Thứ Tư Tuần 15 TN, Đức Mẹ núi Cát Minh

Đăng lúc: Thứ tư - 16/07/2014 02:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Tư Tuần 15 TN: Đức Mẹ núi Cát Minh

Bài đọc (Is 10, 5-7. 13-16)

Ðây Chúa phán: “Khốn cho Assur, là cây roi cơn giận của Ta. Cây gậy trong tay nó  cơn thịnh nộ của Ta. Ta sẽ sai nó chống lại dân ngoại dối trá, và truyền lệnh cho nó đi chống lại dân chọc giận Ta, để nó cướp bóc, mang chiến lợi phẩm về chà đạp dưới chân như bùn ngoài đường phố. Nhưng chính nó không đồng quan điểm như vậy, và lòng nó không tưởng nghĩ như thế. Trái lại, lòng nó ưa thích phá hoại, và huỷ diệt nhiều dân tộc. Vì chưng, nó nói rằng: ‘Tôi đã dùng sức mạnh cánh tay tôi, và dùng sự khôn ngoan của tôi mà làm việc ấy, vì tôi thông minh. Tôi đã dời đổi biên giới các dân, đã cướp lấy kho tàng các vua quan, và như người hùng, tôi lật đổ truất phế các thủ lãnh. Tay tôi lấy của cải các dân như bắt tổ chim. Tôi vơ vét cả hoàn cầu như lượm các trứng rơi, không một ai đập cánh hoặc mở miệng kêu la’. “Lẽ nào cái rìu lại khoe mình với kẻ cầm rìu sao? Lẽ nào cái cưa lại tự cao tự đại với thợ cưa sao? Lẽ nào cây roi có thể chống lại người cầm roi, và cây gậy có thể nâng tay người cầm gậy sao, vì  chỉ là gỗ cây? Bởi đó Chúa tể là Thiên Chúa các đạo binh sẽ gửi sự điêu tàn đến giữa cảnh mầu mỡ của nó; và từ dưới cảnh vinh quang của nó, một ngọn lửa sẽ bốc cháy lên như ngọn lửa của một đám cháy”.


Tin Mừng (Mt 11, 25-27)

Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vìý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và 
kẻ Con muốn mạc khải cho”.

Đức Mẹ núi Cát Minh

Kính chào Mẹ rất thánh, là Đấng đã sinh ra vua cai trị trời đất, đến muôn thuở muôn đời (Xêduliô). Đức trinh nữ Maria với muôn vàn tước hiệu đã muốn cho nhân loại hiểu rằng Mẹ quả thực được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt. Mỗi tước hiệu, mỗi danh xưng về Đức Mẹ đều gợi lên tính cách cao vời của người Mẹ: Mẹ Maria. Mẹ yêu thương nhân loại, yêu thương từng người.
Ngày 16 tháng 7 năm 1251, sau một đêm thức trắng cầu xin Đức Mẹ ban ơn phù trợ để Dòng Carmêlô thoát khỏi những hiểm nguy đang giăng mắc có thể đi tới chỗ sụp đổ, thánh Simon cột đã được thị kiến Đức Mẹ. Đức trinh nữ Maria tay bồng Chúa hài nhi, có các thiên thần hầu cận. Đức Mẹ trao tấm áo nâu cho thánh Simon cột và phán: “Hỡi con yêu dấu, hãy lãnh nhận tấm áo này cho Hội Dòng của con. Đó là dấu chỉ đặc biệt một hồng ân mà Mẹ đã xin cho các con và tất cả con cái của Chúa, những người tôn vinh Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ Núi Carmêlô. Hễ ai chết trong lúc sốt sắng mặc áo này sẽ được cứu thoát khỏi lửa muôn đời. Áo nâu là một huân chương phần rỗi. Áo nâu còn là khiên thuẫn trong lúc hiểm nguy. Áo nâu là bảo chứng ơn bình an và sự che chở đặc biệt, cho đến ngày tận cùng trần gian”. Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon cột lúc đó đang là bề trên tổng quyền dòng Carmêlô, và Đức Mẹ hứa sẽ bảo trợ đặc biệt không những các tu sĩ trong dòng mà còn tất cả những ai mang áo của dòng này: áo Đức Bà núi Car-mêlô. Đức Mẹ phán: “Hỡi các con, hãy nhận lấy áo của dòng, đó là dấu hiệu của đặc ân mà Ta dành cho các con. Người nào chết khi mang áo này sẽ tránh được ngọn lửa thiêu đốt đời đời”. Nhiều phép lạ đã xẩy ra khi con người mang áo Đức Mẹ Carmêlô. Đức Mẹ làm chuyển đổi hướng gió, làm dịu giông bão, dập tắt hỏa hoạn, làm đổi hướng lằn tên mũi đạn v.v… Áo Đức Bà cũng xuất hiện trong hai lần Đức Mẹ hiện ra: Đức Mẹ mặc áo mầu nâu khi hiện ra lần sau cùng ở Lộ Đức, ngày 16 tháng 7 nhằm ngày lễ Đức Mẹ núi Carmêlô; và khi Đức Mẹ làm cho mặt trời nhảy múa tại Fatima.
Núi Carmêlô đứng hiên ngang trên đồng bằng Galilêa, gần Nagiarét, nơi Đức Mẹ đã sống và có biết bao kỷ niệm êm đềm, thánh thiện với Chúa Giêsu. Nên, dòng Carmêlô đã được đặt dưới quyền điều khiển của Đức Mẹ. Đức thánh Cha Benoit VIII năm 1726 đã phổ biến lễ này trong toàn thể Giáo Hội để kính nhớ lần Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon cột và hứa sẽ can thiệp đặc biệt cho những ai mặc áo Đức Bà Carmêlô.
Lạy Chúa, vì lời Đức Trinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp, xin Chúa luôn bảo vệ và hướng dẫn chúng con trên đường đời, để chúng con thẳng tiến về núi thánh là Đức Giêsu Kitô (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Mẹ núi Cát-minh).


Suy niệm 1: KHIÊM TỐN ĐỂ ĐÓN NHẬN MẶC KHẢI

Để cảnh báo tác hại của rượu, một nhà khoa học đã làm một thí nghiệm trong một cuộc hội thảo. Ông bỏ mấy con sâu vào trong hai cái lọ: một lọ nước và một lọ rượu. Kết quả là sâu trong lọ rượu chết nhanh chóng, còn sâu trong lọ nước thì vẫn sống. Trước kết quả đó, một thanh niên cuối phòng hội thảo giơ tay phát biểu: “Thưa mọi người, con sâu không sống được trong rượu, vì vậy, phải uống thật nhiều rượu để diệt trừ sâu trong người”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy: sự kiêu ngạo của con người khiến cho họ trở nên chai lỳ, cứng cỏi. Một khi họ đã đeo cặp kính dâm, thì trước mắt họ mọi sự đều là màu đen hết.
Hôm nay, Đức Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha vì Người không cho những người thông thái và khôn ngoan biết mầu nhiệm Nước Trời , nhưng lại mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn.
Trong thực tế chúng ta vẫn thấy có nhiều người rất bình dân, học hành chẳng tới đâu, họ là những người khiêm tốn, nên đời sống đức tin của họ sâu xa và sống động. Ngược lại, những người tài giỏi, uyên thâm thì đức tin lại leo loét. Tại sao vậy? Thưa vì đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho những ai biết khiêm tốn đón nhận chứ không phải là kết quả của cuộc sưu tầm trí thức nơi con người.
Ơn cứu độ sẽ được dành cho những ai khiêm tốn và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không đến được với những người kiêu căng, ngạo nghễ và cậy dựa thuần túy vào khoa học. Hạng người này, Thiên Chúa sẽ loại trừ, hay nói đúng hơn vì họ không chịu đón nhận tình thương và mạc khải của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con đức tin. Xin Chúa cho chúng con được trở nên đơn sơ để đức tin nơi chúng con ngày càng được lớn lên trong ân sủng của Chúa. Amen.


Suy niệm 2: MẠC KHẢI CHO KẺ BÉ MỌN

Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11,25-26)
Suy niệm: Trong khi con người thời nay hãnh diện về khả năng tri thức của mình trong việc khám phá chinh phục thiên nhiên, Chúa Giê-su lại ngợi khen Chúa Cha vì đã mạc khải những mầu nhiệm cao siêu cho những người bé mọn.
Nếu như không phải tốn chút công sức nào cũng biết được những điều mà những bậc hiền triết, khôn ngoan không thể đạt tới, thì cần gì những nỗ lực của con người nữa, và tất cả những sự thông thái khôn ngoan của con người còn có ích gì nữa đâu? Phải chăng lời Đức Giê-su nói đó là một ẩn số nan giải cho người thời đại chúng ta ?
Mời Bạn: nhìn vào cuộc sống của Đức Giê-su đối với Chúa Cha để khám phá y nghĩa sâu xa của Lời Ngài: người thông thái khôn ngoan thật luôn cảm thấy mình nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa; và khi đặt mình làm người bé mọn trước Thánh Nhan, người ta mới có thể cảm nhận được những mầu nhiệm sâu thẳm của Ngài.
Chia sẻ: Thế nào là người bé mọn trước mặt Thiên Chúa? Và làm thế nào để trở thành một con người như thế?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xin Chúa ban ơn biết sống khiêm nhường và thực hiện những việc phục vụ nhỏ bé âm thầm để tập đức khiêm nhường.
Cầu nguyện:Lần chuỗi Mân Côi một chục, ngắm thứ nhất mùa Vui: “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.”


Suy niệm 3

Trong đoạn Tin mừng hôm qua, Chúa Giêsu quở trách thành Capharnaum là kiêu ngạo, “nhắc mình lên tận trời cao“. Chính thái độ ấy đã làm cho họ không tin nhận Chúa Giêsu dù cho Ngài đã giảng dạy và đã thực hiện nhiều phép lạ giữa họ.
Đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa Cha vì Tin mừng được đón nhận bởi những kẻ bé mọn chứ không phải những người hiền triết và khôn ngoan.
Thực ra, Tin mừng cứu độ được rao giảng và ban cho tất cả mọi người. Thiên Chúa cũng muốn hết mọi người đón nhận Tin mừng ấy để được cứu độ. Nhưng Tin mừng như hạt giống được gieo xuống tuỳ thuộc vào loại đất, nghĩa là tuỳ vào thái độ đón nhận của con người.
Không phải Chúa muốn loại trừ những người hiền triết và khôn ngoan, nhưng vì những người này tự cho mình là khôn ngoan, coi mình là hiền triết và thường rơi vào sự tự mãn với kiến thức mình có. Chính thái độ này là một cản trở cho Tin mừng của Chúa phát triển trong lòng họ.
Cũng không phải Chúa chỉ ưu tiên lo cho những người bé mọn. Những người bé mọn ở đây thì trái ngược với những người cho mình là hiền triết và khôn ngoan. Người bé mọn là những người khiêm tốn, biết cậy dựa vào Chúa, đón nhận lời Chúa cách quảng đại. Chính thái độ đó làm cho hạt giống Tin mừng trổ bông và sinh hoa trái trong lòng họ.
Chúa vẫn tiếp mục mạc khải Tin mừng cứu độ cho chúng ta. Người cũng muốn chúng ta đón nhận với lòng khiêm nhu và quảng đại.
Trở ngại lớn nhất cho chúng ta là sự tự mãn, kiêu căng. Đôi khi chúng ta tự coi mình là giỏi, học cao hiểu rộng, biết hết tất cả mọi sự trong thiên hạ. Chúng ta tự mãn vào khả năng của mình, coi mình có thể làm mọi sự. Thái độ ấy dễ đưa chúng ta đến việc loại trừ Thiên Chúa.
Chỉ có những người “bé mọn“, nghĩa là những người khiêm nhu, cậy dựa vào Chúa chứ không vào mình, mới có thể đón nhận được Tin mừng của Chúa và Lời Chúa mới có thể sinh hoa trái.
Xin Chúa trợ giúp chúng con. Xin Mẹ Maria dạy chúng con biết sống khiêm nhường như Mẹ để lời của Chúa được lớn lên trong chúng con. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con cảm tạ Chúa đã nhìn đến phận người yếu đuối nhỏ bé của chúng con. Chúa luôn chúc phúc cho những tâm hồn đơn sơ. Chúa luôn nâng đỡ những ai hèn yếu. Xin cho chúng con luôn khiêm tốn phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Xin Chúa nên thành luỹ che chở cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Thiên Chúa nhưng đã xoá mình để trở nên một con người giống như chúng con. Chúa hoà nhập với cuộc đời chúng con trong sự khiêm hạ để phục vụ chúng con. Xin ban cho chúng con một tâm hồn khiêm tốn để chúng con dễ hoà đồng với mọi người. Xin loại trừ trong chúng con tính tự cao tự đại để chúng con không bao giờ khinh khi, coi thường anh em của mình. Xin mặc vào trong tâm hồn chúng con tính đơn sơ, hiền lành để chúng con luôn rộng mở với mọi người và sẵn sàng yêu thương phục vụ mọi người.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết nhận ra những khả năng Chúa ban, để chúng con biết ca tụng Chúa, và sử dụng ơn ban của Chúa để phục vụ mọi người, ngõ hầu làm sáng danh Chúa. Amen.


SUY NIỆM 4:

Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba đoạn: (A) Mẹ của Người (c. 46-47); (B) “Ai là mẹ tôi?” (c. 48); và (A’) Trở thành người thân của Chúa (c. 49-50). Giữa hai đoạn đầu và đoạn cuối, có cùng những từ ngữ “mẹ và anh em” của Đức Giê-su, những tương quan thân thuộc, mà những từ ngữ này diễn tả, được biến đổi sâu xa và được rộng đến vô hạn. Chúng ta có thể so sánh hai đoạn A và A’, để tìm ra những tương đồng và khác biệt:
- Phần A’ có cụm từ “ý muốn của Cha tôi”, mà phần A không có.
- Cụm từ  “anh em của Người” trong phần A được rộng ý nghĩa khi chuyển sang cụm từ “anh chị em tôi” trong phần A’.
- “Mẹ của Người” trong câu 46 và “mẹ tôi” trong câu 50. Cùng một từ ngữ “mẹ”, nhưng ý nghĩa nguyên thủy vừa được bảo tồn và vừa được mở rộng vô hạn.
Từ những khác biệt nêu trên, chúng ta có thể nhận ra “con đường thiêng liêng” mà Lời Chúa mời gọi chúng ta mặc lấy: tương quan thân thuộc do máu huyết trở thành tương quan thân thuộc do việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa; nhưng tương quan ruột thịt không bị loại bỏ, nhưng được củng bố, sinh hoa kết quả và đạt tới sự viên mãn trong kế hoạch thông truyền chính Sự Sống của Thiên Chúa; như trường hợp của hai cha con Abraham và Isaac.
Tương quan thân thuộc dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm nên Gia Đình mới mà Đức Giê-su rao giảng, xây dựng và trao ban chính sự sống của mình để nuôi dưỡng và làm cho hoàn tất, được mở ra cho tất cả mọi người. Dấu chỉ cho việc mở rộng đến vô hạn là chữ “chị” được Đức Giê-su thêm vào, khi nói về Gia Đình mới: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
1. “Mẹ của Người” (c. 46-47)
Đức Giê-su đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giê-su đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Và như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân. Và Đức Giê-su không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giê-su khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giê-su đi vào con đường Thập Giá (Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27). Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời của Đức Giê-su, suy đi nghĩ lại trong lòng, đã hiểu, và đi theo Đức Giê-su cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su “cách duy nhất” đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giê-su, trong đó có chúng ta.
2. “Ai là Mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48)
Đức Giê-su đang giảng cho đám đông, thì Mẹ và anh em đến muốn gặp. Đức Giêsu đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một “gia đình mới”, gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc “lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21). Thực vậy, Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (Mt 12, 48-49). Các môn đệ trở thành người thân của Đức Giê-su, trong gia đình mới.
Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong gia đình mới mà Đức Giê-su đang xây dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Đức Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Đức Giê-su hai lần.
Cộng đoàn tu trì của chúng ta, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh gia đình mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giê-su, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh thật đẹp và cụ thể, nói lên gia đình mới của Đức Giê-su. Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27).
Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành « người thân » đích thực của Đức Giê-su; nghĩa là cũng như Mẹ, chúng ta đón nhận, “cưu mang” và trở nên một với chính Đức Giê-su.
3. Trở thành người thân của Chúa, như Mẹ Maria (c. 49-50)
Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng, có nhiều khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.
Kinh nghiệm nghe và sống Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng, Lời Chúa không phải là chữ viết của lề luật hay mệnh lệnh, nhưng là Ánh Sáng và là Sự Sống, có sức mạnh tái sinh chúng ta, làm cho chúng ta trở nên người thân của Chúa, như Mẹ Maria ; Lời Chúa cũng cuốn hút chúng ta nữa từ trong chốn sâu thẳm của chúng ta, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
*  *  *
Lời bài hát, có tựa đề “Như hơi thở mong manh” (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob, diễn tả thật hay kinh nghiệm tái sinh bởi Lời Chúa :
Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận