). Trong trường hợp này, “thử thách” mang ý nghĩa “không tin”; không tin, nên thử cho biết…
Chúng ta cũng được mời gọi vượt qua những thử thách liên quan đến lòng tin, vượt qua thái độ quên ơn, vốn dẫn đến việc nghi ngờ Thiên Chúa và làm phát sinh lòng ham muốn và thái độ ghen tị. Như thánh Gioan nói trong bài đọc thứ nhất của Thánh Lễ hôm nay: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 4, 4). Và chính khi ấy, cũng như Đức Giê-su, chúng ta sẽ được tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa.
2. Lời của Đức Giê-su
Và chỉ khi Ngài tràn đầy Thần Khí, Đức Giê-su mới bắt đầu giảng dạy và được mọi người tôn vinh. Chúng ta hãy ngạc nhiên về điều này: Đức Giê-su vẫn chưa làm phép lạ nào, chưa làm điều gì lạ thường, Ngài mới chỉ nói thôi; và lời của Ngài đánh động người nghe đến độ ngài được mọi người tôn vinh:
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (c. 22)
Ước gì chúng ta cũng biết tôn vinh và ca tụng Chúa, khi lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện. Và nhất là, từ rày về sau, chúng ta không thể sống, nếu không, có thể nói, “ăn” lời của Ngài. Bởi vì, sự sống của chúng ta không chỉ cần của ăn và các phương tiện đáp ứng nhu cầu, nhưng còn cần lời nói nữa, lời nói yêu thương, soi sáng, tha thứ, đón nhận, cảm thông, bao dung. Thiếu những lời này, chúng ta không thể sống được. Và Lời Chúa là những lời như thế và làm cho chúng ta nói được với nhau những lời như thế.
3. Kinh Thánh được hoàn tất
Nhưng Đức Giê-su giảng dạy điều gì? Cả bốn Tin Mừng sẽ kể lại cho chúng ta những lời ân sủng của Chúa. Nhưng, Tin Mừng theo thánh Luca kể lại một trong những lời giảng của Chúa, và đó là một lời giảng vô cùng đơn giản: Ngài mở Sách Thánh, đọc một đoạn; sau đó cuộn lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống; cuối cùng Ngài nói:
Hôm nay đã ứng nghiệm
lời Kinh Thánh tai quí vị vừa nghe.
Xin cho chúng ta hiểu được phần nào tầm mức của biến cố trọng đại này. Lời ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (c. 18-19), được thực hiện nơi những gì Đức Giê-su nói và làm, và một cách viên mãn nơi mầu nhiệm Vượt Qua.
Thực vậy, ý định muốn giết Đức Giê-su và Ngài “vượt qua” giữa họ mà đi (c. 28-30) mời gọi chúng ta hiểu biến cố hạn hẹp ở Nazareth ở mức độ mầu nhiệm Vượt Qua. Vì thế, lời ngôn sứ được ứng nghiệm hướng tới và phải được hiểu ở mức độ toàn bộ Kinh Thánh: toàn bộ Kinh Thánh loan báo Đức Ki-tô Vượt Qua và Đức Ki-tô Vượt Qua hoàn tất toàn bộ Kinh Thánh (x. Lc 24, 44).
Và bởi vì Kinh Thánh kể lại lịch sử của những con người cụ thể giống như mỗi người chúng ta, đầy những thăng trầm, lầm lỗi và bị Sự Dữ chi phối, cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng “loan báo” hay đúng hơn “phác họa” chân dung Đức Ki-tô và Đức Ki-tô cũng đã “mang lấy” và làm cho “hoàn tất” cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy” cho hai môn đệ Emmau (Lc 24, 22) và cho chúng ta hôm nay.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 
Suy niệm 3

Đọc xong bài Tin Mừng hôm nay dường như có gì đó thiếu thiếu thì phải. Chúa Giêsu trở về Nadarét, vào hội đường, đọc Sách Thánh, đọc xong Ngài chỉ nói một câu: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Ấy vậy mà mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp của Ngài. Cái thiếu thiếu mà tôi nói nằm ở chỗ này, Chúa Giêsu có nói gì nhiều đâu mà tán thành và thán phục?
Điều làm cho nhiều người tán thành và thán phục đó chính là nhìn thấy phong thái uy nghi của Chúa Giêsu. Người ta nhìn thấy nơi Ngài có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm; giữa những gì Ngài rao giảng và những gì Ngài thực hiện.
Có rất nhiều lý do làm cho đạo Công Giáo của chúng ta chưa hấp dẫn được người khác. Và một trong những lý do theo như một số người nhận định đó chính là người Công Giáo nói và làm khác nhau. Có người nhận xét cách đau đớn rằng: "Lý thuyết của đạo Công Giáo thì không ai bằng, nhưng thực hành thì không bằng ai". Có thể đây là nhận xét hơi quá, nhưng cũng là điều để nhắc nhở chúng ta phải tự suy xét lại mình mỗi ngày.
Các cha đi du học bên Tây về thường chia sẻ thế này: Ở bên Tây có rất nhiều người Công giáo chỉ đến nhà thờ 3 lần trong đời: lần thứ nhất là ngày được rửa tội, lần thứ 2 là ngày lễ hôn phối, và lần thứ 3 là ngày lễ an táng; trong 3 lần đó thì có tới 2 lần là phải nhờ người khác đưa đến, đó là ngày rửa  tội – cha mẹ bồng trên tay đưa đến nhà thờ; và ngày lễ an táng – người thân đến nhà thờ đưa tiễn họ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Điều mà các cha muốn chia sẻ đó là tình trạng suy giảm về đời sống đức tin của những người Công giáo bên các nước phương Tây. Dường như tình trạng đó cũng đã bắt đầu xuất hiện tại đất nước chúng ta, tại giáo phận chúng ta, và gần hơn hết là tại giáo xứ của chúng ta.
Có thể phân biệt ra 3 loại người Công giáo: loại người thứ nhất là người CÓ ĐẠO; loại người thứ 2 là người GIỮ ĐẠO; và loại người thứ 3 là người SỐNG ĐẠO.
CÓ ĐẠO thì nhiều lắm, những người mà các cha đi du học bên Tây về chia sẻ là những người CÓ ĐẠO; GIỮ ĐẠO thì ít hơn. GIỮ ĐẠO chính là có đi xem lễ, giữ lễ Chúa Nhật, về nhà sáng tối đọc kinh, cầu nguyện; hằng tuần, hàng tháng đi xưng tội, rước lễ.v.v.. tức là chúng ta GIỮ tất cả những gì đạo dạy, GIỮ những lề luật, GIỮ những nghi lễ trong đạo. Nhưng đó cũng chưa phải là điều Chúa và Giáo Hội mong muốn. Vậy điều mà Chúa và Giáo Hội mong muốn nơi người Kitô hữu đó chính là SỐNG ĐẠO. SỐNG ĐẠO không chỉ là giữ, mà còn thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy một cách cụ thể.
Thiên Chúa không theo chủ nghĩa lý lịch. Trước cửa Thiên đàng, Ngài không hỏi mọi người: Có chịu phép rửa tội, có theo Kitô giáo, có phải là người Công giáo hay không? Có phải là Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Hồng y hay Giáo Hoàng? Điều Ngài đặc biệt quan tâm và xét hỏi, đó là đã có làm và sống như Chúa Giêsu đã làm, đã sống, đã dạy hay không?
 
Lạy Chúa, chúng con là những người CÓ ĐẠO, GIỮ ĐẠO; nhưng SỐNG ĐẠO thì dường như còn mơ hồ lắm. Chúng con cầu xin Chúa ban ơn trợ lực, giúp cho chúng con vượt thắng được những cám dỗ, những đam mê xấu mà ma quỷ luôn tìm mọi cách để làm xa Chúa. Xin cho chúng con nỗ lực sống mỗi ngày để không chỉ là người CÓ ĐẠO, GIỮ ĐẠO, mà còn là người SỐNG ĐẠO nữa. Amen!
 
Suy niệm 4

Đoạn trích Isaia được đọc lên ở Hội đường Nadaret hôm ấy diễn tả sứ vụ của vị ngôn sứ này. Nhưng dường như những lời ấy còn muốn hướng tới sứ vụ của Đấng Cứu Thế để những lời này được thực hiện cách trọn hảo. Quả thật, khi trích đoạn này được xướng lên, Chúa Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe. Như vậy, Chúa tự tỏ mình là Đấng Thiên Sai. Không biết những người đồng hương của Chúa hôm ấy có hiểu hết ý nghĩa của lời tuyên bố kia không? Nếu hiểu được, chắc chắn họ sẽ vô cùng sửng sốt và khiếp sợ. Qua mỗi câu chuyện, trong những hoàn cảnh khác nhau, Chúa Giêsu dần dần mặc khải mình là Đấng Cứu Thế. Vì thế tuần này là lễ Hiển Linh kéo dài.
Nếu Chúa Giêsu đã tỏ mình ra và chúng ta đã tin Người là Đấng Cứu Thế, thì chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho lời Chúa, hôm nay được ứng nghiệm nơi mình cũng như nơi anh chị em xung quanh.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông
 
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận