Thứ Ba Tuần 16 TN – Thánh nữ Maria Mađalêna.

Đăng lúc: Thứ ba - 22/07/2014 03:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN  
Thánh nữ Maria Mađalêna. Lễ nhớ.

"Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?"

 
* Thánh Maria Mađalêna
Phúc Âm thánh Marcô kể lại rằng: "Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra trước hết với Maria Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ dữ". Lãnh nhận ơn tha thứ, ngài đã theo Chúa trên khắp các nẻo đường rao giảng Phúc Âm. Trong khi các môn đệ chạy trốn, ngài đã đứng bên Thánh Giá cùng với Mẹ Maria và môn đệ Gioan. Khi mai táng Chúa, ngài và bà Maria vợ ông Clêôphas đã ngồi trước mộ thánh. Một tình yêu bền vững luôn luôn nối kết ngài với Chúa. Vì thế, sau khi sống lại, Chúa đã hiện ra với ngài trước hết và trao cho ngài sứ mạng loan truyền niềm vui Phục Sinh.
Nhờ lời nguyện cầu và gương sáng của ngài, chúng ta cũng hãy rao giảng Chúa Kitô sống lại, để sẽ được chiêm ngắm Chúa trong vinh quang bất diệt.
 
Lời Chúa: Ga 20, 1. 11-18
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.
(Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu".)
Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni", nghĩa là "Lạy Thầy". Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".

 
SUY NIỆM 1: Người Bị Mạo Nhận

Ngoại trừ Mẹ Của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viét đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.
Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.
Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi "7 quỷ dữ". Cách nói "7 quỷ dữ" này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.
Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: "Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài".
Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Marian Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: "Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em".
Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời.
Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: "Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Nồng Nhiệt Ði Tìm Chúa

Maria Mađalêna là mẫu gương cho chúng ta, mẫu gương với tình yêu nồng nhiệt đi tìm Chúa, một tình yêu luôn thao thức muốn được sống gần bên Chúa. Và vì thế mà sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Maria vội vàng lên đường đi tìm Chúa. Ðây là quan tâm đầu tiên, quan tâm có ưu tiên trong cuộc sống của Maria, và khi chưa tìm được đối tượng là Chúa Giêsu trong ngôi mộ đã an táng Chúa, Maria đứng ngoài và khóc.
Chúa Giêsu phục sinh đã không để cho Maria gặp thử thách lâu. Chúa đến với Maria và gọi đích danh bà, rồi biến đổi cuộc đời từ bên trong để sai bà đi làm người chứng đầu tiên cho Ðấng phục sinh nơi các môn đệ Chúa. Trong biến cố được ghi lại trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây, chúng ta thấy rằng để gặp được Chúa Giêsu, những cố gắng riêng của con người không mà thôi thì chưa đủ. Chính Chúa Giêsu phục sinh là người đi bước đầu, Chúa hiện ra và gọi: Maria. Chúa đáp lại thiện ý và cố gắng của Maria. Chúa luôn làm như vậy với tất cả những ai thành tâm tìm Chúa.
Chúng ta hãy noi gương Maria luôn đi tìm Chúa. Tìm Chúa trong lời cầu nguyện ngõ hầu cuối cùng chính Chúa mạc khải chính mình ra cho kẻ tìm Ngài, ngõ hầu chúng ta có thể nhận ra Ngài và loan báo cho anh chị em chung quanh: tôi đã gặp Chúa, tôi đã nhìn thấy Chúa.
Lạy Chúa,
Xin cho con được gặp Chúa. Xin đừng để con phải rời xa Chúa là Thiên Chúa mãi mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 3: Thánh Maria Madalena

Các Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.
Người thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon, một tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc VII, 36-39).
Đàng khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc VIII, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, Ngài cũng thuộc vào số các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, Ngài đã thấy và nói truyện với các thiên thần. Sau cùng, Ngài đã nhận ra Đâng Phục sinh mà thoạt đầu Ngài tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).
Maria Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà Ngài là người đã chọn phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu Ngài tới gặp “thầy”. Ít ngày sau, Ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt 26,6-13).
Mặc dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người và ý kiến các giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.
Với sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên “Maria” buổi sáng phục sinh.
Sau đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, Ngài đã từ trần và được mai táng ở Ephêsô. Năm 889, hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi hài thánh nữ về một tu viện ở Constantinople.
 
SUY NIỆM 4
Sự hiện diện của các phụ nữ đi theo Đức Giê-su không được nhắc tới nhiều trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng của Người ; chỉ có mỗi một lần, các bà được nhắc đến một cách long trọng trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa” (Lc 8, 1-3). Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên của biến cố Phục Sinh, sự hiện của các bà được đặc biệt nhấn mạnh, không phải bởi một Tin Mừng, nhưng bởi cả bốn Tin Mừng. Thật vậy, các Tin Mừng đều nói về các bà và nói theo những cách khác nhau, như Giáo Hội cho chúng ta nghe lại hằng năm trong Mùa Phục Sinh (Mt 28, 1-10; Mc 16, 1-8; Lc 24, 1-7 và Ga 20, 1-2. 11-18).
Như thế, hình ảnh người phụ nữ được đưa lên hàng đầu trong thời điểm trọng đại : khởi đầu mới của Đức Kitô, của các môn đệ và Giáo Hội, của lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại. Vai trò của các phụ nữ được ưu tiên trong giai đoạn mới của lịch sử cứu độ. nhưng đây không phải là lần đầu, hay là điều bất thường, nhưng là sự ưu ái xuyên suốt của Thiên Chúa dành cho các phụ nữ, trong công trình tạo dựng và trong lịch sử cứu độ: bà E-và (theo St 2-3, bà được tạo dựng từ tinh hoa của sáng tạo, nghĩa là từ xương thịt của con người, thay vì từ bùn đất như ông Adam và loài vật !), bà Sara, bốn người phụ nữ được nêu danh trong chính gia phả của Đức Giê-su (Tama, Ra-kháp, Rút và Batseva), theo Tin Mừng Mát-thêu (Mt 1, 1-17), và nhất là Đức Maria. Đặc biệt, lời hứa chiến thắng Sự Dữ được ban cho dòng dõi của bà E-và và bà được ban cho danh hiệu cao quí : “Mẹ của mọi chúng sinh” (St 3, 15.20), cho dù đã vi phạm lệnh truyền của Đức Chúa !
1. Bà Maria Mác-đa-la
Trong số các bà, Bà Maria Mác-đa-la là nổi bật nhất. Bà được cả bốn Tin Mừng nêu đích danh trong các trình thuật phục sinh (Mt 28, 1 ; Mc 16, 1 ; Lc 24, 10). Vậy, chúng ta hãy nhìn ngắm bà Maria, khi bà cùng với Đức Maria, có mặt dưới chân thập giá (Ga 19, 25). Vậy bà là ai ? Bà là người phụ nữ được Đức Giêsu trừ khỏi bảy quỉ (Lc 8, 1-3). Điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao bà gắn bó với Đức Giêsu đến như vậy ; bà gắn bó với Thầy của mình trong những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất ; bà gắn bó với Thầy khi Thầy chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan. Đặc biệt, Tin Mừng Gioan kể về bà một cách rất ưu ái :
- Bà ra thăm mộ một mình thật sớm, lúc trời còn tối, không sợ hãi. Điều gì đã làm cho bà không sợ hãi ? Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, đó là một nhóm các bà, nhưng thánh sử Gioan muốn cái nhìn của chúng ta ưu tiên hướng tới một mình bà Maria.
- Bà là “cầu nối” giữa Đức Ki-tô chết và phục sinh với các môn đệ. Thật vậy, bà đi ra mộ ; rồi bà chạy về báo cho Phêrô và Gioan (c. 2) ; bà lại chạy ra cùng với hai ông (c. 11) ; hai ông trở về nhà ; còn các ông khác thì một số sợ hãi ẩn mình, một số khác chán nản bỏ cuộc ; chỉ có một mình Bà Maria Mác-đa-la “đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc và cúi nhìn vào trong mộ”. Và sau khi được Đức Ki-tô cho nhận biết, bà được trao sứ mạng trở về loan báo Tin Mừng cho các môn đệ (c. 18).
- Chưa hết, bà được hai thiên thần hiện ra hỏi thăm : “Này bà, sao bà khóc” ; và rồi chính Đức Kitô đến bên bà hỏi thăm : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà vẫn gắn bó với thân hình bất động và tan nát của Ngài, khiến Chúa chạnh lòng thương.
2. Bà Maria Mác-đa-la và các dấu chỉ Phục Sinh
Chúng ta hãy quan sát các nhân vật và diễn biến của sự kiện, đừng quên khung cảnh thiên nhiên : “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối” ; đó là khởi đầu của một ngày mới, khởi đầu của một tuần mới, của một giai đoạn mới, khởi đầu của một sự sống mới : nơi đó, ánh sáng đánh tan bóng tối, sự sống chiến thắng sự chết.
Chúng ta hãy nhìn ngắm bà Maria thật chăm chú và hãy cảm nhận những chuyển động nội tâm của bà, khi bà chợt thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Hình như bà chạy về ngay mà không cần đi vào mộ để xác minh cho chính xác chuyện gì đã xẩy. Có lẽ bà hơi vội vàng, nhưng đó cũng là linh tính và linh tính này làm bà nói với Phêrô và Gioan với sự chắc chắn : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” ; và thực tế cho thấy linh tính của bà thật chính xác, vì hai vị tông đồ sau đó chạy ra và thấy y như vậy ! Nhưng dù sao giả định tự phát : “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” cũng đáng cho chúng ta để ý, bởi vì biến cố phục sinh vượt xa mọi dự đoán và niềm tin của con người : “Xin để lúc khác hãy nói”, người Hi-Lạp nói với thánh Phao-lô như thế, khi Ngài công bố Đức Ki-tô phục sinh từ cõi chết.
Chúng ta hãy cảm nhận sự lo âu và hốt hoảng trong lời nói của bà Maria, và hãy cảm nếm tình yêu của bà đối với thân xác bất động của Thầy Giêsu. Hai vị tông đồ bỏ về, nhưng bà Maria vẫn ở lại, đứng ở ngoài, gần bên mộ mà khóc. Hãy nghe tiếng khóc và tiếng lòng của bà. Bà gắn bó Thầy biết bao, khi mà Thầy chẳng còn là gì. Bà gắn bó với thân xác của Thầy đến độ hỏi thăm cả các thiên thần; và còn muốn đem xác Ngài về. Trong khi toàn bộ khung cảnh, toàn bộ thế giới nhỏ bé bao quanh bà là dấu chỉ của Sự Sống Mới:
- Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần : nghĩa là vào lúc ánh sáng đẩy lui bóng tối của đêm đen. Hình ảnh thiên nhiên này diễn tả sự chiến thắng trên sự chết của Đức Ki-tô phục sinh. “Ngày thứ nhất trong tuần” : ngày thứ nhất trong tuần là ngày của ánh sáng theo St 1, 3. Và Đức Ki-tô phục sinh chính là Ngôi lời ánh sáng, theo Ga 1, 9. Những dấu chỉ thiên nhiên này loan báo tuần mới và sáng tạo mới, đã bắt đầu rồi. Và những dấu chỉ này vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày.
- Ngôi mộ trống và mở ra : tự nó nói lên sự chết, vốn là sức mạnh tột đỉnh của sự dữ, bị Đức Kitô vượt qua ; ngoài ra, bên trong mộ vẫn còn những băng vải được để một nơi và khăn che đầu được cuộn lại và xếp riêng ra một nơi. Biến cố Đức Kitô sống lại không ai được chứng kiến, nhưng Ngài để lại các dấu chỉ ; vì khi ăn trộm xác, không ai lại cẩn thận như thế. Chúa thích chúng ta “đoán ra” Ngài hơn là buộc Ngài phải tỏ mình ra (x. Ga 20, 29), và hôm nay Chúa vẫn thích như thế ; đoán ra Ngài qua các dấu chỉ Ngài để lại cho chúng ta, nhất là dấu chỉ Sách Thánh và dấu chỉ Bẻ Bánh, cũng như những dấu chỉ của thiên nhiên, của cuộc sống, của cuộc đời mỗi người.
- Cuối cùng, hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Chúa, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân ; đó là biểu tượng của sự sống hoàn toàn mới phát sinh ngay giữa lòng sự chết và xâm nhập vào cõi chết.
3. Bà Maria Mác-đa-la và Đức Kitô Phục sinh
Câu hỏi của Đức Kitô khởi đi từ chính điều mà bà Maria đang là: “Này bà, tại sao bà khóc? Bà tìm ai?” Biến cố hiện ra này, cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về hai môn đệ Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta mới nhận ra. Vậy, chúng ta hãy quan sát cách thức, hay đúng hơn là cả một hành trình, Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho bà. Người không tỏ mình ra ngay, như ở đây và trong các trường hợp khác. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao? Bởi vì Người đã đi vào trong sự sống mới, phi không gian và thời gian, sự sống vĩnh cửu; do đó, Người muốn giúp chúng ta nhận ra Người ngang qua các dấu chỉ, dấu chỉ cuộc sống, dấu chỉ Kinh Thánh, dấu chỉ bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Trình thuật hai môn đệ trên được Emmau giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn (x. Lc 24, 13-35). Và Người tỏ mình ra cho mỗi người mỗi cách, mỗi nhóm mỗi cách. Vậy, xin Đức Kitô hôm nay tỏ mình ra và cho chúng ta nhận ra Ngài, theo cách thức mà Ngài muốn, như Ngài đã thực hiện đối với bà Maria, đối với thánh Phaolô. Đó là dấu chỉ hiển nhiên và vững chắc của ơn gọi. Và xin cho chúng ta, khi chiêm ngắm cách thức Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra cho bà Maria, nhận ra cách thức Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho chúng ta, một cách thiết thân và riêng biệt:
- Trước hết chúng ta cần lưu ý đến các dấu chỉ thiên nhiên; tiếp theo là “Ngôi Mộ Mở”, cùng với các băng vải được xếp gọn gàng.
- Bà hoàn toàn hướng về bên trong mộ, nơi chốn của sự chết, với nước mắt, với con tim thổn thức, nhưng chính tại nơi bà hướng đến, lại có dấu hiệu của sự sống, đó là hiện diện của hai thiên thần, hiện diện chính xác tại nơi đặt thi hài của Đức Ki-tô, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Bà quay ra, rồi lại quay vô; và cuối cùng thì quay ra hoàn toàn để gặp gỡ và chiêm ngắm Đức Ki-tô sống động ở bên ngoài mộ phần.
- Chúng ta hãy lắng nghe lời đối thoại: trước khi mở lối, ban ơn, Chúa và các sứ thần, quan tâm đến những nỗi khổ và cùng đồng hành với chúng ta. Đó cũng là kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh của hai môn đệ trên đường Emmau.
- Nói với các thiên thần xong bà quay lại. Tại sao bà quay lại? Bà thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng không nhận ra. Rõ ràng, sự hiện hiện của Chúa vượt qua bình diện thể lí: Ngài vẫn là Đấng đã bị đóng đinh, nhưng đã chiến thắng sự chết, đã đi vào sự sống mới và không bao giờ chết nữa. Đức Giê-su hỏi bà cùng một câu hỏi, nhưng thêm “bà tìm ai”; nhưng bà tưởng là người làm vườn. Tại sao là người làm vườn. Dáng hình của Đức Ki-tô phục sinh như thế nào, để bà nhìn ra người làm vườn, thay vì là vua, tư tế, thẩm phán… ? Và “người làm vườn” gợi ra trong tâm hồn chúng ta những ý nghĩa nào?
- Bà lên tiếng trả lời Đức Ki-tô, và quay trở lại bên trong mộ. Đức Giê-su gọi tên, bà quay lại và gọi tên Người. Hai người nhận ra nhau và gọi tên nhau.
Nhưng chính lúc bà đi tìm Thầy đã chết, lại là lúc bà nghe được một tiếng nói sống động gọi tên của mình : “Maria” ; và khi nghe được tiếng gọi, đó cũng chính là lúc bà nhận ra sự hiện diện. Cũng tương tự như kinh nghiệm nghe được tiếng nói sống động của Đức Kitô ngỏ với chúng ta một cách đích thân khi chúng ta đọc và cầu nguyện với Lời Chúa. Hãy dừng lại thật lâu để chiêm ngắm cuộc gặp gỡ hoàn toàn và tuyệt đối bất ngờ này. Hãy xin để được cùng chung vui với niềm vui lớn lao của cuộc tái gặp gỡ này. Bà Maria đi tìm thân xác đã chết của Chúa, nhưng bà lại được gặp thân xác Phục Sinh rạng ngời của Ngài. Đức Giêsu đã từng nói rằng khi từ bỏ để dấn thân, anh chị em sẽ được gấp trăm, rằng khi liều mất mạng sống sẽ được ban lại sự sống ; với kinh nghiệm gặp gỡ bất ngờ tuyệt đối này, chúng ta mới hiểu được những lời nghịch lý đó của Thầy Giê-su. Hãy nhìn ngắm bà Maria chìm ngập trong niềm vui, trong ơn an ủi khôn tả và chia vui với bà: chắc chắn bà đã lao đến ôm chân Đức Kitô (x. Mt 28, 9), vì sau đó Ngài nói: “Thôi đừng giữ Thầy lại”. Và cũng chắc rằng, Ngài đã cứ để như thế một lúc thật lâu. Thật là thân thương!
Vẫn chưa hết, chính bà Maria là người đầu tiên được Đức Kitô trao sứ mạng loan báo Tin Mừng, không phải cho muôn dân ngay tức thì, nhưng trước hết cho chính các anh em của Ngài, nghĩa là cho các tông đồ và các môn đệ, nghĩa là cho “các đấng các bậc” ! Vì thế, Truyền Thống Giáo Hội tặng cho thánh nữ danh hiệu “Tông Đồ của các Tông Đồ”. Sứ mạng này vẫn còn được Đức Kitô phục sinh trao cho các phụ nữ hôm nay, trong đó một cách rất đặc biệt cho các nữ tu !
Nội dung lời loan báo là : “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Tin Mừng này chất chứa lòng ước ao bừng cháy của Thầy Giêsu : thông truyền cho anh chị em của Ngài tất cả những gì ngài là : “Cha của Thầy cũng là Cha của anh chị em, Thiên Chúa của thầy cũng là Thiên Chúa của anh chị em.” Như thế, nhờ, với và trong Đức Kitô Phục Sinh, một tương quan mới được khai mở cho chúng ta:
- Đó là tương quan đích thân “Maria” – “Thầy Giêsu”; nhưng tương quan này không còn lệ thuộc vào hiện diện thể lý, vì Đức Kitô Phục Sinh nói : “Đừng giữ Thầy lại”.
- Chúng ta trở nên “anh chị em của Thầy”, bởi vì “Cha của Thầy cũng là Cha của anh chị em”, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh chị em”. Chúng ta được mời gọi lựa chọn đời tu, trong đó có lựa chọn đời độc thân, chính là để sống triệt để và làm chứng cho những tương quan hoàn toàn mới này: mọi người là môn đệ của Đức Giêsu và là con cái của Cha, vì vậy mọi người là anh chị em của nhau, vượt qua vô hạn tương quan huyết thống.
Đó chính là những hoa trái mà sức sống mới của Đức Kitô Phục Sinh ước ao thông tuyền cho chúng ta. Trình thuật về cách bà Maria thi hành sứ mạng Đức Kitô uỷ thác thật ngắn, nhưng lại nói lên tất cả : đi gặp gỡ người khác, chia sẻ kinh nghiệm đích thân : “tôi đã thấy Chúa” ; và bà truyền đạt lại điều Chúa đã nói với bà.
*  *  *
Hành trình đi theo Chúa của bà Maria Mác-đa-la là một hành trình thật đẹp và đáng ước ao. Hành trình này cần được tái hiện lại trong hành trình theo Đức Giêsu-Kitô của mỗi người chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận