Thứ Tư Tuần 20 TN

Đăng lúc: Thứ tư - 20/08/2014 02:16 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 20 TN: Th. Bê-na-đô, viện phụ

Bài đọc (Ed 34, 1-11)
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri về các chủ chăn Israel, hãy nói tiên tri và bảo các chủ chăn rằng: Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Khốn cho các chủ chăn Israel, họ chỉ lo nuôi chính bản thân: chớ thì các chủ chăn không phải lo chăn nuôi đoàn chiên sao? Các ngươi đã uống sữa chiên, đã mặc áo lông chiên, hễ con nào béo tốt, các ngươi làm thịt: nhưng các ngươi không chăn nuôi đoàn chiên của Ta. Con nào yếu đuối, các ngươi không bổ dưỡng; con nào đau ốm, các ngươi không chạy chữa; con nào bị thương, các ngươi không băng bó; con nào đi lạc, các ngươi không đem về; con nào đi mất, các ngươi không tìm kiếm; nhưng các ngươi chăn dắt chúng bằng bạo lực và nghiêm khắc. Các chiên Ta tản mác vì thiếu chủ chăn: chúng làm mồi cho thú dữ ngoài đồng. Các chiên Ta lang thang khắp núi, trên mọi đồi cao, các chiên Ta tản mác khắp mặt đất, và chẳng có ai tìm kiếm. Ta nói, chẳng có ai tìm kiếm.
Vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Thiên Chúa phán: Nhân danh mạng sống của Ta, các chiên Ta đã bị cướp mất, các chiên Ta làm mồi cho thú dữ ngoài đồng, vì không có chủ chăn: các chủ chăn của Ta không lo lắng cho đoàn chiên Ta, nhưng chúng chỉ nuôi chính bản thân, mà không chăn nuôi các chiên Ta, vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Chúa: Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Ðây chính Ta sẽ đến với các chủ chăn, đòi lại đoàn chiên khỏi tay chúng, và sẽ không cho chúng chăn nuôi đoàn chiên nữa, các chủ chăn không còn nuôi chính bản thân nữa. Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi miệng chúng, và đoàn chiên sẽ không còn làm mồi ngon cho chúng nữa.

Vì Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Ðây chính Ta sẽ tìm kiếm các chiên Ta, và Ta sẽ thăm viếng chúng.

Tin Mừng (Mt 20, 1-16a)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. “Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy. “Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.
“Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết”. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”. “Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.


Thánh Bênađô Viện Phụ, Tiến Sĩ Hội Thánh

Với ơn Chúa người ta có thể làm được mọi sự miễn là con người biết cộng tác hữu hiệu với ơn Chúa. Thực vậy ơn Chúa đã hướng dẫn Bênađô tìm kiếm những giá trị cao siêu nhất, đã hun đúc Ngài thành một tu sĩ chiêm niệm thời danh và thành một chiến sĩ nhiệt thành hoạt động cho Giáo hội.
Bênađô sinh ra trong một lâu đài tại Fontaine-les-Dijon năm 1090. Nhờ sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu và gia giáo. Bênađô sau này đã trở thành người bạn bặt thiệp biết xử sự khôn ngoan với mọi người. Trong số 7 anh em, Bênađô là thứ ba ; cậu được gia đình chiều đãi hơn cả vì có tư cách nết na và đạo hạnh hơn các anh em. Đàng khác Bênadô còn được bà thân mẫu A-let quý mến cách riêng vì một câu chuyện chiêm bao có liên quan tới con bà. Câu chuyện mộng mị đó như sau:
Một tối kia bà Alét mơ thấy trẻ Bênadô đang nô đùa, bỗng hoá thành một con chó cất tiếng sủa vang. Bà đem hiện tượng chiêm bao đó kể lại cho mọi người nghe và ai nấy đều nghĩ đó là điềm báo sau này sẽ trở thành một nhà giảng thuyết đại tài.
Tới tuổi khôn, Bênadô được cha mẹ cho theo học tại trường các thầy kinh sĩ ở Chatillon-sur-Seine. Nhờ sự rèn cặp của các thầy, Bênadô đã dần dần bỏ được tính rụt rè và câu nệ thái quá. Tính nhút nhát đó đã khiến cậu rất sợ hãi khi phải ra trước công chúng; vì thế mà có lần Bênadô đã phải bực mình kêu lên: “Thà rằng tôi chết đi còn hơn nói trước công chúng hay đến trước mặt một người ngoại quốc”. Năm 16 tuổi, giữa lúc cuộc đời đang lên với nhiều hứa hẹn thì thân mẫu của Bênadô từ trần khiến cậu phải trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần khiến Bênadô càng trở nên thầm lặng và suy tư. Nhưng rồi người ta thấy chàng thiếu niên cương quyết đó chống lại mọi thử thách và quyến rũ của gia đình để vào dòng Xi-tô. Không những thế Bênadô còn lần lượt lôi cuốn được các anh em và cả ông thân sinh cùng nhiều người khác theo gương mình vào dòng.
Người ta kể lại rằng: Ngày kia người em út của Bênadô là Nivard đang chơi đùa với các trẻ em thì người anh cả bảo cậu rằng: “Các anh đi đây và nhường lại cho các em cả gia nghiệp, em có bằng lòng không?” Người em đáp lại: “Em không muốn thế, sao các anh chiếm nước trời còn để đất đai lại cho em”. Ít lâu sau người em cũng vào dòng.
Bênadô từ ngày dấn thân vào đời sống mới, luôn luôn tự hỏi mình: “Hỡi Bênadô, người vào đây để làm gì?”. Để nhắc nhở mình sống đúng với lý tưởng đã chọn, câu hỏi vắn tắt làm như phương châm cho đời sống, đã giúp thầy Bênadô siêng năng làm việc và làm một cách chu đáo. Một hôm các thầy xin Bênadô nghỉ ngơi để cho các thầy khác gặt lúa bởi vì thấy thầy yếu và không quen. Nhưng thầy khóc lóc xin Chúa cho mình có thể gặt lúa với anh em. Năm 1115 thầy được cử làm tu viện trưởng Clairvaua, một chi nhánh của dòng Xi-tô. Đây là một dịp để thầy hy sinh hãm mình nhiều hơn, dù yếu đuối và sức khỏe rất mỏng manh, thánh nhân cũng không chịu thua kém ai trong sự ăn uống kham khổ. Ngài còn mắc chứng đau bụng kinh niên. Tuy nhiên, Ngài cũng cố gắng theo các buổi phụng vụ như mọi người khác. Chỉ khi nào không chịu nổi cơn đau Ngài mới bỏ cộng đồng.
Nhận thấy tu viện trưởng Bênadô là người có đầy nhân đức và uy tín nên Đức Giám mục Guillaume de Champeaux truyền chức linh mục cho Ngài và ủy đi giảng thuyết ở nhiều nơi. Tuy thích sống trầm lặng trong tu viện nhưng Ngài đã vâng lời ra đi vui vẻ. Nhờ đức khiêm nhường sâu thẳm, Chúa đã ban cho Ngài nhiều ơn lạ như nói tiên tri, làm nhiều phép lạ. Hết nhiệm vụ, Ngài lại trở về nhà dòng phục vụ. Nhờ thánh nhân, nhà dòng thêm số và hợp thời. Trong 38 năm làm bề trên, Ngài lập thêm được 68 tu viện chi nhánh của Cơ-lec-vô. Ngài cũng viết nhiều tác phẩm để bênh vực đức tin, truyền bá lòng yêu mến Chúa và đức bác ái. Từ bé, Ngài vốn có lòng tôn sùng mầu nhiệm Chúa xuống thế làm người thì bây giờ Ngài cũng năng suy niệm mầu nhiệm ấy. Nhận thấy thánh nhân là người có trí thông minh và tài giảng thuyết cũng như giảng hòa nội bộ. Năm 1145 – Ngài kịch liệt phản đối vua ở miền nam nước Pháp. Lúc còn thanh niên, Ngài rất sợ ra trước công chúng nhưng nhờ ơn Chúa, nay Ngài cảm thấy cương quyết và can đảm nhiều.
Một hôm Ngài tới miền Sens để gặp A-bê-la người mê trí thức và khoa học đời, trước mặt cả cộng đồng giáo sĩ, Ngài phản đối A-bê-la: “Một người công giáo lầm lạc còn nguy hiểm hơn là người theo tà giáo”. Bênadô không phản đối việc trau dồi tri thức nhưng cha nhận đó là phương tiện truyền giáo, Ngài nói: “Người ta không khuất phục tà giáo bằng khí giới nhưng bằng biện luận”. Sau cùng cha Bênadô đã góp phần vào việc tranh đấu bảo vệ mồ thánh Chúa khỏi tay người Hồi giáo. Tuy thành công và danh tiếng nhiều nhưng thánh nhân vẫn khiêm tốn. Đôi khi không làm phép lạ và người ta hỏi thì Ngài chỉ trả lời: trông cậy ở Chúa và Chúa làm còn tôi không có gì đâu.
Sau khi tận tụy và nỗ lực làm việc cho sáng danh Chúa, thánh nhân đã qua đời tại Cơ-lec-vô ngày 20 tháng 8 năm 1153 lúc ba giờ chiều ngày thứ năm, thọ 63 tuổi.
Mười năm sau, các tu viện trưởng họp lập án xin phong thánh cho cha Bênadô. Ngày 18 tháng 1 năm 1174, đức Alexangdro III chuẩn phê án. Và năm 1830 Đức Piô VIII tôn phong Ngài lên hàng tiến sĩ Giáo hội.

Suy niệm 1: HÃY ĐI VÀ LÀM VƯỜN NHO CHO CHÚA

“Hãy đi và làm vườn nho cho Chúa”. Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu cho mỗi người chúng ta.
Vườn nho được hiểu là Hội Thánh. Người mời gọi là chính Thiên Chúa. Đi làm vườn nho được hiểu là công tác truyền giáo. Việc Thiên Chúa trả lương cách hậu hĩnh và công bằng muốn diễn tả Người là Đấng Giàu Lòng Thương Xót.
Vì thế, lời mời gọi đi làm vườn nho không có nghĩa là một bản hợp đồng lao động, và việc nhận lương không căn cứ vào thời gian hay công việc. Điều Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.
Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Hội Thánh. Thật vậy, Đức Giêsu muốn nói đến tính phổ quát của của ơn cứu độ, vì Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Dothái, cho người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Đồng thời Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng: mỗi người, Chúa đều trao cho những nén bạc và tùy khả năng để sinh lời. Phần thưởng dựa vào tiêu chuẩn là người đó có thực sự cố gắng và chu toàn hay không mà thôi.
Hôm nay, phụng vụ mừng kính thánh Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh. Thánh nhân trở thành nổi tiếng không phải vì tài cao, hay xuất thân từ một gia đình quý tộc, thế giá trong xã hội. Nhưng thánh nhân được biết đến là nhờ vào cuộc đời tận tụy lo cho phần rỗi các linh hồn.
Thánh Bênađô đã phấn đấu hết sức để phục vụ Nước Trời và góp tay vào công trình cứu độ của Thiên Chúa đến với nhân loại. Vì thế, ngài rất chú trọng thật nhiều đến công việc của Hội Thánh. Ngài đã giúp ích nhiều cho Hội Thánh bằng cách làm tư vấn cho nhiều vị Giáo Hoàng, quận công và sứ thần Tòa Thánh.
Quả thật, thánh nhân là người đã hết lòng lo lắng cho vườn nho của Chúa là Hội Thánh. Chính vì thế, Thiên Chúa đã thưởng công ngài cách xứng đáng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết, biết gắn bó với Hội Thánh và trung thành với bổn phận của mình. Amen.


Suy niệm 2: YÊU THƯƠNG VƯỢT QUÁ CÔNG BÌNH

“Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.” (Mt 20,8-9)
Suy niệm: Đức hồng y Ph.X. Nguyễn Văn Thuận đã nói rằng mình yêu Đức Giê-su, vì Ngài có 10 khuyết điểm “dễ thương”, mà một trong những khuyết điểm ấy là Đức Giê-su không biết làm kinh tế. Làm kinh tế mà trả công cho người làm cả ngày cũng như những người mới làm vài giờ, thậm chí chỉ có một giờ, bằng công một ngày lao động thì trước sau gì cũng phá sản! Đó lại là cách Thiên Chúa đối xử với con người, một cách đối xử vượt xa mọi thứ công bình của con người, vì đó là cách đối xử của tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Nhớ đến cách đối xử dựa trên tình yêu của Chúa vượt quá mọi quan điểm công bình của con người, để luôn đối xử với người khác dựa trên tình người: không dựa trên lợi ích kinh tế, nhưng trên tình anh em.
Chia sẻ: Tôi đối xử với người khác dựa trên tiêu chuẩn nào? Lợi ích kinh tế, lợi ích tinh thần, hay dựa trên tình yêu mến và phục vụ cách vô điều kiện như Đức Giê-su dạy?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày cố gắng làm một nghĩa cử yêu thương, hay cho, tặng cách vô vị lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã ban phát bao ơn lành cho chúng con vô điều kiện, không dựa trên công trạng cỏn con của chúng con, nhưng trên lòng yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết sống với nhau trong tình yêu mến vượt xa mọi lý lẽ, và cả sự công bình. Amen.


Suy niệm 3

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta 3 đối tượng để nhìn ngắm.
Cái nhìn thứ nhất là về những người được vào làm vườn nho trước nhất. Họ có thỏa thuận, có điều kiện hẳn hoi mới chịu vào làm việc: “Sau khi đã thỏa thuận với họ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc”. Như vậy đây là sự công bằng. Những người thợ này có lẽ đã tìm kiếm nhiều chỗ, nhưng những chỗ khác không đáp ứng được nhu cầu của họ, vì thấy ông chủ này đáp ứng được nhu cầu của mình nên họ đã đồng ý vào làm việc. Chính vì làm việc có thỏa thuận, có hợp đồng nên họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân họ chứ không nghĩ đến công việc của ông chủ, và nhất là không hề biết ơn ông chủ là người đã cho mình được vào vườn nho làm việc.
Cái nhìn thứ hai là về những người được vào làm vườn nho sau hết. Họ muốn có việc làm, họ đứng chờ đợi từ sáng sớm. Họ không phải là những người lười biếng, vì nếu lười biếng họ đã đi chơi hoặc về nhà nằm ngủ, nhưng họ vẫn kiên trì chờ đợi giờ này qua giờ khác. Cuối cùng cũng có người đến “nhờ” họ làm việc. Khi nghe ông chủ nói: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho”, họ đã vui mừng, vội vàng đi làm việc mà chẳng cần thỏa thuận giá cả. Họ biết rằng ông chủ này vì thương mình nên đã kêu mình đi làm việc, chứ không phải ông chủ nhắm đến công việc vì chỉ còn rất ít thời gian để làm việc. Nghĩ như vậy nên họ cố gắng hết sức để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc, không phải để họ được thưởng, nhưng để đáp lại tình yêu thương của ông chủ.
Hai thái độ khác nhau: một đàng nghĩ đến tiền lương của mình, một đàng nghĩ đến công ơn ông chủ, nên sẽ dẫn đến hai cách làm việc và hai tâm tình. Thái độ thứ nhất làm sao cho hết giờ. Còn khôn ngoan tính toán làm sao để mình làm càng ít càng tốt. Thái độ thứ hai vì biết đã gần hết giờ nên sẽ cố gắng hết sức. Có thể khi hết giờ họ còn nán lại làm thêm chút đỉnh vì thấy công việc của ông chủ nhiều quá. Vì vậy hiệu quả của cả hai có thể tương đương nhau. Vào trước nhưng làm ít, làm cầm chừng. Vào sau nhưng làm quyết liệt, làm hết mình.
Cái nhìn thứ ba là về ông chủ. Trước hết ông là một người công bằng. Thỏa thuận làm sao thì trả công như vậy. Kế đến ông là một người dạt dào tình yêu thương. Công việc của ông nhiều thật đấy, nhưng không ai 4 giờ chiều còn đi tìm người làm để 5 giờ nghỉ. Giả dụ có mướn thì cũng tính tiền công trong vòng một giờ, nhưng ông lại tính cho những người sau hết bằng những người trước hết. Như vậy rõ ràng ông có một tình yêu thương. Chẳng những thương những người làm công, mà còn thương người nhà của họ, vì ông biết tiền lương trong một giờ không thể nuôi nổi gia đình của họ.
Qua dụ ngôn ông chủ và những người làm công cho chúng ta thấy ông chủ là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài là tình yêu, nên Ngài đối xử với chúng ta bằng tình yêu. Còn chúng ta là những người thợ nào, những người làm đầu ngày hay những người làm cuối ngày? Dù làm lúc nào chúng ta cũng hãy làm với tất cả tình yêu chứ đừng làm để được trả công. Vì việc chúng ta được vào làm trong vườn nho của Chúa đã là một ân huệ rồi. Vì vậy, hãy biết trân trọng điều đó để làm tất cả vì tình yêu. Đừng tính toán thiệt hơn với Chúa, vì không bao giờ chúng ta xứng đáng.
Lạy Chúa, con được Chúa chọn gọi trong vườn nho Giáo hội để làm những công việc mà Chúa đã trao phó. Xin cho con làm với tất cả nhiệt tâm để góp phần xây dựng Nước Chúa chứ không nghĩ đến phần thưởng của Chúa.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là Đấng giầu lòng quảng đại. Chúa thi ân giáng phúc cho mọi người. Chúa cho mưa thuận gió hòa trên kẻ lành người dữ. Chúa chăm sóc mọi loài trong tình yêu quan phòng của Chúa. Xin dạy chúng con biết sống tâm tình tri ân và tín thác vào Chúa. Xin dạy chúng con biết cùng nhau ca ngợi, tôn vinh tình thương của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, tình yêu Chúa luôn vượt qua mọi tính toán của con người. Chúa không suy tính thiệt hơn khi ban phát tình yêu. Chúa thi ân mà chẳng cần đền đáp lại. Tình yêu Chúa luôn vô vị lợi và cho đi không ngừng. Nhưng Chúa ơi, ở đời chúng con thường hay ganh tị nhau. Ở đời chúng con thường ích kỷ và tham lam. Sự ganh tị, ích kỷ và tham lam đã làm cho chúng con xa lìa nhau, đôi khi chống đối lẫn nhau. Xin Chúa giúp chúng con biết học nơi Chúa tình yêu ban tặng nhưng không. Xin giúp chúng con biết sống chia sẻ cảm thông với nhau thay cho những ganh tị tầm thường. Xin dạy chúng con có một tình yêu như Chúa để chúng con luôn biết vui với người vui, biết cùng nhau cám tạ ơn Chúa, biết thể hiện tình yêu hiệp thông và chia sẻ với nhau trong tinh thần hiệp nhất anh em con một Cha trên trời.
Lạy Chúa, là Đấng giầu lòng thương xót, xin dạy chúng con biết rộng lòng thương xót nhau trong tình nghĩa anh em một nhà. Amen.


SUY NIỆM 4: Lòng Quảng Ðại Của Thiên Chúa

Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu truyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 5: Giá Trị Và Nhân Phẩm Con Người (Mt 20,1-16a)

Qua câu chuyện ngụ ngôn về người chủ vườn và các công nhân làm vườn nho, Chúa Giêsu đã diễn tả lòng quảng đại và lòng bác ái vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài đã dùng một thực tại rất gần gũi với đời sống xã hội của người Do Thái đương thời là vào thời ấy các công nhân thường hay đứng đợi ở những nơi công cộng như chợ búa chẳng hạn, để chờ các chủ nhân đến mướn làm việc. Thường là những công việc làm ngắn hạn, có khi chỉ là một ngày công mà thôi cho nên nếu ngày nào mà có những công nhân đó không có việc làm có nghĩa là ngày ấy thiếu những bát cơm nóng trên bàn ăn của gia đình.
Trong chuyện ngụ ngôn hôm nay, người chủ nhân đã gọi các công nhân làm việc vào giờ cuối cùng nhưng đã rộng lượng trả tiền thù lao cho họ ngang bằng với tiền trả cho những người làm việc cả ngày. Qua lối nói ẩn dụ này Chúa Giêsu cho thấy lòng nhân ái của Chúa Cha đối với nhân loại, nhất là đối với những kẻ tội lỗi, những người bị áp bức và bị đẩy ra bên lề của xã hội phong kiến thời ấy. Có những người thất nghiệp không phải vì họ lười biếng không chịu làm việc mà vì hệ thống kinh tế thời đó không tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Người chủ nhân mướn và trả công thật hậu cho những người làm việc vào giờ chót, cho thấy tấm lòng quảng đại bao la của ông, vì nếu ông chỉ trả lương đúng theo số giờ họ đã làm việc thì chắc chắn là gia đình của những người này sẽ thiếu ăn trong ngày hôm đó.
Thiên Chúa chính là vị chủ nhân tốt lành và quảng đại với tất cả tạo vật của Ngài. Ngài luôn quan tâm và thương xót nhân loại, nhất là đối với những người đau khổ về mặt vật chất lẫn tinh thần như lời Ngài nói: "Tất cả những ai mang gánh nặng nề hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". Như thế, người chủ nhân đã rộng lòng trả tiền lương cho tất cả các công nhân ngang bằng nhau, không kể họ làm việc vào giờ nào, điều đó không phải là sự bất công. Người chủ vườn là Thiên Chúa luôn công bằng với các tạo vật của Ngài, ai làm việc nhiều giờ hay ít giờ đối với Ngài không là việc thiết yếu; điều quan trọng là ý định và thái độ làm việc của các công nhân.
Thiên Chúa yêu mến những ai phục vụ Ngài bằng với tinh thần yêu thương và hân hoan chứ không làm việc vì muốn được hưởng công hậu hay vì mục đích tham vọng cá nhân. Sự làm việc có một giá trị thiêng liêng đối với con người vì qua sự làm việc, con người làm vinh danh Thiên Chúa và cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Ngài. Qua công việc làm, con người trở nên hữu ích và góp phần vào công việc xây dựng và làm thăng tiến xã hội, và cũng qua đó tìm thấy giá trị và nhân phẩm của mình.
Qua chuyện ngụ ngôn hôm nay những công nhân được mướn làm giờ đầu tiên ám chỉ đến dân tộc Israel, là dân tộc đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng và được Ngài mạc khải chương trình cứu độ, nhưng dân Do Thái đã từ khước Thiên Chúa lại còn giết hại Con Một do Ngài sai tới để cứu chuộc thế gian. Nhưng tình yêu thương được thể hiện qua công trình cứu độ của Thiên Chúa không giới hạn trong quốc gia Do Thái mà còn mở rộng đến mọi dân tộc trên thế gian.
Các công nhân được gọi làm việc trong vườn nho vào giờ cuối cùng là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả các dân ngoại đã từng hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa như Ngài đã ban ơn cho dân Do Thái.
Lạy Chúa,
Xin dạy cho chúng con biết phục vụ Chúa và những anh chị em khác với lòng quảng đại và niềm hân hoan. Xin cho chúng con biết dâng hiến nhiều hơn là cầu xin cho sự ích lợi của riêng mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 6: Sống Hằng Ngày Với Ý Hướng Đời Đời

“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.
Chiều đến ông bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại và trả công cho họ, bắt đầu từ người vào làm sau chót tới người làm trước nhất.”
Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”
Thế là những kẻ đứng sau chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. [Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.] (Mt. 20, 1.8.11.12.16)
Người ta cho rằng: “Sự giải thích thực tế của cổ truyền không được nhất trí về chủ đề của dụ ngôn này” Xin cho phép tôi diễn tả ý tưởng của riêng tôi như sau.
Tình yêu đối với kẻ đứng chót.
Tình yêu Thiên Chúa đối với kẻ đứng chót là tình yêu vô cùng, vô cùng đối với tất cả và từng người. Mỗi người nhận được tình yêu vô cùng này tùy theo khả năng yêu mến của mình.
Tình yêu Thiên Chúa là ân huệ cho không, nhưng có tính cách như một nghĩa vụ, Thiên Chúa yêu ta nhưng không, như cha thương con của Ngài, chúng ta được quyền đó. Đức Kitô không chết để tô điểm cho tình yêu thêm bóng bẩy, Người chết vì vâng lời Chúa Cha. Sự vâng phục của Đức Kitô cho chúng ta thêm khả năng yêu mến Thiên Chúa như chúng ta ước muốn. Cái chết của Đức Kitô nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa vô cùng, đời đời. Ngài là chủ nhà, là cha trong gia đình. Ngài ban tình yêu của Ngài cho từng đức con mộtc cách trọn tình. Chúng ta phải đáp lại tình yêu của Ngài, phải làm sống lại tình yêu của Ngài.
Luôn luôn làm việc hết mình.
Đừng nghĩ rằng những giờ trong ngày làm việc là những khoảng khắc thời gian đồng hồ! Tôi xin gợi ý rằng cần phải biết giá trị thời gian này là kỳ hạn của đời người, của những thái độ chúng ta trước dung nhan Thiên Chúa. Sáng sớm chủ đi, mướn tất cả thợ mà ông gặp, nhưng đến giờ chót vẫn còn một số thợ.
Phần đông chúng ta cũng là số thợ được tình yêu vô cùng của Chúa vào giờ chót. Vì thế chúng ta phải có ý thức hăng hái làm việc hết mình để đáp lại tình yêu vô bờ bến ấy. Những thợ giờ chót không phải là những kẻ chậm trễ, nhưng là những kẻ sống hằng ngày với ý hướng đời đời rồi.
Được Chúa tiếp nhận, được tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa đối với con người. Những người thợ này hiến thân hết lòng đối với tình yêu đã an ủi họ.
Hơn nữa, những kẻ trở về, đừng nghĩ chuộc lại thời gian đã mất, nhưng hãy kính mến Chúa hết lòng vì Người đã mong chờ mình mọi ngày như người cha chờ mong đứa con phung phá trở về.
J.M

SUY NIỆM 7:

Dụ ngôn của Đức Giê-su, về những nhóm thợ khác nhau được mời gọi đi vào làm việc trong vườn nho, mặc khải cho chúng ta một cách tuyệt vời về cung cách hành động của Thiên Chúa, và về khó khăn sâu xa có nơi mỗi người chúng ta, khi đối diện với cung cách hành động này.
1. « Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia… » (c. 1-2)
Trước hết, Thiên Chúa được ví như ông chủ vườn nho, hành động giống như bao ông chủ vườn nho khác : sáng sớm ra khỏi nhà để đi tìm thợ, thỏa thuận về thời gian và tiền công (mỗi ngày một quan tiền) và sai họ đi vào làm việc trong vườn nho của mình. Ở bước này, cho dù là tương quan giữa ông chủ vườn và người làm công xem ra rất bình thường và công bằng, nhưng những người làm công vẫn được mời gọi nhận ra việc làm của mình là một điều may mắn, thậm chí là một ơn huệ, và nhất là nhận ra lòng tốt của ông, khi ông đích thân ra khỏi nhà để đi tìm người thợ, thay vì người thợ đi tìm ông chủ đề « xin việc ».
Chúng ta có nhận ra hiện hữu, cuộc đời, ơn gọi gia đình hay tu trì của chúng ta là một ơn huệ không ? Chúng ta có nhận ra lòng tốt của Chúa để luôn tạ ơn và ca tụng Ngài không ? Và để sống và làm việc trong tâm tình tạ ơn và ca tụng không ? Hay chúng ta coi tất cả những ơn huệ nhưng không này như một thứ « quyền lợi », để đòi hỏi Thiên Chúa, để so bì và ganh tị với nhau ? Nhưng khi đòi hỏi và ganh tị, chúng ta dựa vào điều gì, phải chẳng là công lao hay thành tích của chính chúng ta ?
2. « Cả các anh nữa hãy đi vào vườn nho » (c. 3-7)
Thực vậy, phần tiếp theo của dụ ngôn, mỗi lúc một mạnh mẽ và vượt quá cách hành động thông thường của một người chủ, có thể có trong kinh nghiệm sống của chúng ta, nhấn mạnh đặc biệt đến chiều kích ơn huệ và lòng tốt khác thường của ông chủ : giờ thứ ba (9 giờ sáng), ông lại ra khỏi nhà đi tìm thợ ; giờ thứ 6 (12 giờ trưa), ông lại đi nữa ; rồi giờ thứ 9 (3 giờ chiều), ông lại đi nữa ; và đây là tột đỉnh của sự khác thường, vào giờ thứ 11 (5g chiều), ông vẫn ra khỏi nhà đi tìm thợ làm việc !
Nếu trong những trường hợp trước, ông chủ chỉ hứa trả công một cách hợp lí : « Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng », thì trong trường hợp sau cùng, ông chỉ mời gọi đi làm việc : « Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho ». Như thế, được hiện diện trong vườn nho là một ơn huệ hoàn toàn nhưng không, diễn tả lòng tốt của ông chủ ; và điều này cũng đúng với những trường hợp trước và phải được nhận ra và được ngợi khen bởi những người thợ đi vào trước, và kể cả những người vào làm việc đầu tiên nữa.
Tuy nhiên, câu chuyện của dụ ngôn, vốn diễn tả sự thật về chính chúng ta, lại diễn biến theo hướng lòng ghen tị và lời kêu trách, thay vì theo hướng chúc mừng và ca tụng. Dân Chúa đã kêu trách và ghen tị trong sa mạc (x. Ds 21,4-9, bài đọc I của ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá) ; và loài người và mỗi người chúng ta được mời gọi nhận ra bản thân mình nơi Dân Chúa.
Như thế, đúng ra những trường hợp trước phải được hiểu dưới ánh sáng của trường hợp sau cùng, để nhận ra lòng tốt của ông chủ được thể hiện từ đầu đến cuối. Vì, nếu hiểu ngược lại, nghĩa là các trường hợp sau được hiểu dưới ánh sáng của trường hợp đầu tiên, người ta sẽ hiểu lệch lạc về ông chủ và về người khác : từ đó, phát sinh thái độ kêu trách và ganh tị.
3. « Bắt đầu từ những người vào làm sau chót… » (c. 8-16)
Và dường như ông chủ cố ý làm cho lòng ghen tị và lời kêu trách lộ diện, khi ông trả công, đúng hơn là ban phát, cách quảng đại cho người đến làm việc sau cùng, trước mắt mọi người :
Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.
Bởi vì, làm cho cái xấu lộ diện, chính là cách tốt nhất để chữa lành. Thực vậy, khi đến lượt nhóm thợ đầu tiên đến lãnh tiền công, họ được nhận đúng với lời thỏa thuận của ông chủ và của họ và điều này làm bật lên sự khác biệt giữa họ và những người khác. Nhưng thay vì họ chúc mừng những người đến sau (vì họ làm ít hơn mình, nhưng lại nhận được nhiều như mình) và ca ngợi lòng tốt của ông chủ (ông chủ không chỉ trà công sòng phẳng, nhưng còn ban phát rộng rãi cho người khác, theo lòng tốt của mình), họ vừa lãnh công và vừa cằn nhằn :
Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.
Trong lời này, hàm chứa hai thái độ : so sánh mình với người khác : « mấy người sau chót này », và kêu trách ông chủ : « thế mà ông lại… ». Lời kêu trách của họ dựa trên những sự kiện rất khách quan và rất đúng : họ làm việc nhiều hơn và vất vả hơn người khác ; nhưng người khác lại được hưởng bằng họ ! Nhưng rất tiếc, những điều rất đúng và rất khách quan này lại được nhìn bằng con mắt ghen tị ! Và vì ghen tị, nên trở nên mù quáng, không mở ra để nhận ra những sự kiện lớn hơn và đúng hơn : người khác thật may mắn và ông chủ thật tốt lành, để chúc mừng họ và ca ngợi ông chủ, đê đi vào trong niềm vui của người ban phát và của người lãnh nhận. Và vì ghen tị, nên cũng mù quáng với chính những gì mình đang có, bởi lẽ điều mình dang có không phải là quyền lợi, nhưng là ân huệ, và vì người lãnh nhận không chỉ là người khác, nhưng cũng là chính bản thân mình. Mình có niềm vui, nhưng lại tự biến niềm vui của mình thành nỗi buồn, gây chết chóc, cho mình và cho người khác.
*  *  *
Xin cho Lời Chúa, là Lời sẽ dẫn chúng ta đến « Lời Thập Giá » (x. 1Cr 1, 18) chữa lành đôi mắt của chúng ta, khi chúng ta « nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu » (Ga 19, 37) ; bởi vì nơi Thập Giá, chúng ta vừa nhìn thấy hệ quả khủng khiếp của thái độ ghen ghét (nhìn thấy để được chữa lành), và vừa nhận ra tình yêu đến cùng của Chúa dành cho loài người và từng người chúng ta (để ca tụng Chúa, thay vì kêu trách).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận