Ngày 27 tháng 12, Thánh Gioan (tông đồ, thánh sử)

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/12/2014 02:28 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Ngày 27 tháng 12, Tuần bát nhật lễ Giáng Sinh - Thánh Gioan (tông đồ, thánh sử)
 

LỜI CHÚA: Ga 20, 2-8
Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: "Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu".
Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.
Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.

 
Suy Niệm 1: Lễ Kính Thánh Gioan Tông Ðồ
Thông thường người ta đi chứ không chạy, người ta chỉ chạy khi có một xúc động mạnh thúc đẩy. Có nhiền nguyên nhân gây nên xúc động: Có thể xúc động vì sợ hãi, kẻ thù đang đuổi bắt sau lưng thì chẳng ai mà lại không chạy, hay tai họa sắp giáng xuống thì không cần bảo người ta cũng tìm đường thoát thân. Xúc động còn do một sự lôi cuốn thôi thúc như đang rảo bước nhưng bất chợt có điều lạ xảy ra trước mặt thì các bước chân đều rầm rập chạy tới cho kịp để xem điều lạ ấy. Và xúc động hơn là khi nghe tin người thân yêu đang gặp tai nạn hay nguy hiểm, nếu ở xa thì bằng mọi giá phải quay về cho kịp thời, nếu ở gần thì tức tốc chạy đến nơi.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng nói về hai cuộc chạy đua của hai Tông Ðồ Gioan và Phêrô. Tại sao họ lại chạy mà không đi? Ðiều gì đã buộc họ chạy như thế? Các Tông Ðồ khi đến mồ thấy mất xác Chúa Giêsu, bà Maria Madalena đã chạy đi báo tin cho các môn đệ. Nhận được tin này, Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mồ, cả hai đều chạy, nhưng Gioan chạy đến trước. Hẳn là vì sức thanh niên trai tráng mà Gioan có thể chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, không đơn thuần như thế nhưng còn có một động lực khác buộc ông phải chạy nhanh, đó là vì lòng yêu mến. Ðể được nhìn thấy Thầy đã sống lại, tất cả các môn đệ đều nao nức bàng hoàng, nhưng sự bàng hoàng mang nhiều cường độ sắc thái khác nhau, và dù sao đi nữa người được gọi là môn đệ yêu dấu thì sự bàng hoàng phải lên đến tột độ. Sự bàng hoàng đã làm ông quên mất người bên cạnh, chỉ khi đến mồ ông mới sực nhớ ra và ông đã nhường bước cho Phêrô.
Anh chị em thân mến!
Chỉ một thoáng diễn tả của đoạn Tin Mừng trên, chúng ta cũng thấy được lòng mến của Thánh Gioan Tông Ðồ đối với Chúa Giêsu như thế nào. Tin Mừng không nói lý do tại sao có sự mến yêu đặc biệt này mà chỉ thuật lại diễn tiến.
Từ bước đầu, Gioan cũng được kêu gọi như bao nhiêu người khác, đang vá lưới cùng với anh và cha là Giêbêđê thì hai anh em được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người. Hai người đã từ giã cha mà đi theo Ngài. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng là kẻ nóng nảy và được biệt danh là con của "sấm sét" được gán cho hai anh em khi hai người xin lửa bởi trời thiêu đốt dân thành Samaria, vì họ không chịu tiếp đón Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã quở trách hai ông và có lẽ nhờ vào lời quở trách này mà Gioan biết nhìn vào Chúa Giêsu hơn, vì Ngài là Ðấng đến để cứu chữa chứ không phải để trừng phạt. Càng nhìn vào Chúa Giêsu, Gioan lại càng yêu mến Ngài hơn. Nhưng rồi sau khi đã thưa được trước chén đắng Ngài trao cho thì Gioan đã sẵn sàng cất bước theo Ngài trên con đường tử nạn. Dù rằng lúc này quanh ông chỉ còn đầy những khuôn mặt sát khí muốn giết chết cả Thầy lẫn trò, nhưng Gioan vẫn kiên trung theo Thầy dù các bạn đồng môn đã bỏ trốn và người anh cả Phêrô đã chối Thầy.
Nhờ lòng kiên trung này mà Gioan đã được thay mặt cho cả nhân loại và cho Chúa Giêsu. Thay mặt nhân loại khi ông được gọi là "con của Mẹ", và thay mặt cho Chúa Giêsu khi ông lãnh nhận trách nhiệm săn sóc cho Mẹ "Gioan đón nhận Bà về nhà mình". Và cứ thế mà tình yêu chuyển lướt vào nơi ông, làm cho ông chỉ có một lòng khăng khít sống mật thiết với Chúa, sẵn sàng bước theo Thầy mình đến cùng trong cuộc sống của mình.
Sau khi xác Chúa được táng trong mồ, lòng thánh nhân còn luôn hướng về đó. Vừa nghe tin xác Thầy bị mất, ông liền vội vã chạy đến mồ, ông đã thấy và ông đã tin. Trong lúc các môn đệ khác còn nghi ngờ vì tình yêu đã tạo một mối liên kết vô hình, không đòi hỏi nhiều diễn tả. Thoạt nghe tiếng Ngài gọi ở trên bờ hồ Tibéria, ông đã nhận ra Ngài. Tuy nhiên, Phêrô nhanh nhẹn nhận ra Thầy mình, và ông liền nhảy xuống biển nhưng Phêrô lại không nhạy cảm bằng Gioan.
Trong ngày mừng kính thánh Gioan Tông Ðồ hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta biết hun đúc tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu, để rồi chúng ta cũng sẽ nhạy cảm trước những tiếng gọi của Ngài. Ðặc biệt trong mùa Giáng Sinh này, lúc Vua tình yêu đang giáng hạ trong máng cỏ nghèo hèn. Ước gì chúng ta sẽ nghe tiếng gọi của Ngài, và đến quì chầu bên máng cỏ để chiêm ngắm Vua Tình Yêu. Vì càng chiêm ngắm chúng ta sẽ càng yêu mến Ngài, càng học biết được sự hiền lành và khiêm nhượng của Ngài.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
 
Suy Niệm 2: Chạy đến mồ
Thông thường mỗi dịp Giáng sinh, các trẻ em thuộc hầu hết các nước thế giới đều nhận được quà của ông già Noel. Thế nhưng năm vừa qua tại một số trường tiểu học nọ, ông già Noel đã đảo lộn truyền thống: thay vì mang quà cáp đến cho các em, ông đến với bàn tay trống rỗng, thay vì tặng quà cho các thiếu nhi, ông lại là người nhận quà từ tay các em để rồi chuyển cho các thiếu nhi tại nhiều nơi khác.
Hình ảnh ông già Noel với đôi bàn tay trống không có thể gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ khi kính nhớ thánh Gioan Tông đồ trong tuần bát nhật Giáng sinh. Tin mừng hôm nay cũng nói đến một sự trống rỗng, đó là sự trống rỗng của ngôi mộ. Được Maria Madalena thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ, hai người không còn thấy xác Chúa trong ngôi mộ nữa, nhưng nhìn thấy cảnh tượng ấy, Goan đã tuyên bố: “ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng, đó là sứ điệp Gioan muốn gửi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của Mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì, nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ; cái thiết yếu ấy là gì, nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh.
Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa; Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé, tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy.
Chúng ta hãy chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nghèo nàn trơ trụi trong máng cỏ. Qua cảnh nghèo nàn ấy, niềm tin nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến hoá thân làm người để là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Qua cảnh nghèo nàn trơ trụi ấy, niềm tin nói với chúng ta rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này dù khốn khổ đến đâu cũng đều có một phẩm giá cao cả vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Qua cảnh nghèo nàn trơ trụi ấy, niềm tin cũng nói với chúng ta rằng chúng ta đã trở nên giàu có thật sự. Và cái giàu có ấy chính là biết mở rộng đôi bàn tay để trao ban.
 

 
Suy niệm 3: 
A- Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn Phúc Âm này cho chúng ta biết đôi nét về thánh Gioan:
- Ngài tự xưng mình là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (x. Ga 20,2). Điều này đúng một cách khách quan (vì Chúa Giêsu thương mến ngài thật), và cũng đúng cách chủ quan (ngài biết Chúa Giêsu thương mình). Khía cạnh chủ quan này rất quan trọng.
- Dù biết mình được Chúa Giêsu thương mến, nhưng ngài vẫn tôn trọng Phêrô là trưởng nhóm 12, cho nên tuy vì trẻ nên chạy tới mồ trước, ngài vẫn nhường cho Phêrô vào trước. (x. Ga 20,4-6)
- Lòng yêu mến Chúa đã giúp ngài sớm nhận ra ý nghĩa dấu chỉ ngôi mồ trống: “Ông đã thấy và đã tin”. Nói cách khác, đức mến hỗ trợ cho đức tin. (x. Ga 20,8)
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. “Bài Phúc Âm hôm nay nói đến một sự trống rỗng. Được Maria Mađalêna thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ. Hai người không còn thấy xác Chúa Giêsu trong ngôi mồ nữa. Nhưng nhìn thấy cảnh tượng đó, Gioan đã tuyên bố “Ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng. Đó là sứ điệp Gioan muốn gởi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ? Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Hài nhi Giêsu đã giáng sinh? Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa: Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
2. Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau:
- Em có bằng lòng lấy anh không?
- Bằng lòng.
- Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thôi chứ chưa có dịp “kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế?
- Vì em yêu anh!
Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin.
3. “Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: 'Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu.' Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ.” (Ga 20,2-3)
Hồi tôi còn học ở Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, có người bạn hỏi tôi: “Bạn là người công giáo phải không?” Tôi tự hào trả lời: “Đúng vậy”. Nhưng khi bạn ấy yêu cầu tôi cho biết đôi điều về đạo thì tôi đã bối rối và chỉ trả lời cách chiếu lệ. Từ ấy tôi đã nhận ra rằng mình là người công giáo nhưng rất hời hợt; đối với Chúa còn lạnh nhạt hơn… Tôi đã tìm học hỏi về Chúa, nhất là dành nhiều thời gian để cầu nguyện và sống với Chúa. Như Maria Magđala và như hai môn đệ Phêrô và Gioan, tôi muốn tin và yêu Chúa hết lòng.
Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin nâng đỡ tình yêu của con. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con xin được cùng với thánh Gioan, vị tông đồ được Chúa yêu: "tựa sát vào lòng Chúa" để được nghe nhịp đập yêu thương của Chúa. Chúng con muốn được kề bên Chúa để được hun nóng tình yêu đối với tha nhân. Chúng con muốn được vào học nơi trường đào tạo yêu thương của Chúa để có thể sống quên mình mà phục vụ tha nhân.
Vâng lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại mà Chúa đã đến cư ngụ giữa loài người chúng con. Chúa thực sự hòa nhập vào lịch sử nhân loại để dẫn dắt chúng con đi trong chân lý vẹn toàn. Chúa trở nên đồng hình đồng dạng với con người hầu kết hợp chúng con nên một trong gia đình của Chúa. Xin cho chúng con luôn nhận ra nhau là anh em để biết sống liên đới và chia sẻ với nhau. Xin giúp chúng con biết nhận ra Chúa đang giáng sinh trong cuộc đời chúng con qua những mảnh đời bất hạnh, yếu đau, tù đày đang cần chúng con chăm sóc. Xin giúp chúng con luôn quảng đại nhập thế giúp đời như Chúa để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.
Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con biết họa lại tình yêu của Chúa cho thế giới hôm nay. Xin cho nhịp đập con tim của chúng con cùng chung nhịp với Chúa để hòa lên khúc hát yêu thương cho nhân thế hôm nay. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


SUY NIỆM 4:
Mọi người đều chứng kiến Đức Giê-su chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, nhưng không ai được chứng kiến giây phút Ngài sống lại từ cõi chết. Bởi lẽ, đó là phạm vi và quyền năng của một mình Thiên Chúa, giống như khi Ngài sáng tạo trời và đất.
Do đó, mầu nhiệm Đức Ki-tô Phục Sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải là đối tượng khả giác của các giác quan[1]. Không ai được chứng kiến biến cố Phục Sinh, nhưng Ngài để lại cho chúng ta các dấu chỉ.
 1. Dấu chỉ “ngôi mộ mở”
Trước hết, đó là ngôi mộ trống. Chúng ta nên gọi là “ngôi mộ mở”, vì mộ phần, tượng trưng cho sự chết, không giam hãm được Đức Ki-tô. Trong khi hình ảnh “ngôi mộ trống” nghiêng về ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, vì “trống” có nghĩa là bị lấy đi hay biến mất tiêu, như bà Maria nói với các Tông Đồ : “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” ! Bà nhìn thấy “ngôi mộ mở”, nhưng lại nghĩ rằng đó là “ngôi mộ trống”.
Ngoài, trong ngôi mộ mở, còn có dấu chỉ “những băng vải”. Trong thực tế, đó chỉ là chi tiết nhỏ ; nhưng trong cách thuật truyện của thánh Gioan, chi tiết này có một vai trò biểu tượng hàng đầu. Thật vậy, trong một bản văn ngắn, nhưng chi tiết này được nói tới hai lần và lần thứ hai, các băng vải được mô tả rất công phu :
Những băng vải còn ở đó (c. 5).
Những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi (c. 6-7).
Nếu là một vụ trộm, thì kẻ hành động không thể nào cẩn thận như thế !
2. “Người môn đệ Đức Giê-su thương mến”
“Người môn đệ Đức Giê-su thương mến “ đã nhìn thấy những dấu chỉ này và đã tin. Tuy nhiên, chúng ta phải nói rằng so với đức tin lớn lao nơi Đức Ki-tô chiến thắng sự chết và đang sống, thì những dấu chỉ này là quá ít và quá mỏng dòn. Vì thế, các dấu chỉ không thể tức khắc và tất yếu mang lại đức tin. Ông Phê-rô và bà Maria Mác-đa-la cũng nhìn thấy các dấu này, nhưng vẫn chưa tin.
Vậy thì điều gì làm cho “Người môn đệ Đức Giê-su thương mến”, mà truyền thống Giáo Hội nhận ra là thánh Gioan, đi đến niềm tin, khi nhìn thấy các dấu chỉ ? “Điều bí ẩn” nằm ngay ở trong danh xưng mà thánh nhân tự đặt cho mình, chắc chắn với tâm tình tạ ơn và ca tụng, đó chính là kinh nghiệm thiết thân được Đức Giê-su yêu mến : Đức Giê-su đã yêu mến người môn đệ này, và người môn đệ này cũng yêu mến Đức Giê-su, bằng chứng là người môn đệ vẫn gắn bó với thầy Giê-su, khi ngài chẳng còn là gì, khi hiện diện dưới chân Thập Giá (x. Ga 19, 25-27) ; giống như tình yêu nhưng không của bà Maria Mác-đa-la dành cho Đức Giê-su. Chính kinh nghiệm tình yêu đối với Chúa, đã làm cho thánh Gioan tin nhận Đấng Phục Sinh khi nhìn thấy các dấu chỉ (đọc thêm trình thuật Ga 21, 1-14) ; và chắc chắn, cũng chính kinh nghiệm này đã làm cho thánh nhân nhận ra “Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ” là Ngôi Lời, “Đấng đã hiện hữu từ lúc khởi đầu, nay trở thành người phàm” trong mầu nhiệm Giáng Sinh (Ga 1, 1 và 14).
3. Dấu chỉ Kinh Thánh
Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Gioan còn nêu ra một dấu chỉ nữa để giúp chúng nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, đó là dấu chỉ Kinh Thánh :
Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. (c. 9)
Như Thánh Phao-lô tuyên bố long trọng : “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15, 3-4).
Khi nhận ra Đức Ki-tô lúc Người bẻ bánh tại làng Emmau, hai môn đệ nhớ lại : “Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Như thế, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu và mầu nhiệm Vượt Qua của Người, điều này đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Kitô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa. Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài.
Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài.
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng Kinh Thánh là tiếng kêu của cả một dân tộc vô danh trong thử thách, trong lúc không còn những kỳ công, trong khủng khoảng tột cùng: “Tôi tự bảo: điều làm tôi đau đớn, là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa” (Tv 77, 11). Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc Vượt Qua, không phải của một mình Đức Giêsu, vì Ngài “không một mình” (x. Ga 8, 16.29; 16, 32), nhưng của Đức Giê-su cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh.
Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Sách Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” hành tình làm người của chúng ta như thế: cuộc đời của chúng ta cũng “loan báo” Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”.
*  *  *
Chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm như thánh Gioan : kinh nghiệm bản thân mình cũng là “người môn đệ Đức Giê-su thương mến”, để có thể nhận ra sự hiện diện sống động và tiếng gọi của Đức Ki-tô Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ, dấu chỉ Kinh Thánh, dấu chỉ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể ; và dưới ánh sáng của dấu chỉ Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô sống động qua các dấu chỉ Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
——–
[1] Vì thế, có lẽ chúng ta không nên làm tượng Chúa Phục Sinh trên thập giá, vì chúng ta nhìn thấy Chúa Chịu chết, như chúng ta vẫn còn nhìn thấy biết bao đau khổ thử thách của loài người, của những người thân yêu và của chính chúng ta, nhưng chúng ta tin nơi quyền năng của Người mạnh hơn sự chết, tin Người đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta và Người sẽ mở đường cho chúng ta đi băng qua sự chết, nghĩa là sẽ làm cho loài người phải chết, những người thân yêu của chúng ta và chính ta cũng sống lại như Người, để ở với Người và ở với nhau. Đức Ki-tô phục sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải của đôi mắt trần. Các trình thuật phục sinh bảy tỏ cho chúng ta chân lí này.


Suy niệm 5

Lời Mở Đầu
 
“Ơn gọi” đi theo Chúa là một lời mời gọi huyền nhiệm của tình yêu nhưng không. Ngài không đi tìm những người có địa vị, quí tộc, giàu sang phú quí theo tiêu chuẩn của thế gian. Ngài gọi những kẻ Ngài muốn như thánh Marcô đã từng viết: “Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Tông Đồ Gioan cũng được Chúa Giêsu kêu gọi như thế. Thánh Marcô đã ghi lại: “Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê con ông Dêbêđê và người em là Gioan. Hai ông nầy đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người” (Mc 1,19-20)
 
1/ Gioan, Người Môn Đệ Đặc Biệt

Từ bước đầu theo Chúa, Gioan là con của ông bà Dêbêdê và Salômê, vẫn còn mang nhiều cá tính nóng nảy, và còn nhiều tham vọng. Ông cũng ước muốn một địa vị trong nhóm người theo Chúa. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng được mệnh danh là con của “sấm sét” như Tin Mừng Marcô đã ghi lại: “Người lập nhóm Mười Hai…có ông Giacôbê con ông Dêbêdê, và ông Gioan, em ông Giacôbê. Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê nghĩa là con của thiên lôi” (Mc 3,16-17). Thánh sử Mátthêu kể lại: Bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan xin cho hai con của bà được ngồi chỗ danh dự trong vương quốc của Ðức Giêsu: một người bên trái, một người bên phải (x. Mt 20,23). Tham vọng đó đã gây chia rẽ giữa các Tông Đồ: “Nghe vậy mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20,24). Và Chúa đã cho các ông một bài học về khiêm nhu và phục vụ: “Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ giữa anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em…” (Mt 20,26).

Có một lần Gioan tức giận vì một người dám nhân danh Chúa mà trừ quỉ nên đã thưa với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỉ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy. Chúa Giêsu bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Lc 9,49-50; Mc 9, 38-40). Óc tị hiềm và đố kỵ vẫn còn mang nặng trong tâm hồn Gioan. Đặc biệt hơn, khi thấy dân làng người Samaria không đón tiếp Chúa khi Ngài lên Giêrusalem, Gioan và Giacôbê muốn khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy thành ấy. Thánh Luca đã thuật lại: “Khi đã tới ngày.. Người nhất quyết đi lên Giêrusalem…Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường vào một làng người Samaria…Nhưng dân làng không tiếp đón Người… Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuông thiêu hủy chúng nó không?”  Nhưng Chúa Giêsu quay lại quát mắng các ông. (x. Lc 9, 51-55). Từ những nhắc nhở đó, Gioan dã dần dần thấu hiểu Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh đầy Tình Yêu của mình. Và cũng từ đó Gioan đã thay đổi bản chất của mình. Gioan đã chiến thắng tính nóng nảy và lớn lên trong tình yêu thông cảm. Tác giả Trần Duy Khiêm đã viết: “và Gioan, người môn đệ của tình yêu đã đi qua con đường vạn dặm…Từ đanh đá đến điềm đạm, từ giận dữ đến dịu dàng, từ chia rẽ đến chia sẻ tình yêu và đó là con đường bạn và tôi phải đi qua nếu chúng ta muốn đến gần Thầy Chí Thánh.” (Ngài Đã Gọi Họ, Ngài Đã Gọi Tôi, tr.72). Cũng từ đó Gioan đã dành một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim yêu thương của Chúa.
 
2/ Gioan, Người Môn Đệ Được Chúa Yêu ( Ga 13,23; 19,26; 21,7) 

 Chúa Giêsu đã yêu thương Gioan cách đặc biệt vì sự trong trắng, nhiệt tâm và thành tín của Ngài. Ở trường học của Chúa Giêsu, Gioan dần dần biến đổi chính mình, thủ đắc tinh thần hiền hậu, học được đức ái chân thật và tiến tới cuộc đời trọn vẹn hy sinh. Gioan cùng với anh là Giacôbê, cũng như các tông đồ khác đều tin rằng, Chúa Giêsu sắp tái lập vương quyền và họ xin Người cho họ được giữ những chỗ danh dự trong ngày vinh quang của Thầy. Nhưng Chúa Giêsu đã từng nói rằng, vương quốc của Ngài không thuộc thế gian này và đã trả lời bằng việc trao thánh giá cho họ: “Các con có thể uống chén Ta không?” Đầy nhiệt tâm, họ trả lời: “dạ được”. Và Chúa Giêsu đã nói với họ: “Chén của Thầy các con sẽ uống..”( Mt 20, 22-23). Như thế là họ biết rằng, việc chia sẻ vinh quang sẽ tiếp sau việc chia sẻ đau khổ.

Suốt ba năm sống công khai của Chúa Giêsu, Gioan không rời Thầy mình. Ngài đã thấy Thầy chói sáng trên núi Tabor. Với kỷ niệm này, Gioan viết rằng: “Chúng tôi đã thấy vinh quang Con Một Thiên Chúa Cha” (Ga 1,14). Chúa Giêsu đã chọn Gioan và Phêrô đi dọn lễ Vượt Qua. Và chỉ có một mình Gioan trong số 12 tông đồ trung thành theo Chúa Giêsu tới chân Thập Giá và đứng cạnh Mẹ Maria. Chúa Giêsu đã nói với Mẹ lời trăn trối sau cùng: “này là con bà”, và với Gioan: “này là Mẹ con”. Đây là một sự thể hiện tình yêu đặc biệt và sự tín nhiệm của Chúa Giêsu dành cho Tông Đồ Gioan. Từ đó mọi người đã trở thành con Mẹ trong con người của Gioan.

Sau Phục sinh, Maria Madalêna không thấy xác Thầy và hớt hả đi báo tin. Tình yêu như chắp cánh thêm, Gioan đã chạy tới mồ trước, nhưng vì tôn trọng thủ lãnh các tông đồ, nên đã dừng lại trước khi cúi nhìn mộ (Ga 20,1-8). Chính tình yêu đã làm cho Gioan trở nên nhạy bén hơn tất cả. Vài ngày sau, khi Gioan cùng với các môn đệ khác đi đánh cá, Chúa Giêsu hiện ra. Được tình yêu soi sáng, Gioan đã nhận ra Thầy và thốt lên: “Chúa đấy” (x.Ga 21,1-8). Sau khi nhận lấy Chúa Thánh Thần trong dịp lễ Ngũ Tuần, Gioan ở lại Giêrusalem. Người ta nghĩ rằng, Ngài sống với Đức Trinh Nữ. Ngày kia, Ngài cùng với thánh Phêrô vào đền thờ cầu nguyện. Một người què xin bố thí, các tông đồ đã chữa lành anh ta (x. Cv 3,1-8). Các thủ lãnh bắt giam các Ngài, cấm không được rao truyền danh Chúa Giêsu. Các tông đồ đã trả lời: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người”(x. Cv 4,1-20). Một lần khác, Gioan bị bắt và bị đánh đòn, Ngài hãnh diện khi thấy mình được chịu đau khổ vì Chúa Kitô (x. Cv 6, 40-41). Gioan luôn cảm nhận và sung sướng với danh hiệu: mình là người môn đệ được Chúa thương mến: “Trong số các môn đệ, có môt người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Chúa Giêsu” (Ga 13,23)

Gioan sống rất thọ và trải qua nhiều thử thách gian khổ. Chắc chắn Ngài sống ở Antiôkia rồi ở Ephêsô. Các tường thuật về sau không có mấy giá trị lịch sử. Nhưng theo tương truyền sử sách kể lại thì khi biết còn một môn đệ cuối cùng của Chúa Giêsu sống và giảng dạy ở Á Châu, Hoàng đế Domitianô đã truyền đem về Roma để xử tử. Người ta đánh đòn Ngài rồi dẫn tới cửa La Tinh và dìm vào vạc dầu sôi. Thật lạ lùng, Ngài đi ra không hề hấn gì. Quan án xúc động không dám hành hạ Ngài nữa và truyền đày ải ở đảo Patmô. Vị tông đồ rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho nhiều người tại đây. Chính ở đây mà Ngài được thị kiến và lãnh mệnh lệnh ghi lại trong sách Khải Huyền. Những cao siêu mà vị tông đồ vươn tới, đã làm cho Ngài được ví như cánh chim phượng hoàng bay bổng trên trời cao. Khi hoàng đế băng hà, những người bị lưu đày được gọi trở về, và Gioan trở lại Ephêsô.

 
Anrê Hoàng Minh Tâm
 
Từ khóa:

môn đệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận