Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh

Đăng lúc: Thứ ba - 06/01/2015 02:08 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH

Bài đọc (1 Ga 4, 7-10)
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.

Tin Mừng (Mc 6, 34-44)
Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”. Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”. Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.


Suy niệm 1: NHƯ TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA
Sau những ngày rao giảng, các Tông đồ trở về bên Đức Giê-su thuật lại cho Ngài nghe về những điều các ông đã thấy, đã gặp và đã làm. Bằng sự ân cần đầy tình yêu thương, Đức Giê-su đã dạy cho các Tông đồ thấy điều tối cần sau những hoạt động giảng dạy là: sự nghỉ ngơi nơi thanh vắng. Tuy nhiên trước nhu cầu của đám đông dân chúng, Đức Giê-su không thể làm ngơ vì trái tim mục tử nhân hậu của Ngài không bao giờ khép lại trước đàn chiên của mình. Chạnh lòng thương xót họ, Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, cho họ ăn uống và hướng dẫn họ tiếp tục cuộc hành trình.
Dù rất muốn vào một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi trước khi tiếp tục rao giảng, nhưng trước nhu cầu của đám đông dân chúng đang đói khát cả tinh thần lẫn vật chất kia, Đức Giê-su đã dừng lại: “Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Trước khi ban cho họ lương thực là tấm bánh nuôi sống con người họ, Đức Giê-su đã làm cho tâm hồn họ được thỏa thuê nhờ lời giảng dạy của Ngài. Ngài đem lại cho dân chúng lương thực thiêng liêng là Lời Chúa bởi Ngài biết rõ chỉ có Lời Chúa mới giúp họ được no thỏa, mà không còn phải đói khát. Thế nhưng, trước lời đề nghị của các Tông đồ: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”. Giải tán dân chúng lúc này, e cũng là điều hợp lý, vì họ cũng phải về lại với gia đình, lo toan cho gia đình của họ. Hơn nữa, với số đông dân chúng như vậy, không thể tìm đâu ra nguồn lương thực đủ đáp ứng nhu cầu cho ngần ấy người lúc này. Các Tông đồ tỏ ra lúng túng, chẳng biết phải giải quyết thế nào nên việc giải tán đám đông là giải pháp đầu tiên mà các Tông đồ nghĩ ra. Thế nhưng cách xử thế của Đức Giê-su không giống như cách của con người thường làm với đồng loại của mình. Ngài không thờ ơ trước nhu cầu thực tế trước mắt của họ nên Ngài đã trả lời các Tông đồ: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!”. Và, với sự cộng tác của các Tông đồ: Ngài ban cho họ cả bánh và cá, nhiều đến nỗi: không chỉ tất cả mọi người đều cảm thấy thỏa thuê, mãn nguyện mà còn dư được đến mười hai thúng đầy: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông”.
Chúng ta được mời gọi cộng tác vào công việc giảng dạy của Chúa và việc chia sẻ với anh chị em xung quanh chúng ta nguồn lương thực nuôi sống con người. Khi cùng các Tông đồ phân phát bánh và cá cho dân chúng, Đức Giê-su muốn chính mỗi người chúng ta cũng chia sẻ cho nhau những gì chúng ta sở hữu được. Hơn thế nữa, chúng ta cũng được mời gọi trở nên tấm bánh cho những người chung quanh mình như chính Đức Giê-su đã thực hiện giao ước tình yêu và trao ban bản thân, trao ban mạng sống của mình cho con người làm lương thực nuôi sống họ. Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta trở nên tấm bánh bẻ ra cho đời và Ngài còn mời gọi chúng ta đi vào trong bữa tiệc hiệp thông trong tình huynh đệ như các Tông đồ trao cho dân chúng phần ăn nhỏ bé của mình và của người khác.
Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết chia sẻ thời giờ, sự hy sinh, tinh thần phục vụ, biết chia sẻ lòng bao dung yêu thương, tha thứ cho những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Có như vậy chúng ta mới thực sự là những người sống lời mời gọi của Chúa trở nên niềm vui và tấm bánh cho đời.

Suy niệm 2
Đói là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người và trong ngôn ngữ thánh kinh nó không chỉ có nghĩa là một nhu cầu khẩn thiết về cơm bánh hằng ngày mà còn về tất cả những gì cần cho con người sống một cách xứng hợp. Do đó, tổ tông chúng ta đã được Thiên Chúa đặt trong vườn Địa Đàng, nơi đó họ có đầy đủ những gì cần thiết: sự thân tình với Thiên Chúa và tìm được của ăn nuôi thân không chút mệt nhọc. Trong hoang địa, Thiên Chúa can thiệp cách lạ lùng để ban manna nuôi sống dân chúng. Đức Giêsu nhìn thấy đám đông và động lòng thương vì họ như đàn chiên không người chăn. Thật ý nghĩa, sự động lòng thương của Thiên Chúa: đoàn dân đói khát sự thật, muốn tìm một chủ chăn, một người dẫn đường chắc chắn. Cơn đói gặm nhắm tinh thần là cơn đói sinh ra đau khổ lớn hơn hết khi không được thoả mãn. Nên Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy cho họ nhiều điều. Ngài biết rõ rằng sự đói khát của tâm hồn quan trọng hơn sự đói khát thể xác nên Ngài lo cho họ trước điều này. Và khi để thoả mãn cơn đói thể xác của họ, Đức Giêsu nói với các môn đệ: ‘Chính anh em hãy cho họ ăn đi’. Một sứ mạng cho giáo hội. Ngài muốn giáo hội thực thi đức bác ái, quan tâm đến mọi nhu cầu của con người, luôn sẵn sàng giúp đỡ bằng tất cả mọi phương cách. Chúng ta có thể nói được rằng ngày nay tất cả những ai biết Đức Kitô, đều cảm thấy khẩn thiết mệnh lệnh của Chúa, một sứ vụ cần phải hoàn thành. Học thuyết xã hội của giáo hội là điểm tham chiếu rõ ràng cho mọi người, ngay cả cho những người hoạt động hết mình cho chính trị. Giáo hội về phần mình không ngừng tỏ ra là mẹ và là thầy trong lãnh vực đức ái và công bình, luôn tin nhận rằng dưới những lớp áo rách rưới của người nghèo là khuôn mặt của chính Đức Kitô. Một thách đố cho các thừa tác viên của giáo hội, của những người kế vị các tông đồ. Đức Giêsu trước khi trở nên tấm bị bánh bẻ ra, đã mời gọi các môn đệ cũng hãy làm như Ngài: là tấm bánh bẻ ra cho những ai đói khát.

Suy niệm 3: DÂNG CHÚA ‘ÍT’, CHÚA ‘XÍT’ RA NHIỀU!
“Chúng con phải đi mua đến hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?”… “Có năm cái bánh và hai con cá.” (Mc 6,37-38)
Suy niệm: Dù Thầy đã ra lệnh: “Anh em hãy cho họ ăn,” các môn đệ vẫn cảm thấy lực bất tòng tâm, nên tìm cách thoái thác với những lý do thật chính đáng: dân chúng quá đông (hơn năm ngàn người đàn ông), rồi “trời tối rồi; nơi đây vắng vẻ; hãy để họ vô các làng mạc xung quanh” (c. 35); hay “phải mua đến hai trăm quan tiền bánh …” Cũng vây, đứng trước khó khăn, chúng ta hay có những suy nghĩ theo kiểu “bó tay”: con đâu đủ sức; con quá khó khăn; còn phải kiếm cơm… mà quên rằng Chúa chỉ cần chúng ta dâng cho Ngài hạt cải, hạt muối, nắm men, năm cái bánh, hai con cá… chừng ấy cũng đã đủ để Chúa nuôi sống con người, đủ để giúp ta vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời.
Mời Bạn: Chúng ta thường hay đòi hỏi điều kiện “ắt có và đủ” như thời giờ, khả năng, kinh tế… rồi mới dấn thân hoạt động tông đồ. Mời bạn và tôi hãy thay đổi lối suy nghĩ: tránh tất cả các ý nghĩ tiêu cực cản trở lời mời gọi dấn thân, nhưng hãy đặt vấn đề cách tích cực: “Với những khả năng hiện có, tôi có thể làm gì cụ thể để góp phần xây dựng Nước Chúa?”
Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng cống hiến với tất cả khả năng dù nhỏ bé của mình cho người anh em đang cần đến, với niềm xác tín rằng Chúa sẽ thực hiện phần còn lại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa tín nhiệm mời gọi chúng con cộng tác với Chúa làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Xin cho chúng con lòng quảng đại, biết dâng cho Chúa những gì mình có cho công cuộc cao đẹp này. Amen.

Suy niệm 4
Phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện trong bài Tin Mừng hôm nay chắc hẳn là quá quen thuộc đối với mỗi người chúng ta. Nó quen thuộc không chỉ vì được ghi lại trong cả 4 sách Tin Mừng, mà còn vì phép lạ này liên hệ chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể, với Thánh Lễ mà chúng ta cử hành ngày hôm nay. Thực vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình ảnh báo trước cho Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập trong buổi tiệc ly. Và phép lạ này thực sự vẫn luôn được tiếp diễn hằng ngày, hằng giờ qua các Thánh Lễ được cử hành trên khắp thế giới.
Có rất nhiều điều để chúng ta có thể chia sẻ trong phép lạ này nhưng chỉ xin dừng lại ở một chi tiết nằm ở ngay đoạn đầu tiên của bài Tin Mừng, đó là sự “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu: “Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34).
Khi nhìn lên thì chúng ta thấy mình không bằng ai, nhưng khi nhìn xuống thì thấy không ai bằng mình. Tôi được may mắn đến với những giáo xứ nghèo, quê mùa, nên thấy rõ điều đó. Họ không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo về tinh thần nữa, để rồi nghèo cứ nghèo, ngóc đầu lên không nổi. Cái nghèo có khi không do họ, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, thiếu thốn, để rồi đưa họ đến số phận như thế.
Chắn hẳn khi chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, những khó khăn vất vả và đau thương ai cũng sẽ phải chạnh lòng thương. Thế nhưng, đằng sau cái “chạnh lòng thương” đó là gì mới quan trọng. Đứng trước biết bao cảnh đời khó khăn, chúng ta dễ có ý nghĩ, một mình tôi thì làm được gì. Chúng ta cứ muốn đòi phải làm cái gì đó lớn lao, hoành tráng, mọi người thấy; nhặt 1 cọng rác thì có thấm gì đâu so với con đường đầy rác. Đó là suy nghĩ của con người chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ “chạnh lòng thương”, mà cái “chạnh lòng thường” của Ngài còn đưa đến hành động cụ thể. Ngài dạy dỗ họ và chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Ngài không để cho họ tự tìm thức ăn. Ngài bảo các môn đệ rằng: “Anh em hãy cho họ ăn”. Và Ngài đã thực hiện một phép lạ để cho họ ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá.
“Một con chim én không làm nên mùa xuân”, nhưng ít ra nó cũng là dấu chỉ báo hiệu mùa xuân đang đến. Thật vậy, sự cố gắng của chúng ta hay một vài cá nhân nào đó thiết nghĩ không thể đem thế giới này trở lại tình trạng tốt đẹp ban đầu; nhưng sự cố gắng đó cũng làm nên những dấu chỉ của niềm hy vọng thế giới sẽ được biến đổi cách nào đó mà chỉ có Chúa mới biết. Cũng vậy, 5 chiếc bánh và 2 con cá chẳng là gì so với hơn 5000 người đàn ông; nhưng với Chúa thì không gì là không thể. Và ngày hôm nay, qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài nuôi sống linh hồn của toàn thế giới.
Cha Cha Mt. Lê Ngọc Bửu, hiện đang là Cha tuyên úy dòng Chúa Quan Phòng Cần Thơ, có nói một câu mà tôi rất tâm đắc; cha nói rằng: “Sự quan phòng của Thiên Chúa chính là làm cho người này trở thành sự quan phòng cho người kia”. Điều đó muốn nói lên rằng, mỗi hành động yêu thương của chúng ta dành cho tha nhân, cũng chính là sự quan phòng của Chúa dành cho họ; qua chúng ta mà Chúa đến với con người, nhất là những người nghèo khổ.
Lạy Chúa, trong thế giới ngày hôm nay, vẫn còn biết bao cảnh đời khó khăn gian khổ, họ đang cần đến chúng con, xin cho chúng con trở nên những cánh tay nối dài của Chúa, biết trao ban cho người khác những gì mà chúng con đã được nhận lãnh; và sẵn sàng chia sẻ mọi thứ mà chúng con có. Amen!
***
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !
Tình yêu Chúa thật bao la vô bờ. Trái tim Chúa luôn nhạy cảm trước nhu cầu của nhân loại. Năm xưa Chúa đã chạnh lòng xót thương đoàn người lam lũ bơ vơ, không người chăn dắt. Chúa đã quy tụ họ lại, giảng dạy cho họ và Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ.
Lạy Chúa, chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, mà Chúa đã biến hóa nhiều thật nhiều đến nỗi phân phát đầy đủ cho trên năm ngàn người ăn no nê mà vẫn còn dư đầy. Chúa thật là Thiên Chúa, đầy quyền năng. Chúng con xin tán dương Chúa. Đây là một sự kiện chứng tỏ lòng yêu thương nhân hậu của Chúa đối với nhân loại. Chúa luôn quan tâm săn sóc cuộc sống của con người từ vật chất đến tinh thần. Những người được Chúa nuôi ăn năm xưa, là những người nghèo khổ, họ đói khát cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ nhiệt thành đi theo Chúa để nghe Chúa giảng dậy và họ được Chúa bồi dưỡng không chỉ bằng lời Chúa mà con được Chúa ban cho của ăn dư đầy.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con tin rằng, nguồn lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng con hôm nay, đó chính là Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa chính là Đấng tác tạo nên chúng con, là sức sống của chúng con, là nguồn cậy trông, là tình yêu vô bờ bến. Chúa đã hiện diện trong phép Thánh Thể để nói lên lòng Chúa yêu thương chúng con biết bao. Cũng như ngày nào năm xưa, tình yêu ấy được ban phát cho năm ngàn người đi theo Chúa, bên Chúa họ được no đầy phần hồn cũng như phần xác. Tình yêu đó vẫn tiếp tục đong đầy cho cuộc đời cho chúng con hôm nay. Xin cho chúng con được no đầy ân phúc của Chúa. Chúng con hứa sẽ cố gắng sống theo ý Chúa, và biết tìm đến với Chúa, để bên Chúa chúng con mãi mãi được no say tình Chúa như họ. Amen.
 
Suy Niệm 5: Bánh hóa nhiều lần thứ nhất.

Bài Tin Mừng hôm nay cho  thấy Chúa Giêsu đã tỏ lộ chính cõi lòng của Ngài, cõi lòng của một mục tử: khi thấy dân chúng đông đảo, Chúa động lòng thương xót, vì họ như chiên không có người chăn.
Việc Chúa tỏ mình bao giờ cũng nhằm làm cho con người được sống và sống hạnh phúc. Chúa đến với con người không phải để đè bẹp hay để làm con người phải sợ hãi, nhưng Ngài đến để yêu thương, để cứu độ con người. Thật vậy, khi Chúa tỏ lộ tấm lòng mục tử của Ngài, thì cảnh bơ vơ lạc lõng của người ta không còn nữa. Tấm lòng mục tử của Ngài không dửng dưng trước nỗi bi đát của con người. Tấm lòng ấy đã làm mọi sự vì con người và cho con người. Và qua tấm lòng ấy, người ta còn nhìn ra chính tấm lòng của Thiên Chúa: Chúa Giêsu chính là ân huệ bằng xương bằng thịt mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.
Đứng trước sự tỏ lộ đầy yêu thương ấy, chúng ta hãy có thái độ biết ơn và vui mừng, cố gắng trở nên những con chiên ngoan hiền bên vị Mục tử nhân hậu và cùng với Ngài tỏ lòng cảm thương những con chiên bơ vơ lạc lõng.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận