Thứ Ba Tuần 18 TN

Đăng lúc: Thứ ba - 05/08/2014 02:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 18 TN: Cung hiến thánh đường Đức Ma-ri-a

Bài đọc (Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22)
Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ngươi hãy chép vào sách mọi lời Ta đã phán với ngươi”.
Vì Thiên Chúa phán rằng: “Nơi giập gãy của ngươi đã bất trị, thương tích ngươi làm độc quá đỗi. Không ai đoái thương băng bó cho ngươi: không có thuốc hay chữa ngươi bình phục. Mọi kẻ yêu ngươi đã bỏ quên ngươi, không tìm kiếm ngươi nữa, vì Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy”.
Chúa phán thế này: “Đây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên. Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta? – Chúa phán như thế -. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”.



Tin Mừng (Mt 15,1-2.10-14)

1 Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng : 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?” 10 Sau đó, Đức Giê-su gọi đám đông lại mà bảo : “Hãy nghe và hiểu cho rõ : 11 Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”
12 Bấy giờ các môn đệ đến gần Đức Giê-su mà thưa rằng : “Thầy có biết không ? Những người Pha-ri-sêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy.” 13 Đức Giê-su đáp : “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. 14 Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.”


Lễ cung hiến thánh đường Đức Bà cả

Thánh đường Đức Maria được xây cất vào thế kỷ thứ 4 dưới thời Đức Giáo Hoàng Libêriô. Truyện kể rằng chính Đức Mẹ đã chọn nơi này để người ta xây ngôi thánh đường tôn kính Mẹ. Mẹ đã thân hiện ra với đôi vợ chồng sở hữu mảnh đất cũng như với Đức Giáo Hoàng, bảo họ rằng khoảng đất trên ngọn đồi được bao phủ đầy tuyết kia chính là nơi Đức Mẹ đã chọn. Sáng hôm sau, nhằm ngày mùng 5 tháng Tám, một thời điểm rất nóng trong năm ở Rôma, có một lớp tuyết bao phủ ngọn đồi Esquiline. Đôi vợ chồng đã xin dâng phần đất cũng như tiền bạc cần thiết để xây ngôi thánh đường như là món quà dâng kính Đức Mẹ.
Thoạt tiên, ngôi thánh đường này mang tên là Vương cung thánh đường Libêriô, theo tên của Đức Giáo Hoàng Libêriô. Nó cũng được gọi là thánh đường Đức Mẹ Xuống Tuyết để nhắc nhớ sự kiện Đức Mẹ đã chỉ cho biết mảnh đất dành cho việc xây cất. Sau đó, ngôi thánh đường được Đức Thánh Cha Sixtô III cung hiến cho Đức Maria sau khi Công đồng chung Êphêsô năm 431 tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Ngôi thánh đường chính là một nhắc nhở tuyệt đẹp về tình yêu và lòng tôn kính mà Giáo hội dành tặng cho Mẹ Thiên Chúa. Danh xưng “cả” được thêm vào danh hiệu “thánh đường Đức Bà” bởi vì đây là ngôi thánh đường đầu tiên được xây cất ở Tây phương để tôn kính Đức Mẹ.
Bên trong thánh đường có máng cỏ Bêlem nơi Đức Maria đã đưa nôi Chúa Hài Nhi Giêsu. Điều này biểu lộ lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh, với hình Chúa Hài Nhi nhỏ bằng bạc đang nằm trong máng cỏ.
Ðền Ðức Bà Cả là một trong bốn thánh đường ở Rôma nổi tiếng là các thánh đường chính được xây cất để kính nhớ các trung tâm đầu tiên của Giáo Hội:
- Ðền thánh Gioan Latêranô: tượng trưng cho ngai toà Thánh Phêrô, Toà Rôma
- Ðền thánh Phaolô Ngoại Thành: toà Alexandria, nghe nói do Thánh Máccô đứng đầu
- Ðền thánh Phêrô: tòa Constantinople
- Ðền Ðức Bà Cả: tòa Antiôkia, là nơi người ta cho rằng Ðức Maria sống ở đây lâu nhất.


Suy niệm 1: GIỮ LUẬT VÀ SỐNG Ý NGHĨA CỦA LUẬT

Ngày xưa, có người học trò hỏi Đức Khổng thế này: “Nếu mình xấu mà người ta nói mình tốt, người đó có tốt không?” Đức Khổng trả lời: “Không!”. Cậu học trò hỏi tiếp: “Vậy ai là người tốt?”. Lần này Đức Khổng trả lời: “Người tốt là người chân thành nói sự thật. Nếu mình xấu, người ta bảo là xấu. Mình tốt, người ta bảo là tốt”.
Thật vậy, người tốt là người sống thật tâm, không nịnh bợ, tâng bốc, hai lòng, lập lờ… Người tốt là người không vụ lợi, không nhân danh tập thể để lợi dụng cho cá nhân mình, không ăn bớt của công, và cuối cùng, họ là những người không: “sợ tiếng chửi, và ăn mày tiếng khen” (x. Đường Hy Vọng số 693).
Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho những người Pharisêu và các Kinh sự bài học về việc giữ Luật. Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Hiểu và giữ cốt lõi của Luật là tình thương thì quan trọng và đẹp ý Thiên Chúa hơn là những thứ bề ngoài. Trong khi đó, các Pharisêu và Kinh sư lại cổ súy người ta sống xa rời cốt lõi của Luật để chỉ tuân giữ Luật cách hình thức và chú tâm vào việc giữ gìn truyền thống cha ông mà thôi.
Thật vậy, nếu chỉ có vì Luật, người ta sẽ xử với nhau trên mặt chữ hay cái đầu mà không cần cái lý, cái tình và trái tim. Nếu cứ bề ngoài mà đánh giá và lấy đó làm chuẩn mực, thì sẽ luôn xảy ra tình trạng “thấy vậy mà không phải vậy” do những kẻ cầu thân nịnh bợ gây nên. Họ là những hạng người: “bên ngoài thì trông sáng láng, đẹp đẽ như mồ mả được tô vôi, nhưng bên trong thì toàn là xương người chết, dơ bẩn, thối tha”.
Nói như thế không có nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận giá trị của Luật hay coi thường! Không! Chúng ta nên nhớ rằng: Đức Giêsu đến, Ngài không bao giờ bỏ một chấm một phết nào của Luật, nhưng Ngài kiện toàn nó và mặc cho nó một tinh thần mới, đó là tinh thần yêu thương.
Là kitô hữu, bài học của Đức Giêsu cho các Pharisêu và Kinh sư khi xưa cũng chính là bài học cho mỗi chúng ta hôm nay. Hãy sống hài hòa giữa cái bên trong và bên ngoài chứ không chỉ vụ Luật, tức là hình thức, phô trương mà bên trong thì rỗng tuếch. Hãy sống thật tâm chứ đừng giả dối. Thương người mà không có tâm tốt thì là một sự thương hại và xúc phạm, vì thế đáng nguyền rủa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn mặc lấy tâm tình của Chúa trong khi giữ Luật, tinh thần đó là đi vào trong trái tim Chúa và sống chan hòa với nhau. Amen.


Suy niệm 2: Ô UẾ VÀ TINH SẠCH

“Không phải cái vào miệng làm con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra…” (Mt 15,11)
Suy niệm: Ô uế là một ý niệm chìa khóa trong Thánh Kinh. Nó gắn liền với cảm thức về sự thánh thiện, tinh tuyền của Thiên Chúa. Người hay vật ô uế thì bất xứng với Thiên Chúa, và cần phải được thanh tẩy. Nhưng chẳng biết từ lúc nào, ý niệm này được hiểu một cách máy móc, hoàn toàn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Dần dần người ta chỉ lo làm hay tránh những điều hoàn toàn bên ngoài, để khỏi ô uế, mà không hề quan tâm đến sự trong sạch trong tâm hồn mình. Ý niệm về ô uế hay tinh sạch cũng dần co lại nơi chính nó, và đặc tính tương quan (với Thiên Chúa) không còn được thấy rõ nữa.
Chính trong bối cảnh này mà Đức Giê-su đã bày tỏ quan điểm của Ngài. Ngài chuyển tiêu điểm của ô uế hay tinh sạch vào bên trong. Và Ngài giới thiệu một vị Thiên Chúa thấu suốt tâm can người ta và quan tâm trước hết đến những gì ở trong đáy lòng ấy: “Không phải cái và miệng làm con người ra ô uế, nhưng chính là cái từ miệng xuất ra”!
Mời Bạn: Chúng ta quan tâm đến sự sạch sẽ của thực phẩm, y phục, nhà cửa, môi trường. Chúng ta chống lại mọi hành động gây ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí, v.v… Nhưng còn tư tưởng, tâm hồn của chúng ta thì sao? Ta đi xưng tội để được Chúa tha thứ; nhưng bí tích Sám hối này có được ta cử hành thực sự từ trong tâm hồn, chứ không qua loa, máy móc không?
Sống Lời Chúa: Thành tâm đặt mình trước mặt Chúa và kiểm điểm cuộc sống của mình.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy…”.


Suy niệm 3BÌNH AN

Cách đây không lâu tôi có một chuyến đi ra đảo Phú Quốc. Tôi đã ngồi trên một chiếc thuyền đánh cá để đi ra biển và đi khá xa bờ. Khi đó trời đổ mưa và gió thổi khá mạnh. Có nhiều đợt sóng mạnh đập vào thuyền làm chiếc thuyền ngả nghiêng. Tôi cảm thấy sợ. Lập tức tôi hỏi người lái thuyền cũng là người hướng dẫn và đưa chúng tôi ra biển: “Có bao giờ anh đã gặp sóng lớn như bây giờ không?” Anh ta trả lời: “Vẫn gặp hoài và sóng như bây giờ là vẫn còn nhỏ không ăn thua gì“. Bấy giờ tôi cảm thấy yên tâm hơn vì biết rằng người lái thuyền này có thể vượt qua sóng gió.
Bài tin mừng hôm nay cũng xảy ra một câu chuyện trên biển làm cho các môn đệ sợ hãi. Các ông sợ hãi vì những điều xảy ra trên biển. Ngay cả khi Chúa đến, các ông không nhận ra Ngài và các ông đã la lên vì hoảng sợ. Phêrô cũng sợ hãi vì gió thổi và sóng biển. Và vì mất niềm tin Phêrô đã bị chìm dần trong nước biển. Nhưng rồi, với sự hiện diện của Chúa Giêsu, và với quyền năng của Ngài đã giúp cho các ông vượt qua tất cả và bình an.
Sóng gió trong cuộc đời cũng giống như sóng gió trên biển cả. Nó làm cho tôi sợ hãi, làm cho tôi mất niềm tin và mất bình an, nhất là khi tôi không nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay bên cạnh tôi. Tôi cũng sợ hãi và la lên như các môn đệ. Tôi cũng bị chìm trong vất vả khó khăn của cuộc sống như Phêrô chìm trong nước biển. Thế nhưng, Chúa vẫn ở bên tôi. Nếu tôi nhận ra Ngài, nếu tôi nghe tiếng Ngài, nếu tôi tin tưởng vào Ngài thì tôi không còn sợ hãi và tôi sẽ sống trong bình an.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa và luôn tin tưởng vào Chúa trong mọi thăng trầm của cuộc sống. Xin cho con luôn sống trong vòng tay và bình an của Chúa, để con cũng chia sẻ niềm vui và bình an cho những người con gặp gỡ. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là tấm bánh dưỡng nuôi cuộc đời chúng con. Đây là ân phúc vượt lên mọi điều chúng con mong ước. Chúng con chỉ cần của ăn mau hư nát, nhưng Chúa lại cho chúng con sự sống đời đời là chính Thánh Thể Chúa. Chúng con chỉ cầu Chúa ban cho chúng con lương thực hằng ngày, thế mà Chúa lại cho chính Chúa làm gia nghiệp cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con cũng trở thành tấm bánh để hoà tan trong anh em. Xin giúp chúng con luôn trở thành người hữu ích cho cộng đoàn bằng đời sống yêu thương và phục vụ vì lợi ích của tha nhân.
Lạy Chúa, ngày nay người ta không chỉ đói cơm ăn, thiếu áo mặc mà còn cần sự cảm thông và chia sẻ, cần tình thương mến và rất cần những cử chỉ quan tâm chăm sóc của tha nhân. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con quá ích kỷ với nhau. Chúng con thường có thái độ bàng quan, dửng dưng trước những bất hạnh của tha nhân. Chúng con cũng còn thiếu cả trách nhiệm với gia đình, đôi khi vì lười biếng mà chúng con đã chồng chất gánh nặng lên vai cha mẹ và anh em. Chúng con thiếu mau mắn chia sẽ trách nhiệm với gia đình. Chúng con ngại đưa tay giúp đỡ thi ân. Chúng con chần chờ khi phải đến viếng thăm nhau. Chúng con thường tìm vui thú cho bản thân hơn là lo lắng phục vụ cho lợi ích cộng đoàn. Chúng con đã không dùng tài năng Chúa ban để phục vu cộng đoàn nhưng chỉ lo thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Xin Chúa tha thứ cho những thiết sót của chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho cuộc đời chúng con cũng là tấm bánh làm vui lòng mọi người qua sự chia sẻ trong yêu thương và phục vụ của chúng con. Amen.


Suy niệm 4

GIỮ LUẬT VÀ SỐNG Ý NGHĨA CỦA LUẬT
(Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22; Mt 15, 1-2. 10-14)
 
Ngày xưa, có người học trò hỏi Đức Khổng thế này: “Nếu mình xấu mà người ta nói mình tốt, người đó có tốt không?” Đức Khổng trả lời: “Không!”. Cậu học trò hỏi tiếp: “Vậy ai là người tốt?”. Lần này Đức Khổng trả lời: “Người tốt là người chân thành nói sự thật. Nếu mình xấu, người ta bảo là xấu. Mình tốt, người ta bảo là tốt”.
Thật vậy, người tốt là người sống thật tâm, không nịnh bợ, tâng bốc, hai lòng, lập lờ... Người tốt là người không vụ lợi, không nhân danh tập thể để lợi dụng cho cá nhân mình, không ăn bớt của công, và cuối cùng, họ là những người không: “sợ tiếng chửi, và ăn mày tiếng khen” (x. Đường Hy Vọng số 693).
Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho những người Pharisêu và các Kinh sự bài học về việc giữ Luật. Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Hiểu và giữ cốt lõi của Luật là tình thương thì quan trọng và đẹp ý Thiên Chúa hơn là những thứ bề ngoài. Trong khi đó, các Pharisêu và Kinh sư lại cổ súy người ta sống xa rời cốt lõi của Luật để chỉ tuân giữ Luật cách hình thức và chú tâm vào việc giữ gìn truyền thống cha ông mà thôi. 
Thật vậy, nếu chỉ có vì Luật, người ta sẽ xử với nhau trên mặt chữ hay cái đầu mà không cần cái lý, cái tình và trái tim. Nếu cứ bề ngoài mà đánh giá và lấy đó làm chuẩn mực, thì sẽ luôn xảy ra tình trạng “thấy vậy mà không phải vậy” do những kẻ cầu thân nịnh bợ gây nên. Họ là những hạng người: “bên ngoài thì trông sáng láng, đẹp đẽ như mồ mả được tô vôi, nhưng bên trong thì toàn là xương người chết, dơ bẩn, thối tha”.
Nói như thế không có nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận giá trị của Luật hay coi thường! Không! Chúng ta nên nhớ rằng: Đức Giêsu đến, Ngài không bao giờ bỏ một chấm một phết nào của Luật, nhưng Ngài kiện toàn nó và mặc cho nó một tinh thần mới, đó là tinh thần yêu thương.
Là kitô hữu, bài học của Đức Giêsu cho các Pharisêu và Kinh sư khi xưa cũng chính là bài học cho mỗi chúng ta hôm nay. Hãy sống hài hòa giữa cái bên trong và bên ngoài chứ không chỉ vụ Luật, tức là hình thức, phô trương mà bên trong thì rỗng tuếch. Hãy sống thật tâm chứ đừng giả dối. Thương người mà không có tâm tốt thì là một sự thương hại và xúc phạm, vì thế đáng nguyền rủa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn mặc lấy tâm tình của Chúa trong khi giữ Luật, tinh thần đó là đi vào trong trái tim Chúa và sống chan hòa với nhau. Amen.


Suy niệm 5 

Bài Tin Mừng có cấu trúc song song đối xứng như sau:
A (c. 22-24): Các môn đệ xuống thuyền
- Đức Giê-su một nơi, các môn đệ một nơi
- Sóng đánh, gió ngược
B (c. 25-31): Đức Giê-su đến với các môn đệ
- Đức Giê-su đến với các môn đệ trên biển đầy sóng gió
- Ông Phê-rô đến với Đức Giê-su trên biển đầy sóng gió
A’ (c. 32-33): “Ngài là Con Thiên Chúa”
- Thầy trò cùng thuyền
- Gió lặng
- “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”
1. Đức Giê-su một nơi, các môn đệ một nơi (c. 22-24)
a. Chiêm ngắm Đức Giê-su
Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su. Sau phép lạ bánh hóa nhiều, “Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước”. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao ? Và chính Ngài giải tán đám đông chứ không phải các môn đệ ; bởi vì Đức Giê-su mới là mục tử ; đoàn chiên, là đoàn chiên của Người ; và chính Người nuôi dưỡng đoàn chiên, chứ không phải các môn đệ.
Sau đó, Đức Giê-su núi cầu nguyện một mình suốt đêm. Chúng ta có thể hình dung ra Đức Giê-su đang cầu nguyện, và lắng nghe Ngài cầu nguyện. Về điều này, Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại cho chúng ta rất nhiều (x. Ga 14-17). Chúng ta có thể đoán ra rằng, một phần quan trọng của thời gian cầu nguyện mà Đức Giê-su thực hiện là việc “nhận định thiêng liêng” : phải bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa của Ngài như thế nào và bằng con đường nào : con đường mà ma quỉ gợi ra trong sa mạc và cũng là con đường mà các môn đệ mong chờ ? Hay con đường mà Chúa Cha muốn từ thủa tạo thiên lập địa và được ghi khắc trong sáng tạo và trong lịch sử cứu độ ? Con đường đáp ứng mọi nhu cầu của con người bằng quyền năng và những phép lạ cả thể, như bánh hóa nhiều ? Hay bằng con đường của hạt lúa mì, con đường trở nên lương thực cho con người (x. St 1, 29), con đường mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của loài người, con đường băng qua Biển Đỏ Sự Chết ?
b. Chiêm ngắm các môn đệ
Với phép lạ bánh hóa nhiều, chắc chắn đã tạo ra nơi các môn đệ sự gắn bó nào đó : vinh quang của Thầy được tỏ hiện, sự thán phục của đám đông đối với Thầy, nhưng các môn đệ cũng được hưởng nữa, bánh dư tràn, và những mối tương quan với nhiều người được dệt nên qua biến cố đặc biệt này. Nhưng, đã đến lúc phải bỏ lại tất cả, vì Chúa muốn các môn đệ phải “sang bờ bên kia”.
Trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, chúng ta vẫn cứ thỉnh thoảng lại phải “sang bờ bên kia” ; và sẽ đến lúc, và lúc đó không thể tránh được, chúng ta phải sang bờ bên kia của sự chết. Những lúc như thế, hành trình “sang bờ bên kia” đều chất chứa những bấp bênh và thách đố, và nhất là phải hi sinh và từ bỏ rất nhiều, như các môn đệ bị Đức Giê-su bắt phải bỏ lại tất cả, xuống thuyền, ra khơi xa, để sang bờ bên kia. Quả vậy, một thử thách rất lớn ở giữa lòng biển cả đang chờ các môn đệ, và chắc chắn đó sẽ là thử thách không bao giờ quên :
- Các môn đệ ở trên thuyền, thuyền ở giữa Biển Hồ : lúc đó là ban đêm và trên thuyền không có Thầy Giê-su.
- Một hoàn cảnh như thế đã là một thử thách rồi, vì trong đêm tối và ở giữa biển, nên các môn đệ không còn thấy bở bến, có thể mất hướng đi và bị biển vùi dập và nuốt trửng bất cứ lúc nào. Nhưng, thêm vào đó, con thuyền bị sóng đánh vì gió ngược nữa, khiến các môn đệ phải vất và chèo chống.
- Vẫn chưa hết thử thách, vì Đức Giê-su biết rõ hoàn cảnh thử thách của các môn đệ, nhưng mãi canh tư Ngài mới đến, nghĩa là mãi đến rạng sáng !
Thử thách của các môn đệ nói về hay làm chúng ta nhớ tới những thử thách riêng của mỗi người chúng ta. Vậy đâu là những thử thách mà chúng ta đang phải đối diện ? Nhưng Lời Chúa trong trình thuật Tin Mừng này còn mời gọi chúng ta phải biết nhận định để nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong lòng thử thách.
2. Đức Giê-su đến với các môn đệ (c. 25-31)
a. Các môn đệ và Đức Giê-su
Chúng ta hãy nhìn ngắm, lắng nghe và quan sát các môn đệ, khi họ thấy Đức Giê-su đi trên mặt nước đến với họ. Các môn đệ của Đức Giê-su, đang bị vùi dập giữa sóng nước mênh mông và dữ dằn trong đêm tối, Ngài không đưa họ ra khỏi thử thách này, nhưng Ngài “vượt qua” biển cả hung tợn và chết chóc để gặp gỡ các môn đệ ngay giữa lòng thử thách. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp loan báo Ngài sẽ đi vào cõi chết để gặp gỡ chúng ta trong thử thách tận cùng là sự chết, để nói với chúng ta rằng : “Thầy đây, đừng sợ, vì Thầy mạnh hơn sự chết”. Nếu chúng ta đang ở trong thử thách, vậy thì đâu là cách thức Đức Giê-su đi đến và hiện diện cùng với chúng ta trong thử thách ?
Cách Ngài đến thật lạ lùng, đến độ các môn đệ tưởng là ma, do đó họ rất hoảng hốt, bởi vì Ngài đi trên mặt biển mà đến với các ông ! Chúng ta hãy cảm thông với các môn đệ : ở giữa biển và trong cảnh “tranh tối tranh sáng”, khi không có người lù lù đi tới ! Sau này, các ông cũng sẽ hốt hoảng tưởng là ma, khi Đức Ki-tô từ cõi sống lại, nghĩa là vượt qua biển cả sự chết, tỏ mình ra cho các môn đệ. Và làm sao không hốt hoảng được, khi một người đã được chôn táng cẩn thận rồi, mà này lại “trở về” !
Chúng ta hãy lắng nghe lời của Đức Giê-su : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ”. Ở giữa lòng thử thách của biển cả và sau này, trong cơn sầu khổ của cuộc Thương Khó, các môn đệ tự mình không thể nhận ra Đức Ki-tô hằng sống ; nhưng Ngài phải ra dấu cho các môn đệ bằng cách “lên tiếng”. Thật vậy, với bà Maria Ma-đa-lê-na đang khóc bên mộ, Đức Ki-tô đã gọi tên của bà : “Maria” ; với hai môn đệ đang buồn rầu thất vọng trên đường Emmau, Đức Ki-tô phục sinh đã âm thầm đồng hành và giải thích thử thách Thương Khó của Ngài dưới ánh sáng của Sách Thánh ; và với các môn đệ đang ở giữa thử thách của biển cả, Đức Giê-su lên tiếng : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ”.
Và trong mọi thử thách của chúng ta, thử thách của thân phận và của số phận, Đức Ki-tô vẫn luôn lên tiếng, nói với chúng ta : “Thầy đây, đừng sợ”, vì Ngài đã trải qua tất cả và đã vượt qua tất cả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phải ở tận cùng của khó khăn và thử thách, Người mới đến và đến cách lạ lùng để cứu giúp và mở đường cho chúng ta đi ; và sau này, Chúa sẽ cứ để chúng ta chết đi, nghĩa là chúng ta phải đi vào trong bóng đêm của biển cả sự chết ; và chỉ sau đó, Đức Ki-tô Phục Sinh, là Đấng chiến thắng sự chết, mới đến đón chúng ta ở bở bên kia của sự chết.
b. Ông Phê-rô và Đức Giê-su
Ngay sau khi Đức Giê-su lên tiếng, ông Phê-rô liền thưa : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Lời yêu cầu này của Phê-rô vừa diễn tả sự nghi ngờ, vì ông nói : “Nếu quả là Ngài…”, và vừa diễn tả cá tính đặc biệt của ông : nhanh nhẹn, thẳng thắn, can đảm, không sợ hãi và rất gắn bó với Thầy Giê-su.
“Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm”. Khi sợ hãi, thì tất yếu bị lún chìm ; và lời của Đức Giê-su mặc khải cho biết lí do của sự sợ hãi : “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”. Ngài đưa tay nắm lấy ông, rồi Ngài mới trách. Nếu không sẽ quá muộn ! Như thế, lún chìm là hậu quả tất yếu và tự tại của sự hoài nghị ; ngược lại, khi tin tưởng, chúng ta sẽ vững bước và vượt qua thử thách thân phận, số phận, sự dữ và tội lỗi, bởi vì lòng tin có sức mạnh cứu độ, như Đức Giê-su nói : “lòng tin của con đã cứu con”.
Nhưng, một cách sâu xa hơn, điều ông Phê-rô xin, cũng chính là cách thức mà mỗi người môn đệ được mời gọi đến với Đức Giê-su : như Phê-rô, người môn đệ cũng phải “đi trên mặt nước” để đến với Đức Giê-su. Hình ảnh “đi trên mặt nước” thật là ý nghĩa : chẳng dựa vào gì hết, chỉ dựa vào Lời Chúa thôi, nhưng đầy hiểm nguy sóng gió và có nguy cơ lún chìm. Chúng ta cũng phải “đi trên mặt nước” để đến với Đức Giê-su, chắc chắn chúng ta sẽ sợ hãi, chúng ta la lên : “Chúa ơi, xin cứu con !”, và Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy chúng ta.
3. “Ngài là Con Thiên Chúa” (c. 32-33)
“Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay”. Như thế, ở đâu có Đức Ki-tô hiện diện, thì ở đó sóng yên gió lặng. Chúng ta hãy khát khao có được kinh nghiệm này : lòng chúng ta được “sóng yên gió lặng”, khi chúng ta mở rộng lòng quảng đại đón nhận Đức Ki-tô vào con thuyền cuộc đời hay con thuyền tâm hồn của chúng ta, cho dù chúng ta đang phải sống trong thử thách hay cơn khốn khó. Xin cho chúng ta nghiệm được sức mạnh chiến thắng sự chết và những gì thuộc về sự chết, mỗi khi có Đức Ki-tô Phục Sinh hiện diện.
Lúc nãy các môn đệ tưởng Ngài là “ma”, bây giờ họ tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài sẽ bày tỏ căn tính Con Thiên Chúa của Ngài một cách thực sự và trọn vẹn khi chiến thắng vượt qua Sự Dữ và Sự Chết trong mầu nhiệm Vượt Qua.
*  *  *
Ở giữa lòng thử thách, Đức Giê-su đến cứu giúp, nhưng các môn đệ lại hốt hoảng ; và theo thánh Mác-cô, lí do là vì : “các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều, lòng trí các ông còn ngu muội” (Mc 6, 52). Lý do được nêu ra ở đây thật là lạ : phép lạ bánh hóa nhiều (x. Mt 14, 13-21), vừa được Đức Giê-su thực hiện có liên quan gì đến thử thách các môn đệ vừa trải qua ?
Câu hỏi này thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Thực vậy, nếu các môn đệ và cả chúng ta hôm nay nữa, hiểu và tin vào quyền năng của Chúa, Đấng có thể làm cho chúng ta no đầy trong cơn đói khát, Đấng đã đưa chúng ta từ hư vô vào trong sự sống, Đấng hi sinh chính sự sống của mình vì chúng ta, Đấng vẫn nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày bằng Lời và Mình của Ngài, thì sẽ không hốt hoảng sợ hãi và dễ dàng nhận ra Chúa vượt qua tất cả để đến gặp gỡ chúng ta ngay trong bóng tối của thử thách, của Sự Dữ, của tội lỗi và của chính sự chết.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Từ khóa:

phải cái, làm cho, ô uế

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận