Thứ Bảy Tuần 19 TN

Đăng lúc: Thứ bảy - 16/08/2014 01:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 19 TN: Th. Tê-pha-nô Hung-ga-ri

Bài đọc (Ed 18, 1-10. 13b. 30. 32)
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Tại sao giữa các ngươi trong Israel có câu tục ngữ rằng: “Cha ông ăn nho chua thì con cháu ghê răng”? Chúa là Thiên Chúa phán, Ta lấy sự sống Ta mà thề không lặp lại câu tục ngữ ấy ở Israel nữa. Này tất cả mọi sinh mạng đều thuộc về Ta; sinh mạng người cha cũng như sinh mạng người con, đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, người ấy sẽ chết. Ai công chính, giữ lề luật và đức công bình, không ăn (của cúng) trên núi và không ngước mắt nhìn các thần tượng của nhà Israel, không xúc phạm đến vợ người khác, không gần gũi đàn bà khi họ không được sạch, không áp bức người ta, trả đồ cầm cố cho người mắc nợ, không cưỡng đoạt của ai, đem bánh cho người đói khát, đem áo mặc cho người trần trụi, không cho vay ăn lời, không lấy thêm của người, giữ tay không làm điều gian ác, xét đoán công minh giữa hai người, ăn ở theo luật lệ của Ta, và giữ các giới răn của Ta để thực hiện chân lý, người đó mới là công chính, nó sẽ được sống, Chúa là Thiên Chúa phán.
Nhưng nếu người đó sinh ra một đứa con trộm cướp, khát máu, phạm tội trong những lỗi nói trên, thì đứa con ấy không đáng sống, vì đã làm những điều đáng ghét, nó sẽ chết, và máu nó sẽ đổ trên đầu nó.
Vì vậy, hỡi nhà Israel, Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống: Chúa là Thiên Chúa phán. Các ngươi hãy trở lại và hãy hối cải tất cả những điều gian ác, thì sự gian ác sẽ không huỷ diệt các ngươi. Hãy dứt bỏ hết mọi tội lỗi các ngươi đã phạm, và hãy tạo cho các ngươi một tâm hồn và một tinh thần mới. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi muốn chết. Ta không thích cho ai phải chết: Chúa là Thiên Chúa phán. Hãy trở lại để được sống.


Tin Mừng (Mt 19, 13-15)
Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”. Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.


THÁNH TÊ-PHA-NÔ HUN-GA-RI
Gương Thánh nhân

Thánh Tê-pha-nô sinh tại Ết-tẹt-gon khoảng năm 972, là con của vua Gey-sa nước Hun-ga-ri. Nhà vua là người ngoại giáo, nhưng khi cưới Sa-rôn-ta là người Công giáo thì nhờ ảnh hưởng của nàng mà trở lại đạo.
Lúc còn nhỏ, thánh nhân đã được mẹ huấn luyện đạo đức kỹ lưỡng. Năm lên 10 tuổi thì vua cha xin thánh A-đan-bê rửa tội cho ngài, đồng thời mời các nhà truyền giáo đến giảng đạo trong nước ông. Từ đó, Tê-pha-nô được các nhà truyền giáo chăm sóc dạy dỗ thêm đàng nhân đức. Và lúc 15 tuổi, ngài phụ giúp vua cha cai trị đất nước, cho đến lúc ông qua đời thì lên ngôi kế vị.
Từ ngày lên ngôi vua, thánh nhân lo ký kết thỏa hiệp với các nước láng giềng, để cho toàn dân được an cư lạc nghiệp, Ngài phóng thích nô lệ, ân xá các tù nhân, mở cơ quan từ thiện, giúp đỡ người nghèo và những kẻ già yếu bệnh tật.
Để có người cộng tác trong việc mở mang kiến thức cho dân chúng, thánh nhân đã mời các tu sĩ đến mở trường dạy học. Ngài còn làm một việc đặc biệt là sai sứ giả đến xin Đức Giáo Hoàng nhận nước Hun-ga-ri là quốc gia Ki-tô-giáo và phong vương cho ngài. Năm 1000, Đức Giáo Hoàng Sin-vét-te thứ 3 đã công nhận và gởi cho ngài mão triều thiên. Để đáp lại lòng ưu ái của Đức Thánh Cha, ngài ra sức Ki-tô hoá vương quốc của ngài. Ngài thiết lập 8 toà Giám mục, nhiều tu viện và xây cất thánh đường khắp nơi trong nước.
Dù bận lo việc nước việc đạo như thế, thánh nhân cũng không bỏ qua việc cầu nguyện hãm mình hằng ngày và dạy dỗ con cái. Các con của ngài đều chết sớm, chỉ còn lại một mình Em-mê-ríc sau nầy kế vị ngài. Ngài ân cần khuyên bảo cậu sống đạo đức thánh thiện: “Con rất yêu quí, tiên vàn cha truyền cho con, khuyên nhủ con, mời gọi con; nếu muốn làm vẻ vang cho vương miện nhà ta, thì con hãy cẩn thận và ân cần gìn giữ đức tin Công giáo và tông truyền, đến nỗi trở thành gương sáng cho mọi người Chúa đặt ở dưới quyền con, và mọi người trong hàng giáo sĩ sẽ phải công nhận con là người tuyên xưng đức tin Ki-tô-giáo thật sự; nếu không thì người ta sẽ chẳng còn gọi con là Ki-tô-hữu hay là con cái của Hội thánh nữa.
Vậy trong đền vua, sau đức tin thì Hội thánh phải chiếm hàng thứ hai. Hội thánh trước hết đã được chính Thủ lãnh là Đức Ki-tô gieo mầm, rồi được các chi thể của Người là các tông đồ và các giáo phụ đem trồng và xây dựng chắc chắn và được lan rộng ra khắp địa cầu. Nên cho dù Hội thánh luôn luôn sinh ra những con cái mới, song ở nhiều nơi, Hội thánh thật đã xa xưa.
Hội thánh ở nước ta còn trẻ trung và mới mẻ, nên cần phải có người bảo đảm và sáng suốt gìn giữ, kẻo ơn lành và lòng nhân từ Chúa đã ban cho chúng ta là những kẻ bất xứng, phải phá sản và mất đi vì con sơ xuất, lười biếng chậm chạp.
Con rất yêu quý, con là sự êm ái của lòng cha, là hy vọng của dòng dõi cha, cha khuyên con, cha truyền cho con, bằng mọi cách và trong mọi việc phải tỏ ra từ tâm…
Sau cùng con hãy can trường, đừng thấy phát đạt mà tự cao, đừng vì trở ngại mà nản chí, phải khiêm nhượng để được Chúa nâng lên ở đời nầy và trong đời sau…”
Thánh nhân qua đời ngày 15 tháng 8 năm 1038, và được tôn phong Hiển thánh năm 1083.
Quyết tâm
Noi gương thánh Tê-pha-nô, hằng ngày lo chu toàn bổn phận đối với Hội thánh và gia đình, bằng cách chuyên cần dạy dỗ con cái và mở mang Nước Chúa.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Tê-pha-nô làm vua nơi trần thế để mở mang Giáo hội.
Nay Người được vinh hiển trên thiên đàng, thì xin cho Giáo hội cũng được người bênh vực chở che.


Suy niệm 1: NÊN NHƯ TRẺ NHỎ MỚI ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI

Khởi đầu chương 19, thánh Mátthêu cho biết Đức Giêsu nói về luật hôn nhân là một vợ một chồng, chung thủy với nhau cho trọn đời, chỉ có cái chết mới lìa bỏ được nhau mà thôi. Trung thành với điều đó thì mới có hy vọng được cứu độ.
Tiếp theo, hôm nay, Đức Giêsu muốn nói rõ hơn về đặc tính ấy khi thấy một em bé được người ta bế đến để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Các môn đệ tỏ vẻ không đồng ý vì coi đây là chuyện vớ vẩn. Các ông nghĩ nên dành thời gian để Đức Giêsu nghỉ ngơi và làm những chuyện lớn lao hơn. Mặt khác, các ông cũng không muốn bị quấy rầy bởi những chyện tầm thường, nhỏ nhặt như vậy. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tỏ thái độ khác hoàn toàn với lối suy nghĩ của các ông, nên Ngài đã nói “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng”.
Thật vậy, trẻ nhỏ thì đơn sơ, trong trắng và thủy chung. Chúng luôn cần đến sự trợ giúp của người khác và thường nải nỉ xin cha mẹ và những người lớn điều chúng muốn.
Nhân đây, Đức Giêsu không có ý nói là phải nhỏ bé lại theo nghĩa đen, mà là theo nghĩa bóng, tức là hãy mặc lấy tâm tình của trẻ thơ, đó là: hãy sống trong trắng, đơn sơ, chân thành, không nghi kỵ, vòng vo, không tự kiêu, tự mãn, nhưng biết phó thác, tin tưởng vào Chúa quan phòng. Luôn yêu thương và gắn kết trong sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì: “Mọi gánh nặng hãy trút bỏ cho Ngài, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trở nên đơn sơ như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời. Amen.


Suy niệm 2: ĐỂ TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA

Chúa Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su nói Nước Trời thuộc về những người hiền lành, nghèo khó, trong sạch… nhưng lại không nói rõ đó là những ai, thuộc lứa tuổi nào. Còn ở đây Chúa cho biết rõ: “Nước Trời thuộc về những người giống như các trẻ nhỏ.” Do đó, trẻ nhỏ trước mắt Thiên Chúa là những người đạt được những tiêu chuẩn của Tám Mối Phúc Thật. Quả thật, trẻ nhỏ bất luận là da trắng, da vàng hay da đen đều dễ thương vì những nét hiền lành, trong sạch, nhân ái… Tiếc thay, những nét dễ thương ấy lắm khi đã sớm biến mất trên những khuôn mặt còn măng sữa, bởi vì biết bao người đang ngăn cản chúng đến với Chúa bằng bạo lực, dâm ô, gian dối, tham lam, ích kỷ… Chúa nói những người làm như thế đáng phải cột cối đá vào cổ mà quăng xuống biển để khỏi làm gương xấu cho trẻ nhỏ nữa.
Mời Bạn kiểm điểm và loại bỏ những gì có thể gây gương xấu cho trẻ nhỏ:
- nơi bạn: lời nói, hành động, tác phong
- nơi gia đình bạn: sách báo, phim ảnh, những chương trình TV xen lẫn những cảnh bạo lực dâm ô…
- hướng dẫn con em biết cách tự bảo vệ trước những gương xấu ngoài xã hội
Nói riêng với các thiếu nhi: Các em cương quyết bảo vệ sự đơn sơ trong trắng của mình bằng cách luôn luôn “nói không” với điều xấu. Nhớ lời thánh trẻ Đa-minh Xa-vi-ô: “Thà chết chứ không phạm tội”.
Sống Lời Chúa: Nỗ lực đấu tranh để xoá bỏ những gương xấu cho trẻ nhỏ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tuổi đời con là bao đi nữa, xin cho con luôn sống tinh thần trẻ thơ trước nhan Chúa.


Suy niệm 3
Tiếp tục loạt trình thuật những việc xảy ra trong giai đoạn Chúa Giêsu và các Môn đệ hành trình từ Galilê tiến lên Giêrusalem, bài Tin Mừng hôm nay kể lại thái độ của Đức Giêsu đối với trẻ em. Chúa Giêsu không đồng ý với các Tông đồ khi họ quở trách trẻ em. Ngài gọi chúng lại và chúc phúc cho chúng cùng một lời hứa cho con đường vào Nước Trời.
Người Do thái phân biệt ai là người mình trọng ai là kẻ mình khinh. Họ khai trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và tôn giáo, đó là: phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ em…
Đặc điểm của Kitô giáo và đặc biệt của Công giáo là mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người, không trừ một ai. Chúa Giêsu thôi đã dạy và sống như thế. Nhưng đó có phải là thái độ của mọi Kitô hữu chưa? Với tôi, tôi có tôn trọng và yêu thương mọi người là anh em của tôi không? Hay tôi còn nhất bên trọng nhất bên khinh, đặc biệt vẫn còn phân biệt đối với những người nghèo hèn bé nhỏ?
Người lớn ngăn cấm trẻ nhỏ đến với Chúa bằng nhiều cách: không dẫn chúng đến nhà thờ, không tạo điều kiện cho chúng học giáo lý, làm gương xấu, gieo vào đầu óc ngây thơ của chúng những tư tưởng đen tối … Ngày nay biết bao người vẫn còn đang cướp đi quyền của trẻ em được sống, được học hành. Hàng ngày tại bệnh viện bao nhiêu con người vì lý do ích kỷ của mình mà đã giết chết sức sống của biết bao thai nhi. Chưa hết, thế giới vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp bóc lột sức lao động của trẻ em, lợi dụng tình dục, sử dụng trẻ em làm phương tiện vận chuyển và buôn bán các sản phẩm quốc cấm…
Hãy đón nhận những trẻ nhỏ. Chúa Giêsu muốn liên kết và lưu tâm đến những kẻ bị khinh chê và bị bỏ rơi. Ta hãy học với Chúa: quan tâm và tôn trọng tất cả những người yếu đuối nghèo đói và bị xã hội bạc đãi. Họ là những người được Chúa Giêsu yêu thương vì là những chi thể đau yếu của Nhiệm Thể Chúa. Họ là hiện thân của chính Chúa.
Không những ta phải biết quan tâm đến những trẻ nhỏ nhưng còn phải luôn sống tâm tình như họ để phó thác trọn vẹn cuộc đời trong tay Chúa. Vì con đường vào Nước Trời dễ dàng nhất là con đường của trẻ thơ. Hãy trở nên khiêm nhường bé nhỏ để luôn được gắn bó với Chúa.
“Kẻ nào cho một người trong những kẻ bé mọn này uống một ly ước lã mà thôi vì danh Thầy, thật ta bảo thật các con nó sẽ không mất phần thưởng của nó”. Xin cho chúng con luôn biết lưu tâm đến những cảnh đời bất hạnh chung quanh chúng con. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con thật hạnh phúc được nên một với Chúa qua bí tích Thánh Thể. Chúa trở nên bạn tâm phúc của chúng con. Chúa đồng hành với chúng con trong suốt hành trình dương gian. Xin cho chúng con biết học cùng Chúa nơi trái tim nhân hậu, trái tim biết chạnh lòng thương xót những khổ đau của tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa luôn yêu thương từng người. Chúa quan tâm tới từng nhu cầu cuộc sống. Không ai bị loại trừ ra khỏi lòng thương xót của Chúa. Không ai bị bơ vơ trước sự hiện diện của Chúa. Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những lần chúng con thiếu tôn trọng lẫn nhau. Chúng con thường phân loại hạng người sang hèn. Chúng con nâng niu người sang nhưng lại xem thường kẻ bần cùng. Chúng con quý trọng người có địa vị nhưng lại coi khinh kẻ thấp cổ bé miệng hơn mình. Chúng con chọn người giầu loại người nghèo. Chúng con thân kẻ quyền thế và xa lánh kẻ cơ hàn. Chúng con chưa thực sự sống liên đới với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà.
Lạy Chúa, Chúa dùng hình ảnh trẻ thơ yếu đuối để nhắc nhở chúng con đừng loại trừ ai. Xin giúp chúng con luôn trân trọng nhau và đón nhận nhau trong yêu thương và phục vụ như Chúa đã nêu gương cho chúng con. Amen.
 
SUY NIỆM 4: Chúa Giêsu Với Trẻ Nhỏ

Các trẻ nhỏ được Chúa Giêsu yêu thương và đưa ra làm mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: "Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Tinh thần tu đức trẻ thơ là đơn sơ, phó thác, không cậy dựa vào sức riêng, nhưng đặt trọn tin tưởng vào Chúa.
Tin Mừng Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay đề cập đến trẻ nhỏ trong một hoàn cảnh khác, với những lời của Chúa Giêsu: "Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời". Người ta dẫn các trẻ em đến với Chúa Giêsu để Ngài đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Ðặt tay và cầu nguyện cho một người là nghi thức tôn giáo quen thuộc trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu. Những vị lãnh đạo tôn giáo và các Rabbi thường đặt tay và cầu nguyện cho những ai đến xin được chúc lành; họ cũng đặt tay trên trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng, mặc dù theo phong tục người Do thái thời đó, những trẻ nhỏ không có địa vị, không có giá trị gì, chỉ khi nào trẻ đến tuổi 12, nó mới được nhìn nhận có chỗ đứng trong cộng đoàn. Các môn đệ Chúa Giêsu lúc đó chưa thay đổi tâm thức, họ còn ngăn cản không cho người ta đem các trẻ nhỏ đến với Chúa.
Thái độ và lời dạy của Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ lúc đó và cho chúng ta ngày hôm nay rằng trong cộng đoàn Giáo Hội, mọi người không tùy thuộc hạng tuổi, đều có quyền đến với Chúa để Chúa đặt tay, cầu nguyện và chúc lành cho; không ai bị loại khỏi tình yêu và ân sủng của Chúa, dù là một đức trẻ. Các nhà chú giải đã xem đoạn Tin Mừng này như là căn bản cho việc rửa tội trẻ nhỏ được cộng đoàn tiên khởi thực hiện.
"Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng". Chúng ta có thái độ kỳ thị, ngăn cản các trẻ nhỏ đến với Chúa không? Có những người lớn, những bậc cha mẹ rơi vào tâm thức của các môn đệ ngày xưa: họ không đem con cái đến với Chúa Giêsu, họ không nêu gương sống đức tin cho con cái, cũng không muốn cho con cái lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nại lý do tôn trọng tự do của con cái, đợi chúng lớn lên và tự quyết định muốn rửa tội hay không. Ðây là thái độ sai lầm về ơn cứu rỗi của Chúa: Ơn Chúa được ban nhưng không cho mọi người, chúng ta là ai mà dám xét đoán về điều kiện tuổi tác để được Chúa chúc lành và ban ơn cứu rỗi.
Hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, đừng ngăn cản chúng. Xin Chúa giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm cao cả này, với ý thức rằng ân sủng và chúc lành của Chúa là kho tàng quí giá mà chúng ta có thể trao lại cho con cái chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 5: Cầu Nguyện Cùng Mẹ Maria

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta tinh thần của những kẻ bé mọn và trẻ thơ. Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu rất quan tâm đến những cuộc gặp gỡ của Ngài với những kẻ bé mọn, hạng người bị bỏ rơi, mà đại biểu là trẻ em. Hình như các môn đệ luôn có thái độ vệ binh đối với Chúa Giêsu. Họ thường nghĩ có nghĩa vụ phải bảo vệ Ngài, bởi vì theo họ một bậc thiên sai và quân vương không thể để cho trẻ em và những kẻ hèn hạ đến gần. Nhưng Chúa Giêsu không phải là Ðấng Thiên Sai theo ý nghĩ và sự chờ đợi của các môn đệ, Ngài có cái nhìn về sứ mạng của Ngài và về con người khác với các ông.
Chúa Giêsu chỉ thực hiện sứ mạng thiên sai của mình qua con đường thập giá và Ngài chỉ thực sự gần gũi với những ai mang lấy gương mặt khổ đau như Ngài, tức là những kẻ bé mọn, những người bị bỏ rơi, những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, Ðấng hoàn toàn vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa, những kẻ bé mọn ấy không còn biết bám víu vào sức mạnh và quyền lực nào khác hơn là chính Thiên Chúa. Họ là những người nghèo của Giavê như Cựu Ước đã từng loan báo. Vũ khí của họ, sức mạnh của họ, nơi nương tựa duy nhất của họ, lẽ sống của họ là chính Chúa. Chúa Giêsu đề cao những con người ấy và Ngài mời gọi những ai muốn làm đồ đệ Ngài cũng hãy mặc lấy tâm tình phó thác và tin yêu những con người ấy.
Kỳ thực, lịch sử vẫn tiếp tục chứng minh rằng chìa khóa của nhiều vấn đề lớn của nhân loại không nằm trong khoa học kỹ thuật và sức mạnh của vũ khí. Sứ điệp và bí mật Fatima đã được ứng nghiệm. Ba trẻ em vô học và nghèo nàn tại một ngôi làng nhỏ bên Bồ Ðào Nha đã chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh vô song của lời cầu nguyện, tức của lòng tin và lòng phó thác của con người. Lời tiên tri của Mẹ Maria vẫn tiếp tục được ứng nghiệm: Người cất khỏi tòa cao những người quyền thế và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.
Kính nhớ Mẹ trong ngày thứ bảy này, chúng ta cùng cầu nguyện với chính tâm tình của Mẹ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 6: Như trẻ em

Bấy giờ, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó. (Mt. 19, 13-15)
Câu nói chiếu sáng cho cả đoạn Tin Mừng này là: “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ em.” Nước Trời đang hiện diện mọi lúc trong đời sống con người, trong đời sống Giáo Hội. Trong các dụ ngôn về Nước Trời, Chúa luôn nhấn mạnh đến giai đoạn hiện tại và giai đoạn cánh chung. Nhưng giai đoạn cánh chung được tiếp nối với giai đoạn hiện tại, tùy thuộc chúng ta hôm nay sống Nước Trời hay không.
Hoàng tử nhỏ.
Hoàng tử nhỏ của Nước Trời là trẻ em, không phải vì bất lực hay nghèo khó, nhưng vì đời sống phong phú dồi dào, vì lòng trông cậy mạnh mẽ và con tim trong trắng đơn sơ, ngay thẳng. Tấm lòng trong trắng này làm cho con mắt tâm hồn trong suốt như thủy tinh. “Ai có lòng trong sạch được thấy Thiên Chúa” ngay trong đời sống này, chúng thấy được Thiên Chúa trong các tạo vật được dựng lên theo hình ảnh Ngài và được Ngài quan phòng hướng dẫn.
Sao con người lại bị mất vẻ trong sáng của tuổi thơ? khi nói tới ai có một tâm hồn trẻ thơ, người ta cảm thấy người đó sống bằng con tim thuần khiết.
Ở đâu?
Khi đứa bé qua đời, nó được sống trong Nước Trời, nó rất khó phải ở nơi khác! nếu nó yếu đuối phạm tội, chắc chắn nó sẽ ăn năn vì mến Chúa như Ngài đã yêu nó không hềloại trừ nó…
Sau những thí dụ đó Thiên Chúa công nhận trẻ em như là mẫu người được mời vào dự tiệc Nước Trời.
“Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ…” đây là một ấn văn chứa đầy trong Tin Mừng …. Tại sao chúng ta không cố gắng thực hiện? tại sao chúng ta không sống theo lời mời gọi của Chúa? tại sao lời đó không trở nên qui tắc cho đời sống đạo của chúng ta?
J.M

SUY NIỆM 7:

1. Đức Giê-su và trẻ em
Như chúng ta đều biết, Đức Giêsu có thái độ ưu ái đặc biệt đối với trẻ em. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe chứng tỏ điều này, khi Người nói với các môn đệ đang ngăn cản trẻ em đến với Người: “Cứ để trẻ em đến với Thầy”. Và trước đó, ở đầu chương 18 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Người còn nói những lời mạnh mẽ hơn:
Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. (18, 3-4)
Tại sao Đức Giêsu lại thương mến trẻ em như vậy? Bởi lẽ, yêu thích trẻ em là một khuynh hướng rất tự nhiên. Thực vậy, ai trong chúng ta cũng thích trẻ em, và Đức Giêsu cũng vậy. Có lẽ đó là vì chúng ta nhận ra nơi trẻ em có cái gì đó vừa nguyên tuyền và vừa kì diệu: nguyên tuyền vì “nhân chi sơ tính bản thiện”; kì diệu, vì em bé không thể chỉ là tác phẩm của cha mẹ, nhưng còn là và nhất là của Thiên Chúa nữa. Vì thế, khi em bé sinh ra “mẹ tròn con vuông”, cha mẹ và cả họ hàng đều tạ ơn Chúa, vì em bé còn là quà tặng của Thiên Chúa, còn là con Thiên Chúa nữa.
2. Nước Trời và trẻ em
Tuy nhiên, sự kiện Đức Giêsu ưu ái các em bé, còn có một lí do thiêng liêng:
Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.
Đức Giêsu đến để loan báo và xây dựng Nước Trời, và “công dân” kiểu mẫu của Nước Trời, chính là trẻ em, như Người đã nói: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
Chúng ta thường hiểu “trở nên giống như trẻ em”, là phải hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng. Nhưng rất tiếc là không thể được, vì ở tuổi của chúng ta, đó sẽ là “hồn nhiên và ngây thơ cụ”; với lại chúng ta thương tích đầy mình, làm sao mà trong trắng như trẻ em được. Vì thế, chúng ta phải hiểu lời của Đức Giêsu ở mức độ đơn sơ hơn, nhưng không kém phần sâu xa. Lời Chúa hướng chúng ta tới ơn gọi trở nên ở tương lai, chứ không phải bắt chúng ta phải trở lại và sống lại một tình trạng của quá khứ, cho dù là rất đáng trân quí.
(1) Trẻ em sống bằng tương quan. “Trẻ em” không thể sống một mình và không muốn sống một mình, nhưng luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, tương quan tình thương.
(2) Trẻ em là người con. Khi gặp một đứa trẻ, chúng ta thường hỏi, đó là con của ai? Bởi lẽ, trẻ em còn có nghĩa là “người con”, là con của ai đó. Vậy luôn sống như trẻ em, là luôn sống như một người con.
Chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”, vì thế chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi sống tương quan Cha-Con với Thiên Chúa, dù chúng ta ở tuổi nào, dù chúng ta có chức tước gì hay bị rơi vào trong tình cảnh nào. Khuôn mẫu của chúng ta, là chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa; Ngài luôn luôn sống và sống đến cùng tương quan Cha-Con với Thiên Chúa. Và nếu tất cả chúng ta đều là con Thiên Chúa, “nhờ, trong và với” Đức Kitô, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau, dù về ngôn ngữ, chúng ta gọi nhau như thế nào đi nữa. Đó chính là Nước Trời. Cộng đoàn tu trì có sứ mạng làm chứng về Nước Trời, ngang qua đời sống của các thành viên, nhất là tương quan huynh đệ trong Chúa.
(3) Trẻ em, hình ảnh của sự hiền lành. Trẻ em thì hiền lành, vì ở độ tuổi này, không thể làm hại ai, không thể bạo lực. Vì thế, trẻ em là hình ảnh của sự hiền lành. Trở nên như em bé, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành.
Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi :
Phúc thay những người hiền lành,
Vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5, 4)
3. Đức Giêsu và lời ca tụng của trẻ em
Lời mời gọi trở nên giống như trẻ em bắt nguồn từ chính Kinh Thánh, và sứ mạng của Người là làm cho lời Kinh Thánh được hoàn tất:
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. (Lc 24, 44)
Thật vậy, Tv 8 mời gọi chúng ta vừa nhìn lên trời cao, để nhận ra uy phong hay ánh quang của Thiên Chúa, và vừa nghe được tiếng hát, nghĩa là lời ca tụng (x.Tv 19): tiếng hát vang tận trời cao, hát về uy phong của Thiên Chúa. Nhưng là tiếng hát của ai ? Thật bất ngờ, đó là tiếng hát của “con thơ trẻ nhỏ”[1].
Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Chúng ta có thể dừng lại để cảm nhận những tương phản : tương phản quá lớn giữa uy phong Thiên Chúa và tiếng hát của em bé (như tiếng hát của các em bé trong Nhà Trẻ); tương phản giữa tiếng hát này và kẻ địch thù, đến độ khiến chúng phải tiêu tan! Những em bé, thật bất lực nhưng lại được coi là thích hợp nhất để hát mừng chiến thắng của Thiên Chúa. Tại sao vậy? Bởi vì, em bé thì hiền lành và là biểu tượng tốt nhất của sự hiền lành của Thiên Chúa.
Đức Giê-su không chỉ xác chuẩn lời Kinh Thánh kì diệu này, khi mời gọi chúng ta hãy đón nhận Nước Trời với tâm hồn của một trẻ em (Mc 10, 13-16; Mt 18, 3 và 9, 13-15; Lc 18, 15-17), nhưng Ngài còn hoàn tất sứ mạng của em bé, nghĩa là sứ mạng chiến thắng những dã thú, nghĩa là thú tính, sự dữ, tội lỗi và bạo lực bằng sự hiền lành và tình yêu của Thiên Chúa, trong cuộc Thương Khó (x. Mt 21, 15-16).
Tv 8 còn mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng con người, chiêm ngưỡng chính bản thân chúng ta, để nhận ra con người, bản thân chúng ta là một kì công của Thiên Chúa, dù con người, dù chúng ta có như thế nào : bẻ bỏng và chóng qua, nhưng :
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo :
đặt muôn loài muôn sự dưới chân
Được tôn vinh trên “muôn loài muôn sự”, nhưng rốt cục theo Tv 8, con người chỉ có quyền trên loài vật mà thôi!
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Có lẽ não trạng hiện đại chẳng thấy “vinh quang và danh dự” gì nhiều nơi địa vị này của con người. Tuy nhiên, Kinh Thánh lại rất coi trọng, vì qua đó mặc khải Kinh Thánh diễn tả ơn gọi đích thực của con người. Chúa đặt để con người ở một vị trí đặc biệt, và đồng thời vị trí này cũng là một lời mời gọi : chúng ta được sinh ra là người, thì hãy sống như một con người, hãy sống nhân tính như là một hồng ân được ban tặng :
- Đừng tự biến mình thành thần linh. Pascal nói : “Ai làm cho mình trở thành thần, sẽ biến thành quái vật” (Qui se fait ange, fait la bête), bởi vì sẽ phải loại trừ những người chống đối bằng sức mạnh, để thống trị và được tôn thờ.
- Và cũng đừng tự biến mình thành thú vật, nghĩa là đừng sống theo thú tính ; thú tính là ham muốn nhau, ăn nhau, huỷ diệt nhau bằng bạo lực.
*  *  *
Tv 8 giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của sứ mạng thống trị muôn loài, mà Thiên Chúa đã trao cho con người từ thủa ban đầu : “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1, 28). Đó là sứ mạng chế ngự thú tính ; và chính trong mức độ con người chế ngự thú tính, hiện diện ngay trong nội tâm của mình, con người sống ơn gọi làm người, nghĩa là ơn gọi trở nên hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 27); và nhờ “kính sợ” Chúa, mà con người hoàn tất sứ mạng thống trị thú tính của mình, như sách Huấn Ca nói: “Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muông chim cầm thú.” (Hc 17, 4). Và chúng ta cũng có thể hiểu, lệnh truyền của Thiên Chúa trong vườn Eden, là lệnh truyền làm chủ lòng ham muốn, nghĩa là thống trị thú tính (x. St 2, 15-17).
Ơn gọi sống nhân tính đến cùng, không tự biến mình thành thần linh hay thành thú vật, đó là trở nên giống Đức Giêsu.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
——–
[1] Tv 8 được đọc trong tuần II, thứ bảy, giờ kinh sáng.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận