Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật Gs

Đăng lúc: Thứ ba - 30/12/2014 02:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS

Bài đọc (1Ga 2, 12-17)
Hỡi các con, ta viết cho các con, vì tội lỗi các con được tha vì danh Người.
Hỡi các phụ huynh, ta viết cho các con, vì các con đã nhận biết Ðấng vẫn có từ ban đầu.
Hỡi các thiếu niên, ta viết cho các con, vì các con đã chiến thắng quỷ dữ.
Hỡi các trẻ nhỏ, ta viết cho các con, vì các con đã nhận biết Chúa Cha.
Hỡi các thanh niên, ta viết cho các con, vì các con dũng cảm, và lời Thiên Chúa vẫn ở trong các con, và các con đã chiến thắng quỷ dữ.

Các con đừng yêu mến thế gian và những điều thuộc về thế gian. Nếu ai yêu mến thế gian thì lòng mến của Chúa Cha không có trong kẻ ấy. Vì mọi sự ở trong thế gian là đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt, và kiêu căng vì của cải, những điều đó không phải bởi Chúa Cha, nhưng bởi thế gian mà ra. Và thế gian qua đi với đam mê của nó. Còn ai thực hiện thánh ý Thiên Chúa, thì tồn tại muôn đời.

Tin mừng (Lc 2,36-40)
Khi ấy, có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.


Suy niệm 1

Bằng thể văn Hịch, lời hiệu triệu của thánh Gioan trong bài đọc 1 kêu mọi thành phần con cái Chúa: từ các phụ huynh đến các thiếu niên, trẻ nhỏ, thanh niên và mọi Kitô hữu hãy can đảm đứng lên chống lại những quyến rũ của thế gian mà thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
Để trung thành thi hành ý Chúa theo lời hiệu triệu của Thánh Gioan, đòi hỏi con cái Chúa phải can đảm từ bỏ: Bỏ những đam mê xác thịt, bỏ những những cái nhìn bất chính của đôi mắt, khử trừ tính kiêu căng và loại bỏ thói ba hoa muốn hơn người…Từ bỏ vốn dĩ rất khó. Dẫu Khó nhưng không có nghĩa là không thể. Bởi lẽ Thánh Gioan cho biết chính Chúa đã trang bị cho chúng ta những khí giới hữu hiệu như:
- Nhờ sự chiến thắng của Chúa Giêsu, nên những ai liên kết với Ngài cũng sẽ chiến thắng như Ngài.
- Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa, được tha thứ mọi tội lỗi được liên kết cùng Giáo hội tạo nên sức mạnh chống lại sức quyến rũ của thế gian.
- Hơn thế nữa Lời Chúa chính là vũ khí sắt bén giúp chúng ta vượt thắng mọi cám dỗ trần thế. Chính nhờ sức mạnh của Lời Chúa mà Chúa Giêsu đã chiến thắng những cơn cám dỗ nơi hoang địa.
Xin cho chúng ta biết tích cực đáp lại lời kêu gọi của Thánh Gioan để trung thành sống theo thánh ý Chúa. Xin đừng bao giờ để những cám dỗ của thế gian lôi kéo chúng ta xa cách Chúa và Gíao hội.

Suy niệm 2: NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐÍCH THỰC

Bà liền chúc tụng Chúa và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. (Lc 2,38)
Suy niệm: “Hãy nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe; và hãy nói về những người quanh bạn cho Chúa nghe”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của việc truyền giáo của Giáo Hội. Bà An-na trong đoạn Phúc Âm hôm nay là người đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế. Chắc chắn trong suốt thời gian sống ẩn dật, bà đã “nói với Chúa” rất nhiều về con người trong thời đại đó và về nỗi khát khao ơn cứu độ của họ. Được Chúa thương cho diện kiến Vị Cứu Tinh và được đụng chạm đến Người, bà đã không giữ lại cho riêng mình nhưng ngay lập tức “nói về Chúa”, công bố tình thương Chúa cho mọi người. Qua đó, sứ mạng của nhà truyền giáo được thực hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ, đầy lòng tin và sự nhiệt thành. Bà An-na là mẫu mực cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống và hành động trong việc loan truyền Lời Chúa.
Mời Bạn: Gặp Chúa qua việc cầu nguyện và rao giảng Chúa cho người khác là hai hành động không thể thiếu của người tín hữu. Bạn đã cầu nguyện bằng thái độ nào và rao giảng Lời Chúa bằng cách thức nào?
Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm câu nói của thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Lời Chúa.”
Cầu nguyện: Xin cho con biết nói với Chúa về mọi người và được ơn thúc bách nói cho mọi người biết về Chúa, trong mọi hoàn cảnh, và bằng những cách thức thuyết phục nhất để Danh Chúa được loan truyền. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh thể,
Chúa đã đến trần gian trong âm thầm lặng lẽ. Chúa không đến để thay đổi nhịp sống của con người. Chúa không làm đảo lộn cuộc sống bằng những việc phi thường. Nhưng một cách nhẹ nhàng Chúa đi vào dòng đời trong thân phận một hài nhi nhỏ bé. Chúa lớn lên trong một thôn làng bình thường như bao trẻ thơ khác. Chúa cũng từng bước: học ăn, học nói, học gói, học mở như bao trẻ thơ khác, nhưng điều quan yếu là Chúa luôn được ơn nghĩa cùng Chúa Cha.
Lạy Chúa Giê-su hài đồng mến yêu, xin cho chúng con đôi mắt đức tin như bà Anna để có thể nói với Chúa và nói về Chúa cho anh em. Bà Anna đã mãn nguyện khi được bồng ẵm Đấng mà bà tôn thờ nơi hài nhi bé nhỏ. Bà được diễm phúc nhận ra Chúa trong khung cảnh rất đời thường. Xin cho chúng con được diễm phúc nhận ra Chúa đang hiện diện với chúng con qua Thánh Thể, qua các bí tích và qua tha nhân đang đồng hành với chúng con. Xin giúp chúng con biết vui với phận mình và đón nhận thập giá của bổn phận với niềm yêu mến Chúa sắt son. Xin giúp chúng con biết tận dụng khả năng, hoàn cảnh của mình để nói về Chúa cho anh em.
Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con luôn được sống trong ân nghĩa của Chúa. Xin cho chúng con luôn được sống trong ân sủng và tình thương của Chúa. Amen.
 
Suy Niệm 3: Lời Tiên Báo Về Chúa Hài Nhi

Vào một mùa Giáng Sinh nọ, trước giờ đi lễ, vị chủ nông trại đang ngồi thưởng thức nhạc Giáng Sinh, bỗng đâu cả đàn ngỗng của ông tụ lại trước sân nháo nhác tìm chỗ trú. Chúng vừa đói, vừa lạnh, lông cánh rối bời. Tất cả người làm đều đã nghỉ cả, người chủ cũng đều sắp đóng cửa để về thành phố dự Thánh Lễ. Bởi vậy ông bèn ra lùa đàn ngỗng về chuồng, nhưng chúng không biết ông nên dù cho gào thét khàn cả tiếng, chạy ngược chạy xuôi, đã rời cả đôi chân mà ông vẫn không đem được một con nào về chuồng. Thấy vậy ông thầm ước với mình: "Ước gì tôi được làm ngỗng trong chốc lát, để tôi có thể dùng tiếng loài ngỗng mà nói cho chúng hiểu ước muốn của tôi và cho chúng biết đâu là chốn hiểm nguy, đâu là nơi an toàn". Bỗng chốc, ông đã thành một con ngỗng đứng giữa bầy như ước nguyện.
Có thể chúng ta sẽ là phi lý khi thấy người biến thành ngỗng. Thế nhưng, có một điều khác còn phi lý hơn nữa mà Giáo Hội đang mời gọi chúng ta chiêm ngắm, đó là hang đá Belem, nơi Thiên Chúa Vua Cả trời đất giành lấy thân phận làm người, sinh ra trong hang bò lừa máng cỏ. Ngài làm người để rồi Ngài sẽ dùng ngôn ngữ của loài người mà chỉ dạy cho con người lối về quê thật.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta một trong những điều con người được nhận lãnh nhờ vào hành động phi lý ấy. Là Ngôi Hai Thiên Chúa thì Chúa Giêsu đâu cần phải được hiến dâng cho Thiên Chúa theo luật Môisê, thế nhưng ngài vẫn tuân giữ nghi lễ này, vì Ngài muốn giống con người trong hết mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài giống con người để con người không còn phải e ngại khi đến với Ngài cũng như hiểu được lời mời gọi của Ngài. Nếu trước đây, Ngài đã sinh ra trong chuồng bò là để cho mọi người có thể đến với Ngài, không phân biệt giàu sang hay nghèo khổ, có địa vị hay chỉ là dân đen. Các trẻ chăn chiên được mời gọi, ba nhà đạo sĩ Phương Ðông được chỉ lối, tất cả đến với Ngài và đã tìm được nguồn vui.
Hôm nay, Ngài vào Ðền Thánh bằng nghi lễ thanh tẩy và hiến dâng. Thật ra chỉ có con người tội lỗi mới cần thanh tẩy, chỉ có loài thụ tạo mới cần hiến dâng. Vậy mà Chúa Giêsu Ngài vẫn chấp nhận tất cả để nên như một cơ hội quí báu cho tiên tri Siméon và Anna gặp Ngài. Niềm vui bấy lâu mong đợi, giờ đây Siméon đã đạt được như ý nguyện, giờ đây ông có thể ra đi bình an không còn gì phải tiếc nuối.
Siméon và Anna là tiêu biểu cho nhóm những người nghèo của Giavê. Họ ăn chay cầu nguyện, sống nghèo khổ để canh thức trông chờ Ðấng Cứu Thế, dù cho cuộc sống có đầy dẫy những lạc thú thì vẫn không quyến dũ được họ cho bằng niềm vui cứu chuộc họ đang trông chờ.
Thời gian chờ đợi luôn là thời gian dài dẵng lê thê và nếu dành cả một đời để trông ngóng đợi chờ thì không khỏi bị coi là phi lý điên rồ. Chắc chắn Siméon và Anna cũng bị gán cho nhãn hiệu này. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại cần đến sự phi lý điên rồ ấy, vì Ngài cũng đã từng hành động như vậy. Một Ðấng Tạo Hóa mà lại hóa thân làm một thụ tạo. Một người Chủ uy quyền mà lại nhận thân phận tôi tớ. Siméon và Anna đã chấp nhận con đường này và Thiên Chúa đã đáp lời họ.
Thế nhưng, khi hưởng niềm vui bất diệt ấy, họ lại chỉ không dành hết cho mình nhưng còn mau mắn chia sẻ với người khác. Bà Anna đã nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel, vì thế bà được coi là nữ tiên tri, dù rằng suốt cuộc sống bà cũng chẳng làm một điều gì như các tiên tri ở Israel.
Vị tiên tri là gì nếu không phải là kẻ truyền rao Thiên Chúa, truyền rao ơn cứu độ. Như vậy, chúng ta có thể gọi bà Anna là mẫu mực cho người tín hữu trong cuộc sống và hành động. Bà đã can đảm và chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn trong chay tịnh và cầu nguyện, cũng như luôn hy vọng đợi chờ, dù cho sự việc chẳng biết bao giờ mới xảy ra và khi đã đón nhận hồng ân thì lại sẵn sàng truyền rao chia sẻ cho kẻ khác. Hồng ân bà nhận được hôm nay luôn là một chứng từ thôi thúc tín hữu thêm lòng cậy trông, vì Thiên Chúa sẽ không chê bỏ những ai đặt hết hy vọng vào Ngài.
Trong mùa Giáng Sinh, mùa kỷ niệm một biến cố phi lý mà con người không thể hiểu thấu. Ước mong rằng mỗi người trong chúng ta biết bắt chước như bà Anna là sẵn sàng đón nhận những đau khổ, những phi lý về ơn cứu độ và nhất là luôn nhớ sứ mệnh tiên tri đã được trao ban từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để rồi ta có thể bắt chước thánh Phaolô mà nói được như Ngài: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Ðức Kitô". Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
 
Suy Niệm 4: Mẫu người thánh thiện
Bầu khí tưng bừng của Mùa Giáng sinh dễ làm chúng ta quên đi một sự kiện quan trọng đó là Con Thiên Chúa đã đến thế gian một cách hết sức nhẹ nhàng, êm thắm. Ngài không đến để phút chốc làm đảo lộn tất cả nhịp sống bình thường của con người, nhưng chỉ tế nhị thay đổi từ từ cõi lòng và đời sống mỗi người bằng tình thương dịu dàng của Ngài.
Bài Tin mừng hôm nay gợi lên cho ta một mẫu người thánh thiện nơi bà Anna. Tác giả Tin mừng theo thánh Luca gọi bà là một tiên tri, nhưng theo ý kiến các nhà chú giải thì bà chỉ là một người đơn sơ bé nhỏ thuộc về nhóm những người nghèo của Yavê, những kẻ ưu tiên được hưởng lời hứa và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Bà chỉ xuất hiên một lần trong biến cố dâng Chúa vào Đền thờ. Dung mạo bà được mô tả bằng những chi tiết đơn sơ nhưng thật quan trọng: bà đã được 84 tuổi đời, goá bụa nghèo khó, trung thành với những bổn phận đạo đức, sống nơi đền
Bài Tin mừng hôm nay gợi lên cho ta một mẫu người thánh thiện nơi bà Anna. Tác giả Tim mừng theo thánh Luca gọi bà là một tiên tri, nhưng theo ý kiến các nhà chú giải thì bà chỉ là một người đơn sơ bé nhỏ thuộc về nhóm những người nghèo của Yavê, những kẻ ưu tiên được hưởng lời hứa và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Bà chỉ xuất hiên một lần trong biến cố dâng Chúa vào Đền thờ. Dung mạo bà được mô tả bằng những chi tiết đơn sơ nhưng thật quan trọng: bà đã được 84 tuổi đời, goá bụa nghèo khó, trung thành với những bổn phận đạo đức, sống nơi Đền thờ, phụng sự Thiên Chúa ngày đêm trong kinh nguyện và trong chay tịnh. Thật khó mà sống được như thế nếu không cố gắng cộng tác với ơn Chúa. Bà tin tưởng vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa sẽ thực hiện và cuối cùng đã được nhìn thấy Đấng Cứu Chuộc nơi Hài nhi Giêsu.
Mỗi người chúng ta có thể noi gương bà Anna sống kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện và chay tịnh, nghĩa là sông đời khổ hạnh, để có thể nhìn thấy hành động của Thiên Chúa trong lịch sử nói chung và trong chính đời sống mỗi người chúng ta nói riêng. Không phải sự khôn ngoan thông thái làm cho con người gặp được Thiên Chúa  và lãnh nhận ơn cứu rỗi của Ngài, nhưng chỉ những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng, như bà Anna mới lắng nghe được lời mời gọi đến gặp Chúa.
Chiêm ngắm Hài nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta hãy xin Ngài ban cho ánh sáng và sức mạnh hầu diệt trừ mọi ảnh hưởng của thế gian và chân thành phụng sự Chúa trong khiêm tốn và yêu mến.
 
SUY NIỆM 5
1. Theo Luật Chúa truyền (v. 21-24)
Luật được nói tới nhiều lần trong trình thuật: c. 21 (“đến lúc phải”), c. 22, 23, 24, 27 và 39. Về mặt Lề Luật có ba nghi thức: lễ cắt bì, dâng của lễ thanh tẩy người mẹ (Lv 12, 1-8) và đóng tiền chuộc cho con trai đầu lòng (Xh 13, 2.13.15; 34, 20; Ds 18, 15-16). Về lễ thanh tẩy người mẹ sau khi sinh, luật buộc phải dâng một con chiên 1 tuổi làm lễ toàn thiêu, nếu nhà nghèo thì dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Như thế, Thánh Gia thuộc diện gia đình nghèo.
Nhưng Luật không buộc dâng tiến con trai cho Đức Chúa, nhưng các ngài vẫn tiến dâng hài nhi Giêsu cho Đức Chúa. Như thế, Đức Maria và Thánh Giuse hoàn tất lề luật bằng cách “vượt qua lề luật”: chu toàn lề luật bằng lòng biết ơn và lòng mến (chứ không phải vì bị ép buộc), và được thúc đẩy bởi lòng biết ơn và lòng mến, làm hơn cả sự đòi hỏi của luật (chẳng hạn như luật ăn chay, luật đi lễ, xưng tội, luật không giết người). Trong cuộc sống, nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta luôn được mời gọi không chỉ sống theo lề luật nhưng còn chọn sống theo một năng động, năng động qui về Chúa hay năng động qui về mình hoặc “những sự khác”, bởi vì Luật không thể qui định hết mọi việc phải làm hay phải tránh. Vì thế, trong truyền thông đời tu, ngày Lễ Thánh Gia dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa, thường được chọn để tổ chức lễ khấn; hoặc bài Tin Mừng này thường được chọn cho ngày lễ khấn.
Đức Maria đã nói lên lời xin vâng: « Tôi đây là nữ  tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như như lời sứ thần nói ». Lời này của Đức Maria phát xuất từ năng động của lòng yêu mến. Những gì xẩy ra cho mình không còn theo ý mình, chương trình của mình nữa, nhưng là theo ý muốn của Thiên Chúa. Đương nhiên là không dễ đối với Đức Mẹ : vì Mẹ được mời gọi dâng lại cho Thiên Chúa chính người con mình sinh ra, giống như Abraham, người con từ xương thịt máu huyết của mình, để cho con của mình thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải của mình; và nếu theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì Mẹ phải chịu thử thách và đau khổ nhiều. Như thế, Mẹ Maria đã học biết dâng con mình cho Đức Chúa ngay lúc sinh ra. Và phải sống điều này từng ngày (biến cố 12 tuổi là bằng chứng). Thế mà, Đức Giêsu đối với mẹ là yêu quí nhất, thiết thân nhất, gắn bó nhất, và như là chính bản thân mình. Còn chúng ta, dĩ nhiên chúng ta không có « người con duy nhất », nhưng chúng ta luôn có những điều yêu quí, thiết thân, gắn bó như chính bản thân mình.
Luật không buộc chúng ta phải dâng tiến đời mình trong đời tu, dâng tiến những gì mình có và mình là, dâng tiến ý riêng, quyền làm cha làm mẹ, quyền sở hữu. Nhưng chúng ta, giống như Đức Maria, chúng ta dâng tiến tất cả vì lòng biết ơn và yêu mến. Nếu không có lòng biết ơn và lòng yêu mến, chúng ta không thể sống đời tu, còn được gọi là « đời dâng hiến ».
 2. Ngôn sứ Si-mê-on và ngôn sứ An-na (c. 25-38) 
a. Ngôn sứ Si-mê-on (c. 25-35)
Ông là ai ? Chính trong hành động dâng tiến điều quí giá nhất, là Hài Nhi Giê-su, mà ơn cứu độ được nhận ra và tuyên xưng bởi ngôn sứ Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, mong chờ niềm an ủi của Israen, và cũng là của chính ông (được diễn tả qua lời chúc tụng). Đặc biệt « Thánh Thần ngự trên ông » (« Thánh Thần » được nói tới 3 lần), ông là con người thiêng liêng. Ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :
Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ.

Chắc chắn ông đã phải chờ đợi biến cố này rất lâu. Chúng ta cũng cần học ở nơi ông sự kiên nhẫn chờ đợi ơn an ủi. Như chúng ta đều biết, lời chúc tụng của ngôn sứ Si-mê-on trở thành lời kinh tối hằng ngày của chúng ta, bởi vì mỗi tối nhắc nhớ chúng ta thời điểm cuối cùng của cuộc đời chúng ta, tất yếu sẽ đến và không biết đến lúc nào ; và chúng ta được mời gọi như ngôn sứ Simeon, cũng nói lên niềm vui được nhìn thấy ơn cứu độ.
Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, lòng ước ao của chúng ta và Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra, gặp gỡ, lắng nghe, học tập để hiểu biết và yêu mến Chúa, ngang qua những gì rất « nhỏ bé và đơn sơ », đó là Lời Kinh Thánh.
« Chính mắt con nhìn thấy ơn cứu độ ». Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tương phản : một bên là em bé mới sinh, yếu đuối, nhỏ bé, bất lực ; một bên là niềm tin thật lớn và niềm vui cũng thật lớn : ông nhìn thấy ơn cứu độ nơi Đức Giêsu bé nhỏ. Ơn cứu độ mà ông nhìn tận mắt là gì, là ai: một em bé, trong tay vợ chồng trẻ đơn sơ bình dị (bố là thợ mộc, mẹ là nội trợ; giống như cha mẹ nhiều người trong chúng ta). Nhưng niềm vui đến từ xác tín thật là lớn. Chúng ta chứng kiến và đón nhận nhiều hơn thế, nhưng chúng ta ít vui bằng.
Các mục đồng được các thiên thần loan báo tin trọng đại, nhưng điều mà họ nhìn thấy, chỉ là một hài nhi bọc tã. Sau này, các môn đệ, và cả loài người chúng ta được mời gọi nhìn ra ơn cứu độ nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, cũng yếu đuối, nhỏ bé và bất lực. Nhưng điều chúng ta tin, lại là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa.
Lời ngôn sứ về Mẹ Maria. Lời loan báo khó khăn của Đức Giêsu, nhưng lại là “thương khó” của Đức Maria: nhất là tan nát con tim, khi mất đi người con. Nhưng mẹ đã học để mất từ từ rồi và ngay ở đây, khi dâng con cho Đức Chúa. Nhưng chính khi cho là lãnh nhận, nhất là để phục vụ cho sự sống.
 b. Nữ ngôn sứ An-na (v. 36-38)
Vị nữ ngôn sứ ở tuổi 84, không nói gì cả, chỉ sống hi sinh âm thầm mà thôi. Trong khi đó ông Simon thì nói nhiều! Bà sống như một nữ tu kín thật lâu: cứ cho là bà lấy chồng lúc 20 tuổi, 7 năm sau thì ở góa, và đến nay đã ở góa được 57 năm! Bà là hình ảnh sống động của sứ điệp mà trình thuật Tin Mừng muốn truyền đạt cho chúng ta: đó là dâng lại cho Đức Chúa tất cả. Thật vậy, như bài Tin Mừng diễn tả, “bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa”. Chính vì thế mà bà cũng được ơn nhận ra ơn cứu độ nơi hài nhi Giêsu.
Và sau khi gặp gỡ hài nhi, bà “nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”.
3. Hoàn tất Lề Luật (v. 39-40)
Sau khi hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, Thánh Gia trở về cư ngụ ở làng Nadarét, miền Galilê. Tiếp theo là đời sống ẩn dật kéo dài suốt 30 năm, và các Tin Mừng hầu như không kể lại gì về thời gian này. Tại sao? Đơn giản là vì, đời sống này rất đỗi bình thường, như cuộc đời của chính chúng ta. Chẳng có gì đặc biệt để có thể viết thành sách hồi kí với những tình tiết và giai đoạn sóng gió, li kì.
Bình thường, nhưng cũng rất lạ lùng, vì sự kì diệu của ngôi vị Đức Giêsu trong lời nói và việc làm sau này được chuẩn bị từ thời gian âm thầm này. Chẳng hạn, cách Ngài nói về Chúa Cha, cách Ngài giảng bằng các dụ ngôn, cách Ngài tiếp xúc với những người bệnh tật, thấp hèn, tội lỗi, nhỏ bé… chắc chắn xuất phát từ kinh nghiệm sống sâu xa và sự học hỏi bền bỉ trong những năm tháng dài của đời sống ẩn dật. Theo gương Đức Giê-su Hài Đồng và Niên Thiếu, chúng ta được mời gọi đón nhận tối đa thời gian chuẩn bị, huấn luyện, học tập, thực tập… thay vì để lãng phí, và nhất là thời gian tĩnh tâm cầu nguyện.
Và trong thời gian này, “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan” (c. 40). Ngài đầy khôn ngoan, nhưng là sự khôn ngoan nào? Chúng ta được mời gọi cảm nhận nơi Ngài sự khôn ngoan thần linh, được tỏ bày trong lời nói và việc làm của Ngài, và nhất là nơi Thập Giá. Thập Giá dưới mắt của con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với chúng ta, những người được Chúa kêu gọi, lại là Khôn Ngoan thần linh (x. 1Cr 1, 24).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận