Thánh Antôn, viện phụ

Đăng lúc: Thứ bảy - 17/01/2015 01:58 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 1 TN: Th. Antôn, viện phụ

Bài đọc (Dt 4, 12-16)
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phải phơi trần và tỏ ra trước mắt của Đấng mà ta phải trả lẽ.

Vậy chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có Thượng tế không thể thông cảm sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Nên chúng ta hãy tin tưởng chạy đến toà ơn Chúa, để nhờ Chúa thương đến, chúng ta được ơn Chúa tuỳ thời cơ thuận tiện.

Tin Mừng (Mc 2, 13-17)
Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.


* Thánh Antôn là tổ phụ của các đan sĩ Ai Cập. Người chào đời quãng năm 250. Sau khi song thân qua đời, đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo rồi hãy đến theo tôi”, người rút lui vào sa mạc sống đời khổ chế và đền tội. Nhiều bạn hữu đã đến theo người, sống nếp sống khắc khổ để có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Người cũng có công nâng đỡ các tín hữu trong thời kỳ hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô bách hại đạo, người cũng trợ giúp thánh Athanaxiô đối phó với phái Ariô. Người qua đời năm 356.

Thánh Antôn Viện Phụ

Thánh Antôn, viện phụ thọ tới 105 tuổi. Một tuổi đời thật sung mãn được Chúa chúc lành: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt. Lớn mạnh tựa hương bá Libăng. Ðược trồng nơi nhà Chúa. Giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta” (Tv 91, 13-14).
Ngài tại Cosma bên Ai Cập trong một gia đình quí phái. Thánh nhân được ấp ủ trong bầu khí ấm cúng của gia đình. Thánh nhân đã được Chúa chuẩn bị kỹ càng vì thế cha mẹ của ngài lần lượt ra đi, ngài phải bao bọc đứa em gái. Hai anh em luôn thương yêu nhau, nâng đỡ, giúp nhau sống giữa cuộc đời. Khoảng năm 270, một buổi sáng tới nhà thờ, thánh nhân nghe được tiếng Chúa qua đoạn Tin Mừng Mt 19, 21: “Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó.” Lời Tin Mừng này đã làm cho chàng thanh niên giầu có tiu ngỉu vì chàng có lắm tiền, lắm của. Nhưng, đối với Antôn lời Phúc Âm này tưởng như Chúa đang nói với chính mình, Antôn đã quyết tâm thực hiện. Thánh nhân chia ruộng đất cho những bà con lối xóm nghèo khó, bán tất cả gia sản mình đang có, phân phát tất cả cho những bà con nghèo. Antôn gửi em gái yêu quí của mình vào một cộng đồng trinh nữ, còn ngài quyết tâm dấn bước đi theo tiếng Chúa gọi.
Sau nhiều ngày vất vả, lang thang, thánh nhân đã gặp một vị tu hành và xin dựng lều gần vị khổ tu để học tập cuộc sống tu với vị tu hành ấy. Các nhân đức và cuộc sống của ngài đã lan tỏa khắp nơi, được các bạn hữu mến chuộng. Ma quỉ luôn rình mò cám dỗ ngài, nhưng ngài đã luôn chiến thắng chúng nhờ lời cầu nguyện và sự hy sinh. Năm 35 tuổi, Antôn quyết tâm đi vào sa mạc để sống đời khổ tu và kết hợp hoàn toàn, mật thiết với Thiên Chúa. Tiếng tăm nhân đức và sự khôn ngoan của ngài lan tỏa rất xa. Nhiều khách thập phương đã kéo đến xin ngài chỉ giáo. Năm 305, thánh nhân bỏ đời ẩn tu và thiết lập các tu viện, ngài đã qui tụ được rất nhiều môn đệ. Thánh nhân cũng ao ước được phúc tử vì đạo. Chúa muốn dùng ngài qua cuộc sống để làm gương và hướng dẫn người khác vì thế vào năm 327, hoàng đế Maximinô Dain ra sắc chỉ cấm đạo Công giáo. Thánh Antôn tới Alexandria động viên và khích lệ những người sắp lãnh nhận vì danh Chúa Kitô, thánh nhân đã ở lại đó cho tới khi cơn cấm cách chấm dứt. Thánh nhân dựng lều tại sườn núi Gokzin, suốt ngày tiếp khách và làm nhiều phép lạ như chữa bệnh, trừ quỉ và nói ngôn sứ.
Giáo hội thưởng công cho Thánh nhân
Với một lòng yêu mến Chúa dạt dào, thánh Antôn đã làm gương cho nhiều người về đời sống thánh thiện và các nhân đức siêu việt của người. Thánh nhân qua đời ngày 17/01/356. Vào năm 561, xác thánh nhân được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan Tiền hô tại Alexandria. Các Giáo hội Trung Ðông đã sùng kính thánh Antôn đầu tiên, tràn qua Âu Châu và Giáo hội đã chính thức tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Antôn, viện phụ, sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa. Xin Chúa nhận lời người nguyện giúp cầu thay, cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Amen.

Suy niệm 1
Câu chuyện Tin mừng hôm nay xảy ra tại một trạm thu thuế, khi Đức Giêsu giảng dạy dọc vùng Biển Hồ. Trạm thu thuế được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay là nơi Lêvi đang làm việc. Nghề thu thuế và bản thân người thu thuế, dĩ nhiên, bị dân chúng thời ấy thù ghét, vì cấu kết với ngoại bang và mang tiếng tham lam, bóc lột. Hôm ấy, Đức Giêsu đã đi ngang qua trạm thu thuế của Lêvi. Ngài nhìn và ngỏ với ông một lời mời ngắn gọn nhưng rõ ràng: “Anh hãy theo tôi”. Chắc chắn, Lêvi rất đỗi ngỡ ngàng và lúc túng trước tình thế này – một tình thế mà ông không ngờ, cũng chẳng dám mơ. Ông đứng dậy, bỏ lại tất cả và đi theo Đức Giêsu.
Hôm nay, nhiều anh chị em vẫn chưa được thanh thoát để hòa nhập vào cộng đoàn thờ phượng Chúa, vì hoàn cảnh của họ còn bị ràng buộc trong bóng tối, trong sự lỗi. Đâu đó, vẫn còn có người bị loại trừ, bị khoanh vùng khỏi cộng đoàn giáo xứ; vẫn lạc lỏng trong hoàn cảnh của riêng mình.
Xin được như Đức Giêsu, tôi dám làm bạn, dám đến với những người không ai dám làm bạn, không ai dám đến với.
Xin được như Lêvi, tôi nghe được lời mời, rồi dám đứng lên và bước theo Chúa, bỏ lại nếp sống tối tăm trước đây của đời mình.

Suy niệm 2: ĐỪNG TỰ LOẠI MÌNH
Nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông đảo và đã đi theo Người. (Mc 2,15)
Suy niệm: Ơn gọi nào cũng là một câu chuyện rất đẹp. Càng đẹp hơn nữa, ơn gọi của một người thu thuế bị mọi người khinh miệt, xa lánh, được chọn làm tông đồ của Chúa. Chúa chọn cả những người yếu kém, tội lỗi… Đối với những kinh sư và Pha-ri-sêu, đó là điều không thể chấp nhận được. Vì tự xem như là một hạng người ưu tuyển, không bao giờ họ giao lưu lui tới với một số hạng người trong ‘sổ đen’ của họ, dĩ nhiên trong đó có những người thu thuế. Sao! ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? Nhưng trong mắt của Chúa Giê-su, không có ‘bọn’, mà cũng chẳng có ‘quân’ nào! Tất cả mọi người đều là con một Cha trên trời, và không ai bị Ngài loại bỏ cả. Ngài không phân loại, không xếp hạng ai. Cái nhìn của Ngài khác với cái nhìn của chúng ta biết bao! Vì thế, mà Chúa đến và gọi Lê-vi, vị tông đồ thứ năm được chọn, và sẽ là người đầu tiên trong các Thánh Sử.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn phân loại người khác trong cách đối xử, dù là trong tư tưởng không? Khi tự cho mình là công chính, chúng ta tự loại mình ra khỏi cộng đoàn những người đi theo Chúa và đồng bàn với Chúa rồi đó.
Chia sẻ: Điều gì làm cho chúng ta dễ sa vào thói xấu đánh giá và xếp loại người khác?
Sống Lời Chúa: Tìm ra ưu điểm của người khác và nói tốt về họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con tránh được thói quen đoán xét và xếp loại anh chị em con. Mỗi lần như thế xin Chúa nhắc con biết nhìn lại chính mình trước khi nghĩ về người. Nếu không, con sẽ là người tự loại mình ra khỏi những người đồng bàn với Chúa.

Suy niệm của Lm. Giuse Đinh Tất Quý

1. Đôi dòng tiểu sử
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Antôn. Thánh Antôn hôm nay Giáo Hội mừng kính không phải là thánh Antôn Padua quen thuộc mà mọi người chúng ta kính mến.Antôn thành Padua hoặc Antôn thành Lisboa, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1195 và qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1231, là một linh mục Công giáo người Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phanxicô. Còn thánh Antôn chúng ta mừng kính hôm nay được gọi là thánh Antôn viện phụsinh tại Cosma bên AiCập vào khoảng năm 250 và qua đời vào ngày 17/1/356.
Nhìn lại cuộc đời của Ngài, chúng ta phải nhận là Ngài có nhiều may mắn. Cha mẹ Ngài là người giầu có, quí phái. Ngài và cô em gái luôn được sống trong sự bao bọc ấm cúng của gia đình.
Lúc ngài được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài lần lượt ra đi để lại cho hai anh em một gia tài kếch xù. Hai anh em tiếp tục sống đùm bọc yêu thương nhau. Với số của cải cha mẹ để lại, hai anh em có thể sống một cuộc sống dư dật và thật thoải mái. Thế nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Người đã kêu gọi Antôn dâng hiến cuộc đời cho Người.
Hôm đó trong ngôi nhà nguyện nhỏ dâng cúng thánh Augustinô, Lời Chúa vang lên: “Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó” (Mt 19,21). Lời Tin Mừng đó đã làm cho Antôn suy nghĩ vì hai anh em đang có thật nhiều tiền của. Nghe những Lời đó Antôn tưởng như Chúa đang nói với chính mình nhưng chưa biết phải làm gì. Và Chúa Nhật sau đó, Lời Chúa lại vang lên như một chỉ dẫn: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.“(Mt 6,34). Thế là con đường đã quá rõ. Antôn nhất định áp dụng đến cùng Lời Chúa dạy, và nhất quyết theo Chúa đến cùng. Ngài về nhà, chia vườn đất cho người nghèo trong làng, bán đồ đạc lấy tiền bố thí cho người nghèo khó. Ban đầu ngài còn để lại chút ít để nuôi mình và cô em gái, nhưng khi suy nghĩ đến LờiChúa: “Con đừng bận tâm đến ngày mai”, Ngài lại đem bán tất cả những cái còn lại lấy tiền cho người nghèo. Xong việc, ngài gởi cô em vào một cộng đoàn Trinh nữ, rồi quyết tâm bỏ thế gian.
Năm 35 tuổi, Antôn quyết tâm đi vào sa mạc để sống đời khổ tu và kết hợp hoàn toàn mật thiết với Thiên Chúa. Tiếng tăm nhân đức và sự khôn ngoan của Ngài lan tỏa rất xa. Nhiều khách thập phương đã kéo đến xin Ngài chỉ giáo.
Năm 327, khi được tin hoàng đế Maximinô Đaia ra chỉ bách hại công giáo, và tại Alexandria sắp có cuộc xử tử một số tín hữu trung kiên, thánh nhân liền nhất định xuống khích lệ anh em đồng đạo và mong được cùng chết vì Chúa Kitô. Vì thế, Ngài cùng với một anh em khác xuôi dòng sông Nil, đáp thuyền vào tận thành phố, rồi Ngài ngang nhiên tiến thẳng vào tòa án, khuyến khích tín hữu giữ vững đức tin; không kể gì đến các quan và dân ngoại. Ngài can đảm sống gần các vị tử đạo cho đến giây phút cuối cùng trên đấu trường. Nhưng ý Chúa không muốn ban cho thánh Antôn triều thiên tử đạo. Chúa muốn Ngài thành một tấm gương can đảm chiến đấu và cầu nguyện, ăn chay cho đại gia đình trụ trì, tuy nhiên thánh nhân vẫn lưu lại đô thị Alexandria cho đến khi ngọn lửa bách hại tắt hẳn mới quay gót về cộng đồng của mình.
Và từ đây cho đến cuối đời, Ngài dựng lều trên sườn núi Gokzin, suốt ngày đón tiếp mọi người: các tu sĩ, các tín hữu và cả lương dân.
Sống được 105 tuổi, thánh Antôn biết mình kiệt sức và giờ về thiên quốc sắp tới, Ngài liền hội các tu sinh lại quanh giường khuyên bảo họ lần sau cùng. Ngài cũng dậy các môn đệ đừng ướp xác và làm ma chay theo kiểu người Ai Cập. Sau cùng thánh nhân giơ tay chúc lành cho tất cả các thày và phó linh hồn trong tình yêu vô biên của Chúa. Hôm ấy là ngày 17.1.365.
Năm 561, xác thánh nhân được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan Tiền Hô tại Alexandria. Các Giáo Hội Trung Ðông đã sùng kính thánh Antôn đầu tiên, sau đó tràn qua Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.
2. Bài học
Cuộc đời của thánh Antôn để lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là bài học về lòng yêu mến Lời Chúa. Đối với Antôn thì Lời Chúa chính là Kim Chỉ Nam, là lẽ sống cũng như là ánh sáng luôn hướng dẫn cuộc đời của mình. Ngài luôn đi tìm thánh ý của Thiên Chúa, can đảm đem những soi sáng của Chúa vào cuộc đời của mình.
Được cha mẹ để lại cho một gia tài kếch xù, Antôn đã không nghĩ như người phú hộ trong Tin Mừng Luca. Người phú hộ trong Tin Mừng Luca nhìn vào đống tài sản trời ban cho đã nghĩ ngay đến việc hưởng thụ. Ông đã vẽ ra cho mình một tương lai mà nhiều nhà chú giải Kinh Thánh gọi là bỉ ổi: “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”(Lc 12,19).
Antôn đã không nghĩ như vậy. Ngài đã đi tìm ý Chúa và sau khi được Chúa soi sáng qua Lời Chúa trong Tin Mừng, Antôn đã bán tất cả và cho đi tất cả không giữ lại cho mình cái gì. Rồi sau khi được soi sáng cũng qua Lời Chúa trong Tin Mừng Antôn đã bỏ tất cả và sống đời phó thác cho Chúa.
Năm 35 tuổi thánh nhân muốn rút hẳn vào sa mạc. Với một số lương thực vừa đủ sáu tháng Ngài băng qua sông Nil, trèo lên một ngọn núi cao gần Atfite và ở đó suốt 20 năm, không tiếp đón ai, trừ mấy mấy người bạn hàng năm hai lần đem lương thực tới cho Ngài.
Ngài có ý tránh xa thế tục, nhưng hương thơm nhân đức lại lôi kéo nhiều người khách thập phương đến thăm. Ban đầu thánh nhân còn tìm lẽ nọ lẽ kia, bày ra kế nọ kế kia để thoái thác, nhưng được ít lâu vì số người đến mỗi ngày một đông, lại nhất định tìm mọi cách để gặp mặt đấng thánh nên thánh nhân buộc lòng phải ra đón tiếp họ.
Năm 305, ý Chúa là muốn Ngài bỏ đời ẩn tu để đi lập các tu viện. Vâng ý Chúa, Ngài lập nhiều tu viện các cộng đồng tu hành và huấn dụ về đời sống thiêng liêng.Theo kinh nghiệm bản thân, Ngài bày tỏ cho các tu sĩ những mưu mô xảo quyệt của satan, chỉ cho họ những  khí giới chiến đấu hữu hiệu hơn cả là cầu nguyện, ăn chay, làm dấu thánh giá và thái độ coi khinh chúng.
Đó là cuộc đời của một vị thánh. Chúng ta cám ơn Chúa đã để lại cho chúng ta tấm gương của một con người đã cố gắng đi theo tiếng gọi của Chúa, sống một cuộc đời siêu thoát thánh thiện đễ nên gương sáng cho mọi người.
Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh An-tôn, viện phụ sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa. Xin Chúa nhận lờingài nguyệngiúp cầu thay mà cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã đến trần gian để giao hoà trời với đất. Chúa đã nối lại tình Trời với nhân loại chúng con. Chúa là nhịp cầu để chúng con được trở về làm con cái Thiên Chúa. Xin giúp chúng con biết gìn giữ ân huệ làm con Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện, công bình và bác ái của mình.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ông Lê-vi đã tìm được lẽ sống khi ông được Chúa viếng thăm. Ông đã tìm được sự bình an của tâm hồn khi Chúa không chấp tội lỗi của ông mà còn cho ông được đồng bàn cùng Chúa. Ông đã canh tân đời sống bằng việc thực thi công bình và bác ái. Ông sẵn lòng đền bù những thiệt hại và trao ban cho những người đói khát lầm than. Xin giúp cho chúng con biết siêng năng lắng nghe lời Chúa và sẵn lòng cải hoá đời sống. Xin Chúa cũng đến viếng thăm gia đình chúng con và ban bình an xuống trên gia đình chúng con. Một sự bình an mà thế gian không thể ban được. Một sự bình an là quà tặng nơi chính Chúa là Tin Mừng được ban cho chúng con. Xin Chúa là Đấng đã đến để tìm kiếm những người tội lỗi xin giúp những người đang sống trong cảnh lầm lạc được ơn trở về cùng Chúa.
Lạy Chúa là Đấng hay xót thương, xin thương ngự đến tâm hồn chúng con và ban ơn đổi mới cho chúng con. Amen.

Suy Niệm 5: Kêu gọi người tội lỗi

Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".
Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.
Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Kìa Người đến dùng bữa!

Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi thu thuế ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mc. 2, 13-14)
Chúa Giêsu thường bị những con mắt hay soi bói và đả kích Người bám theo. Mọi cử chỉ của Người đều bị họ rình mò, giải thích và sàng lọc theo luật lệ của những người Pharisiêu. Các kinh sư là những người rất quen với công việc này; và họ cũng thường có cơ hội dễ dàng.
Hạng người rình mò như thế vẫn còn, bởi lẽ tất cả chúng ta tự bản tính vốn dễ dàng xếp loại mọi người, phân cách người lành với kẻ dữ và nhất là muốn dựng lên bức vách ngăn giữa cái gì là khả kính với bất kính, ít nữa là xét theo quy tắc và quan điểm của ta.
Thực ra Giáo hội vẫn còn là một tập hợp những con người đáng trọng cũng có và không đáng kinh cũng có, nơi đây Chúa Giêsu đến cư ngụ, bởi vì ngay lúc ban đầu, từ những con người tội lỗi mà Chúa đã lập nên Giáo hội vậy.
Giáo Hội là một tập hợp đủ thứ
Theo cái nhìn của những người trí thức Mác-xít tích cực, thì Giáo hội thường quy tụ những con người yếu hèn, bất lực trong việc tự giải quyết lấy thân phận con người và xã hội của mình, nên mới chạy đến với những cái nạng gọi là “Thiên Chúa” hay “đức tin” vậy.
Nơi đây có Chúa cư ngụ
Thực ra, hơn nơi nào khác, Chúa Giêsu chỉ thích tìm cư ngụ nơi những con người đã không tìm được ở nơi mình bất cứ một lý lẽ nào để biện minh cho sự công chính của mình, nơi những kẻ không có lấy một sự đáng tôn đáng kính nào khác, ngoài chuyện họ sống trung thực, can đảm và sẵn sàng thú nhận mình là kẻ tội lỗi.
Quả thực, người tội lỗi là người sống trung thực, vì người ấy biết rõ mình. biết nơi mình không có được tất cả sự bền bỉ cần thiết để sống trọn phẩm giá con người, và để được như thế, cần phải có ơn Chúa. Người có tội không gian lận với mình.
Người tội lỗi cũng là người can đảm. Có người đã viết điều này: có can đảm hay không ở tại biết làm cho sự thật phải yên lặng hoặc không làm cho sự thật yên lặng? Quả quyết mình dốt nát hay dấu nhẹm sự ấy, đàng nào can đảm hơn? Tỏ ra run sợ trước Thiên Chúa thánh thiện và siêu phàm, phải chăng kém can đảm hơn là trốn chạy khỏi tôn nhan Người?
Sau cùng con người tội lỗi luôn ở tư thế chuẩn bị sẵn; người ấy biết rõ rằng điều tốt nhất đang ở phía trước, nên sẵn sàng lại lên đường.
Có thế ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu thích lui tới hạng người này và tại sao chúng ta không được vấp phạm vì hành động của Giáo hội mẹ ta và vì những ai thường đến chung sống với họ vậy.


SUY NIỆM 7

Bức tranh “Ơn Gọi của Mát-thêu” rất nổi tiếng của họa sĩ Caravage, sinh năm 1571 tại Milan, Nước Ý, và qua đời năm 1610 ; bức tranh hiện đang được treo tại một nhà thờ nhỏ ở Roma.

a Mc 2, 13-17

*  *  *

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay mở đầu và kết thúc với “ơn kêu gọi”. Và Đức Giê-su không kêu gọi “những người công chính”, nhưng kêu gọi “những người tội lỗi”, là chính chúng ta, là mỗi người chúng ta. Và trong trường hợp của thánh Mát-thêu, đó không phải là ơn gọi “chung”, nhưng là ơn gọi tông đồ, là tông đồ thánh sử :

Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (c. 13)

Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. (c. 17)

Chúng ta đang ở trong “Năm Đời Sống Thánh Hiến”, hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ và cho ơn gọi dâng hiến, như lời Đức Thánh Cha mời gọi. Và xin cho tất cả chúng ta, dù đang sống trong ơn gọi nào, gia đình, đời tu hay độc thân, được đích thân nghe được tiếng gọi của Đức Giê-su : “Hãy theo Thầy”.

1. Đức Giê-su với lời mời gọi nhưng không

Cách Đức Giê-su gọi Mát-thêu và cách ông đáp lại thật quá đột ngột, vì theo lời kể của thánh sử Mác-cô và của thánh sử Mát-thêu nữa (x. Mt 9, 9), không hề có điều gì chuẩn bị cho biến cố này. Do đó, chúng ta thường suy đoán rằng, Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giê-su đi đến quyết định gọi ông Mát-thêu, và để ông Mát-thêu đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giê-su. Giống như một bạn trẻ đi tìm hiểu ơn gọi nơi một Hội Dòng, và cũng giống như hai bạn trẻ nam nữ tìm hiểu nhau một thời gian nào đó, trước khi đi đến quyết định “theo nhau” suốt đời. Các bộ phim về cuộc đời Đức Giê-su thường theo hướng này, nghĩa là cho thấy có sự quen biết trước, khi tái hiện ơn gọi của Mát-thêu. Trong thực tế, có thể đã xẩy ra như thế, nhưng tại sao các thánh sử không kể rõ ra ? Chắc chắn, các vị có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta ; và để truyền đạt một sứ điệp như là Lời Chúa, thì không cần phải kể hết mọi sự. Tương tự như khi họa sĩ vẽ tranh.

Thật vậy, trình thuật Tin Mừng mời gọi chúng ta vượt qua bình diện sự kiện để chiêm ngắm mầu nhiệm ơn gọi đến từ tình yêu nhưng không của chính Đức Giê-su : Đức Giêsu kêu gọi Mát-thêu như ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình. Cũng giống như khi Ngài gọi hai anh em Phêrô và An-rê, hai anh em Giacôbê và Gioan; Ngài gọi khi họ đang lay hoay với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống (x. Mc 1, 16-20). Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.

Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giê-su dành cho chúng ta: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?… Chúng ta hãy luôn làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giê-su, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta[1]. Và Chúa không chỉ kêu gọi chúng ta ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, nhưng ngay từ “TRONG BỤNG MẸ”, như thánh Phao-lô xác tín : “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người” (Gal 1, 15). Ân sủng tuyệt đối nhưng không này phải làm cho chúng ta “ngỡ ngàng” hơn nữa.

Và lời kêu gọi của Đức Giê-su mạnh đến độ làm bật tung Mát-thêu ngay tại nơi ông làm việc, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông. Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng gọi của Người. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta[2].

Ơn gọi thiết yếu là một tương quan, dù đã khởi đầu như thế nào và do hoàn cảnh ngoại tại hay nội tại như thế nào: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, như thánh Mát-thêu đã nghe, “đứng dậy và đi theo Người”. Cách Đức Giê-su gọi Mát-thêu và cách ông đáp lại chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày. “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó”. Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi.

 2. Chiêm ngắm cách Đức Giêsu tương quan với những người tội lỗi

Ông Mát-thêu đi theo Đức Giê-su, nhưng sau đó Ngài đi theo ông Mát-thêu về nhà ông! Mọi người dùng bữa và chắc chắn đó là một bữa ăn “say sưa”, vì chỉ toàn đàn ông và vì họ là “bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Vì đây là một bữa ăn, nên khi cầu nguyện với bài Tin Mừng này, chúng ta không chỉ nhìn và nghe, nhưng còn được mời gọi ngửi, nếm và đụng nữa :

- Chúng ta hãy cảm nhận không chỉ hương vị của các món ăn, nhưng còn hương vị của của tình bạn : tình bạn của mọi người dành cho Đức Giê-su và của Đức Giê-su dành cho mọi người.

- Chúng ta được mời gọi thưởng thức không chỉ bữa ăn, nhưng còn thưởng nếm sự đón nhận và sự gần gũi Đức Giê-su dành cho những người tội lỗi.

- Và chúng ta hãy để cho lòng mình được “đụng chạm” và được “tái sinh” bởi lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su.

Như thế, khi kêu gọi Mát-thêu, Ngài không chỉ muốn gặp ông ở nơi công cộng, nơi ông làm việc, nhưng còn muốn gặp ông nơi riêng tư nhất, nơi tất cả những gì làm nên con người ông: nhà của ông, gia đình của ông, bạn bè của ông; và đó là những tương quan diễn tả con người đích thật của ông, làm nên con người của ông.

Chúng ta thường nghĩ đi theo Chúa là phải đoạt tuyệt với gia đình, bạn bè, với quá khứ, với cuộc đời đã qua. Nhưng làm thế, chúng ta đâu còn là chính mình nữa! Và cũng không thể làm được vì tất cả những điều này làm nên con người hiện tại của chúng ta. Đức Giêsu muốn gặp gỡ và phải “băng qua” (x. Ga 4: “Ngài phải băng qua Samari”) tất cả những điều đó nữa, tất cả những gì thuộc về chúng ta, Ngài muốn gọi và gặp chúng ta như chúng ta là một cách hiện thực và trong sự thật. Tất cả sẽ được Đức Giêsu “hoàn tất”, chữa lành, tái tạo, chứ không phải bị loại bỏ (x. Mt 5, 17).

 3. “Tôi đến để kêu gọi… người tội lỗi”

Cách tương quan của Đức Giê-su đối với Mát-thêu, với các đồng nghiệp của ông và những người tội lỗi làm bật ra những ý nghĩ thầm kín của những người Pha-ri-sêu:  Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Sự “đồng bàn” này của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, sẽ mãi mãi khó được chấp nhận, không chỉ bởi những người Pha-ri-sêu, nhưng bởi con người thuộc mọi thời, trong đó có chính chúng ta, ngấm ngầm hay công khai. Như những người Pha-ri-sêu, chúng ta muốn “nhốt” Chúa vào trong một khuôn khổ tư tưởng,cơ chế định sẵn hay ảo tưởng không tì vết. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa : Ngài để mình bị bắt như một tội nhân, bị xét xử và lên án như một tội nhân, bị hành hình như tội tội nhân và ở giữa các tội nhân. Loài người chúng ta mãi mãi không thể thấu hiểu, tại sao Người lại phải đi con đường điền rồ và sỉ nhục như vậy, và thường hiểu theo cơ chế của Lề Luật.

Những người Pha-ri-sêu tế nhị không nói thẳng với Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu thì nói thẳng với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”; và trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Người còn thêm :

Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13)

Ngài ví mình như thầy thuốc, và đề nghị họ học một câu Kinh Thánh nói về điều Thiên Chúa ưa thích nhất. Để chúng ta sống nhân từ với nhau, Thiên Chúa luôn luôn nhân từ với chúng ta trước, và lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ cách tuyệt vời qua hành động chữa lành. Chúng ta được mời gọi nhận ra những bệnh hoạn tật nguyền của mình và để cho thầy thuốc Giê-su đến chữa lành, cây thuốc của Ngài là cây Thập Giá.

*  *  *

Đó chính là kinh nghiệm nền tảng về lòng nhân từ của Thiên Chúa, và chính kinh nghiệm này làm cho chúng ta có thể nhân từ với nhau và hiến dâng đời mình để làm chứng nhân. Nếu chúng ta tự cho mình là công chính, tự cho thôi và vì thế chỉ là ảo tưởng, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm về lòng nhân từ và cũng chẳng có thể sống nhân từ.  Đi theo Đức Giê-su, trong ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là ơn gọi thánh hiến, chính là đi theo “Hiện Thân Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa”.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

———-

[1] Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự ngỡ ngàng của Mát-thêu (nhân vật chỉ tay vào chính mình) trong bức tranh của Caravage.

[2] Trong bức tranh của Caravage, bàn tay hướng về Mát-thêu của Đức Giê-su được vẽ phỏng theo bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, trong bức tranh “Tạo Dựng Adam” của họa sĩ nổi tiếng người Ý Michelangelo (1475-1564).

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận