Thứ Bảy Tuần 15 TN

Đăng lúc: Thứ bảy - 19/07/2014 02:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Bảy Tuần 15 TN

Bài đọc (Mk 2, 1-5)

Khốn cho những kẻ suy tính điều gian ác, và mưu đồ việc xấu xa trong phòng mình. Sáng ngày, chúng thực hiện điều đó, vì tay chúng chống lại Thiên Chúa. Chúng tham lam vàdùng võ lực chiếm lấy ruộng đất, nhà cửa kẻ khác. Chúng ức hiếp người ta, phá phách nhà họ, chủ nhà  sản nghiệp của họ. Vì thế, Chúa phán thế này: Ðây Ta toan giáng hoạ trên dòng giống này mà các ngươi không thoát được, các ngươi không ngước đầu lên mà đi được nữa, vì đây là thời kỳ tai hoạ. Trong ngày đó, người ta ngâm bài trào phúng chế diễu các ngươi và sẽ hát bài ca thán mà rằng: “Chúng ta đã bị bóc lột hết rồi, sản nghiệp dân ta bị đổi chủ, làm sao Chúa tước đoạt của cải chúng ta, và 
phân chia đất đai chúng ta cho những kẻ bóc lột chúng ta”. Vì thế, trong cộng đoàn Thiên Chúa, không còn ai giăng dây chia đất cho ngươi.

Tin Mừng (Mt 12, 14-21)

Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng: “Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã 
giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người”.

Suy niệm 1: ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA THIÊN CHÚA

Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh Đức Giêsu chữa lành một người bại liệt, lần này xảy ra ngay giữa hội đường và lại vào đúng ngày Sabát. Vì thế, những người Pharisêu tính kế lập mưu để tìm cách giết Đức Giêsu.
Khi biết được ý định của họ, Đức Giêsu đã tìm cách để lánh đi nơi khác. Ngài cũng cấm không cho những kẻ theo mình tiết lộ điều gì liên quan đến Ngài. Sự tránh né này không phải vì sợ hay do nhát đảm hoặc yếu thế…, nhưng là để tránh đi sự hiểu lầm vì “giờ” của Ngài chưa tới. Đây cũng chính là thái độ của những người cao thượng lấy “nhu thắng cường, nhược thắng cương”.
Sang phần hai của bài Tin Mừng, thánh Mátthêu đã khéo léo khi giới thiệu Đức Giêsu như người Tôi Trung trong Cựu Ước mà tiên tri Isaia đã loan báo. Những đặc tính để nhận ra Ngài là: hiền lành và khiêm nhường, không cãi vã, không la lối. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói.
Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương, nhân từ và kiên nhẫn. Không vì ghen tức mà tìm cách hại người khác chỉ vì việc tốt họ đã làm. Cũng không vì ích kỷ đến độ thấy người khác tốt lành hơn, nhân hậu hơn, làm được nhiều việc tốt hơn mà sinh lòng ác độc đối với anh chị em chúng ta.
Lạy Chúa, hình ảnh Đức Giêsu hiền hậu, khiêm nhường và hết lòng yêu thương luôn là lời mời gọi cho chúng con noi theo. Xin Chúa cho chúng con trở nên những con người thánh thiện, luôn biết yêu thương người khác. Amen.


Suy niệm 2: NHÂN HẬU NHƯ ĐỨC KI-TÔ

“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,20a)
Suy niệm: Phúc âm theo thánh Mát-thêu cho biết lời tiên báo về Người Tôi Trung trong sách ngôn sứ I-sa-i-a được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: Ngài là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn; Thiên Chúa hài lòng vì người Tôi Trung hiền lành nhân hậu ấy. Không cãi vã, không lớn tiếng: đó là tính cách nhân bản nhưng được nuôi dưỡng và phong phú bởi lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa: Ngài luôn quan tâm, nâng đỡ, bênh vực những người bất hạnh, những người không có địa vị; những người bị gạt ra ngoài lề, không tiếng nói trong xã hội lại được Ngài dang tay đón nhận; dẫu chỉ còn một tia hy vọng le lói, Ngài vẫn nhẫn nại đợi chờ để cứu độ con người.
Mời Bạn: Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Thầy dạy chúng ta sống nhân từ, quảng đại với tha nhân, đặc biệt quan tâm đến những anh chị em bé nhỏ nghèo hèn. Mời bạn hãy theo gương Đức Giê-su, sống như Ngài trong từng giây phút của đời mình.
Chia sẻ: Trong ngày truyền thông thế giới xã hội lần thứ 48, Đức tổng giám mục của giáo phận Saigon kêu gọi chú ý đến người nghèo vì họ chịu nhiều thiệt thòi và không có tiếng nói. Họ là ai, và làm thế nào để ơn cứu độ đến với họ?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày quyết tâm làm một hành động cụ thể để trở nên giống Chúa Giê-su nhân hậu và mỗi tối kiểm điểm lại đời sống xem mình đã thực hiện quyết tâm ấy thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu để chúng con được bắt chước, Xin cho chúng con mềm lòng hơn trước anh chị em mình để mỗi ngày chúng con càng trở nên giống Chúa hơn. Amen.


Suy niệm 3

Bài Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta ba thái độ.
Thứ nhất là thái độ của Chúa Giêsu.
Với Thiên Chúa, Ngài là Đấng rất đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài vâng phục Thiên Chúa Cha đến trần gian để thực hiện chương trình cứu độ dù cho sự vâng phục ấy dẫn Ngài đến cái chết trên thập giá.
Với con người. Ngài không ngừng dạy dỗ, rao giảng cho họ Tin mừng cứu độ. Ngài sống hiền lành, “không cãi cọ hay dức lác“, không “bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói“, nhưng tìm cách nâng đỡ và cứu chữa, vì sứ mệnh của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất“. Ngài chẳng những rao giảng Tin mừng cứu độ mà còn chữa lành cho dân chúng nhiều bệnh tật. Ngài là niềm hy vọng cho dân ngoại và toàn nhân loại.
Thứ hai là thái độ của những người biệt phái.
Họ là những người được tôn trọng, những người được coi là đạo đức. Thế mà rất nhiều lần họ chẳng những không nghe và đón nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu, mà còn tìm cách bắt bẻ và hãm hại Ngài. Họ sống không đẹp lòng Thiên Chúa và cũng chẳng tốt với tha nhân.
Thứ ba là dân chúng.
Trái ngược với những người biệt phái, họ tin nhận và theo Chúa Giêsu. Họ đến Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành những bệnh tật phần xác, nhưng nhiều người trong họ còn tin nhận Tin mừng cứu độ mà Chúa Giêsu rao giảng cho họ. Họ là những người sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Chúng ta được mời gọi theo gương Chúa Giêsu là sống đẹp lòng Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
- Sống đẹp lòng Thiên Chúa là khi chúng ta đón nhận Tin mừng mà Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta.
- Sống yêu thương tha nhân là chúng ta thực hiện Tin mừng mà chúng ta đón nhận trong cuộc sống hằng ngày.
Xin Chúa giúp chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa và sống yêu thương anh chị em chúng con. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con tin thờ Chúa là Đấng sáng tạo mọi loài. Chúng con thật hạnh phúc vì được Chúa yêu thương hơn muôn loài muôn vật Chúa đã dựng nên. Xin cho chúng con biết quy hướng về Chúa, biết sống phụng sự Chúa trên hết mọi sự, biết tôn thờ Chúa hết lòng và hết trí khôn.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã ban cho chúng con mọi sự: sự sống, sức khỏe, gia đình cùng biết bao ân huệ khác. Chúa chỉ đòi chúng con biết sống đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng đời sống cao rao tình thương của Chúa. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá thiếu sót với Chúa. Có mấy khi chúng con biết dành thời giờ trọn vẹn để tôn thờ Chúa. Chúng con thường làm chiếu lệ cho qua. Chúng con thiếu tôn kính trong việc phụng vụ. Chúng con còn so đo tính toán thời giờ với Chúa. Xin tha thứ cho những thiếu sót của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng cuộc đời để tôn thờ Chúa, để làm vinh danh Chúa.
Lạy Chúa, là Đấng trung thành trong tình yêu. Cho dù chúng con có bất trung Chúa vẫn yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con biết theo gương Chúa để yêu thương và phục vụ anh em trong kiên nhẫn và trung thành như Chúa. Amen.


Suy niệm 4: 

Trước đó, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su chữa lành người bại tay trong Hội Đường (c. 9-13) ; và chính vì chuyện này mà, như câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay kể lại, nhóm Pha-ri-sêu tìm cách loại trừ Người : “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su “ (c. 14).
1. “Anh giơ tay ra !” (Mt 12, 13)
Đức Giê-su chữa người bại tay vào ngày sa-bát (c. 9-13). Ngày sa-bát là trung tâm của Mười Điều Răn, và Mười Điều Răn là trung tâm của Lề Luật. Vì thế, luật sa-bát tượng trưng cho Lề Luật. Đức Giê-su không dời việc chữa lành vào ngày hôm sau và cũng không trình bày lập trường của mình về ngày sa-bát; theo lời kể của thánh sử Mác-cô (Mc 3, 1-6), Ngài đáp lại sự im lặng bằng cái nhìn giận dữ, Ngài đau khổ (thương cảm) vì con tim bệnh tật của họ, và Ngài thực hiện quyền năng chữa lành người bệnh bằng Lời Sự Sống, chứ không phải bằng việc làm, vốn bị cấm trong ngày sa-bát. Lời giảng của Ngài về ngày sa-bát không phải là một giáo huấn lí thuyết, nhưng là hành động, hành động chữa lành. Hành động trong thinh lặng này loan báo sự thinh lặng của cuộc Thương Khó.
Hành động của Đức Giêsu làm rõ ước ao sự sống của Ngài đối với người bệnh. Ước ao trao ban sự sống vô hạn, nhưng lại được biểu lộ trong một hành vi hữu hạn. Khi làm thế, Ngài làm lộ ra ước ao sự chết đang hiện diện trước mặt Ngài, bởi vì Ngài không vi phạm luật sa-bát, khi chữa bệnh bằng lời; do đó, lề luật không còn là chỗ ần nấp của họ. Chính những người rình rập Ngài chứng kiến vực thẳm của lựa chọn sự chết mở ra trong lòng họ. Để đáp lại, chứ không chống lại, ở đây Đức Giêsu còn làm hơn cả lời giảng “đừng chống lại kẻ dữ”, Ngài để mình bị chi phối bởi lựa chọn sự chết của kẻ dữ, vì đó là cách duy nhất để thuyết phục nó.
Quyền năng, nơi Đức Giêsu vốn là một với lời của Ngài, được bày tỏ ngang qua một hành vi chữa lành rất giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta quyền năng sự sống vô hạn, nói cho chúng ta lòng ước ao trao ban sự sống Thiên Chúa cho con người. Lời loan báo này được cảm nhận từ xa như là việc hủy bỏ ngày sa-bát, xét như là một giải pháp dành chỗ cho quyết định, nhưng lại có thể chứa chấp lựa chọn hướng tới sự chết. Nếu con tim của những kẻ đối nghịch hướng tới cực điểm như thế, nghĩa là quyết định giết chết, chính là vì đã cảm nhận được nơi hành vi của Đức Giêsu lời loan báo về một ngày sa-bát được đẩy tới cùng đích, nhằm giải phóng hoàn toàn chân lý của ngày sa-bát, đó là ước ao sự sống nơi con người và trao ban sự sống nơi Thiên Chúa.
2. “Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó”
Nhưng, thay vì tranh cãi, phản đối hay dùng sức mạnh để chống lại những người tìm cách làm hại mình, Đức Giê-su lánh đi, nói cách khác, Ngài “băng qua” giữa họ mà đi ; như lời ngôn sứ Isaia loan báo về Người Tôi Trung được Đức Chúa tuyển chọn, Người được Đức Chúa yêu dấu và Đức Chúa hài lòng về Người :
Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường (c. 19).
Và chính khi Đức Giê-su lánh đi, chính lúc Ngài “băng qua” những người có ý đồ muốn giết chết Ngài, thì dân chúng theo người đông đảo và Người chữa lành hết (c. 15), và cũng như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo :
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi (c. 20).
Những gì mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại, loan báo cho chúng ta thật rõ ràng mầu nhiệm Vượt Qua : chính lúc người ta muốn làm hại Đức Giê-su, thì Ngài trở nên nguồn ban phát ơn chữa lành, Ngài tỏ bày Đức Công Chính đích thật của Thiên Chúa cho con người, như Thánh Phao-lô xác tín một cách rõ ràng và mạnh mẽ :
Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su (Rm 3, 23-24).
3. “Niềm hi vọng nơi Danh Người”
Tuy nhiên, có điều khác biệt tuyệt đối là, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su không còn băng qua ý muốn giết chết Ngài, nhưng Ngài băng qua chính sự chết. Thực vậy, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su để cho Sự Dữ có nơi lòng của con người đi đến cùng, là giết chết Ngài, nhưng Ngài lại mạnh hơn sự chết, Ngài chiến thắng sự chết, Ngài vượt qua sự chết để đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh, và trở thành Nguồn Ơn Cứu Độ cho muôn người. Đó chính là sự toàn thắng của Đức Công Chính thần linh mà ngôn sứ Isaia đã loan báo :
Cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người (c. 20-21)
Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và cảm nếm Đức Công Chính đích thật của Thiên Chúa, được bày tỏ cho chúng nơi ngôi vị của Đức Ki-tô, và nhất là nơi ngôi vị của Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ :
§  Đó chính là Đức Công Chính của Tình yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu và những gì thuộc về Tình Yêu mà thôi.
§  Đó là Đức Công Chính của lòng thương xót, thay vì xét xử và luận phạt.
§  Đó là Đức Công Chính của ánh sáng và sự sống, mạnh hơn bóng tối và sự chết có ở nơi lòng chúng ta và ở giữa chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Suy nim 5:

Chúng ta đã từng thấy một Đức Giêsu đầy uy quyền
trong Bài Giảng trên núi và trong các phép lạ (Mt 6-9).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một Đức Giêsu ở vào thế yếu.
Khi biết nhóm Pharisêu tìm cách giết mình thì Ngài lánh đi (c. 15).
Ngài đã lánh đi nhiều lần khi gặp chống đối và đe dọa.
Ngài lánh đi khi nghe tin Gioan bị nộp, rồi bị giết (Mt 4, 12; 14, 13).
Đức Giêsu không đối đầu với kẻ bách hại như Ngài đã dạy môn đệ (Mt 10, 23).
Ngài chỉ đón lấy cái chết khi Cha muốn.
Đức Giêsu có tiếng tăm nhưng cũng rất âm thầm.
Ngài chữa bệnh cho đám đông theo Ngài, nhưng lại muốn giữ kín (c. 16).
Ngài không muốn những phô trương rầm rộ, những biểu dương hoành tráng.
Đây là chọn lựa của Ngài ngay từ đầu sứ vụ
khi Ngài từ chối không nhảy xuống từ nóc đền thờ để người ta vỗ tay.
Và Ngài đã sống sự âm thầm này đến cuối đời
khi Ngài không bước xuống khỏi thập giá để được kẻ thù tin kính.
Sự phục sinh của Ngài có thể nói cũng là chuyện âm thầm,
vì Ngài chỉ hiện ra với các môn đệ của Ngài (1 Cr 15, 5-8).
Ngài chẳng hiện ra để đòi mạng Philatô, Caipha, Hêrốt…
Giáo hội nhỏ bé của Ngài cũng đã âm thầm lớn lên sau hai mươi thế kỷ.
Giáo hội này vẫn từ chối dùng quyền lực và bạo lực để xây dựng Nước Trời.
Các Kitô hữu đầu tiên đã thấy khuôn mặt người Tôi Trung nơi Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã làm trọn từng nét của người Tôi Trung này (Is 42, 1-4).
Đây là người được Thiên Chúa yêu mến, tuyển chọn và hài lòng,
là người có Thần Khí Thiên Chúa, để được sai đến với muôn dân.
Người Tôi Trung này sẽ loan báo công lý trước muôn dân,
và sẽ đưa công lý đến toàn thắng (c. 20).
Tuy nhiên việc loan báo của người Tôi Trung này lại không ồn ào.
“Người sẽ không cãi vã, không kêu to,
chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường” (c. 19).
Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng như một lời mời gọi.
Ngài không dùng quyền năng Cha ban để đe dọa hay làm hại ai,
nhưng để phục vụ mọi người trong âm thầm và khiêm hạ.
Không bẻ gẫy cây lau bị giập, không làm tắt tim đèn leo lét (c. 20).
Nâng niu những gì còn có chút hy vọng,
gìn giữ những sự sống mong manh và khơi dậy những thiện chí còn ẩn giấu.
Đó là điều Đức Giêsu vẫn làm khi đến với những người bị loại trừ,
những tội nhân và người thu thuế.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các Đức Giám mục Việt Nam
trong buổi triều yết ngày 27-6-2009 như sau:
“Trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau,
chỉ mong Giáo hội có thể góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia,
vào việc phục vụ tất cả người dân.”
Xin cho chúng ta biết sống phục vụ như người Tôi Trung Giêsu
để “xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng.”
Cầu nguyn:

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận