Chúa Hiển Dung

Đăng lúc: Thứ tư - 06/08/2014 02:14 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN – CHÚA HIỂN DUNG. Lễ kính.
“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.
 
* Bốn mươi ngày trước lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ Hiển Dung nhắc cho các tín hữu nhớ rằng Chúa Kitô đã muốn ‘chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá’. Nhưng đồng thời lễ này cũng loan báo cho mọi tín hữu biết mình được nhận làm con cái Thiên Chúa, nhờ Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, và loan báo ánh sáng diệu kỳ một ngày kia sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu, tức là Hội Thánh.
 
Bài đọc I (Đn 7, 9-10. 13-14)
Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.


Bài đọc II (2 Pr 1, 16-19)
Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.

Tin Mừng (Mt 17, 1-9)
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.
Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.


Lễ Chúa Hiển Dung

Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung (Mátthêu 17,1-8; Máccô 9,2-9; Luca 9,28-36). Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế và sau lần đầu tiên Chúa Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Người. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp Lễ Lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.
Tabor là ngọn núi cao nhất miền Galilêa. Từ trên đỉnh ta có thể nhìn thấy một khung cảnh bao quát. Chính tại đây, Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt ba môn đệ là những người sẽ được chứng kiến cơn hấp hối của Ngài sau này trong vườn cây Dầu.
Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Thánh Kinh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ, vì các Phúc Âm dựa rất nhiều vào Cựu Ước trong đoạn diễn tả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa ở núi Sinai và những điều tiên tri về Con Người. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng được nhìn thấy thiên tính của Chúa Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ.
Phúc Âm đã kể lại: “Quần áo Ngài trở nên rực sáng và trắng đẹp đến nỗi không một thợ giặt nào ở thế gian làm được như vậy. Rồi Elia và Môsê hiện ra nói chuyện với Ngài. Bấy giờ Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, ở đây tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều: Thầy một, Elia một và Môsê một”. Phêrô không rõ mình nói gì vì cả ba đều kinh sợ. Kế đến có một đám mây che phủ các Ðấng ấy và nghe thấy tiếng từ đám mây phán ra: “Này là con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”.
Một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Và tất nhiên, Chúa Giêsu đã cảnh cáo cho họ biết, sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên hệ với nhau một cách chặt chẽ – đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong Phúc Âm của ngài.
Sự biến hình, một lần nữa lại minh xác với chúng ta rằng: Ðức Kitô chính là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời cho chúng ta thấy trước được hình ảnh sự sống lại vinh hiển của Ðấng Cứu Thế, và sự sống lại của những người công chính trong ngày sau hết.
Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung. Ðầu tiên, trong thế kỷ thứ tư một nhà thờ được dựng nên ở nơi đây để cung hiến cho biến cố này vào ngày 6 tháng Tám. Một ngày lễ để tôn kính sự Hiển Dung được Giáo Hội Ðông Phương cử hành mừng bắt đầu từ khoảng thời gian đó. Sự mừng kính của một vài Giáo Hội Tây Phương bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ tám.
Vào ngày 22 tháng Bảy năm 1456, Thập Tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 6 tháng Tám, và vào năm sau, Ðức Thánh Cha Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.


Suy niệm 1: QUA ĐAU KHỔ ĐẾN VINH QUANG

Nick Vujicic được chào đón tại Việt Nam từ ngày 22 tháng 5 đến ngày 26 tháng 5 năm 2013. Khi xuất hiện, chàng trai trẻ này đã “truyền nghị lực sức sống mãnh liệt cho giới trẻ Việt”. Vậy chàng trai này là người như thế nào? Hẳn không cần câu trả lời, ai cũng biết anh là một người không chân, không tay, nhưng đã làm được nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống của mình. Anh đã thành công và trở thành người nổi tiếng. Nhờ anh, mà biết bao người thất vọng trở thành hy vọng. Buồn khổ trở nên vui vẻ và đón nhận cuộc đời như một quà tặng của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, mấy ai biết được rằng: anh đã nhiều lần lên kế hoạch tự tử chỉ vì cảm thấy thất vọng về thân hình của mình. Nhưng cuối cùng anh đã vượt qua và trở thành một biểu tượng của niềm hy vọng cho biết bao người bất hạnh và đang tìm đến ngõ cụt của cuộc đời là cái chết. Tại sao lại có sự thay đổi tuyệt vời như thế? Thưa! Nguyên nhân chính là nhờ niềm tin của anh đặt nơi Thiên Chúa. Phần khác nhờ động lực của bà mẹ. Giờ đây, anh trở thành người loan truyền Tin Mừng cách sống động.
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Chúa Biến Hình. Tại sao Đức Giêsu lại biến hình trước mặt các môn đệ? Thưa! Chỉ vì Ngài muốn làm điểm tựa và củng cố niềm tin nơi các ông. Có lẽ Ngài sợ đức tin của các ông không đủ mạnh để chứng kiến và đứng vững trước những hình khổ mà Ngài phải chịu. Mặt khác, chính các ông là những người bước theo Thầy của mình trên chính con đường mà Thầy đã trải qua, e rằng vì sợ hãi mà sinh ra thất vọng, và nguy cơ bỏ cuộc có lẽ là rất cao! Vì vậy, khi biến hình trước mặt các ông, Đức Giêsu muốn cho các ông nếm trước vinh quang Nước Trời, nơi đó sẽ là phần thưởng dành cho những người trung thành vượt qua thử thách trong cuộc đời và trên hành trình sứ vụ.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng: đi theo Chúa là đi trên con đường hẹp, con đường của khổ giá, con đường của cái chết. Tuy nhiên, cứ theo Chúa đến cùng, ta cũng sẽ được phục sinh. Nguyên tắc của hạt lúa gieo vào lòng đất là phải thối và chết đi thì mới sinh ra những bông hạt khác.
Trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ thất vọng. Tương lai vẫn chờ đón ta ở phía trước. Thật vậy, cuộc đời này không ai là vô dụng, và cũng không ai là trọn vẹn trước mặt Thiên Chúa cả. Chỉ có điều ta có làm nên điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã phú bẩn, gieo mầm ngay từ khi ta còn trọng bụng mẹ hay không mà thôi.
Nguyên lý của sự thành đạt chính là hy sinh và kiên trì. Thật vậy, người tín hữu kitô cần phải hiểu cho rõ nguyên tắc này là: muốn vào Nước Trời, phải trải qua đau khổ, phải vác thập giá hằng ngày mà theo, phải đi theo con đường hẹp. Thiên Đàng không có chỗ cho kẻ lười biếng và ngủ mê trong tội. Thiên Đàng cũng không có chỗ cho những kẻ mang trên mình quá nhiều thứ kủng kỉnh…
Lạy Chúa, xin cho chúng con được theo Chúa đến cùng trên con đường Chúa đã đi qua. Xin cho chúng con ý thức mình thuộc về con cái Nước Trời, tuy nhiên, muốn vào được Nước đó, phải trải qua đau khổ của thập giá. Amen.

Suy niệm 2: CHÂN DUNG ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA

“Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mt 17,9)
Suy niệm: Thầy Giê-su không muốn ba môn đệ thân tín mô tả chân dung sáng chói của mình trong biến cố “hiển dung,” vì sợ người ta hiểu sai về Đấng Cứu Thế. Ngài muốn các ông và cả chúng ta nữa diễn tả hình ảnh đúng về Ngài: một Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh trên thập giá. Niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh vinh hiển luôn bao hàm rằng Đấng Ki-tô ấy chịu treo đau khổ trên thập giá. Thập giá là phương thế Thiên Chúa Cha đã hoạch định cho Đức Ki-tô cứu độ nhân loại, và đó cũng là con đường dẫn đến Ngài đến phục sinh vinh quang. Khi nắm vững sự thật này, ta sẽ vui mừng đón nhận thập giá của Đức Giê-su, không còn trông mong một Đấng Thiên Sai trần tục theo kiểu quan niệm của người Do Thái xưa.
Mời Bạn: Bạn đang mang trong mình hình ảnh của Đấng Phục Sinh, hình ảnh ấy phải được tỏ rạng trong cuộc sống hằng ngày của bạn qua thái độ tin tưởng, phó thác vào Chúa trước những thử thách, lạc quan trong mọi biến cố cuộc sống, âm thầm làm chứng cho những giá trị Nước Trời… vì tin rằng sự sống đời đời của Đấng Phục Sinh đã nở hoa ngay trong cuộc sống hôm nay.
Sống Lời Chúa: Nhờ xác tín giá trị của thập giá Đức Ki-tô, tôi sẽ vui lòng đón nhận những hy sinh, thiệt thòi khi sống những đòi hỏi của người môn đệ Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa ban cho con sự sống mới, con xin cảm tạ Chúa. Xin cho con biết kết hiệp với Chúa trong mọi sự, để con trở nên hình ảnh sinh động của Đấng Phục Sinh trong con. Amen.


Suy niệm 3: CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

Bài tin mừng này gợi lên cho tôi những suy nghĩ sau đây:
- Chúa Giêsu biến hình trên núi, tỏ vinh quang của Ngài để củng cố niềm tin cho các môn đệ. Tôi là người con của Chúa, là môn đệ của Chúa.. mỗi ngày tôi cũng có thể diễn tả vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa cho tha nhân bằng những lời nói, bằng việc làm và bằng đời sống tốt lành của tôi đối với tha nhân.
- Khi chứng kiến và sống trong vinh quang và hạnh phúc, các môn đệ muốn ở lại và ở mãi. Nhưng Chúa Giêsu và các môn đệ lại xuống núi và tiếp tục công việc thường ngày. Qua sự kiện này tôi nhận ra rằng, tôi cũng muốn sống hạnh phúc và muốn hưởng vinh quang. Muốn ở trong hạnh phúc và vinh quang như các môn đệ. Tôi muốn hưởng thụ và thích an nhàn, ngại dấn thân, ngại khó ngại khổ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng muốn tôi xuống núi với Ngài, nghĩa là, Ngài muốn tôi sống một cuộc sống hiện tại với những bổn phận và trách nhiệm của mình. Chúa không muốn tôi mơ mộng và hưởng nhàn hay trốn tránh hiện tại. Tôi sẽ được hưởng hạnh phúc thật và vinh quang nước Chúa chỉ sau khi chu toàn tốt đẹp cuộc sống nơi trần gian.
- Chúa Giêsu còn nói với các môn đệ: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”. Thật vậy, Chúa Giêsu muốn các môn đệ thật sự hiểu về Ngài trước khi nói về Ngài cho người khác biết. Đó là Ngài còn phải chịu đau khổ, phải vác thập giá, chịu chết rồi mới phục sinh vinh quang. Tôi cũng có nhiều dịp nói về Chúa cho người khác nghe. Mong sao tôi cũng thật sự hiểu về Chúa Giêsu để tôi nói cho người khác một cách đúng đắn về Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hăng say bước đi theo Ngài trên mọi nẻo đường trong cuộc sống. Xin cho con hiểu Ngài để con yêu mến Ngài, và để con nói về Ngài một cách trung thực và đầy đủ cho những người chung quang. Amen.
***
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể!
Chúng con yêu mến và ngợi khen Chúa. Vì Chúa đã quá yêu thương chúng con. Dù rằng chúng con chỉ là một tạo vật nhỏ bé và đầy lỗi lẫm. Chúa vẫn chăm sóc cuộc đời chúng con. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa hoà nhập vào cuộc đời chúng con. Chúa chấp nhận tan biến mình, để chúng con được sống sức sống của Chúa. Xin cho chúng con biết sống sao cho xứng với tình yêu mà Chúa đã dành cho chúng con.
Nhưng Chúa ơi! ở đời sự giàu sang, danh vọng và khoái lạc trần thế là những điều hấp dẫn chúng con, trói buộc chúng con, làm cho chúng con đui mù không nhìn thấy những giá trị vĩnh cửu ở trên trời. Chúng con đã hành động theo những đam mê mù quáng. Chúng con đã lao vào thói hư tật xấu vì chiều theo tính xác thịt. Xin Chúa giải thoát và tháo gỡ chúng con khỏi mọi sự u mê của trần thế, để chúng con nhìn thấy những sự phong phú và vĩnh cửu ở trên trời, để chúng con luôn nỗ lực tìm kiếm Chúa và biết khôn ngoan chọn Chúa là nguồn hạnh phúc của cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, giữa những thói đời đầy đam mê thấp hèn, xin giúp chúng con đứng vững trước những cám dỗ tội lỗi và trung tín trong ơn nghĩa với Chúa luôn. Amen.
 
SUY NIỆM 4: Vinh Quang Phục Sinh

Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta suy niệm hôm nay ghi lại biến cố hiển dung của Chúa Giêsu trên núi Tabo. Biến cố này diễn ra sáu ngày sau khi Chúa loan báo về cuộc tử nạn và sự phục sinh của Ngài. Các môn đệ và ngay cả những người môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Gioan và Giacôbê, không thể hiểu và không muốn chấp nhận cuộc tử nạn của Ngài. Cho các ông chứng kiến sự hiển dung, Chúa Giêsu muốn lặp lại dưới một hình thức khác lời loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Lần này Ngài muốn xác quyết với các ông rằng để đi vào vinh quang Phục Sinh cần phải đi qua bóng tối của sự chết.
Với những ai đang trải qua bóng tối của thập giá, biến cố hiển dung của Chúa Giêsu là một nguồn nâng đỡ vô biên. Dietrick Bonhoffer, vị mục sư người Ðức đã bị giam tù vì can đảm lên tiếng chống lại chủ trương dã man độc ác của Ðức Quốc Xã. Trong tám tháng bị giam giữ, ông đã không ngừng suy nghĩ về biến cố hiển dung của Chúa Giêsu và tìm thấy được ánh sáng ngay giữa những đêm dài vô tận trong một nhà tù ở Berlin. Ngay chính buổi sáng bị đem ra hành quyết, ông đã thốt lên: “Thế là hết! Cuộc sống đã khởi đầu đối với tôi”. Trong bài thơ có tựa đề Những Tiếng Thì Thầm Trong Ðêm Tối, ông đã kêu gọi: “Hỡi những người anh em, sau những đêm dài, bao lâu ngày của chúng ta chưa đến, chúng ta hãy chiến đấu”.
Ba người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã ngây ngất khi chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng ánh sáng phục sinh ấy chỉ kéo dài trong giây lát; bóng đêm đã trở lại, nhìn chung quanh, họ thấy lại Chúa Giêsu cũng như mọi người và nhất là như một tên tử tội đang tiến ra pháp trường. Nhưng chắc chắn ánh sáng phục sinh ấy đang chiếu rọi trong tâm hồn các ông.
Tất cả những ai đang sống trọn cho niềm tin của mình, tất cả những ai đang thực thi cho đến cùng sứ mệnh của các ngôn sứ đều có trong mình ánh sáng phục sinh ấy. Chính ánh sáng phục sinh ấy mang lại cho họ niềm hy vọng và can đảm để tiến tới trong đêm đen của hận thù, dối trá và đặt niềm tin tưởng mãnh liệt vào Chúa, họ có đủ lý do để có thể thấy trước sự chiến thắng của ánh sáng, của chân lý và tình yêu.
Nguyện xin Chúa nâng đỡ cho tất cả những ai đang sống cho đến cùng sứ mệnh ngôn sứ cho chân lý.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 5: Người Biến Ðổi Hình Dạng

Trong các hình ảnh người ta vẽ Ðức Giêsu,
ta thường thấy Ngài có vòng hào quang trên đầu.
Thật ra Con Thiên Chúa đã nên giống chúng ta.
Ngài mang khuôn mặt bình thường như ta.
Chính nơi khuôn mặt này mà ta thấy Thiên Chúa.
“Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9).
Khuôn mặt con người có thể phản ánh khuôn mặt Thiên Chúa.
Nơi khuôn mặt Ðức Giêsu, khuôn mặt như mọi người,
ta có thể gặp thấy Thiên Chúa vô hình,
Ðấng ngàn trùng thánh thiện và vô cùng siêu việt.
 
Ba môn đệ đã quá quen với khuôn mặt Thầy Giêsu,
khuôn mặt dãi dầu mưa nắng vì sứ vụ,
khuôn mặt chan chứa mọi thứ tình cảm của con người.
Chính vì thế họ ngây ngất hạnh phúc
khi thấy khuôn mặt ấy rực sáng vinh quang.
Họ muốn dựng lều để ở lại tận hưởng.
Tiếng từ đám mây phán ra
như một lời giới thiệu và nhắn nhủ:
“Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người,
các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”
Thầy Giêsu vừa là Con, vừa là Người Tôi Trung (Is 42,1),
vừa là vị ngôn sứ đã từng được Môsê loan báo (Ðnl 18,15).
Phêrô không quean được kỷ niệm độc đáo này.
Ông viết: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt
vẻ uy phong lẫm liệt của Người...
Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra
khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).
 
Ðức Giêsu được biến hình sau khi chấp nhận cuộc khổ nạn,
sau khi thắng được cơn cám dỗ của Phêrô (Mt 16,23),
và kiên quyết đi trên con đường Cha muốn.
Biến hình là một bừng sáng ngắn ngủi, bất ngờ,
báo trước vinh quang phục sinh sắp đến.
Thân xác Ðức Giêsu sẽ được vào vinh quang viên mãn
khi thân xác ấy chịu lăng nhục và đóng đinh
vì yêu Cha và yêu con người đến tột cùng.
Chúng ta cũng được biến hình, được bừng sáng,
nếu chúng ta dám yêu, dám từ bỏ cái tôi ích kỷ,
để cái tôi đích thực được lộ ra, trong ngần.
 
Chúng ta cần có lần lên núi cao, thanh vắng,
để nhìn thấy khuôn mặt ngời sáng của Ðức Giêsu,
nhờ đó chúng ta dễ đón nhận
khuôn mặt bình thường của Ngài khi xuống núi,
và khuôn mặt khổ đau của Ngài trên thập tự.
Thế giới hôm nay không thấy Chúa biến hình sáng láng,
nhưng họ có thể cảm nghiệm được phần nào
khi thấy các Kitô hữu có khuôn mặt vui tươi,
chan chứa niềm tin, tình thương và hy vọng.
 
Sám hối là đổi tâm hồn, đổi khuôn mặt
để chính tôi và cả Hội Thánh mang một khuôn mặt mới.
 
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn nghĩ gì về khuôn mặt của bạn, đâu là những điểm sáng và điểm tối? Bạn có dám xin một người khác góp ý về những điểm bạn chưa rõ về bạn không?
Bạn nghĩ gì về khuôn mặt giáo xứ của bạn, nhóm của bạn, gia đình của bạn? Trong mùa chay này, bạn có thể làm gì để khuôn mặt ấy ngời sáng hơn?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
 
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
 
Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
 
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
 
Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
 
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
(Trích trong ‘Manna’)
 
SUY NIỆM 6: Biến Hình Sáng Láng

Đức Giêsu biến hình trên núi, truyền thống tin đó là núi Tabor, cách Nazaret độ 9 cây số, nằm trên biên giới ba chi tộc: Issachar, Zabulon và Nephtali. Họ coi Tabor là núi thánh và thường lên đó để tế thần.
Đức Giêsu dẫn các môn đệ lên đó không phải để tế thần hay cắm trại như các hướng đạo sinh. Người lên đó để cho các môn đệ thấy rõ chỉ có Người là Thiên Chúa tối cao, không còn thần linh nào khác.
Trong cảnh trời cao lồng lộng, mây xanh thăm thẳm, Người trầm tư cầu nguyện với Chúa Cha trong tình thân mật thắm thiết. Bỗng toàn thân Người sáng chói rực rỡ, các môn đệ vô cùng kinh ngạc: Họ không thể ngờ được rằng hằng ngày Thầy đi với mình, sống với mình, ăn uống thanh đạm, quần áo thô sơ như mình, lao động cực khổ như mình, sao bây giờ Thầy sáng láng lạ lùng như thế. Hơn nữa, cả Môsê và Elia đến hầu chuyện Thầy. Môsê đã sống cách các ông hơn 1.200 năm, một bậc vĩ nhân của Thiên Chúa đã lãnh đạo giải phóng dân Chúa thoát ách nô lệ Ai cập suốt hơn 500 năm để về đất Hứa. Elia, một đại tiên tri sống trước Phêrô hơn 800 năm, đã giải phóng dân tộc khỏi ách tà thần Baal. Nếu bây giờ dân chúng được thấy Môsê như các ông, họ sẽ ngạc nhiên sung gướng vô cùng, vì các trang sử vẻ vang nhất của dân tộc đã tôn vinh các ngài là đại ân nhân của họ, là đại thánh của Thiên Chúa, là hình bóng Đấng Cứu thế. Đang triền miên say đắm trong cảnh thiên đường đó, tự nhiên Phêrô thốt lên như đứa trẻ: “Lậy Thầy chúng con ơ đây sướng lắm, con xin làm ba lều, Thầy một lều, Môsê một, Elia một”. Mơ ước của Phêrô là ước mơ của mọi người trần mắt thịt, làm sao dám cả gan đòi sớm hưởng thiên đường? Một tiếng nói từ trời đáp lại: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy vâng lời Người”. Nghe thế các ông đã lăn ra chết ngất. Xác phàm thấp hèn yếu đuối chưa có thể chịu đựng nổi hào quang rực rỡ nơi thiên tính của Chúa Giêsu. Họ phải thay da đổi thịt, phải chết đi, mặc lấy con người mới, họ mới xứng đáng hưởng ánh sáng huy hoàng của Đức Giêsu sẽ làm cho họ biến hình rực rỡ mãi mãi.
Muốn đổi mới chỉ có cách duy nhất là “Hãy nghe lời Người”. Abraham dã nghe lời Người bằng mọi giá để biến hình từ kẻ dân ngoại đã trở thành tổ phụ dân Chúa. Môsê đã nghe lời Người, dù là kẻ chạy trốn Pharaon, đã biến hình thành kẻ lãnh đạo, trở lại đòi Pharaon phải thả dân ra cho đi về quê hương. Elia đã nghe lời Người trở thành tiên tri, giải thoát dân khỏi bàn tay man rợ của nữ hoàng thờ thần Baal. Đến lượt Phêrô, Giacôbê, Gioan dù là dân chài, đã biết nghe lời Người, được biến hình thành những tông đồ vĩ đại. Phaolô, kẻ bắt đạo, đã biết nghe lời Người, đã biến hình thành tông đồ cho muôn dân.
Những con người xác phàm đó, đã được biến hình rực rỡ muôn thuở, đang kêu gọi chúng ta, với bất cứ giá nào, dù phải gặp gian nan đau khổ, hãy nghe lời Người, chúng ta mới được biến hình trong vinh quang đời đời.
Lạy Chúa, “ở đây thì sướng lắm”, nhưng muốn được hạnh phúc muôn thuở đó tiên vàn Con Người phải qua đau khổ thì mới tới vinh quang”. Đó là luật ngàn đời cho bất cứ ai muốn được vinh quang chân chính.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. VIKINI)
 
SUY NIỆM 7: Thiên Chúa vẫn còn hiển dung

Nếu bạn là một người từ hành tinh khác vừa mới đáp xuống địa cầu lần đầu tiên, ắt bạn sẽ thấy trái đất nầy quá đỗi nhiệm mầu: ngay cả mỗi chiếc lá, mỗi chiếc vỏ sò, mỗi cánh bướm, mỗi bông hoa... đều có một sắc thái riêng, một vẻ đẹp riêng thật quyến rủ, thật nhiệm mầu và bạn cảm thấy tâm hồn ngây ngất vì vẻ đẹp lạ lùng của chúng.
Thế nhưng trong thực tế, không mấy ai có thể cảm nhận được vẻ đẹp nhiệm mầu của những tạo vật như thế. Tại sao?
Vì mỗi lần nhìn vào những sự vật chung quanh, chúng ta không nhìn chúng bằng cặp mắt đầy ngạc nhiên của trẻ thơ, bằng ánh mắt của người mới thấy sự vật lần đầu; chúng ta không nhìn chúng y như chúng là, nhưng chúng ta để cho những hình ảnh ta có về chúng (vốn có sẵn trong tâm trí ta) phóng hiện ra bên ngoài và bao phủ lên những vật đó.
Thế là vạn vật chung quanh ta trở thành cũ rích và nhàm chán, vẻ đẹp tinh khôi nhiệm mầu của chúng đã bị hình ảnh ta có về chúng phóng rọi ra che phủ nên không còn hiển dung ra được nữa. Một trong những nổ lực của thiền nhân là thanh tẩy cái nhìn mang tính chủ quan của mình về ngoại giới để có thể cảm nhận được vạn vật đúng với bản chất của nó. Lúc đó, sự kỳ diệu của thế giới sẽ hiện nguyên hình.
Trong cuốn sách The Golden String, văn sĩ người Anh Bede Griffiths mô tả lại một khám phá diệu kỳ của ông khi còn là một cậu học sinh.
Một buổi chiều hè, Bede Griffiths ung dung thư thái dạo chơi ở bìa rừng. Trong lúc thơ thẩn một mình bỗng dưng cậu nhận ra tiếng hót líu lo của đàn chim trên tàng cây mới tuyệt vời làm sao! Cậu rất ngạc nhiên vì từ hồi nào đến giờ chưa bao giờ được nghe chúng hót hay đến thế.
Ðang lúc tiếp tục bước tới, cậu gặp thấy những đoá hoa của những bụi táo gai như đang mỉm cười niềm nở chào đón cậu trông dễ thương lạ lùng và đang toả hương trong gió. Bede cũng rất ngạc nhiên vì từ trước tới nay cậu đã từng thấy những bông hoa như thế nở rộ cả trăm lần mà không hề nhận ra vẻ đẹp tinh khôi và hương thơm dịu dàng của chúng.
Sau cùng cậu tìm đến một nơi yên tĩnh, đứng tựa vào thân cây, lặng ngắm vầng kim ô đang dần dần chìm xuống sau rặng núi lam cuối chân trời. Bỗng chốc cậu cảm thấy trời đất vô cùng huyền diệu và bất giác cậu nghiêng mình quì gối xuống biểu lộ một niềm cảm xúc rất thánh thiêng: cậu vừa trải nghiệm được sự hiện diện rất nhiệm mầu của Thiên Chúa trong tạo vật của Ngài.
* * *
Theo Tin Mừng Matthêu được trích đọc hôm nay, chiều hôm ấy trên núi cao, ba môn đệ Phê-rô, Gioan và Giacôbê cũng có những trải nghiệm tuyệt vời về Chúa Giê-su. Cũng vẫn là Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng lần nầy, các ông lại nhìn thấy Ngài dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy uy nghi, lại có cả Môi-sê và tiên tri Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài.
Lòng đầy hoan lạc, các ông không muốn cho giây phút mầu nhiệm đó trôi đi. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phê-rô thay mặt anh em thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”
* * *
Hôm nay, Thiên Chúa vẫn hiển dung dưới thiên hình vạn trạng nhưng vì đôi mắt chúng ta bị che phủ nên không nhận ra Ngài.
* Vinh quang của Thiên Chúa vẫn được hiển dung (được tỏ bày) trong các tạo vật của Ngài, qua bầu trời lung linh ánh sao đêm hay những áng mây rực rỡ ban ngày, qua những cánh đồng, những khe suối và rừng cây, qua tiếng chim ca, qua bông hoa đang nở, qua mọi tạo vật chung quanh...
Vua Ðavít cảm nhận được vinh quang ấy rạng ngời lên trong vũ trụ nên đã thốt lên:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.
Không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19, 2)
* Tình yêu của Thiên Chúa được hiển dung (được tỏ bày) rõ nét nơi tình thương chan chứa của người cha ngày đêm lao nhọc vì con, qua sự hi sinh miệt mài của người mẹ, vắt kiệt sức mình để chăm lo cho đàn con khôn lớn...
* Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa cũng được hiển dung nơi các gia đình đấm ấm thuận hoà, chan chứa yêu thương hiệp nhất.
* Và đặc biệt, Thiên Chúa vẫn hiển dung rạng ngời nơi những anh chị em cùng sống với ta, nhưng tiếc thay, chúng ta không cảm nhận được, nên bỏ lơ, nên thờ ơ và không còn muốn dựng lều chung sống với những hiện thân của Chúa chung quanh chúng ta.
Thông thường, chúng ta nhìn đời, nhìn người qua cặp kính màu đen nên chúng ta chỉ thấy được khía cạnh u tối của người đời. Xin Chúa thanh tẩy nhãn quan chúng ta để có thể nhận ra mọi người là hiện thân của Thiên Chúa, là chi thể của Chúa Giê-su.
Ba môn đệ nhận ra Thiên Chúa hiển dung nơi thân phận người phàm của Ðức Giê-su thì chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta được nhận ra Chúa hiển dung nơi những anh chị em đang sống chung quanh, nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc chan hoà vì được sống cùng, sống bên nhau và có thể nói như thánh Phê-rô xưa: chúng con được ở chung với nhau nơi đây thì thật là hạnh phúc. (Mt 17,4)
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng)


SUY NIỆM 8:

1. Ngọn núi cao (c. 1)
“Sáu ngày sau”, từ lúc Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (16, 15) và mời gọi các môn đệ đón nhận Ngài vào cuộc đời của mình, bằng cách đi theo Ngài trên con đường Thập Giá: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (16, 24). Chúng ta có thể hình dung ra tâm trạng của các môn đệ trong sáu ngày qua.
Các tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan được chọn để đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện và con người đi lên núi để gặp gỡ Ngài. Núi có ý nghĩa như thế, vì đó là hình ảnh diễn tả việc giữ khoảng cách với những vấn đề của cuộc sống, vốn hay trói buộc con người, để có thể hướng về trời cao và những gì thuộc về trời cao. Chính vì thế, Đức Giê-su hay lên núi cầu nguyện, giảng ở trên núi (Bài Giảng Trên Núi trong Mt 5-7), và đặc biệt lần này, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và lịch sử cứu độ cũng ở trên núi, “một ngọn núi cao”.
Trong đời sống ơn gọi của chúng ta, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, và phải nói mạnh hơn, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới “ngọn núi cao” biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể ca tụng và tạ ơn Chúa, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần biết bao, cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên ngọn núi cao.
Thật ra, những lúc đi riêng ra một nơi với Chúa, vẫn được ban cho chúng ta đấy thôi, nhưng chúng ta lại thường không đón nhận cách quảng đại như một ơn huệ Chúa ban.
- Đó là thời gian cầu nguyện cá nhân hằng ngày.
- Đó là thời gian chúng ta dâng Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, thời gian chúng ta cầu nguyện chung với nhau.
- Đó là thời gian tĩnh tâm, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm hay những lúc chúng ta khao khát và sắp xếp được để sống cho và với một mình Chúa.
Ước gì trong những lúc “đi riêng ra một nơi” với Chúa, Chúa ban cho chúng ta có cùng kinh nghiệm thiêng liêng như các tông đồ, đó là cảm nếm căn tính chói ngời của Chúa, để có thể nói : “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!”.
2. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời (c. 2-6)
a. Nhìn ngắm dung nhan chói lọi của Đức Giê-su
Chính lúc Đức Giê-su biến đổi hình dạng, là lúc có sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Elia, tượng trưng cho lịch sử cứu độ. Chúng ta hãy lắng nghe các ngài đàm đạo. Theo thánh sử Lu-ca, các vị đàm đạo về cuộc Xuất Hành Người sẽ hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (Lc 9, 31). Như thế, lịch sử cứu độ (Lề Luật và ngôn sứ) loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ. Mà lịch sử cứu độ là gì? Là lịch sử kể lại sự hiện diện, sự quan phòng và cách dẫn đưa của Thiên Chúa giầu lòng thương xót hành trình làm người của những cuộc đời, của một dân tộc, đầy thăng trầm và tội lỗi, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, không chỉ từ khởi đầu của dân tộc Israel, nhưng ngay từ khởi thủy của loài người (x. St 3). Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giê-su trở nên chói lọi như mặt trời, như bản văn Tin Mừng tường thuật: “Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Như thế, chính khi lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Giê-su, dung nhan của Ngài trở nên Mặt Trời, Mặt Trời ban ánh sáng, sức nóng và sự sống: “Chẳng có chi tránh được ánh dương nồng” (Tv 19, 7).
Dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ được hiểu như trên, chúng ta được mời gọi đọc lại và nhận ra cuộc đời chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ”, như kinh nghiệm thiêng liêng của hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 13-35), tuy đầy thăng trầm, tội lỗi và bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, nhưng hướng tới Mầu Nhiệm Vượt Qua và được Mầu Nhiệm Vượt Qua hoàn tất, như thánh sử Gioan mong ước: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 31). Chính khi nhận ra hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta hướng tới và được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Ki-tô, đó sẽ là lúc chúng ta sẽ có được kinh nghiệm chiêm ngắm Dung Nhan chói ngời của Đức Ki-tô.
Vậy, trên hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng này : Đức Ki-tô trở nên chói ngời trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; và ước gì cuộc sống hằng ngày của chúng ta với những đòi hỏi của ơn gọi, là lời diễn tả tâm tình vui sướng : “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay!” Bởi vì, ánh sáng chói lòa của Đức Giêsu trên đỉnh núi muốn nói cho chúng ta về kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của lựa chọn cho đi sự sống của mình, đánh liều cuộc đời mình trong một ơn gọi, vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, như chính Ngài đã nói sáu ngày trước (Mt 16, 24-26).
b. Nhìn ba môn đệ và nghe lời của ông Phê-rô
Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của các môn đệ để hiểu hết lời nói này của ông Phê-rô: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều…”. Có người hiểu lời này của ông Phê-rô là: “rất may, có chúng con ở đây để phục vụ các Ngài…”. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu, đó đơn giản là lời diễn tả “ơn an ủi thiêng liêng”, diễn tả niềm hạnh phúc khôn tả được chiêm ngắm vĩnh cửu ; và ông Phê-rô muốn duy trì hạnh phúc này mãi mãi, bằng cách dựng lều cho các vị. “Lều” là biểu tượng của sự an nghỉ cánh chung. Và đối với ông Phê-rô, cánh chung là đây!
Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giê-su, và nhất là Cuộc Thương Khó của Ngài, vì có một lúc nào đó, Ngài sẽ trở lên chói ngời đối với chúng ta. Và chính với kinh nghiệm chiêm ngắm Đức Ki-tô chói ngời trong Tin Mừng và trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa rạng ngời, ngay trong đời sống dâng hiến đầy thách đố của chúng ta.
c. Nhìn ngắm đám mây sáng ngời và lắng nghe Lời từ đám mây
Đám mây thần linh bao phủ các ông, là hình ảnh thật đẹp diễn tả tình yêu Thiên Chúa bao bọc, mời gọi con người đi vào trong kế hoạch cứu độ của Người. Hình ảnh đám mây còn diễn tả là điều Chúa Chúa muốn, đối lại với lòng ước ao “dựng lều” của ông Phê-rô. Bởi vì, khi ông còn đang nói, có đám mây sáng ngời bao phủ các ông. Đám mây là hình ảnh của sự di động, không thể làm chủ hay nắm bắt được, thay vì cố định, dễ làm chủ và nắm bắt như căn lều ; và từ đám mây, Thiên Chúa Cha lên tiếng :
Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời người.
Như thế, chính khi chúng ta vâng nghe Đức Giê-su, và đi theo Ngài trên con đường Thập Giá, trong ơn gọi của chúng ta với tâm tình biết ơn và yêu mến, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Và khi đó chúng ta có thể nói : “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay !”
d. Nhìn ba môn đệ
Khi chiêm ngắm dung nhan rạng ngời của Đức Giê-su, ba môn đệ chìm ngập trong niềm vui. Nhưng khi nghe lời này từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”, thì các ông kinh hoàng. Chúng ta vừa chiêm ngắm và vừa tìm hiểu tại sao các môn đệ lại kinh hoàng, “ngã sấp mặt xuống”. Chúng ta cần lưu ý, lời của Chúa Cha nói về Đức Giê-su trong biến cố biến hình cũng là cùng một lời trong biến cố phép rửa (x. Mt 3, 17). Nhưng Người thêm một lời mời gọi đầy ý nghĩa, nhưng cũng thách đố nữa: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.
3. “Chỗi dậy đi đừng sợ” (c. 7-8)
Chúng ta hãy nhìn ngắm và đọc ra ý nghĩa hình ảnh: Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Trên đường đi theo Chúa, và trong mọi hoàn cảnh, kể cả hoàn cảnh tận căn nhất và tận cùng nhất, Chúa vừa đụng chạm đến chúng ta (chứ không phải chúng ta cố đụng chạm được Chúa) và vừa nói Lời Hằng Sống: “Hãy chỗi dậy, đừng sợ”.
Nhưng chính lúc ấy, các môn đệ lại phải trở về “bờ bên này” và lát nữa phải “xuống núi”, nghĩa là đời thường: “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.” Nhưng, trong tâm hồn các ông, Đức Giê-su mà các ông nhìn thấy, không còn là Đức Giê-su trước mầu nhiệm Biến Hình. Và sâu xa hơn, các ông được mời gọi vẫn nhận ra Dung Nhan Rạng Ngời của Người ngay trong lời nói và hành động hằng ngày của Người, và nhất là nơi mầu nhiệm Vượt Qua, và sau đó, trong chính cuộc đời của mình, với những thăng trầm, thách đố và khổ đau, nhưng được đảm nhận dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận