Thứ Hai Tuần 22 TN

Đăng lúc: Thứ hai - 01/09/2014 02:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 
THỨ HAI TUẦN 22 TN

Bài đọc (1 Cr 2, 1-5)
Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.

Tin Mừng (Lc 4, 16-30)
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”
Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình’; ‘điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông’ “. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.
Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.


Suy niệm 1: LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức Giêsu trở về quê hương và Ngài được mời lên để đọc Sách Thánh. Đoạn sách mà Đức Giêsu công bố hôm nay được lấy từ sách Tiên tri Isaia nói về ơn cứu độ của Thiên Chúa cho những người nghèo. Đọc xong, Ngài tuyên bố:“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.
Thấy vậy, mọi người trong Hội Đường hy vọng Đức Giêsu sẽ ưu ái đặc biệt với họ. Tuy nhiên, điều mà họ mong muốn lại không được Đức Giêsu đáp ứng. Thay vào đó, Đức Giêsu muốn cho họ hiểu rằng: ơn gọi, sứ mạng của Ngài là đến với muôn dân, và đối tượng số một là những người nghèo. Nghèo về tinh thần, nghèo về vật chất, những người cô thế cô thân, thấp cổ bé họng… chứ không chỉ dành cho một số người ưu tuyển hoặc đặc quyền thân quen…!
Khi bị Đức Giêsu lật ngược ván cờ, họ sinh ra lòng căm nghét, vì thế, dân chúng đã trục xuất Đức Giêsu ra khỏi Hội Đường.
Khi suy niệm tới đây, hẳn chúng ta xầm xì về những hành vi phũ phàng của người Dothái với Đức Giêsu! Nhưng nếu hồi tâm một chút, hẳn chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa. Thật vậy, đã không biết bao lần chúng ta mang trong mình tâm thức: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Và như một hệ lụy, nhiều người đã vất vả, khó khăn khi phải đối diện với sự chọn lựa theo tinh thần của Đức Giêsu!!!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết quý trọng quê hương, gia đình. Vì quê hương là nơi “Chôn nhau cắt rốn”, là nơi cung cấp cho chúng ta những truyền thống tốt đẹp thủa ban đầu. Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên thành người…
Tuy nhiên, quê hương chỉ là nơi cưu mang chúng ta một thời. Gia đình là chỗ ta đi về và thể hiện tình nghĩa. Còn khi chúng ta đã trưởng thành, Chúa mời gọi chúng ta hãy đi và phải vươn xa tầm nhìn để mở rộng trái tim, để ôm ấp những người bé mọn, ốm đau, bị áp bức, bất công…
Cần phải vượt ra khỏi những kỳ thị vùng miền, giai cấp địa vị để đến với muôn dân, mọi nơi.
Được như thế, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Đức Giêsu và trở thành người mang Tin Mừng của Ngài đến cho người nghèo…
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sẵn sàng ra đi bất cứ nơi đâu Chúa cần chúng con hiện diện. Xin cũng ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con vượt qua mọi ranh giới, ngõ hầu đến được với những người đang cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.


Suy niệm 2: ĐỂ LỜI CHÚA LÀ SỨC SỐNG…

Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,20-21)
Suy niệm: Triết gia Đức nổi tiếng Kant tuyên xưng: “Tôi tin rằng Kinh Thánh là quyển sách đem lại ích lợi nhiều nhất cho nhân loại. Tôi cũng tin rằng bất cứ nỗ lực nào làm giảm giá trị Kinh Thánh đều là tội ác chống lại nhân loại.” Một trong những cách làm giảm giá trị Kinh Thánh là để cuốn sách ấy nằm yên trong tủ sách, hay để bụi bám trên bàn thờ. Kinh Thánh hay Lời Chúa không còn là những dòng chữ chết trong sách, nhưng là sức sống nếu được đọc lên trên môi miệng, được công bố, được loan truyền, được áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc lại lời tiên báo của ngôn sứ I-sa-i-a cách đó tám thế kỷ, được ứng nghiệm, trở thành lời sống động nơi Ngài, vị Cứu Thế hôm nay.
Mời Bạn: Hoàng đế nước Pháp Napoléon nhận định: “Tin Mừng không phải là một quyển sách; nó là sự sống, với một tác động, một sức mạnh, có thể xâm nhập tất cả những gì đối kháng lại sự mở rộng của nó. Tôi không bao giờ bỏ đọc sách ấy và đọc mỗi ngày một cách thích thú.” Bạn có làm cho Lời Chúa trở thành hiện thực, được ứng nghiệm trong cuộc đời bạn hôm nay và mỗi ngày không?
Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực để Lời Chúa được ứng nghiệm trong đời sống mình qua việc siêng năng đọc, suy gẫm và để Lời ấy hướng dẫn suy nghĩ, lời nói, việc làm, cách ứng xử của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời ngôn sứ I-sa-i-a tiên báo về Chúa đã được Chúa thực hiện trọn vẹn. Xin cho chúng con biết quan tâm áp dụng Lời Chúa vào đời sống cụ thể của mình.

Suy niệm 3

Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay thuật lại cho chúng ta biết, sau một thời gian bôn ba khắp nơi giảng dạy và chữa bệnh cho thiên hạ, ngày nọ Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về quê nhà Nagiarét với hy vọng giúp ích được gì cho những người thân vì Người không muốn cảnh “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”.
Thánh sử Luca ghi nhận Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai cứu độ trần gian. Sứ vụ đó là đến để yêu thương và ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đó là mở ra thời đại mới của công lý và hòa bình, của tự do và bác ái.
Để thi hành sứ vụ ấy, ngay khi vừa trở về Nagiarét Chúa Giêsu đã tiến thẳng vào hội đường và trân trọng đọc lại lời ngôn sứ Isaia đã được ghi chép trong Sách Thánh: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người bị mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”. Không phải sự tình cờ mà Chúa Giêsu đọc đoạn sách này nhưng là lần đầu tiên Người trở lại quê nhà Nagiarét để giới thiệu cho những người đồng hương biết Người là ai?Thế nhưng Đức Giêsu đã thất vọng ê chề vì thái độ khinh miệt và cứng lòng tin của người dân địa phương. Lửa nhiệt tình nơi Chúa đã bị dập bởi một gáo nước lạnh và Người không ra khỏi vòng cương tỏa của con người với quan niệm “Bụt nhà không thiêng”.
Khi giảng dạy ở vùng dân ngoại, Chúa Giêsu được nhiều người ngưỡng mộ vì những giáo huấn khôn ngoan và các phép lạ kèm theo. Thế nhưng tại quê nhà, Chúa Giêsu không làm phép lạ nào tại đó. Trong đoạn mở đầu Phúc âm thứ tư, thánh sử Gioan cũng ghi nhận về sự thờ ơ của loài người đối với Con Thiên Chúa: “Ngài đã đến nhà mình nhưng người nhà đã chẳng chịu đón tiếp Ngài” (Ga 1, 11). Đây quả là một bi kịch khi một dân tộc được tuyển chọn trở thành dân riêng của Thiên Chúa nhưng chính Con Thiên Chúa lại trở nên “kẻ xa lạ giữa những người quen biết” vì Chúa Giêsu đã không làm thỏa mãn những tham vọng trần thế của họ. Hơn nữa, họ đã nặn ra một vị Thiên Chúa theo ý riêng của họ nên không thể chấp nhận một vị Thiên Chúa làm bạn với những người nghèo, người đau khổ, bệnh tật và người tội lỗi.
Họ tra hỏi về nguồn gốc thân thế gia đình, anh em họ hàng của Chúa Giêsu. Họ tỏ thái độ khinh miệt trong câu hỏi: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Sở dĩ Chúa Giêsu không được đón nhận vì gia đình cha mẹ của Người chỉ là dân lao động bình thường chẳng có gì đặc biệt. Điều đó cho thấy họ ngầm phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu. Số phận của Chúa Giêsu cũng không khác gì những ngôn sứ khi xưa. Người sẽ phải gánh chịu những phản ứng bắt bớ của người đời đến độ bị sát hại. Số phận của Chúa Giêsu là số phận của một người Tôi Tớ đau khổ, phải gánh chịu mọi sự khinh miệt của con người, nhất là những người họ hàng và những môn đệ thân tín nhất.
Giáo Hội, hiện thân của Chúa ở trần gian có con số tín hữu còn ít ỏi mặc dù Giáo Hội đã nỗ lực rất nhiều với công tác truyền giáo và là dấu chỉ gây ngạc nhiên cho nhiều người. Thực tế cho thấy ở những nơi được xem là xứ đạo “gốc”, hạt giống Tin Mừng lại thiếu điều kiện để nảy mầm và đơm bông kết trái.“Gần chùa gọi bụt bằng anh”, đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người đồng hương của Chúa Giêsu khi tỏ ra coi thường quyền năng, những ơn lành và tình thương của Thiên Chúa. Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những phản ứng tiêu cực của người đời, sẽ gặp thất bại ê chề ngay trên “sân nhà”. Óc địa phương, óc kỳ thị, dửng dưng ích kỷ đã ăn sâu vào tâm thức khiến chúng ta không bỏ được những thói xấu ấy.
Nhìn vào xã hội hôm nay, người ta chuộng “hàng ngoại”, chạy theo những gì là “đẳng cấp”, “kỹ thuật số” làm sao để được hưởng thụ vật chất cho thật nhiều mà quên rằng giá trị đích thực của đời sống là tin vào Thiên Chúa. Người ta dễ dàng chạy theo những phong trào, những lối sống “không ngày mai” mà quên rằng nơi Chúa Giêsu mới đem lại niềm hạnh phúc đích thực. Với lối nghĩ “giải thiêng tục hóa”, người ta coi Chúa Giêsu chỉ là một người bình thường, thế nhưng họ lại thần tượng những ngôi sao ca nhạc hay những danh thủ bóng đá . Người ta loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để thay vào đó là tôn thờ danh vọng, quyền lực và mọi thứ hưởng thụ khác.
Thái độ của những người đồng hương Nagiarét cũng là thái độ của mỗi người chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng từ chối Chúa khi chúng ta không tiếp nhận và yêu thương tha nhân. Chúng ta vẫn cầu nguyện nhưng khéo léo xin Chúa thực hiện theo sự sắp đặt của chúng ta. Chúa vẫn hiện diện trong những người anh chị em xung quanh nhưng chúng ta cố tình không nhận ra nên còn đối xử bất công với người khác. Khi chúng ta sống trong tội lỗi, trong sự hận thù ghen ghét, đố kỵ là chúng ta đang đi ngược với ý muốn của Thiên Chúa. Một lần nữa, lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta khám phá ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi những người xung quanh để có thái độ sống bác ái hơn, tôn trọng và yêu thương người đồng loại nhiều hơn.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đến cứu độ trần gian, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa qua những ân sủng thiêng liêng và nhất là qua tha nhân.Xin cho chúng con biết thay đổi thái độ sống hẹp hòi ích kỷ, nhưng luôn sống theo sự dẫn dắt của Chúa để được hưởng nguồn ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn chúng con. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là tình yêu và là con đường dẫn đến suối nguồn tình yêu. Chúa đã dành trọn cuộc đời để bày tỏ tình yêu cho nhân loại chúng con. Chúa đã hiến dâng cuộc đời để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại chúng con. Xin cho chúng con biết họa lại tình yêu của Chúa cho tha nhân, cho bạn bè bằng đời sống dấn thân phục vụ của chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời luôn có những khổ đau. Người bất hạnh vẫn có mặt ở mọi thời mọi nơi. Xin giúp chúng con biết dấn thân để xoa dịu những đau khổ, thương tích cho anh em. Xin cho chúng con luôn là làn gió nhẹ để gieo vào nhân thế tin mừng của yêu thương, của hạnh phúc, để chúng con đẩy xa những thù oán, những giận hờn ghen ghét. Xin giúp chúng con luôn là sứ giả của Chúa gieo rắc men của yêu thương, cuả bác ái, của phục vụ thẩm thấu vào thế gian.
Lạy Chúa, Xin cho chúng con luôn biết mang niềm vui, sự ủi an, nâng đỡ đến cho mọi người. Xin dạy chúng con biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen
 
Suy Niệm 4: Bụt Nhà Không Thiêng

Không thể làm tiên tri mà không trải qua bách hại, khổ đau thử thách. Ðó là số phận chung của các tiên tri từ Cựu Ước qua Tân Ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà nói, đó là những tiên tri giả; còn các tiên tri thật ý thức mình được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị tiên tri một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Êlia trải qua khủng hoảng và ngay cả thất vọng khi phải trung thành với Lời Chúa; Yêrêmia đã nhiều lần ca thán và có lúc chỉ muốn đào thoát. Ðau khổ nhất cho các tiên tri là thấy lời nói của mình không được lắng nghe.
Chúa Giêsu không chỉ đến để làm cho lời các tiên tri được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị tiên tri đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài cũng có những đặc điểm của các tiên tri: đối đầu với những giá trị sẵn có, Ngài tỏ thái độ như các tiên tri: Ngài nghiêm khắc với những kẻ khóa Nước Trời không cho người khác vào. Ngài nổi giận trước sự giả hình của những người Biệt phái. Ngài đặt lại vấn đề tư cách là con cháu Tổ phụ Abraham mà người Do Thái vẫn tự hào. Nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc sống của Ngài; do đó, bị chống đối, bị bách hại là số phận tất yếu của Ngài.
Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: "Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình", đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazaréth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.
Là thân thể, là sự nối dài của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng đang tiếp tục sứ mện tiên tri của Ngài trong trần thế, do đó, Giáo Hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại. Một Giáo Hội không bị chống đối và bách hại là một Giáo Hội thỏa hiệp, nghĩa là đánh mất vai trò tiên tri của mình.
Nhờ phép Rửa, người Kitô hữu cũng được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô: bằng lời nói, và nhất là chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò tiên tri của mình trong xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào trần thế. Ước gì chúng ta luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng của Chúa dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi tiên tri.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Bí Quyết Nên Thánh

Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng ở vùng gần Giêrusalem bên bờ sông Giócđan nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, Chúa Giêsu trở về thăm làng cũ. Ở đó dân chúng đã nghe nói về nội dung lời rao giảng của Ngài, ở đó người ta cũng nghe nói tới một số phép lạ Ngài đã làm. Tin đồn này làm cho những người đồng hương bỡ ngỡ: "Ông ta đã học được những điều đó ở đâu? Ông không phải là con ông Giuse đó sao?" Ðó là một thắc mắc rất chính đáng.
Người dân Nazareth, nhất là những người đã từng quen biết và lớn lên với Chúa Giêsu hẳn có đủ lý do để tỏ ra ngỡ ngàng khi nghe kể về thành tích của Ngài, bởi vì trong suốt ba mươi năm sống trong ngôi làng nhỏ bé ấy, Ngài đã chẳng tỏ ra bất cứ một dấu thánh thiện siêu phàm nào. Chúng ta có thể tự hỏi làm sao Chúa Giêsu đã có thể sống trong ngôi làng bé nhỏ ấy trong suốt ba mươi năm mà không để lộ bản tính của Ngài? Làm sao Con Thiên Chúa lại có thể sống trong ngôi làng hẻo lánh nghèo nàn ấy trong bao nhiêu năm mà dân chúng không hề thắc mắc? Câu trả lời chỉ có thể là Chúa Giêsu chỉ có một ý niệm về thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do Thái đồng hương và cả chúng ta nữa. Thời Ngài, thánh thiện có nghĩa là tuân giữ chi ly mọi Lề Luật, trung thành với truyền thống và phong tục vốn được xem là biểu thị của đời sống đạo đức, nhưng Chúa Giêsu đã không nghĩ như thế. Chính vì vậy mà khi Ngài bắt đầu rao giảng, chữa bệnh và làm phép lạ, tất cả những ai đã từng biết Ngài trong ngôi làng nhỏ bé ấy đều thắc mắc và bỡ ngỡ. Quả thật, tất cả những ai đã từng quen biết Ngài chỉ xem Ngài như một người như họ mà thôi, Ngài không để lộ bất cứ một dấu thánh thiện hay siêu phàm nào.
Ðiều đáng làm cho chúng ta suy nghĩ là không nơi nào trong các sách Tin Mừng viết rằng Chúa Giêsu là một con người đạo đức, chúng ta chỉ đọc được rằng Ngài đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng và làm việc thiện mà thôi. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giêsu có một quan niệm về sự thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do Thái đương thời. Ðối với Ngài, thánh thiện là sống hoàn toàn như một con người, là làm người như Thiên Chúa đã dựng nên, đó là câu giải đáp thắc mắc tại sao những người Do Thái đồng hương của Chúa Giêsu thắc mắc và bỡ ngỡ khi Ngài bắt đầu rao giảng và chữa bệnh. Ðối với lối suy tư của họ, Ngài xem ra quá trần tục, quá là người cho nên không thể làm được những chuyện cả thể như người ta đã đồn thổi. Tuy nhiên đây chính là một mạc khải sâu xa: Thiên Chúa nhập thể làm người để sống như một con người như mọi người, hầu dạy chúng ta biết sống cho ra người. Chính cuộc sống đơn giản và bình thường ấy lại chứa đựng một sự thánh thiện tuyệt vời.
Trong các thứ học thì hẳn học làm người là điều khó nhất, người ta có thể đỗ đạt thành tài trong cuộc sống, người ta có thể nắm vững được lãnh vực chuyên môn của mình, nhưng học làm người là một thứ trường học mà con người sẽ chẳng bao giờ tự cho là mình đã tốt nghiệp và thôi học. Sống như một con người, như Chúa Giêsu đã sống ba mươi năm âm thầm tại Nazareth, âm thầm đến độ những người quen biết không thấy có gì đáng chú ý trong cuộc sống ấy. Sống như một con người chính là sống một cách sung mãn từng giây phút của cuộc sống. Sống một cách phi thường những việc tầm thường nhất trong đời thường, sống bằng một tình yêu cao cả những việc làm nhỏ bé nhất hàng ngày, đó chính là bí quyết để nên thánh vậy.
 
Suy Niệm 6: KHÔNG CÓ THỨ THANH NIÊN ĐÓ NƠI CHÚNG TÔI

Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” (Lc. 4, 21-22)
Giờ Thiên Chúa đã điểm cho Đức Kitô xuất hiện. Ngài vừa chuẩn bị sứ mệnh trong một cuộc tình lâu dài và kham khổ trong hoang địa. Ngài định thi hành sứ vụ công khai bằng cuộc thăm viếng ngôi làng nhỏ bé nơi sinh trưởng của Ngài là Na-gia-rét. Ngài vào hội đường lúc giờ kinh phụng vụ và lên tiếng giải thích bài sách tiên tri I-sai-a: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, cho kẻ bị tù đầy được tự do và cho người mù được thấy ánh sáng, giải phóng cho kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”
Đức Giêsu nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh” những người đồng hương ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài, họ chưa hiểu Ngài. Ngài nói với họ: Tôi, Người đang nói với ông bà anh chị em là chàng thanh niên của ông bà và anh chị em đều biết rõ tôi, tôi là Người Chúa đã truyền đi thực hiện những điều lạ lùng như tiên tri I-sai-a đã nói.
Nhưng bây giờ tôi không còn là chàng thanh niên đó nữa nên các ông bà anh chị em không chấp nhận tôi, không nghe tôi, không muốn có tôi. “Tôi bảo thật: không có một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Quá khứ đã chứng tỏ hùng hồn cho điều đó. Bao nhiêu ngôn sứ như Ê-li-a và E-li-sê đã không thể làm điều gì lạ ở nơi quê mình và các ông bà anh chị em tiếp tục theo lề thói xưa nên đã khinh thường tôi. Tôi chỉ là con ông Giu-se. Tôi không thể thông thái hơn các ông bà. Không có gã thanh niên nào nơi các ông bà, giám yêu sách đòi làm ngôn sứ cho các ông bà. Đó có phải là trò đùa không.
Đó là thứ dỡn mặt quá trớn, cần phải trừ khử đi! Quả thực, “Họ đã phẫn nộ phải đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi làng, khéo lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực. Nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi”. Vì giờ rao giảng của Ngài đã tới, giờ chết của Ngài chưa điểm.
Chúng ta cũng có những ngôn sứ của chúng ta. Những gã thanh niên, thanh nữ này... Họ đang mang sứ điệp của Đức Kitô đến mọi nơi. Họ âm thầm, hiền lành và khiêm nhường trong lòng! nhưng lại không có nơi chúng ta sao?
Chúng ta đối xử với họ thế nào?
GF.
 
SUY NIỆM 7:

1. Lời của Đức Giê-su
Khi Ngài tràn đầy Thần Khí (c. 14), Đức Giê-su mới bắt đầu giảng dạy. Chúng ta hãy ngạc nhiên về điều này: Đức Giê-su vẫn chưa làm phép lạ nào, chưa làm điều gì lạ thường, Ngài mới chỉ nói thôi; và lời của Ngài đánh động người nghe đến độ Ngài được mọi người tôn vinh:
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (c. 22) 
Ước gì chúng ta cũng biết tôn vinh và ca tụng Chúa, khi lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện. Và nhất là, kể từ hôm nay, chúng ta không thể sống, nếu không, có thể nói, “ăn” lời của Ngài. Bởi vì, sự sống của chúng ta không chỉ cần của ăn và các phương tiện đáp ứng nhu cầu (ăn mặc, nhà cửa, sức khỏe, học tập, việc làm, phương tiện đủ loại), nhưng còn cần lời nói nữa, lời nói yêu thương, soi sáng, tha thứ, đón nhận, cảm thông, bao dung. Thiếu những lời này, chúng ta không thể sống được. Và Lời Chúa là những lời như thế và làm cho chúng ta nói được với nhau những lời như thế.
2. Kinh Thánh được hoàn tất
Nhưng Đức Giê-su giảng dạy điều gì? Cả bốn Tin Mừng sẽ kể lại cho chúng ta những lời ân sủng của Chúa. Nhưng, Tin Mừng theo thánh Luca kể lại một trong những lời giảng của Chúa, và đó là một lời giảng vô cùng đơn giản: Ngài mở Sách Thánh, đọc một đoạn; sau đó cuộn lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống; cuối cùng Ngài nói:
Hôm này đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh
tai quí vị vừa nghe.
Xin cho chúng ta hiểu được phần nào tầm mức của biến cố trọng đại này. Lời ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (c. 18-19), được thực hiện nơi những gì Đức Giê-su nói và làm.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là dấu chỉ của ơn tha thứ, chữa lành và tái sinh cho sự sống hôm nay và cho sự sống mới bởi mầu nhiệm Vượt Qua. Vì thế, lời ngôn sứ được ứng nghiệm hướng tới và phải được hiểu ở mức độ toàn bộ Kinh Thánh: toàn bộ Kinh Thánh loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô hoàn tất toàn bộ Kinh Thánh (x. Lc 24, 44). Thực vậy, ý định muốn giết Đức Giê-su và Ngài “vượt qua” giữa họ mà đi (c. 28-30) mời gọi chúng ta hiểu biến cố hạn hẹp ở Nazareth ở mức độ mầu nhiệm Vượt Qua.
Và bởi vì Kinh Thánh kể lại lịch sử của những con người cụ thể giống như mỗi người chúng ta, đầy những thăng trầm, lầm lỗi và bị Sự Dữ chi phối, cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng “loan báo” Đức Ki-tô và Đức Ki-tô cũng đã “hoàn tất” cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng “con tim bừng cháy” cho hai môn đệ Emmau (x. Lc 24, 22) và cho chúng ta hôm nay.
3. Biết và tin
Những người cùng quê với Đức Giê-su, khi nghe Ngài giảng giải Lời Chúa, lúc đầu họ đã tỏ ra rất thán phục, như thánh Luca kể lại : « mọi người đều tán thánh và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người » (v. 22). Nhưng ngay sau đó, họ nêu vấn nạn, khởi đi từ những gì họ biết về Đức Giê-su : « Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ? ». Khi kể lại chuyện này, Tin Mừng Mác-cô nói chi tiết hơn : « Ông ta không phải là người thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xét, Giu-đa và Simon sao ? Chị em của ông phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ? » (Mc 6, 3).
Điều làm cho chúng ta phải kinh ngạc đó là, thay vì qua việc đích thân biết rõ thân thế Đức Giêsu, họ sẽ dễ dàng tin nơi căn tính thần linh của Ngài, thì chính sự hiểu biết này lại ngăn cản họ tin vào Đức Giêsu. Chính vì thế mà Đức Giê-su nói : « Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình ». Và điều này vẫn còn xẩy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Đức Giêsu ; nhưng nghiên cứu một hồi thì mất đức tin ! Tại sao lại như vậy ?
Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin : lòng tin đến từ kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Người, sống nhờ Người và bởi Người, và đến từ lòng khao khát Thiên Chúa và nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử. Và căn tính thần linh của Đức Giê-su sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giê-su chịu thương khó : « Quả thật, người này là Con Thiên Chúa ».
Còn một lý do khác nữa, khiến cho họ không thể đón nhận Đức Giê-su, đó là lòng ghen tị. Người ghen tị không chấp nhận sự khác biệt ; họ ham muốn và muốn sở hữu tất cả những điều tốt mà người khác có. Nhưng điều này là không thể được ; và thay vì bình an đón nhận sự khác biệt, họ tìm cách phá hủy những điều tốt nơi người khác ; hay ít nhất, cảm thấy vui mừng và hả hê khi người khác bị tai họa. Và đó chính là thái độ ghen gị của những người lắng nghe Đức Giê-su trong Tin Mừng. Trước hết, họ lắng nghe Đức Giê-su với lòng thán phục ; nhưng sau đó, họ muốn Đức Giê-su cũng làm những gì mà Ngài đã làm ở những nơi khác : « Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! » Và dường như Đức Giê-su cố ý làm cho lòng ghen tị này phải lộ ra với tất cả sức mạnh hủy diệt của nó, khi kể lại chuyện của các ngôn sứ Elia va Elisa. Hơn nữa, Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với số phận của các ngôn sứ : « không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. »
Quả thực, khi nghe Đức Giê-su nhắc lại chuyện cũ xong, và vì họ không có ngay được điều họ đòi hỏi, họ quay ra phẫn nộ ; sự phẫn nộ này tất yếu dẫn đến bạo lực : « Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực ». Như thế, hành vi phá hủy là điểm tới tất yếu của lòng ghen tị. Và những gì xẩy ra ở Nazareth đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi.
Nhưng thay vì trả đũa bạo lực bằng bạo lực, Đức Giê-su « băng qua giữa họ mà đi. » Trong mầu nhiệm Thương Khó cũng vậy, Đức Giêsu thinh lặng vượt qua giữa cơn lốc phản bội, ghen tị, sỉ nhục, gian dối, bạo lực để đi qua bờ bên kia của sự sống mới.
*  *  *
Đó là cung cách của mầu nhiệm Vượt Qua, và cũng là cung cách của tình yêu, như Thánh Phao-lô nói : « Tình yêu chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, kiên nhẫn tất cả ». Đó chính là dấu vết thần linh được tỏ hiện nơi ngôi vị của Đức Giê-su, dành cho những ai khao khát Thiên Chúa để dẫn họ đến lòng tin và sự sống.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận