Thứ ba tuần 15 TN, Thánh Bônaventura, Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh

Đăng lúc: Thứ ba - 15/07/2014 02:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN – Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
"Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi".


 
Chào đời khoảng năm 1218 ở Ba-nho-rê-gi-ô, tỉnh Vitécbô, Bônaventura theo học triết lý rồi thần học ở Paris, sau đó dạy các tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn. Khi được chọn làm tổng phục vụ, người đã chu toàn nhiệm vụ một cách khôn ngoan, đã soạn thảo hiến chương nhằm giúp anh em sống luật dòng thánh Phanxicô. Là một nhà thần học sâu sắc, theo trường phái thánh Augustinô, người nghiên cứu và giảng dạy lộ trình đưa linh hồn về với Thiên Chúa. Được đặt làm hồng y giám mục Anbanô. Người qua đời năm 1274 giữa lúc Công Đồng Lyon đang họp.
 
Bài đọc (Is 7, 1-9)

Xảy ra trong đời Acaz con của Gioatham, Gioatham con của Ozia, vua nước Giuđa, Rasin vua nước Syria, và Phaxê con của Rômêlia, vua Israel, tiến lên gây chiến với Giêrusalem, nhưng không thể thắng trận được. Người ta báo tin cho nhàÐavít rằng: “Syria đã đóng quân ở Ephraim”. Nghe vậy, vua và dân đều run sợ, như cây trong rừng rung động trước gió.
Và Chúa phán cùng Isaia rằng: “Ngươi và con ngươi là Giasub, hãy đi đón vua Acaz đang ở cuối cống ao thượng, trên đường ra ruộng Fullon, và nói rằng: “Hãy cẩn thận ở yên lặng, đừng sợ, và đừng nao núng trước hai ngọn đuốc xông khói này là cơn thịnh nộ của Rasin, vua nước Syria, và của con trai Rômêlia, vì chưng Syria, Ephraim và con trai của Rômêlia đã toan mưu hại ngươi, họ nói rằng: “Chúng ta hãy tiến đánh Giuđa, quấy rối nóvà lôi cuốn nó theo ta, và đặt con trai Tabeel làm vua”. Chúa phán thế này: “Sự việc này không thành và không xảy ra đâu, vì Ðamas là thủ đô của Syria, và Rasin là thủ lãnh củaÐamas. Còn sáu mươi lăm năm nữa, thì Ephraim sẽ bị tiêu diệt và không còn là một dân tộc nữa. Thủ đô của Ephraim là Samaria, và thủ lãnh của Samaria là con của Rômêlia. Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không còn tồn tại”.



Tin Mừng (Mt 11, 20-24)

Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: “Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đãxảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi. “Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.



Thánh Bônaventura, Giám mục Tiến sĩ Hội thánh

Sinh năm 1221 tại Bagnorea, gần Viterbo, thánh Bonaventura là con ông Giovanni di Fidanza và bà Ritella. Ngài được đặt tên là Giovanni, lúc lên bốn, Ngài lâm trọng bệnh vô phương cứu chữa. Người mẹ vội ẵm Ngài tới gặp thánh Phanxicô khó khăn. Thánh nhân thương cha mẹ dâng lời cầu nguyện và Giovanni hết bệnh. Sung sướng, người mẹ kêu lên: “Obuona Ventura” (Ôi biến cố phúc hậu). Từ đó Giovanni mang tên Bônaventura. Ngài theo học tại dòng anh em hèn mọn.
Tới tuổi 15, Bonaventura theo học tại Paris, trung tâm ánh sáng thời đó. Ngài sống thanh trong đến nỗi Alexandre de Hales nhận xét:
- Anh giống như Adam chưa hề phạm tội.
Ngài kết thân với sinh viên tài ba khác là Thomas Aquinô. Ngỡ ngàng về sự hiểu biết của bạn mình. Thomas hỏi Bonaventura xem Ngài đã học sách nào ? Bonaventura chỉ cây thánh giá trả lời:
- Đây là nguồn mọi hiểu biết của tôi. Tôi học Chúa Giêsu bị đóng đinh.
Năm 1257, Ngài được chọn làm bề trên cả dòng Phanxicô. Tình thế Ngài phải đối diện rất là phức tạp. Trong dòng đang có sự phân rẽ giữa những người nhiệt tâm muốn tuân giữ nghiêm nhặt luật dòng và những người muốn chước giảm. Nhờ sự thánh thiện và tài khéo léo, Bonaventura đã giải quyết các vấn đề cách ổn thỏa, đến nỗi Ngài đang được gọi là Đấng sáng lập thứ hai của dòng. Trong kỳ đại hội ở Narbonne 1250, Ngài đã ban hành hiến pháp đầu tiên cho dòng. Sau đó Ngài liên tiếp thăm viếng không biết mệt các tỉnh dòng để quan sát việc thực hiện bản quy luật này. Chính Ngài tổ chức việc học hành cho các giáo sĩ trong dòng, làm cho công cuộc tông đồ được phổ biến rộng rãi đến cả những bậc thức giả lẫn giới bình dân. Chính Bonaventura là một nhà dòng giảng thuyết có biệt tài. Ngài đã giảng thuyết từ các tu viện, tới các thành phố ở Âu Châu, trước mặt vua Luy IX, Đức giáo hoàng. Luôn luôn Ngài thu phục được cảm tình của thính giả. Một thầy dòng khiêm tốn tên là Gilles hỏi Ngài: Các cha thông thái, được Chúa ban cho nhiều tài năng. Còn chúng con, chúng con có thể làm gì được ?
Bonaventuratrả lời: Nếu Chúa ban cho một người tài năng khác là ơn yêu mến Ngài thế là đủ rồi, và là kho tàng quí báu nhất.
Thầy dòng hỏi tiếp: Một người không biết đọc biết viết có thể yêu mến Thiên Chúa như một nhà thông thái biết mọi sự không ?
Thánh nhân trả lời: Chắc chắn rồi, một bà già có thể yêu Chúa hơn cả một nhà tiến sĩ thần học.
Thầy dòng vui vẻ la lớn: Một bà già có thể yêu Chúa hơn cả cha Bonaventura của chúng ta nữa.
Ngài còn tiếp: Biết một chút về Chúa còn hơn là biết mọi sự trong trời đất.
Ngoài những hoạt động bên ngoài ấy. Bonaventura còn lo viết sách để huấn luyện các tu sĩ và những sách về triết học, thần học và thánh kinh. Chúng ta có thể kể đến cuốn “chú giải luật dòng Phanxicô”, “hạnh tích thánh Phanxicô” nhất là cuốn “hành trình của linh hồn hướng về Thiên Chúa”.
Trong nỗ lực xây dựng Hội Thánh, Bonaventura luôn tỏ ra khiêm tốn. Người ta kể rằng: Đức giáo hoàng Grêgoriô X truyền cho thánh Thomas và Bonaventura soạn thảo bộ kinh lễ Thánh Thể. Khi hai vị vào yết kiến đức giáo hoàng trình bày công việc, thánh Bonaventura xé nát bản văn của mình.
Cùng với lời khiêm tốn ấy, Bonaventura đã từ chối chức Tổng giám mục thành York mà Đức giáo hoàng Clêment IV đề nghị, lòng khiêm tốn ấy không ngăn cản sự cương quyết và can đảm của Ngài chống lại thuyết sai lầm của thuyết Aristote và Avéoes… Nhưng Đức giáo hoàng Grêgoriô X đã quyết định đặt Ngài làm hồng y cai quản giáo phận Albanô và truyền Ngài về Roma ngay. Khi hai sứ thần mang mũ hồng y đến, Ngài còn đang rửa chân. Ngày 28 tháng 5 năm 1273 Ngài nhận chức và là cánh tay đắc lực của đức giáo hoàng. Phần đóng góp của Ngài vào sự hợp nhất Giáo hội Hy lạp và Roma tại công đồng Lyon thật lớn lao.
Nhưng khi công đồng Lyon còn đang nhóm họp thì Bonaventura từ trần ngày 14 tháng 7 năm 1274. Đức Sixtô IV phong Ngài lên bậc hiển thánh năm 1482 và đức Sixtô V đã đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1858. Người ta gọi Ngài là “Tiến sĩ sốt mến”.
Thánh Bônaventura đầy lòng thánh thiện và khiêm tốn. Với lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta cũng biết sống gắn bó với Chúa và Giáo hội bằng tất cả tấm lòng yêu mến chân thành, nhờ lời cầu bầu của thánh nhân.

Suy niệm 1: HÃY SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA THỨ

Sự cố ngày 11-09-2001 tại nước Mỹ khi tòa nhà tháp đôi sụp đổ và cướp đi sinh mạng của biết bao nhân tài đã làm cho cả thế giới phải sững sờ! Tại sao một đất nước nổi tiếng về an ninh, khoa học… lại để xảy ra biến cố đáng tiếc này? Sau hàng loạt những câu hỏi nhằm thỏa mãn sự thắc mắc tự nhiên của con người, thì câu hỏi quan trọng nhất và cũng là gốc rễ, căn nguyên của vấn đề được đưa ra, câu hỏi đó là: “Tại sao Thiên Chúa cho phép xảy ra một thảm họa kinh hoàng như vậy?” Và người ta nhận được câu trả lời của một người dân:“Tôi nghĩ Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, bởi vì từ nhiều năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học và đời sống của chúng ta. Như thế, chúng ta làm sao có thể mong Chúa can thiệp khi ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình?”.
Thật vậy, tội lớn nhất của con người ngày hôm nay chính là tội không tin có Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa có thật, thì người ta cũng muốn loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống. Thật vậy, Đã có một thời người ta tưởng rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Đã có một lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả!”. Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa.
Thật vậy, con người ngày nay ảo tưởng và ngây ngô khi nghĩ rằng: “một tay che kín cả bầu trời” nên không cần có Thiên Chúa nữa. Họ muốn loại bỏ tôn giáo và tự tin trong thế giới thực nghiệm. Nền tảng của họ được xây dựng thuần túy trên những phát minh khoa học. Đây là những lựa chọn sai lầm.
Nên biết rằng: Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất của mọi vấn đề. Lời Chúa phải là nền tảng để khám phá, xây dựng và phát minh. Một nhà nghiên cứu khoa học chân chính sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa ngay trong công trình khảo cứu của mình. Nhà bác học Newton đã nhìn nhận: “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi!”
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sám hối để được ơn tha thứ. Phải từ bỏ thái độ chai lỳ, vô ơn và bất kính trước những ơn lành mà Ngài đã ban xuống trên cuộc đời, trong gia đình, nơi giáo xứ và ngoài xã hội. Đừng giả điếc làm ngơ; đừng kiêu ngạo, tự phụ và ích kỷ, khiến cho Lời Chúa bị bóp nghẹt và không trổ sinh hoa trái được.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con biết sám hối, nhạy bén để nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi hành để khỏi bị khiển trách như dân thành Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum. Amen.


Suy niệm 2: ƠN BAN ĐI ĐÔI VỚI TRÁCH NHIỆM

Chúa Giê-su nói: “Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi hỡi Bét-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu mà tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,21-22)
Suy niệm: Theo lẽ thường quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Tương tự ân sủng Chúa ban cho ai cũng kéo theo những trách nhiệm đối với người ấy. Hưởng ơn ban càng nhiều, chịu trách nhiệm càng lớn. Và do đó, nếu không chu toàn trách nhiệm cách tương xứng, thì án phạt càng nặng nề. Những phép lạ Chúa thực hiện cho một số người ở Kho-ra-din hay ở Bét-sai-đa, cũng là một ơn ban cho toàn thể dân thành. Vì thế theo qui tắc liên đới, họ cũng đồng trách nhiệm trong việc đáp lại sứ điệp của Chúa qua những phép lạ đó. Mà sứ điệp đó là: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.”
Mời Bạn: Những ơn Chúa ban cho ta không phải chỉ để ta hưởng thụ một mình, mà ta phải nhờ đó để trổ sinh nhiều hoa quả thiêng liêng “xứng với lòng thống hối” chẳng những nơi mình và mà còn cho người khác nữa.
Chia sẻ: Nhiều người nhận được ơn đặc biệt Chúa ban (khi đi hành hương, xin khấn, v.v…) nhưng có người sửa đổi đời sống và nên thánh, có người không. Bạn nghĩ gì về điều này?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần kiểm điểm đời sống, bạn hãy cố khám phá một ơn Chúa đã ban cho bạn để cảm tạ và nhờ đó sửa đổi đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cảm tạ Chúa về những hồng ân Chúa ban và cho con biết nên thánh xứng với những ơn huệ đó.



Suy niệm 3
Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là ba thành phố nằm gần biển hồ, là những nơi mà Chúa Giêsu thường đến rao giảng và làm phép lạ. Vì vậy, các thành này được diễm phúc chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Nhưng thay vì tin vào Chúa qua các phép lạ đó, thì dân cư của các thành này lại cứng lòng, không chịu sám hối. Thậm chí, Capharnaum còn bị Chúa Giêsu nêu rõ tội danh là kiêu ngạo, “nhắc mình lên tận trời cao“.
Đối nghịch với ba thành này là ba thành khác được nêu danh để so sánh, đó là Tyrô, Siđôn và Sôđôma. Tyrô và Siđôn là hai thành thuộc miền dân ngoại, họ không được nghe Chúa Giêsu giảng, cũng không được chứng kiến phép lạ Chúa làm. Hơn nữa, trong Cựu ước, hai thành này được nêu danh như là đối tượng cho sự trừng phạt của Thiên Chúa. Còn Sôđôma được nhắc đến trong sách Sáng Thế, là một thành hết sức tội lỗi và bị lửa thiêu đốt do tội của họ.
Chúa Giêsu lấy ba thành này để so sánh với Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum để làm nổi bật sự cứng lòng của họ. Ba thành kia bị liệt kê là xấu, thế nhưng nếu họ được chứng kiến các phép lạ đã xảy ra ở Corazain, Bethsaiđa và Capharnaum thì họ ăn năn sám hối chứ không như dân của ba thành cứng lòng này.
Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục kêu mời và gởi đến chúng ta nhiều dấu chỉ để chúng ta tin Ngài mà ăn năn sám hối.
- Chúa kêu mời chúng ta qua lời giảng dạy của các mục tử, qua những lần chúng ta đọc Thánh Kinh…
- Chúa gởi đến chúng ta những dấu chỉ là các biến cố trong cuộc sống. Thí dụ, cái chết của một người nào đó cũng là dấu chỉ mời gọi chúng ta sám hối…
Xin Chúa giúp chúng con khiêm tốn nhìn nhận bản thân mình yếu đuối, cần sự giúp đỡ của Chúa. Xin giúp chúng con nhận ra những dấu chỉ Chúa gởi đến cho chúng con để chúng con biết thay đổi cuộc sống của mình mỗi ngày tốt hơn. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
“Như mưa từ trời sẽ thấm vào lòng đất”, sức sống của Chúa cũng thẩm thấu trong chúng con qua bí tích Thánh Thể. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã luôn bổ dưỡng cho chúng con qua ơn thánh của Chúa. Xin giúp chúng con biết gìn giữ món quà Chúa ban bằng đời sống tránh xa những cám dỗ tội lỗi, và tử bỏ những thói hư tật xấu.
Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã xót xa khi nhìn thấy lối sống dẫn đến diệt vong của con dân thành Ca-pha-na-um. Vì tự mãn nên đã không nhận ra sứ điệp sám hối. Họ chai lì trong tội nên không quyết tâm thay đổi lối sống cho phù hợp Tin Mừng. Nhưng Chúa ơi, có lẽ Chúa cũng đang xót xa nhìn đến phận người chúng con. Vì thế giới hôm nay vẫn còn đó biết bao tệ nạn xấu đang gặm nhấm linh hồn chúng con. Biết bao bạn trẻ đang bị mê hoặc bởi sách báo, phim ảnh xấu đã làm mất đi sự trong trắng của tâm hồn. Họ đã để cho những tư tưởng xấu làm chủ đầu óc họ, khiến họ lao vào con đường tội lỗi. Biết bao người đang vùi sâu đời mình trong những đam mê lầm lạc khiến họ đánh mất nhân tính, và phẩm giá làm người của mình.
Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa hôm nay đánh động chúng con biết ăn năn sám hối và canh tân đời sống cho phù hợp Tin Mừng. Xin giúp chúng con thắng vượt những tư tưởng, ước muốn tội lỗi, để chúng con luôn sống trong sạch và cao thượng trong cuộc sống hôm nay. Amen.
 

Suy Niệm 4: Lắng Nghe Lời Chúa

Văn minh càng tiến bộ, càng lôi kéo con người đến sa đọa và hủy hoại nền tảng gia đình và xã hội. Ngay từ thời xa xưa, các Tiên Tri trong Cựu Ước đã thấy được hiểm họa ấy. Việc chúc dữ các đô thị là một trong những đề tài nổi bật trong lời rao giảng của các ngài. Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu tượng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người.
Chúa Giêsu cũng tiếp tục truyền thống tiên tri ấy khi Ngài lên tiếng chúc dữ một số thành phố như Corazin, Betsaida. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện con người.
Làng mạc, thành phố, đô thị, tự nó là những xã hội cần thiết để con người xây dựng các tương quan và nhờ đó phát triển nhân cách. Tuy nhiên, thay vì giúp con người phát triển, các đô thi thường lại đày đọa con người vào nỗi cô đơn và chối bỏ mối tương quan với Thiên Chúa. Sự trống rỗng trong lòng người dân đô thị cũng là dấu chỉ sự vắng bóng Thiên Chúa. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người biết rằng chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có thể tạo được tương quan đích thực giữa người với người. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, mà còn cắt đứt mọi tương quan với tha nhân.
Lắng nghe Lời Chúa, đó là bí quyết để xây dựng cuộc sống xã hội, thắt chặt quan hệ với tha nhân và trở nên thành toàn. Ðó là điều Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: con người không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu loại bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng ra khỏi cuộc sống.
Nguyện cho Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống, để khi mưu sinh và xây dựng xã hội, chúng ta biết đặt Thiên Chúa vào trọng tâm cuộc sống, đeo đuổi những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Ăn Năn Thống Hối (Mt 11,20-24)

Bài Tin Mừng hôm nay là lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với cư dân thuộc các thành phố tại miền Galilêa, nằm gần bờ hồ Tibêria. Ba thành phố đó là Khôradin, Bétxaiđa và Caphácnaum. Thành phố Khôradin nằm cách ba cây số về hướng đông bắc của Caphácnaum. Thành Bétxaiđa là quê hương của tông đồ Philiphê, Phêrô, Andrê - em ông Phêrô. Thành Caphácnaum được đặc biệt gọi tên là thành của Chúa Giêsu, nơi Chúa thường hay lui tới, sau những lần rao giảng Tin Mừng qua vùng phụ cận. Tắt một lời, đây là những nơi mà dân chúng ít nhiều đã chứng kiến tận mắt, và được hưởng phúc lành những phép lạ của Chúa, đã được nghe những lời giảng dạy của Người. Thế nhưng, không phải tất cả đều tin nhận Chúa.
Chúa Giêsu đã dành cho dân chúng tại ba thành phố nhiều ơn lành. Thế nhưng, họ không ý thức, không biết quý trọng lắng nghe, không thay đổi đời sống, trở lại với Người. Mục tiêu Chúa nhắm đến là sự ăn năn thống hối của những ai nghe lời Chúa, để lãnh nhận ơn cứu rỗi. Hơn nữa, sự tự phụ, kiêu ngạo của dân thành Capharnaum càng cao, thì sự hủy diệt họ càng nặng nề. Ân huệ được trao ban cho ai nhiều, thì người đó sẽ phải trả lẽ, phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Những lời khiển trách của Chúa Giêsu có thể được xem như là những lời tổng kết về kết quả của các vụ rao giảng của Chúa tại miền Galilêa. Chúa Giêsu đã thu nhập những môn đệ tại vùng này, nhưng đây chỉ là sự đáp trả của một thiểu số, còn đa số thì vẫn lơ là, không màng chi, dù được chứng kiến những phép lạ Chúa đã thực hiện. Những phép lạ này là dấu chỉ trên Nước Chúa,là lời cảnh tỉnh và thôi thúc con người ăn năn trở lại cùng Thiên Chúa: "Hãy ăn năn thống hối, vì Nước Trời đã gần bên". Chuyện xưa còn mang tính thời sự cho ngày hôm nay, Lời Chúa và những việc kỳ diệu Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người, cách riêng trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Lòng ăn năn thống hối phải là bước đầu tiên chuẩn bị chúng ta tin nhận Chúa. Xin hãy thương ban cho con một quả tim mới, một tinh thần mới, để con đừng hoang phí hồng ân Chúa ban cho con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Chúa Giêsu Đe Dọa

Bấy giờ Người bắt đầu quả trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối:
“Khốn cho các ngươi, hỡi Khô-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bét-xai-đa! Vì nhiều phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon,thì họ đã mặc vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.” (Mt. 11, 20-21)
Khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho người ta cùng một cách. Người hiện diện với những người này hơn với những người kia. Người nói rất rõ ràng cho người này, tối tăm khó hiểu cho người khác. Người luôn sử sự như vậy đó.
Khi Chúa Giêsu chưa đến ở giữa chúng ta, Thiên Chúa duy trì mối liên hệ đặc biệt với dân Ít-ra-en. Chẳng một dân tộc nào mà được Chúa dùng các ngôn sứ mà nói với họ, như đã nói với dân tộc này. Chẳng một dân tộc nào đã được nhìn xem kỳ công của Chúa, như Chúa đã dùng mà tỏ mình ra cho dân tộc này vậy. Đường lối ấy, Chúa vẫn tiếp tục. Khi Đức Giêsu đã sinh ra-Xứ Pa-lét-tin lại được Chúa ưu đãi. Nhưng Chúa Giêsu cũng không tỏ mình đồng đều ở khắp nơi. Chúa đã làm nhiều phép lạ hơn, và giảng dạy rõ ràng hơn ở những miền này hơn là những miền kia.
Chúa làm như vậy để gây hiệu quả. Đến ngày phán xét, những ai đã lãnh nhiều, sẽ bị đối xử nghiêm nhặt hơn. Chỉ là công bình thôi. Cho ai nhiều hơn thì đòi người ấy nhiều hơn.
Chúng ta hãy coi chừng
“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Chúa phán, khốn cho ngươi hỡi Bét-xai-đa! Khốn cho ngươi, hỡi Ca-phác-na-um!…vì đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” Lời đe dọa này thật dễ hiểu. Những thành phố này đã lãnh nhận nhiều hơn từ nơi Chúa Kitô. Nhưng chính họ lại tỏ ra lì lợm và cứng lòng tin hơn. Họ phải gánh lấy hậu quả vì không đón nhận Người và tin vào Người.
Chúng ta đang sống trong một đất nước mà đức tin Kitô giáo đã phát triển tứ lâu năm và sâu xa. Những cơ may cho ta gặp gỡ Đức Kitô và nhận biết Phúc âm đã và vẫn còn rất nhiều. Có thể là lời đe doạ của Đức Kitô cũng nói cho chúng ta hôm nay chăng?
J.Y.G
SUY NIỆM 7:
1. “Khốn cho ngươi…”
Trong các Tin Mừng, một trong những lời gay gắt của Đức Giê-su, là những lời chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay :
- Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành : “Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din, khốn cho ngươi hỡi Bết-xai-đa”
- Và sau đó, Người còn nói : “Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”
Chúng ta đừng để mình bị tê liệt bởi những lời quở trách và những lời công bố án phạt nặng nề. Cũng giống như cha mẹ của chúng ta nói những lời rất mạnh, khi chúng ta phạm lỗi nặng. Nhưng đó là những lời có tính sư phạm, chứ không phải là lời phán quyết chung cục, nghĩa là những lời này được nói ra để làm cho chúng ta sợ, sửa đổi, hoán cải, không dám tái phạm và trở nên tốt hơn.
Thật vậy, những lời quở trách của Đức Giê-su, trong trường hợp này, không phải là lời nói cuối cùng của Đức Giê-su, nói cách khác, đây không phải là bức thư tối hậu. Lời nói cuối cùng, lời tối hậu của Đức Giê-su là “lời Thập Giá” (x. 1Cr 1, 18), nói lên tình yêu bao dung và tha thứ tuyệt đối của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi.
2. Nhận ra dấu lạ
Điều quan trọng là ba thành phố này đã làm gì, đã phạm lỗi gì khiến cho Đức Giê-su nổi giận như vậy : đó là không sám hối, khi chứng kiến các dấu lạ Đức Giê-su đã thực hiện. Và trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự từ chối của cả một tập thể, đó thành Kho-ra-din, thành Bết-xai-đa và thành Ca-phác-na-um đã không biết đọc ra các dấu chỉ mà Ngài thực hiện ở giữa họ để hoán cải.
Khi nghe những lời này, ước gì chúng ta quan tâm nhiều hơn đến cách thức cả Hội Dòng, cộng đoàn và gia đình nhận ra sự hiện diện, hoạt động và lời mời gọi của Chúa ngang qua các dấu chỉ Chúa ban cho chúng ta. Có thể nói, chúng ta cũng được Chúa ưu ái ban cho các dấu lạ như đã ban cho Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um. Và chúng ta cũng được mời gọi nhận ra những dấu lạ Chúa làm cách nhưng không cho mỗi người chúng ta ở trong cuộc đời, để với lòng biết ơn, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự. Nếu không, có lẽ Chúa cũng “nổi giận” !
Trước hết, đó là dấu chỉ sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống (thiên nhiên, môi trường sống, dân tộc, xã hội, gia đình, lương thực, tương quan, ý nghĩa cuộc đời, ơn gọi…), và nhất là Đức Giê-su Ki-tô, quà tặng tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đã ban cho loài người và cho từng người chúng ta. Người là Dấu Lạ của mọi dấu lạ, ơn huệ của mọi ơn huệ. Bởi vì, Người là đường đi, là ánh sáng, là lương thực hằng sống, là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban (x. Ga 4, 10) sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng khát khao được Thiên Chúa dẫn đưa theo chính lộ ngàn đời (x. Tv 139).
3. Liên đới trong ơn cứu độ
Khi Đức Giêsu sai 72 môn đệ lên đường thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời (x. Lc 10, 1-12), Ngài không nói tới cá nhân, nhưng chỉ nói tới “cấp” nhà và “cấp” thành: vào nhà nào…; vào thành nào… Đó chính là chiều kích liên đới của ơn cứu độ mà Kinh Thánh và Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh; chẳng hạn, trong lời đối thoại của tổ phụ Abraham với Đức Chúa, chúng ta thấy rằng những người công chính có thể cứu được cả một thành đô (x. St 18, 16-33); và Đức Giêsu nói với ông Giakêu: “hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19, 9).
Trong thực tế, ơn cứu độ thường được nêu ra và giải đáp chỉ trên bình diện cá nhân: tội ai nấy chịu, công ai nấy hưởng. Điều này đúng, nhưng vẫn còn một sự thật khác: trong Chúa, còn có sự liên đới trong lầm lỗi, trong xét xử và trong cả ơn phúc nữa. Vì thế, đối tượng loan báo Tin Mừng của chúng ta không chỉ là những cá nhân, nhưng còn là và nhất là cả một dân tộc, một xã hội, một thành phố, một làng, một nhà, một cộng đoàn.
Sự liên đới trong sứ mạng loan báo Nước Trời, sự liên đới trong sự đón nhận lời loan báo, đặt nền tảng trên một sự liên đới khác, đó là sự liên đới thần linh: “Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai từ chối anh em là từ chối Thầy; nhưng ai từ chối Thầy là từ chối Đấng đã ai Thầy” (x. Lc 10, 16)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận