Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu

Đăng lúc: Thứ ba - 08/07/2014 20:57 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG GIẢNG LỄ

THEO CÁCH THỨC CỦA ĐỨC GIÊSU

Trong đời sống nhân loại, nghệ thuật dùng ngôn từ đã trở thành nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của diễn giả. Người có khả năng sử dụng ngôn từ lưu loát sẽ khiến thính giả chăm chú lắng nghe, khâm phục và khi đó sứ điệp Lời Chúa dễ dàng được đón nhận. Thật vậy, một diễn giả có học vấn cao nhưng không có tài sử dụng ngôn từ sẽ gặp khó khăn trong việc truyền tải sứ điệp Lời Chúa cho người nghe. Như thế, vô hình trung đã bị thất bại trong giảng thuyết. Còn một diễn giả dùng ngôn từ sắc bén, dễ hiểu, có sức lôi cuốn sẽ giúp người nghe gặp gỡ được với Thiên Chúa và sống theo Lời Thiên Chúa dạy; đồng thời làm cho bầu khí xung quanh trở nên sinh động[1], đó là một thành công lớn trong công việc giảng thuyết.

Thật thế, ngôn ngữ là một loại công cụ để bày tỏ tình cảm, tư tưởng không thể thiếu trong đời sống con người. Giỏi nói năng, nhỏ thì vui vẻ, lớn thì thành công trong công việc; còn không biết nói năng, nhỏ thì gây hấn, lớn thì thất bại. Người biết nói năng, có thể làm cho người nghe mặt mày rạng rỡ, còn người không biết nói năng làm cho người nghe váng đầu nhức óc[2]. Người giỏi nói năng thì dùng ngôn từ tinh túy và dễ hiểu. Người không biết nói năng thì dùng ngôn từ khó nghe, mơ hồ và khó hiểu.

Chính vì lẽ đó, một trong những bổn phận quan trọng của đời linh mục là việc rao truyền Lời Chúa. Linh mục thi hành nhiệm vụ này không mang tư cách cá nhân, nhưng với tư cách là thừa tác viên của Lời. Do đó, linh mục cần phải đặt mình vào sứ vụ đã lãnh nhận để nhân danh Đức Kitô mà rao giảng Lời cho mọi người hiểu và sống đúng với những điều Chúa truyền. Nhưng phải rao giảng như thế nào để cho Lời Chúa đến được với mọi hạng người và mang lại kết quả cao nhất, thì đó lại là một vấn đề. Thật thế, mục tiêu của diễn giả khi bước lên bục giảng là nhằm giúp cho tâm hồn của các thính giả hướng về Thiên Chúa, chiêm ngắm Thiên Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và gặp gỡ Chúa qua Lời của Ngài. Cho nên, nếu diễn giả không mấy quan tâm đến việc làm thế nào để có thể rao giảng Tin Mừng cách tốt nhất, thì khó mà có khả năng giúp giáo dân gặp được Chúa một cách dễ dàng. Bởi đó, diễn giả cần luyện tập sử dụng ngôn từ trong giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu.

I. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ

Giảng lễ là một nghệ thuật cần được trau dồi sao cho sứ điệp Tin Mừng đến được với người nghe một cách hiệu quả nhất. Do đó, ngôn từ mà người giảng dùng phải trở thành thứ dụng cụ sắc bén cho sự thuyết phục của Chúa Thánh Thần, và cũng trở thành phương tiện chuyển tải lương thực nuôi dưỡng đức tin của người tín hữu[3]. Bởi đó, diễn giả cần phải sử dụng ngôn từ khéo léo sao cho phù hợp với mục đích nhắm tới của phụng vụ Lời Chúa.

1. Sử dụng ngôn từ Kinh Thánh

Kinh Thánh là lời sống động của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là lời quyền năng, nhưng lại trao cho con người sứ mạng công bố lời Ngài: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói cha ông chúng ta qua các ngôn sứ[4]. Cùng với sứ mạng đó, Giáo hội tiếp nối các tông đồ rao giảng Tin Mừng: “Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Trời[5]. Thế là, con người tội lỗi được trao sứ mạng công bố lời thánh hóa. Con người yếu đuối được công bố lời quyền năng. Con người giới hạn được công bố Lời vĩnh cửu[6]. Tuy nhiên, những lời trong Kinh Thánh không chứa đựng quyền lực có tính ma thuật. Nhưng Kinh Thánh được nối kết trong sự duy nhất sâu xa với mạc khải, đức tin, ân sủng và Thánh Thần. Trong ý nghĩa đó, ngay hôm nay, Lời Chúa đang là lời mạc khải, hoạt động, hiệu nghiệm và đạt thấu tâm hồn người nghe[7]. Vì thế, diễn giả cần dùng “ơn riêng Thiên Chúa đã ban mà phục vụ người khác. Như thế, diễn giả mới là những người khéo léo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa[8]. Tuy nhiên, khi công bố Lời Thiên Chúa, dấu ấn con người trong lời Ngài vẫn không vắng mặt, vì “Thiên Chúa dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ để công bố như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn[9].
Thật vậy, giảng lễ là giảng về Thiên Chúa, giải thích Lời Thiên Chúa. Do đó, việc sử dụng ngôn từ trong bài giảng cần dùng nhiều Lời Chúa. Vì Lời Chúa là nền tảng để diễn giả khai triển sứ điệp cho người nghe nắm bắt điều Chúa muốn nói cho họ. Chính vì thế, diễn giả nên đi từ Kinh Thánh đến Kinh Thánh cho người nghe. Bởi lẽ, ngôn từ trong Kinh Thánh rất phong phú và tinh túy, vì các tác giả Tin Mừng đã viết lại những mạc khải cao siêu bởi ngôn ngữ con người. Cho nên, ngôn từ trong Kinh Thánh phản ánh được tất cả các thực tại trần thế. Bởi đó, Đức Giêsu nói với các thượng tế và người Pharisêu rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kì diệu trước mắt chúng ta”. Từ câu Kinh Thánh này, Đức Giêsu lên án các thượng tế và Pharisêu từ khước Nước Trời, thì Thiên Chúa sẽ lấy đi mà ban cho dân khác. Ngài nói: “Tôi nói cho các ông hay: Nước Trời, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi[10].
Đức Hồng Y Carlo Martini[11] đã nói về việc sử dụng ngôn từ trong Kinh Thánh như sau: “Kinh Thánh không phải là một cuốn sách như các sách khác. Kinh Thánh không chỉ chứa đựng lời Thiên Chúa mà thôi, mà còn là Lời vang lên trong lịch sử và trong Giáo hội, nuôi dưỡng tín hữu khi họ lắng nghe và vâng phục, khuyến khích họ, an ủi, trợ lực và soi sáng cho họ. Đó không chỉ là tái tạo cho đúng Lời Chúa, mà còn là Lời mạc khải, mạc khải bằng hành động trong sức mạnh của Thánh Thần, Đấng đã linh hứng và làm cho Lời đó được công bố giữa lòng Hội Thánh[12]. Do đó, chỉ có cách học hỏi nghiêm túc, suy gẫm những bài đọc từ Kinh Thánh[13] mới làm cho diễn giả thấm nhuần ngôn từ Kinh Thánh mà thôi. Nhưng không phải vì thế, khi giảng lễ, diễn giả toàn đưa ra những ngôn từ chuyên môn thần học, đó không phải là phương cách tốt cho việc giảng lễ. Thế nên, khi giảng cần tránh dùng nhiều ngôn từ chuyên môn.

2. Tránh dùng nhiều ngôn từ chuyên môn

Thừa tác viên của Lời là những người được học hỏi và đào sâu về thần học. Vì thế, không nên dùng những ngôn từ chuyên môn thần học mà nên sử dụng những ngôn từ phổ thông để diễn đạt ý mình và làm cho người nghe thông hiểu. Thật thế, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: Thầy phải dùng những ngôn từ phổ thông để trình bày mầu nhiệm Nước Trời cho dân chúng, vì họ không “được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời như anh em[14].
Thật vậy, có nhiều diễn giả đã thất bại ngay từ đầu chỉ vì dùng quá nhiều ngôn từ chuyên môn khiến thính giả không hiểu diễn giả đang nói gì[15]. Nếu diễn giả không quan tâm đến kiến thức chung những người đang lắng nghe, mà cứ thao thao bất tuyệt những ngôn từ xa lạ, những ngôn từ chuyên môn mang tính chuyên biệt thần học, thì làm sao họ hứng khởi ngồi đó để nghe. Trong khi những ngôn từ đó quá xa vời, khó có thể hiểu được đối với giáo dân ít học. Thật thế, khi Đức Giêsu giảng cho người phụ nữ Samari về Nước Hằng Sống. Tuy vấn đề cao siêu nhưng Ngài đã dùng những ngôn từ đơn giản dễ hiểu để nói với Chị. Bởi đó, chị ta đã hiểu và tin vào Chúa, rồi đi báo tin cho người khác nữa: “Hãy đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm[16]
Vậy, khi giảng lễ, diễn giả nên tìm hiểu để biết những người nghe mình là ai, trình độ thế nào để trình bày cho rõ ràng mạch lạc và dễ hiểu. Nên đưa ra những sự việc, sự kiện thật rõ ràng kèm theo những lý giải, chú thích cho sáng sủa sứ điệp Lời Chúa. Tuy nền thần học tiến triển nhưng không thể nói về Thiên Chúa ngoài những chuyển hóa của nên văn hóa. Vấn đề ở đây không phải là biến bài giảng trên bục giảng thành một diễn đàn để đem ra bàn cãi về những vấn đề đang được tranh luận, mà là để từ tòa giảng nói về Chúa Giêsu bằng một thứ ngôn từ thông dụng, diễn đạt gần gũi, dễ hiểu để người nghe dễ dàng chấp nhận và tin vào Thiên Chúa tình yêu[17]. Nhà thần học Karl Rahner nói: “Cần phải đem lại cho các ngôn từ một ý nghĩa mới để nó cho phép hấp thụ vào trong đức tin người nghe về mầu nhiệm đã được biểu đạt[18]. Thật thế, cách thức Đức Giêsu giảng cho những hạng người tiếp nhận lời Chúa như sau: “Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất[19]… Sau đó, Ngài giải nghĩa: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: Đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường[20]
Thật thế, diễn giả muốn cho người nghe hiểu được điều mình trình bày, thì phải nói những ngôn từ đơn giản và đưa ra những chi tiết cần thiết; đồng thời cần trách những ngôn từ chuyên môn thần học hoặc triết học. Diễn giả không chỉ ý thức về vấn đề sử dụng ngôn từ chuyên môn, mà còn phải quan tâm đến kiến thức phổ thông trong số đông của cộng đoàn. Do đó, “khi đám đông dân chúng tụ họp bên Đức Giêsu, Ngài đã dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều[21], vì họ không có khả năng hiểu được những ngôn từ chuyên môn thần học.
Nếu người giảng không để ý đến đối tượng đang nghe kiến thức như thế nào, để chọn ngôn từ cho phù hợp với đối tượng đó, thì khó mà thành công trong việc giảng lễ. Nếu không ý thức về điều này, thì những ngôn từ diễn giả nói ra toàn là những ngôn từ trên mây trên gió làm cho người nghe như “vịt nghe sấm”. Diễn giả cứ nói dông dài, đi từ những ý tưởng này đến ý tưởng khác, dùng những ngôn từ chỉ phù hợp với các giờ học chuyên môn thần học hoặc triết học, thì làm sao thính giả nắm bắt được. Những ngôn từ dùng chỉ có mình hiểu và chỉ có ý nghĩa đối với các nhà chuyên môn thần học thì chẳng ích gì khi đứng trên bục giảng lễ[22].
Lời khuyên của Beveridge[23] dành cho những nhà giảng thuyết như sau: “Một cách luyện tập diễn thuyết tốt là chọn ra một thành viên trông có vẻ kém thông minh nhất trong khán giả và làm cho người này hiểu được vấn đề bạn đang muốn đưa ra để thuyết trình. Muốn làm được như thế, câu cú, ngôn từ của bạn khi dùng phải xác thực, lý lẽ phải rõ ràng”[24].

Quả thật, khi giảng lễ, diễn giả sử dụng quá nhiều ngôn từ chuyên môn thần học, triết học hoặc các ngôn từ ngoại quốc, thì sẽ làm cho người nghe có cảm tưởng diễn giả đang khoe chữ. Thính giả cảm thấy diễn giả thích thể hiện mình mà không có sự khiêm nhường. Một khi thính giả có cảm tưởng như vậy, chắc chắn diễn giả sẽ bị thất bại hoàn toàn trong giảng lễ. Cho dù, diễn giả có tư tưởng hay đến đâu, trình bày lưu loát mạch lạc và sinh động đến mấy, người nghe cũng khó mà có cảm tình tốt. Bởi đó, khi giảng lễ, diễn giả cần dùng những ngôn từ giản dị, sáng sủa phù hợp với người nghe thì mới mong đạt được điều mình mong muốn.

3. Sử dụng ngôn từ giản dị, sáng sủa với người nghe

 Trong quá trình giảng lễ, diễn giả nên dùng những ngôn từ giản dị dễ hiểu, gần gũi với người nghe là một khâu hết sức quan trọng. Nếu dùng những ngôn từ khó hiểu, mơ hồ huyền hoặc, thì bất kể nội dung có hay đi chăng nữa, thì cũng không thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Bởi đó, diễn giả muốn dùng những ngôn từ giản dị dễ hiểu, sáng sủa cần học nơi Đức Giêsu và chú ý những điểm sau[25]:
+ Thứ nhất, cần hết sức ngắn gọn, đơn giản, sáng sủa. Ngôn từ càng đơn giản sáng sủa bao nhiêu càng tốt. Có một số diễn giả khi trình bày một tư tưởng nào đó lại thích nói nhiều lời, nhưng không diễn đạt được ý mình muốn nói. Người nghe mất rất nhiều thì giờ và trí lực nhưng không biết diễn giả nói gì.
+ Thứ hai, không dùng những ngôn từ lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong tiếng Việt, đúng là có khi phải dùng câu trùng lặp để làm cho người nghe chú ý hoặc để tăng cường ngữ khí. Tuy nhiên, nếu diễn giả lạm dụng những câu trùng lặp nhiều quá sẽ làm bài giảng trở nên nặng nề.
+ Thứ ba, không nên dùng nhiều lần một danh từ nào đó. Nói chung, người nghe thích diễn giả dùng danh từ đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, diễn giả không nên dùng nhiều danh từ mới, nhưng cần cố gắng đa dạng hóa trong chừng mực có thể và thỏa đáng trong việc dùng ngôn từ khi giảng. Cho dù là một danh từ mới hấp dẫn, nhưng nếu diễn giả cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài giảng, ắt hẳn danh từ đó sẽ mất đi tính hấp dẫn của nó, thẩm chí còn làm cho người nghe cảm thấy nhàm chán.
+ Thứ tư, cần tránh những lời thô tục. Ngạn ngữ có câu: “Ngôn từ là mũ áo học vấn và phẩm cách con người”. Thật vậy, thừa tác viên của Lời, nếu nói ra những lời thô tục thì sự kính trọng của người khác đối với diễn giả lập tức sẽ bị coi thường.
+ Thứ năm, không lạm dụng thuật ngữ. Những ngôn từ thuật ngữ có hàm nghĩa sâu xa hão huyền không nên dùng trong giảng lễ. Nếu dùng nhiều thuật ngữ chuyên môn, cho dù dùng một cách thích đáng, thì cũng khiến người nghe nghĩ rằng mình khoe khoang chữ nghĩa.

Trên đây, người viết chỉ nêu những vấn đề thường gặp nơi các diễn giả. Còn những vấn đề khác ít thấy hơn thì diễn giả nên để ý quan tâm để rút kinh nghiệm và khắc phục. Nếu diễn giả biết dùng những ngôn từ giản dị, sáng sủa, sinh động, gần gũi với người nghe thì diễn giả đó đã trở thành một nhà giảng thuyết thực sự. Thật vậy, Đức Giêsu dùng những ngôn từ rất giản dị, sáng sủa, sinh động và gần gũi với người nghe: “Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc. mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?[26]… “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho[27]… “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong[28]
Thật vậy, khi giảng lễ, diễn giả nên dùng các ngôn từ bình dân thường sử dụng để diễn tả ý mình muốn nói, hoặc dùng những ngôn từ ngắn gọn đơn giản không dài dòng. Nên sử dụng ngôn từ phổ thông hơn là các phương ngôn[29], dùng cách nói đối thoại hơn là cách hành văn trau chuốt. Tránh dùng các danh từ kỹ thuật hay các loại văn chương sáo ngữ. Nên tránh dùng những ngôn từ khó hiểu, mơ hồ trong bài giảng[30]. Diễn giả cần dùng những lời lẽ giản dị, gần gũi đến độ ngay cả các em thiếu nhi cũng hiểu được vấn đề trình bày, để rồi khi ra về, thính giả còn có thể lưu lại được những gì diễn giả đưa ra và áp dụng trong cuộc sống[31].

 (Còn tiếp …)
Phó tế JB. Trần Thái Quốc
 

[1] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.91-92
[2] NGUYỄN VĂN CẬT (Nguyễn Huy dịch), Nghệ Thuật Nói Hay, Nxb Phương Đông, tr.176
[3] GM PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC, Canh Tân Việc Rao Giảng Lời Chúa Trong Thánh Lễ, 30/4/2013, http://www.simonhoadalat.com
[4] Dt 1,1
[5] Lc 9,2
[6] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.6
[7] ED. ALBIN MICHEL, À L’écoute Du Coeur, p.83-84
[8] 1Pr 4,10-11
[9] VATICANO II, Hiến Chế Mạc Khải, số 11
[10] Mt 21,42-43
[11] Đức Hồng Y Carlo Martini là một nhà chú giải Kinh Thánh rất lỗi lạc của Giáo hội ngày nay (ngài mới qua đời tháng 10/2012)
[12] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.43-44
[13] FERDINAND VALENTINE, O.P, Giảng Thuyết Một Nghệ Thuật-The Art Of Preaching, Lm Phêrô Vũ Văn Tự Chương, dg., Burns, Oates Wasbourne, London, Nxb Tôn Giáo, tr.149
[14] Mt 13,11-12
[15] DALE CARNEGIE, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng, Song Hà, dg., Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr.226
[16] Ga 4,29
[17] FERDINAND VALENTINE, O.P, Giảng Thuyết Một Nghệ Thuật-The Art Of Preaching, Lm Phêrô Vũ Văn Tự Chương, dg., Burns, Oates Wasbourne, London, Nxb Tôn Giáo, tr.149
[18] KARL RAHNER, La Tâche De La Prédication Face Au Problème De La Démythologisation, Concilium 33, năm 1968, tr.40
[19] Mt 13,3-4
[20] Mt 13,19
[21] Mt 13,2-3
[22] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh, dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.155
[23] Beveridge, Thượng nghị sĩ tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ
[24] DALE CARNEGIE, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng, Song Hà, dg., Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr.227
[25] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.120-122
[26] Mt 6,25
[27] Mt 7,7
[28] Mt 7,13
[29] Tiếng nói của một vùng. Thổ âm.
[30] PHONG LIỄU, Diễn Thuyết Trước Công Chúng, Nxb Thanh Hóa, tr.68
[31] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh, dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.155

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận