Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh

Đăng lúc: Thứ bảy - 10/01/2015 01:58 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

Bài đọc (1 Ga 5, 14-21)
Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết.

Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần.

Tin Mừng (Ga 3, 22-30)
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!” Gioan trả lời rằng: “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.


Suy niệm 1

Ngày áp lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, đoạn tin mừng khép lại Mùa Lễ Giáng Sinh bằng một sự kiện không hiểu nhau giữa các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu. Chắc chắn là ngay từ thời đầu của Giáo Hội hai cách thức rửa tội vẫn song hành với nhau: một của Gioan Tẩy Giả và một của các môn đệ Đức Giêsu. Đoạn tin mừng muốn làm sáng tỏ vấn đề, là Gioan muốn cho vai trò chàng rễ phải lớn lên, còn ông, ông hiểu rằng mình sắp kết thúc sứ vụ và cuộc đời. Gioan biết phải tránh sang một bên, biết khi nào là lúc phải ra đi, lúc phải sang trang.
Còn Đức Giêsu, Ngài xem Gioan Tẩy Giả như người cao trọng hơn hết. Ngài có lý: Gioan cao trọng vì ông khiêm hạ thật sự, vì ông hiểu được chỗ đứng của mình trong lịch sử vĩ đại của ơn cứu độ mà Thiên Chúa can thiệp vào trong những lịch sử đời thường. Gioan đi tìm Đấng Cao Cả trong cuộc đời mình. Trước những câu hỏi đặt ra, Gioan trả lời: Tôi chỉ là tiếng kêu. Là tiếng mà Lời mượn để nói với muôn dân. Còn tôi là ai đây?

Suy niệm 2: LÀ NHỮNG VAI PHỤ XUẤT SẮC

Ông Gioan nói: “Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
Suy niệm: Chưa bao giờ trong lịch sử Do Thái lại xuất hiện một phong trào độc đáo như thế khi cả một quốc gia bày tỏ lòng hoán cải, chờ mong Đấng Cứu Thế. Thử tưởng tượng dòng người từ bắc chí nam đến với ông Gio-an, dìm mình vào dòng nước sông Gio-đan mát lạnh. Vậy mà bây giờ dòng sông bên này trở nên lặng lẽ, thiên hạ đang đổ xô theo ông thầy Giê-su cũng làm phép rửa ở dòng sông bên kia. Đang khi môn đệ ưu sầu, thì ông Gio-an lại vui mừng; trong lúc học trò ghen tức, ông thầy lại hân hoan! Nếu là nhân vật số hai, ta muốn trở thành nhân vật số một. Thế mà đang là nhân vật chính, Gio-an lại vui lòng trở thành nhân vật phụ khi nhân vật chính xuất hiện. Ông chấp nhận mình là người phù rể, vui mừng vì đã đưa chú rể (Đức Ki-tô) sum họp, hạnh phúc với cô dâu (dân Chúa). Đã đến lúc ông an tâm rút lui vào hậu trường.
Mời Bạn: Giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, hội dòng… sẽ tốt đẹp, phát triển nếu ai ai cũng sẵn lòng đóng vai phụ, vì ý thức chỉ có một vai chính là Đức Ki-tô. Đưa người khác đến với Chúa, chứ không đến với mình; gắn bó với Chúa thay vì gắn kết với mình. Vui vẻ, không đố kỵ tin rằng mọi vai chính-phụ đều có giá trị như nhau trước mặt Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi tập làm những công việc, những hy sinh âm thầm, nhỏ bé, không cần ai biết vì chỉ có Chúa biết là đủ và hạnh phúc cho tôi rồi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa phải nổi bật lên, còn cái tôi của con phải lu mờ đi. Xin cho con, tựa như thánh Gio-an, cảm nhận được niềm vui trọn vẹn khi đóng những vai phụ cách xuất sắc vì chỉ có Chúa mới thật sự là vai chính trong Nước Trời. Amen.

Suy niệm 3

“Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi”. Có thể nói đây là câu nói hay nhất khiến cho mỗi người chúng ta phải thán phục ông Gioan và cũng là câu nói hay nhất giúp cho mỗi người chúng ta phải tự xét mình hằng ngày khi sống giữa xã hội ngày nay.
Tôi nhớ hoài hình ảnh của một buổi học chuyên đề về sứ mạng truyền giáo trong thế giới hôm nay dành cho các Chủng sinh, vị linh mục của hội thừa sai Paris thường xuyên nhắc các chủng sinh phải luôn ý thức mình phải noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, phải nhỏ lại, để Chúa được lớn lên; phải là người đứng sau hậu trường.
Đời sống mỗi Kitô hữu cũng cần phải bắt chước như vậy. “Phải lu mờ đi” cũng có nghĩa là phải luôn biết sống trong thái độ khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mặt tha nhân. Cũng giống như lời Chúa nói trong Tin Mừng Luca: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17, 10).
Khiêm nhường luôn được xem là đức tính quan trọng hàng đầu trong các nhân đức. Có thể nói rằng ai có được nhân đức này thì sẽ có được những nhân đức khác và ngược lại. Đức Hồn Y Timothy M. Dolan, tác giả quyển sách “Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba” nói về đức tính khiêm nhường như sau: “Khiêm nhường là nhân đức trụ cột của đời sống nội tâm, được Chúa Giêsu ưa thích, được tất cả các thánh và các nhà thần học thần bí coi là điều kiện Sine qua non (không thể thiếu) trong tất cả tiến trình nên trọn lành. Câu nói đơn sơ của Têrêsa Hài Đồng là: bước đầu của tất cả sự thánh thiện là khiêm nhường, thú nhận rằng nếu không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì, nhưng với Người, trong Người, và nhờ Người, mọi sự đều có thể!“. Thánh Agustinô cũng đưa ra nhận xét: “Chính sự kiêu ngạo đã đưa đến sa ngã… Nếu bạn hỏi tôi đường nào đến với Thiên Chúa, tôi sẽ bảo bạn đường thứ nhất là khiêm nhường, đường thứ hai là khiêm nhường, đường thứ ba là khiêm nhường”.
Khiêm nhường thường được định nghĩa là sống thật con người mình, sống với cái “là” của mình, mình thế nào thì sống như vậy. Tuy nhiên, đó cũng chỉ ở mức độ nhân bản mà thôi. Ở mức độ thâm sâu hơn, mà Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta, khiêm nhường không chỉ là sống với cái “là” mà còn phải sống “dưới cái là”. Bởi vì, khi nào còn cho mình “là” thế này, “là” thế kia thì mình vẫn chưa thật sự khiêm nhường đủ. Chúa Giêsu là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta trong sự khiêm nhường ở mức độ thâm sâu đó. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê nói về Chúa Giêsu như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá.” (Pl 2, 6-8).
Với tầm quan trọng như thế, thực hành nhân đức khiêm nhường là một điều vô cùng khó khăn đối với một con người, vì tự bản chất con người luôn có khuynh hướng nâng mình lên, muốn trổi vượt hơn người khác, muốn khẳng định mình,…Ôi! Thực sự khó khăn biết bao, và cũng thật quý trọng biết bao cho những ai đã và đang có được đức tính tuyệt vời này.
Lạy Chúa, dẫu biết rằng khiêm nhường là đức tính tuyệt vời, thế nhưng chúng con thường thể hiện ngược lại, chúng con dễ dàng tự khoe mình, dễ dàng chứng tỏ mình, dễ dàng kiêu ngạo. Xin cho chúng con luôn biết nhìn lên Ngài, để noi gương và bắt chước Ngài thái độ sống khiêm nhường thật sự. Amen!
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là Đấng lớn lao vô cùng nhưng lại chọn nhập thể trong thân phận mong manh của kiếp người. Chúa là Đấng quyền uy vô cùng lại chọn sự khiêm nhường yếu đuối trong vóc dáng của hài nhi nhỏ bé. Chúa đã sống nhỏ bé, khiêm nhường để dạy chúng con biết tự hủy chính mình hầu nên một với tha nhân. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa để biết tự hủy mình đi để sống hài hòa với tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời thánh Gioan thật đẹp. Cái đẹp hệ tại là ngài ý thức mình chỉ là sự phản chiếu ánh sáng của Chúa. Tựa như ánh trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Thánh Gioan đã khiêm nhu nhận mình chẳng là gì trước mặt Chúa, và chỉ mong Chúa được lớn lên còn mình thì nhỏ bé đi. Chúa được tỏa sáng còn mình thì lu mờ đi. Xin cho chúng con cũng biết nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu làm mất vẻ đẹp của hình ảnh Chúa. Xin cho chúng con biết nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của mình để nhờ đó chúng con phản chiếu sự thánh thiện tinh tuyền của hình ảnh Chúa.
Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng soi dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết phản chiếu sự thánh thiện, yêu thương và bác ái trên muôn mọi nẻo đường chúng con đi. Amen.

Suy Niệm 4

1. Chân dung thánh Gioan Tẩy Giả 
Như chúng ta đều biết, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhiều lần ngang qua các Tin Mừng, lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả. Bởi vì, sứ điệp và cuộc đời của thánh nhân có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.
Thật vậy, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay thánh hiến, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô.
Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.
Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.
 2.  “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan nói mình một cách khiêm tốn :
Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.
Và sự khiêm tốn đích thật không phải là hạ mình xuống thấp hơn điều mình là, nhưng là sống đúng với điều mình là trong sự thật, đối với Đức Ki-tô và qua đó, với những người khác, trong đó các anh em, chị em và những người chúng ta được sai đến phục vụ. Và sự thật về thánh Gioan, và cũng là sự thật về chúng ta, đó là : Ngài không phải là Đức Ki-tô, nhưng là người được sai đi trước mặt Người.
Theo gương của thánh Gioan, và nhất là Đức Maria, Mẹ của chúng ta, chúng ta được mời gọi nhận mình trong sự thật, là tôi tớ, là nữ tì cho sứ mạng của Đức Ki-tô, chứ không phải là chủ nhân hay là trung tâm. Hình ảnh chàng rễ và bạn của chàng rể mà thánh Gioan dùng để diễn tả tương quan sự thật giữa ngài và Đức Ki-tô thật là đẹp và hay, vì thế phải đánh động chúng ta.
Và chính tương quan trong sự thật này đã mang lại niềm vui, thay thì sự bực dọc bất an lo lắng, cho thánh Gioan. Và niềm vui của thánh Gioan đã đạt đến mức trọn vẹn ; và chắc chắn là vừa sâu xa và vừa bền vững.
 3. “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban”
Nhưng tại sao, thánh Gioan lại có được sự khiêm tốn đích thật mang lại niềm vui lớn lao như thế. Đó là vì ngài có được kinh nghiệm nền tảng này :
Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.
Đó chính là kinh nghiệm về ân huệ Thiên Chúa ban, và ơn huệ lớn nhất và căn bản nhất chính là ơn huệ sự sống. Thực vậy, hơn ai hết, sự sinh ra của Gioan là một ân huệ nhưng không tuyệt đối của Thiên Chúa.
Và sự sống của chúng ta cũng vậy, tuy không được cha mẹ sinh ra cách lạ lùng như Gioan, nhưng sự sống của chúng ta, cũng là một ơn huệ nhưng không tuyệt đối Thiên Chúa ban, như Tv 139 đã xác tín :
Tạng phủ con, chính Ngài đã tạo dựng,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa vì con, tác phẩm lạ lùng, đã được dựng nên,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!

Và ơn huệ sự sống đã chất chứa lời hứa ban sự sống đời đời rồi. Lời hứa này đã, đang và sẽ được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, vì
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (Tv 136)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 
Suy Niệm 5: Yoan làm chứng lần cuối
 
“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo hội muốn gửi đến chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Thật vậy, ảnh hưởng của Chúa Giêsu càng lớn, thì vai trò của Gioan càng lu mờ. Ba Phúc âm Nhất lãm đã làm nổi bật sự kiện ấy khi đặt sứ vụ công khai của Chúa Giêsu chấm dứt vai trò của Gioan Tẩy Giả.
Gioan đã diễn tả vai trò tiền hô của mình qua câu nói bất hủ: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Thay vì ghen tức, buồn phiền, Gioan đã vui mừng đóng trọn vai phụ của mình. Như một quản trò trong tiệc cưới, Gioan đã khơi dậy niềm vui và hướng mọi người đến với Tan Lang là Đức Kitô.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng tiếp tục vai trò của Gioan Tẩy Giả. Phương châm hành động của họ là: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu lôi kéo chúng ta vào tội lỗi, nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của chúng ta, để nhờ đó Chúa Kitô đước lớn lên trong chúng ta.
Nguyện cho ánh sáng và sức sống của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn và cuộc sống chúng ta, để chúng ta đạt tới tầm mức viên mãn của chính Ngài.
 
Suy Niệm 6: Người phải nổi bật lên
 
Gioan Tẩy Giả công khai nhận mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Đồng thời ông cũng giới thiệu Chúa Giêsu chính là Đấng muôn dân trông đợi, Đấng mà Thiên Chúa sai xuống trần gian để thực hiện lời hứa, Đấng làm phép rửa bằng nước và Thánh Thần. Vì thế không có chuyện Gioan ghen tỵ với Chúa Giêsu về việc dân chúng đang tuôn đến với Người. Trái lại, Gioan nói Chúa Giêsu là chàng rể, còn mình là bạn của chàng rể. Niềm vui của chú rể trong ngày cưới cũng là niềm vui của những người bạn. Gioan không ghen tỵ, nhưng vui mừng hớn hở và niềm vui ấy trọn vẹn vì biết rằng Chúa Giêsu đang nổi bật lên. Ong thấy mình đã thực hiện đúng sứ mạng và đang mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thật tuyệt vời khi ngày cuối trong tuần lễ Hiển Linh, Chúa Giêsu phải nổi bật lên. Sứ mạng của Giáo Hội là phải làm cho mọi người biết và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian, hôm qua hôm nay và mãi mãi. Tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội phải nhắm đến mục tiêu là làm cho Chúa Giêsu phải nổi bật lên. Mọi điều còn lại phải xếp sau và phải lu mờ đi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông
 
Suy niệm 7

“Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi”. Có thể nói đây là câu nói hay nhất khiến cho mỗi người chúng ta phải thán phục ông Gioan và cũng là câu nói hay nhất giúp cho mỗi người chúng ta phải tự xét mình hằng ngày khi sống giữa xã hội ngày nay.
Tôi nhớ hoài hình ảnh của một buổi học chuyên đề về sứ mạng truyền giáo trong thế giới hôm nay dành cho các Chủng sinh, vị linh mục của hội thừa sai Paris thường xuyên nhắc các chủng sinh phải luôn ý thức mình phải noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, phải nhỏ lại, để Chúa được lớn lên; phải là người đứng sau hậu trường.
Đời sống mỗi Kitô hữu cũng cần phải bắt chước như vậy. “Phải lu mờ đi” cũng có nghĩa là phải luôn biết sống trong thái độ khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mặt tha nhân. Cũng giống như lời Chúa nói trong Tin Mừng Luca: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17, 10).
Khiêm nhường luôn được xem là đức tính quan trọng hàng đầu trong các nhân đức. Có thể nói rằng ai có được nhân đức này thì sẽ có được những nhân đức khác và ngược lại. Đức Hồn Y Timothy M. Dolan, tác giả quyển sách "Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba" nói về đức tính khiêm nhường như sau: "Khiêm nhường là nhân đức trụ cột của đời sống nội tâm, được Chúa Giêsu ưa thích, được tất cả các thánh và các nhà thần học thần bí coi là điều kiện Sine qua non (không thể thiếu) trong tất cả tiến trình nên trọn lành. Câu nói đơn sơ của Têrêsa Hài Đồng là: bước đầu của tất cả sự thánh thiện là khiêm nhường, thú nhận rằng nếu không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì, nhưng với Người, trong Người, và nhờ Người, mọi sự đều có thể!". Thánh Agustinô cũng đưa ra nhận xét: “Chính sự kiêu ngạo đã đưa đến sa ngã… Nếu bạn hỏi tôi đường nào đến với Thiên Chúa, tôi sẽ bảo bạn đường thứ nhất là khiêm nhường, đường thứ hai là khiêm nhường, đường thứ ba là khiêm nhường”.
            Khiêm nhường thường được định nghĩa là sống thật con người mình, sống với cái "là" của mình, mình thế nào thì sống như vậy. Tuy nhiên, đó cũng chỉ ở mức độ nhân bản mà thôi. Ở mức độ thâm sâu hơn, mà Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta, khiêm nhường không chỉ là sống với cái "là" mà còn phải sống "dưới cái là". Bởi vì, khi nào còn cho mình "là" thế này, "là" thế kia thì mình vẫn chưa thật sự khiêm nhường đủ. Chúa Giêsu là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta trong sự khiêm nhường ở mức độ thâm sâu đó. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê nói về Chúa Giêsu như sau: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá." (Pl 2, 6-8).
            Với tầm quan trọng như thế, thực hành nhân đức khiêm nhường là một điều vô cùng khó khăn đối với một con người, vì tự bản chất con người luôn có khuynh hướng nâng mình lên, muốn trổi vượt hơn người khác, muốn khẳng định mình,...Ôi! Thực sự khó khăn biết bao, và cũng thật quý trọng biết bao cho những ai đã và đang có được đức tính tuyệt vời này.
Lạy Chúa, dẫu biết rằng khiêm nhường là đức tính tuyệt vời, thế nhưng chúng con thường thể hiện ngược lại, chúng con dễ dàng tự khoe mình, dễ dàng chứng tỏ mình, dễ dàng kiêu ngạo. Xin cho chúng con luôn biết nhìn lên Ngài, để noi gương và bắt chước Ngài thái độ sống khiêm nhường thật sự. Amen!
 
 
Từ khóa:

như thế, đầy đủ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận