Thứ Hai Tuần 16 TN

Đăng lúc: Thứ hai - 21/07/2014 02:58 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ HAI TUẦN 16 TN: Th. Lô-ren-xô Brin-đi-xi, linh mục

Bài đọc (Mk 6, 1-4. 6-8)

Các ngươi hãy nghe Chúa phán: “Ngươi hãy đứng lên, hãy trình bày lời tố cáo của ngươi trước núi non, và các đồi hãy nghe tiếng của ngươi. Hỡi các núi và nền tảng kiên cố của địa cầu, hãy nghe Chúa tố cáo dân Người và biện luận với Israel.
“Hỡi dân Ta, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay là Ta đã làm khổ ngươi điều gì? Hãy trả lời cho Ta biết. Chính Ta dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập, đã giải thoát ngươi khỏi nhà nô lệ, và sai Môsê, Aaron và Maria đi trước mặt ngươi?” Tôi sẽ hiến dâng vật gì lên Thiên Chúa cho xứng đáng? Hay là tôi sấp mình trước Thiên Chúa Tối Cao? Tôi sẽ dâng lên Người của lễ toàn thiêu và con bê một tuổi chăng? Chúa có hài lòng với hằng ngàn chiên đực, hoặc hằng muôn vàn dê đực béo tốt chăng? Tôi sẽ dâng con đầu lòng để đền tội ác của tôi, và dâng con cái tôi để đền chính tội tôi chăng?

Người hỡi, Ta sẽ chỉ cho ngươi việc phải làm, và việc nào Chúa đòi hỏi nơi ngươi: tức là ngươi hãy thực hiện công bình, quý mến lòng nhân lành, và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa ngươi.

Tin Mừng (Mt 12, 38-42)

Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”. Người trả lời: “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Giona. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Salomon”.


Thánh Laurensô Brinđisi, Linh mục, tiến sĩ Hội thánh (1559 – 1619)

Cesare de Rossi sinh tại Brinđisi vùng Aquila, miền nam nước Ý năm 1559 và được giáo dục tại Venise. Suốt cuộc đời ngài muốn trở thành một chiến sĩ của Thiên Chúa, một người hướng dẫn các linh hồn. Vì thế ngài gia nhập dòng thánh Phanxicô ở Verôna. Năm 1575, ngài được mặc áo dòng với tên gọi là Laurensô Brindisi.
Những năm theo học tại Padua đã giúp ngài trở thành học giả, thông thạo các thứ tiếng Pháp, Đức, Hy lạp, Syria và Do thái. Những khả năng này đã góp phần mang lại nhiều thành công khi ngài làm việc với anh em Do thái và khi ngài phải đương đầu với sự bành trướng của Thệ phản. Danh tiếng ngài lan rộng khắp vùng Trung Âu.
Trong dòng, Laurensô Brinđisi đã được bầu làm bề trên cả.
Ngoài ra, ngài còn hăng say với đạo binh Thánh giá dẫn đầu đoàn quân Hung Gia Lợi chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Với thánh giá cầm tay, ngài đã mang lại chiến thắng năm 1601.
Phần đời còn lại, ngài hiến mình cho việc truyền giáo và ngoại giao. Với khả năng đặc biệt này, ngài đã là một nhà ngoại giao tài giỏi của nhiều Giáo Hoàng. Tuy nhiên, giữa những hoạt động bên ngoài, thánh nhân vẫn dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện và thực tập các nhân đức. Chính đời sống nội tâm sâu sắc đã đưa ngài lên đỉnh cao đời sống thánh thiện.
Năm 1619, đang khi thi hành sứ mạng được trao phó ở Lisbone, thánh Laurensô đã từ trần trong sự nghèo khó đơn sơ và thánh thiện. Ngài để lại nhiều tác phẩm giá trị cho kho tàng đức tin Công giáo. Năm 1881, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tuyên phong ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1959 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đặt ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.

Suy niệm 1: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN

Người Việt Nam chúng ta thường có câu: “Bụt chùa nhà không thiêng”. Câu nói đó hàm ý rằng: những người ở gần và sống bên cạnh chúng ta, dù họ có tốt và làm được nhiều chuyện lành thánh thế nào thì cũng chẳng có gì phải bàn và những lời họ nói cũng chẳng cần phải tin. Một lý do đơn giản là: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”.
Hôm nay, thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu khiển trách những Kinh sư và Pharisêu cứng lòng không chịu tin vào những lời giảng và những việc Ngài làm. Lòng họ đã trở nên trai cứng. Trái tim họ đã hóa đá. Vì thế, họ thách thức Đức Giêsu phải làm một dấu lạ trực tiếp trước mặt họ thì họ mới tin.
Tại sao vậy? Thưa! Đòi hỏi dấu lạ là đặc trưng của người Dothái, nhất là giới lãnh đạo. Trước mắt và tâm thức của những người này khi nhìn về Đấng Cứu Thế phải là một con người oai hùng lẫm liệt. Đấng ấy phải là người đánh đông dẹp bắc. Phải là người đưa dân Dothái đến bến bờ tự do và bá chủ mọi quốc gia. Và, như một sự tất yếu, Đấng ấy phải làm được dấu lạ, nếu không đáp ứng sự hiếu tri của họ thì họ không tin.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không đi theo con đường đó. Con đường cứu thế của Ngài là con đường khiêm tốn và tự hạ, con đường của khiêm nhu và hiền hậu, chứ không phải con đường của thách thức, kiêu ngạo, khoe khoang… Vì thế, Ngài sẵn sàng làm những dấu lạ để cứu giúp và củng cố niềm tin của người đương thời, nhưng nếu vì thách thức, đi ngược lại với sứ mạng và ích lợi cho phần rỗi của con người thì không bao giờ Đức Giêsu làm.
Lời Chúa hôm nay muốn dạy cho chúng ta rằng:
Thứ nhất, tìm những dấu lạ để tin cũng được, nhưng đây không phải là đức tin trưởng thành. Đức tin trưởng thành là đức tin của những người không thấy mà vẫn tin. Bởi vì Đức Giêsu đã nói với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Thứ hai, không nên thuần lý để thách thức Thiên Chúa như những người Dothái. Cần tránh cho xa ý tưởng bắt Thiên Chúa phải làm theo ý của mình.
Cuối cùng, tin Chúa thì phải hành động. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Thật vậy, ma quỷ nó cũng tin, nhưng nó không hề hành động theo điều nó đã tin.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin trưởng thành. Xin cũng ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa tha thiết. Biết khiêm tốn để nhận ra thánh ý Chúa và thi hành. Amen.


Suy niệm 2: ƠN CỨU ĐỘ KHÔNG TRỪ AI

“… xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây còn hơn ông Giô-na nữa.” (Mt 12,41)
Suy niệm: Câu chuyện ông Giô-na không muốn đến Ni-ni-vê rao giảng phản ảnh não trạng cho rằng ơn cứu độ chỉ dành cho dân Ít-ra-en. Trái lại, việc dân Ni-ni-vê mau chóng nghe lời rao giảng là lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa không đóng khung ơn cứu độ chỉ nơi con cái Ít-ra-en và hơn nữa, mọi người không trừ ai đều cần phải sám hối để được hưởng ơn cứu độ. Đáng buồn thay khi Đấng Cứu Thế đến thì chính người nhà của Ngài – dân Ít-ra-en – lại không muốn sám hối để hưởng ơn cứu độ. Chúa Giê-su đem chuyện Giô-na và nữ hoàng Phương Nam ra làm bằng chứng để trách khéo họ: Giô-na chỉ đến giảng; còn Chúa Giê-su không chỉ dạy cho họ con đường trọn lành… mà còn làm bao nhiêu phép lạ, thế mà họ không chịu nghe. Thật là đáng trách và đáng tiếc!
Mời Bạn: Không ít người ngày nay giống như người Do Thái xưa đòi dấu lạ theo ý muốn vụ lợi của họ. Nhưng sứ điệp của Đức Ki-tô “Sám hối và tin vào Phúc Âm” vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế người Ki-tô hữu trong sứ mệnh Phúc Âm hoá chẳng những phải đem Tin Mừng đến cho mọi người, “cho kẻ ở xa cũng như ở gần, cho người lành cũng như kẻ dữ”mà còn dùng đời sống mình làm chứng tá đức tin để nhiều người được cảm hoá, hoán cải và được cứu độ.
Sống Lời Chúa: Để thực thi sứ mạng Phúc Âm hoá, bạn phải được Phúc Âm hoá trước đã. Mời bạn trung thành việc học hỏi Lời Chúa và suy niệm Phúc Âm mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con đòi hỏi Chúa làm gì cho con, nhưng trước hết giúp con tự hỏi mình đã làm gì cho Chúa.


Suy niệm 3

Kinh nghiệm cho thấy: “Người buồn cảnh có vui bao giờ”.
Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn.
Mặc dù chứng kiến bao là phép lạ Chúa Giêsu đã làm, mặc dù đã nhiều lần vỗ tay ca ngợi những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, nhưng rốt cùng nhiều người Do Thái, đặc biệt là nhóm người Pharisêu và kinh sư vẫn không tin.
Hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna”. Và như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa với hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
Nhắc lại chuyện Giona ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa dân thành Ninivê chỉ nghe lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona, vậy mà họ lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng Phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salômon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn có Người cao trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau lòng!!
Chính lòng tự mãn làm cho họ trở nên mù quáng và đã làm hỏng hết mọi ơn phúc. Vì thế họ không đến được với ơn cứu độ.
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa, mù quáng và tự mãn. Nhưng hãy trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng Phương nam có cái nhìn ngay chính để nhận ra chân lý mà theo đuổi; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể
Chúa là Đấng quyền năng. Chúa tiếp tục thực hiện biết bao kỳ công trên vũ trụ và tạo vật. Chúa tiếp tục sáng tạo cho thế giới này đẹp xinh thêm. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Chúng con xin chúc tụng và ngợi khen Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra ân ban của Chúa vẫn dành cho chúng con để dâng lời tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con cảm tạ Chúa vì những ơn lành Chúa thương ban xuống trên cuộc đời chúng con. Chúng con xin tán dương quyền năng của Chúa vẫn gìn giữ chở che cuộc đời chúng con. Phép lạ Chúa vẫn tiếp diễn trong từng phút giây cuộc đời chúng con. Sự sống, sức khỏe của chúng con được Chúa tạo dựng, dưỡng nuôi là một ân ban mà Chúa đã dành cho chúng con. Cha mẹ, bạn bè là những người Chúa gửi đến để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng con. Tất cả là hồng ân, là quà tặng, là phép lạ mà Chúa đã thực hiện vì lòng yêu thương chúng con. Chúng xin tri ân và ngợi khen Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin đủ để nhận ra tình thương cao vời của Chúa. Xin cho chúng con lòng trông vậy vững vàng để dầu đứng trước gian nguy chúng con luôn phó thác nơi Chúa. Xin ban cho chúng con lòng mến sắt son để chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Amen.
+++++
 
Suy niệm 4
 
1. Dấu lạ và lòng tin

Người ta, có khi cả chính chúng ta nữa, thường nghĩ rằng, khi thấy điều lạ lùng thì sẽ tin. Đó là trường hợp của một số kinh sư và người Pha-ri-sêu:
Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ. (c. 38)
Nhưng kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết, nhìn thấy không tất yếu dẫn đến lòng tin: Con cái Israel chứng kiến 10 dấu lạ, nhưng vừa ra khỏi Ai Cập gặp thách đố đã kêu: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” Thiên Chúa sẽ làm dấu lạ lớn hơn nữa cho họ, đó là mở đường đi ngay trong lòng biển cả (x. Tv 77, 20-21). Nhưng khi vừa đi qua Biển Đỏ khô chân, vào sa mạc thiếu nước, họ tiếp tục kêu; và sẽ còn kêu hoài, mỗi khi gặp khó khăn thử thách.
Các vị kinh sư và Pharisiêu chứng kiến Đức Giê-su làm dấu lạ, nhưng họ lại nói: đó là nhờ tướng quỉ Bêendêbun; họ chứng kiến Ngài chữa lành, thì họ dựa vào lề luật để lên án Chúa. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ dòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin”.
Dấu lạ không tất yếu dẫn đến lòng tin, vì dấu lạ tự nó rất khó xác minh; hơn nữa, nếu có dấu lạ thực sự, thì dấu lạ chỉ xẩy ra một lần hay vài lần, tại một nơi và trong một thời điểm nhất định. Bởi vì, chẳng lẽ, ngày nào Chúa cũng phải làm dấu lạ cho chúng ta tin? Trong khi tin, là tin ở mọi nơi và mọi lúc, tin suốt đời; tin là một quà tặng, là đặt đời mình vào tay người khác, vào tay người bạn đời, vào tay Hội Dòng, vào bàn tay của Chúa; tin những khi có dấu lạ, và tin cả khi không có dấu lạ, khi đầy khó khăn thử thách, như lời Thánh Vịnh nói: “tôi đã tin cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề”.
Và như chúng ta có kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ, những ngày bình thường, những ngày thử thách và đau khổ mới là nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng kinh nghiệm đức tin cũng cho chúng ta thấy rằng, khi tin rồi, chúng ta sẽ có một tâm hồn biết chiêm ngắm, nhận thấy cái gì cũng lạ[1].

2. Dấu lạ đời mình
Tương quan giữa “thấy” và “tin” hiểu như trên giúp chúng ta hiểu được phần nào câu trả lời gay gắt đến bất ngờ của Đức Giê-su: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ” (c. 39). Đức Giê-su đã không làm theo yêu cầu của họ, vì nếu có làm dấu lạ cho họ xem, cũng vô ích, bởi lẽ đó là lòng ham muốn những điều lạ; thế mà, lòng ham muốn thì không có giới hạn, như dân Do Thái ở trong sa mạc: đã thấy một, thì đòi hai, thấy hai, thì đòi ba; thấy dấu lạ từ đất, thì đòi dấu lạ từ trời, thấy dấu lạ nhỏ, thì đòi dấu lạ to, thấy dấu lạ to, thì đòi dấu lạ to hơn… cứ như thế, không bao giờ cùng. Thay vì làm dấu lạ cho họ xem, Đức Giêsu mời gọi họ:
a. Trở về với chính mình, khi gọi họ là “thế hệ gian ác và ngoại tình”! Nghĩa là họ phải xét lại mình đã sống với tha nhân như thế nào? Với anh em, chị em của mình như thế nào, với những người trong gia đình và những người thân yêu như thế nào?
b. Ngoài ra, Ngài còn mời gọi họ hãy nhớ lại lịch sử cứu độ:
§  Nhớ lại lời mời gọi hoán cải của ngôn sứ Giona, như một dấu lạ. Nhớ lại sự khôn ngoan của vua Salomôn, như một dấu lạ. Và đó là những dấu lạ rất đời thường.
§  Nhớ lại hình ảnh lạ lùng: ngôn sứ Giona trong bụng kình ngư, dưới lòng biển cả, được Thiên Chúa cứu thoát.

3. Dấu lạ Đức Giê-su Ki-tô
Và chính Đức Giê-su mà họ đang nghe, mà chính chúng ta vẫn lắng nghe và rước vào lòng mỗi ngày trong Thánh Lễ, là một Dấu Lạ; Ngài là dấu lạ, lớn hơn mọi dấu lạ, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh ở trên Thánh Giá. Đức Ki-tô chịu đóng đinh chính là dấu lạ hoàn tất mọi dấu lạ, trong lịch sử cứu độ và trong lịch sử loài người và từng người chúng ta:
§  dấu lạ trong lời mời gọi hoán cải,
§  dấu lạ trong sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa,
§  dấu lạ mạc khải tình yêu thương xót,
§  dấu lạ mặc khải khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa,
§  dấu lạ chiến thắng ý muốn chết chóc của con người, chiến thắng Tội và Sự Dữ,
§  và dấu lạ chiến thắng Sự Chết.
*  *  *
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra bản thân và cuộc đời của chúng ta cũng là một dấu lạ, qua đó, chúng ta nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa, chúng ta nghe được tiếng gọi và tín thác đi theo Chúa trong ơn gọi gia đình, hay ơn gọi dâng hiến, để ca tụng, tạ ơn và tôn vinh Chúa suốt đời.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
————–
[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ, sẽ có những hệ quả nghiêm trọng: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người như thế đó, rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Ý thức hay không ý thức, không chấp nhận thân phận bình thường của mình và không liên đới với thận phận bình thường của người khác, khi mình đòi dấu lạ. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (x. St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận