Thánh Đaminh, linh mục, Đấng lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/08/2014 03:24 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

THỨ SÁU TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN – Thánh Đaminh linh mục. Lễ nhớ.
"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".

 
Thánh nhân sinh quãng năm 1170, tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha. Người học thần học tại Pa-len-xi-a rồi làm kinh sĩ giáo phận Ốt-ma. Trước hết, người quy tụ một số phụ nữ về sống tại Pơ-rô-vin-lơ (Pháp), theo một tu luật, rồi sau người lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tu-lu-dơ để đối lại lạc giáo Ca-tha. Chính người đã chiến đấu với lạc giáo bằng lời giảng thuyết, bằng gương sáng và đã thu hoạch được kết quả khả quan. Người muốn các anh em trong Dòng phải sống khất thực, và lời giảng dạy phải xuất phát và được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm. Người đã đặt trung tâm Dòng ở Rôma trước khi qua đời ở Bô-lô-nha ngày 6 tháng 8 năm 1221.
 
Lời Chúa: Mt 16, 24-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?
"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".
 
SUY NIỆM 1: Giá Trị Của Khổ Ðau
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Cần Phải Yêu Tôi

Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? hoặc người ta lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt. 16, 24-26)
Đây là vấn đề lớn được Đức Kitô nói với mỗi người chúng ta! Bạn có yêu tôi không? Bạn có yêu tôi hơn những người kia không? tình yêu của bạn đối với tôi tới mức nào? bạn yêu tôi thì hiến trọn vẹn tình yêu của bạn, ai yêu như thế thì không còn là mình nữa, nhưng hoàn toàn là người mình yêu!
Yêu…
Bạn thấy không: Đức Kitô yêu chúng ta trọn vẹn. Người hiến thân trọn vẹn cho chúng ta và hỏi chúng ta có yêu Người trọn vẹn không? chúng ta hãy hiến dâng mình để sống được cảm nghiệm được tình yêu biết yêu mến độc nhất ấy! Hãy hỏi mình xem đã yêu bao nhiêu. Có giống Người không? có yêu đến cực điểm của con người mình không? có như Người yêu chúng ta đến giọt máu cuối cùng không?
Không phải chúng ta đã làm Đức Kitô chết, nhưng chính Người đã tự hiến mạng sống Người cho mỗi người chúng ta. Và Người có quyền hỏi chúng ta bằng câu cốt yếu độc nhất này: bạn có yêu tôi không?
Dù ở hoàn cảnh nào, nghề nghiệp nào, Đức Giêsu đều hỏi: bạn có yêu tôi không?
Không có thể so sánh với người khác. Đây là câu hỏi cho chính bản thân mình, mỗi cá nhân hãy tự hỏi và tự trả lời một cách tự do, một câu trả lời hợp với khả năng yêu mến của mình.
Ngày nay.
Phải nói rằng Thiên Chúa gần chúng ta một cách kỳ lạ, hằng ngày trong đời sống chúng ta, kích thích từng tiếng nói của chúng ta để lời Ngài 2000 năm được hiện tại hóa vào nếp sống con người chúng ta ngày nay.
Tình yêu không biên giới, không già, khắc phục mọi xa cách không gian và thời gian!
“Thiên Chúa của tôi nói với tôi,
Con ơi! cần phải yêu Cha…” (Verlaine)
J.M
 
Ngày 08/08: Thánh Đaminh, linh mục, Đấng lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo

 
 

Ngày 08-08:

Thánh ĐAMINH
Lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo
(1170 - 1221)

1. Vài dòng lịch sử

Thánh Đaminh sinh tại Castile nước Tây Ban Nha, năm 1170.

Ngay từ lúc còn nhỏ, thánh nhân đã mến mộ sự học hành, cầu nguyện, hãm mình, sống khắc khổ và yêu thương người nghèo. Mỗi ngày đều có giờ nhất định để cầu nguyện và ngài ăn chay hãm mình luôn. Ngày kia có người đến xin Ngài giúp đỡ để chuộc lại đứa em bị bắt, ngài không còn tiền cho người ấy, vì đã bố thí hết, nên nói:

- Tôi không còn tiền, nhưng này chị hãy dẫn tôi nộp cho người ta, để chuộc em chị về.

Người này không thể chấp nhận được đề nghị đó, nhưng lòng hết sức cảm phục sự hy sinh cao độ của Ngài.

Vì muốn dâng mình giúp việc Chúa, nên thánh nhân được gọi đến thụ giáo với một Linh Mục ở Gumiel d‘Izan. Năm 14 tuổi, Ngài gia nhập Đại chủng viện tại Palencia. Sau khi hoàn tất việc học, Ngài được Đức cha Diégo de Azsvedo truyền chức Linh mục. Và vì thấy ngài thông minh nhân đức, nên Đức Giám mục Martin de Bazan đặt ngài làm Kinh sĩ ở Osma.

Lúc Đức cha sang Pháp lo việc mục vụ, thánh nhân được đi theo. Trong thời gian ở đây, ngài thấy tận mắt những khó khăn do bè rối Albigeois gây ra cho Hội Thánh. Họ chủ trương tất cả những gì thuộc về vật chất đều xấu xa: muốn hoàn thiện phải tận diệt vật chất, sống hoàn toàn khắc khổ. Ngài quyết định đem hết khả năng chống lại chủ trương sai lạc của họ. Nhưng nhận thấy một mình không thể đương đầu với sức bành trướng quá mạnh của họ nên ngài kêu gọi nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành cộng tác. Đó là những người sau này sẽ trở nên tu sĩ hội dòng Ngài sáng lập, gọi là “Dòng Anh Em Thuyết Giáo”.

Một cộng tác viên của ngài kể lại:

“Đaminh có một đời sống luân lý, một lòng sốt sắng kính mến Chúa mãnh liệt, đến nỗi hiển nhiên ai cũng thấy ngài là tác phẩm của sự cao trọng và ơn thánh. Ngài có một tâm hồn bình thản đến nỗi chỉ rộn lên khi phải trắc ẩn và thương xót. Và vì tâm hồn hân hoan thì làm cho bộ mặt rạng rỡ, nên ngài cũng để lộ sự bình thản của tâm hồn ngài ra trên nét mặt hiền từ và vui tươi của Ngài.”

“Đâu đâu ngài cũng tỏ ra một con người của Tin mừng, cả trong lời nói lẫn hành động.”

“Ngài năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt này là cho ngài được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta. Ngài nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nên tiên vàn mình đem hết sức lực mình ra cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc mọi người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà theo ý Chúa an bài sâu xa, Ngài đã lập ra “Dòng Anh Em Thuyết Giáo.”

Suốt sáu năm trời, thánh nhân dâng lời cầu nguyện, sự hy sinh kèm theo lời rao giảng kêu gọi moị người trở về với đức tin chân chính, nhưng kết quả không được bao nhiêu. Ngài buồn sầu than thở với Mẹ Maria và được Mẹ dạy bảo hãy rao giảng và cổ động mọi người lần chuỗi Môi Côi, để nhờ đó Mẹ cầu cùng Chúa cho những người lầm lạc trở về với Hội Thánh. Vâng lời Đức Mẹ, ngài đem hết khả năng truyền bá chuỗi Môi Côi, giải thích các mầu nhiệm thánh, kêu gọi mọi người thực hành việc đạo đức này. Kết quả thật là lùng! Không bao lâu, những người tội lỗi và kẻ lầm lạc ăn năn trở về với Chúa. Thánh nhân hết sức vui mừng, tạ ơn Chúa và tri ân Đức Mẹ.

Năm 1215, thánh nhân đến Rôma, xin Đức Thánh Cha Honoriô III châu phê luật dòng vào ngày 22/10/1216. Từ đó, dòng phát triển mạnh mẽ và có mặt trên khắp thế giới .

Thánh nhân qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221. Năm 1231 Đức Thánh Cha Gregoriô thứ IX đã tuyên hiển thánh cho ngài. 

2. Lời trăn trối cuối cùng

“Anh em thân mến. Đây là những gì Cha để lại cho anh em để anh em giữ lấy như là người con có quyền thừa kế:

Anh em hãy sống bác ái
Hãy giữ lòng khiêm tốn
Hãy tự nguyện giữ đức thanh bần – khó nghèo.”

Đây không phải là những gì rút ra từ sách vở, mà là kết tinh của cả một cuộc sống mà chính Ngài đã nỗ lực thực hiện trong suốt một cuộc đời 51 năm – hơn một nửa thế kỷ.

Đọc kỹ cuộc đời của ngài để rút ra những nguyên tắc làm linh đạo cho cuộc đời của mình.

Xác định cho mình một vị trí rất rõ ràng: Trước Thiên Chúa, trong Giáo Hội, và bên cạnh những người khác.

A- Truớc Thiên Chúa: Như một thụ tạo, một thụ tạo cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Một thụ tạo không có gì cả. Tất cả là do Thiên Chúa ban cho.Luôn gần gũi, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa như một người Cha-Con.

Khi được hỏi về các phương tiện phải có để đưa cuộc thánh chiến đến thành công, tại cuộc họp do thánh bộ tổ chức, Đaminh đứng dậy nói với tất cả các vị chức sắc: “Xin các ngài hãy giải tán đoàn hùng binh của các ngài đi. Hãy lội bộ qua các nẻo đường để rao giảng Tin mừng của Đức Kitô khó nghèo và bị ruồng bỏ. Tất cả bộ vó giầu sang kia chỉ làm cho các ngài tê liệt. Các Ngài mang nặng quá nên không thể được lôi cuốn vào trong cuộc chinh phục các linh hồn.”

B. Trong Giáo Hội: Như một thành viên của Gia đình Giáo Hội. Tìm mọi cách để sống mầu nhiệm Giáo Hội

C. Bên cạnh những người khác như anh em: Không coi mình như một kẻ có quyền mà coi mình như một người phục vụ. Sống đơn sơ chân thành với tất cả mọi người. Và cuối cùng là hết lòng yêu thương mọi người.

Lạy Thánh Đaminh, xin cầu cho chúng con. Amen.


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận