Các bạn trẻ quốc tế chào đón Đức Thánh Cha tại Cracovia

Đăng lúc: Thứ bảy - 30/07/2016 16:43 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Các bạn trẻ quốc tế chào đón Đức Thánh Cha tại Cracovia

Các bạn trẻ quốc tế chào đón Đức Thánh Cha tại Cracovia - OSS_ROMPHẦN:

 
 
 

CRACOVIA. Hàng trăm ngàn bạn trẻ quốc tế đã chính thức chào đón ĐTC Phanxicô chiều ngày 28-7-2016 tại công viên Blonia ở thành phố Cracovia.

 Tại công viên này đã từng diễn ra nhiều thánh lễ của Đức Gioan Phaolô 2 và cả ĐGH Biển Đức 16. Các bạn trẻ đã tụ họp tại đây từ lúc 2 giờ rưỡi, sinh hoạt, ca hát, chuẩn bị ĐTC tới.

 Thị trưởng thành Cracovia đã đi bằng xe điện môi sinh đến trước tòa TGM. Cùng với các bạn trẻ khuyết tật, ông xuống xe chào kính và trao cho ĐTC chìa khóa của thành Cracovia, rồi mời ngài cũng như các bạn trẻ khác lên xe đi tới Công viên Blonia. Đến nơi vào lúc quá 5 giờ 15, ngài lên xe 'papamobile' đi qua các lối đi để chào thăm hơn 400 ngàn bạn trẻ quốc tế tụ tập tại đây, trong bầu không khí rất tưng bừng và phấn khởi., mặc dù trời mưa nhẹ. Công viên như một rừng cờ các nước. Hiện diện trên lễ đài còn có hàng trăm Hồng Y, GM các nước.

 Lễ nghi tiếp đón ĐTC có đề tài là ”Được kêu gọi nên thánh”.

 Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM giáo phận Cracovia sở tại, nói: ”Hôm nay chúng con nồng nhiệt chào mừng Thánh Phêrô của thời đại chúng con, giữa các tham dự viên Ngày Quốc Tế giới trẻ. Trong dự phóng của Đức Gioan Phaolô 2, sự hiện diện của Giám Mục Roma là một yếu tố thiết yếu của sáng kiến mục vụ lớn lao và đặc biệt tốt đẹp này, theo tầm mức của Giáo Hội trong Ngàn Năm thứ ba của đức tin Kitô”.

 ĐHY nói thêm rằng: ”Chúng con đang sống trong một thế giới không dễ dàng, bị chao đảo vì những xung đột và bạo lực. Chúng con muốn là những người hòa bình. Chúng con muốn là những chứng nhân cảu lòng thương xót như Chúa Cha. Chúng con muốn cùng với Chúa Giêsu xây dựng một thế giới nhân bản và liên đới hơn.. Xin Đức Thánh Cha củng cố chúng con trong đức tin và trong niềm hy vọng, khơi dậy tình yêu của chúng con”.

 Tiếp lời ĐHY Dziwisz, một nhóm bạn trẻ đã trình diễn một màn diễn tả lòng hiếu khách của dân thành Cracovia đối với các bạn trẻ thế giới: 3 cặp trong y phục cổ truyền của Cracovia tiến lại 3 cặp mặc y phục Phi châu, Argentina và Ấn độ, để chào đón. Mỗi màn vũ ngắn kết thúc với hàng chữ lớn trên màn hình ”Chào Mừng đến Cracovia”!

 Tiếp đến là lễ nghi rước cờ: 187 lá cờ quốc gia xuất xứ của các bạn trẻ, được rước qua trước mặt ĐTC và các HY, GM, trong khi xướng ngôn viên đọc tên mỗi nước. Tiếp đến là cuộc rước hình ảnh của các thánh thuộc các đại lục khác nhau như ”những chứng nhân của Lòng Thương Xót” tại miền của các vị: Thánh Vinh Sơn Phaolô đại diện cho Âu Châu, Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta cho Á châu, Thánh nữ Mary Mckillop từ Australia và Châu đại dương, Thánh Giuseppina Bakhita của Phi châu, thánh Damien de Veuster tông đồ người cùi ở đảo Molokai, đại diện cho Bắc Mỹ, và chân phước Irma Dulce đại diện cho Nam Mỹ.

 Sau đó, một nhóm bạn trẻ đã linh hoạt theo chủ đề ”cuộc chạy tiếp sức của các thánh”, bắt đầu từ thánh Agnès tử đạo hồi thế kỷ thứ 3 và kết thúc với các chân phước tu huynh Sbignew Strzalkowski và Michele Tomasz người Ba Lan hồi thế kỷ 20, tổng cộng là 9 vị tượng trưng.

 Kế đến, mọi người nghe đọc bài Tin Mừng theo thánh Luca (10, 38-43) được bằng tiếng Ba Lan và tiếng Slave cổ, tượng trưng cho Đông và Tây Phương, qua đó Chúa nói với bà Marta: ”Marta, Marta, con lo lắng vất vả về nhiều chuyện quá”.

 Huấn dụ của Đức Thánh Cha

 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cám ơn các bạn trẻ vì sự tiếp đón nồng nhiệt, cám ơn ĐHY Dziwisz và các GM, LM tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tất cả những người đồng hành với các bạn trẻ tới đây. ĐTC không quên cám ơn đặc biệt thánh Gioan Phaolô 2, người đã mơ ước và đẩy mạnh các cuộc gặp gỡ này. ”Từ trời cao thánh nhân đang đồng hành với chúng ta khi thấy bao nhiêu người trẻ thuộc các dân nước, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau nhưng có cùng một động lực là tôn thờ Chúa Kitô hằng sống giữa chúng ta. Nói rằng Chúa hằng sống có nghĩa là canh tân ước muốn của chúng ta đi theo Chúa, hăng say sống theo Chúa!”

 ĐTC khẳng định rằng: ”Chính Chúa Giêsu là Đấng triệu tập chúng ta đến dự Ngày Quốc tế giới trẻ thứ 31 này; chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: ”Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Phúc cho những người biết tha thứ, biết có một con tim cảm thương, biết trao tặng những gì tốt nhất của mình cho tha nhân”.

 ĐTC kể lại cho các bạn trẻ một kinh nghiệm và nói rằng: ”Trong những năm làm Giám Mục, tôi đã học được một điều này: không có gì đẹp hơn là chiêm ngắm những ước muốn, sự dấn thân, lòng hăng say và nghị lực các bạn trẻ dùng cho cuộc sống của họ.. Thật là khích lệ, khi nghe họ chia sẻ những ước mơ, những câu hỏi và mong ước của họ chống lại tất cả những người nói rằng sự việc không thể thay đổi được. Thật là một món quà từ trời cao khi có thể thấy nhiều người trong các bạn, với những băn khoăn, đang tìm cách làm sao để sự việc trở nên khác. Thật là đẹp, và an ủi tôi, khi thấy các bạn hăng say, phấn khởi và vui tươi như vậy. Giáo hội ngày nay đang nhìn các bạn và học vơi các bạn để canh tân niềm tín thác nơi lòng thương xót của Chúa Cha, Ngài có một khuôn mặt luôn trẻ trung và không ngừng mời gọi chúng ta thuộc về Nước của Ngài”.

 ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Một con tim có lòng từ bi biết chia sẻ bánh cho người đói, một con tim từ bi thương xót biết cởi mở đón tiếp người di dân và tị nạn. Nói về lòng thương xót cùng với các bạn là nói về cơ may, về ngày mai, sự dấn thân, tin tưởng, cởi mở, hiếu khách, say mê, mơ ước.

 ”Tôi cũng muốn thú nhận với các bạn một điều khác mà tôi học được trong những năm này. Tôi đau lòng khi gặp những người trẻ dường như về hưu trước tuổi. Tôi lo âu khi thấy các bạn trẻ buông xuôi trước khi bắt đầu cuộc đấu. Họ đầu hàng trước khi bắt đầu cuộc chơi. Họ bước đi với khuôn mặt buồn thảm, như thể cuộc đời của họ chẳng có giá trị gì. Họ là những người trẻ buồn chán.. và cũng làm cho người khác chán ngán. Thật là khó, và đồng thời cũng làm cho chúng ta đặt câu hỏi khi thấy những người trẻ bỏ cuộc sống để tìm kiếm những điều chóng mặt, những cảm giác cảm thấy mình sống động qua những con đường tăm tối, và rốt cuộc họ phải trả giá đắt đỏ vì chọn lựa ấy. Thật là điều đáng nghĩ ngợi khi thấy những người trẻ đánh mất những năm đẹp nhất trong cuộc đời họ, đánh mất nghị lực khi chạy theo những người bán các ảo tưởng giả dối (ở đất nước chúng tôi, chúng tôi gọi đó là những người bán khói, họ cướp đoạt mất những gì là tốt đẹp nhất của các bạn.

 Vì thế, các bạn thân mến, chúng ta họp nhau để giúp nhau, vì chúng ta không muốn để cho mình bị cướp mất những gì tốt nhất của chúng ta, chúng ta không muốn để cho mình bị cướp mất nghị lực, niềm vui, những giấc mơ, vì những ảo tưởng giả dối.

 Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC giải thích bài Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu nói với Marta đang lo lắng bận rộn vì quá nhiều điều. Chúa muốn chúng ta đón tiếp và lắng nghe Chúa như Maria: giữa bao nhiêu sự đời, chúng ta phải có can đảm tín thác nơi Chúa.

 ”Ai đón tiếp Chúa Giêsu, thì học yêu mến như Cháu Giêsu. Khi ấu Chúa hỏichúng ta xem chúng ta có muốn cuộc sống sung mãn hay không? Bạn hãy bắt đầu bằng cách để cho bạn được xúc động! vì hạnh phúc nảy sinh trong lòng từ bi thương xót: đó là câu trả lời của Chúa, đó là lời mời gọi của Chúa, thách đố và sự phiêu lưu của Ngài: lòng từ bi thương xót. Lòng này luôn có một khuôn mặt trẻ trung: như khuôn mặt của Maria làng Betania ngồi dưới chân Chúa như môn đệ, thích nghe Chúa vì biết tại đó có an bình. Như khuôn mặt của Mẹ Maria thành Nazareth, tiến vào phiêu lưu qua lời thưa xin vâng và sẽ được mọi thế hệ gọi là người diễm phúc, và tất cả chúng ta gọi Người là Mẹ Thương Xót.

 Buổi tiếp đón kết thúc vào khoảng 7 giờ tối và ĐTC đã về tòa TGM dùng bữa tối và tái xuất hiện tại bao lơn tòa nhà này như tối hôm trước để chào thăm các bạn trẻ khuyết tật.

 G. Trần Đức Anh OP
 

Bài chia sẻ của ĐTC Phanxicô sau buổi Đàng Thánh Giá 29/7/2016

 

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. (Mt 25: 35-36).
Những lời này của Chúa Giêsu đã trả lời cho câu hỏi luôn thường trực trong lý trí và tâm hồn của chúng ta rằng: "Thiên Chúa ở đâu?".
Thiên Chúa ở đâu, nếu sự dữ vẫn đang hiện diện trong thế giới của chúng ta, nếu vẫn còn có những người đang đói khát, vô gia cư, những người lưu vong và những người tị nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi có người vô tội phải chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu, khi hội chứng vô cảm đã tàn phá những ràng buộc của đời sống và tình cảm? Hoặc khi trẻ em bị bóc lột và xâm hại, để rồi họ phải gánh chịu những tổn thương nghiêm trọng? Thiên Chúa ở đâu, khi còn có những người đau khổ vì mất phương hướng hoặc gặp rắc rối trong tinh thần?
Đây là những câu hỏi mà nhân loại không có câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể tìm đến Chúa Giêsu mà hỏi ngài. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là: "Thiên Chúa ở trong họ". Chúa Giêsu ở trong họ; ngài tự hãm mình ngự trong họ và đồng hóa sâu sắc với từng người. Ngài kết hiệp chặt chẽ với họ để đồng hình đồng dạng với họ, đó gọi là "một thân thể".
 
Chính Chúa Giêsu đã chọn cách đồng hóa với những anh chị em của chúng ta đang chịu đau đớn và thống khổ bằng cách cùng bước đi trên "con đường khổ nạn" dẫn tới Canvê. Bằng cái chết ở trên thập giá, ngài phó thác chính mình vào trong tay Chúa Cha, chồng chất lên chính mình tình yêu tự hiến, những vết thương cơ thể, những tổn thương luân lý và tinh thần của toàn thể nhân loại. Bằng việc đón lấy cây thập giá, Chúa Giêsu đã chấp nhận sự trần truồng, đói khát, cô đơn, đau đớn và sự chết của con người ở mọi thời đại.
Đêm nay có Chúa Giêsu, và chúng ta cùng với ngài, bằng tình yêu thương đặc biệt, hãy ôm lấy anh chị em đến từ Syria của chúng ta đã chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh. Chúng ta hãy gặp gỡ và chào đón họ bằng tình bạn và tình huynh đệ.
Bằng việc bước theo Chúa Giêsu trên suốt Đường Thánh Giá, chúng ta một lần nữa nhận ra tầm quan trọng của việc noi gương ngài qua mười bốn chặng đường của lòng thương xót. Những điều này giúp chúng ta khai mở lòng thương xót của Thiên Chúa, để nguyện xin ban xuống ân sủng, vì không có lòng thương xót thì chúng ta không thể làm được gì; không có lòng thương xót, tôi cũng như các bạn đều không thể làm được gì cả.
Đầu tiên chúng ta cùng suy ngẫm thương xác bảy mối: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Tự do mà chúng ta được lãnh nhận thì cũng hãy đi trao ban.
Chúng ta được mời gọi đi phục vụ Chúa Giêsu chịu khổ nạn đang hiện hữu trong tất cả những người bị gạt bỏ ra bên lề, hãy chạm vào da thịt của ngài nơi những người có hoàn cảnh khó khăn, nơi những người đang đói khát, trần truồng, bị giam cầm, bệnh tật và thất nghiệp; nơi những người bị bách hại, tị nạn và di cư. Đó là những nơi mà chúng ta tìm thấy Thiên Chúa; là những nơi mà chúng ta được chạm vào Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói với chúng ta điều này khi ngài diễn giải về căn cứ để phán xét chúng ta: mỗi lần chúng ta làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất là các chúng ta đã làm cho chính ngài vậy (x Mt 25: 31-46).
Tiếp theo thương xác bảy mối là thương linh hồn bảy mối: lấy lời lành khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Khi đón lấy người bị ruồng bỏ, bị đau khổ về thể xác, đồng thời cũng đón nhận người tội lỗi hoặc có vấn nạn về tâm linh, thì tính cách đáng tín nhiệm của của người Kitô hữu chúng ta được thêm củng cố.
Nhân loại ngày nay cần nhiều người, đặc biệt là giới trẻ - những ai không muốn sống một lối sống "nửa vời", nhưng sẵn sàng tự giác dành cả cuộc đời mình để phục vụ anh chị em nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến hoàn toàn để cứu rỗi chúng ta. Đối diện với sự dữ, đau khổ và tội lỗi, một người môn đệ của Chúa Giêsu chỉ có thể phản ứng bằng cách tự hiến thân, thậm chí bằng cả cuộc đời mình theo gương Chúa Kitô; đó là thái độ của phục vụ. Những Kitô hữu nào tự nhận là sống để phục vụ, nhưng họ không phục vụ cho mục đích tốt. Lối sống như vậy, họ đã từ chối Chúa Giêsu Kitô.
Các bạn thân mến, tối nay, Thiên Chúa một lần nữa yêu cầu các bạn phải đi tiên phong trong việc phục vụ tha nhân. Ngài muốn các bạn phản ứng một cách cụ thể trước những khó khăn và đau khổ của nhân loại. Ngài muốn các bạn là dấu chỉ của tình yêu thương xót của ngài trong thời đại của chúng ta! Để giúp các bạn thực hiện sứ mệnh này, ngài chỉ cho các bạn con đường của sự cam kết và tự hiến. Đó là Đường Thánh Giá. Đường Thánh Giá là con đường của sự trung thành theo Chúa Giêsu đến cùng, dù trong thảm kịch của đời sống thường ngày. Đó là con đường không có thất bại, đày đọa hay cô đơn, vì nó phủ đầy tâm hồn chúng ta bằng sự viên mãn của Chúa Giêsu. Đường Thánh Giá là đường sự sống của Thiên Chúa, "phong cách" của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu đã mang đến để thay thế cho con đường chia rẽ, bất công và suy đồi của xã hội.
Các bạn trẻ thân mến, Thứ Sáu Tuần Thánh, nhiều môn đệ đã bàng hoàng trở về nhà của họ. Những người khác thì chạy trốn khỏi xứ sở để quên đi thánh giá. Còn tôi xin hỏi các bạn: Tối nay, các bạn muốn quay trở về nhà của mình theo cách nào, các bạn sẽ đi đâu? Sau tối nay, các bạn trở về và một mình suy nghĩ về điều gì? Mỗi bạn có để trả lời cho thách đố này trước câu hỏi đang đặt ra trước mắt.
Xem lại video buổi Đàng Thánh Giá:
 
Từ khóa:

quốc tế, thành phố

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận