Thứ Hai Tuần 21 TN, Thánh Luy IX, Vua Nước Pháp

Đăng lúc: Thứ hai - 25/08/2014 03:28 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
NGÀY 25 THÁNG 8
THÁNH LUY IX, VUA NƯỚC PHÁP

 
VỊ VUA THÁNH THIỆN

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã trả lời những người hỏi chị về con đường nhỏ thiêng liêng là con đường nào. Thánh nhân không ngần ngại trả lời :”…Đó là con đường thơ ấu thiêng liêng, đó là con đường của niềm tín thác và sống hoàn toàn tín thác. Con muốn chỉ cho họ những cách thế nho nhỏ rất thành công đối với con. Con sẽ bảo họ rằng ở trần gian này chỉ có một việc phải làm : hãy tặng Chúa Giêsu những bông hoa của các việc hy sinh nho nhỏ, hãy làm Chúa vui thích bằng những sự vuốt ve. Chính đó là cách con đã làm Chúa vui thích, và nhờ đó mà con luôn được Chúa đón nhận “. Các thánh là những con người đã biết tín thácnơi Chúa, đã biết trông cậy ở nơi Ngài thật nhiều, nên các Ngài nhận được nhiều. Thánh Luy, Vua nước Pháp cũng không nằm ngoài thông lệ ấy. Thánh nhân sinh năm 1214 tại Poissy, nước Pháp. Cha Ngài là Vua Luy VIII. Mẹ Ngài là Hoàng Hậu Blanche de Castille. Nhờ sống trong một gia đình đạo đức, cho dù Cha Mẹ của Ngài là Vua, là Hoàng Hậu nước Pháp. Sống trong cảnh giầu sang, phú quí và có quyền hành. Nhưng chính đời sống của Mẹ Ngài đã gây ấn tượng lớn lao trong đời sống của Luy. Mẹ Ngài đã uốn nắn, dậy bảo Luy bằng đời sống thánh thiện của bà. Thánh nhân đã được Mẹ gieo vào tâm hồn những mầm mống đạo đức, thánh thiện suốt cả đời niên thiếu. Đến lúc trưởng thành, vào đời, thánh nhân luôn luôn nhắc đi nhắc lại lời Mẹ nhắn nhủ, bảo ban :” Mẹ thà thấy con chết trước mặt Mẹ, còn hơn thấy con Mẹ phạm tội trọng”.
Thánh nhân lên ngôi Vua kế vị Cha lúc mới 12 tuổi đời. Năm 19 tuổi, thánh nhân kết hôn với Marguerite, con gái quận công miền Provence. Hai ông bà sinh hạ cả thảy 11 người con. Với cương vị Vua lãnh đạo, trị vì nước Pháp, Luy luôn tỏ ra công chính, liêm khiết, ngay thẳng, hết mực thương dân chúng, đặt quyền lợi của Tổ Quốc và Giáo Hội lên trên những lợi ích cá nhân và danh vọng riêng tư. Thánh nhân dù là Vua nhưng đời sống lại không khác gì một thầy Dòng khổ tu : sáng tham dự thánh lễ, đọc kinh nguyện, xưng tội và đánh tội mỗi tuần. Đời sống của Vua Luy thật sự là một đời sống tín thác, trông cậy và yêu mến Chúa. Để thể hiện lòng yêu mến, thánh nhân đã hiểu rõ lời Chúa trong Tin Mừng của thánh Matthêu 25,31-46, Ngài đã tìm dịp để giúp đỡ những kẻ nghèo, thăm viếng và nâng đỡ những người đau yếu tật nguyền.
Thánh nhân đã lập Đạo Binh Thánh Giá đi chiến đấu với quân phá đạo ở Giêrusalem.
Ngài đã xây một đền thờ sau khi chinh chiến trở về để tôn kính mão gai Chúa Giêsu do Vua Constantin trao lại cho Ngài. Năm 1270, thánh nhân còn thiết lập một Đạo Binh Thánh Giá mới để chống lại quân Hồi Giáo đang hung hăng tàn sát đạo. Tuy nhiên một cơn dịch nặng nề đã khiến Đạo Binh của Ngài tan rã và thánh Luy đã lâm trọng bệnh, trở về nhà Cha vào ngày 25 tháng 8 năm 1270.

Chúa mời gọi mọi người nên thánh. Đường nên thánh không chỉ dành riêng cho giới tu sĩ được đặc tuyển, nhưng con đường nên thánh dành cho mọi người. Từ thứ dân đến Vua Chúa thế trần đều được Chúa mời gọi sống thánh thiện và trở nên thánh. Thánh Luy IX, Vua nước Pháp đã cậy trông nơi Chúa hết lòng, nên Ngài cũng được Chúa cho lãnh nhận thật nhiều những ơn huệ cao quí. Thánh nhân đã lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa: Hoàng Hậu và các con của Ngài quả thực là những tặng phẩm cao quí nhất Thiên Chúa tặng ban cho Ngài để Ngài làm vinh danh Chúa và cứu vớt các linh hồn.
Lạy Thánh Luy, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con hiểu rằng dù bất cứ sống ở vai trò nào, con người vẫn được mời gọi nên thánh. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
 
Thứ Hai Tuần XXI Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 23,13-22
13 Một hôm, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng : "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. 14 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.
15 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo ; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.
16 "Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng ! Các người bảo : "Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không ; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc." 17 Đồ ngu si mù quáng ! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn ? 18 Các người còn nói : "Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc." 19 Đồ mù quáng ! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn ? 20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề."
"Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng." (Mt 23,16)
 

Suy niệm 1: 
A- Phân tích (Hạt giống...)
Phúc Âm của ba ngày liên tiếp (hôm nay, thứ ba và thứ tư ghi 7 lời khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu nhắm vào giới biệt phái và nhóm luật sĩ vì thói giả hình của họ. Đoạn hôm nay gồm ba lời:
1. Khóa cửa Nước trời: (câu 13)
"Các ngươi đã khóa cửa Nước trời. Các ngươi đã không vào, mà những kẻ khốn muốn vào các ngươi cũng không cho vào": Các kinh sư và Pharisêu là những người hiểu luật và giải thích luật nên thực sự họ là những người nắm giữ chìa khóa "Nước trời".
“Nước trời” ở đây có thể hiểu theo 2 nghĩa:
a/ Đó là Giáo Hội thập niên 80: Nhiều người Do Thái muốn gia nhập Giáo Hội nhưng bị các kinh sư và Pharisêu ngăn cấm.
b/ Đó là Giáo Hội cách chung: những luật lệ do các kinh sư và pharisêu đặt ra quá khắt khe và tỉ mỉ làm cho người ta khó mà giữ nổi nên không vào Giáo Hội (CGKPV). Chính họ không muốn vào Giáo hội, còn những người khác muốn vào thì họ ngăn cản không cho vào.
2. Làm hại việc truyền giáo (câu 15).
"Khốn cho các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi làm cho họ theo đạo rồi các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các ngươi": những người Do Thái đặc biệt là nhóm kinh sư và Pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ.
3. Dẫn đường mù quáng (cc. 16-22)
"Khốn cho những kẻ dẫn đường mù quáng": những người Do Thái lo cho đám dân ngoại trở lại tự cho mình là "kẻ hướng dẫn những người mù" (x. Rm 2,19). Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém gì những người ngoại mới trở lại ấy. Họ là những người mù dắt người mù! Để lấy bằng chứng về sự dẫn đường mù quáng, Chúa Giêsu đề cập đến lời khấn hứa có kèm theo lời thề. Những kẻ hướng dẫn ấy bám lấy những lời thề. Mà những lời thề này đã bị bài giảng trên núi bác bỏ (x. 5,33-37). Hơn nữa, do bị thúc đẩy bởi lợi nhuận của hệ thống kinh tài đền thờ, họ lại đưa ra nhiều cách giải thích theo ý muốn của họ. Vì thế chuyện thực hiện và giữ những lời khấn hứa trở thành một đạo đức giả. Chính những người dẫn đường mà đã đi lạc như thế thì những kẻ được họ hướng dẫn cũng sẽ lạc theo.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Khóa cửa Nước trời: Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì thay vì luật dẫn người ta đi đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa.
Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội và trong cộng đoàn chúng ta.
2. Truyền giáo là một việc làm khó khăn, nhưng giữ những người tòng giáo nhiệt thành theo Chúa là một việc làm khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hay cộng đoàn rồi. Nhiều người ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược lại hẳn những điều họ đã nghe “quảng cáo”.
3. Dẫn đường mù quáng: con đường chính của đạo là mến Chúa yêu người. Thế nhưng nhiều người không lưu ý đến điều đó mà chỉ chăm chú vào những chỗ tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì những món nào được ăn. Món nào không được, trước giờ dự lễ mà lỡ uống nước trà có được rước lễ không? Nhiều người khác còn giải thích đạo là một cách mê tín dị đoan.
4. Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà, đứa con gái hỏi mẹ:
- Sao mẹ đuổi bố?
- Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ ngay một miếng bỏ vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền. Người mẹ dỗ:
- Anh con hư qua. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.
Đứa bé phụng phịu:
- Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu?
Người mẹ nhìn xa xăm:
- Ừ, Mẹ cũng hư. (Góp nhặt)
5. "Khốn cho các người hỡi các kinh sư và Pharisiêu giả hình! Các ngươi khóa cửa không cho thiên hạ vào! Các ngươi đã không được vào mà những kẻ muốn vào các người cũng không để cho họ vào”. (Mt 23 ,13)
Chúa muốn con yêu mến mọi người mà không giữ lấy riêng gì. Chúa muốn con nắm chặt bàn tay thân tình mà không giật lại cho mình.
Thế mà hình như con lại làm toàn những điều ngược lại.
Con có thể yêu người khác và sẵn sàng làm tất cả cho họ; thế nhưng kèm theo đó là gì?
Là những đòi hỏi, những điều kiện mà con muốn người khác phải trả cho con xứng với cái mà con đã làm cho họ. Hoặc giả như có một ai khác đến và chiếm lấy chỗ đứng của con trong tâm hồn họ, thì con lại tỏ ra ganh tị, hiềm khích và hơn thế nữa con có thể nên tiếng xấu cho người đã cướp đi vị trí của con.
Vâng, con là thế đó. Con thường nghe người ta nói: mình không ăn được thì nên phá đi, đừng để kẻ khác chiếm lấy. Và con cũng thế.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng cõi lòng và nắm chặt lấy bàn tay thân tình, để con được đón nhận và cho đi những gì con có thể. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Ðức tin là ân ban của Chúa. Xin ban cho chúng con đức tin đủ, để chúng con thấy Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Xin nâng đỡ đức tin còn yếu kém, để chúng con dám sống theo đòi hỏi Tin mừng của Chúa. Xin tháo gỡ nơi chúng con những cách tôn thờ giả tạo, để chúng con sống chân thành trước mặt Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin thương tha thứ những lỗi lầm chúng con đã phạm. Ðôi khi vì tội lỗi của chúng con đã gây nên gương mù cho những người xung quanh. Ðôi khi vì những lời nói, những việc làm thiếu tình bác ái đã làm cho chúng con thiếu tín nhiệm giữa với tha nhân. Chúng con quá nặng hình thức mà quên đi điều quan yếu là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Chúng con đáng được Chúa quở trách "dân này thờ ta bằng môi bằng miệng còn lòng trí thì xa cách Ta".
Lạy Chúa, xin giúp chúng con thật sự trưởng thành trong Ðức tin và tình yêu Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời Chúa dạy và thực thi trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Suy niệm 2
 
Chúa Giêsu quở trách nhóm biệt phái và luật sĩ, những người được gọi là ưu tú trong tôn giáo Do thái. Bài Tin mừng hôm nay gồm có bốn lời quở trách, mỗi lời bắt đầu bằng chữ "khốn".
Thứ nhất, Chúa Giêsu quở trách họ là hiểu và có trách nhiệm dạy dỗ những điều cốt yếu của tôn giáo, những chân lý của Chúa. Thế nhưng, chính họ đã không sống những chân lý ấy và còn dạy người khác các sai lạc. Vì vậy, họ "không vào, mà kẻ muốn vào" họ cũng chẳng cho vào.
Thứ hai, Chúa Giêsu quở trách họ giả bộ đạo đức thánh thiện qua việc đọc kinh cho dài, không phải để thờ phượng Chúa mà để móc túi những người nhẹ dạ, tốt bụng, cụ thể là các bà goá.
Thứ ba, Chúa Giêsu quở trách họ rất hăng say tìm kiếm và mời gọi người khác vào đạo, nhưng lại dẫn những tân tòng này vào con đường sai lạc.
Thứ tư, Chúa Giêsu quở trách họ là những nhà lãnh đạo đui mù, không phân biệt đâu là việc trọng đại, đâu là việc thứ yếu. Cụ thể, là qua việc thề hứa.
Chúng ta cũng dễ rơi vào thái độ giả hình của những luật sĩ và biệt phái. Do đó, lời Chúa Giêsu quở trách họ cũng là những lời quở trách chúng ta.
Có khi chúng ta là những bậc cha mẹ "đui mù", không biết cách dạy dỗ con cái, nhất là không biết dạy dỗ con cái mình sống theo đường lối Chúa.
Có khi chúng ta cũng rất thích đọc kinh rất dài dòng, lớn tiếng, nhằm cho người khác thấy mình đạo đức thánh thiện chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống chân thành. Biết thờ phượng Chúa hết lòng, hết trí khôn. Xin cho chúng con, những bậc làm cha mẹ, là những người hướng dẫn mẫu mực cho con cái để chúng con hướng dẫn chúng trở thành người tốt và tín hữu mẫu mực.  Amen.
 
SUY NIỆM 3: 

1. “Khốn cho các ngươi”
Trong chương 23 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói tới bảy lần “Khốn cho các ngươi…” (c. 13.15.16.23.27 và 29): bài Tin Mừng hôm nay ba lần, bài Tin Mừng ngày mai hai lần và bài Tin Mừng ngày kia hai lần còn lại:
Khi nói “khốn cho các người”, Đức Giê-su có vẻ rất nặng lời, nếu chúng ta hiểu đó lời chúc dữ hay nguyền rủa, theo đó những người này, với cách hành xử như thế, sẽ chuốc lấy án phạt nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, đó đúng hơn là những lời ta thán, có giá trị mặc khải căn bệnh người ta đang có nhưng không nhận ra; và bệnh tình tự nó đó có những hậu quả tiêu cực cho mình và cho người khác rồi. Tương tự như những “bất hạnh” mà ngôn sứ Isaia đã công bố (x. Is 5, 8-24 và 10, 1-11, trong những câu này, vị ngôn sứ nói “Than ơi!” đến 8 lần). Đức Giê-su không bao giờ nguyền rủa hay chúc dữ con người; bởi lẽ sứ mạng của Người chẳng phải là cứu thoát chúng ta khỏi những lời chúc dữ đó sao? Như Người đã nói: “Thầy đến không phải kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi” (9,13)?
Con người ban đầu có thể từ chối Đức Giê-su, nhưng sau đó, lại hối hận, cho dù là thật trễ, và tuyên xưng: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (c. 39); tương tự như người con thứ nhất ban đầu từ chối lời mời gọi đi làm vườn nho, trong dụ ngôn người cha có hai người con, “nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21, 29). Trong lời nói của các ngôn sứ, nếu lời hứa cứu độ đã được công bố tiếp theo sau những lời đe dọa về những tai họa sẽ đến (Os 2, 8.11.16 hoặc Is 6, 13), thì cũng vậy, trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, câu cuối cùng này của chương 23: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” trồi hiện lên như là niềm hi vọng rạng ngời bao bọc toàn bộ bảy lời than trách.
2. Bệnh “đạo đức giả”
Trong bảy câu nói “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu”, Đức Giê-su đều nói rằng, họ những người “đạo đức giả”, trừ lần thứ 3 (c. 6):
Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!
Có thể nói, đó là bệnh “đạo đức giả” mà Đức Giê-su muốn cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho con người thuộc mọi thời, trong đó có mỗi người chúng ta hôm nay, nhận ra. Và khi nhận ra, người ta đã bắt đầu bước vào hành trình chữa lành rồi.
“Đạo đức giả” mà Đức Giê-su nói tới không theo nghĩa chúng ta thường hiểu, nhưng là một thứ bệnh có nhiều biểu hiện phức tạp, khó nhận ra:
Biểu hiện thứ nhất. Đức Giê-su nói: “Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào” (c. 13). Người “đạo đức giả” là những người làm cho người khác không nhận ra hành động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người và trong lịch sử đời mình, đó là từ chối tin nhận Đức Giê-su là đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.
Biểu hiện thứ hai. Người “đạo đức giả” là những nhọc công để làm cho một người theo đạo, nhưng sau đó, lại biến người này thành “con cái của hỏa ngục” (c.15). Đó là hoán cải con người, không phải về với Thiện Chúa đích thật, nhưng là qui về nhưng quan niệm, hệ thống lí thuyết và thực hành của loài người hay của riêng mình.
Biểu hiện thứ ba. Người “đạo đức giả” là những người mù quáng (c.16-22), khi dẫn người ta vào con đường phân biệt chi li về vấn đề lời thề, khi mà bất cứ lời nào được thốt ra cũng phải luôn luôn là chân thật trước mặt Thiên Chúa (x. 5, 33-37).
Biểu hiện thứ tư. Những người “đạo đức giả” là những người làm tròn bổn phận nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân, nghĩa là tương quan với tha nhân, bỏ qua lòng thành tín, nghĩa là tương quan với Thiên Chúa. Như thế, họ chỉ làm tròn những bổn phận đem lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế. Trong khi tâm điểm và ý nghĩa của Lề Luật là mến Chúa và yêu người, thì họ không quan tâm. Sống lệ thuộc vào lời khen tiếng chê, như chúng ta đều biết, quả là một bất hạnh.
Biểu hiện thứ năm. Những người “đạo đức giả” là những người “rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ”. Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài. Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.
3. Chữa lành
Qua những lời, có thể nói, thật “đắng” như thuốc chữa bệnh, Đức Giê-su muốn mặc khải cho những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật, rằng lối suy nghĩ và hành động của họ, là một thứ bệnh; và vì là bệnh, giống như bệnh thể lý, phải có người khám bệnh và cho biết đó là bệnh gì; ngoài ra, như chúng ta đều biết và đôi khi có kinh nghiệm, bệnh tật, tự nó là một bất hạnh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể diễn đạt lại lời của Đức Giê-su như sau: “bất hạnh cho các người”. Nếu là như thế, ở mức độ nào đó, chúng ta cũng phải được đánh động bởi những lời này của Đức Giê-su, và nhất là để cho mình bị đụng chạm !
Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Ngài không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của Ngài với con người và Thiên Chúa Cha. Như con rắn đồng xưa (x. Ds 21, 4-9), ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi (x. Ga 3, 17-19):
- Căn bệnh ghen tị: điều tốt, là Nước Trời và là chính ngôi vị Đức Giê-su, mình không có, thì người khác không được quyền có.
- Căn bệnh coi mình, những kinh nghiệm, những quan niệm, những hệ tư tưởng, những lí thuyết, những nguyên tắc của mình là tuyệt đối.
- Căn bệnh lệ luật, nghĩa là coi sự công chính của con người đến từ việc giữ luật thật chi li, thay vì đến từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô; lệ luật còn là coi luật trọng hơn sự sống, trong khi luật được ban là để phục vụ cho sự sống.
- Căn bệnh danh lợi, nghĩa là chỉ thi những luật mang lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân.
- Căn bệnh hình thức, nghĩa là thi hành thật chặt chẽ những nghi thức thanh tẩy, nhưng đàng khác, trong lòng “đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ” !
Thập Giá vừa làm cho những căn bệnh này hiện ra nguyên hình và những hậu quả khủng khiếp của chúng, và vừa mặc khải cho chúng ta khuôn mặt rạng người của Thiên Chúa là tình yêu và lòng thương xót, và con đường dẫn đến với Thiên Chúa, chính là con đường hiền lành và khiêm nhường của Đức Giê-su Ki-tô.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận