Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu (5)

Đăng lúc: Thứ bảy - 19/07/2014 21:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG GIẢNG LỄ

THEO CÁCH THỨC CỦA ĐỨC GIÊSU

II. Giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu

(…tiếp theo)

7. Nắm vững trọng tâm muốn nói

Trong bài giảng lễ, không cần lôi kéo sự chú ý của người nghe như các bài thuyết trình khác, mà là duy trì sự chú ý của thính giả đã có từ khi đứng dậy tung hô Tin Mừng. Cách tốt nhất để giữ sự chú ý của người nghe là “đi thẳng vào trọng tâm” bài giảng. Diễn giả thường chần chừ không đi thẳng vào trọng tâm, có lẽ vì sợ rằng mình không còn gì để nói tiếp hoặc nghĩ rằng cứ nhẩn nha đi vào trọng tâm để người nghe từ từ khám phá cốt lõi của bài giảng[1]. Nếu diễn giả nghĩ như vậy thì đã lầm, tốt hơn hãy bắt đầu bài giảng bằng cách phác họa ý tưởng chính mà mình muốn trình bày. Cũng có nhiều trường hợp, diễn giả không nắm vững trọng tâm vấn đề nên cứ nói “vòng vo tam quốc”, mà không sao đi thẳng được vào vấn đề chính. Do đó, làm cho người nghe không biết diễn giả muốn nói gì.
Chính vì thế, diễn giả cần nắm vững vấn đề trình bày để cho thính giả nắm bắt được một cách dễ dàng. Khi Đức Giêsu giảng về một vấn đề gì, Ngài luôn đi thẳng vào trọng tâm muốn nói:
Khi giảng về tội ngoại tình, Ngài nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi[2].
Khi giảng về luật ly dị, Ngài nói: “Luật dạy rằng: ‘Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình[3].
Khi giảng về luật yêu thương, Ngài nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời[4].
Thật thế, nắm vững trọng tâm bài giảng, có nghĩa là diễn giả hoàn toàn quen thuộc và thoải mái với nó, đến mức diễn giả có thể ăn nói cách sống động và trôi chảy. Diễn giả nắm vững toàn bộ ý tưởng mà không băn khoăn về các phần rời rạc, có thể nói điều mình muốn nói bằng rất nhiều cách khác nhau[5].
Thật vậy, giảng lễ là trình bày và chuyển tải sứ điệp Lời Thiên Chúa cho cộng đoàn, là một việc giảng dạy có uy quyền phát ra từ tòa giảng chân lý. Vì thế, cần có những ý tưởng minh bạch và cụ thể, một giáo thuyết vững chắc và nóng bỏng từ chính niềm tin của người giảng lễ; để từ đó, làm cho chân lý Lời Chúa được bừng sáng lên về mọi phương diện, nhất là đối với những tâm trí không mấy khi chịu mở ra với những gì là thiêng liêng, với những gì là linh thánh, trong khi lại quá dễ dàng đãng trí bởi một điều gì đó không đâu vào đâu. Thật thế, để soi sáng và sưởi ấm những tâm hồn này, diễn giả nên dẫn đưa họ vào ánh sáng chân lý và giúp họ không hành động nghịch với đạo lý luân thường. Bởi đó, vị giảng lễ phải có học thức và hiểu biết, phải nắm vững điều mình nói, phải xác tín vào chân lý mà mình lãnh nhận và tràn đầy tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Khi ấy, diễn giả sẽ lấy ra từ kho tàng của mình cả “cái cũ lẫn cái mới[6] mà truyền đạt cho người nghe. Đồng thời, diễn giả sẽ chọn lựa và chỉ đưa ra những tư tưởng thánh thiện có ích cho các linh hồn đang khao khát tìm kiếm sự bình an của Chúa[7].
Thật vậy, diễn giả nào nắm vững vấn đề, khi trình bày sẽ mạch lạc và sáng sủa làm cho người nghe tập trung chú tâm vào đó. Những chỗ quan trọng thì phải nói cho tỉ mỉ và rõ ràng, những chỗ khác có thể dùng một vài câu cho qua đi, làm nền cho ý chính. Ngôn từ nào quan trọng thì nhấn nhá một tí để làm cho người nghe dễ nắm bắt[8]. Khi trình bày phải có tinh thần khiêm nhường, không đao to búa lớn cũng không tròn trịa trơn tuột. Xuất ngôn phải chậm rãi, nhưng phải đúng, phải đủ. Sử dụng ngôn từ giản đơn, không cầu kì nhưng phải nắm chắc điểm chính yếu mà trình bày.
Thật vậy, giảng hay là nghệ thuật dùng ngôn từ, là phương thức diệu kĩ[9] diễn đạt tư tưởng của con người. Xét cho cùng, nội dung mới là điều quan trọng, nhưng không có nghĩa là nội dung đã chuẩn bị tốt thì không cần đến hình thức diễn đạt. Bởi đó, Kalinin[10] một nhà giáo dục nước Nga đã nói rất chí lí rằng: “Hình thức là cái tuyệt vời, có thể có người nghĩ rằng: Nội dung mới là cái tuyệt vời, còn hình thức thì chẳng có ý nghĩa gì. Đó là nói bậy, nói bừa. Nếu ai muốn có ảnh hưởng trong xã hội, thì người đó phải gắng sức nắm lấy cái hình thức. Muốn nắm được hình thức thì phải biết sử dụng ngôn từ”. Như vậy, nội dụng bài giảng tuy là quan trọng nhất nhưng cũng cần phải sử dụng đến hình thức diệu kĩ diễn đạt tư tưởng, mới mong người nghe nắm bắt tư tưởng một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, diễn giả nên biết rằng phần kết luôn đóng vai trò quan trọng trong mỗi bài giảng. Những lời sau cùng diễn giả nói ra sẽ ngân nga mãi trong lòng người nghe. Chính những ngôn từ sau cùng ấy lại được người nghe luôn nhớ lâu nhất. Do đó, diễn giả nên lưu tâm đến câu nói này: “Trước tiên, hãy nói cho người nghe biết bạn sẽ trình bày cho họ nghe điều gì. Sau đó, hãy nói cho họ biết bạn vừa trình bày điều gì xong[11].

8. Biết ngừng đúng lúc

Phần kết luận bao giờ cũng được mọi người mong chờ như một lời cuối cùng để lại ấn tượng cho người nghe. Tuy nhiên, những người mới bước vào sứ vụ rao giảng lại thường xem nhẹ tầm quan trọng của điều tưởng như ai cũng biết này. Nhiều diễn giả lâu năm cũng hay mắc lỗi này: Đã nói tất cả những gì phải nói rồi, nhưng không biết phải dừng lại như thế nào và không biết phải kết thúc ra sao? Do đó, cuối cùng diễn giả đành phải nói vòng vo, giông dài lê thê, cứ nói đi nói lại những gì đã nói[12]. Diễn giả nên biết điều này, cho dù một đề tài rất hay, thính giả rất hứng thú nghe, nhưng cũng phải biết ngừng đúng lúc, không nên kéo dài, nói mãi không có điểm dừng. Nếu không sẽ làm cho người nghe mệt nhọc[13], lại còn để ấn tượng xấu cho người nghe.
Thế nên, diễn giả hãy học theo cách thức của Đức Giêsu. Sau khi trình bày sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Giêsu kết luận: “Vậy, anh em đừng lo lắng cho ngày mai: Ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy[14]. Một câu kết thật tuyệt vời. Khi ra về, chỉ cần dân chúng nhớ được câu này là đủ cho bài giảng hôm đó rồi.
Bên cạnh đó, trong khi giảng diễn giả cũng nên thinh lặng một ít giây sau những câu hỏi, để cho người nghe nhìn lại mình hoặc để cho họ có dịp suy nghĩ hồi tâm lại. Có những khoảng cách thinh lặng là nhằm để diễn tả cảm xúc, và như thế sẽ khiến cho người nghe chú tâm hơn. Điều quan trọng là phải biết đặt thịnh lặng đúng nơi đúng lúc, phù hợp với chính tâm tình của mình[15]. Bởi đó, khi trình bày, diễn giả cũng nên đặt những câu hỏi cho chính đối tượng để họ suy nghĩ về cuộc sống thực tại của họ. Một khi đánh động được lòng người chắc chắn bài giảng hôm đó đã thành công.
Thật thế, biết dùng đúng lúc là một nghệ thuật trong giảng thuyết. Trong khi giảng, diễn giả nên dùng nghệ thuật này, vì nó giúp cho người giảng cảm nhận được phản hồi của người nghe. Tục ngữ thường nói: “Im lặng là vàng” là nhằm mục đích đó. Thật vậy, giữ im lặng một cách thích đáng, có thể tránh được mối lo nói sai. Bởi vì, khi diễn giả mãi nói, rất khó nắm bắt được trạng thái diễn biến tâm lý của thính giả; vả lại, khi diễn giả đang thao thao diễn giảng thì mắt và tai mình sẽ trở nên không nhạy bén nữa. Do đó, người giảng có thể nói ra những lời không chính xác hoặc không đúng. Cho nên, biết dừng đúng lúc là lời khuyên đối với những ai một khi đã nói thì không biết kết thúc ở chỗ nào. Lời khuyên này nhắc nhở diễn giả rằng: Chỉ nói những điều cần nói và nên nói, không nói những điều không cần nói và không nên nói. Đồng thời, nhắc cho người giảng cần dùng những ngôn từ đơn giản và sáng sủa, không những làm cho người nghe đỡ tốn thời gian, đỡ hao tổn tinh thần mà còn làm cho chủ đề bài giảng được nổi bật, người nghe dễ nắm bắt hơn[16].
(còn tiếp…)
Phó tế JB. Trần Thái Quốc



[1] KEN UNTENER, Để Giảng Lễ Tốt Hơn, Lm Lê Công Đức, dg., Nxb Tôn Giáo, tr.29-30
[2] Mt 5,27-28
[3] Mt 5,31-32
[4] Mt 5,43-44
[5] KEN UNTENER, Để Giảng Lễ Tốt Hơn, Lm Lê Công Đức, dg., Nxb Tôn Giáo, tr.86-87
[6] Mt 13,52
[7] LÉON LAPLANTE, CSsR., Manuel De Rhétorique Alphonsienne - Cẩm Nang Giảng Thuyết, Văn Hội, dg., Nxb TP.HCM, tr.31
[8] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.50-51
[9] Rất tinh xảo
[10] Mikhail Ivanovich Kalinin (1875 – 1946), là nhà hoạt động Đảng và Nhà nước Liên Xô. Là nhà giáo dục cộng sản chủ nghĩa nổi tiếng.
[11] DALE CARNEGIE, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng, Song Hà, dg., Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr.209
[12] DALE CARNEGIE, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng, Song Hà, dg., Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr.202
[13] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.168
[14] Mt 6,34
[15] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.130
[16] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.426-427

9. Đặt cả tâm huyết vào bài giảng

Đặt cả tâm huyết vào bài giảng, lúc đó diễn giả không hề mang một nét giả tạo nào. Thật thế, sự thành thật và say mê giảng dạy với tinh thần nhiệt huyết cao sẽ trợ giúp diễn giả hứng thú trong việc rao giảng. Khi một người bị chi phối vì những cảm xúc thì tất cả bản chất của người đó sẽ phô bày ra bên ngoài, mọi rào cản sẽ không còn nữa. Sức nóng cảm xúc của diễn giả sẽ thiêu cháy mọi rào cản, cử chỉ trở nên thoải mái, lời nói không chút ngượng ngập[1]. Thật vậy, khi lên đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu đã phá đổ mọi thứ gây ô uế nơi thờ phượng. Sức nóng cảm xúc của Ngài dâng trào, nên “Ngài giảng dạy và nói với họ: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!… Đám đông rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Ngài[2]. Điều này cho thấy Đức Giêsu luôn “nhiệt tâm lo việc nhà Chúa[3]… Ngài luôn đặt tâm huyết vào sứ vụ rao giảng mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài, đến nỗi quên cả thời gian nghỉ ngơi ăn uống. Do đó, các môn đệ phải đến nhắc Ngài: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn[4]… Ngài giảng dạy quên cả ăn uống, không phải quên mà là Ngài dùng một thứ lương thực khác. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”[5].
Thật thế, con người thời nay không thích kiểu nói trang trọng và kiểu cách của các nhà giảng thuyết. Người ta không muốn nghe những bài giảng hùng hồn từ trên bục giảng nữa. Nhưng họ sẽ hết sức lắng nghe diễn giả trao đổi với họ cách nói, cách trình bày, cách sử dụng ngôn từ với những cử điệu thân tình như các bạn thân hay dùng khi họ cùng dạo chơi với nhau một cách vui vẻ và thoải mái. Cách tốt nhất để tránh cái đơn điệu và kiểu cách mà người ta hay gọi là điệu bộ của diễn viên. Tốt nhất diễn giả nên trình bày một cách chân thành hết mình, đặt cả tâm huyết của mình vào bài giảng. Thật vậy, nếu diễn giả đem đến cho người nghe tiếp thu được các tư tưởng đạo đức, thì đã đạt được mục đích trong sứ vụ rao giảng của mình rồi.
Thế nên, điều làm cho người nghe ngày nay cảm động không phải là vì họ nghe một bài diễn văn hùng hồn, mà chính là vì một sự chân thành đầy yêu thương và đơn sơ của diễn giả. Alexander Woolcott nói: “Khi một người cất tiếng với tất cả sự chân thành, thì giọng nói của anh ta mang đậm màu sắc chân thật mà không một kẻ ngụy biện nào có thể làm giả được[6].
Thật vậy, giáo dân ngày nay thật sự cảm động khi họ được linh mục hướng dẫn cách đơn sơ, đầy thiện cảm và cảm thông. Nói như thế, không có nghĩa là ngày nay diễn giả chỉ cần dọn bài giảng cách sơ sài, đại khái. Trái lại, hơn bao giờ hết, ngày nay diễn giả cần phải quan tâm nhiều đến chuyện dọn bài giảng thật cẩn thận[7]. Đặc biệt khi mục đích của bài giảng là truyền đạt một sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa, việc đầu tiên người giảng hãy nói đến những ý tưởng và cảm nghiệm của mình bằng những lý lẽ chân thành xuất phát từ con tim mình[8].
Thật vậy, bài giảng thường dựa trên một dẫn chứng cần bàn với mục tiêu là khuyên răn, tha thiết kêu gọi người nghe thay đổi lối sống. Diễn giả xây dựng bài giảng của mình dựa trên sự hiểu biết truyền thống của người giáo dân mà thường quên đi vai trò của mình là thầy dạy. Giáo dân ngày nay tuy đọc sách nhiều, nhưng hầu như họ đã đánh mất khả năng hấp thụ kiến thức về Thiên Chúa. Nhiều người, đức tin không còn vững mạnh như trước nữa, vì họ đã bị ảnh hưởng bởi môi trường tục hóa xung quanh. Vì thế, nhiệm vụ của các diễn giả nhất là tại các giáo xứ cần lưu tâm nghiên cứu về nghệ thuật giảng thuyết, để có thể giúp người nghe hiểu và đào sâu đức tin. Diễn giả phải chỉ cho họ thấy giáo lý của Giáo hội gắn bó chặt chẽ và ăn khớp với nhau trong đời sống như thế nào. Việc cầu nguyện là cần thiết và Giáo hội phải thỏa mãn được những ước vọng, bản năng sâu xa nhất của con người là tìm kiếm niềm hạnh phúc đích thực. Cho nên, diễn giả hướng dẫn cho người nghe những phương cách thể hiện, dâng hiến bản thân cho việc phụng sự Chúa Kitô[9]. Muốn được như thế, diễn giả cần trình bày sứ điệp Lời Chúa ngắn gọn, cụ thể và thực tế.

10. Trình bày ngắn gọn, cụ thể và thực tế

Có thể nói “ma quỷ” của khoa giảng thuyết là nói dài dòng, thiếu chuẩn xác, không sáng sủa. Diễn giả cần có “Ánh sáng” soi dẫn và ánh sáng ấy phải đến được với người nghe. Giảng thuyết ngoài đời có thể bằng lòng với việc thuyết phục người nghe, nhưng giảng lễ còn phải quan tâm đến việc thúc đẩy người nghe đi đến hành động và sống đúng với Tin Mừng[10]. Quả thật, giảng lễ đi đến mức hoàn hảo của nó, là làm cho người nghe nhận ra sứ điệp và sống theo sứ điệp đó. Do đó, diễn giả cần dùng những ngôn từ rõ ràng và đề ra cách thức cụ thể những gì muốn thính giả làm theo. Diễn giả phải rút ra một kết luận cho thính giả và chỉ cho họ các phương tiện trợ giúp thực hành những gì họ vừa nghe giảng.
Thật vậy, vì sự cứu rỗi các linh hồn, diễn giả rao giảng là để người ta hối cải cuộc sống. Cho nên, không được “tùy may” nói gì thì nói. Diễn giả giúp người nghe đón nhận chân lý chưa đủ, mà còn cần giúp người nghe sống tương hợp với chân lý đó nữa. Bởi đó, diễn giả phải đi vào chi tiết bằng việc áp dụng luân lý hay dưới hình thức những lời khuyên thực tiễn. Khi dùng ngôn từ khuyên răn cần phải khiêm tốn, khôn ngoan, chừng mực và chính xác. Diễn giả không đòi hỏi hay gợi ra điều gì bất khả dĩ, không nhân tăng những lời khuyên, không khuyên cách chung chung hay những việc thực hành cách thái quá[11].
Cho nên, khi giảng lễ cần dùng những ngôn từ thật chuẩn xác, điều gì mình muốn cộng đoàn làm phải nói rõ ràng và cụ thể. Người nghe chỉ hành động khi nào họ hiểu được điều người giảng nói. Bởi đó, diễn giả nên tự hỏi mình trước khi xuất ngôn: “Chính xác mình muốn thính giả làm gì?”. Nếu diễn giả viết ý chính ra giấy và sử dụng ngôn từ cho phù hợp với ý tưởng mình muốn nói, đó là diễn giả cố gắng giảm số lượng ngôn từ trong câu và làm cho giọng văn càng rõ ràng, dứt khoát. Đừng có trình bày ‘vòng vo tam quốc’ dài dòng, điều quan trọng là yêu cầu người nghe thi hành[12].
Thật vậy, có chuẩn bị bài giảng, diễn giả mới có hy vọng nói ít, nói đúng và nói đủ: Nói ít là nói cụ thể, rõ ràng. Nói đúng là nói có chất lượng. Nói đủ là nói bảo đảm thời lượng. Còn để giảng đúng, điều tối thiểu là diễn giả không dùng các ngôn từ mơ hồ, thiếu chuẩn xác; cũng không nói để mà nói, không nói trong cái rỗng tuếch. Nếu không, người nghe cũng chỉ nghe được những tiếng vang của cái “thùng rỗng kêu to”, mà không thu lượm được ích lợi gì. Điều tối quan trọng để giảng đúng là phải tập trung vào Chúa Giêsu[13], đồng thời kết nối bài giảng vào đời sống thực tế của người nghe.
(còn tiếp…)
Phó tế JB. Trần Thái Quốc
 

[1] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.203
[2] Mc 11,15-19
[3] Ga 2,17
[4] Mt 14,15
[5] Ga 4,31-34
[6] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.165
[7] FERDINAND VALENTINE, O.P, Giảng Thuyết Một Nghệ Thuật – The Art Of Preaching, Lm Phêrô Vũ Văn Tự Chương, dg., Burns, Oates Wasbourne, London, Nxb Tôn giáo, tr.9
[8] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.165
[9] FERDINAND VALENTINE, O.P, Giảng Thuyết Một Nghệ Thuật – The Art Of Preaching, Lm Phêrô Vũ Văn Tự Chương, dg., Burns, Oates Wasbourne, London, Nxb Tôn giáo, tr.9-10
[10] LEON LAPTANTE, Manuel De Rhétorique Alphonsienne - Cẩm Nang Giảng Thuyết, Văn Hội, dg., Nxb Tp.HCM, năm 1996,  tr.32
[11] LEON LAPTANTE, Manuel De Rhétorique Alphonsienne - Cẩm Nang Giảng Thuyết, Văn Hội, dg., Nxb Tp.HCM, Năm 1996,  tr.33-34
[12] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.138
[13] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.150

 

11. Nối kết bài giảng vào đời sống thực tế

Lời Chúa luôn là kim chỉ nam cho đời sống đức tin của người tín hữu. Bởi thế, người giảng cần quan tâm đến nhu cầu thực tế của người nghe. Nhu cầu thực tế của người nghe nói chung là cơm áo gạo tiền, nhưng chắc chắn điều này không phải là nhu cầu của thính giả muốn nghe linh mục giảng, vì ai cũng biết: Linh mục được đặt lên không phải để đáp ứng điều đó. Điều mà giáo dân mong chờ nhất là các bài giảng Lời Chúa cần được nối kết với đời sống thực tế, chứ không nói những thứ cao siêu ở trên trời mà con người thấy xa vời. Diễn giả đáp ứng được điều này, người nghe sẽ nắm bắt được ngay, như thể người giảng đang nói về hoàn cảnh của mình vậy[1].
Thật vậy, cách thức Đức Giêsu kết nối bài giảng của mình vào đời sống thực tế thật là tuyệt vời: “Không có ai thắp đèn, rồi lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời[2].
Rồi Đức Giêsu gọi các môn đệ lại và nói: “Anh em biết: Thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người[3].
Có thể nói tổng quát rằng nhu cầu của những người đến nhà thờ dự lễ là muốn nuôi dưỡng đời sống đức tin, củng cố đức cậy, gia tăng đức mến. Nhu cầu của mỗi người mỗi khác tùy theo đối tượng[4]. Thật thế, mọi bài giảng phải có một nối kết cụ thể với những gì đang diễn ra: Những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của những con người đang lắng nghe[5]. Mục đích điều này không phải nhằm tỏ ra mình am hiểu đời sống thực tế, mà là để hướng thẳng sứ điệp Lời Chúa đến với người nghe. Nếu diễn giả không hướng thẳng đến người nghe, thì dù lập luận có rõ ràng đến mấy, ngôn từ có sáng sủa đến đâu, cũng sẽ chẳng đánh động được họ.
Chính vì thế, biết được thực tế của nhóm thính giả, diễn giả cần có kế hoạch đáp ứng cụ thể về hình thức và nội dung. Nhưng nội dung thì luôn phải là Chúa Giêsu được diễn giả trình bày như yếu tố duy nhất có thể thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Muốn vậy, diễn giả cần phải có cảm nghiệm về Lời Chúa: Siêng năng suy gẫm Lời Chúa, biết sống những biến cố mỗi ngày trong sự soi dẫn của Lời Chúa và thường xuyên tiếp xúc với Chúa Giêsu Thánh Thể[6].
Thật thế, quan tâm đến thực tế đời sống của người nghe, diễn giả sẽ tránh được những ngôn từ để phê bình, chỉ trích người khác trong bài giảng.

12. Dùng Lời Chúa để kiến tạo sự hiệp nhất yêu thương

Diễn giả không được dùng Lời Chúa để la mắng, phê bình, chỉ trích người khác; vì Lời Chúa không phải là Lời gieo sự bất an và sự chết, nhưng “Lời Chúa là lời dẫn đường, là sự thật, và là sự sống”; đặc biệt hơn là lời Tình Yêu. Do đó, diễn giả không được tự ý bóp méo Lời Chúa theo ý mình để lên án người này hay người khác. Diễn giả dùng Lời Chúa phê bình, chỉ trích người nghe sẽ làm cho họ sợ Lời Chúa, không dám đón nhận Lời Chúa. Vì thế, diễn giả nên luôn tâm niệm câu Kinh Thánh này khi đứng trên bục giảng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”[7]. “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án”[8].
Thánh Phaolô cũng đã nhắn gửi các diễn giả rằng: “Mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận. Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ. Trái lại, phải đối xử với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô[9]. Do đó, diễn giả “đừng nói những lời thô tục nhảm nhí, cợt nhả, đó là những điều không nên[10] trong tư cách là thừa tác viên của Lời.
Bởi đó, George Steiner đã nói[11]: “Trong ngôn từ, cũng giống như trong một phân tử vật lý, có vật thể và phản vật thể. Có xây dựng và huỷ diệt. Khi trao đổi ngôn từ với nhau, đều có sự rủi ro rất cao. Ngôn từ có thể làm tổn thương mối tương quan nhân bản, có thể huỷ diệt niềm hy vọng. Lưỡi dao ngôn từ là lưỡi dao bén nhạy nhất. Thế nhưng, cũng những ngôn từ đó, cũng những câu nói đó, cũng những cấu trúc ngữ pháp đó, cũng những ý nghĩa đó, lại là khí cụ của sự mạc khải, của trạng thái ngất ngây, của sự cảm thông kỳ diệu tức là sự hiệp thông”[12].
Thật thế, “Tiếng sáo, tiếng đàn khiến giọng hát du dương,
Nhưng lời nói dịu dàng còn êm tai hơn nữa[13].
Quả thật, bất kỳ ai đến với Đức Giêsu, dù tội lỗi có cao như núi, có đỏ như son cũng đều nhận được những lời khích lệ động viên, lời chữa lành, lời xoa dịu. Những ai đến với Đức Giêsu trong u sầu sẽ ra về trong hân hoan: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa![14]. Nếu có mang bệnh trong người cũng được chữa lành: “Tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh[15].

Thay lời kết

Quả thật, ngôn từ là một dụng cụ “sắc bén như dao hai lưỡi”, có khả năng chinh phục cái phức tạp nhất của thế giới, đó là tâm linh con người. Thế nên, tài sử dụng ngôn từ đã trở thành một năng lực quan trọng mà con người hiện đại cần phải có. Hơn nữa, nó là tố chất cần có của những nhà giảng thuyết tài ba. Tuy nhiên, tài sử dụng ngôn từ không phải là chỉ dựa vào sự lém lỉnh của mồm mép, mà là sự biểu hiện một năng lực tổng hợp khôn khéo từ Lời Chúa. Thật vậy, một người giảng hay, xuất ngôn cần có năng lực, quan sát cần nhạy bén, nhận thức sự vật một cách sâu sắc, có năng lực tư duy chặt chẽ, phân tích, phán đoán một cách sắc xảo; có như thế, mới có thể áp dụng Lời Chúa vào trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống con người. Thêm vào đó, người giảng hay cần phải có năng lực diễn đạt trôi chảy thông suốt, ngôn từ phong phú, kiến thức uyên bác, như thế những ngôn từ xuất ra mới được sống động và lôi cuốn người nghe[16].
Thật thế, để thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình, các thừa tác viên của Lời cần học theo cách thức rao giảng của Đức Giêsu, một mẫu gương tuyệt hảo trong việc giảng thuyết. Nếu sự trau dồi của diễn giả trong suốt cả đời chỉ nhằm vào mục tiêu là giảng lễ cho tốt, nuôi dưỡng đời sống tâm linh của người dân, giúp người dân tiếp xúc với Lời Chúa, gặp gỡ Chúa Giêsu, sống Lời Chúa, dạy người dân sống đạo, tạo điều kiện cho người dân gặp Chúa, thì sự trau dồi ấy có một ý nghĩa sâu xa và một giá trị cao cả. Sự trau dồi này vừa thăng tiến, vừa mang lại hạnh phúc cho bản thân của diễn giả, vừa mang lại niềm vui và sự sống vĩnh cửu cho giáo dân[17]. Như vậy, diễn giả đã hoàn thành tốt sứ vụ rao giảng Tin Mừng của mình, trong nhiệm vụ là một thừa tác viên quan trọng của Lời. 

Phó tế JB. Trần Thái Quốc



[1] KEN UNTENER, Để Giảng Lễ Tốt Hơn, Lm Lễ Công Đức, dg., Nxb Tôn Giáo, tr.98
[2] Mt 5,15-16
[3] Mt 20,25-28
[4] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.148
[5] KEN UNTENER, Để Giảng Lễ Tốt Hơn, Lm Lễ Công Đức, dg., Nxb Tôn Giáo, tr.99
[6] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.148
[7] Mt 7,1-2
[8] Lc 6,37
[9] Ep 4,25.29.31-32
[10] Ep 5,4
[11] Francis George Steiner sinh ngày 23 Tháng 4 năm 1929,  là một nhà phê bình văn họcnhà văn, nhà triết học, và nhà giáo dục của Anh Quốc.
[12] LM VŨ THẾ HANH, Giá Trị Của Ngôn Từ, 30/4/2013, http://www.songtinmungtinhyeu.org
[13] Hc 40,21
[14] Ga 8,11
[15] Lc 5,13
[16] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.26-27
[17] GM PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC, Canh Tân Việc Rao Giảng Lời Chúa Trong Thánh Lễ, 30/4/2013, http://www.simonhoadalat.com

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận