Thứ Năm Tuần 15 TN

Đăng lúc: Thứ năm - 17/07/2014 02:34 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM TUẦN 15 TN


Bài đọc (Is 26, 7-9. 12. 16-19)

Ðường lối người công chính thì ngay thẳng, Chúa ban cho bằng phẳng đường nẻo của người công chính. Lạy Chúa, chúng con cậy trông Chúa trong đường xét xử của Chúa. Thánh danh và sự kính nhớ Chúa là sự ước mong của tâm hồn. Ban đêm hồn con khát khao Chúa, và sớm mai khi thức dậy, lòng trí con hướng về Chúa. Từ khi Chúa thực hiện việc xét xử ở trần gian, thì người dương thế học biết sự công chính. Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con ơn bình an, vì mọi việc chúng con làm, đều do Chúa làm cho chúng con. Lạy Chúa, trong cơn hoạn nạn, chúng con đã tìm kiếm Chúa, và trong khi Chúa sửa dạy, chúng con kêu van đến Chúa. Lạy Chúa, trước tôn nhan Chúa, chúng con khác nào như đàn bà mang thai sắp sinh, kêu la đau đớn. Chúng con cưu mang, chúng con đau đớn như phải sinh con. Chúng con không mang lại sự cứu độ cho trần gian, và không còn người sinh ra trên trần gian. Người chết của Chúa sẽ được sống, các xác chết của con sẽ sống lại. Hỡi những kẻ nằm trong tro bụi, hãy thức dậy và nhảy mừng, vì 
sương Chúa là sương ánh sáng, và trái đất sẽ làm tái sinh u tối.

Tin Mừng (Mt 11, 28-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thìêm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.



Suy niệm 1: MANG “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BÌNH AN

Trong xã hội ngày nay, số người tự tử khá cao. Điều đáng nói là những người tự tử ở độ tuổi thanh thiếu niên lại nhiều nhất. Tại Nhật Bản, người ta ước tính cứ 16 phút lại có một người tự tử. Tự tử chiếm tỉ lệ cao hơn cả tại nạn giao thông ở đất nước này.
Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta nhận thấy nhiều bạn trẻ bế tắc trong công việc, thất bại trong tình yêu, nên đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Nói chung, họ thấy gánh nặng cuộc đời quá lớn, khiến không thể mang vác nổi, vì thế đành “hạ gánh buông trôi”.
Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài để được bình an và hạnh phúc, vì “ách” của Ngài thì êm ái và “gánh” của Ngài thì nhẹ nhàng. Đồng thời Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy học với Ngài vì Ngài hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.
“Ách” của Đức Giêsu chính là sự “hiền hậu”“khiêm nhường”. Khi mang lấy trong mình sự “hiền hậu”“khiêm nhường”, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện chở nên êm ái và nhẹ nhàng. Còn “gánh” của Đức Giêsu chính là “luật yêu thương”.
Trong đời sống của người tín hữu, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn bên trong và bên ngoài. Khó khăn về thể lý lẫn tinh thần. Khó khăn về những hiểu lầm, cố chấp, bất công. Khó khăn về sự chung thủy… Những cái đó chính là những “ách” và “gánh” của cuộc đời.
Tuy nhiên, những điều đó xảy đến với chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy nặng nề và muốn buông xuôi, bỏ cuộc, bởi vì chúng ta đối diện và phải mang cái “ách” đó bằng sự kiêu ngạo, tự phụ, ích kỷ chứ không phải là hiền hậu và khiêm nhường theo tinh thần của Chúa.“Gánh” của cuộc đời mà chúng ta vẫn mang theo chính là sự bảo thủ, ghen ghét, không thông cảm và cố chấp chứ không phải là “luật yêu thương”.
Mong sao mỗi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu và hãy học cùng Ngài để được bình an.
Lạy Chúa, trong cuộc sống, chúng con luôn phải đối diện với những lo toan như cơm, áo, gạo, tiền, khiến đôi khi chúng con cảm thấy nặng nề và thất vọng. Xin Chúa ban cho chúng con biết đến với Chúa để được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Amen.


Suy niệm 2: HÃY ĐẾN CÙNG GIÊ-SU

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
Suy niệm: Chúa Giê-su thật gần gũi và thân tình. Ngài quan tâm đến từng người và từng nhu cầu nhỏ bé của chúng ta. Và sự quan tâm của Ngài được thể hiện thật giản dị, cụ thể và hữu hiệu. Những lời nói ân cần của Ngài “hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” mạc khải cho chúng ta tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu của cha luôn thấu hiểu, biết con cái mình cần gì, và ban cho chúng điều tốt đẹp nhất, là tình yêu của mẹ, âu yếm vỗ về bằng một trái tim đong đầy yêu thương. Chúa đã tỏ lòng yêu thương thân tình như thế, chúng ta còn lý do gì để từ chối đón nhận tình yêu của Ngài nữa không?
Mời Bạn: Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến với Ngài cùng với những gánh nặng của cuộc đời, để Ngài đỡ nâng và xoa dịu. Gánh nặng đó là những lắng lo và lầm lỗi của mỗi người; những đổ vỡ, bất hoà trong gia đình hay trong các mối tương quan; những khó khăn, bất lợi và thất bại trong công việc… Chúng ta hãy đến với Giê-su cùng những gánh nặng ấy, để trong Ngài chúng ta được nghỉ ngơi, được đổ đầy yêu thương, đổ đầy sức mạnh của niềm tin để lấy lại sức mạnh và hy vọng cho cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ra ít nhất là 5 phút “đến với Chúa Giê-su” để dâng đời sống ta cho Ngài và để cho Ngài đong đầy yêu thương của Ngài bằng Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không chỉ là Cha của chúng con mà Chúa còn là chính gia nghiệp và là phần phúc của chúng con. Xin cho con biết đến với Ngài với niềm xác tín vào tình thương tròn đầy của Chúa.


Suy niệm 3

Lời Chúa trong đoạn Tin mừng hôm nay chứ đựng những lời thật ngọt ngào và êm dịu. Chúa Giêsu gởi đến chúng ta hai lời mời gọi.
Thứ nhất, Chúa mời gọi những người khó nhọc và gánh nặng, “hãy đến” với Chúa để Chúa nâng đỡ bổ sức cho.
Khó nhọc và gánh nặng luôn hiện diện trong cuộc đời của mỗi người. Mỗi người có những khó nhọc và gánh nặng riêng. Có người thì khó nhọc về đời sống vật chất; có người thì khó nhọc về bệnh tật; có người thì khó nhọc về đời sống tinh thần. Những khó nhọc ấy thường trở nên gánh nặng cho chúng ta và khi đối diện với những khó nhọc ấy, đôi khi chúng ta rơi vào tâm trạng chán nản và vô vọng.
Cũng có những khó nhọc trong đời sống đạo, khi chúng ta cố gắng sống theo lời của Chúa dạy. Phải trung thành với lời Chúa đôi khi chúng ta phải đi ngược lại trào lưu thời đại. Chính những lúc ấy chúng ta cảm thấy sống đạo như là gánh nặng.
Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài. Đến không phải để Ngài cất khỏi nỗi khó khăn ấy mà là để Ngài ban sức cho chúng ta để chúng ta đủ sức gánh vác và vượt qua.
Không ít lần gặp gian khó trong cuộc sống, chúng ta cố gắng giải quyết. Rồi sức người có hạn, chúng ta rơi vào hoản loạn và chán nản, thậm chí chúng ta than trách Chúa. Hãy tập giải quyết những khó khăn ấy với sức mạnh của Chúa bằng cách cầu nguyện với Chúa để Chúa trợ giúp chúng ta. Chắc chắn Chúa không bỏ rơi chúng ta vì Ngài đã hứa nâng đỡ và bổ sức cho những ai đến với Ngài.
Thứ hai, Ngài mời gọi chúng ta “mang lấy ách của Ngài”.
Ách chính là lời dạy, là cách sống của Ngài.
- Lời dạy của Chúa là Tin mừng cứu độ.
- Cách sống của Chúa chính là sống hiền lành và khiêm nhường.
Mang lấy ách của Chúa là đón nhận Tin mừng mà Ngài mang đến cho chúng ta.
Mang lấy ách của Chúa là cố gắng sống theo cách Ngài đã sống, đó là luôn sống yêu thương, hiền lành và khiêm nhường. Một khi sống yêu thương, hiền lành và khiêm nhường, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng và êm ái dù cho cuộc sống chúng ta gặp những khó khăn.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết chạy đến Chúa, làm mọi việc với sự trợ giúp của Chúa. Xin giúp chúng con biết đón nhận những lời Chúa dạy và biết sống theo cách sống của Chúa là yêu thương, hiền lành và khiêm nhường. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Với tâm bánh đơn sơ nhỏ bé, Chúa đã đi vào cuộc đời chúng con thật giản dị, âm thầm. Chúa đến với chúng con không bằng quyền uy mà bằng tình thương của người cha nhân ái bao dung. Chúa đồng hành với chúng con như một người bạn luôn ân cần chăm sóc, giúp đỡ chúng con trong khiêm tốn phục vụ. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con cũng có thể cúi mình phục vụ, và sống bác ái vị tha với nhau. Xin đừng để thói kiêu căng độc ác bùng phát trong chúng con, khiến chúng con trở thành nô bộc của ma quỷ và đánh mất tình Chúa tình người.
Lạy Chúa, mỗi khi chúng con tưởng mình tốt lành thánh thiện, chính là lúc chúng con đang ở trong nguy cơ phạm tội, xa Chúa. Trái lại, khi chúng con mang trong lòng sự khiêm nhường, nhận biết mình tội lỗi bất xứng, chính là lúc chúng con đang lãnh nhận ơn Chúa, đang cảm nếm được sự ngọt ngào của tình Chúa xót thương. Xin giúp chúng con đừng bao giờ có thái độ kiêu căng, cố chấp để rồi không nhận ra tội lỗi của mình, và ở lỳ trong tình trạng tội lỗi. Xin giúp chúng con luôn khiêm tốn nhận ra sự bất toàn của mình, để chúng con biết sống cảm thông và tha thứ cho nhau.
Lạy Chúa, lời Chúa luôn tha thiết mời gọi chúng con: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Xin giúp chúng con luôn ở trong trường học của Chúa để được Chúa dạy bảo, ngõ hầu có thể đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày. Amen.


SUY NIỆM 4:

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, tuy rất ngắn, chỉ có ba câu, nhưng có một cấu trúc rất hoàn hảo.
(A) Gánh nặng nề,
      nghỉ ngơi bồi dưỡng (c. 28)
(B) “Tôi có lòng hiền hậu
và khiêm nhường” (c. 29a)
(A’) Nghỉ ngơi bồi dưỡng,
       gánh nhẹ nhàng (c. 29b-30)
Chuyển động thiêng liêng từ phần A sang phần A’: gánh của chúng ta thì nặng nề, gánh của Đức Giê-su thì nhẹ nhàng; tại sao vậy? “Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” trong phần A, trở thành “tâm hồn anh em sẽ được anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” trong phần A’; Đức Giê-su hứa ban và chắc chắn chúng ta sẽ nhận được.
Chuyển động này xẩy ra được là nhờ kinh nghiệm mang lấy ách của Chúa và học với Chúa, vì Người “hiền hậu và khiêm nhường” (Phần B ở trung tâm). Nhận ra Đức Giê-su hiền hậu và khiêm nhường thuộc về kinh nghiệm hiểu biết nội tâm mà chúng ta tìm kiếm mỗi ngày và suốt đời. Bởi vì đó là “kinh nghiệm nguồn”, nguồn của đời sống đức tin và hành trình đi theo Người trong một ơn gọi, ơn gia đình hay ơn gọi dâng hiến.

1. Gánh nặng nề và nghỉ ngơi bồi dưỡng (c. 28)
a. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”
Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài. Vậy, chúng ta hãy nhận ra mình là “những người đang vất vả mang gánh nặng nề”.
Gánh nặng nề, trước tiên là thân phận làm người của chúng ta. Chúng ta vẫn thường nói số người này vất vả, số người kia nhàn hạ. Nhưng đó chỉ là vất vả hay nhàn hạ bề ngoài mà thôi. Thân phận con người, tự nó là “vất vả”. Làm người vừa là ơn huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng cũng đầy thử thách và cả đau khổ nữa: một đàng, thử thách và đau khổ đến từ những gì thuộc về phận người (sinh, lão, bệnh, tử), đàng khác, thử thách và đau khổ đến từ lời mời gọi sống nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta thường để cho “thú tính” làm chủ bản thân; “thú tính” là vô ơn, ham muốn, nghi ngờ, ghen tị, chiếm đoạt, không tôn trọng ngôi vị và hành trình riêng của ngôi vị, tranh đua, thống trị, loại trừ, bạo lực… Một nhà tâm lí học nói rằng, cuộc đời với tất cả những vấn đề của cuộc đời, mà mỗi người phải mang vác, đã rất nặng nề rồi; nếu chúng ta không mang vác được cho nhau, thì chúng ta đừng có chất thêm! Đức Giê-su đến để cảm thông và mang vác cho chúng ta, để chúng ta được bình an, nghỉ ngơi, được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng ta cảm nếm trong cầu nguyện, và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, sự cảm thông, bình an, nghỉ ngơi, sự sống dồi dào mà Đức Giê-su muốn thông truyền cho chúng ta.
Gánh nặng nề của chúng ta còn là ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống gia đình hay trong sống đời sống dâng hiến. Ơn gọi là một ơn huệ lớn lao và đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta, nhưng để sống ơn gọi từng ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều thách đố; và đôi khi, chúng ta cảm thấy rất nặng nề. Hơn nữa trong đời sống, ai cũng có trách nhiệm, cũng có phận vụ, mà trách nhiệm và phận phận vụ là một gánh nặng; rồi cả những gánh nặng chúng ta mang vác cho nhau; không kể những gánh nặng chúng ta tự chất cho mình hay chất cho nhau.
Gánh nặng nề còn là tội lỗi, và nhất là những năng động xấu chi phối nội tâm chúng ta và chúng ta cảm thấy bất lực. Gánh nặng này vừa làm ô nhiễm tâm hồn và vừa làm xáo trộn tương quan của chúng ta với mình, với Chúa và với nhau. Cuối cùng, gánh nặng nề còn là những vấn đề, những vết thương, những khó khăn, những ngang trái, những thử thách riêng tư của chúng ta; mà chỉ có Chúa và chúng ta biết mà thôi.
b. “Hãy đến cùng tôi…”
Nhận ra sự thật về mình như thế, chúng ta sẽ thấy mình cần được giải thoát biết bao và đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng không có điều gì và cũng không có ai ở trên đời này có thể mang lại cho chúng ta sự giải thoát, mang lại cho chúng ta sự nghỉ ngời và tự do đích thực.
Chúng ta hãy khát khao ơn giải thoát đến từ chính Chúa, để cho lời của Đức Giê-su: “Hãy đến cùng Thầy” vang vọng thật sâu rộng trong lòng của chúng ta, đụng chạm thật mạnh mẽ con tim của chúng ta. Bởi vì lời của Đức Giê-su có đối tượng nào khác, ngoài đối tượng duy nhất là lòng ước ao và chỉ cỏ thể vang vọng khi đụng chạm được lòng ước ao, vốn được chính Người với tư cách là Ngôi Lời đã gieo vào tâm hồn chúng ta khi tạo dựng nên chúng ta. Và lời mời gọi của Ngài cũng thật nhưng không, vô điều kiện: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi”.

2. “Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (c. 29a)
Chúng ta được mời gọi đến với Đức Giê-su để học với Chúa. Học với Chúa bằng cách lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện, nhất là trong thời gian tĩnh tâm, vốn là ơn huệ đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, Lời của Ngài là lương thực nuôi sống chúng ta, là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi (x. Tv 119, 105). Học với Chúa bằng cách ở lại với Ngài, như cành nho gắn liền với thân nho, ngang qua bí tích Thánh Thể (Ga 15, 1-17).
Đến học với Chúa, đó chính là điều chúng ta được mời gọi ước ao mỗi ngày và suốt đời. Nhưng tại sao, Đức Giê-su mời gọi chúng ta đến học với Ngài? Lí do Đức Giê-su đưa ra, phải làm cho chúng ta kinh ngạc: không phải vì Người là Đấng Thượng Trí và cũng phải vì Người là Đấng Quyền Năng, cho dù Người là như thế, nhưng vì Người “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Và không ở đâu hơn nơi Thập Giá, Người trở nên hiền hậu và khiêm nhường nhất; và đồng thời, nơi Thập Giá, Người cũng bày tỏ Sức Mạnh và Khôn Ngoan, không phải theo quan niệm của con người, nhưng theo quan niệm của Thiên Chúa.
Đến học với Chúa, chúng ta được mời gọi bỏ ách của mình để mang lấy ách của Chúa, hoặc đón nhận ách của mình bằng tình yêu Chúa dành cho chúng ta và bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa. Ách của Chúa thì nhẹ nhàng, bởi vì tất cả những gì Ngài làm, là để phục vụ cho sự sống của chúng ta, để diễn tả tình yêu đến cùng dành cho chúng ta. Bình thường, ách thì phải nặng; nhưng khi đến học với Ngài, chúng ta không thể không yêu mến Ngài; và chính lòng yêu mến Chúa làm cho mọi sự trở nên có ý nghĩa và vì thế nhẹ nhàng, làm cho ách của Ngài trở nên êm ái và gánh của Ngài trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô nói, trong tình yêu không có đau khổ; nếu có đau khổ, thì đau khổ đó đã được yêu rồi.
Vậy, đâu là ách và đâu là gánh của Chúa, mà chúng ta mang vào mình với lòng yêu mến? Và đâu là ách và gánh của chúng ta, của cuộc đời chúng ta, của những người khác nữa, nhất là những người thân yêu trong ơn gọi và trong gia đình, mà chúng ta được mời gọi gánh vác với tình yêu Chúa? Chắc chắn chúng ta đã có kinh nghiệm này rồi, không nhận ra sự hiện diện và tình yêu đến cùng của Chúa, mọi sự trở nên không thể chịu nổi.

3. Nghỉ ngơi bồi dưỡng và gánh nhẹ nhàng (c. 29b-30)
Xin cho chúng ta nhận được và cảm nếm sự nghỉ ngơi, khi đến với Đức Giê-su để học với Ngài và mang lấy ách của Ngài. Vậy đó là sự nghỉ ngơi nào?
- Chúng ta cảm thấy bình an, vì Ngài hiền lành và khiêm nhường; và gánh của Ngài là gánh sự sống và tình yêu.
- Ra khỏi mình, từ bỏ gánh của mình để gánh cái gánh của Chúa vì lòng yêu mến Chúa. Tự nó mang lại cho chúng ta sự an nghỉ.
- Chúng ta luôn cảm thấy được nghỉ ngơi, khi đến với Người mà mình yêu mến. Vì thế, khi yêu mến Đức Giê-su, chúng ta luôn cảm thấy sự nghỉ ngơi, khi ở lại với Ngài.
- Chúng ta được nghỉ ngơi, vì được Ngài giải thoát khỏi sự dữ, nghĩa là được tự do, được Ngài tha thứ và bao dung.
- Chúng cảm thấy khỏe mạnh trong tâm hồn, vì được Chúa chữa lành.
- Chúng ta được nghỉ ngơi vì được Ngài phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa.
- Chúng ta được nghỉ ngơi vì được Chúa dẫn chúng ta vào niềm vui tạ ơn và ca tụng, không chỉ trong những lúc thuận lợi, những cả trong thử thách và đau khổ.
Và một cách tuyệt đối, với Thập Giá, Ngài mang lấy hết mọi ách, mọi gánh của chúng ta rồi. Dù chúng ta có “mang gánh nặng nề” như thế nào, chúng ta vẫn được mời gọi kinh nghiệm sự nghỉ ngơi ở trong Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Vì như ngôn sứ Isaia nói:Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta (Is 53, 4; x. Mt 8, 17).
*  *  *
Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng nghỉ ngơi là cùng đích của con người. Thực vậy, con người được dựng nên cho Thiên Chúa, và chỉ tìm thấy an nghỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thánh Augustinô kinh nghiệm và nói về căn tính của con người như thế. Thật vậy, nghỉ ngơi là khao khát thẳm sâu của con người, dù ý thức hay không ý thức.
Vì vậy, lúc “nhắm mắt xuôi tay”, chúng ta cầu chúc cho người quá cố: “Hãy nghỉ ngơi trong bình an” (tiếng La tinh: RIP, requiescat in pace, thường được ghi trên bia mộ). Xin cho chúng ta cảm nếm được sự nghỉ ngơi mỗi ngày, khi ở được ở bên Chúa trong kinh nguyện, khi kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc và khi chúng ta nguyện cầu:
Xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc


Suy nim:

Sống làm người ở đời ai tránh được gánh nặng.
Chẳng phải chỉ những người bốc vác ở cảng mới mang gánh nặng.
Gánh nặng gắn liền với phận người.
Có gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác.
Có gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng lo âu cho tương lai.
Xem ra mỗi người không vác nổi gánh nặng của mình.
Ai cũng thấy có lúc cần đến người khác.
Đức Giêsu nhìn thấy những ai đang mang gánh nặng vào thời của Ngài.
Đặc biệt những kẻ phải giữ chi li hơn 600 điều luật của phái Pharisêu.
Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc,
thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai người ta” (Mt 23, 4).
Đức Giêsu mời đến với Ngài tất cả những ai đang vất vả,
tất cả những ai chưa là môn đệ của Ngài.
Ngài hứa sẽ cho họ được nghỉ ngơi trong tâm hồn (cc. 28. 29).
Sự nghỉ ngơi ở đây chính là sự bình an sâu xa của người được cứu độ,
được hưởng các mối phúc ngay từ bây giờ,
và bắt đầu được sống trong ngày Sabát vĩnh cửu với Thiên Chúa.
“Hãy đến với tôi; hãy mang ách của tôi; hãy học với tôi.”
Lời mời của Đức Giêsu lôi kéo những ai vất vả đến với Ngài.
Ngài mời họ làm môn đệ và sống theo giáo huấn của Ngài.
Trong Cựu Ước, ách tượng trưng cho Luật Thiên Chúa ban cho Môsê
Đi theo làm học trò Đức Giêsu, không phải là không có ách.
Ách của Đức Giêsu chính là lời giáo huấn của Ngài.
Lời giáo huấn ấy chúng ta đã được nghe trong Bài Giảng trên núi.
“Ách của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng” (c. 30).
Nhiều người không hiểu tại sao Đức Giêsu lại bảo ách mình êm ái,
khi mà Ngài đưa ra những đòi hỏi triệt để hơn,
tận căn hơn những đòi hỏi của Luật được giải thích bởi Môsê.
Thật ra sự êm ái nhẹ nhàng không bắt nguồn từ việc được đòi hỏi ít hơn,
nhưng đến từ tình yêu của tôi đối với Đức Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay có 7 chữ tôi.
Cái tôi hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu thu hút tôi mến Ngài
Chính tình yêu làm cho ách và gánh của Ngài trở nên êm nhẹ.
Người ta thấy nặng nề khi bị áp lực phải giữ các luật lệ bên ngoài,
nhưng lại dễ làm theo sự thúc đẩy của một tình yêu bên trong.
Tự do hơn và vui tươi hơn, đó là điều ta cảm thấy khi sống cho Giêsu.
Làm sao để việc giữ đạo, theo đạo, sống đạo,
không trở thành một gánh nặng đè trên người Kitô hữu?
Làm sao để chúng ta tự do hơn và vui tươi hơn khi đến gặp Giêsu
và tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn mình?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

 Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận