Thứ năm tuần 19, Thánh Mácximilianô Maria Kônbê, linh mục, tử đạo.

Đăng lúc: Thứ năm - 14/08/2014 03:43 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN – Thánh Mácximilianô Maria Kônbê, linh mục, tử đạo. Lễ nhớ.
"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".
 
Thánh nhân sinh ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Ba Lan. Người gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn và năm 1918 thụ phong linh mục tại Rôma. Đầy lòng yêu mến nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa, người lập một hội đạo đức lấy tên là “Đạo binh Đức Maria Vô Nhiễm”. Hội này đã được truyền bá rộng rãi cả ở quê hương của người lẫn ở nhiều miền khác. Người đã đến Nhật Bản để truyền giáo, hăng say loan báo đức tin Kitô giáo dưới sự chăm sóc và bảo trợ của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Khi đã trở về Ba Lan, người phải chịu biết bao cơ cực, nhọc nhằn một thời gian dài trong trại tập trung Ốt-suýt vì chính sách kỳ thị chủng tộc. Người đã hiến dâng mạng sống mình làm lễ toàn thiêu vì lòng bác ái ngày 14 tháng 8 năm 1941.
 
Bài đọc (Ed 12, 1-12)
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, ngươi đang ở giữa dòng giống phản loạn, chúng có mắt để thấy mà không thấy, có tai để nghe mà không nghe, vì đó là dòng giống phản loạn. Phần ngươi, hỡi con người, hãy sửa soạn hành trang và hãy dời đi, giữa ban ngày, trước mặt chúng. Ngươi sẽ đi từ nơi đang ở đến một nơi khác, trước mặt chúng, để hoạ may chúng xem thấy, vì chúng là dòng giống phản loạn. Ngươi sẽ phô trương hành lý của ngươi như hành lý của người di cư giữa ban ngày trước mặt chúng, rồi ban chiều, ngươi sẽ ra đi trước mặt chúng như người di cư. Trước mắt chúng, ngươi hãy khoét tường mà chui ra. Trước mắt chúng, ngươi sẽ mang hành trang trên vai và đi ra trong bóng tối, Ngươi sẽ che mặt ngươi để đừng thấy xứ sở, vì Ta đã làm cho ngươi thành biểu hiệu cho nhà Israel”.
Vậy tôi đã thi hành như Chúa đã truyền cho tôi, tôi phô trương hành trang của tôi như hành trang của kẻ di cư, giữa ban ngày, và ban chiều, tôi lấy tay khoét một cái lỗ trong tường, vai mang hành trang, và ra đi trước mặt chúng trong đêm tối. Và ban sáng có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, nào nhà Israel, dòng giống phản loạn, đã chẳng hỏi ngươi rằng: ‘Ông làm gì vậy?’ Hãy bảo chúng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán rằng: Sấm ngôn này chỉ về thủ lãnh ở Giêrusalem và cả nhà Israel ở đó’. Hãy nói: ‘Tôi là biểu hiệu cho các ngươi. Tôi đã làm thế nào thì việc sẽ xảy ra như vậy’. Chúng sẽ phải di cư và đi làm tôi. Và ai là thủ lãnh các chúng, người đó sẽ mang hành trang trên vai ra đi trong bóng tối, và chúng sẽ khoét tường mà đem ông ra. Mặt ông bị che kín để mắt khỏi thấy xứ sở”.


Tin Mừng (Mt 18, 21 – 19, 1)
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. “Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. “Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.


Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, linh mục, tử đạo
Gương Thánh nhân

Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn sinh tại Đun-ka Quô-la, nước Ba-lan, năm 1894.
Lớn lên, thánh nhân có lòng ước muốn phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn, nên đã xin nhập dòng Phan-xi-cô, Ngài chuyên cần học hỏi thần học, kinh tế và hằng ngày chịu khó tập rèn nhân đức.
Năm 1918, thánh nhân được thụ phong Linh mục. Từ đó ngài hiến mình cho công cuộc truyền giáo, xả thân cứu rỗi các linh hồn. Đặc biệt ngài hết lòng vâng phục kẻ trên và tôn sùng Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm, và hằng cậy nhờ Mẹ nâng đỡ phù trì trong mọi công tác tông đồ mục vụ.
Trong một bức thư gởi cho đồng nghiệp, thánh nhân đã kêu gọi phải lấy lòng nhiệt thành lo cho các linh hồn được cứu rỗi và thánh hoá, nhờ đức tuân phục và lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a:
“Đây là đường lối khôn ngoan, là con đường duy nhất mà qua đó chúng ta có thể quy chiếu vinh quang cao cả về cho Thiên Chúa. Nếu có con đường nào khác và thích hợp hơn thì chắc chắn Đức Ki-tô đã bày tỏ cho ta bằng lời nói và gương mẫu của Người. Nhưng Kinh Thánh đã tóm gọn thời gian Người sống ở Na-da-rét bằng những lời nầy: và Người vâng phục các ngài. Kinh Thánh cũng phác hoạ cả quảng đời còn lại gần như bằng dấu chỉ vâng phục, khi cho thấy ở một số đoạn rải rác là Người đã xuống thế gian để làm theo ý Cha. Vì vậy, chúng ta hãy yêu mến và đầy lòng yêu mến Cha trên trời là Đấng rất yêu thương, và chớ gì sự vâng phục của ta làm chứng cho lòng mến hoàn hảo nầy. Khi nào ta hy sinh ý riêng, khi ấy ta tỏ ra vâng phục nhất. Vì chưng, chúng ta không biết một phe cánh cao quý nào khác hơn là chính Đức Giêsu-Kitô chịu đóng đinh, để chúng ta tiến triển trong tình yêu của Thiên Chúa.
Chúng ta sẽ có được mọi điều đó dễ dàng hơn nhờ Đức Trinh nữ Vô Nhiễm, Đấng được Thiên Chúa chí nhân ủy thác việc ban phát lòng thương xót của Người. Thực vậy, điều chắc chắn là ý muốn của Đức Ma-ri-a là chính ý muốn của Thiên Chúa đối với ta. Khi tự hiến mình cho Mẹ, chúng ta trở thành dụng cụ của lòng thương xót Chúa trong tay Mẹ, như chính Mẹ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy cho Mẹ hướng dẫn, để Mẹ dẫn dắt ta đi, và chúng ta sẽ được yên hàn bình an khi có Mẹ dìu dắt. Vì chưng, Mẹ sẽ xem xét và tiên liệu mọi sự cho ta, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thể xác linh hồn. Chính Mẹ sẽ tháo gỡ các khó khăn trở ngại”.
Phương pháp làm đặc biệt của thánh nhân là dùng báo chí truyền bá đức tin và củng cố lòng đạo. Ngài đã mời nhiều người cộng tác và xuất bản báo Công giáo ở Ba-lan và Nhật-bản. Năm 1927, ngài sáng lập nhà xuất bản, chuyên in ấn sách báo Công giáo, phổ biến giáo thuyết Chúa Ki-tô, cổ võ lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đồng thời ngài cũng thành lập đài phát thanh, tuyên truyền cổ động cho Nước Chúa Trị Đến.
Thấy ngài gây được nhiều ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng, năm 1940, phát xít Đức bắt giam ngài tại Ốt-quít; đây là một trại tập trung rất khổ cực, kỷ luật gắt gao. Trong các quy luật đó, có điều khoản qui định: khi một tù nhân trốn trại, thì 10 người khác phải chết thế. Vậy một ngày trong tháng 8 năm 1941, có một tù nhân trốn khỏi trại, và người ta đã chỉ định 10 người chết thế; trong số đó có anh Ga-đô-nít-sét. Anh kêu la than khóc thảm thiết khi bị chỉ định chết thế, vì anh còn mẹ già con thơ, không ai nuôi dưỡng ! Đứng trước thảm cảnh đó, cha Mắc-xi-mi-en Kôn không thể cầm lòng nổi, và vì lòng mến Chúa yêu người, cha đã xin chết thay cho anh…
Thế là 10 người tử tù, trong số đó có cha Mắc-xi-mi-en Kôn, bị đẩy vào phòng hơi ngạt cho đến chết cách đau đớn !…
Thánh nhân đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô 6 nâng lên Chân phước và Đức Gioan-Phaolô 2 tôn phong Hiển thánh.
Quyết tâm
Noi gương thánh Mắc-xi-mi-en Kôn, hết lòng tôn kính Đức Mẹ, và sẵn sàng thương giúp những người lâm cơn khốn khó hoạn nạn phần hồn phần xác.
Lời nguyện
Lạy Chúa, nhờ Chúa ban ân sủng, Thánh Linh mục tử đạo Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê đã hăng say cứu các linh hồn, hết tình yêu mến tha nhân và trọn đời gắn bó với Đức Trinh nữ Vô Nhiễm.
Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà giúp chúng con đem hết sức mình phục vụ anh em, để danh Chúa được vinh quang rạng rỡ. Nhờ vậy, chúng con sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Con Một Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Suy niệm 1: THA THỨ VÀ YÊU THƯƠNG KHÔNG GIỚI HẠN

Toàn bộ Tin Mừng được gói trọn trong hai điều răn là: “Mến Chúa và yêu người”; nói cách khác: “Mến Chúa và yêu người là hai mặt của một thực tại”. Thật vậy, nếu nói mến Chúa mà không yêu người thì là người nói dối vì sự thật không ở trong người đó. Vì thế, luật Tin Mừng đòi hỏi mến Chúa và yêu người phải luôn đi đôi với nhau.
Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho người thanh niên một bài học về sự tha thứ khi anh ta đến hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Đức Giêsu liền nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Điều đó cho thấy rằng: tha thứ triền miên, tha thứ không giới hạn…
Nhưng muốn tha thứ trong tự do và đem lại hạnh phúc, thì điều quan trọng là nhận ra mình không là gì cả, nhưng vẫn được Chúa yêu thương. Mình đáng phải chết mà Chúa đã cứu sống và tha thứ, vì thế, mình phải có trách nhiệm cứu giúp và yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa đã thương mình. Dụ ngôn “Tên mắc nợ không biết thương xót” là điều mà con người hay mắc phải. Tức là chỉ cầu cứu Thiên Chúa tha thứ cho mình, còn người khác khi có lỗi với mình, mình tìm mọi cách triệt tiêu cho bằng được.
Hôm nay, phụng vụ mừng lễ thánh Maximilianô Maria Kôlbê, thánh nhân được biết đến nhờ nhân đức anh hùng khi sẵn sàng chết thay cho một người bạn trốn trại.
Lịch sử kể rằng: cuối tháng bảy năm 1941, một phạm nhân trốn thoát khỏi trại giam, và theo quy định của trại, cứ một người trốn thì mười người còn lại sẽ phải chết thay.
Khi nghe thấy tin mình nằm trong số những người phải chết, Phanxicô Gajowniszek kêu thất thanh: “Ôi, khổ cho vợ con tôi, tôi không còn bao giờ được thấy nữa!”. Nghe thấy thế, cha Maximilianô Maria Kôlbê đã tình nguyện xin chết thay để cho anh bạn kia sống và trở về với vợ và các con của anh.
Trong một thời đại mà nhiều người tự hỏi và muốn biết “thân phận”, “căn cước” của mình thế nào, thì Kolbe đã phúc đáp minh bạch: “Không phải bằng một bài trình bày thần học, mà bằng đời sống và sự chết của mình”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống trong tình yêu của Chúa. Biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Đồng thời sẵn sàng tha thứ cho những thiếu xót, bất toàn của anh chị em chúng con. Amen.


Suy niệm 2: LÀM SAO THA THỨ?

“Tôn chủ của tên đầy tớ ấy chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.” (Mt 18,27)
Suy niệm: Chúng ta thử làm một bài tính nhẩm: Người bạn của tên đầy tớ nợ anh ta 100 quan tiền, tương đương với số tiền 100 ngày công của người làm thuê thời bấy giờ. Còn tên đầy tớ thì nợ nhà vua 10.000 yến vàng – mà một yến vàng tương đương với số tiền của 6.000 ngày công – như thế y mắc nợ nhà vua số tiền tương đương với 60 triệu quan! Nghĩa là gấp 600.000 lần số tiền người bạn mắc nợ y! Với số nợ quá lớn như thế, dù có bán anh ta, vợ con và tất cả tài sản anh có cũng không đủ trả hết. Thế nhưng nhà vua đã chạnh lòng thương và xoá cho anh tất cả món nợ chỉ vì một lời anh cầu xin. Thế nhưng anh lại không thể cho bạn mình món nợ hết sức nhỏ bé. Hẳn anh có thể tha nợ cho bạn nếu anh nhớ chủ đã tha cho anh món nợ lớn lao thế nào.
Mời Bạn: Để tha thứ cho người xúc phạm đến mình, nếu nhìn vào mình thì chúng ta sẽ khó mà tha thứ vì con người mình thường nuôi tính trả thù. Nếu nhìn vào người xúc phạm đến mình thì càng khó tha thứ vì hậu quả họ gây ra nhiều khi không thể đền bù, giống như ly nước đã đổ ra thì không thể hốt lại được. Làm sao có thể tha thứ cho nhau được? Chỉ còn cách là nhìn vào Chúa. Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài tha thứ một cách vô điều kiện.
Sống Lời Chúa: Suy niệm lời trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và luôn khoan dung tha thứ. Xin giúp con bắt chước Chúa mà tha thứ cho tha nhân như Chúa đã tha thứ cho con.


Suy niệm 3
Bài Tin mừng hôm nay nói vấn đề tha thứ cho nhau. Qua câu trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu giải thích về tinh thần và lý do tha thứ. Ngài dạy, tha thứ thì không có giới hạn. Chính Thiên Chúa đã tha muôn vàn tội lỗi cho ta thì chính ta cũng phải tha thứ lỗi lầm cho nhau.
“… Thưa thầy, nếu anh em cứ xúc phạm đến con con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?”. Phêrô muốn hỏi Chúa Giêsu phải xử trí như thế nào khi mình bị xúc phạm. Các Rápbi ngày xưa bảo là có thể tha tới ba lần … Phêrô đưa ra con số bảy vốn được tượng trưng cho sự hoàn hảo. Nhưng Chúa dạy phải tha đến “bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha không giới hạn và không điều kiện nào. Chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta và Người không đòi hỏi chúng ta một điều kiện nào. Nhận biết tình thương của Chúa, tôi phải tha thứ cho anh em, những người lỗi phạm đến tôi để đáp trả tình thương của Chúa và xứng đáng làm con cái Chúa.
Muốn thuyết phục chúng ta tha thứ cho nhau Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn hai con nợ để minh hoạ cho chúng ta thấy rõ ràng chúng ta tha thứ cho người khác thì sẽ có lợi rất nhiều vì sẽ được Chúa tha thứ cho chúng ta nhiều hơn. Tính ra lỗi lầm của người ta xúc phạm đến chúng ta có là bao so với lỗi lầm chúng ta xúc phạm đến Chúa.
Hàng ngày tôi đã đọc biết bao lần lời kinh Lạy Cha ” … xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con …”. Điều tôi đọc hàng ngày, cầu xin hàng ngày tôi đã sống như thế nào?
Xin Chúa cho chúng con luôn biết sống tinh thần của kinh Lạy Cha, “…xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con …”. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Mỗi lần chúng con rước Chúa là một lần chúng con được nuôi dưỡng bởi chính sức sống của Chúa. Xin cho chúng con biết sống như Chúa: yêu thương và vị tha. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa: nhân ái và từ bi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, cho thánh Phêrô, và Chúa cũng đã từng tha thứ cho bao kẻ xúc phạm đến Chúa. Trên cây thập giá, Chúa đã cầu nguyện cho họ: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa cũng đã từng tha thứ cho chúng con. Thế nhưng, Chúa ơi! Sao chúng con lại quá khó khăn khi phải tha thứ. Chúng con dễ kết án nhưng lại rất khó bao dung. Chúng con dễ gây thù hận nhưng lại khó khi làm hoà. Xin tha thứ vì những lần chúng con đã có thái độ bất khoan dung với anh em. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình, để chúng con luôn biết cư xử khoan dung với người khác.
Lạy Chúa là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung, xin giúp chúng con sống như Chúa để chúng con cũng sẵn lòng yêu thương và tha thứ cho nhau. Amen.


Suy Niệm 4: Tha Thứ (Mt 18,21-19,1)

Một đôi vợ chồng nọ đưa nhau ra tòa xin ly dị. Vị luật sư biện hộ cho quan tòa biết: đôi vợ chồng này sống hoàn toàn yên lặng với nhau trong suốt 12 năm liên tiếp. Họ cũng không muốn gặp nhau nữa, nếu cần cho nhau biết điều gì, thì họ chỉ cần viết vào một mảnh giấy để sẵn trên bàn cho người kia đọc. Ðôi vợ chồng này trước đây đã sống hạnh phúc với nhau trong vòng 18 năm, đã nuôi nấng con cái khôn lớn, nhưng rồi không rõ vì lý do gì, hai người đã không thèm nói chuyện với nhau, và giờ đây họ không nhớ đã giận nhau vì lý do gì.
Những hờn giận, phiền muộn xẩy ra trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không được nghiêm chỉnh giải quyết, vượt qua, thì sẽ dễ dàng chồng chất làm thành những bức tường ngăn cách giữa cha mẹ với nhau, hay giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình, hoặc giữa bạn bè thân thích. Những tâm tình phiền muộn tiêu cực mỗi ngày một ít cũng đủ ảnh hưởng đến cả cuộc sống, làm chúng ta không còn vui sống và bình an nữa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó chúng ta hãy luôn sống tha thứ để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui.
Một nhà tâm lý người Mỹ đã đưa ra nhận định như sau: Trên bình diện nhân bản, nếu suy nghĩ cho cùng, thì tha thứ là giải pháp tốt nhất cho người tha thứ và kẻ được tha thứ: sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh vui tươi hơn. Trên bình diện thiêng liêng, sự tha thứ có giá trị tích cực, chứng tỏ tình thương làm phát sinh nguồn an ủi trong tâm hồn; nếu chúng ta không thật lòng tha thứ cho nhau, thì Cha trên trời cũng không tha thứ cho chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, và như vậy chúng ta trở thành khí cụ đem niềm vui đến cho mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Bản Sắc Của Người Kitô Hữu

Cuộc xung đột đẫm máu giữa người Do Thái và Palestin tại Trung Ðông cũng như những người công giáo và tin lành tại Bắc Ailen, hay giữa những chủng tộc khác nhau tại nhiều nơi khác trên thế giới cho chúng ta thấy rằng oán thù luôn sinh ra oán thù, bạo động luôn kéo theo bạo động, thế giới sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình đích thực khi con người chưa biết tha thứ cho nhau.
Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta đi vào cốt lõi của Tin Mừng là sự tha thứ, đây là tuyệt đỉnh của giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngài sẽ chỉ là một kẻ lừa bịp và tòa giáo huấn của Ngài sẽ sụp đổ nếu trong giây phút cuối đời, từ trên thập giá, Ngài đã không tha thứ cho những kẻ đang hành hạ mình. Lời cầu xin tha thứ của Chúa Giêsu là bảo chứng của những lời Ngài rao giảng. Suy niệm về sự tha thứ, trước hết chúng ta phải hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của những cử chỉ tha thứ của Thiên Chúa và sự bắt đầu lại của con người. Mỗi một lần con người vấp ngã là mỗi lần Thiên Chúa thực thi lòng thương xót. Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy được sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ mặc hay trừng phạt, mà trái lại còn hứa ban ơn cứu rỗi. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa trải dài tình yêu nhẫn nhục tha thứ cho dân riêng của Ngài. Qua Chúa Giêsu, lòng tha thứ của Chúa Cha đã bộc bạch một cách trọn vẹn. Những trang cảm động nhất trong Tân Ước hẳn phải là những trang về lòng tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua lời nói, cử chỉ của Chúa Giêsu.
Còn bức tranh nào đẹp và cảm động cho bằng phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang. Từ buổi sáng tinh mơ, trong khi đám đông do các luật sĩ và biệt phái động viên đang hậm hực sẵn sàng ném đá người đàn bà khốn khổ, Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng, và cuối cùng, khi đám đông đã rút lui, Ngài chỉ ôn tồn nói với chị: "Chị hãy về đi, Ta không kết án chị".
Còn áng văn nào đẹp cho bằng dụ ngôn về người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca. Còn lời nào dịu ngọt hơn lời tha thứ của Chúa Giêsu dành cho người được mệnh danh là kẻ trộm lành chịu đóng đinh bên hữu Ngài, và dĩ nhiên còn cử chỉ nào hào hùng và cao thượng hơn lời cầu xin tha thứ cho những kẻ lý hình trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Ðó là tuyệt đỉnh của mạc khải Kitô giáo. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta qua lời giảng dạy và cách cư xử của Ngài là Thiên Chúa hay thương xót và tha thứ. Lòng thương xót và tha thứ thiết yếu là của Thiên Chúa, con người không thể tự mình tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã không tự mình tha thứ, Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ. Thiên Chúa thực thi lòng tha thứ qua con cái Ngài. Tự mình tha thứ không phải là điều tự nhiên đối với bản tính con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: "Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".
Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc chiến làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.
 
Suy Niệm 6: Sáng và tối.

Bấy giờ ông Phê-rô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt. 18, 21-22)
Ý nghĩa hai dụ ngôn này đã rõ ràng. Chúng ta không thể khước từ tha thư cho người khác vì Thiên Chúa cũng tha thứ cho mỗi người chúng ta hơn thế nhiều. Chúng ta cũng không thể không biết rằng thái độ của chúng ta đối vời anh em lân cận. Thì không có lý gì chúng ta sẽ tránh khỏi Thiên Chúa không sử với chúng ta như vậy. Chúng ta là nạn nhân của chính lối cư xử và hành động chúng ta.
Tối.
Thường những dụ ngôn của thánh Mát-thêu cũng như câu chuyện nhỏ này mang nặng bi quan. Nó phác họa những con người, những cách đối xử với nhau đáng buồn và kết thúc bằng kết án đầy tớ độc ác kèm theo sự đe dọa của hình phạt đối với kẻ không biết tha thứ. Chắc là bi quan rồi, nhưng như thế có sai lầm không? Chúng ta có cư xử cách khác đối với anh em ta không? Người ta nói: “Người là chó sói đối với người”
Ở đây nói về các môn đệ Chúa Giêsu, nói về mỗi người chúng ta, chúng ta có cư xử với nhau như thế không? có độc ác như thế không? có dã man không? dụ ngôn này Đức Giêsu không chỉ nói với các môn đệ hình như đã sống không có tình yêu huynh đệ, nó còn nói với chúng ta hiện nay nữa.
Sáng
Xuyên qua câu truyện dụ gôn này có thấy sáng lên hình bóng của nhà vua. Lòng thương xót của nhà vua biểu lộ qua những cách cư xử ban đầu làm cho dụ ngôn này một vẻ tươi sáng, nhưng rồi lại tuôn đi. Lối cư xử của đầy tớ ban đầu có vẻ lành mạnh: Nó lăn xả vào tay Chúa. Chúa không bắt buộc nó nữa. Người Cha của đầy tớ van xin này là người cha của đứa con phung phá. “Một người phủ đầy tội lỗi luôn được quan tâm ưu ái, đó là cái đích cho lòng thương xót nhắm bắn” Lê-on Bloy nói thế.
Nơi pháp trường người tội lỗi như món nợ vô phương đền trả, được trông thấy một người tiến lại cứu giúp. Gảii thoát nó hoàn toàn! Lòng tha thứ đưa đến một chân trơì mới, đến đời sống mới và gắn bó lòng thương xót tha thứ lẫn nhau.
J.M

SUY NIỆM 7:
Nội dung bản văn Tin Mừng được sắp xếp theo cấu trúc song song đối xứng như sau:
A (c. 21-22): Tha thứ. Chúa mời gọi thánh Phê-rô không chỉ tha thứ 7 lần nhưng 70 lần 7.
B (c. 23-34): Dụ ngôn “Đức Vua và người đầy tớ độc ác”. Được Đức Vua chạnh lòng thương xóa nợ 10.000 yến vàng, nhưng người đầy tớ này lại đi xiết nợ 100 quan tiền với người bạn của mình.
A’ (c. 35): Tha thứ. Cha Trên Trời sẽ đối xử với chúng ta “như thế”, nghĩa là như dụ ngôn diễn tả. Thiên Chúa tha cho chúng ta những món nợ không lồ, để chúng ta cũng biết tha cho nhau những món nợ nhỏ bé.
*  *  *
Nếu chúng ta gặp khó khăn trong nỗ lực sống lời mời gọi “tha thứ bảy mươi lần bảy” của Đức Giê-su, thì chính kinh nghiệm đích thân được tha thứ, mà dụ ngôn diễn tả, sẽ mở rộng con tim của chúng ta để cũng có thể tha thứ cho nhau đến vô hạn. Nếu không, chúng ta sẽ tự làm cho mình trở thành bất xứng với ơn tha thứ đã nhận được hay với ơn tha thứ mà chúng ta xin Chúa thương ban cho chúng ta mỗi ngày với Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng ta con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
1. Từ “bảy lần” đến “bảy mươi lần bảy” (c. 21-22)
Trước hết, chúng ta hãy chú ý con số đầu tiên, là con số 7. Tại sao lại là 7 ? Bởi vì con số 7 đối với người Do Thái cũng giống như con số 9 của chúng ta: 7 là hoàn hảo rồi; còn chúng ta, 9 “nút” là chắc ăn! Chúng ta phải thán phục thánh Phêrô, vì ngài sẵn sàng tha thứ cho người anh em xúc phạm đến mình, không chỉ đôi ba lần, nhưng còn dự kiến tha thứ đến bảy lần. Bảy lần, phải chăng là đã quá nhiều ? Chúng ta cứ nhớ lại kinh nghiệm sống của mình, để nhận ra rằng, bảy lần không quá nhiều như chúng ta tưởng; nhất là sự xúc phạm trong thực tế được tiến hành và được cảm nhận một cách rất tinh vi. Bởi vì, chúng ta xúc phạm đến người khác, không chỉ bằng hành động hay lời nói, nhưng còn bằng ánh mắt, bằng thái độ bắt nguồn từ những ý nghĩ không tốt về người khác. Thật vậy, tha thứ 7 lần không quá nhiều,
khi người anh em hay chị em là người sống trong cùng một nhà, cùng một cộng đoàn, nghĩa là ngày nào chúng ta cũng phải đối diện ;
- khi người người anh em, hay chị em, là người mình có thành kiến hay mình không ưa ;
– khi bản thân chúng ta là người chi li và thích dò xét ;
– khi vấn đề phạm lỗi, trong thực tế, thường được giải thích một cách chủ quan ;
– khi mà người anh em không biết mình phạm lỗi với anh đó, hay chị đó.
Như thế, người anh em hay chị em trong thực tế có thể phạm lỗi đối với mình hơn 7 lần và đôi khi trong một thời gian rất ngắn; thậm chí, bản thân của người anh em, tự thân, là một lỗi đối với tôi, là một xúc phạm đối với tôi. Hơn nữa, chúng ta cứ đếm mà xem : 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7. Chúng ta đếm hết 7 lần rất nhanh ; và sau đó là không tha nữa ! Sống với nhau mà không tha thứ cho nhau, thì loài người chúng ta không thể tồn tại, không thể tồn tại từ trong trứng nước, nghĩa là từ trong gia đình của chúng ta. Chúng ta cứ nhớ lại mà xem, để chúng ta sống được như hôm nay, cha mẹ đã tha thứ cho chúng ta bao nhiều lần. Chắc chắn là không thể đếm được. Nhưng nếu chỉ tha 7 lần thôi, thì tiếp theo là chuyện gì xẩy ra? Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rồi: đó là tai họa, là loại trừ, là đổ vỡ, là đoạn tuyệt, là nghỉ chơi, là không còn tương lai cho đời sống chung nữa.
Chính vì thế, Đức Giêsu dùng chính con số mà thánh Phêrô đưa ra để đẩy nó tới một con số rất lớn : 70 mươi lần 7 bằng 490 lần. Vừa nãy chúng ta đếm rất nhanh đến số bảy; bây giờ có ai trong chúng ta có can đảm đếm cho mọi người nghe 490 lần! Nếu đếm theo nhịp đồng hồ, thì sẽ mất hơn 8 phút! Còn nếu rải đều ra trong thực tế: giả sử, ngày nào cũng tha 1 lần, thì sẽ kéo dài 1 năm 4 tháng! Về phương diện số học, đó là một con số hữu hạn, nhưng trong thực tế, chỉ có lòng bao dung vô hạn mới tha thứ được nhiều như thế. Và nếu ai đã tha được đến 490 lần thì chắc chắn cũng có khả năng tha đến 490 lần nữa ! Nghĩa là cứ tha thứ thôi, không thèm đếm nữa, tha thứ đã trở thành lẽ sống đem lại bình an và niềm vui rồi. Bởi vì một tâm hồn chấp nhất, không tha thứ, sẽ bị ô nhiễm bởi sự bực dọc, tức tối, phẫn nộ và cả báo thù nữa.
Lời của Đức Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ cho người khác nhiều như thế, phải chăng là ảo tưởng, phải chăng là không thực tế ? Không ảo tưởng chút nào ; nhưng ngược lại là rất thực tế, vì đời sống của gia đình, của cộng đoàn, của giáo xứ và rộng hơn là giáo phận, là Giáo Hội, là xã hội, là cả nhân loại, cần lòng bao dung vô hạn như thế để tồn tại.
Hiểu như thế và chắc ai cũng đồng ý, nhưng làm sao thực hành được ? Làm sao mà tha thứ nhiều như thế và tha thứ mãi như thế được. Nhiều khi một lần thôi cũng không được. Chúng ta hãy nhớ lại mà xem, có ai đó đã xúc phạm đến chúng ta như thế nào đó, phản ứng đầu tiên là tha thứ hay muốn trả đũa, và trả đũa một cách thích đáng ?
2. Mười ngàn yến vàng và một trăm quan tiền (c. 23-34)
Dụ ngôn của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta mở rộng con tim hẹp hòi của chúng ta. Theo dụ ngôn, ai trong chúng ta cũng “xúc phạm” đến Chúa rất nhiều lần. “Nhiều lần” ở đây không chỉ ở bình diện đếm được ; giống như khi chúng ta chuẩn bị đi xưng tội, chúng ta cố đếm những hành vi lỗi phạm ; nhưng “nhiều lần” còn có nghĩa là chúng ta đã xúc phạm đến hình ảnh Thiên Chúa có ở nơi mỗi người chúng ta : chúng ta được dựng nên, được ban sự sống, được sinh ra theo hình ảnh Thiên Chúa ; nhưng nội tâm, ý nghĩ, lời nói, cách sống, lối sống của chúng ta đã bao lần đi ngược với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta ? Ở bình diện, này thì chúng ta chịu thua, không thể đếm được ; bởi vì đó là cả một năng động sống xúc phạm đến chính Thiên Chúa, và đó cũng là gốc rễ của những hành vi phạm lỗi bên ngoài.
Cũng như người kia, trong dụ ngôn, mang một món nợ khổng lồ đối với Đức Vua : 10 ngàn yến vàng ! Theo một nhà chuyên môn, 10 ngàn yến vàng tương đương với 100 ngàn lượng vàng. Và với một người thợ thời đó, phải mất cả trăm đời người mới có thể tích lũy được số vàng lớn như thế[1]. Giống như con số 490 lần, số nợ 10 ngàn yến vàng muốn diễn tả món nợ khổng lồ không thể trả nổi ; mà món nợ khổng lồ, thì cần đến lòng thương xót khổng lồ, nghĩa là lòng thương xót vô bờ vô bến.
Thật vậy, chỉ vì chạnh lòng thương mà Đức Vua tha hết món nợ khổng lồ của người đầy tớ. Đây chính là Tin Mừng rất lớn đối với chúng ta. Thiên Chúa thương xót và tha thứ chúng ta một cách vô hạn ; và đây chính là động lực để chúng ta biết tha thứ cho nhau, tha cho nhau những món nợ thật nhỏ bé, giống như hình ảnh 100 quan tiền, so với số nợ khổng lồ, 10 ngàn yến bạc, mà chúng ta được Chúa tha.
Dụ ngôn có nói tới sự nghiêm khắc của Đức Vua, nhưng sự nghiêm khắc đến sau sự độc ác của người đầy tớ; sự nghiêm khắc của Đức Vua là hậu quả của sự độc ác. Trong khi đó, vị vua tỏ lòng nhân hậu trước. Chính người đầy tớ đã tự biến thành bất xứng đối với ơn tha thứ vô hạn mà mình đã lãnh nhận. Ngoài ra, sự độc ác còn làm khổ mình và làm khổ người khác, làm khổ cả Đức Vua: thay vì tỏ lòng biết ơn Đức Vua và hành động theo lòng biết để làm cho Đức Vua vui lòng, thì sự độc ác của anh làm khổ Đức Vua: “Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ” !
3. Cha của Thầy ở trên trời (c. 35)
Chúng ta được tha thứ vô hạn, thì chúng ta cũng sẽ có khả năng tha thứ cho người anh em hay chị em vô hạn. Nếu chúng ta chưa tha thứ được, đó là vì chúng ta giống người tôi tớ tồi tệ kia : quên ơn, vô ơn và trục lợi lòng thương xót của Thiên Chúa.
Chính chúng ta cũng được Thiên Chúa tha trước : tha thứ tất cả và luôn luôn tha thứ ; và nếu chúng ta không sẵn sàng tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành bất xứng với ơn tha thứ đã lãnh nhận. Như Chúa nói: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Đây chính là một trong những lời nguyện xin trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc nhiều lần trong ngày và nhất là trong Thánh Lễ : “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con”.
*  *  *
Thực ra, lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa đã được gói ghém ngay trong lời mời gọi tha thứ đến 70 lần 7 rồi. Bởi lẽ, Ngài không thể mời gọi chúng ta thực hiện điều chính ngài đã không thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện mãi mãi, đó là ơn tha thứ tội lỗi Chúa Cha ban cho chúng ta, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh ; bởi vì
Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 39)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
———-
[1] Claude Tassin, Tin Mừng Mat-thêu (L’Evangile de Matthieu, commentaire pastorale), Paris, Centurion, 1991, bản dịch Việt ngữ trang 301.
 
Từ khóa:

anh em, xúc phạm, tha thứ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận