Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu (2)

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/07/2014 02:18 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG GIẢNG LỄ

THEO CÁCH THỨC CỦA ĐỨC GIÊSU

(… Tiếp theo)

4. Sử dụng ngôn từ đối thoại

Đối thoại là chìa khóa vạn năng để đối tượng chăm chú lắng nghe. Đặt câu hỏi khởi đầu bài giảng là phương pháp tốt nhất để mở cánh cửa thuyết giảng. Khi đưa ra câu hỏi, tốt nhất phải hợp với sự hiểu biết của thính giả[1]. Mục đích đặt câu hỏi không phải là để nhận được câu trả lời cho bằng tạo mối quan tâm nơi người nghe, đồng thời kích thích họ lắng nghe câu trả lời[2].

Trong bài giảng bình thường ngày chúa nhật, có thể khơi lên sự đối thoại. Điều này có thể có một tác dụng tích cực trên tính năng động của toàn bộ cử hành. Toàn thể cộng đoàn sẽ cảm thấy sự sống động. Chìa khóa thành công ở đây tùy vào vị giảng thuyết thoải mái với việc này, và biết cách làm. Cách làm này phải phù hợp với phong thái và tính cách của diễn giả. Cách làm này có ích đặc biệt đối với các thánh lễ dành cho thiếu nhi.
Một cách để thúc đẩy sự tham dự sống động là mời gọi cộng đoàn suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Như cách giảng dạy của Chúa Giêsu khi mời gọi người nghe suy nghĩ: “Các ông nghĩ sao người kia có hai con trai[3]… “Các ông sẽ làm gì khi kẻ trộm đến đào hầm khoét vách nhà mình?” … Đặt những câu hỏi như thế, sẽ làm cho họ động não. Và họ sẽ tập trung lắng nghe diễn giả giải quyết vấn đề đưa ra, như thế không khí giờ giảng sẽ trở nên sinh động hơn. 
Thật thế, diễn giả không nên làm cho sứ điệp Lời Chúa trở nên phức tạp và khó hiểu, mà là làm cho sứ điệp đó tạo nên sự thoải mái, gần gủi với người nghe. Do đó, kĩ xảo sử dụng ngôn từ đối thoại trong khi giảng, sẽ giúp người nghe dễ nắm bắt tư tưởng và tạo được hiệu quả tốt cho bài giảng. Đặc biệt khi đặt câu hỏi, cần phải biết đối tượng đó trình độ thế nào để đưa ra câu hỏi cho phù hợp.

5. Ngôn từ phù hợp với đối tượng

Giảng cho đối tượng nào ngôn từ phải thích hợp với đối tượng đó và giọng văn cũng phải thích ứng. Trình bày cho trí thức, ngôn từ tầm thường, dài dòng, lời hoa mỹ mà ý tưởng không sâu sẽ bị thính giả chê bai coi thường. Giảng cho thợ thuyền, công nhân, nông dân “chân lấm tay bùn”, đa số ít học mà toàn nói những ngôn từ cao siêu, triết lý này đến triết lý nọ, lấy tư tưởng các thần học gia này đến thần học gia khác, chẳng đá động gì đến đời sống thường ngày của họ, thì họ nghe như “vịt nghe sấm” không hiểu được tí gì! như thế chắc chắn diễn giả đã thất bại hoàn toàn[4].

Thật thế, khi Đức Giêsu tiếp cận với đối tượng, Ngài hiểu được đối tượng đó cần gì và muốn gì! Đức Giêsu gặp Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do thái, thì Ngài nói cho ông về việc tái sinh trong Thánh Thần: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí[5]... Gặp các môn đệ thì Ngài nói: “Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào vinh quang của Người sao? Rồi Người bắt đầu từ ông Môisen và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông về những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh[6]… Gặp người phụ nữ xứ Samari thì Ngài nói: “Chị cho tôi chút nước uống … tôi sẽ ban cho chị Nước Hằng Sống”. Vì “ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời[7].

Bởi đó, diễn giả cần quan tâm đến tâm lý của người nghe. Phải đưa ra những lý chứng cho phù hợp với trình độ hiểu biết và học vấn của người nghe. Không phải mọi lý chứng đều hấp dẫn cho mọi hạng người. Một số người có thể tiếp thu và hiểu được lối lập luận theo tam đoạn luận, nhưng người khác lại chỉ đón nhận những lý chứng cụ thể, và họ cần đến những lý chứng dựa trên thế giá nhiều hơn. Đối với đại đa số thính giả, lý chứng cụ thể hấp dẫn hơn lý chứng trừu tượng, lý chứng tâm lý lôi cuốn hơn lý chứng siêu hình. Vì thế, những chứng từ cụ thể, những minh họa dễ hiểu, những tiếp cận cuộc sống cụ thể giúp người nghe dễ lĩnh hội hơn[8]. Hơn nữa, lý chứng dựa vào Kinh Thánh là cách chứng minh tốt nhất, vì thế giá Lời Chúa là tối thượng: “Dù trời đất có qua đi nhưng lời Thầy nói sẽ không qua đâu”. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Lời Chúa thấm dần vào ký ức, tâm hồn, suy nghĩ của người nghe và trở thành động lực cho đời sống của họ.

Cách giảng dạy của Đức Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo cho diễn giả để áp dụng rao giảng Tin Mừng. Ngài sử dụng ngôn từ đơn giản và bình dân ai cũng hiểu được. Còn văn phong cao xa, diễn tả kiểu cách, phô diễn lợi khẩu đều là những thứ gây trở ngại cho người tiếp nhận sứ điệp Lời Chúa. Những thứ đó chỉ thể hiện tính kiêu căng, tự phụ của diễn giả mà thôi.

6. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ

Khi giảng lễ, diễn giả đừng cao hứng nói chuyện khôi hài, phải tế nhị, phải chuẩn bị kỹ từng ngôn từ kẻo chạm đến lòng tự ái người nghe. Đồng thời, diễn giả phải lưu tâm đến giọng nói. Phải nói bằng giọng nói thích hợp cho từng đề tài, từng đối tượng. Giảng dạy chứ không phải đọc bài, đọc diễn văn. Giảng về đề tài buồn phải có giọng phù hợp. Giảng cho thanh niên phải nói đầy quả cảm, giọng hùng hồn. Điệu bộ cũng phải tùy đề tài mà thay đổi. Rồi cũng tùy người nghe và đề tài mà định liệu thời gian giảng. Giảng đề tài quá rộng mà thời gian lại ít thì làm sao người nghe nắm bắt được[9]. Do đó, diễn giả phải biết cách chọn lựa đề tài cho hợp với đối tượng và thời gian.
Diễn giả có tài sử dụng ngôn từ là người biết dùng ngôn từ đúng nơi, đúng lúc. Khi nào cần mở lời, khi nào nên im lặng, và bao gồm cả năng lực biết những điều gì nên nói và không nên nói. Cái quan trọng không phải là ngôn từ mà là cách dùng ngôn từ. Một người dùng ngôn từ rất ít nhưng từ nào ra từ đó. Bởi vì, mỗi ngôn từ khi diễn giả phát ra đều thích đáng. Còn một người nói luôn mồm luôn miệng, ngôn từ không chuẩn xác, mơ hồ làm người nghe chán nản, uể oải, khó chịu[10]. Thật vậy, dùng những ngôn từ trừu tượng, những ngôn từ hay bị lạm dụng hoặc những ngôn từ quá chuyên môn trong Giáo hội, giáo điều, quá cứng nhắc… cũng tạo nên sự nhàm chán, khó hiểu cho thính giả. Diễn giả nên dùng những ngôn từ hình tượng, tức là những ngôn từ đụng chạm đến giác quan, những từ mà hầu như ai cũng có thể nhận biết, nhìn thấy, hoặc cảm nghiệm được, như thế sẽ gây cảm hứng cho người nghe. Nếu không để ý đến các ngôn từ hình tượng này, thì sẽ dẫn đến việc sử dụng những từ ngữ chung chung, làm cho ngôn từ trở thành sáo ngữ và rỗng tuếch[11].
Diễn giả nào thực sự khéo léo trong việc sử dụng ngôn từ là chỉ cần dùng một câu ngắn cũng đủ để người ta phản tỉnh, không cần dài dòng. Thật thế, giữa đám đông nhốn nháo vây quanh Ngài, tố cáo người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, thì Đức Giêsu thốt lên: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi[12]… Chỉ một câu ngắn gọn như thế, cũng đủ để nêu bật được toàn bộ những điều quan trọng trong lòng người nghe. Sự thinh lặng trong bài giảng cũng thực sự cần thiết. Thật thế, Chúa Giêsu nói câu đó xong, Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất mà không nói một lời nào nữa. Từ giây phút đó, dân chúng từ từ rút lui, không còn lên án người khác. Chính vì thế, diễn giả cần biết cách dùng ngôn từ như thế nào cho đúng chức năng của nó. Có thể nói: Ngôn từ là cái bóng của hành động con người[13]. Diễn giả dùng ngôn từ không khéo sẽ làm tổn thương người khác. Quả thật, ngôn từ làm tổn thương người khác còn hơn cả gươm giáo, vết thương gươm giáo chém dễ lành, còn vết thương lời nói gây ra khó khỏi.
Tục ngữ có câu: “Nói nhiều gây oán, nói bừa gây họa”. Vì thế, nhiều từ tất sai, lắm lời tất bại. Có thể nói, ngôn từ có lúc là một thứ ti tiện. Một người dùng ngôn từ hết sức tùy tiện, có thể là người vô trách nhiệm! Vì người nói nhiều thường làm ít! Ngôn từ nhiều không bằng ít ngôn từ. Ngôn từ ít không bằng ngôn từ hay và chính xác. Ngôn từ phong phú không bằng ý tưởng sâu sắc. Cho dù là “nghìn lời vạn tiếng” cũng không bằng một lời nói chân thành để lại ấn tượng đẹp. Những ngôn từ văn nhã mà người nghe không hiểu ý nghĩa thì chẳng ích gì[14]. Nhiều lời là dấu hiệu của sự giả dối, quanh co; vì người nào mà hay dùng ngôn từ “văn thơ bay bướm” có thể là kẻ biếng nhác trong hành động. Thật thế, “người có đạo đức tuyệt đối không nói bừa. Người có tín nghĩa tất không nhiều lời. Người có mưu lược không cần lắm lời. Nói nhiều bị ghét, nói dối bị khinh, nói bừa bị nhục, chỉ có biết giữ thinh lặng thích đáng mới được coi là một triết gia[15].
Diễn giả dùng ngôn từ để giảng dạy, nhưng phải dùng ngôn từ như thế nào đó mới là điều quan trọng? Việc dùng ngôn từ trong giảng lễ là một nghệ thuật mà diễn giả không thể không quan tâm. Vì vậy, diễn giả giảng trong bất cứ trường hợp nào, bất cứ ở đâu hay nói về điều gì, tốt nhất nên giảng ngắn. Nên giảng những điều mình có kinh nghiệm, đã sống. Khi giảng, dùng những ngôn từ chân thành từ đáy lòng mình, chỉ nói những điều mình nắm chắc chắn. Dùng những ngôn từ có tác dụng gợi mở đối với người nghe, có thể cảnh tỉnh người nghe, có thể làm ấm lòng người nghe, có thể giải nổi ưu phiền khổ đau của người nghe… Còn những điều bản thân không làm được, nắm không vững, nếu phải nói thì cần khiêm tốn khéo léo trình bày. Những ngôn từ không rõ ràng, không chính xác thì không nên dùng. Những ngôn từ làm tổn thương, phương hại đến người khác càng không được dùng. Những ngôn từ bịa đặt hại người, những ngôn từ thô tục bẩn thỉu không được đưa vào bài giảng[16], để khỏi làm “vẩn đục” nội dung sứ điệp Lời Chúa.

(Còn tiếp phần II giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu)


 
Phó tế JB. Trần Thái Quốc
 

[1] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.84-85
[2] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.91
[3] Mt 21,28
[4] HOÀNG XUÂN VIỆT, Thuật Hùng Biện (Bí Quyết Của Thành Công), Nxb Thanh Hóa, tr.273
[5] Ga 3,5
[6] Lc 24,24-27
[7] Ga 4,10.13-14
[8] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.90
[9] HOÀNG XUÂN VIỆT, Thuật Hùng Biện (Bí Quyết Của Thành Công), Nxb Thanh Hóa, tr.274-275
[10] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.449-450
[11] KEN UNTENER, Để Giảng Lễ Tốt Hơn, Lm Lê Công Đức, dg., Nxb Tôn Giáo, tr.129
[12] Ga 8,7
[13] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.457-458
[14] KEN UNTENER, Để Giảng Lễ Tốt Hơn, Lm Lê Công Đức, dg., Nxb Tôn Giáo, tr.130
[15] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.458
[16] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.459-460

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận