Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/08/2014 02:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

ÔNG GIOAN LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH THÁNH THIỆN

I. LỜI CHÚA: Mc 6, 17-29

17 Hồi ấy, vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây ?” Mẹ cô nói : “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng : “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.


II. SUY NIỆM:

 

Nghe danh tiếng của Đức Giê-su, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hê-rô-đê cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy : « Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy ! » Đó là một sai lầm ; nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi.

- Vua Hê-rô-đê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một Gioan Tẩy Giả khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.

- Vua Hê-rô-đê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo : « Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi » (Tv 141, 10).

- Đức Giê-su không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ bị giết chết cách bất công như thánh Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có thánh Gioan.

1. Thánh Gioan, “Người đi trước mặt Chúa” (Lc 1, 17 và 76)

Cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả được Tin Mừng Mác-cô, và hai Tin Mừng nhất lãm còn lại cũng vậy, tường thuật lại trong một bối cảnh đặc biệt, đó là những thắc mắc liên quan đến Đức Giêsu: (x. Mc 6, 16). Và để làm sáng tỏ những thắc mắc này, tác giả Tin Mừng đã kể lại thật chi tiết cái chết của Gioan. Như thế, cuộc đời của Gioan gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu biết bao. Vì thế, trong lời nguyện nhập lễ, chúng ta thưa với Thiên Chúa rằng thánh Gioan là người đi trước loan báo Đức Kitô cả trong cách sinh ra lẫn trong cách chết đi. Thậy vậy, khi vừa được sinh ra, bố Giacaria của Gioan đã nói rằng:

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.

(Lc 1, 76)

Và với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta “chứng kiến” thánh Gioan hoàn tất thật trọn vẹn sứ mạng của mình, vì ông không chỉ đi trước chuẩn bị cho những lối bước của Đức Chúa bằng lời rao giảng và phép rửa, nhưng bằng cả cái chết nữa, và xét cho cùng, bằng cả cách mình được sinh ra nữa.

Chúng ta cũng vậy, bởi tình yêu và ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, cũng gắn liền với Đức Giêsu, vấn đề là chúng ta có nhận ra hay không.

2. Thánh Gioan, người loan báo Đức Giê-su bằng cái chết

Như thế, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay rất mạnh mẽ, nhưng cũng thật kín đáo: thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giê-su một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.

Thật vậy, bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của thánh Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Chúng ta có thể đọc lại từ từ và ghi lại những suy nghĩ và tâm tình mà trình thuật gợi ra cho chúng ta. Thánh Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và có thể nói, thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự…

Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải sự dữ triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, bởi vì Người là Con Chiên Vô Tội. Trong mầu nhiệm Vượt Qua, đối diện với Người sẽ là Sự Dữ và Sự Chết tuyệt đối, bởi lẽ Người là Sự Thiện và Sự Sống tuyệt đối. Người tự nguyện trở thành nạn nhân của Sự Dữ để hủy diệt Sự Dữ và chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ ngay hôm nay.

3. Phúc của thánh Gioan

Tuy nhiên, khi nghe hay đọc trình thuật này, chúng ta có thể tự hỏi một cách tự phát: vậy đâu là phúc của thánh Gioan, được loan báo khi mới sinh ra, khi mà ông đã cho đi tất cả, dâng hiến tất cả và cuối cùng, đã phải chịu chết như thế? Thánh Gioan loan báo Đức Kitô trong sự sinh ra, trong cuộc sống và trong cái chết, thì phúc của thánh Gioan, chính là trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Ki-tô. Và Tin Mừng đã kín đáo nói cho chúng ta điều này: sau khi bị giết chết, có kẻ nói về Đức Giê-su: “Đó là Gioan Tẩy Giả, từ cõi chết chỗi dậy” (c. 14). Như thế, phúc của thánh Gio-an là trở nên một với Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

Nếu là như thế, phúc của thánh Gioan, cũng là phúc của mọi người Kitô hữu chúng ta, những người sống đời sống hôn nhân, cũng như những người sống đời dâng hiến, đó là Đức Giêsu Kitô trở nên một với chúng ta, nơi mầu nhiệm Nhập Thể và nơi mầu nhiệm Thánh Thể, để cho chúng ta có thể trở nên một với Ngài trong hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, để cùng với Người đi vào Cõi Hằng Sống, là Sự Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy nim 2:

Ngày sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác. 
Nếu sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại 
thì thật là khủng khiếp. 
Ai có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, 
một cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người, 
máu còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở? 
Cô bưng và vui vẻ trao cho mẹ cô. 
Mẹ cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê. 
Trước hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu. 
Hêrôđê Antipas đã bắt ông Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục. 
Lý do vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia. 
Dầu vậy Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện, 
vẫn sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20). 
Hêrôđê còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.

Kế đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa. 
Cái gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê: 
“Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)? 
Bầu khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn, 
hay rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực? 
Hay sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên? 
Có những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.

Cuối cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định. 
Khi cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng. 
Ông buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26). 
Ông có thể rút lại lời đã nói không? Dĩ nhiên là có. 
Nhưng nỗi sợ đã khiến ông không dám làm. 
Sợ từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận, 
sợ bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ. 
Nói chung ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác. 
Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái, 
ông vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình. 
Cần can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ. 
Danh dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.

Hêrôđê đã can dự vào cái chết của Gioan. 
Ông chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con Hêrôđia. 
Philatô đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu. 
Ông này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế. 
Cả hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội. 
Cả hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình. 
Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan. 
Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J


“Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết”

Gioan Tẩy giả, có lẽ, là vị Thánh Công giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau . Gần như hầu hết các họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công giáo- từ Leonardo da Vinci, Titian, Caravaggio đến Rubens, v.v…- đều tìm thấy trong cuộc đời của ông một chi tiết nào đó làm nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Riêng Caravaggio, đã vẽ đến hàng chục tác phẩm về Gioan Tẩy giả…
 Không chỉ nhiều, Gioan Tẩy giả có lẽ, cũng là vị Thánh đi vào hội họa sớm nhất.
 Icon thể hiện hình ảnh Thánh lâu đời nhất được tìm thấy, là icon về Gioan Tẩy giả, được vẽ vào khoảng cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI, có nguồn gốc Palestine. Dưới đây là ảnh tác phẩm.
  
Bức tranh đã bị hư hại nhiều, không thể nhận biết hai hàng chữ viết hai bên chuyển tải thông điệp gì. Ở trên cùng, dễ nhận biết, bên trái, là hình ảnh Chúa Giêsu, và bên phải, là hình ảnh Đức Mẹ Maria.
 *
 Giữa vô số tranh vẽ Thánh Gioan tẩy giả, chiếm số lượng nhiều nhất, và có nhiều tác phẩm xuất sắc nhất, là ở mảng chủ đề: “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết”.(*)
 Dưới đây là icon thể hiện chủ đề “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết” được cho là lâu đời nhất-được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ thứ VII, thuộc truyền thống Byzantium.
 
Đứng chính giữa, là Thánh Gioan Tẩy giả. Ông đang nói: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.
 Phía sau là dòng sông, nơi ông thực hiện phép Rửa cho Chúa Giêsu.
 Bên trái, là đầu của ông, đã bị chặt lìa, nhưng vẫn như đang hướng nhìn về phía chúng ta.
 Bên phải: ở dưới là con chiên tượng trưng cho Dân Chúa như đang suy ngẫm về những gì Thánh Gioan Tẩy giả nói trong sự tôn kính, và bên trên là cây tượng trưng cho sự sống.
 Bức tranh như vậy, theo một số học giả, là sự khái quát trọn vẹn cuộc đời và sứ mệnh của Thánh Gioan Tẩy giả: “là nhà tiên tri cuối cùng, là người dọn đường cho sự ra đời của Chúa”.
 *
 Chủ đề “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết” trong hội họa, kể từ thời Phục hưng, với sự lên ngôi của các khuynh hướng tự sự, đã được “cụ thể hóa”  xoay quanh sự kiện: “Salome với cái đầu của Thánh Gioan Tẩy giả”
 Dưới đây là vài tác phẩm được biết đến nhiều nhất:


Tranh của Andrea Solario - 1507


Tranh của Titian (1515), hiện được lưu giữ tại Galleria Doria Pamphilj, Rome


Tranh của Guido Reni (1639 - 1640)


Tranh của Caravaggio (1607), hiện đang được lưu giữ tại National Gallery, London
Trong bốn tác phẩm có hình ở trên, thu hút sự chú ý của các nhà phê bình nhiều nhất, là tác phẩm dưới cùng-của Caravaggio. Hầu hết, chú ý vì tính hiện thực sống động của nó. Người ta có thể nhận thấy nơi bức tranh này, sự ngu muội nơi gương mặt tên đao phủ, sự sợ hãi nơi Salome, và sự thâm hiểm, hèn hạ nơi Hêrôđia-mẹ của Salome-kẻ chủ mưu giết hại Thánh Gioan…
 Đặc điểm chung, dễ nhận thấy nơi bốn tác phẩm ở trên, chính là gương mặt thanh thản, như đã sẳn sàng đón nhận cái chết của vị Thánh.
 Hai tác phẩm dưới đây, một cũng của Caravaggio, một của Rubens, thì lại nhấn mạnh đến khía cạnh tàn bạo, dã man của cuộc hành quyết-như một lời tố cáo.


Tranh của Caravaggio (1608)


Tranh của Rubens (1910)
 Ở bức tranh thứ nhất (của Caravaggio) chúng ta có thể nhận thấy sự vô cảm, lạnh lùng đáng sợ nơi những kẻ giết người. Còn ở bức tranh thứ hai (của Rubens) thì lại đầy vẻ man rợ…
 *
 Để kết thúc bài này, tôi xin lưu ý, câu chuyện “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết” là một câu chuyện có rất nhiều ý nghĩa biểu tượng, mà trong đó, có những ý nghĩa vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo. Bởi vậy, mà không có gì đáng phải ngạc nhiên, khi trước vài tác phẩm “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết” tôi đưa ra ở trên, đã có không ít bài viết phê bình diễn dịch theo hướng chính trị, xã hội. Sự thực, đây cũng là điều hết sức bình thường…
 Nguyên Hưng
 (*) Với người Công giáo, có lẽ ai cũng biết rõ câu chuyện trong tranh. Ở đây, tôi mượn lời trong Phúc Âm để tóm tắt.
 Phúc Âm: Mt 14, 1-12
 Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: “Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ”.
 Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri.
 Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia (là Salome) nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích.
 Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin.
 Ðược mẹ nó dặn trước, nên nó nói: “Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con”.
 Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy.
 Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó.
 Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận