Đức Giêsu, mẫu gương sử dụng ngôn từ trong bài giảng

Đăng lúc: Chủ nhật - 17/08/2014 11:14 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

ĐỨC GIÊSU MẪU GƯƠNG SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG BÀI GIẢNG

Phó tế Trần Thái Quốc

Giảng thuyết là trình bày một vấn đề với tài khéo léo dùng ngôn từ, một sự khéo léo đầy đắn đo suy nghĩ và thận trọng để dùng những ngôn từ thật gần gũi và chính xác. Đành rằng ngôn từ có vai trò cần thiết đến nỗi có thể quyết định sự thành công hay thất bại của diễn giả. Tuy nhiên, ngôn từ không thể chỉ là cái vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài để che đẩy sự nghèo nàn, trống rỗng bên trong[1]. Vì thế, diễn giả cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung sứ điệp mà mình muốn truyền tải cho người nghe bằng việc suy nghĩ cho thật chu đáo, nghiên cứu và tìm tòi tư liệu để lý luận cho vững chắc và sâu sắc. Bởi lẽ, giảng thuyết chính là sự hội ngộ tâm linh giữa lý lẽ mà mình hiểu biết, kiến thức mà mình học được, cái đẹp mà mình chiêm ngắm và những điều thực tế mà mình đã sống. Những điều đó có tác dụng rất lớn trong việc thuyết phục, hướng dẫn và thay đổi hành vi tư tưởng cũng như đời sống của con người[2].
Quả thật, không ai có được khả năng sử dụng ngôn từ khéo léo và tinh tế như Đức Giêsu. Ngài là vị giảng thuyết có một không hai trong lịch sử nhân loại. Ngài đã khai mở những mối bận tâm lo lắng của kiếp người và khơi lên niềm hy vọng trong tâm hồn những con người thất vọng và lạc hướng. Ngài là mẫu gương cho các nhà giảng thuyết qua mọi thời đại. Vì thế, thừa tác viên của Lời cần phải học cách giảng thuyết của Thầy Giêsu. Phải dùng những lời hay ý đẹp nhằm động viên và xây dựng con người, chứ không dùng những ngôn từ huỷ diệt hay gây sự bất an chia rẽ. Còn những ngôn từ làm cho người khác phải chói tai buốt lòng thì không nên có trên môi miệng thừa tác viên của Lời. Thật vậy, Đức Giêsu rất trân trọng ngôn từ, và một khi ngôn từ Ngài phát ra đều có sức mạnh xoa dịu, chữa lành, động viên và an ủi.
Bởi đó, thừa tác viên của Lời cần có và duy trì mối bận tâm là trở nên hoàn thiện việc sử dụng ngôn từ của mình trong sứ vụ rao truyền Lời Chúa. Mà muốn được như vậy, cách tốt nhất giúp cho diễn giả giảng dạy thành công không gì khác hơn là học cách sử dụng ngôn từ của Đức Giêsu.

I. Các phương pháp sử dụng ngôn từ của Đức Giêsu khi giảng

Chúa Giêsu sử dụng rất nhiều phương pháp trong khi rao giảng Nước Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài là bậc thầy sử dụng các phương pháp trong giảng thuyết. Do đó, là môn đệ của Đức Giêsu, các diễn giả nên học cách sử dụng ngôn từ của Thầy mình.

1. Phương pháp dụ chứng

Phương pháp dụ chứng bao gồm loại suy và ví dụ. Người ta thường nói: “Cùng loại thì ví dụ, khác loại thì loại suy”. Tính chất chung của nó là muốn làm rõ chứ không phải chứng mình. Về số lượng, ví dụ thường được thể hiện bằng hai sự vật có một điểm giống nhau nào đó. Còn loại suy được thể hiện bởi sự vật có hàng loạt các điểm tương đồng hay gần giống nhau, từ đó suy ra một tính chất khác cũng tương tự nhau[3].
Phương pháp dụ chứng là phương pháp mà các nhà hùng biện thích dùng nhất, nhờ nó mà tư tưởng của vị thuyết giảng được người nghe nắm bắt tốt hơn. Thật vậy, có những lúc gặp các vấn đề không thể giải thích hay không tiện nói ra, vì điều muốn nói ra quá phức tạp hoặc quá cao siêu, thì người ta vận dụng phương pháp dụ chứng để có thể truyền đạt sâu sắc hơn ý nghĩa của vấn đề[4]. Thật thế, phương pháp này Chúa Giêsu đã vận dụng rất nhiều trong khi mạc khải Nước Trời cho con người. Ngài ví Nước Trời như hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng có một sức sống mãnh liệt: “Nước Thiên Chúa giống như một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được[5]. Ngài lại lấy dụ chứng khác để trình bày Nước Trời có sức biến đổi lớn: “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men[6]. Chúa Giêsu dùng rất nhiều dụ chứng để diễn đạt những vấn đề cao siêu mà người phàm không thể hiểu được, nhưng với phương pháp dụ chứng, con người có thể hiểu được phần nào sứ điệp thâm sâu mà Thiên Chúa đã dấu kín từ tạo thiên lập địa. Như câu chuyện Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari ở bờ giếng Giacóp. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh nước tự nhiên dùng hằng ngày để nói về nước hằng sống cho người phụ nữ Samari: “Chị cho tôi xin chút nước uống!... Tôi sẽ ban cho chị nước hằng sống… Ai uống nước này sẽ lại khát, còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa, và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời[7].
Quả thật, trong cuộc đời công khai sứ vụ, Chúa Giêsu luôn dùng rất nhiều phương pháp dụ chứng để mạc khải Tin Mừng. Ngài nói về vấn đề gì thì Ngài lấy dụ chứng về vấn đề đó. Những dụ chứng Chúa Giêsu dùng đều lấy trong đời sống thực tế hằng ngày mà ai cũng cảm nhận được. Từ những dụ chứng cụ thể trong cuộc sống tự nhiên, Ngài hướng con người về cuộc sống siêu nhiên. Chẳng hạn, khi Ngài nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì Ngài dùng dụ ngôn: Người cha nhân hậu; Con chiên thất lạc; Đồng bạc bị đánh mất[8]. Còn Ngài nói hiện trạng Giáo hội đang lữ hành, vẫn còn sống chung chạ với nhau: cả người lành lẫn kẻ dữ thì Ngài dùng dụ ngôn cỏ lùng[9]. Khi Ngài nói về giá trị cao quý của Nước Trời hơn tất cả mọi thứ ở trần gian, con người sẵn sàng đánh đổi tất cả để chiếm cho bằng được, thì Ngài dùng dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý[10].
Tất cả các dụ chứng trên đây đều làm cho người nghe cảm thấy vô cùng mới mẻ, say mê hấp dẫn lạ thường. Thật vậy, nếu dùng một dụ chứng sắc bén để trình bày một sứ điệp thì hiệu quả sẽ đạt được tốt nhất.
Xin đưa ra một dụ chứng mà Chúa Giêsu đã dùng để nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đức Giêsu nói: “Một người kia có hai người con trai. Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng’. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí hết tài sản của mình. Khi anh ta ăn tiêu hết sạch, thì xảy ra trong vùng ấy một nạn đói lớn khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm vào cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bào người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, con chẳng đáng được gọi là con cha nữa. xin coi con như một người làm công cho cha vậy,’ thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đang xa, thì cha anh đã trông thấy. ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay đã tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người đầy tớ trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe’. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giừo cha cho lấy được một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy[11].
Đức Giêsu đã diễn tả người cha nhân hậu rất tài tình, rất nhiều hình ảnh sống động: Từ hình ảnh này đến hình ảnh khác đều dồn dập, sôi nổi làm cho người nghe hưng phấn chăm chú lắng nghe. Ngài dùng những ngôn từ hình ảnh rất sống động để diễn tả những cảnh huống trong câu chuyện này rất tinh tế, làm cho người nghe như đang theo dõi trên truyền hình vậy. Vì thế, dân chúng hiểu được sứ điệp mà Đức Giêsu muốn nói một cách dễ dàng. Quả thật, đây là một dụ chứng tuyệt vời mà Đức Giêsu đã dùng để nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thật thế, phương pháp dụ chứng là một dụng cụ sắc bén để trình bày tư tưởng. Tác dụng của phương pháp này chính là dùng những hình ảnh mà người khác đã biết để gởi mở cho họ, làm cho họ hiểu được những tư tưởng cao siêu.
Các nhà nho giáo thời danh của Trung quốc cũng khẳng định điều đó. Khổng tử nói: “Có thể lấy vật gần giống nhau để làm ví dụ”. Còn Tuân Tử nói: “Lấy người đo người, lấy tình đo tình”. Đối với Hàn Phi thì cho rằng: “Đồng loại thì suy luận lẫn nhau, khác loại thì đưa ra ví dụ”. Thật vậy, nhà hùng biện thời Đông Hán cũng cho rằng: “Cái gọi là biện, lấy cạn để ví sâu. Cái gọi là trí, lấy dễ để ví cái khó[12]. Lord Randolph Churchill[13] đề cao phương pháp dụ chứng như sau: Dụ chứng chính là công cụ hữu dụng nhất trong giảng thuyết.
Đối với Đức Giêsu, phương pháp dụ chứng là phương pháp Ngài dùng nhiều nhất để mạc khải Tin Mừng cứu độ. Bởi đó, các môn đệ đã thắc mắc với Thầy của mình rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ chứng mà nói với họ?” Đức Giêsu trả lời: Vì họ không được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời. Nếu Thầy dùng dụ chứng mà nói với họ là vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia rằng: “Các người có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại[14].
Thật thế, Đức Giêsu không nói gì với dân chúng mà không dùng dụ chứng, “hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: ‘Mở miệng ra tôi sẽ kể dụ chứng, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa[15].

2. Phương pháp so sánh

So sánh là xem xét cái này với cái kia để thấy sự giống nhau, khác nhau hoặc sự hơn kém[16]. Phương pháp so sánh chính là đem hai sự vật có hình tượng đối lập rõ ràng đặt chung với nhau, khiến người khác có thể hình dung được và kết luận chính xác[17]. Phương pháp này đơn giản nhưng kết quả rất hữu hiệu. Các nhà giảng thuyết lừng danh đều sử dụng phương pháp này để trình bày tư tưởng của mình.
Quả thật, không ai có thể sử dụng phương pháp này một cách nhuần nhuyễn cho bằng Chúa Giêsu. Ngài là bậc thầy sử dụng phương pháp này thật tuyệt vời. Trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, rất nhiều những hình tượng so sánh sống động và tinh túy[18]. Ngôn từ của Đức Giêsu không chỉ đơn giản, sáng sủa mà còn có cách so sánh rất linh hoạt. Sự khéo léo sử dụng ngôn từ của Ngài theo phương pháp này vừa hấp dẫn người nghe, vừa dễ hiểu. Chính vì thế, người ta có thể tiếp cận và đón nhận chân lý một cách xác tín. Thật vậy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Nghe Chúa nói thế, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?”. Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự có thể được[19]. Còn khi Đức Giêsu giảng về tình yêu Chúa Cha dành cho con người, không muốn một người nào phải hư mất thì Ngài nói: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật cho anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất[20].
Thật vậy, khi trình bày một vấn đề mới mẻ đối với người nghe, diễn giả rất khó diễn tả, không biết làm sao để cho thính giả nhanh chóng hiểu được vấn đề? Bởi đó, muốn thính giả dễ dàng nắm bắt vấn đề, diễn giả nên dùng phương pháp so sánh, bằng những ví dụ cụ thể, đơn giản, mô tả cho người nghe những thứ họ chưa biết bằng những thứ họ đã biết, những người không biết chữ cũng có thể hiểu được[21]. Do đó, Chúa Giêsu đã diễn tả Nước Thiên Chúa cho người nghe về những câu chuyện như sau:
Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy[22].
Nước Trời cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy[23].
Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men[24].
Giải thích như thế rất rõ ràng, dễ hiểu cho mọi hạng người: Những bà nội trợ cũng hiểu, dân làm ăn buôn bán cũng biết, dân làm lụng vất vả chân lấm tay bùn ít học cũng hiểu được một cách dễ dàng.
Sau đây là câu chuyện nói về các nhà truyền giáo đã dùng phương pháp so sánh này để trình bày cho dân bản địa: lấy những sự vật cụ thể để nói về những sự trừu tượng. Một số nhà truyền giáo dịch Kinh Thánh sang tiếng địa phương cho một bộ tộc sống gần vùng xích đạo bên Châu Phi. Các ngài đã dịch câu Thánh vịnh: “Cho dù tội lỗi có đỏ như máu thì cũng sẽ thành trắng như thuyết”. Các ngài không dịch theo sát mặt chữ, như thế không có ý nghĩa gì cả đối với người bản xứ. Vì người bản xứ không biết đến tuyết là gì và họ cũng không có từ “tuyết” trong từ vững. Và họ cũng không biết tuyết trắng như thế nào. Họ chỉ biết trèo dừa, hái những quả to xuống. Những người truyền giáo đã dùng những vật thông dụng này để giải thích những sự trừu tượng. Cho nên, câu trên các ngài đã dịch ra như thế này cho dễ hiểu: “Cho dù tội lỗi có đỏ như máu thì cũng sẽ thành trắng như cùi dừa non[25].
Thật vậy, phương pháp so sánh mà sắc bén sẽ làm cho người nghe thông hiểu tư tưởng. Nhưng muốn sử dụng phương pháp này thì cần chú ý ba điều: Thứ nhất, so sánh phải đơn giản, tốt nhất là nêu các hiện tượng, người và việc mà mọi người đều quen biết, tuyệt đối không so sánh những việc mơ hồ, khó hiểu; thứ hai, so sánh phải thích đáng. Sự vật so sánh và sự vật được so sánh phải có nét tương đồng, không quá gượng gạo; thứ ba, phải làm cho người nghe suy nghĩ nhiều và thâm thúy điều mình nói[26].
(còn tiếp…)
 

[1] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM, Giảng Thuyết Hồng Ân Và Trách Nhiệm, Nxb Tôn Giáo, tr.11
[2] PHONG LIỄU, Diễn Thuyết Trước Công Chúng, Nxb Thanh Hóa, tr.18
[3] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.136
[4] Sđd, tr.140
[5] Lc 13,19
[6] Lc 13,21
[7] Ga 4,1-42
[8] Lc 15,1-32
[9] Mt 13,24-30.36-43
[10] Mt 13,44-46
[11] Lc 15,11-32
[12] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.136-138
[13] Là thủ tướng nước Anh, một nhà lãnh đạo có tài ăn nói và hùng biện vào cuối thế kỉ XIX
[14] Mt 13,15
[15] Mt 13,34-35
[16] NGUYỄN NHƯ Ý (Chủ biên) & NGUYỄN VĂN KHANG – VŨ QUANG HÀO – PHAN XUÂN THÀNH, Đại Từ Điển Tiếng Việt, Nxb Đại Học Quốc Gia TP.HCM, Năm 2008
[17] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.156
[18] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM, Giảng Thuyết Hồng Ân Và Trách Nhiệm, Nxb Tôn giáo, tr.116
[19] Mt 19,23-26
[20] Mt 18,12-14
[21] DALE CARNEGIE, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng, Song Hà, dg., Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr.222
[22] Mt 13,44
[23] Mt 13,45-46
[24] Mt 13,33
[25] DALE CARNEGIE, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng, Song Hà, dg., Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr.223
[26] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.39


ĐỨC GIÊSU MẪU GƯƠNG SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG BÀI GIẢNG

I. Các phương pháp sử dụng ngôn từ của Đức Giêsu khi giảng

 (…tiếp theo)
3. Phương pháp sự thật[1]
Tục ngữ nói: “Sự thật không cần hùng biện”. Bởi đó, trong khi giảng cần chú ý vận dụng đưa ra các dẫn chứng sự thật hiển nhiên ai cũng công nhận để làm luận chứng cho quan điểm của mình. Như vậy, biện luận sẽ hợp lòng người nghe, tư tưởng sẽ sáng sủa, logic và chính xác[2]. Thật vậy, khi Chúa Giêsu nói lên vai trò làm chứng tá của người môn đệ cho trần gian, Ngài đã dùng dẫn chứng cụ thể và rõ ràng về những hình ảnh mà ai cũng biết trong đời sống hằng ngày như: muối, ánh sáng, thành xây trên núi… Còn khi Ngài nói đến sự lợi ích của người môn đệ ở giữa trần gian như là muối, phải ướp đời “mặn mà”, nghĩa là làm cho nhân loại thấm nhiễm tinh thần của Tin Mừng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã trở thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi[3]. Cũng vậy, khi Đức Giêsu nói về người môn đệ là phải trở nên mẫu gương nhân chứng cho trần gian, thì Ngài đưa dẫn chứng về ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời[4].
Chúa Giêsu dùng những hình ảnh thường ngày quen thuộc này, không ai lại không biết, vì đó là sự thật hiển nhiên. Dân chúng dễ dàng nắm bắt được điều Chúa Giêsu muốn nói. Quả thật, các dẫn chứng rõ ràng, cụ thể luôn có tính thuyết phục cao. Đây là phương pháp biện luận mà Chúa Giêsu thường dùng để mạc khải chân lý siêu nhiên cho nhân loại hiểu được các mầu nhiệm Nước Trời. Trên thực tế, phương pháp này không cần nhiều kỹ xảo chỉ cần trình thuật lại sự thật đúng lúc và đúng mức nhất định sẽ đem lại hiệu quả cao[5].
Lord Randolph Churchill từng nói, biện luận có sức thuyết phục nhất không phải là các luận chứng dông dài mà là đưa ra các dẫn chứng thật sự[6] và rõ ràng mà ai cũng biết; đồng thời, các dẫn chứng ấy đều nhắm về cùng một hướng, một mục đích thì tư tưởng của diễn giả trình bày sẽ được mọi người tiếp thu một cách dễ dàng. Có thể đưa ra một hoặc hai, ba dẫn chứng, mà dẫn chứng sau phải có tính khái quát và qui nạp cao. Toàn bộ các dẫn chứng đều chỉ về cùng một hướng, một mục đích thì sẽ có tính thuyết phục lớn lao. Nếu diễn giả dùng phương pháp dẫn chứng sự thật để mở đầu bài nói thì sẽ tạo được ấn tượng tốt cho thính giả. Phương pháp này Carnegie[7] gọi là “công thức ma thuật”. Công thức có tiến trình như sau: “Trước khi chưa đi sâu vào nội dung chính của luận đề cần biện luận, hãy lấy dẫn chứng cụ thể để mở đầu, thông qua sự thật để thu hút người nghe. Từ đó, phơi bày sự thật mà bạn muốn để thính giả biết. Sau đó, từ dẫn chứng bạn đưa ra các điểm chính và lý do mà bạn muốn nói để thuyết phục người nghe[8].
Tuy nhiên, dẫn chứng sự thật dùng để mở đầu bài nói phải sinh động và rõ ràng, có các tình tiết chính đáng để miêu tả, có như vậy mới tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng thính giả. Các dẫn chứng phải nhắm vào điểm trọng tâm của bài giảng, khi đó mới giúp cho người nghe hiểu rõ điều mình muốn trình bày. Một khi đã dành được tình cảm và tâm hồn của người nghe, ắt hẳn mọi thứ đều trở nên sinh động và hứng khởi[9]. Thật vậy, phương pháp dẫn chứng sự thật được các nhà hùng biện thời nay gọi là một trong những cách mở đầu hay nhất.
Thật thế, khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, dân chúng không thèm để ý đến Tin Mừng cứu độ mà chỉ quan tâm lo lắng vấn đề “cơm áo gạo tiền”, nên Ngài đã vận dụng phương pháp này để trình bày sứ điệp. Ngài dùng hình ảnh chim trời và hoa cỏ ngoài đồng để nói về thân phận con người. Mở đầu Ngài mời gọi dân chúng: “Hãy xem chim trời: Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra một bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà,…ngày cả vua Salomon, dù vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”[10].
Sau khi Ngài phân tích, giải thích về chim trời và hoa cỏ ngoài đồng, Ngài hướng mọi người nhìn lại bản thân và mạc khải cho họ biết tình yêu của Thiên Chúa luôn quan phòng mọi sự. Cho nên, con người đừng quá bận tâm lo lắng về sự đời, về của ăn áo mặc mà quên mất phần rỗi linh hồn của mình: “Vậy, nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò lửa, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy[11].
Thật vậy, Chúa Giêsu quan sát các sinh hoạt và sự kiện đời thường của dân chúng: Cách người Pharisêu chọn chỗ nhất trong đám tiệc, cách người ta làm ăn buôn bán, cách người ta đến đền thờ để cầu nguyện, cho đến tên trộm rình mò giữa đêm khuya, người nông dân gieo lúa, những người thợ kiếm tìm việc làm từ sáng sớm… Từ cánh huệ ngoài đồng, hạt cải bé nhỏ đến những mẻ lưới giữa biển khơi… Tất cả những chất liệu rất thật đó từ cuộc sống của dân chúng đã trở thành những hình ảnh minh họa tuyệt vời, để mạc khải chân lý ngàn đời cho con người[12]. Bên cạnh những hình ảnh minh họa đó, Ngài còn dùng phương pháp đặt câu hỏi để làm cho bài giảng thêm sinh động và giúp người nghe bớt thụ động.

4. Phương pháp đặt câu hỏi

Dùng câu hỏi để bắt đầu bài giảng của mình là cách dễ dàng tiếp cận thính giả nhất. Câu hỏi là chìa khóa vạn năng để đưa thính giả chăm chú lắng nghe. Chỉ cần diễn giả nắm được mức độ hiểu biết của thính giả trong khi đưa ra câu hỏi, thì dù không có nhiều kinh nghiệm trong giảng thuyết, diễn giả cũng có thể ứng khẩu được trước các đối tượng[13]. Tuy nhiên, diễn giả cũng phải biết đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi phải thích hợp với từng đối tượng đang lắng nghe, không nên đặt vấn đề mà người nghe không biết. Diễn giả muốn tiếp cận thính giả một cách dễ dàng, thì hãy đặt câu hỏi mà người ta đang quan tâm.
Thật vậy, thừa tác viên của Lời nên học cách đặt câu hỏi rất tinh tế của Đức Giêsu khi muốn tiếp cận đối tượng. Cách Ngài tiếp cận đối tượng như sau: Ngài tiến đến hai môn đệ đang bàn tán xôn xao về việc vừa xảy ra ở Giêrusalem. Chúa Giêsu đến đồng hành với họ và tiếp cận họ một cách rất dễ dàng, khi Ngài đặt câu hỏi đụng chạm đến nội tâm mà họ đang băn khoăn, thắc mắc mà không ai giải thích cho. “Họ đang trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Ngài hỏi họ: Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?’ Họ dừng lại vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cleopar trả lời:Chắc ông là người duy nhất cư ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy ngày nay’. Đức Giêsu hỏi: ‘Chuyện gì thế?’ Họ thưa:Chuyện ông Giêsu Nadaret. Người là một ngôn sứ đầy quyền thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng đế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình và đã đóng đinh Người vào thập giá[14].
Khi nghe các ông trình bày nỗi lòng của mình, Đức Giêsu bắt đầu khai mở tâm trí cho các ông. Ngài đặt câu hỏi đụng phải “vết thương lòng” của họ, nên họ đã bộc bạch tất cả nỗi lòng. Từ những sự kiện mà họ nói ra, Chúa Giêsu đã dựa vào đó để mạc khải cho họ về Đấng Kitô: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh[15]. Cách đặt câu hỏi của Đức Giêsu quả là hoàn hảo. Ngài đã vận dụng tâm lý rất khéo léo. Theo tâm lý chung, chỉ cần khơi đúng điều mà đối phương đang băn khoăn, lo lắng, ắt hẳn cuộc đối thoại sẽ diễn ra một cách thoải mái.
Phương pháp hỏi để phản biện một biện luận xem có vẻ như sách lược tiêu cực nhưng trên thực tế có tác dụng tích cực. Phương pháp này nên được vận dụng nhiều trong quá trình thuyết giảng[16]. Thật vậy, thuật hỏi để biện luận của Chúa Giêsu rất độc đáo. Hãy nhớ lại câu chuyện nhóm biệt phái đến bắt bẻ Chúa Giêsu về một quan điểm. Họ đến gặp “Đức Giêsu đang đi trong đền thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến hỏi Ngài:Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy’?” Ngài rất bình thản, không vội phản biện. Ngài đi từ một góc độ dường như không liên quan gì đến vấn đề họ hỏi. Rồi Ngài liên tục đưa ra những câu hỏi tiếp cận vấn đề, lập luận khiến nhóm luật sĩ không kịp trở tay. “Đức Giêsu đáp:Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của Gioan là do trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi! Cuối cùng họ đi theo hướng của Chúa. “Họ bàn tán với nhau:Nếu mình nói: Do trời, thì ông ấy sẽ vặn lại: Thế sao các ông lại không tin ông ấy? Nhưng chẳng lẽ mình nói: Do người ta?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết”. Đức Giêsu liền bảo họ:Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy[17].
Cách Đức Giêsu phản biện với nhóm Pharisêu và phe Hêrôđê rất tinh tế và khéo léo như sau: Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy. Họ ca ngợi Ngài hết lời: “Thưa Thầy, chúng tôi biết thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa[18]. Sau những lời ca ngợi đó, họ đã hỏi cắc cớ Chúa: “Thưa Thầy, có được phép nộp thuế cho Xêda không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Họ đặt một câu hỏi, trả lời đàng nào cũng dính bẫy: Có cũng chết mà không có cũng chết. Nhưng Ngài không dễ dàng rơi vào bẫy của họ. “Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Ngài nói:Tại sao các ngươi lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” Họ liền đưa cho Ngài. Ngài cầm lấy đồng bạc đưa lên trước mặt họ và hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây? Họ đáp: ‘Của Xêda’. Đức Giêsu bảo họ:Của Xêda, trả cho Xêda; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa’. Và họ hết sức ngạc nhiên về Người[19]. Họ ngạc nhiên, vì họ không thể ngờ được rằng câu hỏi này cũng không thể bắt bẻ được Chúa Giêsu. Câu hỏi không có một lối thoát, vậy mà Chúa vẫn giải quyết một cách êm xuôi. Do đó, họ đã xấu hổ bỏ đi.
Quả thật, Chúa Giêsu thường xuyên sử dụng ngôn từ đối thoại khi giảng dạy, không chỉ trong những cuộc gặp gỡ và trao đổi với Nicôđêmô[20], với người phụ nữ Samari[21] mà còn trong nhiều lần khác khi giảng dạy dân chúng, bằng cách đặt câu hỏi hoặc bằng cách mời gọi người nghe suy nghĩ[22]: “Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì với bọn tá điền kia?...”[23]. “Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai…”[24].
(còn tiếp…)



[1] Là phương pháp đưa ra các dẫn chứng mà ai cũng công nhận đó là sự thật hiển nhiên
[2] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM, Giảng Thuyết Hồng Ân Và Trách Nhiệm, Nxb Tôn giáo, tr.166
[3] Mt 5,13
[4] Mt 5,14-16
[5] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.166
[6] Sđd, tr.168
[7] Dale Breckenridge Carnegie (sinh 24 tháng 11 năm 1888  và chết 1 tháng 11năm 1955) là một nhà văn, nhà thuyết trình người Mỹ và là người phát triển các lớp tự giáo dục, nghệ thuật bán hànghuấn luyện đoàn thể, nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người.
[8] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.170
[9] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.170
[10] Mt 6,26-29
[11] Mt 6,30-34
[12] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM, Giảng Thuyết Hồng Ân Và Trách Nhiệm, Nxb Tôn giáo, tr.118
[13] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Phương Đông, tr.84
[14] Lc 24,14-20
[15] Lc 24,25-27
[16] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.39
[17] Mc 11,27-33
[18] Mc 12,13-14
[19] Mc 12,15-17
[20] Ga 3,1-21
[21] Ga 4,7-26
[22] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.126
[23] Mt 21,40
[24] Mt 21,28

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận