Thứ Hai Tuần 17 TN

Đăng lúc: Thứ hai - 28/07/2014 03:22 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ HAI TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN.
"Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình”
 
Bài đọc (Gr 13,1-11)
1 Đức Chúa phán với tôi thế này : “Ngươi hãy đi mua một chiếc đai lưng bằng vải gai và thắt vào lưng. Nhưng đừng ngâm nước.” 2 Tôi đã mua chiếc đai lưng như Đức Chúa truyền và thắt vào lưng. 3 Có lời Đức Chúa phán với tôi lần thứ hai rằng : 4 “Ngươi hãy cầm lấy chiếc đai ngươi đã mua và đang thắt ở lưng. Hãy đứng dậy, đi đến Êu-phơ-rát và đem giấu trong một kẽ đá.” 5 Tôi đi giấu đai lưng ấy ở Êu-phơ-rát, như Đức Chúa đã truyền cho tôi. 6 Sau nhiều ngày, Đức Chúa lại phán với tôi : “Đứng dậy đi Êu-phơ-rát, lấy chiếc đai lưng Ta đã truyền cho ngươi giấu ở đó về.” 7 Vậy tôi đi Êu-phơ-rát, tìm và đem chiếc đai lưng từ nơi tôi đã giấu về ; nhưng này, chiếc đai lưng đã hư, không dùng vào việc gì được nữa. 8 Bấy giờ có lời Đức Chúa phán cùng tôi rằng : 9 ” Đức Chúa phán thế này : Ta sẽ huỷ diệt thói kiêu hãnh của Giu-đa và thói kiêu hãnh lớn lao của Giê-ru-sa-lem như vậy. 10 Dân xấu xa này không chịu nghe lời Ta, cứ ngoan cố cứng lòng, chạy theo các thần khác mà làm tôi và sụp lạy chúng ; nó sẽ nên như chiếc đai lưng hoàn toàn vô dụng kia. 11 Vì, cũng như chiếc đai lưng người ta thắt ở lưng, Ta cũng thắt chặt cả nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa vào Ta như vậy, để chúng trở thành dân của Ta, dân đem lại cho Ta tiếng tăm, danh dự và vinh quang. Nhưng chúng đã chẳng chịu nghe. Sấm ngôn của Đức Chúa.


Tin Mừng (Mt 13,31-35)
31 Hôm ấy, Đức Giê-su trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”
33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.


Suy niệm 1: HÃY LÀ MEN CHO ĐỜI

Ở đời, người ta thường xem nhẹ những điều nhỏ mọn và coi đó như là chuyện không cần bàn, vì thế chẳng cần quan tâm.
Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như bé nhỏ ấy lại là nguyên nhân cần thiết để trở thành những điều lớn lao.
Thật vậy, trong nhà Phật có câu:
“Hãy nhìn một em bé
Xin người chớ xem thường
Trong em có chất liệu
Của một bậc đế vương.
Hay;
Hãy nhìn một đốm lửa
Xin người chớ xem thường
Dù nhỏ bằng đầu đũa
Đốt cả rừng lẫn nương”.
Hôm nay, Đức Giêsu muốn dùng dụ ngôn“men trong bột” để ám chỉ Nước Trời. Thật vậy, được khởi đi từ những gì là nhỏ bé, đơn sơ, âm thầm trong sự khiêm tốn, nhưng một khi đã hội đủ những cơ hội thuận tiện, Nước ấy sẽ lớn mạnh và lan rộng khắp nơi, khiến cho quyền lực của thế gian và ma quỷ có mạnh đến đâu cũng không thể thắng nổi.
Qua hình ảnh này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: hãy bắt đầu hành trình đi tìm và sống những giá trị Tin Mừng trong sự khiêm tốn và âm thầm, chúng ta sẽ gặp được chân lý. Nước Trời chỉ đến với những người thực sự đơn sơ, chân thành.
Mỗi người kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên chứng tá của Tin Mừng thông qua đời sống gương sáng của mình. Mong sao mỗi chúng ta ý thức điều đó và thi hành cách xuất sắc như “men” được trộn vào trong bột và làm cho bột được dậy men.
Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con biết mau mắn đón nhận thánh ý Chúa và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, để ước gì, nhờ đó, chính chúng con được biến đổi và những ai gặp chúng con cũng được biến đổi theo. Amen.


Suy niệm 2: NHỎ NHƯNG KHÔNG NHỎ

“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải… Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất.” (Mt 13,31-32)
Suy niệm: Để có thể bán nhiều sản phẩm hơn, các nhà sản xuất thường tung ra những “chiêu” quảng cáo như: khối lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, kiểu dáng hấp dẫn hơn, nhưng giá bán vẫn như cũ. Trong nhiều trường hợp, yếu tố “ngoại hình” đóng một vai trò hết sức quan trọng, nếu không nói là quyết định. Chúa Giê-su dường như đang đi ngược với xu thế quảng cáo đó khi Ngài giới thiệu “mặt hàng” Nước Trời: một hạt cải nhỏ xíu bị vùi lẫn trong đất đen, một nắm men ít oi chìm mất trong thúng bột. Thế nhưng, ẩn nấp bên trong cái ngoại hình không lấy gì làm ấn tượng đấy là một sức mạnh đầy sáng tạo phong phú.
Mời Bạn: Đừng coi thường những gì nhỏ bé bởi vì đó là tính cách của Nước Trời, là thói quen hoạt động của Thiên Chúa. Những việc nhỏ, một nghĩa cử thân ái, một lời nói an ủi, khích lệ, một công việc bổn phận hằng ngày được thực hiện cách chu đáo, v.v… những việc nhỏ như thế sẽ không còn là nhỏ nếu như chúng được thực hiện bởi một niềm tin son sắt và một tình yêu nồng nàn dành cho Đức Ki-tô. Những công trình lớn lao sẽ chỉ là trống rỗng nếu thiếu vắng động cơ tiềm tàng này.
Sống Lời Chúa: Chu toàn những công việc bổn phận hằng ngày của bạn với lòng yêu mến Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa coi trọng đồng tiền nhỏ của bà goá, Chúa nói Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn trẻ thơ. Con xin dâng những công việc nhỏ bé hằng ngày con làm vì yêu mến Chúa, để nhờ đó Chúa cho con được vinh dự góp phần xây dựng Nước Trời.


Suy niệm 3

Nước Trời giống như chuyện hạt cải người kia lấy gieo trong ruộng mình” (Mt 13, 31)
1. Hạt cải và Men, hai dụ ngôn quen thuộc đến nỗi em thiếu nhi có thể đọc thuộc lòng, đến nỗi chỉ cần xướng lên câu đầu, thính giả đã biết toàn bộ nội dung. Nói như thế không có nghĩa là hôm nay chúng ta chẳng hy vọng cảm nếm những ngọt ngào và sức hoán đổi quý giá của Lời Chúa.
Thật vậy, đặt hai dụ ngôn vào toàn bộ diễn từ (x. Mt 13), ta thấy rằng nếu Lời Chúa cần một mảnh đất tốt, một tâm hồn lành để triển nở, thì đương nhiên Lời cần được gieo xuống, được trồng, được đặt vào trong cuộc đời, trong lòng người ; nếu những lao nhọc vất vả của người tông đồ hiện nay ra như luống công vô ích, ra như kẻ xấu cứ bình yên vô sự, cứ trơ trơ mặt dày,… thì vẫn cần một thời gian chờ đợi, cần một niềm tin sắt đá vào kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, cần lòng khiêm cung để đón đợi thời điểm thành sự tại Thiênmà kinh nghiệm dân gian nhắc dạy.
Vậy là đã rõ, ta vẫn được đón gọi khám phá sứ điệp phía sau những dòng chữ vắn vỏi trong bản văn Tin Mừng hôm nay.
2. Trước hết, hẳn Chúa muốn ta mau chóng mở lòng đón nhận Lời, Chúa muốn ta sẵn sàng để Người gieo Lời vào lòng ta, vào lòng anh chị em, vào lòng cộng đoàn, vào lòng gia đình mình. Muốn thế, ta cần nghiêm túc xét xem điều gì đang chiếm ngự hồn ta ? điều gì đang khiến ta dốc lực đổ tâm cho ? điều gì đang cột trói khiến ta thường khép lòng lại trước Lời, khiến ta cảm thấy xa lạ, né tránh hoặc hãi sợ Lời ?…
Và dĩ nhiên khi đã nhận ra rồi, ta cũng cần thêm chút cam đảm và lòng tín thác để xin Chúa giúp ta dám vứt bỏ những vướng bận phàm trần này, hầu thênh thang mở cửa đón Lời, cho Lời làm chủ những nghĩ suy, những ước muốn và cả những toan tính kiếm áo tìm cơm của ta mỗi ngày. Việc này cần thời gian, cần ân sủng, cần quyết tâm chọn lựa và lòng khát khao cháy bỏng muốn được sống nhờ, với và trong Lời Chúa. Ta có sẵn sàng và kiên tâm theo đuổi bằng bất cứ giá nào chăng ?
3. Kế đến, hai dụ ngôn bổ túc cho nhau để minh họa sự lớn mạnh cả chiều rộng (số lượng) và chiều sâu (chất lượng) của Nước Chúa. Cái kết có hậu này không xuất hiện giữa dòng lịch sử nhân loại, mà chỉ xuất hiện trong thời khắc chung cuộc, khi mọi sự đã hoàn tất. Cần có con mắt đức tin mới nhìn thấy được sức mạnh ẩn giấu đang cuộn trào sức sống, đang lớn mạnh từng ngày của Nước Trời. Cần có trái tim yêu vô hạn thì mới đủ kiên trì và tín thác mà đợi chờ ngày cả khối bột đời dậy mùi thiêng thánh.
Nói thì hay, lý thuyết thì đẹp. Làm mới khó, thực tế mới tỏ rõ trắng đen. Liệu con mắt đức tin của ta có bị lòa trước sức hút và ánh chớp của đồng tiền, của quyền bính, đam mê, thú vui và biết bao thứ khác? Liệu tim ta còn dành cho Chúa chỗ nhất giữa những gọi mời dỗ dụ của vật nọ sự kia, giữa những chiếc roi của thách đố và cản trở, giữa những cú đấm của thất bại và oan sai khiến ta khó có thể tin tưởng vững vàng và kiên tâm theo đuổi những giá trị của Nước Trời? Đây là lúc thuận tiên nhất để ta lắng lòng, xin Chúa giúp ta tìm được câu trả lời.
4. Lạy Chúa Giêsuyêu mến, tạ ơn Chúa đã cho con ít phút tâm tình bên Chúa, để con gặp được Chúa và gặp được con.Con tạ ơn Chúa đã cho con ít nhiều tham dự vào sứ mạng gieo Lời và rao giảng Nước Trời. Con xin lỗi Chúa vì nhiều lần con quên mất rằng trước khi gieo Lời cho anh chị em, con cần phải để cho Lời được gieo trong lòng con đã. Con xin lỗi Chúa vì nhiều lần con ngã lòng thất vọng hoặc kết án oan nghiệt vì thấy tha nhân chưa biến đổi, chưa hoán cải, vì thấy cái ác cứ nhởn nhơ tung hoành. Nay con xin phó thác đời con, sứ mạng của con và anh chị em con cho Chúa. Xin hãy đặt vào lòng chúng con hạt nhỏ của Lời, của lòng tin-cậy-mến, để chúng con trở nên người mang Sức Mạnh Ẩn Giấu của Nước Chúa trong đời mình và cho tha nhân. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là một vì Thiên Chúa uy nghi vĩ đại, nhưng lại trở nên nhỏ bé qua tấm bánh đơn sơ để trao ban sự sống cho chúng con. Chúa ẩn dấu ngôi vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người giống như chúng con. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Chúng con xin chúc tụng ngợi khen tình yêu Chúa. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa sự khiêm cung nhỏ bé, để chúng con sống với mọi người trong khiêm tốn hiền hoà.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, có ai đó nói rằng: dù một việc nhỏ bé tầm thường nhưng nếu làm với lòng mến chân thành cũng trở nên những việc phi thường. Chúa cũng muốn chúng con hiện diện giữa đời thật nhỏ bé khiêm cung như hạt cải gieo vào nhân gian, như chút men thẩm thấu vào dòng đời, thế nhưng từng nghĩa cử yêu thương, bác ái, vị tha của chúng con dù nhỏ bé vẫn có sức biến đổi cuộc sống chung quanh mỗi ngày một tốt hơn.
Lạy Chúa, thế giới chúng con đang sống đầy thói hư tật xấu, đầy những đam mê lầm lạc, xin cho chúng con dám sống thánh thiện để xoá bỏ những thói đời điêu ngoa, những lối sống trụy lạc, những ham muốn tầm thường. Xin giúp chúng con biết gieo vãi vào nhân gian những việc lành đạo đức, những lối sống thánh thiện ngõ hầu biến đổi trần gian theo ánh sáng Tin Mừng của Chúa. Amen.
 
SUY NIỆM 4: Hạt Cải, Nắm Men

Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.
Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Trời đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Bởi vì thánh sử viết Phúc Âm sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.
Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Trong cử hành Thánh Lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy cầu xin cho Dân Chúa tức là Giáo Hội trở nên dấu chỉ của hạt giống và men của Nước Trời trong thế gian này, cho tới ngày Nước Chúa được hoàn tất trong vinh quang.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 5: Những Ðiều Kỳ Diệu (Mt 13,31-35)

Song thân của Ðức Maria là những người công chính đã được Thiên Chúa thi ân và được nhận ra chương trình kỳ diệu Ngài thực hiện trong đời sống họ. Thiên Chúa cũng thực hiện những điều kỳ diệu trong đời sống chúng ta. Chúng ta có nhìn thấy và cảm nhận được niềm hạnh phúc được lãnh nhận hồng ân Chúa ban cho hay không. Chúng ta hãy cẩn thận, đừng để niềm hạnh phúc, cái phúc của người được biết và sống với Chúa Giêsu, được nhìn thấy những kỳ công của Chúa trong đời sống vụt mất khỏi tầm tay. Chúng ta đừng để Chúa khiển trách như những kẻ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu như đã trách những người cùng thời với Chúa và đã được ghi lại trong đoạn Tin Mừng của thánh Mátthêu chúng ta vừa nghe. Ðó là những người không muốn nghe, không muốn hiểu Lời Chúa cũng như không muốn nhìn những kỳ công Chúa đã làm và chẳng cần quan tâm đến con người Giêsu, Ðấng Cứu Thế đang hiện diện giữa họ bởi vì tai họ đã đầy, mắt họ đã mờ, và trí họ ngập tràn những tham vọng của cải vật chất.
Niềm hạnh phúc mau qua, niềm vui mà con người tự tạo ra cùng tôn thờ nó như một thứ thần vì thế không còn có chỗ cho Chúa và những gì thuộc về Người. Lời Chúa đến, ngự lại và sinh hoa trái nơi tâm hồn những ai mừng vui, sẵn sàng mở rộng đón chờ với lòng khao khát niềm hạnh phúc vô biên, đích thực và trường cửu. Thật ra, niềm hạnh phúc đó là Chúa Giêsu vẫn ở với chúng ta luôn mãi trong Lời của Người và bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy lãnh nhận với tinh thần trách nhiệm và với lòng yêu mến chân thành, kẻo tất cả lại trở nên án phạt cho ta nếu ta không xứng đáng như lời thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô: "Ai nấy phải tự xét mình rồi hãy ăn bánh và uống chén này. Thật vậy, ai ăn và uống, mà không phân biệt được thân thể Chúa là ăn và uống án phạt".
Một cách tích cực hơn, thánh Giacôbê khuyên chúng ta về thái độ và phận vụ của chúng ta phải có đối với Lời Chúa nơi thư của ngài chương 1, 22-25 như sau: "Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo, luật mang lại tự do. Ai thi hành luật Chúa chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm".
Chúng ta đã được chia sẻ với các thánh trong niềm vui của các ngài là những người được cộng tác và thực hiện chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Ðó cũng là niềm vui mà chúng ta được cảm nghiệm cách trọn vẹn trong và với Chúa Giêsu. Xin Chúa cho chúng con luôn trung thành với ơn chúng con đã lãnh nhận trong bí tích rửa tội để chúng con sẵn sàng lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 6: MỘT THÂN THỂ CÓ TẦM VÓC THIÊN CHÚA.

Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo vào ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt. 13, 31-33)
Hai dụ ngôn này (dụ ngôn hạt cải và nắm men) tóm tắt tất cả lịch sử cuộc đời và sứ điệp Đức Giêsu! sẽ là lầm lạc khi kêu gào cho chủ nghĩa chiến thắng, hoặc hiểu rằng dụ ngôn này chỉ áp dụng cho đời sống thiêng liêng của ta thôi. Khi nói về “Nước Thiên Chúa” Chúa Giêsu không nghĩ đến cá nhân nào, mà chỉ nhìn thân thể mầu nhiệm của Người trong tất cả quá trình khổ nạn và phục sinh, một thân thể ấy không ngừng lớn lên và phát triển.
Thân thể mầu nhiệm.
Thân thể ấy sẽ trải qua những cơn khủng hoảng, tất cả những cơn khủng hoảng của sự phát triển như những nổi loạn để tỏ tính độc lập tự chủ, những cơn bừng dậy của tuổi trưởng thành mà lại phủ nhận mình trưởng thành, không dám nhận trách nhiệm, từ chối cả những niềm vui của tuổi ấy.
Một thoáng nhớ lại lịch sử Giáo hội như thế, cho ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta là Nước Thiên Chúa. Khi khẳng định như vậy, thiết tưởng ta không nên kết án lời cự tuyệt mạnh mẽ của những người khác, là tự kiêu tự đại về ưu thế, về chủng tộc được tuyển chọn của họ. Có lẽ đó chỉ là thái độ của một số cá nhân thôi, chứ không phải là giáo huấn của Chúa Giêsu.
Cây mà “Chim trời tới làm tổ trên cành được” Cây ấy đón nhận mọi loài chim chóc, không hề có sự phân biệt, vì cây không loại trừ một con chim nào, nhưng che chở tất cả, là nơi có muôn mầu muôn vẻ thanh bình.
Hạt giống Phúc Âm ấy, nắm men bé nhỏ kia là Đức Kitô và Nước Trời chính là lẽ sống của ta, là nguyên lý cho ta tìm được hạnh phúc và tình yêu.
Hãy làm thành những tế bào của con người.
Một người hoàn toàn hiến thân cho Nước Thiên Chúa, để cho Nước ấy biến đổi, tái tạo mình, thì đúng là tấm men vùi trong môi trường người ấy sống và ảnh hưởng tốt đến môi trường ấy. Sức sống nơi người ấy tác động đến tất cả những người chung quanh. Không phải những biến cố lịch sử lớn lao mới có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người, nhưng cả đến những sinh hoạt rất đời thường vẫn diễn ra hằng ngày cũng khiến chúng ta cảm nhận được sức sống này. Khi một người có trái tim đầy tràn yêu thương thì tình yêu của người ấy luôn bộc lộ và tỏa làn sang người khác vậy.
 
Suy niệm 7

1. “Người Gieo Giống đi ra gieo giống”
Trước khi lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2)[1].
Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong giáo xứ của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.
2. Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn
Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng, nói về Thiên Chúa bằng dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống; chẳng hạn dụ ngôn mười cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời, như thánh sử Mát-thêu tường thuật trong bài Tin Mừng
Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,
công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. (c. 35)
Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giê-su thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào.
3. Dụ ngôn hạt cải và nắm men
Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men diễn tả Nước Trời là hai dụ ngôn rất nhỏ bé và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có), nhỏ bé và tự nhiên như chính hình thức (rất ngắn) và nội dung của dụ ngôn (hạt cải và nắm men nhỏ bé khiêm tốn). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:
Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp Sự Dữ, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp hạt giống rất nhỏ bé mong manh đang có trong thế giới, trong cộng đoàn và trong lòng chúng ta, Nước Trời mà chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, tất yếu sẽ hiện hữu, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá xum xuê đến độ chim trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.
Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.
Điều mà hai dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống và nắm men chính là Lời Chúa, như chính Đức Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia:
Lời TA, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. (Is 55, 11)
*  *  *
Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: “Anh em là bạn của Thầy” và “Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình” (Ga 15, 13-14). Qua hành vi trao bánh và rượu cho các môn đệ, qua hành vi rửa chân của các ông, Đức Giêsu muốn thánh Phê-rô và tất cả chúng ta hiểu ra rằng, Ngài không chỉ muốn gieo Lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính bản thân của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một, như chính Ngài đã ví mình như hạt lúa:
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12, 24)
Hạt giống và nắm men chính là Sự Thiện và Sự Sống nơi Đức Kitô, mạnh hơn Sư Dữ và Sự Chết. Chính vì thế, sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
—————
[1] Hình ảnh này đã có thể nói cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi: đám đông sẽ xô đẩy Ngài vào sự chết, và Ngài cứ để như thế, để làm cho dụ ngôn Người Gieo Giống được hoàn tất cách trọn vẹn: Người Gieo Giống gieo chính mình, vì ngôi vị của Ngài là Hạt Giống, sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm, khi “được gieo” vào lòng đất.
 
Từ khóa:

tất cả, trở thành

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận