Các bài chú giải và suy niệm Tin Mừng CN XVII – năm A

Đăng lúc: Thứ năm - 24/07/2014 17:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Các bài chú giải và suy niệm Tin Mừng

Chúa Nhật XVII thường niên – năm A
Lời Chúa:1 V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52
***************

MỤC LỤC
1. Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm FX Vũ Phan Long, ofm: Giá trị vô song
2. Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
3. Khôn ngoan là biết chọn Chúa làm gia nghiệp (Jos. Vinc. Ngọc Biển)
4. Khám phá Kho Báu Tin Mừng (Lm. Inhaxiô Trần Ngà)
5. Kkho báu của Thiên Chúa (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)
6. Khô ngoan (P. Trần Đình Phan Tiến)
7. Người khôn ngoan thì biết chọn lựa đúng (Giêrônimô Nguyễn Văn Nội)
8. Lưới cá hay lưới người? (JM. Lam Thy ĐVD.)
9. Kho báu Nước Trời là Đức Kitô (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
10. Phải dấn thân để chiếm đoạt Nước Trời (Đỗ Bá Công)
11. Khôn ngoan đích thực (Lm. Đam Trần Văn Điều)
12. Nước Trời giống như kho báu (Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
13. Nước Trời (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)
14. Nước Trời quý giá (Đam. Lê Đức Thiện)
15. Bán tất cả để mua viên ngọc quý (Đỗ Lực)
16. Suy niệm của Lm. Gioan B. Phan Kế Sự
17. Kho báu – Viên ngọc quý (Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng)
18. Ăn xin (Lm. Vũ Đình Tường)
19. Kho báu ẩn dấu và viên ngọc quý (Lm. Pietro Nguyễn Hương)
20. Hạnh phúc trong tầm tay (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
21. Khôn ngoan tìm Nước Trời (ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
22. Kho báu và ngọc quý (R. Veritas)

 

chuanhat17TNA

A. BẢN VĂN

Bài đọc I (1 V 3,5.7-12)

5 Tại Ghíp-ôn, đang đêm Đức Chúa hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán : “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” 7 Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. 8 Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. 9 Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái ; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế ?” 10 Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. 11 Thiên Chúa phán với vua : “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, 12 thì này, Ta làm theo như lời ngươi : Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.

Bài đọc II (Rm 8,28-30)

28 Thưa an hem, chúng ta biết rằng : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. 29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. 30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi ; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính ; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.

Tin Mừng (Mt 13,44-52)

44 Hôm ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không ?” Họ đáp : “Thưa hiểu.” 52 Người bảo họ : “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

B. CÁC BÀI CHÚ GIẢI VÀ SUY NIỆM

Bài 1. Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm FX Vũ Phan Long, ofm: GIÁ TRỊ VÔ SONG

Nước Trời là một điều thiện hảo được đặt vừa tầm tay mọi người, nhưng không phải là mọi người đều “tìm thấy” Nước Trời, bởi vì không phải là mọi người đều đi tìm kiếm Nước Trời.

1. Ngữ cảnh

Diễn từ của Đức Giêsu bằng các dụ ngôn liên hệ đến các khó khăn và những ngờ vực xuất phát từ tình trạng tương phản giữa hoàn cảnh hiện tại và các nỗi chờ mong nhắm đến Nước Trời và Đấng Mêsia. Nếu khi Đức Giêsu xuất hiện, quyền chúa tể của Thiên Chúa cũng bắt đầu được khẳng định, thì tại sao sứ điệp của Người không được mọi người vui mừng đón nhận? Tại sao Thiên Chúa không buộc người ta phải nhìn nhận Ngài bằng mộtloạt những chiến thắng lẫy lừng? Tại sao Ngài không thiết lập những phân biệt rõ ràng? Trong dụ ngôn Người gieo giống, Đức Giêsu đã cho thấy rằng hạt giống tốt chỉ có thể sinh hoa kết quả trên mộtmảnh đất tốt, tức là tính hữu hiệu của sứ điệp cốt yếu tùy thuộc những người đón nhận sứ điệp và tùy thuộc cách sống của họ. Với các dụ ngôn Hạt cải và Men, Người cho thấy rằng mộtkhởi đầu bé nhỏ không loại trừ mộtsức phát triển to lớn và một khả năng đạt hiệu quả lớn lao. Các dụ ngôn Cỏ lùng giữa lúa tốt và Lưới cá cho thấy rằng vẫn còn tình trạng người tốt kẻ xấu ở bên nhau, nhưng không kéo dài vĩnh viễn. Giá trị cao vời của Nước Trời, niềm vui vô biên đi liền với việc khám phá ra giá trị ấy và sự dấn thân phải có khi đã thuộc về Nước Trời, tất cả những điểm này đều được làm sáng tỏ xuyên qua các dụ ngôn Kho báu và Ngọc quý. Đức Giêsu muốn loại bỏ các hiểu lầm và giúp các thính giả có lối sống thanh thoát thích hợp.

2. Bố cục

Có thể chia bản văn thành ba phần: 

1) Ba Dụ ngôn

a) Dụ ngôn 1: Kho báu chôn giấu (13,44),

b) Dụ ngôn 2: Ngọc quý (13,45-46),

c) Dụ ngôn 3: Chiếc lưới (13,47-48).

2) Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (13,49-50).

3) Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (13,51-52).

Hoặc cũng có thể cho rằng bản văn có năm đơn vị:

1) Dụ ngôn 1: Kho báu chôn giấu (13,44);

2) Dụ ngôn 2: Ngọc quý (13,45-46);

3) Dụ ngôn 3: Chiếc lưới (13,47-48);

4) Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (13,49-50);

5) Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (13,51-52).

3. Vài điểm chú giải

- Nước Trời giống như một kho báu (44): Không phải là Nước Trời được ví với một kho báu, nhưng là “những gì xảy ra” khi mộtngười khám phá ra mộtkho báu được so sánh với “những gì xảy ra” (hoặc phải xảy ra) khi mộtngười khám phá ra Nước Trời.

- kho báu chôn giấu trong ruộng (44): Vào thời Thượng Cổ, vì không có hoặc có rất ít nhà băng, hơn nữa Paléttina lại phải chịu nhiều cuộc chiến tranh do vị trí ở giữa Ai Cập và Mêsôpôtamia, người ta giữ của cải an toàn bằng cách chôn xuống đất. Do đó, thỉnh thoảng, có người khám phá ra một khối của cải chôn dưới đất, chẳng hạn mộtcái chum chứa những đồng tiền vàng hay các loại đá quý.

- thương gia (45): Emporos là người buôn bán sỉ, vừa xuất vừa nhập hàng. Vào thời Đức Giêsu, ngọc quý thường được nhập từ Ấn Độ.

- chiếc lưới (47): Sagênê, “chiếc lưới”, có kích thước dài khoảng 250 đến 450m và rộng khoảng 2m; mỗi đầu có thắt một sợi dây.

- thả xuống biển (47): Blêtheisê, động từ ballô ở dạng participe aoriste passif để nói quanh thay tên Thiên Chúa. Động từ với dạng ấy có nghĩa là chiếc lưới đã được thả xuống biển rồi, và do chính Thiên Chúa thả.

- Anh em có hiểu (51): Trong dụ ngôn Người gieo giống, chúng ta đã thấy tầm quan trọng tác giả gán cho động từ “hiểu”. Ở đây, Đức Giêsu hỏi về tất cả những gì Người đã nói bằng dụ ngôn cho đám đông. Câu trả lời thật gọn: “Thưa hiểu (Nai)”. Ngữ cảnh cho thấy là những người trả lời là những môn đệ đã hỏi Đức Giêsu trước đây (x. c. 36). Nhưng khi không nêu ra chủ từ minh nhiên, tác giả Mt muốn ám chỉ bất cứ độc giả nàobất cứ Kitô hữu nào. Chính câu trả lời này đưa người ta đi từ tình trạng “đám đông” sang tình trạng “môn đệ”.

- kinh sư (52): Cộng đoàn Mt đã có những định chế (“Nhóm Mười Hai”: 10,1; Phêrô: 16,18-19). Dựa theo bản văn ở đây, rất có thể trong lòng cộng đoàn cũng có các “thầy dạy” được gọi là “kinh sư” vì cộng đoàn vẫn tôn trọng cái gốc Do Thái của mình.

4. Ý nghĩa của bản văn

Các câu dẫn nhập 31, 33, 44 và 45 của các dụ ngôn Hạt cải, Men, Kho báu và Ngọc quý và cấu trúc các dụ ngôn rất giống nhau.

* Dụ ngôn 1 và 2: Kho báu chôn giấu và Dụ ngôn Ngọc quý (44-46)

Những gì Đức Giêsu kể về việc khám phá ra kho báu và ngọc quý thật đơn giản và rõ ràng. Rất có thể đây là mộtngười thợ đi cày trong ruộng của người khác và đã khám phá ra mộtkho tàng gồm các đồng tiền và vật trang sức được chôn trong ruộng. Dĩ nhiên là ông rất vui mừng, vì ông không bao giờ dám mơ tới khối của cải này. Cũng lưu ý là ông tìm ra kho báu không phải như một phần thưởng cho công lao khó nhọc hay do bác ái. Quan trọng là việc ông sẽ làm bây giờ.

Ông sẵn sàng hy sinh tất cả mọi nguyện vọng và dự phóng cũng như mọi lo toan để thủ đắc cho được thửa ruộng. Cách xử sự của nhân vật này không lương thiện về mặt luân lý, nhưng điều này không làm tác giả bài dụ ngôn phải bận tâm. Đức Giêsu kể lại mộthoạt cảnh của đời thường, như sau này Người kể truyện người quản lý bất lương, những người làm vườn nho sát nhân: Người không nhắm tới tính luân lý. Điều này ta thấy rõ nơi truyện người đi săn ngọc quý: không hề có bận tâm gì đến tính luân lý. Trong cả hai trường hợp (khám phá kho báu và tìm được viên ngọc quý), vấn đề được đề cập là khám phá ra và nhận biết ý nghĩa của mộtthứ có giá trị lớn lao và tuyệt mỹ, và đây là chuyện mộtngười hết sức vui sướng hy sinh tất cả những lợi lộc và vận dụng mọi phương tiện mà thủ đắc mộtđiều gì; “ông bán tất cả những gì mình có” (cc. 44.46). Điểm nhắm của tác giả các dụ ngôn là điểm ấy. Đấy chính là Nước Trời; Nước Trời cao trọng hơn bất cứ tài sản nào.

Trong sứ điệp về Nước Trời, Đức Giêsu loan báo rằng Thiên Chúa Cha đứng về phía chúng ta. Với quyền năng trổi vượt của Ngài, Chúa Cha là Chúa tể độc nhất, Ngài nắm mọi sự trong tay. Mặc dù thế giới đang có những vô trật tự, những sự dữ và những tai họa, Ngài vẫn tốt lành với tất cả chúng ta và muốn ban cho chúng ta được thành công trọn vẹn và hạnh phúc viên mãn trong sự hiệp thông với Ngài. Thực tại này trước tiên phải được khám phá ra và hiểu đúng. Thực tại này chính là mộtkho báu được chôn giấu; tự nó, nó không buộc ai nhận biết nó cả. Có nhiều thứ khác lôi cuốn hơn nhiều, dường như quan trọng và hứa hẹn hơn nhiều. Chúng ta phải mở lòng mình ra và để mình bị chinh phục bởi sự kiện Thiên Chúa, tình yêu của Ngài đối với chúng ta và sự hiệp thông của chúng ta với Ngài có mộtgiá trị vô song và không bao giờ bị vượt quá. Với sự hiểu biết này, niềm vui gia tăng và đồng thời cũng gia tăng ước muốn được đi vào làm chủ mộtgiá trị như thế.

Kho báu ấy không phải là phần thưởng cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể thủ đắc nó bằng cách vận dụng tất cả sức lực chúng ta. Không phải để tự nhiên mà có sự kiện chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Có biết bao ước muốn, mục tiêu, giá trị, nhiệm vụ trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta phải đặt chúng đàng sau để thuộc về Thiên Chúa. Trên tất cả mọi sự, cần phải có sự quy hướng về Thiên Chúa, liên kết với Ngài và chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Tất cả các giá trị khác, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội, của cải, tiện nghi, sức khỏe, lợi lộc, những thú vui… không phải là những giá trị và tiêu chuẩn tối hậu, nhưng phải được đưa vào trong dây liên kết với Thiên Chúa và được cứu xét trước nhan Ngài và theo ý muốn của Ngài. Tất cả tùy thuộc việc thuộc về Thiên Chúa, mà chúng ta chỉ thuộc về Thiên Chúa nhờ luôn ý thức sống trước nhan Ngài. Càng hiểu giá trị của việc thuộc về Thiên Chúa, ta càng sống vui, cho dù có những mệt nhọc, bề bộn với công việc và phải từ bỏ nhiều điều.

* Dụ ngôn 3: Chiếc lưới và Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (47-50)

Dụ ngôn Chiếc lưới song song với dụ ngôn Lúa tốt vả Cỏ lùng (cc. 24-30.36-43), và nêu lên cũng những vấn đề như nhau. Trong dụ ngôn trước, “cánh đồng” tượng trưng Nước Trời; trong dụ ngôn sau là “chiếc lưới”.

Tại hồ Ghennêxarét, có hơn hai mươi loại cá. Bao lâu cá còn ở trong hồ hoặc ở trong lưới, chúng bơi loạn xạ, lớn nhỏ lẫn lộn, có thứ cá ăn được, có thứ không. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng luôn luôn như thế. Khi lưới được kéo lên bờ, các người dân chài ngồi lựa: cá tốt thì được gom lại, cá xấu thì bị quăng đi. Tư thế “ngồi” của các dân chài có thể khiến nhớ tới tư thế “ngồi” Con Người thẩm phán thế gian (19,28; 25,31; 26,64). Các tính từ “tốt” (kalos) và “xấu” (sapros, “vô ích”) khiến ta nhớ tới hình ảnh các cây với trái của chúng (x. 7,16-20; 12,33), hiểu là các việc làm hoặc lời nói. Bằng dụ ngôn này, Đức Giêsu lại hướng mắt nhìn về cuộc phán xét cuối cùng và về số phận hoàn toàn khác nhau của người tốt và người xấu. Ở đây, trên mặt đất này, dường như chúng ta có quan tâm đến Thiên Chúa hay không, cũng không quan trọng gì; giữa người tốt và người xấu, không hề có sự phân biệt nào. Dường như tốt xấu cũng như nhau. Cộng đoàn Kitô hữu, tượng trưng Nước Trời, là mộtcộng đoàn đa tạp. Nhưng Đức Giêsu lưu ý chúng ta: Anh em đừng để mình bị lừa! Anh em đừng tưởng rằng mọi sự sẽ cứ như thế mãi! Anh em hãy biết chắc rằng sẽ có mộtcuộc phân biệt rõ ràng, nên hãy sống hôm nay thế nào để khi đến cuối, anh em được Thiên Chúa đón nhận!

Thật ra, việc Người giảng dạy đã là một tiên báo về phán xét: Người đang ở tại “hồ” (13,1-2), có một đám đông “đã tụ họp lại” (“gom cá”) trên bờ, trong khi Đức Giêsu “ngồi” trên thuyền và nói bằng dụ ngôn. Lời nói của Người đã gây ra sự phân biệt giữa dân chúng và các môn đệ. Cuộc phân biệt này báo trước cuộc phán xét sau này. Những gì Đức Giêsu đã gây ra lúc này sẽ được lặp lại vào ngày phán xét. 

Kết luận dụ ngôn Chiếc lưới, tác giả TM I nêu lên mộtchi tiết tương tự trong dụ ngôn Cỏ lùng: “các thiên sứ sẽ … quăng kẻ xấu vào lò lửa” (x. 13,31). Các Kitô hữu đang đau khổ vì sự hiện diện của những kẻ xấu, tác giả an ủi họ bằng cách cho biết rằng cuộc phán xét cánh chung đã gần kề; cuộc phán xét này sẽ tái lập thế quân bình cho cuộc sống của họ.

* Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (51-52)

Dụ ngôn Vị kinh sư này là một câu trả lời cho câu hỏi và lời xin của các môn đệ (cc. 10.36). Họ là những người đã hiểu sứ điệp hàm chứa trong bài giảng của Đức Giêsu. “Hiểu” không chỉ có nghĩa là “nắm được ý nghĩa” mà còn là “chấp nhận”, “làm cho nên hiện thực trong đời sống mình”. Nếu đúng như thế, các môn đệ đã trở thành những người thực sự bước theo Đức Giêsu, họ đã là “con cái Nước Trời” (c. 38). Do đó, họ cũng là những kinh sư mới, những thầy dạy mới trong Nước Trời. Kinh sư Kitô hữu đề nghị cả các chân lý cũ (palaia) lẫn các chân lý mới (kaina) trong giáo huấn của mình. Cũng rất có thể đây là cách tác giả tự giới thiệu về mình.

+ Kết luận

Tất cả các dụ ngôn đều nói với chúng ta về Nước Trời. Chúng đều ưu tiên mạc khải về Đức Giêsu, là biến cố trung tâm của lịch sử, biến cố đánh dấu cuộc gặp gỡ chung kết giữa trời với đất: nơi Đức Giêsu, Nước Trời vĩnh viễn đến gần con người. Các bài dụ ngôn cũng cho thấy rằng việc từ bỏ theo Tin Mừng không phải là phương tiện để đạt tới Nước Trời, nhưng là hậu quả của việc khám phá ra Nước Trời.

Sự lộn xộn và rối loạn thật đáng kể. Có biết bao giá trị và mục tiêu xuất hiện ra như là quan trọng và hứa hẹn cho ta được hạnh phúc. Đức Giêsu đánh tan mây mù và làm sáng tỏ. Người cho thấy điều gì là quan trọng, chúng ta phải vận dụng sức lực quá giới hạn của mình vào chuyện gì. Điều quan trọng là luôn luôn sống với tinh thần trách nhiệm và đặt quan hệ với Thiên Chúa tại trung tâm đời ta. Như thế, chúng ta có thể nhìn về kết cuộc không hề nao núng.

5. Gợi ý suy niệm

1. Vấn đề không phải chỉ là dời các giá trị khác ra phía sau để nhường bước cho giá trị lớn là Nước Trời, nhưng là coi mọi sự khác không còn giá trị nữa trước giá trị duy nhất là Nước Trời. Người ta chỉ thật sự là Kitô hữu nếu hiểu rằng Nước Trời là “tất cả” trong cuộc đời, cần thiết hơn cả cơm bánh mỗi ngày. Suy biết như thế là “hoán cải”, thay đổi lòng trí. Nhưng chỉ dừng lại mà chiêm ngắm sự cao cả của Nước Trời thì không đủ, còn cần phải quyết định, phải chọn lựa, phải nỗ lực suốt đời để chiếm lấy giá trị này. Truyện người thanh niên giàu có minh họa rất rõ điểm này (Mt 19,21.27.29).

2. Nước Trời là một điều thiện hảo được đặt vừa tầm tay mọi người, nhưng không phải là mọi người đều “tìm thấy” Nước Trời, bởi vì không phải là mọi người đều đi tìm kiếm Nước Trời. Tìm kiếm là điều kiện thiết yếu để có thể gặp được Nước Trời (x. Mt 10,39; 12,29; 17,14; 18,13). Điều này đúng ngay cho cả bình diện trí thức: khi nghiên cứu, nếu chúng ta không có ý tìm điều gì, thì chúng ta sẽ không thấy các trang sách nói gì cả; chỉ khi nào cố ý tìm mộtđiểm gì đó, chúng ta mới thấy sách có vô vàn gợi ý về điểm đó. Dù vậy, Nước Trời không phải là kết quả đương nhiên của cuộc tìm kiếm, Nước Trời vẫn là mộtân ban.

3. Niềm vui là tiêu chuẩn cho thấy người ta đang kinh nghiệm về các giá trị cách sâu sắc. Tôi có thể tự hỏi về niềm vui tôi đã cảm nhận khi nghe được sứ điệp về Nước Trời: tôi có vui mừng không? Các giá trị Nước Trời đã đi vào đời tôi, tôi có cảm thấy vui không? Ai có Thiên Chúa thì có tất cả; Thiên Chúa đủ cho tôi rồi. Tôi có xác tín về điều này chăng?  Do đang còn mang não trạng “thế gian”, do đang lo lắng sợ mất điều gì đó hoặc thiếu điều gì đó, do cứ muốn nắm được mọi sự trong tay, do muốn lên chương trình sống hoàn toàn theo ý mình, chúng ta có thể đang còn vấp phải dữ kiện căn bản này: một mình Thiên Chúa có thể lấp đầy mộtcon tim hiến dâng trọn vẹn cho Ngài.

4. Cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Một ngày nào đó, khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Rất có thể hôm nay cuộc sống thật của người ta còn đang được che giấu dưới mộtcái mặt nạ đạo đức, nhưng đến ngày đó, “mặt thật” của con người sẽ lộ rõ: người ta chỉ hoàn toàn là “xấu” nếu tận đáy lòng, người ta chỉ tìm kiếm chính mình, thay vì tìm kiếm mộtmình Thiên Chúa.

Bài 2. Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Từ thuở đời đời, vì yêu thương Thiên Chúa tiền định cho con nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài.

Chúng ta có thể dựa vào lời khẩn nguyện tuyệt vời của vua Sa-lô-môn để đưa ra chủ đề của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay: xin ban cho con “một tâm hồn biết lắng nghe” và “biết biệt phân phải trái” để nhận ra rằng ngay từ thuở đời đời, vì yêu thương Thiên Chúa tiền định cho con nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài. Đó là giá trị khôn sánh mà mỗi người Ki-tô hữu phải đạt cho bằng được.

1V 3: 5, 7-12

Để có đủ sức cai trị dân Thiên Chúa, vua Sa-lô-mon khẩn cầu Thiên Chúa cho ông có được “một tâm hồn biết lắng nghe” và “biết biệt phân phải trái”.

Rm 8: 28-30

Trong thư  gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô  nhắc nhở các tín hữu biết rằng Thiên Chúa tiền định cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài và làm cho mọi sự đều sinh ơn ích cho những ai yêu mến Ngài.

Mt 13: 44-52

Trong Tin Mừng, Đức Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta biết nhận ra giá trị khôn sánh của Nước Trời và sẵn sàng hy sinh mọi sự để sở hữu cho bằng được Nước Trời. 

BÀI ĐỌC I   1V 3: 5, 7-12

Vào năm 970 trước Công Nguyên, vua Sa-lô-mon lên ngôi kế vị cha mình là vua Đa-vít. Lúc đó, ông chỉ là “một thanh niên bé nhỏ”, như chính ông thân thưa với Chúa về mình trong lời cầu nguyện của ông. Theo sử gia Giô-sê-phút, khi lên ngôi, vua Sa-lô-mon ở độ tuổi mười bốn; còn theo truyền thống kinh thánh, vua ở độ tuổi mười hai.

1. Giấc mộng của vua Sa-lô-mon:

Vua đến thánh địa Ghíp-ôn, cách Giê-ru-sa-lem khoảng chín cây số về hướng tây-bắc, để tế lễ Thiên Chúa, vì lúc đó Đền Thờ Giê-ru-sa-lem chưa được xây dựng, vì thế đây là nơi cao trọng nhất. Đêm sau đó, vua có một giấc mộng.

Giấc mộng đóng một vai trò quan trọng tại các dân tộc thời xưa. Các Pha-ra-ô Ai-cập và các vua miền Lưỡng Hà Địa đều có bên cạnh mình những nhà giải điềm mộng báo. Ở Hy-lạp, các tín đồ ngủ trong các đền thánh với hy vọng là mình nhận được một sứ điệp từ thần linh trong khi ngủ. Dân Ít-ra-en chắc hẳn cũng đã biết những mặc khải thần linh được truyền đạt trong những giấc mơ. Chúng ta đọc thấy nhiều ví dụ như vậy trong thời các tổ phụ như tổ phục Gia-cóp hay nhất là tổ phụ Giu-se. Thật đáng cho chúng ta ghi nhận rằng cách thức mặc khải này rất hiếm trong thời kỳ trào lưu ngôn sứ và chỉ tái xuất hiện trong các sách khải huyền vào những thế kỷ muộn thời hơn.

2. Lời khẩn nguyện của vua Sa-lô-mon:

Sa-lô-mon bày tỏ một sự khôn ngoan trước tuổi. Vua không cầu xin cho mình được trường thọ, được giàu sang hay được quyền lực, nhưng “một tâm hồn biết lắng nghe” và “biết biệt phân phải trái” để vua có đủ sức cai trị dân Ngài, “một dân đông đúc, không kể xiết, cũng không đếm nổi”.

Như người cày thuê gặp được kho báu trong ruộng hay một thương gia bất ngờ tìm được ngọc quý trong Tin Mừng hôm nay, vị vua trẻ biết nhận ra đâu là những giá trị đích thật. Đức Chúa đã nhận lời cầu xin của vua, vì thế, vua đã cai trị dân Ngài một cách khôn ngoan (ít ra trong giai đoạn đầu của triều đại mình). Trong giấc mộng, nếu vua không xin sự giàu sang phú quý, hay quyền lực, tuy nhiên, Thiên Chúa cũng ban cho vua những điều đó.

3. Tính chất thần học của chuyện tích:

Chuyện tích không có tính chất lịch sử theo nghĩa nhặt. Quả vậy, các nhà biên soạn hai sách Các Vua đã tra cứu những tài liệu và đã thu thập những truyền thống miệng, suốt thời gian làm việc nghiêm túc; nhưng nỗi bận lòng hàng đầu của họ là vấn đề thần học. Vì thế, chuyện tích về giấc mộng của vua Sa-lô-mon cho thấy hai khía cạnh quan trọng.

Trước tiên, chuyện tích này nhấn mạnh tính chất đặc biệt của vương quyền Ít-ra-en. Vương quyền này thuộc trật tự “ân sủng”. Chúng ta biết rằng dân Thiên Chúa đã từ lâu không muốn tôn một người trần thế lên làm vua của mình. Đối với họ, chỉ duy một mình Đức Chúa là vua của họ. Tuy nhiên, vì những hoàn cảnh đã dẫn họ đến thể chế quân chủ; nhưng để thể chế quân chủ này được tín nhiệm, điều quan trọng là vị quân vương phải nhận ra mình chỉ là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Chúng ta nên lưu ý rằng trong lời khẩn nguyện của mình, vua Sa-lô-mon không nói “dân của tôi”, nhưng “dân của Ngài”. Về vấn đề này, giấc mộng ở Ghíp-ôn đáp ứng mọi thỏa mãn và mặc lấy tinh cách của việc Thiên Chúa trao quyền.

Thứ nữa, tước vị con vua Đa-vít cao quý được ban tặng cho vua Sa-lô-mon cũng như triều đại vinh quang của vua hiển nhiên là lời đáp trả của Thiên Chúa, Đấng, ngay từ khởi đầu triều đại của vua này, cầm tay vị vua bé nhỏ để hướng dẫn vận mệnh của vua. Như vậy, khi đọc lại lịch sử này, người thuật chuyện có thể phát hiện ở đây là Lịch Sử Thánh.

BÀI  ĐỌC II   Rm 8: 28-30

Đoạn văn này là phần kết của chương 8 thư gởi tín hữu Rô-ma. Phần này được kết thúc với lời ca ngợi về tình yêu của Thiên Chúa. Đây là bản văn khó vì tự nguồn gốc nó là những suy luận thần học về tiền định.

1. Vấn đề:

Phải hiểu những lời này của thánh Phao-lô: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Con của Người, để Đức Ki-tô làm trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc” như thế nào?

Trước tiên, chúng ta nên đặt đoạn văn này trở lại mạch văn của nó. Trong một cái nhìn khái quát, thánh Phao-lô lấy lại sự phát triển của mình trên ơn công chính hóa nhờ đức tin và trên sự vinh quang của những người được tuyển chọn. Khởi điểm lập luận của thánh nhân là ý định rộng lớn của Thiên Chúa về nhân loại. Từ ngữ “ý định” (prothesis) luôn luôn được thánh Phao-lô dùng theo nghĩa phổ quát chứ không hạn định. Một mặt, vị tông đồ nhấn mạnh Thiên Chúa gọi và con người được gọi. Đằng khác, về phía Thiên Chúa, Ngài “biết trước”, còn về phía con người, họ có “ơn gọi”; giữa Thiên Chúa và con người, có “sự tự do”. Cứu cánh của con người là ơn gọi, chứ không là tiền định. Không có bất kỳ chỗ nào dành cho việc tiền định phải chịu kết án cả.

2. Tình yêu của Thiên Chúa:

Đây là đề tài chủ đạo. Tiếng gọi của Thiên Chúa là tiếng gọi phát xuất từ tình yêu. Con người đáp trả tiếng gọi của Ngài, tức là “những ai yêu mến Người”, sẽ thấy rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ơn ích cho họ”. Ơn ích hiển nhiên là ơn cứu độ chung cuộc, nhưng chắc chắn cũng là ơn ích tinh thần đối với thời hiện tại. Từ ngữ “mọi sự”, đối lập với “ơn ích”, chỉ những thăng trầm của thế giới, cũng như những gian nan thử thách mà mỗi người phải chịu. Khi hướng dẫn các biến cố, Thiên Chúa muốn cứu độ những ai yêu mến Ngài, đôi khi Ngài dùng những phương cách gây sửng sốt.

Ngay cả khái niệm yêu mến ở nơi những lời: “Những ai Người đã biết từ trước” luôn luôn có một âm vang của việc tuyển chọn phát xuất từ tình yêu. Sự kiện Thiên Chúa biết từ trước này không là một sự chọn lựa cho bằng cái nhìn của Thiên Chúa. Qua thời gian, Ngài phân định những ai đáp trả tiếng gọi của Ngài nhờ đức tin.

3. Nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài:

Một lần nữa, thánh Phao-lô đặt sự lạc quan của mình rõ ràng trên chương thứ nhất của sách Sáng Thế. Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài; người Ki-tô hữu, trở nên con cái của Ngài, được ân sủng nhào nắn, được tiền định trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, cũng như Chúa Con đồng hình đồng dạng với Chúa Cha. Khi hiệp nhất với Đức Ki-tô, con người được “phục hồi hình ảnh và họa ảnh nguyên thủy” của mình.

Tiếp đó, thánh Phao-lô trở về khởi điểm của mình (kỹ thuật văn chương bao hàm). Thánh nhân vạch lại những giai đoạn cứu độ: tiếng gọi của Thiên Chúa, câu trả lời của con người nhờ đức tin, ơn công chính hóa và vinh quang. Chúng ta lưu ý rằng thánh Phao-lô đặt vinh quang tương lai ở thì quá khứ: “Người đã cho hưởng vinh quang” để diễn tả một điều chắc chắn. Về việc dùng thì quá khứ để diễn tả điều chắc chắn trong tương lai này, chúng ta gặp thấy một ví dụ khác trong Tin Mừng Mác-cô về việc cầu nguyện, ở đó Đức Giê-su nói: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11: 24).

Vì thế, theo thánh Phao-lô, nếu có tiền định, thì không gì khác hơn là Thiên Chúa yêu mến chúng ta từ muôn thuở. Niềm hy vọng này đem lại cung giọng đầy lạc quan cho toàn bộ chương 8 này: ý định của Thiên Chúa chính là hướng dẫn con người đến vinh quang, đó là cho Con của Ngài trở nên “trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc”.

TIN MỪNG   Mt 13: 44-52

Vào Chúa Nhật này, chúng ta hoàn tất bài diễn từ dài về các dụ ngôn của Đức Giê-su.

Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại ba dụ ngôn mới: dụ ngôn kho báu và dụ ngôn ngọc quý rất gần giống nhau, còn dụ ngôn chiếc lưới rất gần với dụ ngôn người gieo giống và dụ ngôn cỏ lùng.

1. Dụ ngôn kho báu và dụ  ngôn ngọc quý:

Hai dụ ngôn này được biệt phân rất rõ nét với các dụ ngôn trước đó. Các dụ ngôn trước liên quan đến việc loan báo Nước Trời và sự phát triển thần kỳ của nó. Các dụ ngôn đó chủ yếu là thể văn “miêu tả”. Còn Dụ ngôn kho báu và dụ ngôn ngọc quý là những “lời khuyến dụ” được gởi đến cho từng cá nhân, mang tính khẩn trương và quyết liệt, nhằm biến đổi đời sống. Nếu chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta vào vương quốc của Ngài và Đức Giê-su là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến đó, lúc đó việc chúng ta kết hiệp với Đức Ki-tô là ngay tức khắc, không thể nào chần chừ được nữa. Vì thế, việc chúng ta từ bỏ mọi sự cho điều cốt yếu duy nhất này, là chuyện dể hiểu. Với sự hiện diện của Đức Ki-tô, Nước Trời có mặt ở đây rồi. Kho báu hay ngọc quý này ở trong tầm tay của chúng ta. Việc từ bỏ mọi sự để sở hữu cho được kho báu hay ngọc quý này là niềm vui lớn lao, niềm vui của sự tự do vì được giải thoát khỏi những điều bất tất.

2. Dụ ngôn chiếc lưới:

Dụ ngôn chiếc lưới mô tả rất thực nghề đánh cá. Đây cũng là là dịp, là cơ hội để các môn đệ sống lại những kỷ niệm xưa kia của mình khi họ còn là những ngư phủ trên biển hồ Ga-li-lê. Dụ ngôn này lập lại những chủ đề của dụ ngôn cỏ lùng. Ngư phủ thả chiếc lưới xuống biển, như người nông dân gieo những hạt giống trên cánh đồng. Lưới dần dần đầy cá, nhưng phải đợi mẽ cá hoàn tất để chọn lựa cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vất đi. Cũng như người gieo giống chờ đợi mùa gặt để thu những hạt lúa tốt vào kho lẫm, còn cỏ lùng thì nhổ, bó thành bó mà đốt đi. Các Tông Đồ đã là những ngư phủ lưới người – và Giáo Hội nối tiếp bước chân của các ngài. Giáo Hội phải biết kiên nhẫn. Trong phần kết của dụ ngôn này, số phận dành bọn ác nhân được diễn tả theo cùng những ngôn từ như trong phần kết dụ ngôn cỏ lùng.

Để kết luận, thánh Mát-thêu gợi lên một kinh sư trở thành môn đệ của Đức Giê-su. Vì có được một kiến thức Kinh Thánh rất phong phú, người kinh sư biết giá trị của những thiện hảo mà Luật Mới đem đến. Lý tưởng này biểu thị rất rõ nét lý tưởng của Tin Mừng Mát-thêu đến mức chúng ta có thể nhận ra ở đây chữ ký kín đáo của thánh nhân.

Bài 3. KHÔN NGOAN LÀ BIẾT CHỌN CHÚA LÀM GIA NGHIỆP
Jos. Vinc. Ngọc Biển 

Chúng ta thường đọc thấy trên trác phương tiện truyền thông hay báo chí rất nhiều những tin đồn như ở nơi này, nơi kia có kho báu gồm: vàng, bạc, kim cương cũng như cổ vật. Khi nghe tin đồn như thế, không ít người đã làm mọi cách và dùng mọi chiến thuật để mong sao đạt được điều mà họ đang hy vọng. Còn đại đa số con người ngày nay thì kho báu của họ có lẽ là: tiền, tài, tình. Vì thế, cũng đã không ít người hăng say, lăn xả để chiếm đoạt cho kỳ được.

Với người kitô hữu chúng ta, kho tàng là gì? Làm thế nào để chiếm hữu?

1. Ý nghĩa của các dụ ngôn

Dụ ngôn “kho tàng” và “viên ngọc quý” là một trong hàng loạt dụ ngôn Đức Giêsu dùng mặc khải về Nước Trời. Bên cạnh đó, dụ ngôn “chiếc lưới” cũng giúp cho chúng ta hiểu thêm về sự kiên trì của Thiên Chúa và giá trị của những người được chọn trong ngày sau hết.

Qua ba dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn ám chỉ “kho tàng” trong thửa ruộng chính là Nước Trời, còn Đức Giêsu chính là “viên ngọc quý”.

Người lái buôn đi tìm ngọc và anh thanh niên tìm kho tàng chính là những người có đức tin, khao khát chân lý và hạnh phúc thật.

Trong công cuộc tìm kiếm này, không phải chuyện dễ dàng để gặp được. Vì thế, người tìm kiếm phải có tài, có đức và phải kiên trì, trung thành.

“Kho tàng” và “ngọc quý” vẫn có đó, nhưng có khi có người tìm thấy sớm, có người thấy muộn và cũng có kẻ đến giờ phút chót không thấy được.

Thật vậy, con người khi đã có khát khao, nhất là sự khao khát đó lại được nuôi dưỡng trong sự chờ đợi, hy vọng, thì khi tìm được, người ta đã phải bán hết mọi sự mình đang có để mua, với ý thức rằng có “kho tàng” và “ngọc quý” là có tất cả.

Khi mua được rồi, họ đâu còn tiếc nuối công khó với mồ hôi và nước mắt mà họ đã đổ ra trên hành trình tìm kiếm.

2. Sự khôn ngoan của con cái Chúa

Anh thanh niên và người lái buôn quả là người khôn ngoan. Sự khôn ngoan của họ rất giống với vua Salomon mà bài đọc I đã đề cập đến. Ông đã không xin Chúa sức khỏe, tiền tài và danh vọng, cũng như những thứ có giá trị ở đời, nhưng ông đã xin Chúa sự khôn ngoan. Lòng chân thành của ông đã được Chúa nhận lời và người đã ban cho ông gấp trăm ngàn lần. Như vậy, có sự khôn ngoan, ông có tất cả.

Đức tin là quà tặng vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Biết xử dụng đức tin trong đời sống qua các mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân là người khôn ngoan. Bởi vì nhờ có đức tin, chúng ta biết mình và biết Chúa. Biết mình giới hạn và biết Chúa quyền năng. Biết sự sống đời này là hữu hạn và sự sống đời sau sẽ trường tồn. Người khôn ngoan theo Kinh Thánh là người sẵn sàng để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình.

Tuy nhiên, con người ngày nay, mấy ai để cho Lời Chúa được lớn lên, sinh hoa kết trái như ý Chúa???

Họ là những con người lầm lạc, sự khôn ngoan của họ là sự ngu đần trước mặt Thiên Chúa. Khôn ngoan của những người này chính là “Khôn ngoan của con cái tối tăm” họ thực hiện điều họ cho là khôn ngoan trongtội lỗi, và như một hệ lụy, họ không nhìn ra đâu là sự thiện, sự ác, không biết lo cho phần rỗi đời đời, nên đến cuối đời, họ như những con cá bị loại ra ngoài, không được cho vào giỏ của ông chủ.

Thật vậy, người khôn ngoan theo ý muốn của Thiên Chúa là người biết xác định rõ : “Khôn thế gian làm quan địa ngục“; “Dại thế gian làm quan Thiên Đàng” và “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì?” (Mt 16, 26).

Người khôn ngoan theo Kinh Thánh chính là người sống hôm nay mà biết lo cho tương lai. Phải chu toàn bổn phận trần thế, nhưng không phải vì thế mà quên thực tại Nước Trời mai hậu. Sống trên trần gian nhưng không thuộc về trần gian.

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải khước từ những thứ được coi là thấp hèn. Không quá coi trọng vật chất. Khước từ tính kiêu ngạo, thích ăn trên ngồi trước. Phải sống chan hòa tình nghĩa với nhau.

Phải tin tưởng vào Chúa tuyệt đối, không thể tin nửa vời để rồi dẫn đến tình trạng mê tín dị đoan như tin thầy bùa, thầy ngải, thổ địa…

Hãy mau mắn thi hành Lời Chúa dạy. Trung thành với Giáo Huấn của Giáo Hội.

Sẵn sàng hy sinh tất cả, để chỉ còn “… mối lợi truyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô (9) và được kết hợp với Người”(Pl 3, 8-9).

Nước trời không thể đến với những người: “Bắt cá hai tay”; vì: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”; và hạnh phúc không thể có đối với người chỉ biết “há miệng chờ sung rụng”.

Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa ban Thánh Thần của Ngài xuống giúp chúng con biết nhận ra đâu là điều tốt, đâu là điều xấu để chúng con lựa chọn. Xin cho chúng con ơn can đảm và trung thành vì Nước Trời. Amen.

Bài 4. Khám phá Kho Báu Tin Mừng
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
 

Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một kho tàng quý báu đó là Tin Mừng sự sống được rao truyền cho nhân loại suốt hai ngàn năm qua.

Kho tàng ẩn giấu dưới lòng đất

Qua bao đời, người Ả-rập Xê-út sống ngay trên những túi dầu khổng lồ với một trữ lượng lớn lao vượt xa các nơi khác trên thế giới mà không hay biết. Hiện nay, Ả-rập Saudi sở hữu 266,75 tỷ thùng dự trữ dầu, chiếm khoảng 20% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Thế mà, suốt cả mấy ngàn năm trước đây, tổ tiên ngàn đời của họ phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực vì đất nước của họ gồm phần lớn là sa mạc nóng cháy với một khí hậu khắc nghiệt khác thường.

Mãi cho đến năm 1938, nhờ kỹ thuật tân tiến của phương Tây, họ mới khám phá và khai thác những túi dầu lửa khổng lồ nằm ngay dưới bước chân mình. Nhờ đó, từ thân phận nghèo khổ bần cùng nhất thế giới, họ trở nên một dân tộc giàu có, phồn vinh.

Tiếc thay, biết bao nhiêu thế hệ cha ông họ đã phải sống túng thiếu cùng cực ngay trên trữ lượng “vàng đen” khổng lồ vì không phát hiện được kho tàng ẩn giấu!

Kho tàng ẩn giấu trong cuốn Tin Mừng

Vì lòng yêu thương vô bờ dành cho con cái mình, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một kho tàng quý báu hàng tỷ lần hơn kho dầu bên Ả-rập; đó là Tin Mừng sự sống được rao truyền cho nhân loại suốt hai ngàn năm qua.

Tin Mừng Chúa Giê-su là sự khôn ngoan của Thiên Chúa được Chúa Giê-su mang từ trời xuống tặng ban cho thế giới.

Tin Mừng Chúa Giê-su là phương dược cứu chữa nhân loại khỏi chia rẽ, hận thù và tự hủy diệt.

Tin Mừng Chúa Giê-su đề ra giải pháp tối ưu để xây dựng một thế giới yêu thương huynh đệ, công bằng, hạnh phúc.

Nhưng tiếc thay, cũng như người Ả-rập trước đây phải sống lây lất trong nghèo đói, bần cùng và lạc hậu vì không biết khám phá và khai thác những túi dầu khổng lồ dưới chân mình, thì nhiều người hiện nay vẫn chưa phát hiện được những giá trị vô cùng cao quý do Tin Mừng mang lại nên phải sống trong tình trạng nghèo tình thương, đói công lý, nhân phẩm bị chà đạp, công bằng xã hội bị tiêu hủy, hố cách biệt giàu nghèo gia tăng, nếp sống đạo đức sa sút nghiêm trọng…

Sở dĩ như thế là vì Tin Mừng là kho báu, nhưng là kho báu ẩn giấu dưới những dòng chữ, là ngọc quý ẩn mình trong những trang sách, nên mặc dù sách Tin Mừng đang ở trong tầm tay mọi người, nhưng nhiều người không phát hiện được giá trị tiềm ẩn bên trong nên không tìm cách khai thác để mang lại lợi ích cho mình.

Hăm hở khai thác kho tàng

Hiện nay, khi thấy dấu hiệu có trữ lượng dầu lửa đáng kể nằm sâu dưới lòng đất hay dưới lòng đại dương, các quốc gia lân cận lập tức xác nhận chủ quyền của mình trên những vùng biển hay vùng đất đó và tìm cách khai thác cho bằng được. Nếu cần, các quốc gia liên hệ có thể huy động cả lực lượng quân đội hùng hậu nhất để cưỡng chiếm những vùng đất đó nhằm thu lợi về cho riêng mình. Nói chung, ai cũng hăm hở khai thác những nguồn lợi nằm trong tầm tay của mình dù phải trả giá rất cao.

Đó cũng là chọn lựa của anh nông dân bất ngờ khám phá ra kho báu hay của một thương gia đi săn lùng ngọc quý trong dụ ngôn Tin Mừng Mát-thêu sau đây (13, 44-46):

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

Lạy Chúa Giê-su,

Tin Mừng của Chúa là một kho tàng tuyệt vời đang ẩn mình dưới những dòng chữ, là viên ngọc vô cùng quý báu chìm khuất trong những trang sách, nhưng tiếc thay, vì người đời chẳng hay biết nên họ tỏ ra dửng dưng, hờ hững với Kho Tàng nầy.

Xin cho chúng con biết đánh giá đúng giá trị của Tin Mừng để rồi quyết tâm khám phá cho bằng được và sẵn sàng đầu tư khai thác không quản ngại phí tổn về thời giờ và công sức; vì một khi sở hữu được kho tàng vô giá nầy, một khi làm chủ được viên ngọc quý báu nầy, cuộc đời của mỗi người sẽ được cải thiện, xã hội sẽ có thêm công bằng hạnh phúc và tương lai của nhân loại sẽ bừng sáng.

Bài 5. KHO BÁU CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Kho báu Tin Mừng của thánh Matthêu nói tới ở đây là bảo vật quí báu : Nước Trời hay chính Đức Giêsu. Chính vì Nước Trời là bảo vật vô song, quí giá đến độ con người phải hy tất cả để chiếm hữu lấy.Nước Trời có hai giai đoạn, lúc đầu kẻ lành, người dữ, sự lành, sự dữ, bóng tối ánh sáng lẫn lộn với nhau, nhưng tới ngày tận thế, Chúa sẽ phân chia, phân rẽ ra rõ ràng.

Kết thúc phần loan báo mầu nhiệm Nước Trời bằng ba dụ ngôn “Lúa và cỏ lùng”, “Hạt cải”, “Nắm men”. Ba dụ ngôn này nói lên giá trị tuyệt đối của Nước Trời. Tuần này, toàn bài Tin Mừng có thể chia thành ba khúc : “Hai dụ ngôn bảo vật và viên ngọc quí”, “Dụ ngôn chiếc lưới”, “Lời kết thúc chung cho các dụ ngôn”. Nước Trời thật giá trị, thật cao quí như bảo vật, như ngọc hiếm. Do đó, người tìm ngọc hay ông thương gia đều rất trân trọng, quyết liệt đòi chiếm hữu chúng cho bằng được.Chúng ta có thể hiểu được rằng trước thời Chúa Giêsu hay chính thời Chúa Giêsu đang sống khi có chiến tranh xẩy đến người ta đem chôn giấu các bảo vật, vàng, ngọc xuống đất để tránh kẻ xâm lăng lấy đi. Khi biết được thửa ruộng, thửa vườn nào có của quí, vàng, ngọc chôn giấu, người ta sẵn sàng bán tất cả để mua lấy thửa vườn, thửa ruộng với ước vọng tìm được của quí giá dưới đất.Nước Trời là nơi người Kitô hữu luôn mong chờ đi đến. Người Kitô hữu sẽ hân hoan vui sướng tìm đủ cách để chiếm hữu với đức tin, với sự cố gắng hy sinh ngay cả phải bỏ cả mạng sống… Nước Trời cũng giống như chiếc lưới thả xuống: dụ ngôn này tương tự dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Lúc đầu cá lớn cá bé, cá không ăn được lẫn lộn với nhau nhưng sau đó người ta lựa cá tốt cho vào giỏ, cá xấu quăng đi. Ngày cùng tận của thế giới cũng vậy, Chúa sẽ phân chia kẻ lành, người dữ v.v… Chúa nói trong phần cuối của Tin Mừng hôm nay về những Kinh sư, những người am tường thần học, giỏi về luật lệ, nếu họ biết lợi dụng cái tốt cái xấu trong kho, nghĩa là biết dùng kiến thức, sự khôn ngoan để tìm hiểu Nước Trời, họ sẽ chiếm hữu được nó.

Thật thế, Nước Trời nghĩa là Chúa Giêsu và Lời của Ngài đã đến trong trần gian từ lâu lắm rồi. Con người phải biết trân trọng, chóng vánh đón nhận với lòng hân hoan, dạ đơn thành, với sự hân hoan, vui vẻ đến nỗi nếu cần phải hy sinh tất cả để được Nước Trời. Con người và chúng ta đã có thái độ dứt khoát để luôn chân thành lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa chưa? Chúng ta đã để chỗ ưu tiên cho Chúa và Giáo Hội hay chưa hay chúng ta vẫn thờ ơ với Lời Chúa và Nước Thiên Chúa?

Vâng, những người mà Tin Mừng nói tới là những người khôn ngoan đã biết sàng lọc, chọn lựa, đã biết tìm cho mình cái gì là giá trị, là quý hóa nhất cho mình. Họ khôn ngoan vì biết cân nhắc, biết phân định rõ ràng cái gì xấu, cái gì tốt : lúa và cỏ dại, bảo vật, vàng, ngọc, cá tốt, cá xấu v.v… Những người này là những người đã dám từ bỏ, liều mất mạng sống, dám bán hết gia tài sự nghiệp, dám dấn thân vì Chúa, vì Giáo Hội, vì tha nhân để chỉ có một mục đích duy nhất là tìm được Nước Trời.

Xin mượn lời của Philippe Cochinaux, o.p. viết để kết luận bài chia sẻ này : Điều mà Chúa Giêsu và vua Salômôn nhắc nhở chúng ta, ấy là cái kho báu chôn giấu trong ruộng và viên ngọc quí ấy minh họa một lời nói khác của Đức Giêsu, cũng được ghi lại trong Matthêu “kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó”. Kho tàng của chúng ta đang ở đâu ? Là câu hỏi được đưa ra, mời chúng ta tự hỏi.Có nghĩa là Thiên Chúa đang ở đâu, trong cuộc đời chúng ta ? Câu trả lời thì đơn sơ, đơn sơ làm sao : ở trong lòng chúng ta. Mà nói như vậy là thế nào ? Điều quan trọng không phải là những ý tưởng tốt lành của chúng ta, ngay cả những lời tuyên bố của chúng ta cũng không phải. Điều quan trọng là chúng ta dùng thời giờ của mình như thế nào, đem sự quan tâm của mình, những tài năng cá nhân, nội tâm của mình, sử dụng vào những điều gì”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan như vua Salômôn đã xin với Chúa để chúng con biết tìm kiếm Nước Trời và đừng quá bám víu vào những sự chóng qua ở đời này. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. ÔBAC đã dành cho Nước Trời bao nhiêu phần trăm trong ngày ?
2. ÔBAC có coi Nước Trời là ưu tiên số một trong đời sống của mình chưa ?
3. Vua Salômôn đã xin gì với Thiên Chúa ?
4. Thế nào là khôn ngoan ?
5. ÔBAC đã dám liều thân tìm kiếm Nước Trời hay còn gì cản trở ÔBAC trong việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa
 ?

Bài 6. KHÔN NGOAN
P. Trần Đình Phan Tiến

Chủ đề Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta thấy mầu nhiệm Nước Trời là một giá trị không thể so sánh được bởi bất cứ giá trị nào của trần thế. Đó là sự khôn ngoan đích thực.

Khởi đi từ bài đọc I (1V 3,5. 7-12), Vua Salomon đã xin cùng Thiên Chúa ban cho người ơn khôn ngoan. Đến độ sự khôn ngoan của Vua Salomon vượt trên tất cả sự khôn ngoan của trần thế, đến độ trước ông và sau ông cũng không ai khôn ngoan bằng ông. Vì sự khôn ngoan của Vua Salomon chính là ông cầu xin Thiên Chúa ban cho ông sự “KHÔN NGOAN”.

Vậy khôn ngoan là gì? Chúng ta thấy trong Thánh Kinh thường nhắc đến khôn ngoan. Khôn ngoan ví như người trinh nữ dịu hiền chung thủy với lang quân của mình. Và có cả một sách Khôn Ngoan. Rồi chúng ta nhớ đến câu truyện Mười Cô trinh Nữ đi đón chàng rễ, nhưng chỉ có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại.

Dẫn vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu cho chúng ta ba dụ ngôn tiếp theo là :

Kho báu (Mt 13, 44)

Ngọc quý (Mt 13, 45-46 )

Chiếc lưới cá (Mt 13, 47-50)

Trong số bảy Dụ Ngôn theo Tin Mừng thánh Mat-thêu, phần IV, MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI. Trong phần 2 của Mat-thêu, phần Bài Giảng bằng Dụ Ngôn, có bảy Dụ Ngôn, chúng ta đã được đọc bốn Dụ Ngôn, còn lại ba Dụ Ngôn hôm nay.

Theo đó, chúng ta biết , Chúa Giêsu đã dùng những dụ ngôn để nói về Nước Trời. Vậy, chúng ta cũng có thể hiểu, Nước Trời chính là Lời Chúa, Nước Trời chính là Giáo Hội tại thế trên hành trình tiến về Nhà Cha, Nước Trời cũng chính là Chúa Giêsu, bởi vì Giáo Hội được hiểu như là mình mầu nhiệm Chúa Giêsu. Từ đó, chúng ta hiểu được những dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã nói về Nước Trời, dù những chủ đề của mỗi dụ ngôn được nói về một vấn đề, như chủ đề dụ ngôn Chúa nhật tuần trước được nói về sự khoan dung và kiên nhẫn của Thiên Chúa, nhưng tựu trung đều chỉ về Nước Trời.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết về chủ đề : “KHÔN NGOAN”. Vâng, khôn ngoan rõ ràng là một điều gì đó bởi Thiên Chúa, khôn ngoan rất cần thiết cho chúng ta. Vì khôn ngoan tạo nên giá trị cuộc sống, khôn ngoan bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống. Vì vậy, sự khôn ngoan rất cần thiết cho chúng ta, vì sự khôn ngoan bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì sự khôn ngoan từ Thiên Chúa là khôn ngoan thật, vì Thiên Chúa là chân lý, khác với sự khôn ngoan giả trá của thế gian. Vì thế gian cũng có sự khôn ngoan, nhưng là sự khôn ngoan quỷ quyệt, giả trá, tức là sự khôn ngoan của quỷ. Đến đây, chúng ta nhớ lại có lần Chúa Giêsu nói : “Con cái thế gian thì quỷ quyệt (khôn ngoan) hơn con cái sự sáng” (Lc 16 , 8). Có nghĩa là, sự khôn ngoan của ma quỷ là sự dự, đưa con người đến chổ bị diệt vong. Nhưng sự khôn ngoan Nước Trời, thì thế gian cho là khờ dại. Theo đó, sự tính toán của thế gian là để sinh lợi cho của cải thế gian. Nhưng thế gian lại không trường tồn, vì vậy, thế gian trở nên khờ dại. Ngược lại Nước Trời hằng hữu, vì thế, muốn chiếm lấy Nước Trời thì cũng phải biết khôn ngoan. Hãy nói cách khác hãy học lấy cách khôn ngoan của thế gian cho việc mua lấy Nước Trời, mặc nhiên bằng sự khôn ngoan, chứ không phải bằng bạo lực.

Vậy, khôn ngoan từ Thiên Chúa là điều cần thiết, khôn ngoan không ồn ào, khôn ngoan không bất công, khôn ngoan không chèn ép. Nghĩa là “không dập tắt tim đèn còn cháy, không đạp nát bụi lau”. Khôn ngoan của sự sáng chính là “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa.

Trở lại Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói : “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền đem chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (c 44) (Dụ ngôn kho báu).

Theo đó, chúng ta thấy, Dụ Ngôn Kho Báu là một cái điều gì đó thật may mắn, thật bất ngờ. Như trúng số vậy, có nghĩa là do trò chơi “Trời cho” Điều nầy có thể được hiểu theo lời của thánh Phao-lô tại bài đọc II (Rm 8, 28 – 30). Có nghĩa là “Ý định cứu độ của Thiên Chúa”, chính là một kho báu dành cho những ai được kêu mời. Như vậy, thái độ của người Kitô hữu phải biết trân trọng đón nhận ơn cứu độ, thì mới xứng đáng với những điều họ được Thiên Chúa kêu mời. Nếu thật sự, nhân thế gặp được một kho báu trong thửa ruộng của mình, thì mình có hết sức vui mừng như vậy không? Tâm tình của người đón nhận ơn cứu độ có vui mừng như thế không? Giá trị siêu nhiên bao giờ cũng lớn hơn bội phần giá trị vật chất, nhưng chúng ta có biết khám phá ra giá trị siêu nhiên không?

Theo đó, Dụ ngôn thứ hai: Ngọc quý, Chúa Giêsu nói tiếp : “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tim được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (c 45-46).

Cũng như tâm tình trên, chúng ta thấy, Chúa Giêsu dùng những dụ ngôn thật dễ hiểu, một sự so sánh rất gần gũi. Nhưng đối với người thực thi, thì đòi hỏi phải có một thái độ dứt khoát, một sự đánh đổi, chọn lựa điều mà mình nhận ra là quý giá đó. Chúng ta thấy, người thương gia buôn ngọc là người sành sỏi về ngọc, đối với ông ta có một sự lão luyện trong nghề nghiệp, biết nhận ra ngọc tốt, xấu, có nhiều kinh nghiệm trong công việc của mình. Và như vậy, khi gặp được viên ngọc đẹp, tức thì, ông ta âm thần về bán hết tài sản để mua viên ngọc ấy. Đó là sự chọn lựa đứt khoát, muốn vậy, người được mời gọi trở nên Kitô hữu cũng phải nhận ra giá trị Nước Trời giống như vậy. Điều ấy có nghĩa là, chúng ta phải biết nhận ra giá trị siêu nhiên quý giá như thế nào? Giữa giá trị thực tại và giá trị vĩnh hằng, giữa giá trị hữu hình và giá trị siêu nhiên quan trọng như thế nào?

Dụ ngôn thứ ba : Chiếc lưới cá

“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì nhốt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó chúng phải khóc lóc nghiến răng” (c 47 – 50).

Chúng ta thấy, dụ ngôn chiếc lưới cá và dụ ngôn cỏ lùng gần giống nhau. Như vậy, về ý nghĩa thì dụ ngôn chiếc lưới đã rõ ràng. Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta về người tốt và kẻ xấu, người lành và kẻ dữ, kèm theo số phận của từng người.

Như vậy, sự khôn ngoan cho chúng ta biết, chúng ta phải theo sự lành và lánh sự dữ. Vì Nước Trời là lúa tốt chứ không phải cỏ lùng, là cá tốt chứ không phải cá xấu, là người công chính chứ không phải kẻ bất lương. Nước Trời rạch ròi như ánh sáng không pha lẫn bóng tối. Vì có lần Chúa Giêsu nói : “Nếu các người không ăn ở công chính hơn những người biệt phái và pharisiêu thì không được vào Nước Trời đâu.” (Mt 5, 20). Và : “Nếu các ngươi không nên như trẻ nhỏ, thì cũng sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3).

Dụ ngôn Kho Báu và Ngọc Qúy cho chúng ta ý thức của sự khôn ngoan. Vì khôn ngoan là điều kiện duy nhất để đạt được Nước Trời. Vì giá trị siêu nhiên hơn hẳn giá trị vật chất. Muốn vậy, cần có ơn khôn ngoan, mới có đủ sức mạnh và can đảm để chọn lựa và tiến đến Nước Trời.

Dụ ngôn chiếc lưới cá cho chúng ta thấy sự khoan dung của Thiên Chúa có kỳ hạn, có mở đầu , ắt có kết thúc. Đồng thời mặc khải cho biết sự công thẳng của Thiên Chúa, quyền năng, công thẳng, và uy quyền của là Đấng Tạo Thành.

Như vậy, Nước Trời chính nơi kêu gọi con người nên thánh, vì vậy được gọi là Hội Thánh, Hội Thánh được xây dựng bởi Lời Chúa. Theo đó, chính Chúa Giêsu là Thân Thể, Nhiệm thể của Hội Thánh, và nếu không có Hội Thánh trần thế, thì cũng không có Hội Thánh mai sau. Vì Chính Chúa Giêsu chết và sống lại cho Hội Thánh mà Người thiết lập trên trần thế. ( xin đừng nhầm lẫn Hội Thánh chỉ có ở tại trần thế, như vậy là lạc giáo mất).Từ đó, sự khôn ngoan chính là điều tiên quyết để nhận ra và tiến bước theo Nước Trời.  

Kết luận : Nước Trời là chính Giáo Hội, đồng thời là Thân Mình mầu nhiệm Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha xức dầu tấn phong làm Đấng Cứu Thế, bằng cuộc tử nạn và phục sinh. Vì vậy, Nước Trời không phải là nơi hỗn độn, mà là nơi được chọn lựa kỹ càng. Vì thế, muốn vào Nước Trời, chúng ta phải cầu xin ơn khôn ngoan để nhận biết chân lý, hầu kiên tâm vững chí bước theo.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mặc khải Nước Trời bằng những dụ ngôn để cho những ai nhận biết, thì biết sẵn sàng khôn ngoan tìm lấy, hầu đón nhận ơn cứu độ từ chính Chúa, là nguồn khôn ngoan. Amen./.

Bài 7. NGƯỜI KHÔN NGOAN THÌ BIẾT CHỌN LỰA ĐÚNG
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

...
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận