Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu (4)

Đăng lúc: Thứ tư - 16/07/2014 17:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ

theo cách thức của Đức Giêsu


 

II. Giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu

(… )

4. Lối nói vui tươi sinh động và uyển chuyển

Muốn cho ngôn từ vui tươi sinh động và uyển chuyển, ngoài việc dùng các ví dụ, dụ ngôn ra còn có thể sử dụng chức năng của biểu thị tình cảm. Nếu muốn cho nội dung giảng dạy được hấp dẫn thì phương pháp có hiệu quả nhất là dùng phương pháp đối thoại. Bên cạnh đó, dù là một chủ để hấp dẫn, nội dung sâu sắc, kết cấu trình tự mạch lạc sáng sủa, nhưng người nghe không hiểu hoặc ấn tượng không sâu, thì hiệu quả bài giảng đó sẽ bị giảm thiểu. Cho nên, nếu diễn giả muốn cho những ngôn từ của mình có thể in sâu vào lý trí của mọi người, thì diễn giả nên sử dùng ngôn từ miêu tả sự việc tinh tế sống động, làm cho người nghe có cảm giác như mình đang ở trong hoàn cảnh đó, tình huống đó vậy[1]. Chính lối nói sinh động và uyển chuyển này, thánh sử Marcô đã ghi lại phản ứng của dân chúng khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Giêsu, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư[2].
Thêm vào đó, giọng nói của diễn giả cần có nhiều sắc thái, không nói đều đều, buồn tẻ; như thế sẽ làm mất đi sức hấp dẫn và thuyết phục của bài giảng. Để vượt qua khó khăn này, diễn giả cần lưu tâm hai khía cạnh sau: Thứ nhất, thay đổi nhịp độ nói. Nhịp độ thay đổi sẽ gây phấn khởi và mối bận tâm nơi người nghe. Nhịp độ này gắn liền với tâm tư của diễn giả, cũng như những gì diễn giả muốn người nghe chú ý. Nếu không sẽ trở thành máy móc và nhàm chán. Diễn giả nên nói chậm lại khi mình muốn nhấn mạnh vấn đề gì, và nói nhanh hơn khi lòng ta dạt dào cảm xúc. Thứ hai, diễn giả nên thay đổi cao độ âm thanh: Khi nói trước đám đông không như nói chuyện trao đổi bình thường hằng ngày. Cho nên, diễn giả phải gia tăng cao độ âm thanh, nhờ đó có thể diễn đạt cảm xúc hiệu quả hơn. Sử dụng cao độ âm thanh thế nào là tùy theo nội dung của bài giảng, cũng như tâm tư tình cảm của diễn giả. Khi cao trào có thể dùng cao độ lớn hơn để diễn tả, còn lúc diễn tả sự nghiêm trọng, người giảng nên dùng cao độ nhỏ hơn sẽ làm cho cảm xúc nhẹ nhàng và êm dịu[3].
Thật vậy, tiếng Việt là tiếng nói có âm điệu. Âm điệu cao thấp khác nhau, có sự biến hóa lên cao xuống thấp. Do đó, khi giảng âm lượng phải thích hợp, tốc độ phải thỏa đáng và ngữ điệu phải phong phú[4]. Đồng thời, diễn giả cũng nên chú ý đến âm thanh của mình, vì mỗi người được Chúa ban cho có giọng trong, đục, cao, thấp khác nhau. Còn phải chú ý đến âm điệu của lời nói: Cùng một câu nói, nếu phát ra với những âm điệu khác nhau thì ý nghĩa cũng khác nhau. Trong một câu diễn giả nói ra, có từ được nhấn mạnh, có từ nhẹ nhàng, cũng làm cho câu nói đó có một sự thay đổi nhất định nào đó[5]. Thiếu những dấu nhấn và cảm xúc của diễn giả, bài giảng sẽ mang bộ mặt vô cảm, giống như cái máy[6]. Bởi đó, diễn giả cần nhấn giọng, bằng cách thay đổi cường độ, cao độ hay nhịp độ âm thanh để làm sinh động bài giảng như Đức Giêsu đã nói về những ai thuộc gia đình của Ngài. “Ngài còn nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Ngài đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Ngài. Có kẻ thưa Ngài rằng: ‘Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy’. Chúa Giêsu đã thay đổi cường độ và nhịp độ âm thanh; lên giọng nói với kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Sau đó, Ngài hạ giọng xuống giơ tay chỉ về các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phạm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi[7].

5. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để làm sinh động bài nói

Giảng lễ thành công phải dựa vào cách thức chuyển tải sứ điệp Lời Chúa. Điều này không có gì phải bàn cãi, vì những nhà giảng thuyết thời danh thường áp dụng ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên, để thành công, điều này còn bao hàm cả nghệ thuật giảng lễ bằng biểu đạt tình cảm của diễn giả. Thông thường, diễn cảm đi liền với ngôn từ, nhiều lúc diễn cảm không cần ngôn từ nhưng người khác vẫn có thể hiểu được. Dĩ nhiên, khi diễn cảm và lời nói kết hợp với nhau, người nghe sẽ nâng cao cảm xúc mãnh liệt hơn. Thật vậy, diễn cảm có khả năng biểu đạt thế giới nội tâm của con người còn cao hơn cả ngôn từ nữa. Từ diễn cảm bên ngoài, có thể đoán được tư tưởng tình cảm bên trong của người nói. Diễn cảm tuy là ngôn ngữ không lời, nhưng nó là một bộ phận cấu thành quan trọng của nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Nó làm cho tính sinh động và tính chân thật của việc rao truyền sứ điệp Tin Mừng được thêm phần sâu sắc hơn[8].
Thật vậy, các nhà tâm lý cho rằng có 85% tri thức đến được với con người là nhờ con đường thị giác. Hiệu quả to lớn của truyền hình và quảng cáo cũng như các phương tiện giải trí khác đã chứng minh điều đó. Cũng vậy, giảng lễ cũng là một nghệ thuật nghe nhìn[9]. Cho nên, một trong những cách thức tốt nhất để làm sinh động bài giảng là nên có những ngôn ngữ không lời. Trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ không lời còn có khả năng diễn đạt tâm tư tình cảm, suy nghĩ và ước muốn của mình sâu sắc hơn cả lời nói. Vì thế, nếu không có lời nội tâm, ngôn từ trở thành rỗng tuếch và diễn cảm chỉ còn là diễn cảm vô hồn[10]. Do đó, diễn cảm phải diễn đạt được lời nội tâm và xuất phát từ nhu cầu nội tâm. Những diễn cảm xuất phát từ tâm hồn như thế, bao giờ cũng chân thành và chính sự chân thành này có khả năng chạm đến cõi lòng của người nghe.
Như vậy, trong việc diễn cảm, nét mặt là một bộ phận quan trong nhất. Những tình cảm mừng vui hay đau thương, đắc ý hay thất vọng, giận dữ hay hài lòng, bất khuất hay tuân theo… đều được biểu hiện trên khuôn mặt. Nhất là đôi mắt, biểu cảm của chúng vô cùng phong phú. Khi giảng, diễn giả cũng phải dùng mắt để giữ mối giao lưu tình cảm với thính giả, đây là một loại cử động biểu thị sự hiểu ngầm, sự thỏa thuận ngầm khéo léo, là loại cử động cùng kích thích nhau để cùng đạt tới mục đích. Tuy nhiên, diễn cảm trên khuôn mặt không phải là một việc đơn phương. Những tình cảm của diễn giả được biểu hiện trên khuôn mặt một cách tự nhiên và thỏa đáng, sẽ xóa bỏ được sự ngăn cách về mặt tâm lý giữa diễn giả với thính giả[11]. Như thế sẽ làm cho việc giảng lễ được sinh động hơn và gạt hái được thành quả tốt hơn.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều diễn giả giảng lễ chưa kinh nghiệm có thói quen vung tay và chuyển động cơ thể liên hồi mỗi khi bắt đầu bài giảng. Diễn giả vung tay quá đáng trông đầy vụng về và căng thẳng khiến cho thính giả vô cùng khó chịu. Thật vậy, các điệu bộ diễn cảm là những chuyển động của bàn tay, cánh tay, khuôn mặt hoặc cơ thể, nhằm diễn đạt ý nghĩa trong bài mà diễn giả đang trình bày. Thật thế, điệu bộ diễn cảm làm gia tăng tính sinh động của bài giảng. Tuy nhiên, chỉ có những nhà diễn thuyết đầy kinh nghiệm mới có thể ứng dụng được các điều bộ này một cách nhuần nhiễn mà thôi. Còn những diễn giả mới bắt đầu giảng thì không nên sử dụng nhiều về ngôn ngữ không lời này, nhưng hãy cố gắng giữ cho các động tác của mình càng đơn giản càng tốt[12].

6. Kết hợp hài hòa ba giác quan: nói, nghe và nhìn

Tiếng nói không chỉ là phương tiện chuyển tải ý nghĩa của ngôn từ, mà còn truyền thông cả tâm tư tình cảm của người nói đến người nghe. Diễn giả thành công là người có khả năng khơi dậy nơi người nghe những cảm xúc mà mình đang có và muốn gói ghém trong những ngôn từ mình sử dụng[13]. Muôn được như vậy, diễn giả nên học theo cách thức của Đức Giêsu về việc kết hợp hài hòa ba giác quan: Nói, nghe và nhìn này. Thật thế, đang giảng dạy có kẻ giữa đám đông dân chúng nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!’ Nhưng Ngài đáp lại: ‘Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?’ Rồi Ngài rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi[14].
Thật vậy, một người có khả năng diễn đạt không chỉ dùng miệng lưỡi và dùng tay chân mà còn phải dùng ánh mắt. Có nghĩa là một người có tài dùng ngôn từ, đồng thời còn có tài biết nghe và có tài biết nhìn nữa. Kết hợp cả ba giác quan này một cách hài hòa sẽ làm cho bài giảng thêm sinh động và sâu sắc hơn. Thật vậy, con người không chỉ dùng ngôn từ để truyền đạt tư tưởng và tình cảm mà còn dùng các bổ phận của cơ thể mình để diễn tả. Chẳng hạn, những người bình thường chưa được huấn luyện về cách ăn nói, về việc vận dụng chữ nghĩa, thì những người này thường không có khả năng truyền đạt ý kiến của mình. Họ phải dùng sắc mặt và các động tác để bổ xung cho lời nói. Khi họ cảm thấy lời nói không thể diễn tả chính xác được theo ý của mình, thì họ thường lắc mạnh đầu hoặc một cử chỉ nào đó. Họ thường dùng thế tay để nhấn mạnh những chỗ mà họ muốn nhấn mạnh. Họ vừa nói vừa gật đầu, đó là biểu hiện của sự hài lòng với những lời đang nói của mình; còn khi họ chau mặt nhíu mày, đó là lúc họ không biết mình nói có đúng hay không[15].
Vì thế, nếu như người giảng chỉ tập trung vào giấy, không dùng mắt để quan sát sự diễn biến sắc thái của người nghe, thì dù diễn giả có nắm bắt được nhu cầu của thính giả đi chăng nữa, cũng không thể nhận biết được những thông tin chỉ có sự quan sát bằng mắt mới có thể nhận ra được. Vì vậy, khi đứng trên bục giảng, diễn giả nên ngẩng đầu, mắt nhìn về thính giả, và cũng không nên nhìn một hướng vào một vài người hoặc một vài chỗ nào đó. Như thế chẳng khác gì đã loại những người khác ra ngoài bài giảng, ánh mắt của diễn giả nên hướng vào tất cả mọi người. Ngoài ra, đôi khi, căn cứ theo nội dung, diễn giả có thể hướng mắt nhìn vào một số người nào đó, làm cho tình cảm của họ dung hòa với tình cảm của mình. Nếu diễn giả có thể lần lượt đưa mắt đến mọi chỗ với ánh mắt thiện cảm lễ độ, thì diễn giả sẽ làm cho thính giả cảm thấy như mình đang nói riêng với họ. Họ sẽ gật đầu, mỉm cười đáp lại, khích lệ diễn giả nói tiếp. Nếu thính giả tỏ ra lãnh đạm hoặc không hiểu mình nói gì, thì đó là do nội dung của mình không hấp dẫn hoặc trình bày không được rõ ràng[16].
Thật vậy, diễn cảm trên khuôn mặt rất đa dạng, thật khó mà quy định chung cho một khuôn mẫu. Vì thế, không nên cứng nhắc làm theo một số công thức nào đó, điều cốt yếu là phải tự nhiên biểu lộ, nhưng không được tùy tiện. Vậy, vấn đề phát sinh ở đây không phải là việc nhìn vào thính giả, mà là ở chỗ nhìn với một tâm trạng và con mắt như thế nào? Những biểu hiện trên khuôn mặt diễn giả cũng là cách thức truyền thông và có thể nói lên nhiều điều[17]. Khi diễn giả đang dùng đôi mắt nhìn người khác, cố nhiên có lúc là để thăm dò. Nhưng phần nhiều là để chú ý đến phản ứng của người nghe, để xem họ cảm nhận như thế nào? Đồng thời, để tỏ lòng sự tôn trọng với đối phương, cũng như để thể hiện sự quan tâm đối với người đối diện[18]. Vì vậy, dùng ánh mắt nhìn người nghe, đó cũng là lịch sự và lễ độ.
Cho nên, khi luyện tập nghệ thuật sử dùng ngôn từ: Trước khi dùng miệng để nói, thì diễn giả phải học cách dùng tai, dùng mắt để nghe. Diễn giả dùng tai và mắt là để tìm hiểu đối phương, nắm bắt đối phương, quan tâm đến đối phương. Đó là cách thức Đức Giêsu đã dùng khi Ngài giảng dạy: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin mừng Nước trời. Ngài quan sát “thấy đám đông, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lâm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt[19]. Ngài để ý nghe xem dân chúng đã phản ứng như thế nào về Ngài? Ngài hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?... Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai[20]… Sau khi nghe được các ý kiến của họ, Đức Giêsu mới bắt đầu nói cho các ông biết: “Này anh Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Thật vậy, sau khi nghe người ta nói thế nào, Nhìn xem người ta phản ứng ra sao, khi đó, diễn giả mới dùng miệng để nói. Như thế, những lời xuất ra của mình mới có thể đi sâu vào tâm khảm của người nghe. Quả thật, nếu những ngôn từ của người giảng mà đi sâu vào được tâm khảm của người nghe, thì đó chính là kết quả tốt nhất của sứ vụ rao giảng Tin Mừng[21].
(Còn tiếp…)
Phó tế JB. Trần Thái Quốc



[1] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.333-334
[2] Mc 1,22
[3] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.129
[4] PHONG LIỄU, Diễn Thuyết Trước Công Chúng, Nxb Thanh Hóa, tr.74
[5] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.43
[6] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.130
[7] Mt 12,46-50
[8] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.395
[9] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh, dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.84
[10] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.134
[11] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.399
[12] THẾ ANH, Nghệ Thuật Nói Chuyện Trước Công Chúng, Nxb Tổng Hợp TP.Hồ Chí Mình, tr.55-56
[13] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.128
[14] Mc 3,32-35
[15] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.42
[16] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.398
[17] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.135
[18] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.43-44
[19] Mt 10,35-36
[20] Mt 16,13-20
[21] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.44-45

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận