Thứ hai tuần 6 thường niên.

Đăng lúc: Thứ hai - 16/02/2015 03:38 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ HAI TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN.
"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?".

Bài Ðọc I
St 4, 1-15. 25
 
Ađam ăn ở với vợ là Evà; bà mang thai, sinh ra Cain, và nói rằng: "Nhờ ơn Chúa, tôi sinh được người con". Bà sinh ra Abel là em. Abel thì chăn chiên, còn Cain thì làm ruộng. Sau một thời gian, Cain lấy hoa trái đồng ruộng dâng lên cho Chúa. Abel cũng bắt các con vật đầu đàn và lấy mỡ mà dâng lên cho Chúa. Chúa đoái nhìn đến Abel và của lễ ông dâng. Còn Cain và của lễ của ông, thì Chúa không nhìn đến, nên Cain quá căm tức và sụ mặt xuống. Chúa nói với Cain: "Tại sao ngươi căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế? Nếu ngươi làm lành, sao ngươi không ngẩng mặt lên; còn nếu ngươi làm dữ, thì tội đã kề ở cửa ngươi. Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó".
Cain nói cùng em là Abel rằng: "Chúng ta hãy ra ngoài". Và khi hai anh em đã ra tới đồng, thì Cain xông vào giết Abel em mình. Chúa phán cùng Cain rằng: "Abel, em ngươi đâu?" Cain thưa: "Tôi đâu có biết! Tôi có phải là người giữ em tôi đâu?" Chúa phán: "Ngươi đã làm gì? Tiếng máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta. Bây giờ, ngươi bị chúc dữ trên phần đất đã mở miệng hút máu em ngươi do tay ngươi làm đổ ra. Khi ngươi trồng tỉa, đất sẽ không sinh hoa trái cho ngươi. Ngươi sẽ đi lang thang khắp mặt đất". Cain thưa cùng Chúa rằng: "Tội ác tôi quá nặng nề, đâu tôi còn đáng tha thứ. Hôm nay Chúa đuổi tôi ra khỏi mặt đất, tôi sẽ ẩn trốn khỏi mặt Chúa và tôi sẽ đi lang thang trên mặt đất, nhưng ai gặp tôi, sẽ giết tôi". Chúa bảo: "Không có vậy đâu, hễ ai giết Cain, thì sẽ bị phạt gấp bảy lần". Rồi Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn.
Ađam còn ăn ở với vợ, bà sinh một con trai đặt tên là Seth, bà nói: "Thiên Chúa đã ban cho tôi một đứa con trai khác thế cho Abel mà Cain đã giết".
 

 
Lời Chúa: Mc 8, 11-13

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

 
Suy Niệm 1: Dấu lạ của tình thương
Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.
Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 2: Chúa Giêsu thở dài
Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc. 8, 11-12)
Than vắn thở dài là chuyện thường tình. Có ai đã không nghe tiếng thở than của một người bệnh, một người hấp hối? Ai trong chúng ta đã không bao giờ buông ra tiếng thở dài não nuột? Khi lòng ta gặp chuyện trái ý, đau buồn, thất vọng, hoặc thân xác ta phải đau đớn, thở dài một tiếng, ta cũng cảm thấy được vợi bớt phần nào. Chính nỗi đau thái quá ta phải chịu, khiến ta bộc lộ những phản ứng thái quá. Làm như thế ta coi như tâm hồn được giải thoát phần nào.
Trong Phúc âm hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu cũng phải buông tiếng thở dài. Người cảm thấy chán quá rồi. Ngay khi Người vừa mới ở dưới thuyền lên, những người Pharisiêu đã xấn lại và bắt đầu chất vấn Người. Họ đòi Người làm cho họ một dấu lạ từ tròi, bởi lẽ theo họ quan niệm, một vị ngôn sứ phải chứng tỏ mình có sứ mệnh Chúa trao bằng một dấu lạ từ trời. Họ đòi một điều như thế đó, khi mà Chúa Giêsu vừa mới làm phép lạ hóa bánh rá nhiều cho bốn ngàn người ăn no. Họ còn muốn được thấy từ trời đổ xuống một trận mưa những miếng bánh mì, như dấu chỉ có giá trị và chứng minh cho sứ mạng chân chính về ngôn sứ của Chúa Giêsu.Trước một yêu sách như thế, chứng tỏ họ cứng lòng và ngoan cố không tin, nên Chúa Giêsu phải thở dài não nuột.
Một thái độ cự tuyệt
Trong những điều kiện như vậy, để phản đối những người Pharisiêu, Chúa Giêsu tỏ một thái độ cự tuyệt, một sự từ chối thẳng thừng: “Thế hệ này sẽ khong được một dấu lạ nào cả”. Biết được lòng dạ xấu xa của họ, Chúa Giêsu không tranh luận, không tự biện bạch, Người từ chối điều họ yêu cầu. Và như để tỏ rõ lập trường hơn nữa, Người nói là làm ngay: Người để họ đứng trơ ra đó, xuống thuyền, đi ngược chiều về phía bờ bên kia. Nguyên sự có mặt của họ cũng đủ làm cho Người bực mình rồi, nên Người muốn thoát đi cho mau lẹ. Chúa Giêsu tỏ ra rất cương nghị, Người tàn nhẫn xua đuổi những kẻ đến trò chuyện với mình. Vì đây là trường hợp hi hữu, trái với thái độ thường xuyên của Người là vốn niềm nở tiếp đón và hiền từ với mọi người: xưa nay Người vẫn hay để cho dân chúng chen lấn xô đẩy, trẻ em “quấn quýt”, bệnh nhân tràn ngập.
Là những tín hữu, chúng ta có thể bắt chước thái độ ngoan cường, cứng rắn đó của Chúa không? Tất nhiên là có, khi danh dự của Chúa – chứ không phải của ta – bị coi thường. Người ta vẫn tố cáo là Kitô giáo đã làm cho con người trở nên nhu nhược, mất tính nam nhi, ta cần phải chứng minh điều ngược lại, khi biết tỏ thái độ cương quyết, lúc cần phải tỏ. Người Kitô hữu là người có khả năng chọn lựa, thì cũng phải có khả năng từ chối. Nhưng người Kitô hữu cũng phải biết cho người ta những dấu lạ ở trần gian khi người ta đòi mình những dấu lạ từ trời.
 
SUY NIỆM 3
Những người cùng thời với Đức Giê-su, chứng kiến bao dấu lạ Ngài làm, và chính Ngôi Vị của Ngài là một dấu lạ, nhưng thay vì tin nơi Ngài, họ lại cứ đòi Ngài dấu lạ từ trời: Chính vì thế, Người thở dài não ruột và nói:
Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?
Xin cho chúng ta hiểu, tại sao Ngài lại thở dài não ruột, khi người ta xin dấu lạ, và nhận ra rằng, ngày nay người ta, và có khi cả chúng ta nữa, cũng ham thích dấu lạ, cũng hay đòi Chúa làm dấu lạ.
*  *  *
Bởi vì, những người Pha-ri-sêu đòi Đức Giê-su làm dấu lạ để thử Ngài, chứ không phải khởi từ lòng tin và với sự tín thác vô điều kiện:
Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.
Đôi khi, đó cũng là cách hành xử của chúng ta, thử để biết, và biết để tin. Nhưng biết bao nhiêu cho đủ để có thể tin, khi đó không phải là một sự kiện hay sự vật, nhưng là một ngôi vị tự do? Chính vì thế, người không tin sẽ thử người khác, thử không cùng, và thử cả Thiên Chúa nữa
Trong sa mạc, lòng buông theo dục vọng,
chốn hoang vu, họ thách thức Chúa Trời. (x. Tv 106, 14 và Ds 14, 22)
Vì vậy, lúc Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thập Giá, họ vẫn đòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi để chúng ta thấy, chúng ta tin”. Họ cứ nghĩ là thấy thì tin, nhưng chỉ là đó là ảo tưởng. Bởi vì thấy, thì thấy một lần trong một thời điểm và nơi chốn nhất định; trong khi tin là tin vào một ngôi vị, tin suốt đời ở mọi nơi mọi lúc. Tin lúc Chúa ban dấu lạ; và tin cả lúc Chúa không ban dấu lạ, như tác giả Thánh Vịnh nói:
Tôi đã tin, cả khi mình đã nói: “Ôi nhục nhã ê chề!” (Tv 116, 10)
Và, những ngày không có dấu lạ thì thật là nhiều. Bởi lẽ, tin là một quà tặng, tự do đặt cuộc đời mình vào trong tay Chúa, vào trong tình thương và lòng thương xót của Chúa.
Ngoài ra, đòi dấu lạ còn phát xuất từ lòng ham muốn; và lòng ham muốn thì không cùng: được một dấu lạ, thì đòi hai, được hai dấu lại, thì đòi một dấu lạ lớn hơn nữa, cả thể hơn nữa, và khi được ba, thì đòi một dấu lạ “từ trời”. Giống như người Do Thái trong sa mạc, đói thì Chúa cho ăn; ăn manna một hồi thì thèm thịt, Chúa cho ăn thịt chim cút; ăn chim cút một hồi thì cũng chán: “Chúng tôi chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này” (Ds 21, 4-9). Nhất là khi chứng kiến dân ngoại, họ ăn uống cao lương mĩ vị, dân sẽ càng thèm muốn hơn nữa. Họ nhìn thấy bao dấu lạ, nhất là dấu lạ vượt qua Biển Đỏ khô chân, nhưng họ vẫn không chịu tín thác vào Đức Chúa. Chẳng lẽ ngày nào, Chúa cũng phải làm dấu lạ, để cho họ “tin” và bước đi?
Một cách sâu xa hơn nữa, lòng ham muốn dấu lạ còn cho thấy, người ta vẫn chưa bình an với thân phận làm người của mình, vẫn chưa ra khỏi mình để liên đới với tuyệt đại đa số con người, sống đến cùng thân phận và số phận của mình, mà không có bất cứ “dấu lạ từ trời” nào. Trong khi đó, bình an và liên đới lại là hai “tâm tình” căn bản nhất của một đời người. Khi người Do Thái đòi dấu lạ từ trời, như bài Tin Mừng của chúng ta kể lại, và nhất là nơi cuộc Thương Khó, Đức Ki-tô đã không chiều theo lòng ham muốn, làm dấu lạ “xuống khỏi thập giá”, nhưng Ngài đã sống đến cùng thân phận con người và mang vào mình một số phận bi đát nhất, để ban cho chúng ta niềm hi vọng và hướng lòng chúng ta về sự sống mới, có sức mạnh làm chúng ta bình an và liên đới ngay hôm nay, trong cuộc sống bình thường và trong những hoàn cảnh bi đát.
*  *  *
Hành trình đi theo Đức Ki-tô trong đời sống và trong ơn gọi của chúng ta cũng thế, với lòng tin, chúng ta đã nhận ra “dấu lạ” nào đó Chúa ban cho mình và chúng ta được mời gọi tin vào tình yêu trung tín và lòng thương xót vô biên của Chúa và chúng ta tín thác và đáp lại suốt đời tình yêu Chúa, ngang qua đời sống hàng ngày, những ngày đầy niềm vui, những ngày rất đỗi bình thường, cũng như những ngày đầy thách đố, khó khăn.
Nhưng chúng ta cũng có kinh nghiệm này, khi tin rồi, chúng ta sẽ thấy mọi sự đều lạ: thiên nhiên chung quanh chúng ta, sự sống mỗi ngày, lương thực hàng ngày, và nhất là Lời Chúa và Thánh Thể.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


SUY NIỆM 4

Sách Sáng Thế trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Cain giết chết em mình là Abel. Đây là vụ án mạng đầu tiên được ghi nhận trong Sách Thánh. Điều đáng chú ý là vụ án này xảy ra trong một gia đình và giữa hai anh em ruột với nhau. Nguyên do của bi kịch này là lòng ganh tị. Cain căm hờn vì không được lòng Thiên Chúa: "Tại sao ngươi căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế? Nếu ngươi làm lành, sao ngươi không ngẩng mặt lên; còn nếu ngươi làm dữ, thì tội đã kề ở cửa ngươi. Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó".
Trong bài Tin Mừng, ta lại thấy sự ganh tị này rõ ràng hơn. Con người không chỉ ganh tị với nhau mà họ còn ganh tị và thách thức Con Thiên Chúa: “Các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người”.
Tuy con người ganh tị và thách thức, nhưng Thiên Chúa vẫn rất nhẫn nại và từ nhân. Thiên Chúa ghi dấu để bảo vệ Cain: “Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn”. Chúa Giêsu buồn rầu, thở dài não nuột vì lòng người cứng tin và “rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia”. Người nhẫn nại chờ đợi và cho con người thêm thời gian.
Lạy Chúa, ganh tị là nguồn gốc của sự dữ trên thế gian. Xin giúp chúng con chế ngự nó bằng sự khoan dung nhân từ để con sống bác ái hơn và giống Chúa hơn. Amen.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận