Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu (3)

Đăng lúc: Thứ bảy - 12/07/2014 19:39 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ

theo cách thức của Đức Giêsu

II. Giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu

Khi sử dụng ngôn từ, diễn giả cần dùng cảm xúc với ngôn từ mà mình phát ra. Cảm xúc đó, diễn giả cần giữ xuyên suốt từ đầu đến cuối. Bởi đó, diễn giả đừng để cho cảm xúc bị đứt đoạn giữa chừng; vì mỗi khi cảm xúc bị đứt đoạn sẽ làm cho người nghe chán nản, mệt mỏi. Một khi đã chán nản rồi, diễn giả khó có thể làm cho người nghe tiếp thu được hiệu quả những gì mà mình trình bày. Bởi thế, muốn để cho cảm xúc của mình được giữ mãi trong suốt bài giảng thì diễn giả cần nắm vững những tư tưởng mà mình muốn nói. Thật vậy, trong khi giảng diễn giả nên nắm vững một số nguyên tắc sau:

1. Nói Lời Thiên Chúa

Mục đích chính đối với thừa tác viên của Lời là giảng về Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh. Tùy theo hoàn cảnh, có thể dùng nhiều hình thức khác nhau trong việc sử dụng Lời Thiên Chúa. Giảng lễ có thể nhấn mạnh, khi thì về phương diện này, khi thì về phương diện khác của mầu nhiệm cứu độ. Thật vậy, “trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nhờ con người và dùng cách nói của con người mà phán dạy[1]. Thánh Phaolô cũng đã căn dặn người môn đệ thân tín của mình rằng: “Anh hãy rao giảng lời Thiên Chúa[2]. Cũng vậy, Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy[3].
Hơn bao giờ hết, diễn giả phải nói lời Thiên Chúa cho người đương thời. Vì thế, diễn giả cần nắm vững kiến thức Kinh Thánh, chứ không phải là phỏng đoán điều sách viết ra hoặc theo ý mình; lại càng không được thế vào đó bằng cách giải thích có tính cách đạo đức. Đã có một thời, bản văn Kinh Thánh được dùng như là nguồn các câu chuyện, các ví dụ, các luận chứng để bênh vực cho một tư tưởng của diễn giả hay của một chính thể nào đó. Cách sử dụng lời Thiên Chúa như thế đã không để cho cộng đoàn được sống kinh nghiệm như Giáo hội sơ khai. Cho nên, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng cảnh báo: “Người rao giảng không bao giờ được phản bội hay che đậy chân lý chỉ vì muốn làm vui lòng người nghe hoặc bắt chân lý phục vụ mình[4].
Thật thế, Pascal đã nói câu rất chí lí rằng: “Ai muốn cắt nghĩa Kinh Thánh mà không lấy nghĩa đó từ Kinh Thánh thì người ấy là kẻ thù của Kinh Thánh[5].
Quả thật, câu nói này đã được chứng mình rõ ràng qua các nhà giảng thuyết thành công hoặc những người có kinh nghiệm nhiều năm trên bục giảng. Các vị này đã đưa ra kết luận rằng ngôn từ hằng ngày có hiểu quả hơn so với các ngôn từ văn chương kiểu cách. Ngoài việc biểu đạt ý tưởng, nó còn làm cho mối liên hệ giữa người giảng và người nghe gắn bó hơn. Thật thế, diễn giả nên sử dụng lời Thiên Chúa để sánh ví; vì những ngôn từ đó có hiểu quả rất lớn, làm gia tăng tính trang nghiêm của buổi lễ và có ý nghĩa đặc biệt hơn cho bài giảng của mình. Do đó, diễn giả nên để ý đến đề tài bài giảng của mình; đừng nói đề tài quá rộng, quá cao siêu, không thực tế hoặc có quá nhiều ý tưởng; đừng làm cho Lời Chúa trở nên phức tạp và khó hiểu. Đồng thời, khi giảng cũng nên nói rõ ràng và lưu loát để thính giả nắm bắt được vấn đề hơn.

2. Nói rõ ràng và lưu loát

Tính chất đầu tiên và cần thiết của bài giảng là ngôn từ rõ ràng. Trước tiên phải dùng ngôn từ làm sao cho người nghe dễ hiểu, như ánh sáng giúp người ta thấy, thì sự rõ ràng giúp cho người ta am hiểu điều mình nói. Bởi đó, cần dùng những ngôn từ chính xác, câu cú logic và ngắn gọn, đơn giản trong cách diễn tả. Những ngôn từ của diễn giả nên nhẹ nhàng, rõ rệt, linh hoạt, uyển chuyển hòa khí, lời nói thân thiện, dịu dàng thì hiệu quả bài giảng đạt được hiệu quả rất lớn. Điều này Đức Giêsu đã thể hiện, khi Ngài rao giảng Tin Mừng cho dân chúng. Do đó, “mọi người đều kinh ngạc đến nỗi bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”[6]… “Nghe vậy, họ ngạc nhiên về Ngài[7]
Thật thế, diễn giả khi dùng ngôn từ phải có sự lựa chọn, rành mạch sáng sủa, mỗi câu nói ra đều như sợi chỉ nút buộc[8]. Diễn giả khéo dùng ngôn từ, diễn đạt một cách hấp dẫn lưu loát tư tưởng của mình sẽ khiến người nghe vui vẻ đón nhận. Còn diễn giả nào sử dụng ngôn từ không khéo léo, tư tưởng không rành mạch, rõ ràng thường làm cho người nghe mệt mỏi, tạo nên sự căng thẳng khó chịu.
Thật vậy, sử dụng ngôn từ không rõ ràng là biểu lộ sự nghèo nàn về từ vựng, làm cho tư tưởng của mình không được sắc sảo và làm cho người nghe lạc hướng, không nắm vững sứ điệp. Do đó, diễn giả cần dùng ngôn từ thích đáng và chính xác, đừng quá dễ dàng tin vào sự đồng nghĩa của ngôn từ. Cần biết sắc thái thực sự phân biệt hai ngôn từ, gọi là từ đồng nghĩa, để chỉ dùng một ngôn từ thôi là đủ đem đến sức mạnh và nét độc đáo cho phong cách của nó rồi. Nhiều khi vì thiếu ngôn từ để phu diễn cho đúng đắn, diễn giả dùng những ngôn từ gượng gạo, tuy không sai hẳn nhưng làm cho người nghe khó hiểu hoặc hiểu một cách mơ hồ[9].
Bởi đó, diễn giả cần phải lựa chọn ngôn từ cho chính xác để diễn ý cho tinh tường thì tư tưởng mới sáng, ý mới sâu, người nghe mới dễ cảm nhận vấn đề. Nếu chữ nghĩa nghèo nàn, miễn cưỡng chẳng những làm cho người nghe khó chịu mà còn làm cho họ hiểu lầm hoặc hiểu một cách lờ mờ. Thêm vào đó, khi giảng, diễn giả cũng nên để ý đến cách trình bày, phải khiêm tốn bày tỏ sự tôn trọng và tình cảm của mình với người nghe như Đức Giêsu.

3. Bày tỏ sự tôn trọng và tình cảm của mình với người nghe

Là con người ai cũng đòi hỏi được yêu thương và tôn trọng. Mỗi con người đều có những tâm tư tình cảm về giá trị, về tầm quan trọng của bản thân và về nhân phẩm của mình. Do đó, nếu diễn giả làm tổn thương đến một trong những điều ấy, diễn giả sẽ bị mất đi tình cảm của người nghe. Thế nên, khi diễn giả yêu mến và tôn trọng người nghe, thì hãy thể hiện tình cảm của mình với họ, và như vậy, họ sẽ yêu mến và tôn trọng mình[10]. Thật thế, Đức Giêsu nhìn thấy đám đông đang lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt, thì “Ngài chạnh lòng thương[11]. Trông thấy bà góa thành Nain đi chôn con trai duy nhất, thì Đức Giêsu liền “chạnh lòng thương[12]. “Thấy cô Maria khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến[13]
Hơn nữa, lòng kiêu hãnh là một đặc điểm nổi bật chính của tính cách con người. Cho nên, diễn giả nên tận dụng đặc điểm này để gây thiện cảm với người nghe[14]. Điều này thánh Phaolô đã áp dụng khi ngài rao giảng Tin mừng cho dân thành Athen - Hy Lạp. Ngài đã sử dụng nó trong một bài diễn văn nổi tiếng trước hội đồng Arêôpagô. Ngài sử dụng phương thức đó với một sự điêu luyện, rất hoàn hảo, khiến cho các diễn giả suốt hai mươi thế kỉ qua vẫn còn phải thán phục. Sau này, khó mà tìm được người thứ hai thể hiện phương pháp đó khéo léo như ngài. Ngài đã sử dụng phương cách này rất tinh tế. Cách thức ngài dùng ngôn từ, bày tỏ sự tôn trọng và tình cảm của mình với dân thành Athen như sau: “Thưa quý vị người Athen, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh’. Vậy, Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi rao giảng cho quý vị biết[15]. Ngài không muốn trình bày niềm tin của mình như một thứ gì đó xa lạ trái ngược với niềm tin của người dân nơi đây. Ngài muốn họ hiểu rằng niềm tin của ngài, chẳng khác gì mấy so với niềm tin của họ đã từng tin tưởng. Khi ngài khen ngợi họ là dân rất sùng đạo, họ bắt đầu có thiện cảm với ngài. Đây là một trong những nguyên tắc của nghệ thuật diễn thuyết gây ấn tượng nhất. Vì một khi đã gây được thiện cảm với thính giả, thì những lời mình nói ra họ đều đón nhận hết. Bởi thế, diễn giả sẽ dễ dàng làm sáng tỏ vấn đề mà mình trình bày. Hơn nữa, người giảng muốn đề tài được lôi cuốn và đạt hiệu quả tốt, thì diễn giả nên dùng những minh họa sinh động và uyển chuyển[16] như Đức Giêsu qua dụ ngôn người đi gieo giống[17].
(tiếp theo…)
 

[1] VATICANO II, Hiến Chế Mạc Khải, số 12
[2] 2Tm 4,2
[3] Ga 8,28
[4] PHAOLO VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, số 78
[5] FERDINAND VALENTINE, O.P, Giảng Thuyết Một Nghệ Thuật-The Art Of Preaching, Lm Phêrô Vũ Văn Tự Chương, dg., Burns, Oates Wasbourne, London, Nxb Tôn Giáo, tr.149
[6] Mc 1,27
[7] Mt 22,22
[8] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.55
[9] NGUYỄN VĂN HẦU, Thuật Viết Văn, Nxb Trẻ, tr.42
[10] Tiến sĩ Norman Vincent Peale một diễn viên hài kịch chuyên nghiệp Pháp
[11] Mt 9,36
[12] Lc 7,13
[13] Ga 11,33
[14] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh, dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.175
[15] Cv 17,22-23
[16] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh, dg., Tái bản lần 1, Nxb Lao Động Xã Hội, tr.177-178
[17] Mt 13,1-23

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận