Mùa Chay của tôi

Đăng lúc: Thứ tư - 18/02/2015 02:20 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Mùa Chay của tôi

 
 

WGPSG -- 1. Với những kinh nghiệm của đời mình, tôi thường sống Mùa Chay với tinh thần sám hối và tin vào Chúa, một cách sống động hơn, nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

Cụ thể là tôi sống với bốn xác tín sau đây:

2. Tôi xác tín mình là kẻ tội lỗi rất cần được ơn tha thứ.

Tôi thực sự là kẻ rất yếu đuối tội lỗi. Thánh Phaolô viết về chính mình thế này: “Tôi mang tính xác thịt, bí bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì thì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,14-15).

Lời thú tội trên đây của thánh Phaolô khích lệ tôi hãy nói lên sự thực về tôi, tôi cũng là như thế, và còn hơn thế rất nhiều.

Khi tôi thú nhận mình tội lỗi, tôi không quá nhấn mạnh đến sự hư đốn của tôi, nhưng tôi nhấn mạnh hơn đến sự tôi được Chúa tha thứ. Tôi thực sự đã cảm nhận những lời Chúa phán xưa về tình yêu Chúa dành cho kẻ tội lỗi, như: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). “Con Người đến, để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11). “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi, mà đi tìm một con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là 99 con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,12-14).

3. Tôi không thể hiểu được, làm sao tôi có thể sống, nếu không được tha thứ. Tôi càng không dám gánh trách nhiệm nào, nếu tôi không tin rằng Chúa sẽ tha thứ cho những yếu đuối tôi.

Tôi được ơn tha thứ. Nên tôi rao giảng về sự tha thứ. Tôi làm chứng đạo Chúa có đặc điểm là tha thứ.

4. Tôi xác tín mình là kẻ có rất nhiều giới hạn trong mọi lãnh vực, rất cần khiêm tốn tìm hiểu, lắng nghe và cộng tác với nhiều người.

Kinh nghiệm cho tôi thấy: không gì hại cho tôi bằng sự tôi nghĩ mình phải làm đủ mọi sự, và có thể làm được mọi sự. Kinh nghiệm cũng cho tôi thấy là: Không gì dại khờ cho tôi bằng sự tôi cho rằng mình phải làm được điều gì đặc biệt, khác với các Giám mục, và linh mục tại Việt Nam hôm nay.

5. Tôi vững tin rằng: Chúa chỉ đòi tôi một điều là: Hãy kết hợp mật thiết với Chúa, rồi ơn Chúa sẽ dẫn đưa tôi làm những gì Chúa muốn, theo khả năng bé nhỏ của tôi.“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa quả, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

6. Tôi xác tín mình được gọi tham dự vào thánh giá Chúa, để góp phần vào việc cứu các linh hồn.

Rất nhiều khi, tôi đã nghĩ rằng: Đau khổ tôi chịu là do tội lỗi của tôi, và là con đường giúp tôi nên thánh. Nhưng dần dần, tôi xác tín: Đau khổ là một ơn gọi Chúa dành cho tôi, để tôi được góp phần vào việc cứu các linh hồn.

7. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mc 19,45). “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

8. Càng ngày, những lời Chúa phán trên đây càng làm cho tôi xác tín về sự tôi chịu đau khổ là để đáp lại ơn gọi Chúa dành cho tôi. Đau khổ gắn liền với mục vụ, đau khổ là một cách cứu độ, đau khổ là để hiệp thông với thánh giá Chúa.

Đau khổ là một ơn gọi, là đau khổ ấy đến từ nhiều phía. Rất có thể đến từ phía cộng đoàn của tôi, do những chống đối, những xa cách, những hiểu lầm, những ghen tương, vv...

Tôi phải sẵn sàng đón nhận. Rất có thể đau khổ đến từ những chuyển biến bất ngờ đòi tôi phải từ bỏ chương trình có sẵn, để bắt đầu lại.

Rất có thể đau khổ đến từ phía những văn hoá mới có vẻ bình thường hoá những tội lỗi và căn cứ vào ý kiến số đông như thước đo đạo đức. Những trường hợp như thế, tôi sẽ rất cô đơn và đau khổ.

Rất có thể đau khổ của tôi lại là những đau khổ của người khác. Khổ cái khổ của đồng bào tôi. Đau cái đau của Hội Thánh tôi.

9. Tôi xác tín là cuộc sống của tôi rất mong manh, tôi ra đi bất cứ lúc nào, tôi phải sẵn sàng ra trước mặt Chúa với niềm phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót Chúa.

Thánh Têrêsa thành Lisieux nói về mình: “Tôi sẽ hiện diện trước Chúa với bàn tay không”. Ngài nhận mình chẳng là gì, chẳng đáng gì, chẳng có gì gọi là công phúc. Ngài chỉ là đứa con bé nhỏ, chỉ tin vào tình yêu Chúa mà thôi.

Tôi sẽ không nói được như thánh nữ. Nhưng tôi sẽ nói với Chúa: Con là kẻ tội lỗi, mang theo nhiều dấu ấn của tội lỗi. Nhưng con tin ở lòng thương xót Chúa. vì Chúa là Chúa của con.

10. Với bốn xác tín trên đây, tôi sống mùa Chay năm nay một cách bình an. Tôi biết sống như thế chính là một sự hoán cải nội tâm, đòi tôi phải rất khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa. Sự vâng phục khiêm nhường đó nhiều khi vượt quá tính cách hợp lý theo cách suy nghĩ của thế gian. Nhưng Chúa Giêsu đã làm. Tôi cũng làm như Chúa Giêsu. Như thế, tôi mới góp phần vào việc cứu nhân loại. Nhân loại hiện nay đang rất cần được cứu. Chỉ Chúa mới cứu được mà thôi.
 

Thứ Tư Lễ Tro

 
 


Mt 6,1-6.16-18

"Khi làm việc lành phúc đức,
anh em phải coi chừng,
chớ có phô trương."

(Mt 6,1)

Mở đầu Mùa Chay, Hội Thánh dùng lời tiên tri Gioen chỉ cho chúng ta thấy phải sống Mùa Chay như thế nào:

- Hãy thật lòng trở về với Ta. (Ge 2,12)

- Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo. (Ge 2,13)

1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta về ba việc đạo đức tiêu biểu mà người Do Thái thường làm là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Bởi vì, qua ba việc đạo đức tiêu biểu này, chúng ta có thể hiểu về tất cả những việc đạo đức khác.

Chúa dạy khi làm các việc đạo đức:

Trước hết: đừng quá chú trọng đến những vẻ bề ngoài. "Đừng khua chiêng đánh trống". Đừng làm ở "trong hội đường hay ở ngã ba đường". Cũng đừng "làm cho ra vẻ thiểu não".

Tiếp đến: "Đừng làm để được người ta khen" hay "cốt để cho người ta khen", cũng đừng để "cho người ta thấy", hoặc là "để thiên hạ thấy là chúng ăn chay".

- Mà hãy làm một cách kín đáo (kín đáo: Không có nghĩa là giấu giếm người ta, mà là không có ý khoe khoang và chỉ cốt làm vui lòng Cha Trên Trời.)

2. Trong Mùa Chay, chẳng những ta phải gia tăng những việc đạo đức (về phương diện lượng) mà còn phải lưu ý làm những việc đó với tâm tình sốt sắng hơn (phương diện phẩm).

a. Trước hết là vấn đề bố thí: Đây là một việc đạo đức đang đi vào quên lãng.

Chỗ ở của chuột: Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm, nó đang đi lang thang dạo mát, bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự:

- Tôi sống chui rúc dưới gầm một tòa giải tội, chẳng được mấy yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi.

Nghe thế con chuột kia nói:

- Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi, ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy.

- Ô, thế bạn ở đâu vậy?

- Ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo.

Bố thí có một giá trị đạo đức rất lớn.

* Nó thể hiện một sự hy sinh cao độ. Chúng ta vẫn nói "Đồng tiền liền khúc ruột" Chính vì thế mà bố thí có giá trị hy sinh lớn.

* Bố thí còn giúp chúng ta bớt dính bén với tiền bạc. Tiền bạc dễ mê hoặc, làm cho chúng ta xa cách Chúa và xa cách anh em.

* Bố thí còn có một giá trị đền tội: Sách Tobia nói: "Việc bố thí thanh tẩy mọi tội lỗi" (Tb 12,8-9).

b. Ăn Chay.

Chay tịnh là phương thế giúp chúng ta tập làm chủ con người của mình, nhất là làm chủ thân xác của chúng ta.

Trong kho tàng chuyện cổ của nước Pháp có câu chuyện vui nhưng cũng rất có ý nghĩa này: Khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:

- Ông đang trồng gì thế?

- Cây nho.

- Nó có lợi gì không?

- Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho, ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

- Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Satan lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ và dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử;  uống thêm nữa thì sẽ ngu như lừa; nếu lại uống nữa thì...hoàn toàn như con heo vậy. Chay tịnh tập cho người ta biết lúc nào phải dừng lại. Con người có bản lãnh, biết làm chủ được mình là con người biết dừng lại đúng lúc.

c. Cầu nguyện.

Mẹ Têrêsa nói: "Cầu nguyện sẽ mở rộng hơn tâm lòng của bạn, mãi tới mức lòng bạn lớn đủ, để chứa cả món quà tặng là chính Thiên Chúa.

Cầu nguyện không đòi chúng ta bỏ dở công việc, nhưng đòi chúng ta tiếp tục làm việc vì làm việc cũng là cầu nguyện.

Cầu nguyện dẫn tới đức tin, đức tin dẫn tới tình yêu, tình yêu đưa tới phục vụ vì lợi ích người nghèo.

Cầu nguyện không là xin xỏ, nhưng là trao thân gửi phận nơi bàn tay Thiên Chúa, để Ngài định liệu. Cầu nguyện là lắng nghe tiếng Ngài từ sâu thẳm tấm lòng chúng ta.

Chúa bảo chúng ta khi cầu nguyện đừng có nhiều lời, nhất là những lời thở than ai oán.

Các người láng giềng của nhà thần bí Hồi giáo, Farid, đã thuyết phục ông đến kinh đô ở Delhi để xin hoàng đế Akhar ban cho dân làng một ân huệ. Farid đến cung điện và gặp lúc Akhar đang đắm mình cầu nguyện. 

Khi hoàng đế cầu nguyện xong, Farid hỏi:

- Nhà vua vừa cầu nguyện như thế nào? 

Vua đáp:

- Ta cầu xin Đấng nhân từ ban cho ta sự thành công, giàu có và được sống lâu.

Vừa nghe xong, Farid liền quay lưng lại và bỏ đi. Vừa đi ông vừa nói:    

- Ta đến gặp một vị vua. Thế mà ta lại gặp một người ăn xin, không khác gì những hạng người khác! 

Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện.

Xin cho chúng con biết cầu nguyện luôn. Amen.


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận