Ngày thứ hai trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/12/2014 03:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Ngày thứ hai trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Thánh Têphanô tử đạo tiên khởi. Lễ kính.

"Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha"
 
LỜI CHÚA: Mt 10,17-22
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng:
"Chúng con hãy coi chừng người đời.
Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường.
Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân.
Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho.
Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết.
Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.

 
Suy Niệm 1: Cuộc Tử Ðạo Tiên Khởi Của Thánh Stêphanô

Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Trong lá thư gởi cho các thiếu nhi khắp thế giới được ký vào ngày 3/10/1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng ta cái lý do sâu xa ấy. Ngài viết cho các em thiếu như nhi sau: "Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là đến ngày lễ theo truyền thống của Cựu Ước, tám ngày sau đó Hài Nhi đã được đặt tên, tên của Ngài là Giêsu".
Sau bốn mươi ngày chúng ta tưởng niệm việc Ngài được dâng hiến trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel. Trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra, vừa cùng với Hài Nhi đến trong đền thờ, Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên báo như sau: "Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài". Sau đó ông nói với Mẹ Maria: "Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra".
Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.
Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đó không phải là những lời nhắn nhủ mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi riêng cho các em thiếu nhi. Vì qua các em, Ngài cũng mời gọi tất cả mọi người sống một cách thiêng liêng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ngay trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.
Thật thế, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu? Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu của Ngài. Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa.
Ước gì niềm vui Giáng Sinh củng cố chúng ta trong những cố gắng theo Chúa Giêsu, sẵn sàng đón nhận và đương đầu với những thử thách bách hại mà Thiên Chúa an bài gởi đến cho chúng ta, như Ngài đã loan báo trước: "Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét".
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
 
Suy Niệm 2: Môn đệ sẽ bị bắt bớ.

Hôm nay lễ thánh Stêphanô vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Trong bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng sinh mà mừng kính một vị thánh tử đạo gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo hội đã có một lý do đặc biệt để mừng một vị thánh tử đạo vào chỉ một ngày sau lễ Giáng sinh. Trong thư gửi các thiếu nhi trên thế giới được ký vào 3/12/1994, Đức Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng ta cái lý do sâu xa ấy, Ngài viết:
“Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là những ngày lễ. Theo truyền thống Cựu ước, 8 ngày sau đó Hài nhi đã được đặt tên và tên của Ngài là Giêsu; sau 40 ngày, chúng ta tưởng niệm việc Ngài dâng hiến trong Đền thờ giống như bất cứ trẻ nam đầu lòng nào của Israel, trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường diễn ra: vừa cùng với Hài nhi đến trong Đền thờ, Đức Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài nhi trên tay và nói lên niềm vui vì đã được nhìn thấy ơn cứu độ, đồng thời nói với  Đức Maria: Trẻ này sẽ làm cớ cho nhiều người vấp ngã hay được chỗi dậy trong Israel, và là dấu gợi lên chống đối. Còn hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu ngõ hầu ý nghĩ của nhiều tâm hồn phải bày ra. Như vậy ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe loan báo về cuộc Tử nạn mà một ngày kia cũng bao gồm cả cuộc khổ nạn của Đức Maria: Ngày thứ sáu Tuần thánh. Người sẽ đứng thinh lặng bên Thập giá của Chúa. Cũng thế, không bao lâu sau khi Ngài sinh hạ, Hài nhi Giêsu đã phải đương đầu với một đe doạ trầm trọng: bạo vương Hêrôđê ra lệnh tàn sát các trẻ thơ dưới hai tuổi, và vì lý do này Chúa Giêsu bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai cập. Chắc hẳn chúng con đã biết những biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cùng với toàn thể Giáo hội, mỗi người chúng con hãy sống lại một cách thiêng liêng những biến cố này trong Mùa Giáng sinh”.
“Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố này trong Mùa Giáng sinh”, đó không chỉ là lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ riêng các thiếu nhi, nhưng qua các em, ngài cũng muốn nhắn nhủ tất cả chúng ta nữa, mầu nhiệm Giáng sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử nạn. Trong Hài nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc Tử nạn đã được báo trước. Có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng sinh, Giáo hội mừng kính vị tử đạo tiên khởi. Tin mừng hôm nay là một nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm Tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng sinh, phải chăng chúng ta không được mời gọi nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm Tử nạn, bóng Thập giá phải chăng đã không phủ trên máng cỏ của Hài nhi Giêsu?
Chiêm ngắm Hài nhi Giêsu trong máng cỏ, ôn lại những biến cố bi thảm trong quảng đời thơ ấu của Ngài, tưởng niệm cái chết của vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận và ơn gọi làm kitô hữu của chúng ta. Đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn cuộc sống của Ngài và như vị tử đạo tiên khởi đã vạch ra: Sống kiên trung đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho đức tin.
Ước gì niềm vui Giáng sinh củng cố chúng ta trong những cố gắng theo Chúa, sẵn sàng đón nhận và đương đầu với những thử thách và bách hại, bởi vì như Ngài đã báo trước: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét”.

Suy Niệm 3:

1. Bạo lực tận căn
Khi mà niềm vui của Lễ Giáng Sinh lên đến tột đỉnh vào đêm Giáng Sinh và cả ngày hôm qua, và khi mà niềm vui này hôm nay vẫn còn âm vang mạnh mẽ trong lòng chúng ta, thì với Thánh Lễ mừng kính thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi, lời của Đức Giê-su dường như nói cho chúng về một thực tế, có thể làm cho chúng ta băn khoăn, lo lắng, thậm chí buồn lòng, bởi lẽ, vì danh của Đấng mà chúng ta đang tưng bừng mừng sinh nhật và của Đấng mà chúng ta thuộc về và đi theo suốt đời, chúng ta sẽ « bị mọi người thù ghét » ! Và không chỉ bị người đời thù ghét, nhưng cả những người thân yêu nữa :
Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (c. 21-22)
Và sự thù ghét này đi rất xa : nộp cho các hội đồng, điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, đánh đập và giết đi. Sự chống đối được Đức Giê-su mô tả thật tận căn, một đàng để giúp chúng ta nhận ra năng động của bóng tối và của sự chết hiện diện ở khắp nơi và ở trong mọi người, và đàng khác để làm bật lên một tận căn khác, là ánh sáng và sự sống : “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (x. Ga 1, 4, bài Tin Mừng của Thánh Lễ Giáng Sinh ban ngày) ; bởi vì chỉ có sự tận căn này mới gây ra sự tận căn kia mà thôi. Đó là sự tận căn của chính Đức Giê-su, như Ngài nói trong bài Tin Mừng : « vì Thầy », « vì danh Thầy ».
2. Hiền lành tận căn
Vậy, vị Thầy của chúng ta là ai, ngôi vị của Ngài tận căn như thế nào, để có thể gây ra một sự thù ghét tận căn đến như vậy, đối với chính Ngài và đối với những người đi theo Ngài, như thánh Tê-pha-nô mà chúng ta mừng kính hôm nay ? Chúng ta hãy trở lại hang đá, nhìn ngắm « Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ », để nhận ra sự tận căn của Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể:
§  Hiện diện thinh lặng ngược lại với những biểu diễn và thành thích ồn ào.
§  Nghèo khó đơn sơ ngược lại với giàu có tiện nghi.
§  Hiền lành khiêm tốn ngược lại với sức mạnh thống trị.
Sự tận căn này được tỏ hiện nơi mầu nhiệm sinh ra của Đức Giê-su và sẽ được sống đến cùng nơi biến cố Thập Giá của Người. Chính khi chúng ta cảm nếm và yêu mến sự hiền lành và khiêm nhường tận căn của Đức Giê-su (x. Mt 11, 28-30), chúng ta sẽ tìm lại được sự bình an sâu thẳm, niềm vui bền vững, và có được lòng khao khát sống như Ngài và chết như Ngài, như thánh Tê-pha-nô.
Chính lòng khao khát này sẽ làm cho chúng ta, như đã làm cho thánh Tê-pha-nô, được tự do với những hành động đủ loại của Sự Dữ, đang hoành hành ở khắp nơi và dưới mọi hình thức.
3. Trở nên giống Đức Ki-tô
Sống theo Tin Mừng vì Danh Đức Giê-su, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, chúng ta sẽ bị “người ta” bách hại, hay gây khó khăn. Điều này dễ hiểu và chúng ta sẵn sàng đón nhận. Nhưng điều khó hiểu và khó chấp nhận, khi Đức Giê-su nói tới sự bách hại đến từ chính những người thân yêu của chúng ta: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”.
Khi Đức Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người nói: “Thầy sai anh em đi đi như chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. “Người đời” đã bách hại Thầy và “người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể.
Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, có nơi chính các môn đệ, và có ở nơi chúng ta nữa! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.
Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho Thầy” (c. 18). Và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ hi sinh sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm”, như thánh Phaolo đã kinh nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Đức Ki-tô phục sinh sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thực vậy, Đức Giê-su nói: “Thần Khí của Cha anh em sẽ nói trong anh em”, và “ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát”.
*  *  *
Xin cho chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn vì Danh Đức Giê-su và vì Tin Mừng của Người, cảm nghiệm được niềm vui sâu xa, vì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được tái hiện lại nơi cuộc đời của chúng ta, vì được trở nên giống như Người, vì được trở nên một với Người, vì được Người nâng đỡ và chăm sóc cách đặc biệt, như Người nói: “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”!
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 4

Trong Mầu nhiệm Giáng sinh, Con Thiên Chúa làm người để cho con người được làm con Chúa. Đây là một cuộc trao đổi kỳ diệu. Cuộc trao đổi kỳ diệu này thể hiện rõ nơi cuộc đời thánh Stêphanô.  Ngài là người giống Chúa Giêsu, giống về quyền năng làm phép lạ và rao giảng với tài lợi khẩu, giống Chúa Giêsu trong cách thế tha thứ cho kẻ giết mình: “Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7,60). Như thế, thánh Stêphanô là người sống mầu nhiệm nhập thể cách triệt để nhất.
Chúng ta mừng lễ Chúa Giáng sinh cũng là mừng mầu nhiệm nhập thể, nghĩa là để cho Thiên Chúa đi vào để biến đổi đời ta mỗi ngày nên giống Ngài.
Lạy Chúa, xin cho chúng ta không chỉ sốt sắng chiêm ngưỡng Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ nơi hang đá trong nhà thờ, mà còn xin Ngài nhập thể vào con người chúng ta giống như thánh Stêphanô vậy, để chúng ta càng ngày càng sống như Chúa, làm việc như Chúa và chết như Chúa. Amen.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận