Thứ Năm Tuần 16 TN

Đăng lúc: Thứ năm - 24/07/2014 03:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM TUẦN 16 TN: Th. Xa-be-li-ô Ma-lúp, linh mục

Bài đọc (Gr 2, 1-3. 7-8. 12-13)
Ðây lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi và hãy la vào tai Giêrusalem rằng: Ðây Chúa phán: Ta đã nhớ mối tình thanh xuân của ngươi, nhớ đến tình yêu thời đính hôn của ngươi, khi đó ngươi theo Ta trong sa mạc, trong phần đất chưa gieo trồng. Lúc ấy Israel đã được thánh hiến cho Chúa, và là hoa quả đầu mùa của Người; những ai động đến nó, phải đắc tội và phải chuốc lấy tai hoạ”. Chúa phán như vậy. “Ta đã dẫn dắt các ngươi vào đất phì nhiêu, để các ngươi hưởng dùng hoa quả của nó; nhưng vừa ở đó, các ngươi đã làm dơ bẩn đất của Ta và biến cơ nghiệp Ta thành nơi ghê tởm. Các tư tế không nói: ‘Chúa ở đâu?’; (các kẻ) nắm giữ lề luật không nhìn biết Ta, còn các chủ chăn thì phản bội Ta, và các tiên tri lại nhân danh Baal mà nói tiên tri và chạy theo các bụt thần giả trá”. Chúa lại phán: “Hỡi tầng trời, hãy kinh ngạc về điều này, và hỡi các cửa trời, hãy ưu sầu thảm não! Vì chưng, dân Ta đã phạm hai tội xấu xa: Họ đã từ bỏ Ta là nguồn nước hằng sống, để đào những giếng rạn nứt không giữ nước được”.

Tin Mừng (Mt 13, 10-17)
Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành”. “Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.


Thánh Sarbêliô Makhluf, linh mục (1828 – 1898)

Thánh Sarbêliô Makhluf (hay Giuse Makhluf) sinh ngày 28 tháng 5 năm 1828 tại Lêbanon. Gia đình Giuse rất nghèo, thân phụ Giuse đã qua đời khi ngài còn rất nhỏ. Giuse và các anh chị em được nuôi dạy bởi thân mẫu và người cậu. Vì được hấp thụ một nền giáo dục chân thành nên Giuse và các anh chị em đã cảm hiểu và yêu mến đức tin của mình cách rất tha thiết. Nơi nhà thờ, Giuse tham gia giúp lễ và ca đoàn. Ở nhà tư, Giuse giúp chăn giữ chiên cừu và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện cũng như suy gẫm một mình.
Giuse có hai người cậu đi tu và ngài thích viếng thăm các cậu để bắt chước lối sống của các cậu. Khi Giuse lên 23, ngài đã xin vào một tu viện và nhận tên là Sarbêliô. Khấn dòng xong, Sarbêliô theo học triết học và thần học. Sau đó, ngài được thụ phong linh mục và đã sống cuộc đời cầu nguyện, hãm mình đền tội và chăm chỉ làm việc. Đó là những công việc thánh nhân rất ưa thích và ngài cảm thấy rất hạnh phúc.
Năm 1866, Sarbêliô Makhluf lui vào trong một ẩn am để sống cuộc đời biệt lập. Ngài cảm thấy Thiên Chúa mời gọi mình sống thân mật với Người qua lối sống này. Và ngài đã sống trong căn phòng nhỏ bé đó suốt 23 năm, dành hầu hết thời giờ để cầu nguyện và dâng thánh lễ. Dù đã cố gắng sống ẩn mình, nhiều người vẫn tìm đến với thánh nhân để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo.
Ngày 16 tháng 12 năm 1898, đang lúc cử hành thánh lễ thì Sarbêliô Makhluf đã bị đột quỵ. Ngài được đưa về phòng và không thể dâng lễ được nữa. Sarbêliô Makhluf qua đời tám ngày sau đó, vào dịp lễ Giáng sinh. Ngài được chôn cất tại tu viện thánh Maron. Ngôi mộ của ngài đã trở thành địa điểm hành hương. Trong năm 1950, mỗi ngày có khoảng 15.000 người đã đến kính viếng mộ ngài. Ngài 9 tháng 10 năm 1977, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã phong thánh cho ngài.


Suy niệm 1: XIN ĐƯỢC BIẾN ĐỔI

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe xem ra có vẻ khó hiểu. Vì khó hiểu, nên các môn đệ khi xưa đã hỏi Đức Giêsu: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?”. Sự khó chịu và thắc mắc này đã được chính Đức Giêsu trả lời cho các ông biết nguyên do:
Nghe mà không chú ý, suy gẫm; nghe mà không cảm thấy Chúa nói với mình để mà sám hối sửa sai, thì cũng như người có tai mà không nghe. Có nhiều người miệng thì đọc “lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng tay thì lại “đấm ngực người khác”. Những người như thế thì chẳng khác gì: “vịt nghe sấm”; hay “nước đổ lá khoai”,nên có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, trố mắt nhìn cũng không thấy gì. Họ là những người không hề có thiện chí để cho Lời Chúa soi chiếu và hướng dẫn mình. Lời Chúa đến rồi lại đi như “khách bộ qua đường”, không để lại nơi tâm hồn họ điều gì cả, nên họ đâu có thấy điều gì lỗi mà phải sửa. Vì thế, chúng ta không lạ gì vẫn còn đó những người: “Bên ngoài thơn thớt nói cười mà trong nhan hiểmgiết người không dao”.
Thái độ đón nhận Lời Chúa như thế, hẳn không bao giờ và không thể nhận ra Lời Chúa như là vị mật ngọt ngào hay như dòng suối mát cho tâm hồn, mà ngược lại, họ coi Lời Chúa như một cái gì đó khó ưa, khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận.
Tại sao vậy? Thưa! “Vì lòng dân này đã ra chai đá”, nên không còn có chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.
Thật vậy, Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến. Họ là những người bé mọn, đơn thành nên đã có thì lại được đầy dư, còn kẻ không có nghĩa là không tin như Kinh sư và Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm trở nên vô ích.
Với nhiều người ngày nay, có lẽ đức tin không đến nỗi quá cứng lòng như những Kinh sư và Pharisêu, nhưng con người đang rơi vào tình trạng thờ ơ, dửng dưng, vô cảm với chính Lời Chúa và những nghĩa vụ liên quan đến đức ái với anh chị em đồng loại. Đây có lẽ là điều nguy hiểm không nhỏ đến ơn cứu độ, bởi vì có thể nói: đây là căn bệnh “ung thư” thời đại mới nơi tâm hồn rất nhiều người.
Lạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con được trở nên đơn sơ, bé nhỏ để đáng được hiểu Lời Chúa mặc khải cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và mau mắn thi hành để đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen.


Suy niệm 2: PHÚC VÌ ĐƯỢC THẤY, ĐƯỢC NGHE

“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” (Mt 13,16)
Suy niệm: Đức Giêsu tuyên bố các môn đệ có phúc hơn “nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính” chỉvì họ đã “được thấy và được nghe.” Nhưng thấy và nghe ai hay cái gì? Thưa, chính Chúa, bằng xương bằng thịt! Có điều ta đừng quên, nguyên điều đó vẫn chưa đủ để gọi là “có phúc”. Thực tế là bao người xung quanh Chúa thời ấy chẳng thực sự thấy và nghe hiểu được Chúa. Giữa các môn đệ và những người kia có một điều khác biệt: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.” Ta nhớ lời này của Đức Giêsu: “Con tạ ơn Cha vì đã giấu các mầu nhiệm Nước Trời đối với những kẻ thông thái khôn ngoan, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn!”
Mời Bạn: Ngày nay không ai thấy Đức Giêsu bằng xương bằng thịt nữa, nhưng nhiều tâm hồn bé mọn vẫn “thật có phúc” vì được Ngài chinh phục cách sâu xa. Đó là những tâm hồn thánh thiện, hoàn toàn sống theo Tin Mừng của Chúa. Một số trong đó được nhiều người biết đến (như các vị thánh nhân như Đức Gioan XXIII, Đức Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêsa Cancutta…), còn rất nhiều người khác rất âm thầm, nhưng họ rất gần xung quanh ta, và phần “phúc” của họ lớn lao không kém.
Sống Lời Chúa: Để nhận được “ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” mời bạn tháo gỡ những vật cản không cho mắt được thấy và tai được nghe, tức những đam mê thấp hèn và những bận rộn lo lắng sự đời quá mức nơi mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, là sản nghiệp của con…, là phần tuyệt hảo may mắn của con… Tâm hồn con mừng rỡ… Ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! (Tv 15).


Suy niệm 3

Khi muốn nói điều gì khó nói, người ta hay dùng cách ví von.
Khi muốn thổ lộ tâm tình sâu kín, người ta hay nhờ đến câu chuyện.
Khi muốn diễn tả chân lý tròn đầy, Chúa Giêsu lại dùng đến dụ ngôn.
Dụ ngôn chính là cách diễn đạt chân lý về “mầu nhiệm nước trời” dễ hiểu nhất.
Vì dụ ngôn mang ý tưởng so sánh và diễn đạt khía cạnh khó hiểu nên chỉ những ai cố công tìm hiểu mới có thể nhận ra được giá trị chân lý siêu việt mà Chúa Giêsu muốn nói đến.
Nhưng hình như những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn không được dân chúng đón nhận cách tích cực. Đa phần họ nghe cho vui tai thôi chứ không ra công tìm hiểu. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói thẳng: “Họ nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe, không hiểu”. Duy chỉ có các tông đồ là những người tích cực chủ động muốn nghe và tìm hiểu lời giảng dạy của Chúa, nên họ được mạc khải cho biết về mầu nhiệm nước trời.
Do đó, không phải Chúa Giêsu cố tình dùng dụ ngôn để gây khó dễ cho người nghe, nhưng là để xác định xem ai là người thiện chí thì mới xứng đáng hiểu lời vàng ngọc, châu báu của Chúa.
Nhìn thấy Chúa và nghe được Lời Chúa đã là một diễm phúc lớn lao cho những người sống cùng thời với Chúa rồi, bởi lẽ “nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi được thấy điều anh em thấy mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe”. Tuy nhiên nếu nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu thì quả là một bất hạnh to lớn.
Chúng ta là những người thật hạnh phúc vì được vinh dự được lắng nghe, gặp gỡ và đón nhận Chúa hằng ngày qua Thánh Lễ.
Xin cho chúng ta biết siêng năng tham dự thánh lễ hàng ngày với lòng khao khát nghe và đón nhận Chúa vào lòng để nhờ đó ta cảm nếm được niềm hạnh phúc sâu xa nơi tâm hồn.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Thánh Thể Chúa là nguồn sức mạnh nâng đỡ tâm hồn chúng con. Qua bí tích Thánh Thể chúng con được sống bằng sức sống của Chúa. Chúa đến viếng thăm linh hồn chúng con. Chúa ở lại để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết sống xứng đáng với ơn trời cao cả mà Chúa đã dành cho chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã chúc phúc cho những ai nghe và thực hành lời Chúa. Chúa còn nhận những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa vào gia đình của Chúa. Ước gì chúng con được vào số những người được Chúa chúc phúc. Ước gì chúng con luôn là thành viên của gia đình Chúa để được Chúa yêu thương, chăm sóc và ủi an. Xin giúp chúng con luôn mặc lấy tâm tình đơn sơ ngoan hiền để dễ dàng đón nhận lời giáo huấn của Chúa. Xin dạy bảo chúng con những lời cao quý để chúng con luôn đi trong đường ngay nẻo chính.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời. Xin giúp chúng con biết phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa. Amen.


suy niệm 4

1. Giảng dạy bằng dụ ngôn
Khi lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (x. 13, 1-2). Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong cộng đoàn của chúng ta, ngay trong gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.
Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; như bài Tin Mừng hôm nay kể lại, các môn đệ đến gần Đức Giê-su và hỏi: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” (c. 10) Như thế, nói về Thiên Chúa bằng dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, đến độ theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34).
Như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn mười cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn “Hạt Giống và Người Gieo Giống”. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời, như lời Thánh Vịnh loan báo:
Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,
công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.”
                                            (Tv 78, 2; Mt 13, 35)
3. Tại sao dùng dụ ngôn?
Đức Giê-su giảng dạy bằng dụ ngôn, đó là vì dụ ngôn có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe” (c. 9). Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ yếu tố biểu tượng (chẳng hạn hình ảnh mảnh đất sỏi đá, đất không nhiều) hay nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mình khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giê-su thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào.
Ngoài ra, khi các môn đệ hỏi Người: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” Đức Giê-su trả lời rằng, đó là ngôn ngữ dành riêng cho những người có ơn hiểu biết, là các môn đệ:
Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.
Vì thế, khi nghe các dụ ngôn, các môn đệ với ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, họ sẽ được hiểu mầu nhiệm này sâu rộng hơn nữa, như Người nói: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa”. Trong khi đó, dân chúng, vì không có ơn hiểu biết, họ giống như người “nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”! Vậy, để hiểu các dụ ngôn, chúng ta phải có ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”; và các mầu nhiệm Nước Trời là các mầu nhiệm liên quan đến chính ngôi vị của Đức Giê-su, bởi vì Người rao giảng Nước Trời và làm cho Nước Trời hiện diện bằng chính ngôi vị của mình. Vì thế, để đón nhận ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”, chúng ta không có con đường nào khác, là con đường đi theo Đức Giê-su như người môn đệ.
Chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là người môn đệ của Đức Ki-tô, người đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi gia đình hay dâng hiến, chúng ta hãy khát khao và xin Người ban cho chúng ta ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”, để chúng ta biết lắng nghe các dụ ngôn nói về Nước Trời. Và một khi biết lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta cũng sẽ “lắng nghe” đời mình như là một dụ ngôn nói về Thiên Chúa và Nước của Người, bởi lẽ dụ ngôn là kinh nghiệm sống được hiểu dưới ánh của Đức Giê-su Ki-tô, Con TC, Ngôi Lời nhập thể.
Và xin Chúa đừng để chúng ta tự đặt mình vào phía “dân chúng” hay đám đông, nghĩa là nhóm người lòng đã ra chai đá, khiến họ “bịt tai nhắm mắt”, hoặc “có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy”. Bởi vì, ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời có liên quan đến đôi mắt và đôi tai.
3. Đôi mắt và đôi tai
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” Lời này của Đức Giê-su cũng liên quan đến đôi mắt và đôi tai của chúng ta. Thực vậy, qua kinh nghiệm cuộc sống, nhất là khi chúng ta có dịp đến phục vụ những người tàn tật, những người mù, những người câm điếc, chúng ta mới nhận ra rằng sự kiện chúng ta thấy được và nghe được, là một ơn huệ; và khi nhận ra đôi mắt và đôi tai của chúng ta là một ơn huệ, chúng ta được mời nhận ra Đấng ban ơn để tạ ơn và ca tụng, và chia sẻ ơn huệ mà chúng ta có cho người khác, nhất là cho những người tàn tật, không có cùng một ơn huệ như chúng ta.
Tuy nhiên, ngay trước đó, Đức Giê-su còn nói tới một bệnh mù khác, một bệnh điếc khác: “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu” (c. 13). Như thế, mối phúc mà Đức Giê-su nói tới, không chỉ là khả năng nhìn thấy sự vật và nghe được âm thanh. Bởi vì, đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có “ơn gọi” không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng qua những điều hữu hình, nhận ra những thực tại vô hình. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhìn thấy sự vật không chỉ như là sự vật, nhưng còn là những quà tặng, những ơn huệ, những dấu chỉ, nói lên sự hiện diện của ai đó, của tình thương, nói lên Đấng ban ơn, nói lên chính Đấng tạo dựng.
Và nhất là khi nhìn thấy một người, đôi mắt của chúng ta không được dừng lại ở vẻ bề ngoài, ở ngoại hình, ở trang phục, không được coi người người này là đối tượng để mình thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn lòng ham muốn; nhưng đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhìn người khác trong sự thật, nghĩa là người đó là một ngôi vị tự do và có lòng ước ao, có ơn gọi riêng, có quá khứ và những vấn đề riêng, có hành trình riêng cần tôn trọng; nếu sự thật là người ấy có những hành vi phạm lỗi đáng lên án, thì chúng ta được mời gọi nhận ra một sự thật khác lớn hơn: người ấy còn là một ngôi vị bất hạnh đang đau khổ, và có khi người này ở trong bất hạnh mà không biết. Đó cái nhìn của Người Cha nhân hậu đối với người con hoang đàng, đó là cái nhìn của Đức Giê-su về người phụ nữ ngoại tình, đó là cái nhìn của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, với từng người chúng ta.
Cũng vậy đối với đôi tai của chúng ta: đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe tiếng động hay âm thanh, nhưng là nghe ra sự hài hòa của âm thanh, nghe được giai điệu, kết cấu của âm thanh, truyền đạt cho chúng ta một ý nghĩa, một sứ điệp, truyền đạt cho chúng ta Ngôi Lời, bởi vì “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3 và St 1). Đó là kinh nghiệm thiêng liêng mà Tv 19 diễn tả:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19, 2).
Thế mà ý nghĩa và sứ điệp, được tạo ra bởi sự liên kết hài hòa theo qui luật giữa các âm thanh, thì hoàn toàn thinh lặng, không có tiếng động. Thiên Chúa nói với con người qua rất nhiều lời nói: lời trong Kinh Thánh, lời từ các chứng nhân của Thiên Chúa, nhưng chính Đức Giê-su Nazareth, Ngôi Lời Thiên Chúa làm nên sự hợp nhất của những lời nói cụ thể này. Như thế, Ngôi Lời không làm cho bất cứ đôi tai nào rung lên, Ngôi Lời chỉ được thốt lên và chỉ được nghe trong thinh lặng. Thiên Chúa ngỏ sự thinh lặng của Ngôi Lời cho người biết lắng nghe:
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển
. (Tv 19, 4-5)
*  *  *
Vì thế, khi cầu nguyện với các dụ ngôn mà Đức Giê-su kể cho chúng ta, chẳng hạn những dụ ngôn trong chương 13 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trong những ngày này, chúng ta được mời gọi:
- Nhìn ra mình nơi hình ảnh người con, nhìn ra Thiên Chúa nơi hình ảnh người cha, nhìn ra Đức Giê-su Ngôi Lời Thiên Chúa, nơi hình ảnh hạt giống, hạt lúa mì.
- Nghe được sứ điệp về Nước Trời, về tình yêu và lòng thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô.
- Và chúng ta được mời gọi đọc lại cuộc đời của chúng ta không chỉ như những sự kiện nối tiếp nhau, như là những dụ ngôn nói lên tình yêu và lòng thương xót của Chúa, nói lên chính Thiên Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận