Thứ Sáu Tuần 15 TN

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/07/2014 02:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ SÁU TUẦN 15 TN

Bài đọc (Is 38, 1-6. 21-22. 7-8)

Trong những ngày ấy Êdêkia đau gần chết. Tiên tri Isaia, con ông Amos đến thưa người rằng: “Chúa phán thế này: Ngươi hãy sắp xếp công việc nhà cửa của ngươi, vì ngươi sắp chết, không sống được nữa”. Êdêkia liền quay mặt vào vách, cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Ôi lạy Chúa, con van xin Chúa, xin Chúa hãy nhớ lại: con đã sống ngay chính trước mặt Chúa, và đã làm những điều đẹp lòng Chúa”. Rồi Êdêkia than khóc lớn tiếng. Bấy giờ Chúa phán cùng Isaia rằng: “Hãy đi nói với Êdêkia rằng: Ðây Chúa là Thiên Chúa Ðavít, tổ phụ ngươi, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, và Ta đã thấy nước mắt của ngươi. Ta sẽ cho ngươi sống thêm mười lăm năm nữa. Ta sẽ cứu ngươi và bảo vệ thành này khỏi tay vua Assyria”. Isaia sai người đi lấy mẩu bánh trái vả đắp lên mụn ung độc, và vua liền khỏi bệnh. Bây giờ Êdêkia hỏi: “Có dấu nào cho ta biết coi ta còn lên đền thờ Chúa được chăng?” Isaia đáp: “Ðây là dấu lạ Chúa ban cho vua, vì Chúa sẽ thực hiện lời Người đã phán: “Ta sẽ làm cho bóng đã ngả trên bảng độ Acaz lui lại mười độ”. Và 
mặt trời lui lại mười độ.

Tin Mừng (Mt 12, 1-8)

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”. Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Ðavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Ðavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh màông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Ðấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”.





Suy niệm 1: GIỮ LUẬT VÌ LÒNG MẾN

Chúng ta vẫn thường nghe những người khác tôn giáo nhận định về người Công Giáo như sau: “Những người theo đạo Công giáo sướng thật. Ngày Chủ nhật họ ăn mặc đẹp, nghỉ ngơi để đi lễ nhà thờ”.
Lời nhận định tuy thật đơn sơ nhưng cũng đủ để cho chúng ta thấy rằng: Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa. Ngày tưởng niệm và tạ ơn Chúa vì Ngài đã tạo dựng nên tất cả cho con người hưởng dùng. Trong ngày này, chúng ta thi hành việc bác ái, nâng đỡ những người túng thiếu, bần cùng. Đồng thời, chúng ta cũng dùng ngày này để làm mới lại tình yêu của mọi thành viên trong gia đình.
Như vậy, vì tình yêu, Thiên Chúa dựng nên tất cả. Cũng vì tình yêu, con người được đón nhận tất cả. Nên cũng chỉ có con đường duy nhất chính là tình yêu để dẫn đưa con người đến gặp Thiên Chúa và đến được với nhau.
Nếu làm mọi chuyện chỉ vì sợ tội, sợ mất chức, sợ lời khen, tiếng chê, rồi sinh ra nhu nhược hay tàn ác trong khi thi hành bổn phận thì thật là tắc trách. Tự bản chất, con đường này không thể gặp được Thiên Chúa và không thể có mối tương quan thân tình với nhau, bởi vì nó được thi hành bằng mệnh lệnh của cái đầu mà không phải bằng tình thương của trái tim.
Hôm nay, Đức Giêsu khiển trách những người Pharisêu về thái độ nệ luật của họ, nên đã đánh mất đi tương quan với Thiên Chúa và với nhau trong tình yêu. Họ đã thể hiện và củng cố uy quyền của mình bằng sự tàn ác, vô nhân đạo và mất đi tính người. Vì thế, Đức Giêsu cho họ biết là lòng nhân hậu thì quý hơn của lễ được làm nên bởi sự ích kỷ, bất nhân, tàn ác. Thiên Chúa cần sự bao dung, tha thứ và nhân hậu trong của lễ. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 12, 7).
Như vậy, Đức Giêsu nhấn mạnh đến ý nghĩa cốt lõi của ngày Sabát và đưa con người đến chỗ nhận ra ý định yêu thương của Chúa, đồng thời mời gọi con người biết cộng tác vào việc thánh hóa ngày ấy theo như ý Thiên Chúa muốn.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì nhờ lề luật của Chúa mà chúng con được tự do, hạnh phúc. Xin cho chúng con biết tuân giữ luật vì lòng yêu mến. Amen.


Suy niệm 2: YÊU THƯƠNG, CỐT TUỶ CỦA LỀ LUẬT

“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế con người làm chủ ngày Sa-bát.” (Mt 12,7-8)
Suy niệm: Theo truyền thống Do Thái, việc bứt lúa coi như việc gặt hái là một trong 39 việc cấm làm trong ngày Sa-bát. Vì thế các người biệt phái đã nại vào luật này để chỉ trích các môn đệ đã bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát. Hành động bứt lúa của các môn đệ không chỉ để mua vui mà vì một nhu cầu lớn hơn liên quan đến sự sống: “Đói”! Thế nhưng những người biệt phái thông luật lại không nắm được cái cốt tuỷ của lề luật đó là sự yêu thương và lòng nhân hậu. Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a đến để chấn chỉnh lại lề luật, Ngài muốn con người được yêu thương và được sống. Đa-vít khi đói còn được ăn “bánh tiến” nữa là… Thế nên, sự sống con người quý trọng hơn thái độ nệ luật biết bao. Nếu chúng ta giữ luật mà không chú trọng đến trọng tâm của luật thì luật chỉ còn là gánh nặng và là xích xiềng ràng buộc chúng ta.
Mời Bạn: Hãy ý thức: luật Hội Thánh cho nghỉ việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng là để người tín hữu có nhiều thời gian đến gần với Thiên Chúa hơn.
Sống Lời Chúa: Hãy làm tròn bổn phận của người Ki-tô hữu: gia tăng việc đạo đức, bố thí, thăm người nghèo, bệnh nhân, v.v…
Cầu nguyện: Lạy Chúa là chủ tể thời gian và mọi công việc. Xin cho mọi công việc chúng con làm từ tư tưởng đến hành động đều do Chúa điều khiển và dẫn dắt để không đi ngoài Thánh ý của Chúa và luôn phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Amen.


Suy niệm 3

Khi đi ngang cánh đồng, các môn đệ bứt lúa ăn, nhưng không may, đó là ngày sabat. Thấy vậy các người biệt phái trách rằng tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu làm một việc không được phép làm trong ngày sabat. Với họ, bứt vài bông lúa để ăn cũng là một việc lao động, là việc  không được phép làm trong ngày nghỉ lễ.
Chúa Giêsu nhấn mạnh với họ rằng: Thiên Chúa cần lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ.
Người biệt phái nổi tiếng là giữ luật chặt chẽ, không thể trách được. Nhưng cái họ thiếu đó là tâm tình bên trong. Họ chỉ lo giữ chu chu chấm chấm bên ngoài, thậm chí họ còn dựa vào thái độ giữ luật cách nghiêm ngặt đó để lên án người khác, những người mà họ thấy không giữ luật như họ.
Luật được lập nên để giúp và hướng dần con người sống tốt hơn. Chúa Giêsu không bãi bỏ lề luật nhưng Ngài kiện toàn, nghĩa là giúp con người sống đúng tinh thần của luật, đó là hướng dẫn con người sống tốt hơn, sống theo luật với tấm lòng yêu thương.
Rất nhiều khi chúng ta rơi vào thái độ của những người biệt phái. Chúng ta cố gắng chu toàn luật buộc hết sức chặt chẽ. Ăn chay thì cố gắng nhịn ăn đến nửa đêm thì ăn bù lại; vào nhà thờ thì cúi mình hết sức sâu; đọc kinh thì rất lớn tiếng để cho mọi người biết tôi đọc kinh, nhưng làm những điều ấy chẳng có tâm tình yêu mến. Thậm chí, cũng như những người biệt phái, chúng ta tự hào vì mình giữ đạo rất tốt, giữ luật nghiêm ngặt rồi dựa vào đó mà khinh dễ và phê bình những anh chị em xem ra chưa tốt như chúng ta.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, hãy cố gắng tuân giữ luật nhưng phải giữ với tấm lòng yêu mến. Tiêu chuẩn để chúng ta xét lại mình có giữ luật đúng hay không là lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa và với tha nhân có tốt hơn không? Nếu tốt hơn, đó là tín hiệu đáng mừng. Ngược lại, nếu chúng ta tỏ ra kiêu ngạo, khinh dễ và phê phán tha nhân, thì thật nguy hiểm. Chúng ta đang rơi vào thái độ của biệt phái rồi đó.
Xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức sống lời Chúa nhắc nhở chúng con: “Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ”. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ngự đến linh hồn chúng con. Dù rằng tâm hồn chúng con còn ngổn ngang trăm bề những lo lắng trần thế, những ham muốn tầm thường. Chúa không chấp nhất tội chúng con. Chúa chỉ còn nghĩ đến một điều là ban phát tình yêu.
Lạy Chúa, ở đời nếu không có tình yêu, người ta sẽ dễ dàng kết án tẩy chay lẫn nhau. Đôi khi còn kết án bừa bãi, thiếu cân nhắc. Xin tha thứ vì những lần chúng con đối xử bất khoan dung với nhau. Xin giúp chúng con đừng bao giờ nói hành, bỏ vạ cáo gian anh em mình một cách bừa bãi. Nhưng xin ban cho chúng con một tâm hồn luôn yêu thương, nhân từ như Chúa để chúng con biết đối xử với nhau ngày một tốt hơn.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng rất nhân từ, xin ban ơn Thánh Thần để hoán cải tâm hồn vốn dĩ ích kỷ và đầy hẹp hòi của chúng con. Xin giúp chúng con đủ sáng suốt để sống và cư xử tốt với nhau, như Chúa hằng đối xử như vậy với chúng con. Amen.
 

Suy niệm 4
 
Khi đi ngang cánh đồng, các môn đệ bứt lúa ăn, nhưng không may, đó là ngày sabat. Thấy vậy các người biệt phái trách rằng tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu làm một việc không được phép làm trong ngày sabat. Với họ, bứt vài bông lúa để ăn cũng là một việc lao động, là việc  không được phép làm trong ngày nghỉ lễ.
Chúa Giêsu nhấn mạnh với họ rằng: Thiên Chúa cần lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ.
Người biệt phái nổi tiếng là giữ luật chặt chẽ, không thể trách được. Nhưng cái họ thiếu đó là tâm tình bên trong. Họ chỉ lo giữ chu chu chấm chấm bên ngoài, thậm chí họ còn dựa vào thái độ giữ luật cách nghiêm ngặt đó để lên án người khác, những người mà họ thấy không giữ luật như họ.
Luật được lập nên để giúp và hướng dần con người sống tốt hơn. Chúa Giêsu không bãi bỏ lề luật nhưng Ngài kiện toàn, nghĩa là giúp con người sống đúng tinh thần của luật, đó là hướng dẫn con người sống tốt hơn, sống theo luật với tấm lòng yêu thương.
Rất nhiều khi chúng ta rơi vào thái độ của những người biệt phái. Chúng ta cố gắng chu toàn luật buộc hết sức chặt chẽ. Ăn chay thì cố gắng nhịn ăn đến nửa đêm thì ăn bù lại; vào nhà thờ thì cúi mình hết sức sâu; đọc kinh thì rất lớn tiếng để cho mọi người biết tôi đọc kinh, nhưng làm những điều ấy chẳng có tâm tình yêu mến. Thậm chí, cũng như những người biệt phái, chúng ta tự hào vì mình giữ đạo rất tốt, giữ luật nghiêm ngặt rồi dựa vào đó mà khinh dễ và phê bình những anh chị em xem ra chưa tốt như chúng ta.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, hãy cố gắng tuân giữ luật nhưng phải giữ với tấm lòng yêu mến. Tiêu chuẩn để chúng ta xét lại mình có giữ luật đúng hay không là lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa và với tha nhân có tốt hơn không? Nếu tốt hơn, đó là tín hiệu đáng mừng. Ngược lại, nếu chúng ta tỏ ra kiêu ngạo, khinh dễ và phê phán tha nhân, thì thật nguy hiểm. Chúng ta đang rơi vào thái độ của biệt phái rồi đó.
Xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức sống lời Chúa nhắc nhở chúng con: "Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ". Amen.
 

Suy niệm 5
 
1. Vi phạm lề luật
Đi băng qua cánh đồng lúa, các môn đệ đói bụng và bứt lúa ăn. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu chất vấn Đức Giê-su : “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !” Trước hết, chúng ta ta hãy cảm thương Đức Giê-su, vì trò phạm lỗi, nhưng người ta lại đi chất vấn Thầy, như thể Thầy phải chịu trách nhiệm. Sau này, trong cuộc Thương Khó và trên Thập Giá Đức Giê-su sẽ nhận vào mình tất cả mọi tội lỗi, dưới sự phán xét của Lề Luật, không chỉ của các môn đệ, nhưng là của cả loài người chúng ta.
Xét về luật, những người Pha-ri-sêu thật có lý để lên án các môn đệ, vì, để ăn hạt lúa, họ phải “gặt và xay” cây lúa. Như thế, họ đã phạm luật cấm lao động trong ngày Sa-bát ! Tuy nhiên, lỗi này là chuyện nhỏ, không nghiêm trọng gì mấy ; có lẽ Đức Giê-su chỉ cần nhắc nhở các môn đệ là xong chuyện. Nhưng có điều gì đó thật nghiêm trọng và không hề là chuyện nhỏ ; Đức Giê-su sẽ mặc khải cho chúng ta điều này.
2. Dò xét và tố cáo
Thật vậy, chúng ta có thể tự hỏi : làm sao, ở ngoài đồng bao la như thế, những người Pha-ri-sêu lại biết được việc này ? Chắc họ đã phải kín đáo nhiều ngày đi theo, rình mò, theo dõi và quan sát thật kĩ nhóm của Đức Giê-su, giống như khi người ta muốn bắt quả tang người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 2-11). Hành động này hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án, và chỉ cần chờ hoặc tìm kiếm dịp mà thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không có dịp, chính họ sẽ tạo ra dịp để Đức Giê-su và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy.
Thế mà, Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết rằng, ý muốn lên án cho dù chưa có lý do, vốn thuộc về Satan (x. St 3, 1-7 ; Dcr 3, 1; Gi 1, 11 ; 2, 6; Kh 12, 7-10” ; xem bài đọc thiêng liêng “Sự Dữ). Là thuộc về Satan, nhưng hành động này lại không hiếm thấy trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, những người hành động theo Satan, cho dù không nhận ra mình đang hành động theo Satan, là những người có ý muốn lên án và để lên án, thì phải dựa vào lề luật để tìm kiếm, rình mò, thậm chí gài bẫy hay ngụy tạo nhằm có bằng chứng hành vi vi phạm lề luật. Vì thế, một đàng thật hợp lý khi người ta dựa vào lề luật để lên án hành vi vi phạm, như trường hợp các môn đệ bứt lúa ăn vào ngày sa-bát, nhưng đàng khác, ý muốn lên án, vốn là đặc điểm của Satan và tự nó là xấu xa, đã luôn có đó rồi. Biết như thế, nhưng không ai làm gì được, vì có lề luật là chỗ dựa, thậm chí, là chỗ ẩn nấp thật kín đáo, kín đáo nhất của Sự Dữ. Và đó chính là cách người ta lên án chết Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su là Đấng Vô Tội tuyệt đối (chúng ta thì không, vì bị rình mò một hồi là ra tội), vì thế kẻ kết án chỉ có thể là Satan, hành động nơi những con người cụ thể ; và khi kết án Đấng Vô Tội tuyệt đối, nhân danh Lề Luật : “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết” (Ga 19, 7), Sự Dữ bị lộ ra nguyên hình.
Hơn nữa, và điều này còn nghiêm trọng hơn, ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ ơn huệ sự sống được cứu khỏi sự chết của cả một dân tộc trong biến cố Xuất Hành, bởi lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Đnl 5, 12.15). Nhưng trong thực tế, ngày Sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những qui định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để lên án và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Điều này sẽ được khởi động rất sớm : “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su”. Và mưu đồ này sẽ đi đến cùng trong cuộc Thương Khó, khi người ta nhân danh Lề Luật để giết Đấng Vô Tội tuyệt đối.
3. Sự sống và lề luật
Như các môn đệ, không ai trong chúng ta không vi phạm luật ; và như những người Pha-ri-sêu, không ai trong chúng ta tránh được sức mạnh của Sự Dữ thúc đẩy chúng ta dùng lề luật để dò xét và tố cáo bản thân mình và người khác. Vậy, “tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24-25)
Thật vậy, Đức Giê-su đã đứng về phía các môn đệ, những “bị cáo”, và qua các môn đệ, Ngài đứng về phía chúng ta. Ngài biện minh cho họ bằng những lời mạc khải có tầm mức hết sức rộng lớn. Trước hết, Ngài dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh. Trong sách Samuel quyển 1, chương 21, kể lại chuyện vua Đa-vít và những người tùy tùng của ông, lúc đói đã vào nhà Thiên Chúa ăn bánh dùng để dâng tiến, thứ bánh chỉ có tư tế mới được ăn.
Khi nêu ra một biến cố lịch sử, được kể lại trong Sách Thánh, Đức Giê-su muốn nói cho người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho chúng ta về chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa :
- Sự sống ưu tiên hơn lề luật. Vì Thiên Chúa thông truyền sự sống trước khi ban lề luật (x. St 2-3). Và xét cho cùng, mọi lề luật được đặt ra để phục vụ cho sự sống. Sự sống chính là cùng đích của lề luật. Dùng lề luật để kết án, cho dù có lý, vẫn là hành động không phù hợp với cùng đích của lề luật, thậm chí thuộc về hành động của Satan.
- Luật đúng là thánh, như thánh Phaolo nói trong thư Roma (Rm 7). Nhưng ngôi vị cũng là thánh, vì vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, trong hành vi phạm luật, phải chú ý đến hoàn cảnh, quá khứ, giáo dục, môi trường, những vấn đề và vết thương của nội tâm… Như Đức Chúa nói với ngôn sứ Samuen : “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 1)
- Con Người, nguồn sự sống, là chủ ngày Sa-bát. Mặc khải này của Đức Giê-su phải làm cho chúng ta tin tưởng và bình an, vì Đấng ban luật cũng là Đấng thương xót, bao dung, không lên án, nhưng cứu vớt. Không phải Chúa bao che chúng ta, những là vì chỉ có lòng thương xót mới có sức mạnh biến đổi và chữa lành tận căn con tim của chúng ta (x. dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” trong Lc 15, 11-32).

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 6

“Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ.” (Mt 12,7)

Suy niệm: 
A- Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu bị các người biệt phái kết án vì chuyện các môn đệ Ngài bứt lúa trong ngày Sabbat.
Thực ra điều mà các người biệt phái trách không phải vì họ đói mà bứt lúa để ăn (x. Đnl 23,26; cho phép ăn lúa nơi đồng của người khác), nhưng vì họ đã làm việc trong ngày hưu lễ (x. Xh 34, 21; cấm gặt lúa trong ngày Sabbat: người biệt phái quá vụ luật đã coi việc bứt vài bông lúa có nghĩa là gặt lúa!). Trong câu chuyện này cũng nên lưu ý câu trả lời của Chúa Giêsu trích Hôsê 6,6 “Ta muốn tình thương chứ không màng hy lễ”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Vụ việc này là một mình họa cho thấy Luật (“ách”) của người biệt phái do không có tình thương trong đó nên đã trở thành nặng nề như thế nào. Họ không hề quan tâm đến cơn đói của các môn đệ, mà chỉ rình mò xem các ông có làm gì phạm đến luật không để mà kết án.
Khi không có tình thương, mọi sở hữu nhỏ nhoi của anh chị em tôi đều có thể bị tôi kết án. Ngược lại, khi đã thương thì tôi có thể thông cảm cho những sai lầm đó cách đễ dàng.
2. “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”: Chúa Giêsu muốn tôi lấy lòng nhân từ mà đối xử với anh chị em. Đó chính là của lễ quý hơn mọi của lễ khác mà tôi có thể dâng lên cho Chúa.
3. “Con người cũng là chủ của ngày Sabbat”: tôi phải giữ luật vì Chúa chứ không phải vì luật.
4. Qua vụ việc này, Chúa cũng dạy ta đừng xét đoán người khác một cách “lý thuyết”, mà phải để ý đến hoàn cảnh nữa.
5. Ngày nọ Khổng Tử dẫn đệ tử từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám đệ tử có Nhan Hồi và Lộ Tử là hai môn sinh được Khổng Tử sủng ái nhất.
Thời Đông Chu, loạn lạc khắp nơi khiến dân chúng lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng có nhiều ngày nhịn đói cầm hơi. Ngày đầu tiên đến đất Tề, Khổng Tử và các môn sinh được một người nhà giàu biếu một ít gạo. Khổng Tử liền phân công: Lộ Tử và các môn sinh khác vào rừng kiếm củi, còn Nhan Hồi dảm nhận việc nấu cơm.
Đang đọc sách ở nhà trên, Khổng Tử bỗng nghe thấy tiếng động ở nhà bếp. Nhìn xuống, Ngài bắt gặp Nha hồi đang mở vung xới cơm cho tay vào nắm từng nắm nhỏ rồi bỏ vào miệng. Khổng Tử than thở: “Người học trò tín cẩn nhất của Ta lại là kẻ ăn vụng.”
Khi Lộ Tử và các môn sinh khác trở về, Khổng Tử cho tập họp các môn sinh lại và nói: “Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm cho Thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương, Thầy muốn xới một bát cơm để cúng Cha mẹ. Nhưng liệu nồi cơm này có sạch không?”
Nhạn Hồi chắp tay thưa: “Dạ nồi cơm này không sạch. Khi cơm vừa chín con mở vung ra xem thử. Chẳng may một cơn gió tràn vào. Bồ hóng và bụi rơi xuống làm bẩn nồi cơm. Sau đó con xới cơm bẩn ra định vất đi. Nhưng nghĩ rằng cơm ít mà anh em thì đông. Cho nên con đã ăn phần cơm ấy. Thưa Thầy như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi.”
Nghe Nhạn Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngẩng mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Suýt nữa Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ.”
6. “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ.” (Mt 12,7)
Tôi đứng đó dưới ánh mặt trời. Trước mặt tôi bóng đen đổ dài phía sau trên nền đất. Tôi chợt nghĩ: Mặt trời sao đen thế!
Xoay người 180 độ, cái bóng vẫn đổ dài phía sau trên nền đất. Nhưng truớc mặt tôi Mặt trời bừng sáng rược rỡ.
Lời Chúa hôm nay hé mở cho tôi lối sống mới, lối sống tự do của lòng nhân từ, không sợ hãi, không hình thức nệ luật.
Lạy Chúa, bước vào đời con phải chấp nhận luật chơi của cuộc sống. Xin cho con luôn ý thức luật lệ chỉ là phương thức để con sống hoàn thiện và là cầu nối để con đến với Thiên Chúa và tha nhân. (Hosanna)

(Lm. Carôlô hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ngự đến linh hồn chúng con. Dù rằng tâm hồn chúng con còn ngổn ngang trăm bề những lo lắng trần thế, những ham muốn tầm thường. Chúa không chấp nhất tội chúng con. Chúa chỉ còn nghĩ đến một điều là ban phát tình yêu.
Lạy Chúa, ở đời nếu không có tình yêu, người ta sẽ dễ dàng kết án tẩy chay lẫn nhau. Ðôi khi còn kết án bừa bãi, thiếu cân nhắc. Xin tha thứ vì những lần chúng con đối xử bất khoan dung với nhau. Xin giúp chúng con đừng bao giờ nói hành, bỏ vạ cáo gian anh em mình một cách bừa bãi. Nhưng xin ban cho chúng con một tâm hồn luôn yêu thương, nhân từ như Chúa để chúng con biết đối xử với nhau ngày một tốt hơn.
Lạy Chúa Giêsu là Ðấng rất nhân từ, xin ban ơn Thánh Thần để hoán cải tâm hồn vốn dĩ ích kỷ và đầy hẹp hòi của chúng con. Xin giúp chúng con đủ sáng suốt để sống và cư xử tốt với nhau, như Chúa hằng đối xử như vậy với chúng con. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận